NGƯỜI THÀY THUỐC. Thanh Châu

 

nguoi thay thuoc 2

Hình như trời sinh anh Châu ra là để cho anh làm thày thuốc. Ngày còn đi học, với cái áo thâm chùng lụng-thụng, anh đã có vẻ một ông “lang-băm” kiết, chỉ còn thiếu một cái khăn xếp nhán gặm, một đôi giầy sơn mốc, một cái ô “tàng” nữa là hoàn-toàn giống. Ngày nay, ở trường Cao-đẳng Hà-Nội ra, đỗ bằng y-sĩ Đông-Dương được bổ về tỉnh nhà, được bổ về Huế, anh tuy đã bỏ cái áo chùng thâm để mặc bộ quần áo tây đi “mần việc tây”, nhưng trông anh vẫn chẳng gọn-ghẽ tí nào. Áo vẫn rộng, dài, quần thì hẹp quá, mũ vẫn “phở”, ca-vát nhăn-nheo, cử-chỉ vẫn vụng-về, lúng-túng. Vì năng xem sách, mắt mờ đi, anh mới tậu thêm được một đôi mắt kính. Vẻ mặt ngớ-ngẩn của anh, thêm đôi mắt kính, lại càng làm cho anh xứng với cái tên “médecin de campagne” của tụi học trò ngày xưa tinh-quái đặt cho anh.

Lúc còn ở “Cô-Le” đời Minh chỉ có một nguyện-vọng: học hết bốn năm, thi ra, đỗ, được bổ về một chốn nhà-quê xa-tít nào ở Thượng-du cũng được, làm một anh giáo-học tối-tăm không ai để ý tới và cưới được Hường, một cô bạn gái học trường Đồng-Khánh, không yêu anh bao giờ, nhưng lúc đó sẽ yêu anh, và yên lòng sống với nhau trong cái cảnh lặng-lẽ, tầm-thường đó “cho đến bạc đầu”.

Nhưng, lúc đã học hết bốn năm – năm nào Minh cũng đứng nhất lớp – lúc thi ra đã đỗ, lúc Minh đã lấy hết can-đảm để thú-thực lòng yêu với Hường, thì Hường lại cười khanh-khách mà bảo:

– Vội gì! Ông “lang nhà-quê” của tôi ơi! Hãy ra Hà-Nội học thêm, bao giờ thành ông “lang tây” về đây sẽ hay!

Thế là Minh đi Hà-Nội thực, Minh học thuốc thực. Khi người ta đã yêu, khi người đàn-bà mà người ta yêu đã truyền-phán một câu gì thì câu ấy là một cái lệnh. Minh đã đem được bằng y-sĩ Đông-Dương về Huế, và cưới được Hường. Nhưng quả tim của Hường thì không bao giờ Minh “cưới” được. Hường chỉ vì nhà túng, chỉ vì cảm-động về cái công theo đuổi của Minh mà phải nhận lời.

Cái cuộc đời hiền-lành ở một xó nhà-quê mà Minh hằng mơ-tưởng không bao giờ có nữa. Minh phải sống giữa đất Thần-kinh với một người đẹp thích ăn chơi, ưa rộn-rịp. Cái nghề của Minh lại là một nghề vất-vả, không có thì-giờ nhất-định. Minh không được ở luôn bên mình vợ quý. Hường thì trẻ hơn Minh những năm, sáu tuổi. Mỗi lần phải đi xa vợ một ngày đêm là Minh lo-lắng, chẳng yên lòng. Nhưng, Minh chẳng vì thế mà sao-nhãng công-việc, Minh biết phận-sự một người thày thuốc là quan-hệ. Minh rất yêu nghề, rất thạo nghề, và có lẽ Minh coi nghề hơn vợ nữa, tuy Hường đã là vật yêu-quý nhất đời Minh.

Năm đó, tôi vào Huế xem lễ Nam-Giao. Trong đám đông người, tôi nhận thấy một người đàn-bà Huế đẹp, tôi vừa toan giơ máy ảnh chụp thì một bàn tay to lớn nắm lấy vai tôi mà lắc:

– Ồ! Anh Vân!

Khi đã quay đầu lại và nhận được ra ai, tôi vội reo mừng:

– Minh! Thày lang-băm nhà-quê của tôi!

Minh sung-sướng ôm lấy tôi mà hôn như người Tây, làm cho tôi ngạt thở. Thân-hình Minh ngày xưa đã cao-lớn hơn tôi bây giờ lại to-béo thêm ra. Minh bỗng phá lên cười, vẫy người đàn-bà mà tôi vừa toan chụp trộm ảnh lại gần tôi:

– Hường! Hường bắt tay anh Vân đi! Anh ấy vừa toan chụp trộm Hường đó!

Tôi còn đương sửng-sốt nhìn Hường thì Minh có vẻ tự-đắc hỏi tôi:

– Có phải độ này Hường “mập” và đẹp hơn trước không anh? Ba, bốn năm chẳng gặp nhau, làm gì trông chẳng lạ.

Bữa cơm chiều hôm ấy vui như Tết. Ba chúng tôi trở lại ba người học-trò nghịch-ngợm thuở xưa. Chúng tôi ném hoa ở bàn ăn vào đầu nhau, chúng tôi viên ruột bánh tây ném vào mặt nhau, chúng tôi kể lại những truyện trêu thày giáo, chế anh em, hút thuốc lá ở chuồng tiêu, đánh bài đêm trong buồng ngủ.

Hường cười như nắc-nẻ, hai hàm răng đều-đặn. Tiếng cười trong-trẻo tỏ ra đời nàng hoàn-toàn êm-ấm bên cạnh một người chồng hết dạ yêu mình. Nhìn thấy cảnh gia-đình tươi đẹp của bạn, tôi phải buột mồm khen:

– Anh là một người đàn-ông sung-sướng!

Minh nhìn tôi, mặt thoáng một vẻ buồn… Minh cười, nhưng đó là một cái cười gượng. Tôi tự bảo thầm: “Những tiếng cười, những câu nói” bông-đùa ban nãy những cử-chỉ của Minh từ lúc gặp tôi, chỉ là giả-dối, miễn-cưỡng, chỉ là để che-đậy một nỗi buồn ngầm-ngăm trong gan ruột, một “sự bí-mật” chi đây. Có lẽ Minh đau-khổ điều chi mà vợ chàng không biết, mà không ai biết. Tính Minh xưa nay vẫn vậy, ngày còn đi học, có sự gì buồn-bực, đau-thương Minh cũng giữ kín một mình, dẫu bạn thân cũng ít khi biết rõ.

Lúc đánh bài xong, thì vừa đúng mười hai giờ đêm. Minh dẫn tôi lên gác đưa vào một gian buồng ngủ đã sắp-đặt sẵn-sàng cho tôi. Minh cười, xoa đầu tôi như xoa đầu một đứa em nhỏ:

– Vân còn nhớ cái giường trong trường của chúng ta ngày xưa không? Chỉ vừa cho một người nằm mà suốt năm chúng mình nằm chung vẫn không thấy chật.

Tôi cầm lấy tay Minh:

– Minh! Anh có điều gì giấu tôi thì phải! Anh không sung-sướng như tôi đã tưởng.

Minh vặn tắt đèn đi, quay ra phía cửa mà bảo tôi:

– Bây giờ không phải lúc nói chuyện buồn. Anh đi đường mệt cần phải ngủ. Tôi cũng cần phải ngủ để sáng mai đi thăm một người bệnh lúc năm giờ. Anh dậy đã có Hường tiếp anh, rồi Hường sẽ đưa anh đi chèo xuồng buổi sáng.

Tôi đành thay quần áo đi nằm, nghĩ lại buồn cười cho anh thày thuốc chính mình có bệnh mà không tự chữa cho mình, lúc nào cũng nghĩ đến bệnh-nhân và sức khỏe của bạn.

* * *

Tôi đang ngủ say thì có tiếng đập cửa thình-thình.

– Anh Vân dậy chứ? Gần 9 giờ rồi, dậy ăn sáng để còn đi chơi chứ?

Hường vui-vẻ như con chim buổi sáng, lanh-lẹ như con bướm ngoài vườn hoa, sai bảo kẻ hầu, người hạ, săn-sóc cho tôi ăn điểm-tâm xong, nàng kéo tay tôi chạy thẳng ra vườn chẳng khác một cô học-trò nhỏ vui-mừng vì gặp ngày nghỉ lễ rủ bạn đi chơi đùa. Cuối vườn có một cái cửa nhỏ lối Nhật. Qua cửa vườn, người ta thấy vài bực đá xây đi xuống sông Hương. Một chiếc xuồng hình thoi sơn trắng, có hai chữ “Bạch-Yến” viết rõ ràng bằng sơn đen đã buộc sẵn bên bờ. Hường bảo tôi ngồi rồi cởi dây buộc xuồng, đẩy ra xa bờ nhảy lên, chèo nhẹ-nhàng về phía Bạch-Hổ. Không-khí buổi sáng và hơi nước lạnh làm cho tôi rùng minh, vì Hường bắt tôi mặc “sơ-mi” cụt tay. Hường nhìn tôi mỉm cười chế nhạo:

– Trông anh độ này như ông già ấy, anh Vân ạ, ngủ trưa, lờ-đờ, điềm-tĩnh, hơn thế nữa, lạnh-lùng…

Tôi ngắt lời Hường:

– Vì tôi đã đi xa cái “tuổi hai mươi”, vì…

– Không! Không thể thế được! Anh không nghe người tây họ bảo, “La vie commence à 40 ans” (40 tuổi mới bắt đầu sự sống) à?

Ngay lúc đó, một chiếc xuồng sơn đỏ ở phía trên đi xuống, chèo gần sát vào chiếc Bạch-Yến của chúng tôi. Hường mặt hơi đỏ nhìn người con trai vạm-vỡ trên chiếc xuồng đỏ, mỉm một nụ cười. Người con trai cúi đầu đáp lễ. Tôi nhìn kỹ: chàng có vẻ một công-tử Hà-thành, thạo đời, lanh trai, bặt-thiệp.

Hai bắp tai to lớn như đã tập chèo xuồng và đánh vợt nhiều. Tôi chưa kịp hỏi Hường xem ai, thì nàng đã giới thiệu:

– Cậu Hải, em trai ông tham Ban ngoài Bắc vừa đổi vào đây.

Chiếc xuồng đỏ đã xa chúng tôi. Hường lại nói tiếp câu chuyện dở:

– Phải người ta sống ở đời phải biết tận-hưởng những điều vui-sướng ở đời… Ý nghĩ đời người chỉ có thế…

Rồi ngừng tay chèo, Hường nói như người đang mê:

– Vân xem, cảnh-vật tươi-đẹp thế này, không khí tốt lành thế này, chúng ta trẻ đẹp thế này, đời vui-vẻ như thế này, tội gì ta không vui đời, ta không yêu, không sướng?

Tôi quay nhìn chiếc xuồng đỏ vùn-vụt lướt trên mặt nước phẳng, sáng như mặt chiếc gương to. Tôi nhớ lại nụ cười của người trẻ tuổi. Tôi nhớ lại cái đưa mắt kín-đáo mà ý-tứ của Hường lúc chiếc xuồng đỏ đi qua. Rồi tôi nghĩ thầm:

– Có lẽ anh Minh không sung-sướng vì chiếc xuồng đỏ kia. Mà những câu Hường nói vừa rồi là những câu nàng muốn nói với người ngồi trên chiếc xuồng ấy.

* * *

Ngày hôm đó cũng qua đi, vui-vẻ như ngày hôm trước, nghĩa là bữa cơm trưa và cơm tối vẫn đầy tiếng cười trẻ-trung, vô-tư-lự của Hường, và những câu khôi-hài có ý-vị của Minh. Người trong cuộc thì hình như chẳng bận lòng đến chuyện của mình, còn tôi thì lại có một mối nghĩ trong đầu vơ-vẩn.

Sáng hôm sau, Minh bảo tôi cùng đi chơi với anh xuống Vị-Dạ, đi thăm một người bệnh cũ. Tôi biết ý là lúc này, Minh muốn cho tôi biết việc riêng. Tôi mặc quần áo rồi theo anh. Hường nhìn tôi nũng-nịu:

– Anh Vân hôm nay không đi chơi với tôi à? Đi thăm người bệnh thì có gì là thú?

Chúng tôi đi cạnh nhau không trao đổi một lời. Một lúc lâu, Minh mới ngập-ngừng nói trước:

– Bây giờ tôi cần nói để anh biết. Chắc anh đã thoáng hiểu một đôi chút…

Tôi không trả lời. Minh nói tiếp:

– Anh đã biết, hồi còn đi học, tôi yêu Hường đến thế nào? Chúng tôi ăn ở với nhau được ba năm hoàn-toàn sung-sướng, đến bây giờ…

Tôi ngắt lời Minh:

– Một người khác đã “ăn-cắp ái-tình” của anh ở nơi Hường, người có chiếc xuồng đỏ, thằng Hải…

Minh nhìn tôi ngạc-nhiên:

– Anh đã biết nói rồi? Phải, chính nó. Ngày nào nó cũng chèo xuồng qua lại sau vườn tôi. Tôi biết đã non một tháng nay…

– Mà Hường không hay gì cả?

– Không. Tôi không muốn cho Hường biết rằng “tôi đã biết”.

Qua cầu Bạch-Hổ, Minh bảo tôi đi vào một con đường hẻm, hai bên cây cối um-tùm.

– Sau bảo xuống Vị-dạ mà anh lại dắt tôi lên con đường Kim-Luông? Anh định trở về nhà?

Minh lắc đầu:

– Không. Anh đứng đây rồi tôi bảo. Anh có trông thấy vườn nhà tôi đấy chứ? Anh đứng im chỗ này, một lát nữa, rồi xem…

Độ mười-lăm phút sau, tôi thấy Hường thấp-thoáng ở trong vườn. Nàng ngồi lên chiếc Bạch-Yến như hôm qua, chèo vội-vàng về phía chúng tôi nấp, rẽ vào dưới một cây si có nhiều rễ thả xuống nước dầy như một bức mành.

Một lát sau, chiếc xuồng đỏ đưa người thiếu-niên vạm-vỡ hôm qua tôi đã thấy, cũng rẽ vào đậu bên chiếc Bạch-Yến của Hường.

Quả tim tôi đập mạnh, mặt tôi nóng bừng-bừng. Tôi tưởng đó là việc của tôi: chính tôi bị lừa-dối, người ta đang phá tan hạnh-phúc của đời tôi. Minh kéo tay tôi, lạnh-lùng nói:

– Thôi, bây giờ chúng ta đi thăm bệnh, kẻo người ta đợi.

Tôi chăm-chú nhìn Minh. Thấy nét mặt không thay đổi, nghe giọng nói tự-nhiên của bạn, mà tôi sửng-sốt. Tôi thầm phục cái gan-dạ của bạn tôi lúc đó.

Tôi nghĩ thầm:

– Có lẽ Minh đã thấy nhiều lần nên quen đi, hay là anh ta không muốn tỏ ra là mình yếu. Anh thường có tính tự-kiêu như vậy.

Đến nhà người bệnh, Minh hình như đã quên cái cảnh vừa qua. Bắt mạch, nghe ngực, nghe bụng, xem lưỡi, xem mắt…

Minh làm việc cẩn-trọng, thong-thả, khoan-thai, rồi cho đơn thuốc. Trước khi ra về anh còn dặn-dò kỹ-lưỡng, khuyên-răn, bông-đùa vui-vẻ với người bệnh như một người thảnh-thơi khoan-khoái trong lòng.

Những lúc cảm-động, đau-đớn hay tức-bực người ta thường giữ được nét mặt, giọng nói. Nhưng cái bàn tay, những cái gân tay, người ta không giữ được. Ra đến trường, tôi cầm tay Minh thấy lạnh và hơn run nên mới hiểu hết tâm-can của bạn. Minh buồn-rầu nhìn ra phía sông, anh hiểu rằng tôi đã rõ nỗi đau-khổ ngấm-ngầm của anh.

– Anh Vân! Anh có thấy không? Tôi chịu khó nhọc bao nhiêu vì ai? Học hành mười mấy năm trời, làm việc không kể bữa ăn giấc ngủ, như vậy để mong gì?

Tôi im-lặng, không biết lời gì để an-ủi bạn. Tôi thoáng nghĩ đến cảnh tan-nát của một gia-đình đương êm-ấm.

– Chắc Vân đã hiểu sự đau-khổ của tôi đến bậc nào rồi! Thế mà tôi vẫn nén giữ được lòng tôi. Tôi không dám cho Hường hiểu rằng tôi không phải là “một đứa mù”. Chỉ vì tôi không muốn cho đời tôi tan-nát. Tôi đã chịu, đã trải qua bao nhiêu nhọc-nhằn, cay-đắng mới có ngày nay. Một người khác ở địa-vị tôi thì có lẽ họ đã chém, đã giết, đã phá-hủy, gây nên những sự tàn-ác, gớm-ghê rồi. Nhưng tôi thì không. Tôi muốn “chữa” muốn “cứu” như tôi đã chữa, đã cứu biết bao nhiêu người. Tôi sợ những sự tàn-bạo cũng như tôi sợ một tay khán-hộ vụng-về trong việc mổ xẻ người đau. Anh nên biết, chữa tâm-tính người ta cũng phải ý-tứ, cẩn-thận như khi mổ bụng, mổ gan, phải có đủ đồ làm tỉ-mỉ, phải thận-trọng từng ly, từng tý. Đã lâu nay, tôi dò-xét cái nguyên-bệnh của Hường, tôi nhận thấy cái hại nó mới ở ngoài, chưa có sự nguy-hiểm ở trong. Cũng như cái ung, cái nhọt ở ngoài da, bây giờ tôi chỉ cần phải mổ. Mổ một cách khéo-léo, nhẹ-nhàng, êm-ái, không đau mà cũng không để thành sẹo. Mục-đích của nghề thuốc là chữa mà không cho bệnh-nhân biết cái nguyên-cớ của bệnh họ, vì sau khi khỏi bệnh, nếu họ biết, thường có thể sinh ra một chứng khác. Tôi có thể chữa mau lành cho một người đau khi nào tôi đã làm cho họ tin rằng họ không đau gì hết, không có gì đáng lo ngại. Tôi muốn dùng lối đó để chữa cho Hường. Vì, dầu sao, tôi cũng vẫn yêu Hường, tôi sẵn lòng tha-thứ. Số trời đã định vậy, đời tôi không thể không có Hường được. Tôi muốn lấy lại lòng yêu của Hường mà không để cho Hường có một cái kỷ-niệm xót-xa, cho sau này, Hường có thể yêu tôi mà không bẽ-bàng với chồng, không tự thẹn với mình. Anh đã hiểu ý tôi chưa?

Tôi hỏi:

– Anh định đối phó với kẻ thù-địch thế nào?

– Tôi sẽ giáp mặt Hải. Tôi sẽ bắt buộc nó phải dời bỏ tỉnh này. Nó chỉ là một thằng chơi-bời, lêu-lổng, vô nghề-nghiệp, cần tiền, tôi biết. Tôi sẽ cho nó tiền, để nó tránh khỏi con đường của tôi. Tôi sẽ dọa giết nó, nếu nó chẳng chịu nghe tôi. Tôi dọa đưa nó vào “tròng” nếu nó còn quyến-luyến vợ tôi. Và trong thời kỳ nó sắp đi khỏi tỉnh này, tôi sẽ xin phép nghỉ, ở luôn bên cạnh vợ tôi, để ý săn-sóc đến Hường, không dời nàng một phút. Từ trước đến giờ tôi tận-tụy với nghề, tôi ham-mê công-việc đến nỗi đối với vợ hững-hờ, có lẽ cũng vì thế mà Hường có ngoại-tình, biết đâu chẳng là lỗi ở tôi!

***

Về Hà-Nội được ít lâu, một hôm tôi nhận được thư Minh:

“Anh Vân.

“Tôi đã mổ được cái nhọt của Hương, không đau mà cũng không thành sẹo. Hường đã khỏe, đã thực khỏi rồi. Tôi đã cướp lại được những ngày sáng-sủa, vui-tươi khi trước.

“Anh nên mừng cho tôi, và trong đời, nếu anh có gặp người nào giống cảnh-ngộ tôi, nhờ anh khuyên hộ: ở đời nhiều khi người ta phải giả mù giả điếc, phải biết tự-chủ, biết nhịn, biết giả-đò, biết…”

***

Năm nay, vào xem Hội-Chợ Huế, một buổi chiều thơ-thẩn trong vườn Tĩnh-Tâm, tôi gặp một đôi trai gái khoác tay nhau nỉ-non, thầm trao đổi những câu ân-ái. Tôi nhìn kỹ thì người đàn-bà chính là Hường. Tôi nhìn kỹ người đàn-ông. Thì chính là Hải. Chỉ sợ hai người nhận ra tôi, tôi hoảng-hốt vội lánh đi khỏi vườn như một thằng ăn cắp.

Tối hôm sau cùng ngồi ăn cơm với Minh và Hường, nhìn vẻ vui-sướng trên mặt vợ chồng Minh, xuýt nữa tôi lại buột mồm khen bạn:

– Anh là một người đàn-ông sung-sướng nhất đời!

 

Nguồn: Phổ Thông Bán Nguyệt San, số 17, 01.4.1938