Lời nói đầu
Danh từ giải phẫu là một trong những loại danh từ xuất hiện đầu tiên trong lịch sử y học và đã được phát triển tới mức độ khá cao dưới thời Herophiles và Erasistratos ở thế kỷ thứ ba trước Công Nguyên. Dưới thời Galen (thế kỷ thứ hai sau Công Nguyên), tiếng Hy Lạp được dùng để đặt tên cho các danh từ giải phẫu. Đến thời Trung cổ, các nhà giải phẫu dùng chủ yếu danh từ la tinh có thêm một số ít từ Ả Rập và cổ Hy lạp. Cho tới lúc đó, danh từ giải phẫu còn rất nghèo nàn. Phải đợi đến đầu thời kỳ Phục Hưng, nhờ Vesalius (1517 - 1564) người thầy vĩ đại của ngành giải phẫu học hiện đại đề xuất, thì tiếng La tinh mới thực sự được dùng để đặt tên cho các danh từ giải phẫu. Mặc dầu vậy, danh từ vẫn chưa được thống nhất. Một chi tiết giải phẫu vẫn được gọi khác nhau theo từng tác giả và từng địa phương. Mãi đến năm 1895, một Hội nghị Quốc tế đầu tiên mới được họp ở Basle để đề ra một bản danh từ giải phẫu gọi là Basle Nomina Anatomica (viết tắt là BNA, 1895). Bốn mươi năm sau, một bản danh từ khác đã được Hội Các Nhà Giải Phẫu Đức đưa ra lấy tên là Jena Nomina Anatomica (viết tắt là JNA, 1935). Ưu điểm của bản danh từ này so với BNA là đưa thêm được nhiều từ về hệ thần kinh. Tuy nhiên, bản danh từ này ít được sử dụng ở các nước có ngôn ngữ gốc anglô-saxon và ngôn ngữ Nga.
Để xóa bỏ tình trạng song song tồn tại hai bản danh từ BAN và JNA, Hội nghị Quốc tế lần thứ sáu các nhà giải phẫu họp ở Paris (1955) đã đưa ra một bản danh từ mới lấy tên là Paris Nomina Anatomica (viết tắt là PNA, 1955). Bản danh từ này đã là cơ sở quốc tế thống nhất các danh từ giải phẫu vẫn được dùng cho tới lúc đó. Các Hội nghị quốc tế tiếp sau ở Niu-yoóc (1960) ở Vietbađen (1965) ở Matxcơva (1969) v.v… cũng có thảo luận lại bản danh từ PNA và có bổ sung đôi chút, song về cơ bản vẫn dựa trên bản danh từ PNA (1955) đó.
Ở nước ta, dưới thời Pháp thuộc, danh từ giải phẫu dựa vào các tài liệu của Pháp nghĩa là khác ít nhiều so với danh pháp quốc tế của PNA. Sau khi miền Bắc được giải phóng (1954) các danh từ Pháp đó được dịch sang tiếng Viết để giảng dạy giải phẫu học trong các trường đại học. Bốn tập sách giáo khoa về giải phẫu học đầu tiên bằng tiếng Việt của Giáo sư Đỗ Xuân Hợp xuất bản sau đó ít lâu vẫn chủ yếu sử dụng các danh từ cũ và đôi chỗ có chú thích thêm danh từ quốc tế PNA. Tuy vậy, danh từ quốc tế la tinh vẫn chưa được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, nhất là ở các khoa lâm sàng và cận lâm sàng khác. Ngày nay ở hầu hết các nước trên thế giới, các giáo trình giảng dạy giải phẫu học đều sử dụng danh từ la tinh quốc tế hoặc ít nhất cũng chua thêm tiếng la tinh bên cạnh danh từ bằng tiếng mẹ đẻ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng đã đến lúc phải có một cuốn Từ điển thuật ngữ giải phẫu học theo danh pháp la tinh quốc tế ở Việt Nam. Hơn bất cứ ngành nào trong y học và sinh học, danh từ giải phẫu là cơ sở để sử dụng cho hầu hết các ngành.
Thật vậy, khoảng thế kỷ đầu tiên sau Công nguyên, Rufus đã nói về tầm quan trọng của việc nắm vững danh từ giải phẫu học đối với các nhà y học giống như việc gẩy và gọi được từng dây đàn đối với những người muốn học chơi đàn, hoặc phải biết và gọi được các tên chữ cái của một ngoại ngữ đối với người muốn học ngoại ngữ đó. Vào thế kỷ thứ 16, trong cuốn “Giải thích Từ điển giải phẫu học”, Isaac Joubert cũng đã viết “Mỗi khoa học có một ngôn ngữ riêng của nó mà mỗi người khi mới bắt đầu học phải được dạy và giải thíchm, nếu không người đó sẽ không thể nào theo đuổi được việc học”. Chỉ ít lâu sau cuộc Cách mạng tháng 8, (1945), để đáp ứng với yêu cầu giảng dạy và học tập bằng tiếng Việt trong các Trường Đại Học, giáo sư Đỗ Xuân Hợp, một trong những nhà giải phẫu học đầu tiên của Việt Nam đã đề xuất và thực hiện việc dịch các danh từ giải phẫu ra tiếng Việt. Mục đích của việc biên soạn cuốn từ điển này là kế tục sự nghiệp đó.
Vì trình độ có hạn, lại xuất bản lần đầu tiên, nên mặc dầu ban biên soạn đã có nhiều cố gắng song cuốn sách chắc chắn còn nhiều thiếu sót. Chúng tôi mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các bạn đọc để cho những lần tái bản sau được hoàn chỉnh hơn.
NGUYỄN QUANG QUYỀN