AZIT NÊXIN
(Chuyện Thổ Nhĩ Kỳ)
Chúng ta thiếu thầy thuốc là thế, nhưng một số người vẫn phải chạy sang Âu, sang Mỹ kiếm ăn! Thì ra có những nhà thông thái nửa mùa của chúng ta muốn rằng các bác sĩ trẻ học ở nước ngoài trở về trước hết phải qua một kỳ sát hạch rồi mới được hành nghề.
– Anh về nước làm gì? – Một bác sĩ già, giàu kinh nghiệm, làm giám khảo hỏi.
– Ðể làm việc, để chữa bệnh ạ.
– Hừm, tất nhiên… Ngoài ra anh còn biết làm gì nữa?
– Thế là thế nào ạ?
– Thế là thế, chứ còn thế nào nữa? Thí dụ, biết sáng tác nhạc, làm thơ, đóng phim, buôn bán… Hay cũng có thể anh có khả năng làm nghị viên, làm bộ trưởng, làm chính khách… Tất nhiên anh sẽ phải làm một việc gì như thế chứ.
– Dạ, không. Cháu chỉ chữa bệnh thôi ạ. Cháu con nhà nghèo, làm cho nhà nước lương không đủ ăn, nên cháu sẽ làm tư…
– Hà… hà… hà… Không có hàm chánh, phó giáo sư mà đòi làm tư? Thế lấy ai dẫn khách cho anh lúc đó?
– Tức là dẫn bệnh nhân ấy ạ?
– Phải, khách ấy mà…
– Chắc là bệnh nhân tự đến lấy…
– Làm sao bệnh nhân tự đến được?
– Nếu bệnh nặng thì có xe chở đến…
– Ðược rồi, vậy cái người chở bệnh nhân ấy tên là gì?
– Làm sao cháu biết được tên anh ta, anh ta đã chở cho cháu bao giờ đâu.
– Tôi không hỏi tên riêng mà hỏi cái loại người chở khách bệnh nhân ấy gọi là gì?
– ?…
– Loại đó gọi là lái, như là lái buôn ấy… Ðằng này là lái y học. Như anh chẳng hạn, anh cũng không bao giờ gửi bệnh nhân phòng khám công đến bác sĩ tư, phải không nào? Nếu không ai chỉ thì sao bệnh nhân đến chỗ anh được? Một điều như thế mà ở nước ngoài người ta cũng không dạy anh hay sao? Thôi được, bây giờ anh nói đi, thế nào là hữu ái nghề nghiệp?
– Là tương trợ lẫn nhau, phải không ạ?
– Thế là anh không biết rồi, để tôi giảng cho mà nghe. Giả dụ bây giờ có người đến kêu với anh là bị bệnh trĩ. Anh khám xong rồi gửi đến cho một người chuyên về phụ khoa…
– Người ta bị trĩ sao lại gửi đi phụ khoa?
– Bạn anh ăn tiền rồi lại gửi cho một người bạn khác chữa răng…
– Nhưng…
– Tay nha sĩ ấy lại gửi đi da liễu, da liễu lại gửi đi chiếu điện, chiếu điện lại gửi đi nhãn khoa. Cuối cùng hắn ta bị gửi đi thần kinh. Ðến lúc ấy thì thần kinh của hắn cũng suy sụp thật… Nếu hắn còn đủ cơm ăn nước uống thì rồi tự hắn sẽ khỏi bệnh, nhược bằng không thì hắn sẽ chết và bệnh cũng hết. Chết rồi hắn lại còn phải rơi vào tay thầy thuốc một lần nữa, đó là tay giải phẫu lâm sàng. Thôi, bây giờ anh nói đi, anh phải làm gì để được nổi tiếng?
– Cháu sẽ cố gắng điều trị giỏi và sống có lương tâm…
– Hức!… Nghe đây! Anh phải lăng xê lên báo một câu quảng cáo: “Người nghèo khám không lấy tiền. Hàng ngày khám sau bữa cơm trưa.” Khi khách đến hơi đông anh rút xuống chỉ khám thứ hai, thứ năm… Sau đó mỗi tuần một lần, sau đó mỗi tháng một lần… Khi khách đã kéo đàn kéo lũ mà đến thì anh thôi không khám xuông nữa. Từ đó về sau anh cứ tăng dần tiền khám. Người ta sẽ nghĩ rằng chắc anh phải có những bí quyết gì ghê gớm lắm thì mới lấy đắt như vậy. Thế là tất cả bệnh nhân đổ xô đến… Sau đó anh lại phải cho đăng báo những lời bệnh nhân gửi đến tri ân… Thôi, còn trường hợp này, nếu một bệnh nhân đến mà anh không tìm thấy bệnh gì thì anh xử lý như thế nào?
– Cháu sẽ bảo rằng anh ta khoẻ…
– Chặc… chặc…! Thế mà cũng đòi làm bác sĩ! Chẳng lẽ trên đời lại có người hoàn toàn khoẻ mạnh? Mà nếu như quả thật hắn ta không có bệnh gì thì anh cũng phải cho hắn một cái đơn chữ rất ngoáy đến nỗi hắn không tài nào đọc được rồi bảo hắn ra hiệu thuốc… Dù anh có viết trời đất gì đi nữa thì thằng chủ hiệu rất tâm lý kia sẽ tìm ra ngay vô khối bệnh tật cho khách… Hừ, anh càng viết mờ mịt bao nhiêu thì tờ hoá đơn lại càng rành mạch bấy nhiêu… Ngoài ra anh lại phải thường xuyên viết báo về nhiều vấn đề khác nhau, chẳng hạn “Bàn về chế độ thuê nhà”, “Công tác bảo vệ rừng”, “Ðạo đức người lái xe”, “Vì sao người ta mất trí”… như thế là để tên tuổi anh thường xuyên xuất hiện trên mặt báo và mọi người sẽ nói rằng: anh ta hiểu biết ghê thật! Phải khéo léo làm sao sau này lên được chức thị trưởng, tỉnh trưởng, nghị sĩ hoặc thậm chí bộ trưởng… Ðó, ta nhìn thấy rất rõ rằng anh không thể làm nổi bác sĩ đâu… Tốt nhất là anh nên quay lại chỗ anh mới học bên Ðức, bên Mỹ gì đó!
– Cháu xin cám ơn, chúc bác khoẻ!
– Anh cũng khoẻ nhé, đừng có ốm đấy!
Theo Đức Mẫn
(Những người thích đùa)
Nguồn: Y Học Cho Mọi Người. Số 10 tháng 5.1997