NGƯỜI ĐÀN BÀ PHÙ PHIẾM. Anton Chekhov

I

Hôm cưới Onga Ivanốpna có đông đủ những người bạn thân, những người quen của nàng đến dự.

– Các bạn thử nhìn xem: ở anh ấy cũng có một cái gì dáng để ý đấy chứ? – Nàng vừa nói với bạn bè của mình vừa đưa mắt về phía chồng như muốn phân trần rằng tại sao nàng lại lấy một người giản dị, rất bình thường, hoàn toàn không có gì nổi bật cả.

Chồng nàng, Oxip Xtêpanứts Đưmốp, là một bác sĩ ăn lượng bậc 9. Anh làm việc tại hai bệnh viện: ở một nơi anh làm bác sĩ trợ lý ngoại ngạch còn ở nơi kia thì làm bác sĩ đại thể. Hàng ngày, từ 9 giờ sáng đến giữa trưa anh khám bệnh và nghiên cứu tại phòng riêng của mình, buổi chiều thì lên ngựa đi đến bệnh viện khác, nơi anh chuyên mổ xẻ những thi thể người đã chết. Số tiền anh kiếm được thêm thật là nhỏ mọn: một năm chỉ khoảng chừng 500 rúp. Đấy, tất cả là thế. Có thể kể được thêm điều gì về anh nữa đâu? Còn Onga cùng các bạn và người quen của nàng thì lại là những người không phải hoàn toàn bình thường. Mỗi người trong bọn họ đều có một cái gì nổi bật tôn họ lên, đều ít nhiều có tiếng tăm, có tên tuổi trong xã hội; hoặc nếu chưa nổi tiếng thì ít ra cũng có nhiều hứa hẹn sẽ nổi tiếng. Đó là một diễn viên ở nhà hát kịch nói, một tài năng lớn đã được công nhận từ lâu, một người thông minh, khiêm tốn, ăn vận sang trọng, một người ngâm thơ tuyệt hay và đang dạy Onga ngâm thơ. Đó một danh ca của nhà hát Opêra, một người phốp pháp hiền lành. Anh ta luôn thở dài tiếc rẻ mà cam đoan rằng nàng đã tự huỷ hoại tài năng của mình bởi vì, nếu nàng không lười nhác, nếu nàng dấn lên được thì nàng đã thành danh ca lẫy lừng rồi. Tiếp đó là những hoa sĩ mà giỏi nhất trong sinh hoạt, về súc vật và phong cảnh, một chàng trai trẻ và rất đẹp, có bộ tóc mầu hạt dẻ, tuổi độ hai mười lăm. Trong giới hội hoạ, tác phẩm của Riabốpxki luôn luôn được mọi người chú ý. Anh ta đã bán được bức tranh cuối cùng của mình đến 500 rúp. Riabốpxki thường sửa những tác phẩm của Onga và nói rằng nàng cũng có thể trở thành hoạ sĩ được. Đó là nhạc sĩ xellô, người có tiếng đàn thiết tha não nùng, người đã nói thẳng rằng trong tất cả những phụ nữ mà y quen chỉ có Onga là người duy nhất biết đệm đàn cho y. Đó là một nhà văn tuy còn trẻ nhưng cũng đã nổi tiếng, người chuyên viết truyện ngắn, truyện vừa và kịch. Còn ai nữa? Có thể thêm Vaxili Vaxihits, một địa chủ quý tộc, một nhà vẽ minh hoạ và trang trí nghiệp dư thấm nhuần phong cách cổ Nga trong những trường ca và chuyện kể. Anh ta sáng tạo nên những đường nét trang trí, những bức tranh tuyệt diệu trên những bình sứ, đĩa ám khói đen hay trên những trang giấy… Giữa đám người nghệ sĩ phóng khoáng, được số phận nuông chiều và cũng không phải là không lịch thiệp và khiêm tốn, – đám người chỉ nhắc đến các bác sĩ khi nào họ bị ốm, – cái tên của Đưmốp cũng làm cho họ thờ ơ, dửng dưng như bao nhiêu tên khác như Xiđônốp hay Taraxốp; đối với bọn người ấy Đưmốp trở nên một nhân vật thừa, xa lạ và nhỏ bé mặc dù người anh cao lớn, đôi vai anh vạm vỡ. Người ta có cảm tưởng rằng bộ áo cánh lịch sự mà anh đang mặc kia là của người khác và cái bộ râu cằm kia làm anh trông giống như kẻ bán hàng thuê. Tuy nhiên, nếu anh là một nhà văn hay nhà họa sĩ chắc người ta sẽ tán dương rằng bộ râu cằm làm anh giống Zôla quá.

Người diễn viên nói với Onga rằng với bộ tóc màu lanh, với bộ áo cưới, nàng giống như một cây anh đào thon thả, mà khi mùa xuân về nở đầy hoa mềm dịu trắng ngát.

– Không, anh nghe đây này, nàng nắm lấy tay người diễn viên và nói, – Tại sao lại bất ngờ có cái điều đang xảy ra hôm nay? Anh hãy nghe tôi kể đây này. Cần phải nói với anh rằng bố tôi cùng làm việc trong một bệnh viện với Đưmốp, suốt ngày đêm túc trực bên giường bố tôi. Thật là tận tụy quên mình biết bao nhiêu! Hãy nghe đây, điều kể sẽ rất thú vị đấy. Lại gần đây một tí! Thật là tận tụy quên mình hết sức! Ban đêm tôi cũng không ngủ và cùng túc trực bên giường bệnh. Thế rồi trời gọi bố tôi đi. Đưmốp của tôi rất xúc động và đau đớn. Số phận thường kì dị như thế. Sau khi bố tôi chết, thỉnh thoảng Đưmốp có đến nhà tôi chơi, gặp nhau ngoài đường phố thì chào hỏi lịch sự và rồi đến một ngày kia thật bất ngờ – Đưmốp ngỏ lời muốn cưới tôi làm vợ… Suốt đêm hôm đó, tôi nằm khóc và cảm thấy mình đã phải lòng anh ấy ghê gớm và thế là, như các anh thấy đấy, tôi trở thành vợ Đưmốp. Có đúng là trong anh ấy có một cái gì chắc, khoẻ như ở một con gấu không? Bấy giờ mặt anh ấy chỉ hướng về phía chúng ta có 3/4 thôi, ánh sáng lại yếu nữa; nhưng lúc nào anh ấy quay hẳn lại đây, các bạn hãy nhìn vầng trán của Đưmốp mà coi. Đưmốp, em đang kể chuyện anh đây! Nàng quay về phía chồng gọi. – Anh lại đây đi! Hãy đưa bàn tay trung thực của anh cho Riabốpxki… Thế này này. Từ giờ trở đi hãy trở thành bạn bè của nhau nhé!

– Rất hân hạnh được quen anh. Tốt nghiệp cùng nhóm với tôi cũng có có người tên là Riabốpxki, có họ hàng gì với anh không?

 

II

Năm ấy, Onga hai mươi hai tuổi, còn Đưmốp thì ba mươi mốt tuổi. Những ngày sống chung sau khi cưới của họ thật là hạnh phúc. Trong phòng khách, Onga treo gần kín tường đủ các thứ tranh, của mình cũng như của người khác, có khung cũng như không có khung. Bên cạnh chiếc đàn dương cầm nàng để đủ các thứ ở Trung Quốc, giá vẽ, dao găm, tượng bán thân, các tấm ảnh chụp, những tấm vải sặc sỡ… trông thật vui mắt. Trong phòng ăn, nàng gắn lên tường những tấm tranh khắc gỗ, treo mấy chiếc dao quắm, dựng những cái cào và cái hái trong góc nhà, những cái áo đã đem lại cho căn phòng một phong thái rất Nga. Trong phòng ngủ nàng cố bài trí thành một cái hang: trên tường và trần nhà nàng căng những tấm vải dầy, đen sẫm, phía bên giường ngủ nàng treo một cái đèn kiểu Vơnizơ, trước cửa ra vào dựng một hình người tay cầm lưỡi rìu cán dài. Mọi người đều thừa nhận rằng đôi vợ chồng trẻ ấy có một căn nhà rất ấm cúng.

Hàng ngày, Onga thức dậy vào khoảng 11 giờ. Sau đó nàng ngồi bên dương cầm dạo một bản đàn hay vẽ tranh sơn dầu nếu trời nắng tốt. Độ khoảng 1 giờ trưa, nàng đến chỗ người thợ may quen biết để ăn diện với bạn bè, muốn tỏ ra lúc nào cũng áo áo mới, nàng và người thợ may ấy phải khéo léo chữa lại những bộ váy cũ, vì Đưmốp cũng như nàng không có nhiều tiền; nhiều khi, từ những bộ váy cũ qua nhiều lần nhuộm, những đoạn vải nhung, tơ, đăng ten v.v… bỏ xó, người thợ may đã làm ra những bộ váy áo tuyệt đẹp, đáng thán phục, đẹp như trong mơ. Từ nhà người thợ may Onga thường hay đến gặp một nữ diễn viên quen biết nào đó để xem buổi biểu diễn ra mắt những vở kịch mới; hay là những đêm kịch nhằm ủng hộ một diễn viên nào đó. Từ nhà nữ diễn viên nàng thường đi đến xưởng hoạ của một hoạ sĩ nào đó, hoặc đi xem triển lãm tranh rồi tới nhà một nhân vật nổi tiếng để mời họ đến chơi nhà mình; để thăm viếng lại, hoặc là chỉ để nói chuyện phiếm. Bất kỳ ở đâu người ta đều đón tiếp nàng rất nhiệt tình và vồn vã, nói cho nàng tin rằng nàng rất đẹp, rất đáng yêu. Ít khi có thể gặp được người như nàng… Những người nàng cho là vĩ đại là nổi tiếng đều đã nói chuyện với nàng như người ngang hàng và nhất loạt cam đoan rằng với tài năng, trí thông minh, và một khiếu thẩm mỹ tinh tế nàng sẽ trở thành một nghệ sĩ thực thụ, chỉ có điều đó là nàng phải đi sâu vào một lĩnh vực nào đó thôi, đừng tản mạn nửa chừng bỏ dở. Nàng hát, nàng chơi đàn, vẽ tranh, nặn tượng hay diễn kịch đều không phải được chăng hay chớ mà đều lộ rõ vẻ tài hoa. Dù là kết đến hoa để trang trí, sửa soạn áo xống dự hội hay thắt hộ cà vạt cho ai, bao giờ những việc nàng làm đều toát ra một cái gì rất nghệ thuật, duyên dáng và đáng yêu. Nhưng không có một lĩnh vực nào mà tài năng của nàng lại thể hiện một cách rõ rệt như trong việc làm quen và chơi thân rất nhanh với những người nổi tiếng. Chỉ cần có một ai vừa mới hơi nổi tiếng, được mọi người chú ý là nàng đã làm quen ngay được với người ấy, kết làm bạn bè ngay hôm đó và mời đến nhà chơi luôn. Mỗi lần quen thêm một người là một lần nàng vui như trong một ngày hội thật sự. Nàng tôn sùng những người có tiếng tăm, tự hào về họ và đêm nào cũng nằm mơ về những người ấy. Nàng khao khát muốn gặp họ và không làm sao nguôi được niềm khát khao đó. Những người quen cũ dần dần ít lui tới và dễ bị quên đi. Những người mới lại đến thay. Nhưng rồi với những người mới này, chẳng mấy chốc nàng cũng cảm thấy nhàn nhạt hay là thất vọng về họ. Và nàng lại hăm hở đi tìm những người bạn nổi tiếng mới, tìm được rồi lại đi tìm nữa… để làm gì?

Năm giờ chiều, nàng ăn cơm ở nhà với chồng. Cái giản dị, lành mạnh, khoẻ khoắn, đôn hậu của anh làm lòng nàng dịu đi, tràn ngập sung sướng. Có khi nàng vụt đứng dậy ôm chầm lấy đầu Đưmốp và vồ vập hôn anh.

– Đưmốp, anh thật là con người thông minh, phúc hậu – nàng nói – nhưng anh có một nhược điểm rất lớn đấy. Anh hoàn toàn không quan tâm đến nghệ thuật, anh phủ nhận cả âm nhạc lẫn hội hoạ.

– Anh không hiểu những cái đó, Đưmốp trả lời gọn lỏn. – Từ trước đến nay anh chỉ nghiên cứu khoa học tự nhiên và y học. Anh không còn thì giờ để nghĩ đến nghệ thuật.

– Nhưng mà điều đó đáng sợ lắm. Anh Đưmốp ạ!

– Sao lại thế? Bạn bè của em không biết gì cả về khoa học tự nhiên cũng như về y học. Tuy vậy, anh không thấy em trách móc họ điều gì. Mỗi người có ý thích riêng em ạ. Anh không hiểu những bức tranh và các vở ca kịch, nhưng anh nghĩ rằng nếu có một số người thông minh hiến cả đời mình cho những cái đó và một số người khác bỏ ra những món tiền lớn để thưởng thức thì điều ấy chứng tỏ những cái ấy cũng cần thiết. Anh không hiểu, nhưng không hiểu đâu phải là phủ nhận?

– Đưa cho em nắm bàn tay trung thực của anh xem nào!

Sau bữa ăn, Onga đến chơi nhà bạn rồi đi xem kịch nghe hoà nhạc, và đến quá nửa đêm mới trở về nhà. Ngày nào cũng vậy.

Vào tối thứ tư mỗi tuần, nàng tổ chức những buổi dạ hội nhỏ. Trong những buổi ấy, chủ và khách không đánh bài và nhẩy, mà giải trí bằng những tiết mục có tính chất nghệ thuật hơn. Diễn viên nhà hát kịch nói thì ngâm thơ, nhà danh ca thì hát, các hoạ sĩ thì vẽ vào trong các tập anbom của Onga – những tập anbom này nàng có rất nhiều – nhạc sĩ xellô thì chơi đàn và bản thân cô chủ thì khi vẽ, khi nặn tượng, khi hát, khi đệm đàn. Những lúc nghỉ sau khi ngâm thơ, nghe nhạc thì họ tranh cãi với nhau về văn học, về hội họa hay về sân khấu v.v… Trong đám khách ấy, không bao giờ có một phụ nữ nào vì Onga cho rằng, trừ những nữ diễn viên và người thợ may của mình, bọn họ đều tầm thường và chán ngấy. Không có một buổi dạ hội nào mà không có những hồi chuông gọi cổng của người mới đến. Và một lần như thế, Onga gọi giật mình và đắc thắng thốt lên: “Anh ta đấy! ”, “anh ta” tức là một nhân vật nổi tiếng nào đó vừa mới được mời. Trong phòng khách không có Đưmốp và cũng chẳng ai nhớ đến sự tồn tại của anh. Nhưng đúng vào lúc 11 giờ rưỡi đêm, khi cánh cửa thông sang phòng ăn mở rộng thì Đưmốp xuất hiện với nụ cười phúc hậu dễ thương và vừa xoa xoa tay anh vừa nói:

– Mời quý vị sang xơi điểm tâm.

Mọi người bước sang phòng ăn và lần nào cũng vậy, họ lại thấy trên bàn ngần ấy thứ: những đĩa sứa biển, những miếng giăm bông hay thịt bò non, những đĩa cá trích, pho mát, trứng cá, nấm, rượu trắng và hai bình rượu mùi.

– Anh đầu bếp thân mến của em! – Onga vừa nói vừa khoa tay vì sung sướng. – Anh thật đáng yêu quá! Các ngài hãy nhìn vầng trán anh ấy mà xem! Đưmốp, anh quay nghiêng đi một tí! Các ngài nhìn xem kìa: nét mặt anh ấy vừa có cái vẻ của con hổ xứ Bengan, vừa có cái vẻ hiền lành đáng yêu của con nai con. Ôi! Đáng yêu quá!

Những người khác vừa ăn vừa nhìn Đưmốp và nghĩ rằng: “Quả thực là rất đáng yêu”; nhưng rồi chỉ một lúc sau, họ quên ngay Đưmốp và lại tiếp tục bàn luận với nhau về sân khấu, âm nhạc, hội hoạ.

Đôi vợ chồng trẻ ấy cảm thấy rất hạnh phúc, và cuộc sống của họ cứ trôi đi một cách êm ả. Tuy nhiên tuần thứ ba trong tháng trăng mật của họ không được vui cho lắm, thậm chí còn đáng buồn nữa là đằng khác. Đưmốp bị lây bệnh hoả đan. Anh phải nằm sáu ngày liền trên giường và cạo trọc mái tóc rất đẹp của mình. Nàng ngồi bên giường Đưmốp và lặng lẽ khóc. Khi anh đã đở sốt thì nàng quấn lên cái đầu đã bị cạo nhẵn của anh một tấm vải trắng, rồi nhìn anh mà vẽ bức tranh người Ả Rập lang thang. Cả hai đều thích thú với cái trò nghịch ngợm đó. Đưmốp bình phục và anh lại tiếp tục đến bệnh viện làm việc. Nhưng chỉ độ ba ngày sau lại có chuyên không vui xảy ra.

– Mình này, anh thật không may! – Có lần trong bữa ăn anh nói với vợ. – Hôm qua anh phải mổ bốn xác chết và vô ý để dao rạch phải hai ngón tay. Chỉ đến lúc về nhà rồi anh mới biết.

Onga lộ vẻ sợ hãi. Đưmốp bèn cười và nói rằng cái đó chẳng hề gì và chuyện anh tự làm đứt tay khi mổ xác là chuyện thường gặp.

– Lúc ấy anh chăm chú quá thành ra đãng trí thế thôi.

Onga nghĩ đến lúc chồng có thể bị lây bệnh từ xác chết mà lo lắng vô cùng. Đêm nào nàng cũng khấn trời và cũng may mà mọi sự đều qua đi một cách trót lọt. Và cuộc sống hạnh phúc, thanh bình của họ lại êm đềm trôi đi, không gợn chút buồn rầu, lo lắng. Hiện tại đã đẹp đẽ thế nhưng tương lai lại càng diễm lệ hơn vì mùa xuân đang tới – mùa xuân đang mỉm cười từ đằng xa và hứa hẹn trăm nghìn đều sung sướng. Hạnh phúc sẽ kéo dài vô tận! Tháng tư, tháng năm, tháng sáu – nghỉ mát tại nhà riêng ở rất xa ngoài thành phố, rồi những cuộc dạo chơi, câu cá, nghe hoạ mi hót, vẽ tranh; rồi từ tháng bảy cho đến tận mùa thu, cả đoàn hoạ sĩ sẽ đi du ngoạn trên dòng sông Vonga. Và Onga sẽ tham dự vào chuyến đi đó như một thành viên không thể thiếu được của cái “Xôxiêtê” ấy. Nàng đã sắm cho mình hai bộ quần áo đi đường, mua thêm màu, bút lông, vải gai và giá vẽ mới. Hầu như ngày nào Riabốpxki cũng đến nhà nàng xem nàng vẽ tiến bộ thế nào. Mỗi lần nàng cho Riabốpxki xem tiểu phẩm mới của mình là hoạ sĩ như mọi lần, lại thọc sâu hai  tay vào túi quần, mím chặt môi, hít mạnh một cái rồi nói:

– Thế này nhé… Màu mây của chị hơi gắt quá: chưa có cái nét dáng của buổi hoàng hôn. Cảnh trước hơi choán nhiều quá, và có cái gì đó, chị hiểu không, hình như không phải như thế… Ngôi nhà tranh chị vẽ không được thoát như bị một cái gì đè nén ấy, trông ảm đạm lắm… Đáng ra ở góc này phải dùng màu tối hơn một chút. Nhưng mà nhìn chung thì không sao lắm… Đáng khen đấy.

Riabốpxki càng nói khó hiểu bao nhiêu, Onga lại càng thấy dễ hiểu.

 

III

 

Sáng ngày thứ hai trong dịp lễ Ba vị thánh, sau bữa trưa, Đưmốp mua mấy thứ bánh kẹo rồi ra tàu đi nhà nghỉ ngoại ô thăm vợ. Đã hai tuần nay Đưmốp không gặp nàng và cảm thấy nhớ nàng da diết. Trong khi ngồi trên tàu cũng như đi tìm ngôi nhà nghỉ của mình giữa khu rừng rộng, Đưmốp luôn luôn cảm thấy đói bụng, mệt mỏi và ước ao nghĩ đến phút thoải mái ngồi ăn cơm chiều chỉ một mình anh với vợ, sau đó thì lăn ra ngủ. Anh cảm thấy vui vui khi nhìn xuống cái túi nhỏ đựng đầy những trứng cá, phô mát và cá hộp.

Đưmốp tim ra được ngôi nhà nghỉ thì mặt trời đã khuất. Bà già hầu phòng nói rằng, phu nhân không có nhà và có lẽ một chốc nữa sẽ về. Ngôi nhà nghỉ này trông bề ngoài chẳng có gì đẹp đẽ. Bên trong cũng vậy, trần nhà thấp lè tè được dán bằng những tờ giấy viết, nền nhà thì lồi lõm và vẻn vẹn chỉ có ba phòng. Một phòng để giường ngủ, một phòng thì thấy ngổn ngang trên ghế và các bậu cửa sổ nào là các mảnh vải gai, bút lông, các mẩu giấy bẩn, mũ áo đàn ông. Ở phòng thứ ba, Đưmốp nhìn thấy ba người đàn ông lạ mặt. Hai người trong bọn họ có bộ tóc đen xẫm và có để râu; người thứ ba trông nhẵn nhụi, phốp pháp, – có lẽ là diễn viên. Trên bàn, chiếc xamôva đang sôi.

– Anh cần gì? – người diễn viên hỏi giọng ồ ồ, đưa mắt lạnh lùng nhìn Đưmốp. – Anh cần gặp Onga à? Đợi một tí, cô ấy về bây giờ đấy.

Đưmốp ngồi xuống ghế và bắt đầu đợi. Một trong hai người có bộ tóc đen đưa mắt uể oải ngái ngủ nhìn anh, rót cho mình một chén nước hè rồi hỏi:

– Có uống nước không?

Đưmốp vừa khát, vừa đói nhưng muốn để chốc nữa ăn cho ngon miệng hơn, anh từ chối. Một lát sau anh nghe thấy tiếng chân người và một giọng cười quen thuộc vang lên. Cánh cửa mở toang, và Onga, đầu đội chiếc mũ rộng vành, tay cầm hộp vẽ, chạy vào phòng, theo sau là Riabốpxki mặt mày hồng hào hớn hở, tay xách cái ghế xếp và một chiếc ô lớn.

– Đưmốp! – Onga kêu lên giọng như trào ra vì sung sướng – Đưmốp! – Nàng lại gọi rồi ngả đầu và đặt tay lên ngực anh – Anh đến với em đấy ư? Tại sao lâu thế anh mới đến? Tại sao? Tại sao?

– Mình tính xem anh còn lúc nào rỗi nữa đâu? Bao giờ anh cũng bận, mà khi có chút ít thời giờ rồi thì lại cứ toàn là không khớp với giờ tàu chạy!

– Ôi, gặp anh em sung sướng quá! Suốt đêm em nằm mơ thấy anh, em chỉ lo anh ốm. Ôi, nếu anh biết, anh đáng yêu, anh đến với em đúng lúc như thế nào! Anh sẽ là vị cứu tinh của em. Chỉ có anh mới cứu được em!  Ngày mai, anh biết không, ở đây sẽ có một đám cưới đặc biệt nhất, – nàng nói tiếp, vừa cười vừa kết lại cà vạt cho chồng, – một anh nhân viên bưu điện ngoài ga, anh Trikenđêép gì đó sẽ cưới vợ. Anh ta trẻ, đẹp, không đần độn lắm và anh biết không, trên khuôn mặt anh ta có cái gì chắc, khoẻ, như một con gấu… Có thể nhìn anh ta mà vẽ được chân dung một tên cướp trẻ tuổi xứ Xcăngđinavơ. Em và các bạn bè của em ở đấy đều hứa với anh ta là sẽ đến dự. Anh nghĩ xem, một đám cưới người chẳng giàu có gì, lại cô đơn, rụt rè, như thế mà từ chối không dự thì thật là có tội. Này nhé, anh hãy tưởng tượng mà xem, sau khi làm lễ ở nhà thờ ra, mọi người sẽ đi qua rừng bạch dương, nghe chim ca, nhìn những đốm nắng vàng trên bãi cỏ, và tất cả đoàn người ấy, quần áo sặc sỡ, mỗi người mỗi vẻ, sẽ hiện ra trên nền cây xanh và ánh nắng sáng… Thật là độc đáo, đúng kiểu những nhà hoạ sĩ theo trường phái ấn tượng của Pháp. Đưmốp! Nhưng mà anh xem em sẽ mặc bộ đồ gì để đến nhà thờ bây giờ? – Onga nói và làm ra vẻ rầu rĩ như muốn khóc. – Ở đây, em chẳng có cái gì hết, hoàn toàn không có cái gì cả! Không váy áo đẹp, không hoa, không găng tay… Anh phải cứu em. Nếu anh đến đây thì chính là số phận đã sai phái anh đến cứu em. Anh thân yêu, anh hãy cầm lấy chùm chìa khoá này, trở về nhà và lấy ở ngay gian ngoài bộ áo màu hồng cho em. Anh nhớ không, cái áo em treo ngay ngoài cùng ấy. Rồi anh vào trong phòng, trên nền nhà phía bên phải, anh sẽ thấy hai cái rương to. Anh mở cái rương trên, anh sẽ thấy đủ các thứ vải tuyn, vải thường và ở dưới cái đống vải ấy là hoa. Anh nhớ lấy hoa ra cẩn thận, lấy hết cả ra, đừng làm nhàu, sau đó em sẽ chọn… À, nhớ mua đôi găng tay cho em.

– Được rồi, – Đưmốp nói. – Ngày mai anh sẽ đi và sẽ gửi đến.

– Sao lại ngày mai? – Onga hỏi và ngạc nhiên nhìn anh. – Ngày mai thì anh làm sao mà kịp được? Ngày mai 9 giờ sáng mới có chuyến tàu đầu tiên, mà 11 giờ đã làm lễ ở nhà thờ rồi. Không, anh thân yêu, phải đi hôm nay, phải hôm nay cơ! Nếu ngày mai anh không đến được thì gửi qua bưu điện cho em. Thôi, anh đi đi… Chỉ một lát nữa là có tàu khách đến thôi. Anh cố làm sao cho đừng nhỡ tàu nhé.

– Được rồi.

– Ôi, em tiếc đã phải để anh đi biết dường nào, – Onga nói và trên khoé mắt nàng thoáng hiện những ngấn lệ. – Ôi, em thật là con bé ngu ngốc, em nhận dự đám cưới anh ta làm gì!

Đưmốp vội vã uống cốc nước chè, cầm một khoanh bánh mì khô. Anh mỉm cười hiền lành rồi trở ra ga. Còn trứng cá, phô mát, cá hộp thì hai người tóc đen và người diễn viên béo tốt dùng hộ.

 

IV

 

Sông Vonga. Vào một đêm tháng bảy sáng trăng yên tĩnh, Onga đứng trên boong tàu, khi nhìn xuống mặt nước, khi nhìn lên bờ sông đẹp đẽ. Bên cạnh nàng là Riabốpxki. Anh nói những cái bóng lấp loáng trên mặt nước không phải là bóng mà là một giấc mơ đấy. Anh còn nói anh muốn quên hết, muốn chết đi, muốn trở thành một niềm tưởng niệm, vì mặt nước lấp lánh trên sông đêm nay quá đẹp, quá diệu kỳ; vì bầu trời đêm nay quá bao la, bến bờ thật là buồn bã và đăm chiêu như đang gợi nhớ đến cuộc sống ồn ào tất bật của chúng ta, đến một cái gì vĩnh viễn, thiêng liêng, hạnh phúc vô cùng… Quá khứ thật tầm thường và chán ngắt, tương lai thì chẳng có nghĩa lý gì, thế mà đêm hôm nay, đem diệu kỳ duy nhất lại đang sắp tàn, đang đắm vào vĩnh cửu – vậy thì sống để làm gì?

Onga, khi thì lắng nghe giọng nói người hoạ sĩ, khi thì lắng nghe trời đêm yên lặng. Nàng nghĩ rằng nàng sẽ sống mãi, nàng sẽ không bao giờ chết. Ánh màu lam trên mặt nước, ánh màu mà chưa bao giờ nàng được thấy, bầu trời, bến bờ, những bóng đen mờ xa và niềm sung sướng mơ hồ đang tràn ngập lòng nàng… tất cả đều như nói với nàng rằng nàng sẽ trở thành một hoạ sĩ lớn, rằng ở một nơi nào kia rất xa, rất xa, đằng sau cái đêm trăng sáng này, trong khoảng không gian bát ngát này, một tình yêu của một người, một vinh quang chói lọi đang chờ đợi nàng… Nàng nhìn rất lâu không chớp về phía xa và trong óc nàng dần hiện lên những đoàn người, những ánh lửa, những điệu nhạc tưng bừng, những tiếng hoan hô thán phục, còn nàng sẽ vận bộ đồ trắng toát và từ mọi phía, mọi người tới tấp ném lên nàng những bông hoa đẹp nhất… Nàng cũng nghĩ rằng, đứng dựa vào lan can bên cạnh nàng là một con người thực sự vĩ đại, một thiên tài, một con người được Thượng đế ưu đãi… Tất cả những gì anh ấy đã sáng tác từ trước đến nay đều rất đẹp, rất mới, rất phi thường, còn những gì anh ấy sáng tác trong tương lai khi mà tài năng xuất chúng của anh đạt đến độ trọn vẹn sẽ rất đáng kinh ngạc, rất cao siêu. Điều này có thể thấy rõ qua nét mặt anh, qua cách anh nói, thái độ của anh với thiên nhiên. Anh có cách nói riêng, bằng thứ ngôn ngữ riêng, về những hình bóng mờ tối, những sắc màu hoàng hôn và ánh trăng lấp loáng, đến nổi bất giác người ta cảm thấy sức hấp dẫn say đắm trong quyền lực của anh đối với thiên nhiên. Bản thân anh cũng là người rất đẹp, rất độc đáo và cuộc đời của anh – một cuộc đời phóng khoáng, thoát khỏi những điều vặt vãnh trong cuộc sống – thật giống như đời của một con chim.

– Hình như đêm lạnh hơn hay sao ấy… – Onga nói và rùng mình.

Riabốpxki lấy áo khoác của mình choàng lên cho nàng và buồn rấu nói:

– Tôi cảm thấy mình trong quyền lực của cô. Tôi là một tên nô lệ. Sao hôm nay cô đáng yêu đến thế?

Riabốpxki chăm chăm nhìn nàng, đôi mắt anh trông rất sợ và Onga không dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy.

– Tôi yêu cô, yêu cô đến mất trí… – hoạ sĩ thì thầm và hơi thở của anh khẽ chạm vào má nàng. – Hãy nói cho tôi một lời thôi và tôi sẽ không sống nữa, sẽ vứt hết nghệ thuật… – Riabốpxki nói tiếp, giọng xúc động, – yêu tôi đi, hãy yêu tôi…

– Anh đừng nói thế,- Onga nói, từ từ nhắm mắt lại.

– Điều ấy đáng sợ lắm. Còn Đưmốp thì sao ?

– Việc gì đến Đưmốp? Tại sao lại Đưmốp? Tôi có dính dáng gì đến Đưmốp? Dòng sông Vonga, ánh trăng, vẻ đẹp, tình yêu của tôi, niềm say sưa của tôi… chỉ có thế thôi… Không có một Đưmốp nào hết… Ôi, tôi chẳng biết gì hết… Tôi không cần quá khứ, hãy đem đến cho tôi một phút giây hiện tại, một thoáng lát thôi.

Trái tim nàng đập dồn dập. Nàng muốn nghĩ đến chồng nhưng tất cả những gì trong quá khứ gắn liền với ngày cưới, với Đưmốp, với những buổi dạ hội… tất cả đều trở nên nhỏ bé, vô nghĩa, mờ nhạt, không cần thiết và ở đâu xa lắc… Ừ mà thực ra Đưmốp là gì? Sao lại Đưmốp? Nàng có liên quan gì đến Đưmốp? Anh ấy có tồn tại giữa thiên nhiên không hay chỉ là giấc mộng thôi?

“Đối với anh ấy, một con người bình thường, chẳng có gì đặc sắc, thì cái hạnh phúc mà anh ấy được hưởng đã quá đủ, – Onga vừa nghĩ thế vừa lấy tay che mặt. –Mặc cho ở bên ấy người ta lên án, nguyền rủa, tôi vẫn cố làm trái ý mọi người đây, làm trái ý rồi sẽ chết… Phải thử hết mọi cái trên đời này. Trời ơi, thật là rừng rợn và cũng thật là sung sướng!”

– Sao, sao? Thế nào? Hoạ sĩ vừa nói, vừa ôm lấy nàng. Anh vồ vập hôn đôi cánh tay đang yếu ớt đẩy anh ra. – Em có yêu anh không? Em yêu phải không? Phải thế không? Ôi, đêm đẹp quá, kỳ diệu quá!

– Đêm thực là đẹp! – Nàng khẽ nói và nhìn vào đôi mắt long lanh đẫm lệ của anh. Nàng liếc vội sang một bên rồi ôm chầm lấy anh và hôn vào môi anh rất lâu.

– Tàu sắp đến bến Kinesma rồi! – Có giọng ai nói phía bên kia boong tàu.

Những tiếng chân nặng nề vọng đến. Đó là một giọng dở cười dở khóc vì sung sướng, – anh mang đến đây cho chúng tôi một ít rượu vang nhé!

Hoạ sĩ ngồi xuống ghế, nét mặt nhợt nhạt vì xúc động. Anh nhìn Onga đầy ngưỡng mộ và biết ơn rồi từ từ nhắm mắt lại, khẽ nở một nụ cười uể oải và nói:

-Tôi mệt quá rồi.

Và gục đầu vào lan can.

 

V

 

Ngày hai tháng chín năm ấy là một ngày ấm áp, êm đềm, nhẹ nhưng u ám. Từ sáng sớm, những làn mây nhẹ mỏng lững lờ bay trên mặt sông, đến khoảng chín giờ trở đi thì trời bắt đầu mưa lất phất. Chẳng có hi vọng gì là trời sẽ hửng nắng. Trong khi uống nước chè, Riabốpxki nói với Onga rằng hội hoạ là một thứ nghệ thuật vô tích sự và chán ngất nhất, rằng anh có tài năng. Bất thình lình, chẳng vì lý do nào hết, Riabốpxki với lấy con dao rạch nát bức tiểu phẩm đẹp nhất của mình. Uống nước chè xong, Riabốpxki lại phía cửa sổ ngồi, nét mặt rầu rĩ, nhìn ra dòng sông. Và dòng sông Vonga lúc ấy còn vẻ rạng rỡ lôi cuốn nữa, giờ đây nó đã trở nên thật lạnh lùng, ảm đạm. Vạn vật chung quanh như đều gợi nhớ đến mùa thu buồn rầu, hắt hiu đang tới. Người ta có cảm giác rằng thiên nhiên đã thu cất vào cái bọc lớn của mình tất cả những thảm cỏ xanh đẹp đẽ hai bên bờ sông, những ánh nước lấp lánh như kim cương, những khoảng trời xanh trong suốt xa tít tắp, – thu cất tất cả để rồi đến mùa xuân mới trả lại. Bên dòng sông, từng đàn quạ bay qua quàng quạc như muốn chọc tức. Riabốpxki lắng nghe tiếng quạ kêu ấy và nghĩ rằng anh đã khô cằn, đã mất hết tài năng; rằng tất cả mọi thứ trên đời này đều là ước lệ, là tương đối và ngu ngốc, và lẽ ra không nên gắn bó với người đàn bà này. Nói tóm lại là anh ta đang buồn rầu, chán nản đến cực độ.

Onga ngồi trên giường phía sau tấm riđô. Nàng lấy tay gỡ gỡ những làn tóc màu lanh to dầy rất đẹp của mình và tưởng tượng ra mình khi thì ở trong phòng khách, khi ở trong phòng ngủ, khi thì trong phòng làm việc của chồng. Trí tưởng tượng đưa nàng đến rạp hát, đến người thợ may nổi tiếng. Giờ này họ đang làm gì? Họ có nhớ đến Onga không? Mùa thu đã đến, đã đến lúc nghĩ tới những buổi dạ hội. Còn Đưmốp? Đưmốp đáng yêu! Thật hiền lành và thơ trẻ đáng thương biết bao khi trong những bức thư gửi cho nàng anh mong ước nàng sớm trở về nhà! Tháng nào anh cũng gửi cho Onga 75 rúp, và khi Onga bảo rằng nàng vay các hoạ sĩ 100 rúp thì Đưmốp lại gửi ngay cho nàng số tiền đó. Thật là một người hảo tâm và rộng lượng! Cuộc hành trình làm nàng mệt mỏi, nàng thấy chán và muốn mau mau xa ngay những người nông dân lam lũ này, xa ngay cái mùi vị ẩm thấp bên bờ sông. Nàng muốn gạt bỏ ngay cái cảm giác bẩn thỉu luôn luôn theo đuổi nàng khi phải chui luồn hết mái nhà lụp xụp này đến túp lều chật chội khác, nay ở làng này, mai ở làng khác. Nếu Riabốpxki không hứa với bạn bè của mình rằng anh sẽ ở lại với họ đến 22 tháng chín thì nàng đã có thể trở về nhà ngay hôm nay. Và nếu được thế thì sung sướng biết bao!

– Trời, – Riabốpxki nói giọng rên rỉ, – bao giờ, bao giờ trời mới hửng nắng cho? Tôi không thể nào vẽ cảnh mặt trời mà không có nắng như thế này được!

– Anh có bức tranh cảnh trời u ám đang vẽ dơ cơ mà, – Onga từ đằng sau tấm riđô bước ra và nói. – Anh còn nhớ không, bên phải vẽ một cánh rừng và bên trái là một đàn bò và ngỗng ấy mà. Bây giờ anh có thể hoàn thành bức tranh ấy được đấy.

– Ôi dào! – Riabốpxki nhăn mặt nói – Hoàn thành ư! Lẽ nào tôi lại nghĩ rằng tôi đần độn đến nổi không biết được bây giờ mình cần phải làm gì à?

– Sao anh thay đổi với em thế! Onga thở dài nói.

– Được hời, thế lại tốt.

Gương mặt Onga run run, nàng bước lại phía lò sưởi rồi bật ra tiếng khóc.

– Phải, chỉ còn thiếu có nước mắt! Tôi có hàng nghìn nguyên nhân để khóc, thế mà tôi vẫn không khóc!

– Hàng nghìn nguyên nhân! – Onga nói qua tiếng khóc.- Hàng nghìn nguyên nhân và nguyên nhân lớn nhất là anh đã cảm thấy nặng nề bên tôi. Phải rồi! – Onga nói tiếp và khóc nức nở. – Nếu nói đúng sự thực thì anh đã cảm thấy ngượng ngùng với mối tình của chúng ta. Lúc nào anh cũng cố làm sao để những bạn bè hoạ sĩ không nhận thấy điều ấy, mặc dù điều này không thể giấu được và họ đã biết được từ lâu.

– Onga, tôi chỉ yêu cầu cô một điều thôi, – hoạ sĩ đưa tay lên ngực nói giọng van lớn, – một điều thôi: đừng làm khổ tôi nữa! Tôi không cần gì ở cô nữa hết!

– Không, không, anh phải hứa đi, hứa rằng anh vẫn còn yêu tôi!

– Thật là đầy ải! – Hoạ sĩ nói xít qua hai hàm răng và đứng vụt dậy. – Cứ thế này thì kết cục tôi sẽ đâm đầu xuống sông hay là phát điên lên mất! Cô hãy để cho tôi yên!

– Thì giết tôi đi, giết tôi đi! – Onga kêu lên. – Giết tôi đi!

Nàng lại nức nở khóc và đi vào phía sau tấm riđô. Tiếng mưa rơi lào rào trên mái nhà tranh. Riabốpxki hai tay ôm lấy đầu, đi đi lại lại trong nhà rồi với một vẻ cương quyết như muốn chứng minh một điều gì với ai, anh chụp vội cái mũ lên đầu, khoác lên vai khẩu súng săn rồi bước ra khỏi nhà.

Riabốpxki đi rồi, Onga còn nằm mãi trên giường và khóc. Mới đầu nàng thích thú khi nghĩ đến chuyện uống thuốc độc để đến khi Riabốpxki về sẽ thấy nàng chết rồi. Sau đó nàng lại tưởng tượng đến phòng khách, phòng làm việc của chồng, đến cảnh nàng ngồi yên bên Đưmốp và an hưởng cái cảm giác sạch sẽ yên tĩnh trong chính mình. Nàng tưởng tượng đến cảnh nàng buổi tối được ngồi trong rạp hát và nghe nhạc của Mazini. Nỗi buồn nhớ cái ồn ào, văn minh của thành phố, nhớ những người bạn đầy tiếng tăm làm trái tim nàng thắt lại. Một bà nông dân đi vào nhà và chậm chạp nhóm lò lên để làm bữa trưa. Mùi củi cháy bốc lên và khói xanh bay đầy nhà. Các hoạ sĩ đến chơi, chân đi những đôi ủng cao lấm đầy bùn đất, gương mặt ướt át vì nước mưa. Họ nhìn những bức tranh và nói như để an ủi rằng ngay cả trong những bức tranh u ám, sông Vonga vẫn có cái vẻ đẹp đáng yêu riêng. Trên tường, chiếc đồng hồ rẻ tiền kêu tích tắc. Những con ruồi bị lạnh đậu đầy một góc nhà gần những bức tượng thánh và bay vo ve. Dưới những chiếc ghế băng dài, trong đống giấy bìa dầy nghe rõ tiếng gián chạy loạt soạt.

Riabốpxki trở về nhà khi mặt trời đã lặn. Anh ném chiếc mũ lưỡi trai lên bàn rồi cứ để nguyên cả giầy ủng bẩn thỉu như thế mà nằm vật xuống phản, vẻ mặt nhợt nhạt khổ sở và nhắm mắt lại:

– Tôi mệt quá rồi… – Riabốpxki vừa nói vừa chau mày, cố mở mắt.

Để ra vẻ săn sóc anh và chứng tỏ rằng nàng không giận dỗi, Onga bước lại gần Riabốpxki, lặng lẽ hôn anh và lấy lược khẽ đặt lên mớ tóc hung hung của anh. Nàng muốn chải đầu cho anh.

– Có chuyện gì thế?- Riabốpxki khẽ giật mình hỏi như chạm phải vật gì rất lạnh, anh vội mở mắt ra. – Lại có chuyện gì thế? Xin cô để cho tôi yên. Riabốpxki đẩy nàng ra một bên rồi đứng dậy và Onga cảm thấy nét mặt hoạ sĩ lộ rõ một vẻ gì đấy oán giận, kinh tởm.

Vừa lúc ấy người đàn bà nông dân thận trọng bưng đến cho anh đĩa xúp rau và Onga nhìn thấy rõ những ngón tay to và thô của bà ta nhúng ngập vào trong đĩa xúp như thế nào. Cả người đàn bà nhếch nhác bụng to sù trễ xuống này, cả cái đĩa xúp mà Riabốpxki đang húp soàn soạt kia, cả túp nhà lụp xụp này, cả cuộc sống mà mới đầu nàng còn ưa thích vì vẻ giản dị và bừa bộn đầy tính nghệ thuật của nó, đối với nàng giờ đây trở nên thật đáng ghê sợ. Nàng bỗng cảm thấy mình bị xúc phạm, nàng lạnh lùng nói:

– Chúng ta cần phải xa nhau một thời gian, nếu không sẽ cãi nhau to vì chán ngán. Tôi ngấy lắm rồi. Hôm nay tôi sẽ rời khỏi nơi này.

– Đi bằng gì? Bằng ngựa à?

– Hôm nay là thứ năm, nghĩa là, vào khoảng chín giờ rưỡi sẽ có tàu thuỷ đến.

– Thế à? Thôi được, được rồi… Cụ đi thôi… – Riabốpxki nói khẽ và lấy khăn lau mồm thay giấy lau. – Em thấy buồn chán, không có việc gì làm ở đây, vì vậy, phải là người ích kỉ lắm mới cố ý giữ em lại đây. Thôi em cứ đi đi, sau ngày 20 sẽ gặp nhau.

Onga vui vẻ soạn dọn đồ đạc, thậm chí đôi má nàng ửng hồng lên vì một cảm giác thoải mái sung sướng. Nhưng tự hỏi, có lẽ nào chỉ một ít lâu nữa thôi, nàng sẽ lại được ngồi vẽ trong phòng khách, ngủ trên giường đệm êm và ăn trưa bên chiếc bàn phủ tấm khăn trải sạch sẽ trắng toát? Trái tim nàng bỗng trở nên nhẹ nhõm và nàng không còn thấy giận hoạ sĩ nữa.

– Bút lông màu vẽ em để lại cho anh nhé, – nàng nói. Còn cái gì anh mang về hộ em… Hãy coi chừng, đừng vì không có em mà thành lười nhác, buồn rầu mà hãy cố làm việc anh nhé. Anh là người bạn trẻ tài giỏi của em, anh Riabốpxki thân mến ạ.

Đến chín giờ khi chia tay, Riabốpxki ôm hôn Onga, như nàng nghĩ, để lát nữa khỏi phải hôn ở trên tàu nơi có nhiều bạn bè hoạ sĩ, rồi tiễn nàng ra bến. Một ít phút sau, tàu từ từ cập bến và đưa nàng đi.

Hai ngày rưỡi sau nàng về tới nhà. Không kịp cất mũ và cởi chiếc bành tô dài mặc mùa hạ, thở rất mạnh vì quá xúc động, nàng bước qua phòng khách rồi từ đó vào phòng ăn. Đưmốp, mình vận chiếc gilê không cài khuy, đang ngồi sau bàn ăn. Tuy anh đang cầm dao và dĩa, loay hoay với đĩa chim quay đặt trước mặt. Khi bước vào phòng, Onga đã tự nhủ rằng cần phải giấu chồng tất cả mọi điều và nàng có đủ khôn khéo và nghị lực để làm việc đó. Nhưng giờ đây, khi trông thấy Đưmốp mở rộng miệng cười hiền lành, tràn đầy hạnh phúc và đôi mắt sáng lên vì sung sướng, Onga bỗng thấy rằng giấu giếm, lừa dối con người này cũng đê tiện, ghê tởm và rằng không thể nào, không đủ sức để làm chuyện đó, cũng như không thể nói xấu người khác, ăn cắp hay giết người; trong giây lát, nàng quyết định sẽ kể hết với chồng mọi chuyện đã xảy ra. Để cho Đưmốp ôm hôn mình xong, Onga quỳ xuống trước mặt anh và đưa tay lên che mặt.

– Sao thế, sao thế em? Đưmốp dịu dàng hỏi. – Em buồn lắm phải không?

Nàng ngước lên nhìn anh, mặt đỏ bừng vì xấu hổ. Nàng nhìn anh bằng đôi mắt van lơn cầu xin như của người có tội. Nhưng rồi lòng sợ hãi và sự xấu hổ đã ngăn trở nàng nói ra sự thật.

– Không sao đâu…- nàng nói. – Tại tính em thế đấy…

– Ngồi lên đây em,- Đưmốp vừa nói, vừa đỡ nàng dậy ngồi lên bàn. – Thế thế… Em ăn món chim quay này đi. Cô bé tội nghiệp của anh, chắc em đói lắm rồi phải không?

Nàng say sưa thở hít bầu không khí quen thuộc ấm cúng và ăn món chim quay. Còn Đưmốp thì ngồi nhìn nàng ăn, dịu dàng âu yếm và cười lên sung sướng.

 

VI

 

Đến giữa mùa đông, Đưmốp chừng như đoán ra được rằng mình đang bị lừa. Anh không dám nhìn thẳng vào mắt vợ, không dám cười sảng khoái khi gặp nàng như chính lương tâm anh phải day dứt vì một điều gì đó tội lỗi. Để tránh phải ngồi một mình bên Onga nhiều, Đưmốp thường thường hay mời người bạn mình là Côrôxchêlép đến cùng ăn trưa. Côrôxchêlép là một người tầm vóc nhỏ bé có bộ mặt xấu xí nhăn nheo. Khi nói chuyện với Onga, vì ngượng ngùng anh ta cứ mở hết cúc áo trên bộ vextông ra rồi lại cài vào, rồi sau đó đưa tay phải lên mân mê ria mép trái. Trong bữa ăn, hai người bác sĩ nói chuyện với nhau rằng những trường hợp màng ngăn vùng bụng và vùng ngực bị ép quá mạnh thường làm tim ngừng đập đột ngột, rằng gần đây, thường gặp những con bệnh viêm rễ thần kinh, rằng hôm qua khi mổ một xác chết được chẩn đoán là bị bệnh thiếu máu, Đưmốp phát hiện ra một ổ ung thư ở tuyến hóc môn cạnh dạ dày. Người ta có cảm tưởng rằng hai bác sĩ cố nói đủ các thứ chuyện y học với nhau chỉ cốt để cho Onga có điều kiện mà im lặng, tức là để cho nàng khỏi nói dối. Sau bữa ăn, Côrôxchêlép đến ngồi bên dương cầm và Đưmốp thở dài rồi nói với anh ta:

– Nào, anh bạn! Làm gì bây giờ! Thử đánh một bản nhạc nào buồn buồn xem sao.

Đôi vai Côrôxchêlép hơi nhô cao lên, anh xoè rộng bàn tay, khẽ đặt lên bàn phím đàn dạo một vài hợp âm rồi bắt đầu bằng một giọng cao bài “Hãy chỉ cho tôi ngôi nhà nào mà ở đó người nông dân Nga không phải đau khổ”. Đưmốp lại thở dài nữa, tựa đầu lên nắm tay, ra chiều suy nghĩ.

Thời gian gần đây, Onga sống hết sức phóng túng. Mỗi sáng khi thức dậy, nàng cảm thấy lòng mình nặng trĩu. Onga nghĩ rằng nàng không còn yêu Riabốpxki nữa và thật may mắn mọi việc như thế là đã kết thúc. Nhưng sau khi uống xong cốc cà phê, Onga nghĩ rằng Riabốpxki đã gạt mất chồng của nàng và bây giờ nàng không còn chồng, cũng không còn Riabốpxki nữa. Sau đó, Onga lại nhớ đến câu chuyện của những người bạn kể lại rằng, Riabốpxki đang chuẩn bị cho cuộc triển lãm một bức tranh gì đó hết sức đặc sắc, vừa là tranh phong cảnh vừa là tranh sinh hoạt theo phong cách của Pôlênốp, một bức tranh làm tất cả những ai đã đến xưởng hoạ của Riabốpxki đều phải trầm trồ khâm phục. Nàng lại nghĩ nhưng mà chính những tác phẩm ấy Riabốpxki đã sáng tác ra dưới ảnh hưởng trực tiếp của nàng và nói chung là nhờ ảnh hưởng đó, nghệ thuật của anh đã có nhiều chuyển biến tốt rõ rệt. Ảnh hưởng của Onga thật là tốt lành và hệ trọng mà nếu nàng bỏ Riabốpxki thì có lẽ tài năng của hoạ sĩ sẽ thui chột ngay. Onga cũng nhớ lại rằng, lần cuối cùng gặp nàng hoạ sĩ mặc một chiếc áo vextông màu xám điểm những đốm trắng, thắt một chiếc cà vạt mới, và hỏi nàng, giọng mệt mỏi: “Tôi có đẹp không?”. Và quả thực là với dáng vẻ sang trọng, mái tóc quăn dài, đôi mắt xanh thẳm anh trông rất đẹp trai (hay ít ra là cũng gây được cảm tưởng như thế) và tỏ ra âu yếm với Onga.

Hồi tưởng lại tất cả những điều đó xong, Onga sửa soạn áo xống rồi đi thẳng đến xưởng hoạ của Riabốpxki, lòng đầy xúc động. Vừa đến xưởng họa, Onga thấy ngay Riabốpxki đang vui vẻ trầm trồ ngắm nghía bức tranh quả thật rất là đẹp mới vẽ xong của mình. Hoạ sĩ khi thì nhảy lên, khi thì trả lời những câu hỏi nghiêm chỉnh của nàng một cách đùa cợt. Onga ghen với bức tranh và căm thù nó, nhưng vì lịch sự mà đứng lặng yên chừng năm phút ngắm nhìn bức tranh rồi thở dài như đang đứng trước một vật gì thiêng liêng và nói khẽ:

– Chưa bao giờ anh lại vẽ được một bức tranh nào như thế này. Anh biết không, thậm chí đáng sợ đấy.

Rồi Onga van xin hoạ sĩ hãy yêu nàng, hãy thương nàng, đừng bỏ nàng, một người đau khổ, bất hạnh. Onga khóc, hôn tay anh, đòi anh phải hứa rằng sẽ yêu nàng mãi mãi, giải bày với anh rằng nếu không có ảnh hưởng tốt đẹp của nàng, anh sẽ đi chệch hướng và tài năng của anh sẽ cạn. Khi đã làm hoạ sĩ trở nên rầu rĩ và cảm thấy mình bị hắt hủi, Onga bèn bỏ đi đến nhà người thợ may hay tới nhà một diễn viên quen thuộc nào đó để lấy vé xem hát.

Những lần không gặp hoạ sĩ trong xưởng hoạ, bao giờ Onga cũng để lại một bức thư thề rằng, nếu ngày hôm đó mà hoạ sĩ không đến nhà nàng, nàng sẽ uống thuốc độc tự tử. Hoạ sĩ sợ hãi vội vàng đến ngay và ở lại ăn trưa với nàng. Hoạ sĩ sợ hãi vội vàng đến ngay và ở cạnh, hai người vẫn nói với nhau nhiều điều rất táo bạo. Cả hai người đều cảm thấy rằng họ trói buộc nhau, họ là những kẻ thù, những kẻ độc đoán, họ cãi vã nhau và vì giận dữ nhau mà không để ý rằng trước mặt mọi người cả hai đều bất lịch sự, và thậm chí anh chàng để tóc ngắn Côrôxchêlép cũng hiểu được tất cả. Ăn trưa xong, hoạ sĩ vội cáo từ và đi ngay.

– Anh đi đâu? – Onga đứng ở chỗ cửa hỏi và đưa mắt đầy căm tức nhìn Riabốpxki.

Hoạ sĩ nhăn trán, nheo mắt rồi nói tên một người đàn bà nào đó mà cả hai cùng quen biết, có thể thấy rằng anh đang giễu cợt sự ghen tuông của Onga, muốn chọc tức nàng. Onga trở vào buồng riêng, nằm vặt xuống giường, nàng cắn chặt lấy gối rồi khóc nức nở vì giận hờn, ghen tuông, vì xấu hổ và cảm thấy mình bị hắt hủi. Đưmốp để Côrôxchêlép ngồi một mình ở ngoài phòng khách, đi vào phòng Onga đang nằm rồi ngượng ngùng, bối rối nói:

– Đừng khóc to lên thế mình ạ… Có ích gì đâu? Phải im đi mới phải… Đừng để lộ ra thế… Mình nên biết, cái gì đã xảy ra rồi, không sửa được nữa đâu.

Không biết làm thế nào để dẹp được nỗi ghen tuông ghê gớm đang làm nàng nóng ran cả hai thái dương, nghĩ rằng có thể thay đổi được tình thế, Onga vội rửa mặt, và đánh phấn trang điểm gương mặt đầm đìa nước mắt rồi lập tức đi ngay đến nhà người đàn bà quen biết. Không thấy Riabốpxki ở đấy, Onga cảm thấy xấu hổ khi làm như thế, nhưng sau dần nàng quen đi và có hôm Onga đã đi đến nhà tất cả những người đàn bà mà nàng quen để tìm Riabốpxki và mọi người ai cũng biết chuyện đó. Có lần Onga nói với Riabốpxki về chồng mình:

– Con người ấy đầy ải tôi bằng cái cao thượng của mình!

Onga rất thích thú với câu nói đó và mỗi lần gặp gỡ những bạn bè hoạ sĩ biết chuyện nàng với Riabốpxki, Onga bao giờ cũng hăng hái giơ tay làm điệu bộ rồi nói về chồng mình:

– Con người ấy đầy ải tôi bằng cái cao thượng của mình.

Như năm trước, trình tự của cuộc sống vẫn chẳng có gì đổi thay. Hàng tuần vào tối thứ tư, Onga vẫn tổ chức những buổi dạ hội. Nghệ sĩ thì ngâm thơ, các hoạ sĩ thì vẽ tranh, nhạc sĩ xellô vẫn kéo đàn, các danh ca vẫn hát và, lần nào cũng vậy, đúng mười một giờ rưỡi đêm, cánh cửa thông sang phòng ăn lại mở rộng và Đưmốp nhoẻn miệng cười nói:

– Mời quý vị sang điểm tâm.

Onga vẫn đi tìm những người nổi tiếng như xưa, tìm được rồi vẫn chưa thoả mãn, lại tìm nữa. Đêm đêm, nàng vẫn trở về nhà rất muộn. Những lúc ấy, Đưmốp đã không ngủ được như năm ngoái mà cặm cụi làm việc trong phòng riêng của mình. Chừng ba giờ sáng anh mới đi nằm để rồi trở dậy vào tám giờ sáng hôm sau.

Có lần, vào chiều tối, khi Onga đang đứng trang điểm trước gương, sửa soạn đi xem hát, Đưmốp bước vào phòng ngủ, mặc áo đuôi tôm, đeo cà vạt trắng. Anh mỉm cười hiền hậu và, như ngày trước, sung sướng nhìn thẳng vào mặt nàng. Gương mặt anh rạng rỡ:

– Mấy hôm nay anh đang bảo vệ luận án, – Đưmốp vừa ngồi xuống vừa nói, tay xoa xoa trên đầu gối.

– Anh bảo vệ được rồi à? – Onga hỏi.

– Ồ! – Đưmốp cười nói, cố nhô ra để nhìn thấy mặt Onga trong gương. Từ nãy đến giờ, nàng vẫn đứng quay lưng về phía chồng và chăm chú soi gương sửa lại mái tóc của mình. – Ồ! Em biết không, rất có thể sắp tới người ta sẽ mời anh làm phó giáo sư về bệnh lí học đại cương. Anh thấy triển vọng này nhiều lắm.

Nhìn nét mặt rạng rỡ, tràn đầy hạnh phúc của Đưmốp có thể đoán được rằng nếu lúc ấy Onga cùng vui cái vui của anh, mừng cho cái thành công của anh, chắc Đưmốp sẽ tha thứ cho nàng tất cả, trong hiện tại cũng như trong tương lai, anh sẽ quên hết cho nàng: nhưng nàng không hiểu phó giáo sư, bệnh lí học đại cương là gì, hơn nữa lại sợ muộn giờ xem hát, vì vậy im lặng không nói năng gì cả.

Đưmốp nán ngồi lại chừng hai phút, gượng gạo cười như có lỗi rồi bước ra ngoài.

 

VII

 

Hôm đó là một ngày lắm chuyện phiền phức nhất.

Đưmốp nhức đầu như búa bổ; buổi sáng hôm ấy anh không uống nước trà, không đến bệnh viện làm việc, suốt ngày anh nằm lì trên đivăng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ kê ngay trong trong phòng làm việc. Còn Onga, như mọi ngày vào một giờ trưa, bắt đầu đi đến nhà Riabốpxki để đưa cho hoạ sĩ xem bức tiểu phẩm nature morte mới vẽ và để hỏi anh rằng, sao hôm qua anh không lại nhà nàng. Nàng biết bức tranh của mình chẳng ra làm sao, nàng chỉ cốt vẽ để có thêm cớ mà đến gặp hoạ sĩ.

Onga vào thẳng nhà Riabốpxki không bấm chuông. Và khi đang tháo ủng ở ngoài cửa, nàng nghe thấy hình như trong xưởng họa có tiếng chân người chạy, tiếng xống áo đàn bà sột soạt. Onga vội nhìn vào trong xưởng hoạ và chỉ kịp thấy loáng thoáng tấm váy màu hạt dẻ biến vào phía sau một bức tranh lớn dựng ngay trên nền nhà và tựa vào giá vẽ. Không còn nghi ngờ gì nữa: Một người đàn bà đang nấp trong nhà Riabốpxki. Bởi vì đã bao lần chính Onga cũng đã phải nấp sau bức tranh này! Có thể thấy rõ nét mặt Riabốpxki đầy vẻ ngượng ngùng, hoạ sĩ làm như ngạc nhiên thấy Onga đến, anh đưa cả hai tay về phía nàng và nở một nụ cười rất lâu:

– A-ha-a! Rất sung sướng được thấy cô. Có chuyện gì hay ho không?

Onga rưng rưng nước mắt. Nàng thấy thật là cay đắng và xấu hổ. Nàng nghĩ dù có cho nàng bạc triệu, nàng cũng không chịu nổi, khi mà ở đằng sau bức tranh kia có một người đàn bà xa lạ, kẻ dối trá, kẻ tình địch của nàng đang đứng nấp và có lẽ đang đắc thắng cười thầm.

– Tôi mang đến cho anh… – nàng nói, giọng nhỏ nhẹ rụt rè, môi run run, – … bức tiểu phẩm nature morte.

– A! Tiểu phẩm à?

Hoạ sĩ cầm lấy bức vẽ, vừa nhìn vào bức tranh vừa đi sang phòng bên như cái máy. Onga ngoan ngoãn theo sau.

Nature morte… loại thượng bảo đấy – Hoạ sĩ vừa lẩm nhẩm vừa tìm những chữ cùng vần, – nhà nghỉ… con quỷ… bến cảng.

Onga ghề thấy tiếng chân bước vội vã và tiếng xống áo sột soạt từ phía xưởng hoạ. Có nghĩa là nó đã đi rồi. Onga muốn gào lên thật to, đập một cái gì thật nặng lên đầu hoạ sĩ rồi bỏ đi, nhưng mắt nàng đẫm lệ, nàng không nhìn thấy gì hết. Nàng xấu hổ quá và cảm thấy mình không còn là Onga nữa, không còn là một nữ hoạ sĩ nữa, mà là con sâu bọ nhỏ bé.

– Tôi mệt lắm rồi… – Hoạ sĩ uể oải nói, mắt nhìn lên bức tiểu phẩm của Onga, khẽ lắc đầu để xua cơn buồn ngủ. – Tiểu phẩm tất nhiên là rất hay. Nhưng hôm nay cũng với tiểu phẩm, năm ngoái cũng tiểu phẩm, một tháng nữa cũng lại tiểu phẩm… Tôi không hiểu sao cô lại chưa phát ngấy với những cái trò này. Ở địa vị cô, tôi sẽ vứt cái nghề vẽ này mà đi chuyên về nhạc một cách nghiêm túc, hay là làm một việc gì khác. Cô phải hiểu rằng cô không phải là hoạ sĩ mà là nhạc sĩ. Nhưng mà, cô có biết không, tôi mệt lắm rồi! Tôi gọi người mang ấm trà ra đây nhé… Được không?

Riabốpxki ra khỏi phòng và Onga nghe thấy anh nói điều gì với người hầu trong nhà mình. Để khỏi phải giải bày, khỏi phải chia tay và nhất là khỏi phải khóc nức nở, Onga không chờ Riabốpxki trở vào; nàng chạy vội ra phía cửa xỏ ủng vào và bước ra ngoài phố. Lúc này nàng nhẹ nhõm thở hít khí trời và cảm thấy mình được giải thoát khỏi Riabốpxki, khỏi hội hoạ, được giải thoát khỏi cảm giác xấu hổ ghê gớm đã từng làm nàng khổ sở như thế nào trong nhà Riabốpxki vừa rồi. Tất cả là hết!

Onga đi đến nhà người thợ may, rồi đến gặp ông B. Ông này vừa đến hôm trước. Từ nhà B. ra, vào hiệu sách nhạc lúc nào nàng cũng bị ám ảnh và nghĩ rằng nàng sẽ viết cho Riabốpxki một bức thư lạnh lùng, gay gắt, tràn đầy lòng tự trọng; rằng mùa xuân và mùa hè sắp tới đây nàng sẽ cùng với Đưmốp đi nghỉ mát tại Crimê ở đó nàng sẽ thoát khỏi hẳn sự ràng buộc của quá khứ và bắt đầu một cuộc đời mới.

Trở về đến nhà, khi đêm đã khuya. Onga vẫn để nguyên váy áo và vào phòng khách ngồi định viết thư. Riabốpxki nói với Onga rằng nàng không phải là hoạ sĩ; để trả thù, bây giờ nàng sẽ nói lại cho anh ta biết rằng, năm nay anh ta cũng chỉ vẽ bằng ấy đề tài, ngày nào cũng nói bằng ấy câu, rằng anh ta đã giẫm chân tại chỗ rồi và sẽ chẳng sáng tạo thêm cái gì ngoài những cái đã làm được. Onga cũng muốn viết rằng anh ta đã phải chịu nhiều ảnh hưởng của nàng và nếu Riabốpxki hành động một cách xấu xa thì đó chẳng qua chỉ là vì ảnh hưởng của nàng đã bị khử bỏ đi bởi những con đàn bà dối trá khác đại loại như cái đứa vừa trốn sau bức tranh sáng ngày.

– Mình ơi! Đưmốp không mở mắt, từ trong phòng làm việc gọi ra. – Mình ơi!

– Mình đừng vào gặp anh, chỉ đến gần cửa thôi nhé. Chuyện là thế này… Anh bị lây bệnh yết hầu trong bệnh viện đã ba hôm nay, và bây giờ… anh cảm thấy khó chịu lắm. Mình mua mau đi gọi Côrôxchêlép hộ anh.

Onga bao giờ cũng gọi chồng không theo tên mà bằng họ như nàng thường gọi tất cả những người đàn ông quen biết; nàng không thích cái tên Oxip của chồng bởi vì cái tên ấy gợi cho nàng nhớ đến nhân vật Oxip của Gôgôn và một câu chơi chữ buồn cười “Oxip bị khản tiếng và Arkhip cũng bị khản tiếng”. Nhưng lần này nàng bật lên tiếng gọi chồng bằng tên:

– Oxip, không thể có chuyện ấy được!

– Mình đi đi! Anh khó chịu lắm… – Đưmốp nói từ phía sau cánh cửa, có thể nghe thấy anh bước lại đivăng và nằm xuống đó. – Mình đi gọi đi! – Giọng Đưmốp lại vọng ra nghe khan khan.

– “Chuyện này là chuyện gì vậy? – Onga nghĩ, lạnh toát người vì sợ hãi. – Bệnh đó nguy hiểm lắm kia!”

Nàng cầm lấy thỏi nến đang cháy dở hoàn toàn không cần phải làm thế, rồi đi vào phòng ngủ của mình: nàng nghĩ ngợi xem giờ phải làm gì và vô tình nhìn thấy mình trong gương… Nét mặt nhợt nhạt đầy vẻ sợ hãi, chiếc áo ngắn với hai ống tay áo bồng lên, những cuộn vải vàng trên ngực và những đường sọc khác thường trên váy làm nàng cảm thấy vừa ghê sợ vừa kinh tởm mình. Nàng bỗng cảm thấy thương Đưmốp đến quặn lòng, thương mối tình vô bờ bến của anh đối với nàng, cuộc đời trẻ trung của anh, và cả chiếc giường bỏ không của chồng đặt bên cạnh giường nàng mà từ lâu lắm Đưmốp không còn ngủ ở đấy nữa. Nàng nhớ lại nụ cười bình dị, ngoan ngoãn, hiền lành của anh. Onga cay đắng vỡ oà lên khóc và viết cho Côrôxchêlép một cái thư khẩn cầu bác sĩ đến nhà nàng ngay. Lúc đó đã hai giờ đêm.

 

VIII

 

Tám giờ sáng hôm sau nàng trở dậy, đầu nặng trình trịch vì mất ngủ. Onga chưa kịp chải đầu, tóc để rối bời làm khuôn mặt nàng không được đẹp như mọi khi, nét mặt nàng lộ vẻ hối lỗi. Onga bước ra phòng ngoài và thấy có người nào đi qua trước mặt nàng ra phía cửa vào. Người ấy có bộ râu cằm đen, chắc là một bác sĩ nào đó. Mùi thuốc sực lên, Côrôxchêlép đứng ở bên cạnh cửa phòng làm việc, anh lấy tay phải mân mê râu mép trái của mình.

– Xin lỗi, tôi không thể để cho chị vào gặp anh ấy được, – Côrôxchêlép nói với Onga giọng cau có. – Chị sẽ bị lây bệnh đấy. Và thực ra, chị cũng chẳng cần gì phải vào. Anh ấy đã mê rồi.

– Anh ấy bị bệnh yết hầu thật à? – Onga hỏi khẽ.

– Những ai liều lĩnh lao vào những việc nguy hiểm quả thật là cần phải đem ra kiện ở toà. – Côrôxchêlép lẩm nhẩm, không trả lời câu hỏi của Onga. – Chị có biết       tại sao anh ấy bị lây không? Hôm thứ ba Đưmốp ngậm ống hút những màng mỏng chứa vi trùng yết hầu trên mình một đứa trẻ. Để làm gì? Thật là dại dột…

– Có nguy hiểm không? Nguy hiểm lắm à? – Onga lại hỏi.

– Vâng, người ta thường nói, đây là một thứ bệnh hiểm nghèo. Thật quả là phải gọi Srếck đến ngay.

Một lát sau, một người tầm vóc nhỏ bé, tóc hung hung đỏ mũi dài, có giọng nói của người Do Thái, bước vào nhà. Ít phút sau có một người cao, lưng gù, tóc rối bù trông như một ông trợ tế ở nhà thờ cũng đến. Rồi lại thêm một người trẻ tuổi rất béo, mặt đỏ bừng bừng, đeo kính trắng. Đó là các bác sĩ đến túc trực bên cạnh người bạn của họ. Hết giờ túc trực rồi, Côrôxchêlép vẫn chưa về. Anh ở lại và đi loanh quanh trong nhà như một cái bóng. Người hầu chốc chốc lại bưng nước chè ra cho các bác sĩ, chốc chốc lại phải chạy ra hiệu thuốc, vì vậy nhà cửa chẳng có ai dọn dẹp. Trong nhà, một không khí im lặng buồn bã bao trùm.

Onga ngồi một mình trong phòng ngủ và nghĩ rằng bởi vì nàng lừa dối chồng nên trời đã trừng phạt nàng như thế. Ở đằng kia, trong căn phòng riêng, trên chiếc đivăng, là một con người lặng lẽ, nhẫn nhục, khó hiểu, không có gì đặc sắc, nhu mì, thiếu bản lĩnh, yếu đuối vì quá tốt đang phải âm thầm đau khổ mà không than vãn gì hết. Và nếu anh có cất tiếng rên rỉ cho dù là trong cơn mê sảng chăng nữa thì những người bác sĩ đang túc trực cũng sẽ biết là anh rên không phải vì bệnh yết hầu. Họ sẽ hỏi Côrôxchêlép: chắc là anh biết hết mọi chuyện và vì thế mà nhìn vợ người bạn mình bằng đôi mắt như muốn nói rằng chính nàng mới là kẻ thủ phạm tai ác nhất, vi trùng yết hầu chỉ là đồng loã của nàng mà thôi. Onga chẳng còn nhớ gì đến đêm trăng trên sông Vonga, đến những phút tỏ tình, cuộc sống đầy thơ mộng trong túp lều bên sông nữa. Onga chỉ còn nhớ rằng vì một ham muốn trống rỗng, vì được chiều chuộng mà cả tấm thân nàng, cả chân và tay nàng đã rơi vào một vũng bùn nhầy nhựa, nhơ nhớp mà không bao giờ nàng có thể rửa sạch được nữa.

“Trời ơi, tôi đã lừa dối một cách kinh khủng như thế nào! – Nàng vừa nghĩ vừa nhớ lại mối tình bồng bột của nàng với Riabốpxki. – Thật đáng nguyền rủa quá chừng! ” .

Vào khoảng bốn giờ chiều, nàng ngồi ăn cơm với Côrôxchêlép. Bác sĩ chẳng ăn gì hết, anh chỉ uống một ít rượu mùi, vẻ mặt nhăn nhó. Onga cũng không ăn gì.

Khi thì nàng thầm khấn trời và trịnh trọng thề với trời rằng nếu Đưmốp tai qua nạn khỏi nàng sẽ lại yêu anh và sẽ là người vợ trung thành của anh. Có khi như quên hết tất cả, nàng nhìn Côrôxchêlép và nghĩ: “Lẽ nào lại không đáng chán ngán khi phải làm một người không bình thường, không có gì nổi bật, không có tiếng tăm. Thêm nữa lại có một bộ mặt dúm dó và những cử chỉ vụng về như thế?” Khi thì Onga nghĩ rằng trời sẽ giết nàng ngay phút này vì chỉ sợ lây bệnh mà nàng chưa vào thăm chồng một lần nào cả. Chung quy tại là Onga cảm thấy một nỗi buồn âm ỉ, rã rời và nàng tin rằng cuộc đời của nàng thế là hoen ố, không sao làm lại được nữa…

Sau bữa ăn, trời đã dần tối, Onga đi sang phòng khách, còn Côrôxchêlép thì nằm ngủ trên đivăng, đầu kê lên chiếc gối bằng tơ thêu sợi vàng. Anh cất tiếng ngáy đều đều: “Khì khò – khì khò…”

Mọi bác sĩ tới túc trực và ra về đều không để ý đến cảnh tượng bừa bãi ấy. Một người lạ mặt nằm ngủ và ngáy to lên trong phòng khách, trên tường treo đầy những bức tiểu phẩm, người đàn bà chủ nhà thì đầu tóc không chải, ăn vận lôi thôi… tất cả những điều ấy giờ đây chẳng làm ai để ý chút nào. Một bác sĩ vô tình bật cười điều gì và tiếng cười ấy ong lạc ong, sợ sệt, thậm chí còn thấy rờn rợn nữa.

Khi Onga trở ra phòng khách lượt nữa thì Côrôxchêlép đã dậy rồi. Anh đang ngồi hút thuốc.

– Anh ấy bị bệnh yết hầu vùng xoang mũi, – Côrôxchêlép nói khẽ.- Tim đập đã không bình thường nữa. Nói tóm lại là bệnh rất trầm trọng.

– Thế anh không gọi Srếck đến à? Onga hỏi.

– Srếch đến rồi. Chính anh ấy phát hiện ra rằng bệnh yết hầu đã chuyển vào vùng mũi. Ô! Srếck thì làm gì. Quả thật anh anh ta không đến nỗi nào. Nhưng Srếck là Srếck và tôi là Côrôxchêlép chỉ có thế thôi.

Thời gian chậm chạp kéo dài ghê gớm. Onga để nguyên cả xống áo thế, rồi nằm lả trên giường không dọn dẹp từ sáng mà ngủ thiếp đi. Nàng nằm mơ thấy một khối sắt lớn đang đặt lù lù ở giữa nhà từ nền cho đến tận trần và chỉ cần khuân khối sắt đó đi thì tất cả lại trở lại nhẹ nhàng, vui sướng. Lúc tỉnh dậy, nàng chợt nhớ ra rằng, đó không phải là một khối sắt mà chính là bệnh tình của Đưmốp.

Nature morte, cảng… – nàng lại nghĩ và thiếp đi, – thể thao, nghỉ mát… Còn Srếck? Srếck, người Hi Lạp… Bạn bè của tôi bây giờ ở đâu cả rồi? Họ có biết rằng tôi đang có một chuyện buồn lớn không? Trời ơi, hãy cứu, hãy cứu vớt tôi. Srếck, người Hi Lạp…”

Khối sắt lại hiện ra… Thời gian như kéo dài mãi, còn chiếc đồng hồ ở tầng dưới chốc chốc lại điểm một hồi chuông. Thỉnh thoảng lại có tiếng chuông gọi cổng: bác sĩ vẫn tiếp tục đến… Bà hầu phòng bước vào, tay bưng một cái khay đặt chiếc cốc không, và hỏi:

– Thưa cô, cô có cần vải trải giường không ạ?

Không thấy Onga trả lời, bà trở ra. Chiếc đồng hồ ở phía dưới lại điểm một hồi chuông. Onga nằm mơ thấy cơn mưa lất phất trên sông Vonga, có người nào lại bước vào phòng ngủ của nàng, có lẽ là người lạ. Nàng chồm dậy và nhận ra Côrôxchêlép.

– Mấy giờ rồi? nàng hỏi.

– Gần ba giờ.

– Có việc gì vậy?

– Việc là thế này! Tôi vào đây để báo cho cô biết rằng anh ấy đang hấp hối…

Côrôxchêlép nấc lên, ngồi phịch xuống giường bên cạnh nàng và lấy ống tay lau nước mắt. Onga không hiểu ngay điều gì đã đến, nhưng toàn thân nàng bỗng lạnh toát. Nàng chậm chạp đưa tay lên ngực làm dấu.

– Đang hấp hối…- Côrôxchêlép khẽ nhắc lại và lại nấc lên. – Anh ấy đang hấp hối vì đã quên mình hi sinh… Thật là cả một tổn thất lớn đối với khoa học. Côrôxchêlép buồn bã nói.- Nếu đem so sánh anh ấy với chúng ta thì đó là một người vĩ đại, xuất chúng! Bao nhiêu tài năng! Bao nhiêu hi vọng anh đã đem lại cho chúng ta! – Côrôxchêlép vừa nói tiếp vừa bẻ những ngón tay của mình.- Trời ơi bây giờ dù sao có đốt đuốc mà tìm kiếm thế nào đi nữa cũng không sao gặp được một nhà bác học như anh ấy. Đưmốp! Đưmốp! Sao anh lại nở làm như vậy! Trời ơi!

Côrôxchêlép tuyệt vọng úp mặt vào lòng bàn tay mình và lắc lắc đầu.

– Đạo đức của anh ấy cao thượng biết bao! – Côrôxchêlép nói tiếp, giọng mỗi lúc một to như đang căm giận ai. – Một tâm hồn trung hậu, trong sáng, đầy yêu thương – không phải người mà là pha lê trong suốt! Sống thì phụng sự cho khoa học và chết cũng vì khoa học. Nai lưng ra mà làm việc suốt ngày, suốt đêm như con bò mà có người nào đoái hoài tới. Một nhà bác học trẻ tuổi, một vị giáo sư tương lai như anh cần phải tìm tòi nghiên cứu nhiều… thế mà đêm khuya vẫn phải ngồi dịch kiếm tiền thêm để cung phụng cho những… thứ người hèn hạ như thế này!

Côrôxchêlép tức giận nhìn Onga, hai tay bỗng nắm lấy tấm vải trên giường rồi giận dữ xé toạc ra như chính tấm vải là kẻ có tội.

– Anh ấy không biết thương mình và cũng chẳng có ai thương anh ấy! Đúng rồi, sự thể là như vậy đó!

– Phải rồi, thật là một người hiếm có! – Có ai cất giọng trầm trầm nói ngoài phòng khách.

Onga vụt nhớ lại cả quãng đời chung sống với Đưmốp, nhớ lại từ ngày gặp gỡ đến hôm nay, nhớ lại từng chi tiết và nàng bỗng hiểu ra rằng anh thật là một con người phi thường, hiếm có, một con người mà nàng đã quen biết. Onga nhớ lại thái độ của người cha quá cố, của các bác sĩ đối với Đưmốp, và hiểu ra rằng ,tất cả đều đã thấy ở anh một tiếng tăm lừng lẫy trong tương lai… Những bức tường, trần nhà, ngọn đèn và tấm thảm trải trên sàn nhà… tất cả như cười giễu Onga, tất cả muốn nói rằng: “Bỏ lỡ rồi! Bỏ lỡ rồi!”. Onga vừa khóc vừa chạy bổ ra khỏi phòng ngủ, chạm phải một người lạ mặt nào trong phòng khách rồi lao vào phòng làm việc của chồng. Đưmốp nằm yên không nhúc nhích trên chiếc đivăng kiểu Thổ Nhĩ Kỳ, tấm chăn đắp đến ngang người. Khuôn mặt anh hốc hác, gầy hẳn đi, nước da xám vàng – nước da không bao giờ có ở người đang sống, chỉ có nhìn vầng trán anh, cặp lông mày đen và nụ cười quen thuộc còn đọng lại trên môi anh mới có thể nhận ra đó là Đưmốp. Onga đưa nhanh tay sờ lên ngực, lên trán, lên tay chồng. Ngực anh còn hâm hấp nóng, nhưng trán và tay thì mát lạnh một cách đáng sợ. Đôi mắt còn hơi hé mở của anh không nhìn vào Onga mà nhìn lên tấm chăn.

– Đưmốp! – Onga gọi to lên. – Đưmốp! – Nàng muốn nói cho anh biết rằng đó chỉ là một lầm lỗi thôi, rằng không phải tất cả đều đã mất hết, cuộc đời còn có thể trở lại đẹp đẽ, hạnh phúc như xưa. Onga muốn nói cho anh biết rằng anh là một người phi thường, xuất chúng, một người vĩ đại, rằng suốt đời nàng sẽ ngưỡng mộ anh, cầu khẩn cho anh, kính sợ anh như người ta thường kính sợ các vị thần…

– Đưmốp! – Nàng lại gọi, hai tay lay mạnh đôi vai anh, và không có thể nào tin rằng Đưmốp không bao giờ tỉnh lại nữa. – Đưmốp, Đưmốp! Anh!

Và lúc đó ở ngoài phòng khách, Côrôxchêlép nói với bà hầu phòng:

– Bà còn phải hỏi gì nữa? Bà hãy ra chỗ người coi nhà thờ và hỏi xem những người chuyên làm việc mai táng ở đâu. Họ sẽ tắm rửa thi thể và mang đi – sẽ làm tất cả những gì cần thiết…

Phan Hồng Giang dịch
Trần Thanh Lộc đánh máy