I
Thạc sĩ Anđrây Vaxilích Kôrvin làm việc căng thẳng, mệt mỏi đến mức thần kinh rã rời. Anh không đi chữa đâu cả, nhưng có lần nhân một bữa rượu tình cờ, anh kể bệnh của mình với ông bạn thầy thuốc, và ông này khuyên nên về thôn quê mà ở qua suốt mùa xuân, mùa hè. Vừa dịp đó lại có bức thư dài của cô Tanhia Pêxốtxkaia gửi đến mời anh về làng Bôrixôpka nghỉ ngơi. Và anh quyết định quả thật anh cũng nên đi chơi đâu đó một thời gian.
Đầu tiên, vào tháng tư, anh trở về làng quê mình là Kôrvinka, ở đây anh sống đơn độc trong ba tuần lễ liền; rồi sau đó đến nhà cụ Pêxốtxki, một nhà làm vườn nổi tiếng ở nước Nga, người trước đây đã từng đỡ đầu, dạy dỗ anh. Từ Kôrvinka đến Bôrixôpka, nơi gia đình cụ Pêxốtxki ở người ta tính không quá 70 dặm và ngồi trong cỗ xe có lò xo giảm sốc mà đi trên con đường êm đềm mùa xuân ấy quả là một lạc thú.
Ngôi nhà của cụ Pêxốtxki đồ sộ lắm, có những hàng cột lớn chạy dài, những hình nổi sư tử quét vôi trắng, có người mặc áo đuôi tôm chầu chực sẵn ở lối vào. Một vườn hoa có từ lâu đời, kiến trúc theo kiểu Anh Cát Lợi, trông nghiêm nghị, đường bệ kéo dài gần một dặm từ nhà ga cho đến bờ sông, dựng thành vách đất sét cao trên mặt nước, ở đấy có những rặng thông rễ nổi hẳn lên xương xẩu như những bàn tay xù xì, phía dưới là dòng nước hững hờ, lãnh đạm trôi xuôi, từng đàn sếu bay ngang, tiếng kêu buồn bã; đặt chân đến chỗ này dường như bao giờ cũng có tâm trạng muốn ngồi lại một lát và viết những bài ca huyền thoại. Ngược lại, sát ngay bên nhà trong sân và trong vườn cây ăn quả lớn nhỏ rộng khoảng ba mươi đêxiachina (một đơn vị đo diện tích của Nga, bằng 1,09 hecta) thì lúc nào cũng gây một ấn tượng rất vui vẻ và yêu đời, ngay cả vào những lúc thời tiết u ám. Chưa bao giờ Kôrvin lại được thấy những loài hoa đẹp lạ kỳ như ở vườn nhà cụ Pêxốtxki, những bông hồng, bông huệ, bông kamêli, những thứ hoa kim hương đủ loại từ những bông màu trắng ngát đến những bông màu đen huyền mịn mềm như bồ hóng và vô số những loài hoa khác nữa. Bấy giờ chỉ mới là đầu xuân và những khóm hoa sặc sỡ nhất còn ẩn mình trong những buồng kính, nhưng chỉ với những bông hoa đã nở dọc theo đường đi dưới bóng hàng cây cũng đủ đem lại cho người dạo chơi cảm giác rằng mình đang lọt vào giữa vương quốc của những màu sắc dịu dàng, kỳ diệu, nhất là vào những giờ phút ban mai, khi sương còn lấp lánh trên mỗi cánh hoa.
Phần có tính chất trang trí trong vườn mà bản thân cụ Pêxốtxki chẳng coi ra gì đã từng đem đến cho Kôrvin thời thơ ấu một ấn tượng diệu kỳ, như trong truyện cổ tích. Bao nhiêu hình thù kỳ lạ, cổ quái mà đẹp đẽ, bao nhiêu vẻ giễu cợt đối với thiên nhiên! Ở đây có những cây ăn quả xếp thành hàng độc đáo, cây lê, hình chóp nón như cây tùng, cây sồi, cây bồ đề tán lá hình cầu, cây táo hình cái ô, cây mận kết thành hình cổng chào, kết thành chữ cái đầu tiên của họ, thành hình giá đèn treo, thậm chí thành hình cả con số 1862 là con số chỉ năm cụ Pêxốtxki bắt đầu làm nghề vườn. Ở đấy còn thấy những cây thân chắc, thẳng như cây cọ, chỉ sau khi nhìn kỹ mới biết đó là cây phúc bồn tử hay là một thứ cây quả chua chua, ngọt ngào nào khác. Nhưng cảnh vui nhất trong vườn, đem lại cho khu đất vẻ nhộn nhịp ấy là những bóng người miệt mài đi lại. Suốt từ sáng sớm cho tới lúc tối mịt bên những hàng cây, khóm cây, khóm hoa là những người làm vườn chầm chậm đi như kiến bò, kẻ đẩy xe cút kít, người cầm thuổng, cầm bình tưới nước…
Kôrvin đến nhà cụ Pêxốtxki vào lúc mười giờ tối. Anh bắt gặp cô Tanhia và ông cụ Egor Xêmiônứts, cụ thân sinh ra cô, vào đúng lúc hai bố con đang lo lắng. Trời trong đầy sao và nhiệt kế báo cho họ biết trước rằng gần sáng trời sẽ trở lạnh đột ngột, mà người coi vườn Ivan Karlưts thì đã đi vào thành phố rồi, nên chẳng còn biết trông cậy vào ai. Trong bữa ăn tối, chủ khách chỉ bàn cách đối phó với sương giá sớm mai, và đã quyết định rằng cô Tanhia sẽ không đi ngủ, đến lúc một giờ đêm sẽ đảo qua khu vườn xem mọi chuyện có êm thấm không, còn cụ Egor Xêmiônứts thì sẽ dậy lúc ba giờ sáng hay sớm hơn.
Kôrvin ngồi với Tanhia suốt buổi tối và quá nửa đêm thì cùng cô đi vào trong vườn. Trời giá buốt. Ngoài sân đã ngửi thấy mùi khói sặc sụa. Trong khu vườn rộng trồng cây ăn quả mà cụ Egor Xêmiônứts gọi là vườn cây buôn và mỗi năm mang lại cho cụ mấy nghìn bạc lãi thuần tuý, một làn khói đen dầy đặc, hăng hắc bay là là trên mặt đất, quấn quanh bên những tán cây, làm tan đi sương giá, cứu mấy ngàn bạc kia khỏi bị tiêu tan. Cây ăn quả đứng thành hàng bên nhau như trên một bàn cờ, hàng dọc, hàng ngang thẳng tắp như một đoàn quân đứng nghiêm; cái vẻ ngay ngắn chính xác có chút gì kênh kiệu, khi tất cả mọi cây đều cao bằng nhau, thân cây, tán lá như nhau đã tạo ra một bức tranh đơn điệu và buồn tẻ. Kôrvin và Tanhia đi giữa những hàng cây bên những đống lửa chất bằng đủ thứ rác rưới, rơm rạ, phân khô, chốc chốc, họ lại gặp những người làm công thấp thoáng trong làn khói như những cái bông. Chỉ mới có anh đào, mận và một vài loại táo ra hoa, nhưng cả vườn cây đều chìm trong đám khói và mãi đến khu vườn ươm Kôrvin mới được thở hít khoan khoái.
– Từ thuở bé, tôi đã nhiều lần phải hắt hơi vì khói ở đây, Kôrvin nhún vai nói, nhưng cho đến giờ tôi cũng không hiểu tại sao khói lại có thể cứu cây khỏi bị sương giá.
– Khói thay cho mây khi không có mây… cô Tanhia trả lời.
– Nhưng mà cần có mây để làm gì?
– Vào những lúc tiết trời u ám, nhiều mây thì không có sương giá.
– À, à ra thế!
Kôrvin cười và cầm lấy tay Tanhia. Anh cảm thấy lòng mình dịu lại khi nhìn vào gương mặt nàng bầu bầu, nghiêm nghị, lạnh giá với đôi lông mày đen thanh mảnh, chiếc cổ áo bành tô dựng lên làm đầu nàng khó quay đi quay lại và cả tấm thân mảnh dẻ cân đối trong bộ váy áo vén cao để tránh sương.
– Trời, cô đã thành người lớn rồi! Kôrvin nói. Cách đây năm năm, khi tôi rời khỏi nơi này lần cuối cùng, cô còn là một cô bé hoàn toàn. Lúc ấy trông cô gầy gò khẳng khiu, mái tóc để trần, mặc váy ngắn cộc, tôi còn lấy con giang ra doạ cô… Thời gian thật là kỳ lạ!
– Vâng, đã năm năm rồi! Tanhia thở dài. Bao nhiêu nước đã trôi đi từ dạo ấy. Anh Andriusa, anh hãy nói thật lòng xem, nàng chuyển giọng nói sôi nổi, nhìn vào mặt Kôrvin, anh đã quên chúng tôi rồi phải không? Nhưng mà tôi hỏi điều gì vậy? Anh là đàn ông, anh sống cả cuộc đời thú vị cho riêng mình, anh là một vĩ nhân… Xa cách chúng tôi là một chuyện tự nhiên thôi! Nhưng dù có điều gì xảy ra chăng nữa, anh Andriusa ạ, tôi muốn rằng bao giờ anh cũng coi chúng tôi như những người thân thiết của mình. Chúng tôi có quyền được nói như vậy.
– Tôi cũng nghĩ như thế, Tanhia ạ.
– Thật không?
– Thật thế đấy.
– Lúc chập tối, anh đã ngạc nhiên thấy rằng nhà chúng tôi có nhiều ảnh của anh đến thế. Chắc anh cũng biết rằng, ông cụ thân sinh tôi rất quý anh. Đôi khi tôi có cảm tưởng rằng ông cụ quý anh còn hơn cả tôi nữa. Ông cụ lấy làm hãnh diện về anh. Anh là một nhà học giả, một con người siêu phàm, anh đã tự tạo ra cho mình con đường công danh rực rỡ, và ông cụ tin chắc rằng, sở dĩ anh nên người như vậy là nhờ công lao nuôi dạy của ông cụ. Tôi không ngăn cản ông cụ nghĩ như vậy. Cứ để cho ông cụ nghĩ thế.
Trời đã rạng sáng, và điều này có thể thấy rõ nếu để ý rằng mỗi lúc một nhìn rõ hơn những cuộn khói bay lên không trung và những tán lá cây. Chim hoạ mi đã hót và từ phía cánh đồng vọng lại tiếng chim cun cút kêu.
– Nhưng mà cũng đến lúc đi ngủ thôi, – Tanhia nói. Trời sáng lạnh lắm. Nàng khoác tay Kôrvin. – Anh Andriusa, cảm ơn anh đã đến đây. Những người quen của gia đình chúng tôi ở quanh đây tẻ lắm mà cũng chẳng nhiều nhặn gì. Chúng tôi thì lúc nào cũng nghĩ đến toàn là chuyện vườn với vườn thôi – chẳng có gì hơn thế nữa. Hết cây to, cây nhỏ lại đến táo muộn, táo sớm, táo bé, táo to, tiếp mắt, tiếp cành… Suốt đời, suốt cả đời, chúng tôi chỉ quanh quẩn trong vườn cây, thậm chí chưa bao giờ tôi nằm mê thấy gì khác ngoài táo và lê. Điều đó tất nhiên là tốt thôi, cũng có ích lợi, nhưng đôi khi cũng muốn có những cái gì khác cho nó đỡ đơn điệu. Tôi còn nhớ những lần anh về đây nghỉ hè hay là chỉ về chơi thôi, hệt như lớp vải phủ các giá đèn treo và đệm được cất đi. Dạo ấy tôi còn bé, nhưng mặc dầu vậy tôi đã hiểu.
Nàng nói liền một thôi dài, giọng đầy xúc động. Không hiểu tại sao bất ngờ một ý nghĩ chợt đến trong đầu anh, rằng suốt cả mùa hè này, anh sẽ có thể gần gũi với cô gái bé nhỏ, mảnh dẻ, ưa nói này, rồi đem lòng say mê yêu thương cô ta, – đối với hoàn cảnh của hai người, điều ấy thật tự nhiên và dễ xảy ra bao nhiêu! Ý nghĩ ấy làm anh cảm thấy êm dịu, ngồ ngộ, vui vui: anh cúi xuống sát bên gương mặt đáng yêu đầy vẻ lo âu và khe khẽ hát.
Anh Ônheghin ơi, tôi không muốn giấu anh,
Tôi yêu Tachiana như kẻ mất hồn…
Khi hai người trở vào nhà thì cụ Egor Xêmiônứts đã dậy. Kôrvin không thấy buồn ngủ, anh bắt chuyện với cụ rồi cùng cụ đi vào vườn. Cụ Egor Xêmiônứts người cao to, đôi vai vạm vỡ, bụng phề phệ và mắc bệnh suyễn, nhưng bao giờ cũng đi nhanh đến nổi khó ai theo kịp. Cụ luôn luôn có vẻ bận rộn, lo âu, lúc nào cũng tất tả, vội vàng làm như là chỉ cần cụ đi chậm một phút là mọi việc sẽ hỏng hết!
– Này, anh bạn trẻ, chuyện là thế này… Cụ thỉnh thoảng lại dừng lại để thở và bắt đầu nói. Anh thấy đấy, trên mặt đất thì giá lạnh mà chỉ cần treo nhiệt kế trên đầu cái gậy cao chừng hai xajen thỉ ở đó đã thấy ấm rồi… Vì sao vậy?
– Quả thật là cháu không biết, Kôrvin nói và cười thành tiếng.
– Hừm… Tất nhiên là không thể biết hết tất cả mọi điều được… Đầu óc dù uyên bác đến đâu cũng không thể chứa đựng được mọi điều. Có phải anh thạo về triết học hơn cả phải không?
– Vâng ạ. Hiện nay cháu đang đọc các sách về tâm lý học, còn nghiên cứu thì chung cả về triết học.
– Thế anh không thấy chán chứ?
– Ngược lại thế bác ạ, cháu chỉ sống với cái đó thôi.
– Thì cũng cầu trời cho anh được như thế…- cụ Egor Xêmiônứts nói, vẻ tư lự đưa tay lên xoa xoa bộ râu quai nón đã bạc trắng.- Cầu trời phù hộ cho anh… Tôi rất mừng… mừng cho anh, anh bạn trẻ ạ…
Bất ngờ cụ lắng tai nghe, vẻ mặt bỗng lộ vẻ kinh hãi, chạy sang phía bên và loáng sau đã mất hút sau những hàng cây và làn khói.
– Đứa nào đi buộc ngựa vào gốc táo thế này hử… hử? – Nghe vang lại tiếng kêu thất thanh tuyệt vọng của ông cụ. – Thằng đểu giả, thằng chết tiệt nào lại dám buộc ngựa vào gốc táo thế này hả trời? Trời ơi là trời! Làm hư, làm hỏng, làm đổ, làm nát cả vườn cây của tôi thế này! Mất toi cả vườn rồi! Trời ơi là trời.
Khi cụ trở lại chỗ Kôrvin, mặt cụ lộ rõ vẻ tức giận, mệt mỏi, rã rời.
– Còn biết xử ra làm sao với cái đám dân đen chết tiệt này nữa! Cụ già nói với cái giọng như khóc, hai tay dang ra. – Đêm qua thằng Xchépka nó chở phân khô đến đây rồi buộc ngựa vào gốc táo! Thằng khốn nó đem buộc siết dây cương vào gốc nên thân cây bị tróc vỏ đến ba chỗ. Thế đấy! Tôi có nói với nó, còn nó thì cứ đứng đực ra mà chớp mắt! Đem mà treo cổ lên cũng chưa đáng!
Bình tâm trở lại, cụ ôm lấy Kôrvin và hôn vào má anh.
– Thôi thì cũng cầu trời cho anh… cầu trời cho anh được thế…- cụ lắp bắp nói. – Tôi rất mừng rằng anh đã đến đây. Mừng lắm… Cảm ơn anh nhé.
Sau đó, vẫn với dáng vội vàng, nhanh nhẹn và vẻ mặt lo âu, cụ đi vòng khắp khu vườn và chỉ cho người trước đây cụ đã từng nuôi dạy tất cả những nhà kính, nhà ấm để ươm cây và hai nơi nuôi ong mà cụ gọi là kỳ quan thế kỷ của chúng ta.
Trong khi hai người đi giữa những hàng cây, mặt trời đã lên, chiếu rọi khắp khu vườn. Trời ấm hẳn. Kôrvin linh cảm thấy ngày hôm nay sẽ kéo dài, tươi vui, chan hoà ánh sáng, và anh sực nhớ rằng bây giờ chỉ mới là đầu tháng năm, đằng trước còn là cả một mùa hè, cũng tươi vui, kéo dài và chan hoà ánh sáng như thế; và một cảm xúc trẻ trung, khoan khoái xao xuyến trong tim anh, cái cảm xúc mà anh đã từng biết đến hồi thơ ấu khi anh chạy chơi trong khu vườn này. Tự anh cũng ôm lấy cụ già và âu yếm hôn cụ. Cả hai người đều xúc động trở vào nhà ngồi uống chè rót trong những chiếc tách bằng sứ cổ, ăn krem và những chiếc bánh mỳ ngọt, ngon lành bên hình số tám – những điều nho nhỏ ấy gợi cho Kôrvin nhớ lại thời thơ ấu và niên thiếu về quá khứ vừa thức dậy trong anh quyện hoà với nhau; trong lòng cảm thấy rộn ràng, bề bộn mà khoan khoái.
Anh chờ đến lúc Tanhia thức dậy cùng với nàng uống cà phê thoả thích, dạo chơi một lúc rồi trở về buồng mình và ngồi vào bàn làm việc. Anh chăm chú đọc, ghi ghi chép chép, thỉnh thoảng ngẩng mặt lên nhìn qua cửa sổ mở rộng hoặc nhìn những bông hoa tươi còn ướt đẫm sương nở trong chiếc bình đặt trên bàn, rồi lại cúi xuống đọc tiếp và anh có cảm giác rằng từng đường gân trong cơ thể anh đang run lên vì sảng khoái.
II
Ở thôn quê, anh vẫn tiếp tục nhịp sống căng thẳng, và sôi nổi như ngoài thành phố. Anh đọc và viết rất nhiều, anh học tiếng Ý và mỗi khi đi dạo chơi, anh khoan khoái nghĩ rằng lát nữa anh sẽ được ngồi vào bàn làm việc. Anh ngủ ít đến mức làm mọi người ngạc nhiên; nếu vô tình anh trót ngủ ngày chừng nửa giờ đồng hồ thì sau đó suốt đêm anh sẽ thức và sau cả một đêm không ngủ như vậy anh cũng vẫn tỉnh táo, vui vẻ như thường.
Anh nói rất nhiều, uống kha khá rượu mùi và hút những thuốc đắt tiền. Hầu như ngày nào cũng vậy, các cô gái láng giềng đều sang nhà cụ Pêxốtxki chơi, cùng với Tanhia hát và đàn piano, thỉnh thoảng có một chàng trai trẻ ở gần đây cũng đến, anh ta chơi vĩ cầm khá hay. Kôrvin chăm chú nghe đàn hát và cảm thấy mệt mỏi vì quá tập trung, sự mệt mỏi ấy biểu lộ khi đôi mắt nhìn lại, đầu ngả sang bên.
Có lần sau buổi uống trà chập tối, anh ngồi ngoài ban công và đọc sách. Trong phòng khách vào lúc ấy, Tanhia – giọng nữ cao, một cô bạn khác – giọng nữ trầm và chàng trai trẻ chơi vĩ cầm cùng tập một bản tình ca nổi tiếng của Blắc. Kôrvin lắng nghe lời bài hát – lời bằng tiếng Nga – và không sao hiểu nổi ý nghĩa những lời ấy. Cuối cùng, sau khi đặt sách xuống và để tâm lắng nghe kỹ hơn, anh mới hiểu bài hát ấy nói gì: một cô gái giàu trí tưởng tượng đến mức như mang bệnh, có lần nghe trong đêm những âm thanh ấy tuyệt vời và lạ kỳ đến mức cô gái phải coi đó là sự hài hoà thiêng liêng, một sự hài hoà không thể nào hiểu được đối với những người hữu hạn, trước sau gì rồi cũng chết như chúng ta, và vì vậy nó lại bay trở về trời. Đôi mắt Kôrvin lại nặng trĩu xuống. Anh đứng dậy và mệt nhọc đi sang phòng khách rồi sang căn phòng lớn. Khi tiếng đàn hát vừa đứt, anh khoác tay Tanhia rồi cùng với nàng bước ra ban công.
– Suốt từ sáng đến giờ tôi cứ bị ám ảnh bởi một chuyện huyền thoại, – anh nói. – Tôi không nhớ rằng tôi đã đọc câu chuyện này ở đâu hay là đã nghe ai kể lại, nhưng mà câu chuyện huyền thoại này kỳ lạ lắm, không giống chuyện nào khác cả. Điều trước tiên là câu chuyện này không có điều gì rõ rệt cả. Cách đây một nghìn năm, một nhà tù sĩ vận đồ đen đi lang thang trên sa mạc ở vùng Xiri hay Arabi gì đấy…
Cách chỗ ông ta đi qua mấy dặm, những người ngư dân trông thấy một nhà tu sĩ vận đồ đen khác đang chầm chậm bước đi trên mặt hồ. Nhà tu sĩ thứ hai là một ảo ảnh. Bây giờ cô hãy quên đi hết những qui luật quang học mà câu chuyện huyền thoại có lẽ là không tuân theo, và hãy nghe tôi kể tiếp. Từ ảo ảnh này xuất hiện ảo ảnh khác, từ ảo ảnh tiếp đó lại xuất hiện ảo ảnh thứ ba, cứ như thế mà hình ảnh người tu sĩ vận đồ đen cứ truyền đi, truyền đi mãi từ lớp không khí này đến lớp không khí khác. Mọi người nhìn thấy ông ta khi thì ở châu Phi, khi thì ở Y Pha Nho, khi thì ở Ấn Độ, ở miền cực Bắc… Cuối cùng nhà tu sĩ vượt ra lang thang khắp vũ trụ, và không sao rơi vào những hoàn cảnh mà trong đó ông ta có thể biến mất được. Có thể là bây giờ người ta đang trông thấy ông ở trên sao Hoả hay là ở một vì sao nào trong chòm Thập tự nam. Nhưng cô Tanhia thân yêu, cái cốt lõi, cái điểm mấu chốt nhất của cả câu chuyện huyền thoại đó là ở chỗ đúng một nghìn năm sau, khi nhà tu sĩ bắt đầu đi qua sa mạc, ảo ảnh sẽ lại rơi vào bầu khí quyển của trái đất và hiện ra cho tất cả mọi người cùng thấy. Và hình như thời hạn nghìn năm ấy đã gần hết… Theo như câu chuyện này thì thế nào chúng ta cũng phải chờ gặp nhà tu sĩ vận đồ đen, không hôm nay thì mai thôi.
– Thật là một ảo ảnh kỳ lạ. – Tahina nói rõ ra vẻ chẳng thích thú gì với câu chuyện huyền thoại đó.
– Nhưng điều đáng kinh ngạc nhất là, – Kôrvin bật cười, – tôi không thể nào nhớ được câu chuyện huyền thoại này lọt vào đầu tôi từ đâu? Tôi đã đọc ở sách nào? Đã nghe ai kể lại? Hay là có thể rằng tôi đã nằm mơ thấy nhà tu sĩ vận đồ đen ấy? Có trời chứng giám, tôi cũng không nhớ nữa. Những câu chuyện đó cứ ám ảnh tôi mãi. Cả ngày hôm nay tôi cứ nghĩ mãi về câu chuyện ấy.
Để cho Tanhia trở vào với khách, Kôrvin bước ra khỏi nhà và trầm ngâm đi dạo bên những khóm hoa. Mặt trời đã lặn. Nhưng bông hoa vừa được tưới nước toả hương thơm ngạt ngào. Tiếng hát trong nhà lại được cất lên và từ xa, cây đàn vĩ cầm nghe như tiếng người. Kôrvin căng não nghĩ, cố nhớ xem anh đã nghe hay đọc được câu chuyện huyền thoại ấy ở đâu, anh chậm rãi bước vào vườn hoa và đi đến bờ sông lúc nào không biết.
Theo con đường mòn nhỏ men dọc bờ đất dựng đứng bên những rễ cây trần, Kôrvin bước xuống sát mặt sông làm náo động bầy giang và đôi vịt trời đang kiếm ăn dưới đó đường. Trên ngọn cây thông cao vút, đó đây còn vương lại những tia nắng cuối cùng của mặt trời đang lặn, còn bên trên mặt sông thì màn đêm đã phủ kín. Kôrvin bước qua chiếc cầu nhỏ, sáng bờ bên kia. Trước mắt anh hiện ra cả một cánh đồng bát ngát lúa mạch đang trổ bông. Không một mái nhà, không một bóng người từ phía xa, và có cảm giác rằng nếu đi tiếp, con đường nhỏ ấy sẽ dẫn đến chính cái nơi bí ẩn xa xôi mà mặt trời vừa lặn xuống và ánh chiều hùng vĩ đang cháy rực một góc trời.
“Chốn này thật là bao la, khoáng đãng, yên tĩnh biết bao! Kôrvin vừa đi theo con đường nhỏ vừa nghĩ. – Và hình như cả thế giới đang nhìn tôi, nín thở chờ tôi hiểu nó…”
Nhưng rồi những lượn sóng mềm mại đuổi theo nhau trên đồng lúa, và ngọn gió chiều dịu nhẹ lướt qua mái đầu để trần của anh. Chừng một phút sau, một làn gió khác lại đến, nhưng mạnh hơn, – đồng lúa lao xao, nghe thấy tiếng thông reo vi vu từ phía xa vọng tới. Kôrvin kinh hãi dừng lại. Phía chân trời, từ mặt đất bỗng vút lên một cột gì đen đen, hệt như có một cơn xoáy lốc. Trông không có hình dáng, nhưng ngay từ giây đầu tiên đã có thể nhận thấy rằng cái cột đen đen ấy không đứng nguyên một chỗ mà di động nhanh ghê gớm, di động đúng về phía Kôrvin, càng di động tới gần trông nó càng nhỏ đi và rõ hơn. Kôrvin lao nhanh vào ruộng lúa mạch bên cạnh để nhường đường cho cái khối hình đen đen ấy, chỉ chậm chút nữa thì anh không kịp tránh.
Một tu sĩ vận đồ đen, mái đầu bạc trắng, đôi lông mày đen, hai tay bắt chéo trên ngực, lao vút qua… Bàn chân trần không chạm mặt đất. Đi qua khỏi chừng ba xajen, thì nhà tu hành quay lại nhìn Kôrvin gật đầu chào và mĩm cười với anh, vừa dịu dàng vừa thanh mãnh. Gương mặt ông ta mới gầy guộc nhợt nhợt, nhợt nhạt, ghê gớm làm sao! Hình dáng nhà tu hành bỗng lại to dần lên và bay qua sông, khẽ chạm vào bờ đất sét và hàng cây thông, rồi lách qua chỗ ấy và biến đi như một làn khói.
– Đấy, thấy chưa… – Kôrvin làu bàu nói, – Thế có nghĩa là câu chuyện huyền thoại kia lại có thật.
Kôrvin cũng chẳng muốn mất công tự giải thích cho mình hiện tượng kỳ lạ vừa rồi, anh trở về nhà với cảm giác xúc động, đầy thú vị và mãn nguyện rằng anh đã nhìn gần, nhìn rõ đến thế bộ quần áo đen và cả gương mặt, đôi mắt của nhà tu hành.
Trong vườn hoa, trong vườn cây mọi người vẫn bình thản đi lại, trong nhà vẫn có tiếng đàn hát, có nghĩa là chỉ có một mình anh nhìn thấy nhà tu hành kia thôi. Anh rất muốn được kể lại tất cả cho Tanhia và cụ Egor Xêmiônứts nghe, nhưng anh lại nghĩ rằng chắc thế nào họ cũng coi những lời kể của anh là điều mộng mị và làm họ sợ hãi, nên tốt hơn cả là anh im lặng. Anh cười vang, anh hát, nhảy điệu Mazuôcka, anh cảm thấy vui lắm và tất cả mọi người, cả khách và Tanhia đều nhận thấy rằng mặt anh hôm nay lộ một vẻ gì đó khác thường, thật tươi trẻ và hào hứng, trông anh hôm nay rất hấp dẫn.
III
Sau bữa ăn tối, khi mấy người khách đã về hết, anh trở về buồng mình, và nằm xuống đi văng; anh muốn nghĩ đến nhà tu sĩ. Nhưng một phút sau, Tanhia bước vào.
– Anh Anđriusa này, anh xem những bài báo của ông cụ thân sinh tôi đi, – nàng nói và đưa cho Kôrvin cả một xếp báo dầy. – Thật là những bài báo tuyệt diệu. Ông cụ viết rất hay.
– Ôi dào, hay gì mà hay! – Cụ Egor Xêmiônứts nói, bước vào theo sau con gái và cười gượng gạo; cụ cảm thấy ngượng ngùng. – Xin anh đừng nghe, đừng đọc gì cả! Còn nếu anh muốn ngủ thì có lẽ cứ đọc đi, đó là một thứ thuốc ngủ tuyệt diệu đấy.
– Theo tôi, thì đây là bài báo rất hay. – Tanhia nói với lòng tin chắc chắn là như vậy, anh đọc đi, anh Anđriusa ạ, hãy thuyết phục ông cụ nhiều hơn. Ông cụ có thể viết được cả một giáo trình đầy đủ về nghề làm vườn.
Cụ Egor Xêmiônứts cố cười phá lên, mặt đỏ dừ và luôn miệng nói những câu mà các tác giả vẫn thường nói khi ngượng ngập. Cuối cùng cụ cũng nhượng bộ.
– Nếu vậy thì trước tiên anh hãy đọc bài báo của Gôsêe và những bài báo Nga này,- cụ vừa run run lật mấy trang giấy vừa lầu bầu nói. – Không thì anh sẽ thấy khó hiểu đấy. Trước khi đọc những ý kiến phê phán của tôi, cần phải biết những gì tôi định phê phán. Nhưng thôi, toàn là chuyện nhảm cả… chán lắm. Mà hình như cũng đến giờ đi ngủ rồi đấy.
Tanhia bước ra. Cụ Egor Xêmiônứts ngồi ghé xuống đi văng sát bên Kôrvin thở phào.
– Chà, anh bạn trẻ của tôi này… – Cụ bắt đầu nói sau một lát im lặng. – Này… Nhà học giả thân mến của tôi… Đấy, tôi đã viết mấy bài báo, đã tham dự triển lãm, đã nhận được huy chương này nọ… Người ta cứ nói nào là ông Pêxốtxki trồng được những cây táo quả to xấp xỉ đầu người., nào là ông Pêxốtxki nhờ có vườn mà giàu to. Nói tóm lại là vừa giàu, vừa làm gì kia chứ? Vườn cây quả thật là đẹp đẽ, đáng làm mẫu mực… Đây không phải là vườn cây mà là một cơ sở lớn có tầm quan trọng quốc gia, bởi vì có thể nói rằng đó là một nấc thang để bước vào kỷ nguyên mới của nền sản xuất nước Nga, của nền kinh doanh nước Nga. Nhưng mà để làm gì? Vì mục đích gì?
– Sự việc đã tự nó trả lời rồi cụ ạ.
– Không, tôi không nói tới ý nghĩa ấy. Tôi muốn hỏi rằng: vườn cây này rồi sẽ ra sao sau khi tôi nhắm mắt? Thiếu tôi khu vườn ấy sẽ không thể tồn tại được một tháng trong cái dạng mà anh đang trông thấy bây giờ. Tất cả những bí quyết thành công không phải ở chỗ khu vườn này rộng và có đông người làm công, mà ở chỗ là tôi yêu công việc này, anh có hiểu không? Tôi yêu công việc này có thể còn hơn là yêu bản thân mình. Anh hãy thử nhìn tôi mà xem: tôi tự mình làm lấy tất. Tôi làm suốt từ sáng sớm cho đến tối mịt. Tự tay tôi chiết cành, ghép cây, tự tay tôi tỉa bỏ, tự tay tôi trồng cây, tôi làm lấy tất. Khi có người định giúp tôi một tay, tôi ghen tức và nổi cáu đến mức thô lỗ, cục cằn. Tất cả bí quyết là ở tình yêu đối với vườn cây, tức là ở con mắt thạo nghề tinh tường, ở đôi tay khéo léo, ở tâm trạng là nếu có đi đến nhà ai chơi chung một tiếng đồng hồ thì ngồi thẩn một nơi còn đầu óc thì ở nơi khác; lúc nào cũng lo ngay ngáy không biết ở vườn nhà có chuyện gì xảy ra không. Vậy khi tôi chết rồi thì ai sẽ trông coi vườn cây thay tôi? Ai sẽ làm việc? Người quản gia chăng? Bọn làm công ư? Có phải thế không? Cho nên tôi muốn nói với anh, anh bạn thân mến của tôi rằng: kẻ thù đầu tiên trong công việc của chúng ta không phải là thỏ, không phải là sâu bọ, không phải là sương giá, mà là những người xa lạ.
– Thế còn Tanhia thì sao? – Kôrvin cười hỏi. – Tất nhiên không thể nói rằng cô ấy tai hại hơn lũ thỏ. Cô ấy yêu và hiểu công việc cô ấy làm đấy.
– Phải rồi, nó yêu và hiểu biết công việc nó làm đấy. Nếu sau khi tôi chết đi rồi mà vườn cây chuyển sang tay nó và nó sẽ là người trông nom mọi việc thì tất nhiên là không còn mong gì hơn thế. Nhưng mà nếu chẳng may nó đi lấy chồng thì sao? – Cụ Egor Xêmiônứts nói thì thào và sợ hãi nhìn vào mặt Kôrvin. – Đấy, mối lo ngại là ở đấy! Lấy chồng, sinh con đẻ cái, rồi chẳng có lúc nào mà nhòm ngó đến vườn cây nữa. Điều tôi sợ nhất là nhỡ nó đi lấy một anh chàng trai trẻ nào tham lam lại để cho bọn lái buôn nó thầu thì chỉ một năm sau là tan hoang cả khu vườn! Trong công việc của chúng ta thì đàn bà là cả một tai hoạ tày đình!
Cụ Egor Xêmiônứts thở dài và im lặng hồi lâu.
– Có thể đây là một thứ chủ nghĩa vị kỷ, nhưng cứ thẳng thừng mà nói thì tôi không muốn để cho Tanhia nó đi lấy chồng. Tôi sợ lắm! Đấy, độ này có cái gã công tử bột cứ hay đến đây chơi rên rỉ kéo đàn vĩ cầm; tôi biết thừa là chẳng đời nào con Tanhia nhà tôi lại đi lấy cái thằng ấy, nhưng quả tình là tôi không thể nhìn mặt nó được. Anh bạn trẻ ạ, nói chung thì tôi vẫn là một ông lão gàn dở đấy. Tôi tự nhận thấy như thế.
Cụ Egor Xêmiônứts đứng dậy và xúc động đi lại trong căn phòng, có thể đoán được rằng cụ đang rất muốn nói một điều gì đó hệ trọng, nhưng cứ chần chừ mãi không dám nói.
– Tôi yêu mến anh lắm và sẽ chẳng giấu giếm anh điều gì, – cuối cùng, cụ cũng quyết định nói thẳng, hai tay thọc sâu vào túi áo. – Đối với một số vấn đề tế nhị bao giờ tôi cũng có thái độ rất đơn giản và tôi thường bày tỏ thẳng thừng những gì tôi nghĩ, tôi không thể nói rõ rằng, anh là người duy nhất mà tôi có thể gả con gái tôi mà không phải lo ngại gì. Anh là một người thông minh, một người có tâm hồn và chắc anh chẳng để cho sự nghiệp tôi yêu quí bị mai một.
Và nguyên nhân chủ yếu là tôi thương yêu anh như con đẻ và tự hào về anh Nếu giữa anh và Tanhia nảy nở một mối tình, biết đâu được phải không? Thì tôi sẽ rất mừng, rất hạnh phúc nữa là đằng khác. Tôi cứ nói thẳng điều này, chẳng phải quanh co giấu giếm gì như những người trung thực vẫn thường xử như vậy.
Kôrvin cười thành tiếng. Cụ Egor Xêmiônứts mở cửa để đi ra, nhưng rồi dừng lại trên ngưỡng cửa.
– Nếu anh và Tanhia mà sinh con trai thì tôi thế nào cũng dạy nó thành người làm vườn thành thạo, cụ nghĩ một lát rồi nói. – Nhưng mà thôi, đó chỉ là chuyện ước mơ hão… Chúc anh ngủ ngon nhé.
Còn lại một mình, Kôrvin xoay mình lại nằm cho thoải mái hơn rồi bắt đầu lấy mấy bài báo ra đọc. Một bài có đầu để “Về một loài cây chuyển tiếp”, một bài khác “Mấy lời nhân ý kiến của ngài Z. về vấn đề cày xới đất cho vườn mới trồng” bài thứ ba: “Lại nói về cách ghép mầm” – các bài báo khác cũng đại loại như vậy. Nhưng giọng văn thì thật là chẳng bình tĩnh và điềm đạm chút nào, cũng có thể thấy rõ là một sự hăng say quá mức gần như bệnh hoạn! Đơn cử một bài báo có lẽ có đầu đề hiền lành nhất và nội dung vô thưởng vô phạt nhất: bài viết về loại táo Nga ra quả muộn. Nhưng cụ Egor Xêmiônứts lại bắt đầu bằng câu “Audiatur alera pars” và kết thúc bằng câu “Sapienti sat”, và giữa hai câu thành ngữ La tinh ấy là hàng tràng những lời độc địa chĩa vào “sự ngờ nghệch khoác vỏ học giả của mấy ngài được mệnh danh là nhà làm vườn của chúng ta thường quen quan sát thiên nhiên từ độ cao của bục giảng đường”, hoặc là chĩa vào ngài Gôsêe, “người được ngưỡng mộ bởi những kẻ vô học và nửa vô học, và liền ngay đó là cả một giai đoạn dài dòng không ăn nhập vào đâu cả, than phiền chẳng thành thực chút nào rằng đối với những người nông dân hái trộm quả và nhân đấy làm hư hại cây bây giờ không thể dùng roi vọt được nữa.
“Làm vườn là một chuyện êm ái, đẹp đẽ, lành mạnh, thế mà ở đấy cũng có chuyện cãi vã, sôi sùng sục như vậy, – Kôrvin nghĩ. Chắc là khắp mọi nơi, trên mọi lĩnh vực những người có đầu óc suy nghĩ bao giờ cũng thiếu bình tĩnh và dễ bị kích động lắm. Hình như cần phải như vậy.
Anh nhớ đến cô Tanhia, người rất thán phục những bài báo của cụ Egor Xêmiônứts. Nàng người nhỏ nhắn, yếu ớt, thanh mảnh, trông rõ xương quai xanh nhô lên; đôi mắt mở to, đen tuyền, linh lợi, lúc nào cũng nhìn đi đâu như đang tìm kiếm cái gì; dáng đi vội vã, ngắn bước như dáng đi của ông cụ thân sinh. Nàng hay nói, thích tranh luận và vào những lúc ấy thì ngay cả khi nói những lời vô thưởng vô phạt nhất nàng cũng biểu lộ tình cảm rõ rệt bằng nét mặt hay bằng điệu bộ. Chắc nàng cũng là một người dễ mất thăng bằng, thiếu bình tĩnh cao độ, Kôrvin tiếp tục đọc, nhưng anh chẳng hiểu gì hết và bỏ luôn. Cái cảm giác phấn chấn dễ chịu đến với anh lúc chập tối khi anh nhẩy điệu mazuôcka và nghe đàn hát, bây giờ lại làm anh mệt nhọc và gợi cho anh nhiều suy nghĩ mông lung. Anh đứng dậy, đi đi lại lại trong căn phòng và nghĩ ngợi về nhà tu sĩ vận đồ đen. Anh nghĩ rằng, nếu như nhà tu hành kỳ lạ, siêu phàm kia chỉ có một mình anh nhìn thấy có nghĩa là anh đã mắc bệnh và đã đến mức nhìn thấy ảo hình. Ý nghĩ đó làm anh sợ hãi, nhưng chỉ một lúc thôi.
“Nhưng mà tâm thần mình vẫn tỉnh táo, mình không làm điều ác cho ai, có nghĩa là trong những ảo hình mình thấy chẳng có điều gì xấu xa cả”, – anh nghĩ thế và cảm thấy lòng mình bình yên trở lại.
Anh ngồi xuống đi văng, hai tay ôm lấy đầu, cố kìm lại một niềm vui khó hiểu đang dạt dào trong lòng, sau đó anh đứng dậy đi rồi ngồi xuống bên bàn làm việc. Nhưng những suy nghĩ mà anh đọc được trong sách không làm anh thoả mãn. Anh muốn thấy một cái gì thật vĩ đại, phi thường, thật đáng kinh ngạc. Gần sáng, anh cởi quần áo ra ngoài và miễn cưỡng nằm xuống giường; dù sao cũng cần phải ngủ!
Khi nghe tiếng chân cụ Egor Xêmiônứts đi vào vườn, Kôrvin rung chuông gọi người hầu mang rượu mùi lên. Anh khoan khoái uống mấy ly rượu lafit liền, sau đó anh kéo chăn trùm kín đầu; trí óc anh mờ mịt dần và anh thiếp đi.
IV
Cụ Egor Xêmiônứts và cô Tanhia thường hay cãi nhau và nói với nhau những lời chẳng êm ái gì.
Có lần, vào một buổi sáng hai người cãi nhau về một chuyện gì đó. Tanhia khóc và đi về buồng mình. Nàng không ra ăn cơm trưa, cũng không ra uống trà. Mới đầu cụ Egor Xêmiônứts vẫn tỏ vẻ thản nhiên nghiêm trang, như muốn để cho mọi người hiểu rằng đối với cụ thì lẽ phải và tôn ti trật tự là điều đáng lưu tâm trước tiên trên đời này, nhưng được ít lúc sau thì cụ cũng chẳng nói cứng được nữa và quay buồn chán thật sự. Cụ rầu rĩ đi dạo trong vườn hoa và thở dài thườn thượt. “Chặc, trời ơi là trời!” Suốt cả bữa trưa cụ chẳng ăn qua một tý gì. Cuối cùng, với vẻ mặt đau khổ đầy ân hận, cụ khẽ gõ vào cánh cửa buồng khoá kín và rụt rè gọi:
– Tanhia! Tanhia!
Từ phía sau cửa vọng ra tiếng trả lời yếu ớt, đẫm nước mắt mà vẫn đầy cương quyết.
– Xin cha cứ để con yên!
Sự đau khổ của chủ nhân làm không khí cả nhà trở nên nặng nề, có thể thấy rõ điều đó ngay trên cả những vẻ mặt của người làm công trong vườn. Kôrvin thì bị cuốn hút vào công việc đầy thú vị của mình, nhưng cuối cùng, chính anh cũng cảm thấy buồn tẻ và khó xử. Để xua tan tâm trạng nặng nề, anh quyết định can thiệp vào và lúc gần tối, anh đến gõ cửa buồng Tanhia. Nàng mở cửa cho anh vào.
– Chà – chà, thế có đáng xấu hổ không kia chứ! – Anh vào đầu với giọng bông đùa và ngạc nhiên nhìn lên gương mặt buồn bã với đôi mắt đỏ quầng vì khóc quá nhiều. – Lẽ nào chuyện cãi cọ lại ghê gớm đến thế ư? Chà – chà.
– Nhưng nếu anh biết rằng, ông cụ đã làm khổ tôi đến thế nào! – nàng nói, và những dòng nước mắt nóng bỏng ứ đầy trong đôi mắt to tròn tuôn ra như mưa. – Ông cụ đã làm tình làm tội tôi! – Nàng nói tiếp, run run bẻ bẻ bàn tay.- Tôi không nói gì với ông cụ cả… Không nói gì cả… Tôi chỉ nói rằng không nên thuê quá nhiều những người làm công, trong khi…trong khi, lúc nào cũng thuê người làm công nhật. Vì… vì cả một tuần nay rồi những người làm công chẳng có việc gì làm… Tôi… tôi chỉ vừa nói thế mà ông cụ đã quát tháo ầm lên, mắng mỏ tôi đủ điều… sỉ nhục, ức lắm. Vì tội gì kia chứ?
– Thôi, thôi… đừng khóc nữa, – Kôrvin vừa nói vừa sửa lại mái tóc cho nàng. – Cãi nhau rồi, khóc rồi thì thôi chứ. Không nên giận nhau lâu thế, thế là không hay đâu… hơn nữa ông cụ rất yêu cô.
– Ông cụ đã… đã làm hỏng cả đời tôi, – Tanhia vừa nói vừa sụt sịt khóc.- Lúc nào cũng phải nghe toàn là những điều mắng mỏ… và sỉ nhục. Ông cụ coi tôi là người thừa trong cái nhà này. Thì có sao đâu? Ông cụ đã nghĩ phải. Ngày mai tôi sẽ đi khỏi nơi đây, xin làm nghề điện báo… Như thế này còn hay hơn…
– Thôi, thôi, thôi… Đừng khóc nữa Tanhia ạ. Đừng khóc nữa Tanhia thân yêu… Hai cha con cô đều nóng nẩy, thiếu bình tĩnh, cả hai đều có lỗi. Thôi đứng dậy đi, tôi dàn hoà cho cả hai người nào.
Kôrvin nói, vừa dịu dàng gượng nhẹ, vừa có lý có lẽ, thế mà Tanhia thì vẫn tiếp tục khóc, đôi vai rung rung, tay nắm chặt vào nhau, dường như quả thật là nàng đã chịu một nỗi đau khổ nào ghê gớm! Anh cảm thấy thương nàng hơn vì một chuyện không đâu mà nàng cũng đau khổ đến nhường ấy. Thật chỉ là những điều vặt vãnh thôi cũng đủ làm con người này bất hạnh suốt cả một ngày, có khi cả một đời nữa. Lúc an ủi Tanhia, Kôrvin nghĩ rằng, ngoài cô gái này và ông cụ thân sinh cô ra, trên đời này dù có đốt đuốc giữa ban ngày chăng nữa cũng không thể tìm ai được ai yêu quý anh như người ruột thịt; và nếu không có hai cha con Tanhia thì có lẽ anh, một người từ nhỏ đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, đến chết cũng không thể nào biết thế nào là sự âu yếm chân thành, thế nào là một tình yêu thơ trẻ, vô tư thường chỉ dành cho những người thân thiết, ruột thịt. Và anh cảm thấy rằng thần kinh người con gái đang run rẩy khóc nức nở này hoà hợp với thần kinh dở bệnh dở hoạn của anh như sắt với nam châm. Hầu như không bao giờ anh lại có thể yêu một người phụ nữ khoẻ mạnh, chắc lẳn, hồng hào, nhưng cô gái Tanhia yếu ớt, nhợt nhạt, bất hạnh này anh lại thấy dễ mến.
Anh thích thúc vuốt nhẹ mái tóc và đôi vai nàng, nắm lấy tay nàng và lau nước mắt… Một lúc sau, nàng thôi không khóc nữa. Nàng còn trách móc ông cụ thân sinh rất lâu và than vãn cho số phận nặng nề, hẩm hiu của nàng trong cái nhà này, nàng cầu mong Kôrvin giải thoát cho nàng khỏi tình trạng đó; sau đó dần dần nàng tươi tỉnh lại và chốc chốc lại thở dài than rằng trời đã ban cho nàng cái tính tình gàn dở như vậy, rồi cuối cùng thì nàng cười phá lên, tự gọi mình là con ngốc và chạy ra khỏi phòng.
Một lát sau, khi Kôrvin ra vườn thì cụ Egor Xêmiônứts và cô Tanhia đã đi dạo bên hàng cây dường như trước đó không có chuyện gì xảy ra vậy; cả hai đều ăn bánh mì đen với muối vì đều đói cả.
V
Kôrvin đi vào vườn hoa với cảm giác khoan khoái rằng mình đã đóng rất đạt vai người dàn hoà. Ngồi trên ghế nghĩ ngơi miên man, anh nghe thấy tiếng xe ngựa đến, tiếng phụ nữ cười – đó là khách vừa mới tới. Khi bóng chiều bắt đầu ngả xuống vườn cây, nghe vọng tiếng đàn vĩ cầm, giọng người hát từ phía nhà, và cảnh đó làm anh nhớ lại nhà tu sĩ vận đồ đen, ảo ảnh ấy giờ đang lang thang ở xử sở nào, hành tinh nào?
Anh chỉ vừa nhớ đến câu chuyện huyền thoại và vẽ lại trong trí tưởng tượng của mình ảo hình màu đen đen mà anh đã nhìn thấy ngoài cánh đồng lúa mạch thì từ phía rặng thông trước mặt rất nhẹ nhàng, không một tiếng động nhỏ nào, thấy xuất hiện một người tầm thước, đầu trần tóc bạc, toàn thân vận đồ đen, trông giống như một người hành khất, trên gương mặt nhợt nhạt như mặt người đã chết nổi rõ lên đôi lông mày đen. Người hành khất hay là người hành hương ấy gật gật đầu chào Kôrvin và nhẹ nhàng tiến lại gần ghế rồi ngồi xuống, và anh nhận ra đó là nhà tu sĩ vận đồ đen. Hai bên nhìn nhau chừng một phút – Kôrvin thì lộ rõ vẽ kinh ngạc, còn nhà tu hành thì dáng điệu niềm nở và hơi có chút ranh mãnh như lần trước làm ra vẻ như đang suy nghĩ.
– Nhưng mà ông là ảo ảnh cơ mà, – Kôrvin nói. – Sao ông lại ở đây và ngồi một chỗ? Điều đó không phù hợp với câu chuyện huyền thoại.
– Thì điều đó có sao đâu, – một lát sau nhà tu hành mới trả lời, – giọng nhỏ nhẹ, mặt quay về phía anh.- Chuyện huyền thoại ảo ảnh và ta – tất cả đều là sản phẩm của trí tưởng tượng bị kích động của anh. Ta là một ảo hình.
– Thế có nghĩa là ông không tồn tại. Kôrvin hỏi.
– Anh muốn nghĩ thế nào tuỳ ý, – nhà tu hành nói và khẽ mỉm cười. – Ta tồn tại trong trí tưởng tượng của anh, mà trí tưởng tượng của anh là một phần của thiên nhiên, có nghĩa là ta tồn tại trong thiên nhiên.
– Gương mặt ông rất già, rất thông thái và hết sức diễn cảm, hệt như quả thực là ông đã sống hơn nghìn năm rồi, – Kôrvin nói. – Tôi không biết rằng trí tưởng tượng của tôi có thể tạo ra những điều phi thường như vậy. Nhưng tại sao ông lại nhìn tôi say sưa làm vậy? Ông có cảm tình với tôi chăng?
– Đúng thế. Anh là một trong số người ít ỏi đáng được gọi là siêu nhân. Anh phụng sự cho chân lý vĩnh cửu.
– Ông có nói đến chân lý vĩnh viễn… Nhưng lẽ nào con người lại có thể hiểu được và cần đến chân lý đó, nếu trên đời này không có cuộc sống vĩnh cửu.
– Cuộc đời đó có tồn tại, – nhà tu hành nói.
– Ông tin vào sự bất tử của con người ư.
– Đúng thế, tất nhiên. Một tương lai vĩ đại, huy hoàng đang chờ mọi người. Và nếu trên trái đất này càng có những người như anh thì tương lai ấy càng sớm thành hiện thực. Thiếu những người như anh, những người phụng sự Đấng Tối cao và sống một cách tự do, có ý thức, thì nhân loại sẽ trở thành nhỏ nhoi, vô nghĩa; phát triển theo lối tự nhiên thì có lẽ nhân loại sẽ còn phải chờ rất lâu mới đến cái điểm tận cùng lịch sử trần thế của mình. Chính anh sẽ là người đưa nhân loại đến xứ sở của chân lý vĩnh cửu sớm hơn hàng nghìn năm – đó chính là công lao to lớn của anh. Bản thân anh là hiện thân của phúc trời giáng xuống cho thiên hạ.
– Nhưng mục đích của cuộc đời vĩnh viễn là gì? Kôrvin hỏi.
– Như của mọi cuộc đời khác thôi – đó là lạc thú. Lạc thú chân chính là ở trong nhận thức, mà cuộc sống vĩnh cửu sẽ đem lại vô số những ngọn nguồn không bao giờ vơi cạn cho nhận thức, chính là với cái ý nghĩa đó mà đã có câu: Nhà Thượng đế có nhiều chỗ ở.
– Ô, nếu ông biết rằng, nghe ông nói thật là sảng khoái biết bao! – Kôrvin nói, xoa xoa tay vì khoan khoái.
– Ta rất mừng.
– Nhưng tôi biết rằng khi ông đi khỏi rồi, tôi sẽ còn phải băn khoăn mãi về bản chất sự tồn tại của ông. Ông là ảo hình, là ảo ảnh. Có nghĩa là đầu óc tôi đã không bình thường, tôi đã bị bệnh tâm thần rồi chăng?
– Thế thì đã sao. Có gì đáng ngại? Anh bị bệnh là vì anh đã làm việc mệt nhọc quá sức, và điều đó có nghĩa là anh đã hy sinh sức khoẻ của mình cho lý tưởng, và cũng gần đến thời gian mà anh sẽ cống hiến cả cuộc đời của mình. Còn gì tốt đẹp hơn thế nữa? Đó chính là điều mà mọi con người cao thượng siêu phàm đều vươn đến.
– Nếu tôi biết rằng tôi bị bệnh tâm thần thì liệu tôi còn có thể tự tin mình được chăng?
– Nhưng vì sao mà anh biết được rằng những người thiên tài mà cả thế giới đều tin cậy lại không nhìn thấy ảo ảnh bao giờ? Chính bây giờ đây, nhiều nhà học giả đã nói rằng thiên tài là có liên quan đến sự không bình thường về trí tuệ. Anh bạn thân mến của tôi ơi, chỉ có những kẻ bất tài, những kẻ sống như bầy, như đàn mới khoẻ mạnh và bình thường. Những suy nghĩ về cái gọi là thế kỷ căng thẳng thần kinh, về sự mệt mỏi thái quá của sự tha hoá v.v… chỉ có thể tác động tới những người chỉ thấy mục tiêu cuộc sống trong hiện tại, tức là những con người tầm thường.
– Người La Mã xưa từng nói: Mens sana in corpore sano
– Không phải những gì người La Mã hay người Hy Lạp xưa nói đều là chân lý cả. Tâm trạng phấn hứng thái quá, phi thường – đó là tất cả những gì phân biệt các nhà thơ, nhà tiên tri, những người chịu khổ hạnh vì lý tưởng với những con người tầm thường, đó là những điều đối lập với cái phần súc vật trong con người, tức là đối lập với sức mạnh về mặt cơ thể của nó. Ta nhắc lại rằng: nếu anh muốn làm người khoẻ mạnh, tâm thần bình thường, thì anh cứ việc hoà vào mà sống trong bầy, trong đàn.
– Thật là lạ, ông đã nhắc lại đúng cái điều mà tôi vẫn thường nghĩ, – Kôrvin nói. – Dường như ông đã ghé mắt và lắng nghe được những ý nghĩ thầm kín của tôi. Nhưng thôi, ông đừng nói đến riêng tôi nữa. Ông hiểu thế nào về chân lý vĩnh cửu?
Nhà tu hành không đáp. Kôrvin nhìn lén ông ta và không thấy rõ mặt nữa: mọi đường nét nhoà dần đi và tan biến mất. Tiếp đấy, đầu và tay nhà tu hành cũng dần dần biến đi; thân mình ông hoà tan vào chiếc ghế và bóng chiều, rồi dáng hình ông hoàn toàn biến hẳn.
– Ảo ảnh thế là hết, – Kôrvin nói, và cười thành tiếng. – Tiếc thật.
Anh khoan khoái sung sướng trở vào nhà. Cái điều ngắn ngủi mà nhà tu sĩ vận đồ đen nói với anh đã mơn trớn không phải chỉ lòng ái kỷ của anh mà là cả tâm hồn, cả con người anh nữa. Được làm một siêu nhân, phụng sự chân lý vĩnh cửu, được đứng trong số những người có thể làm nhân loại trở nên xứng đáng với Đấng Tối cao sớm hơn hàng nghìn năm, tức là giải thoát bớt cho con người hàng nghìn năm đấu tranh đầy tội lỗi và đau khổ, được cống hiến cho lý tưởng tất cả – tuổi trẻ, nghị lực và sức khoẻ, sẵn sàng hy sinh cho hạnh phúc chung – được như vậy thì số phận của anh thật là hạnh phúc và cao quý biết bao. Cả quá khứ trong sạch, lao động miệt mài lướt nhanh qua tâm trí anh, anh nhớ lại những gì mình đã học và đã dạy những người khác và anh đi đến kết luận rằng không có gì là cường điệu trong những lời nói của nhà tu hành.
Tanhia đang đi ngược lại phía anh trong vườn hoa. Nàng đã vận bộ váy áo khác.
– Anh ở đây ư? – nàng nói. – Thế mà chúng tôi cứ tìm anh mãi, tìm mãi… Anh có điều gì vui thế? Nàng ngạc nhiên nhìn lên gương mặt rạng rỡ, tươi rói, nhìn lên đôi mắt đẫm lệ. – Trông anh thật là lạ, anh Andriusa ạ.
– Tôi thoả mãn lắm. Tanhia ạ, – Kôrvin vừa nói vừa đặt tay lên vai nàng. – Không phải chỉ thoả mãn mà là hạnh phúc nữa! Tanhia. Tanhia thân yêu, cô là người vô cùng đáng yêu. Tanhia thân yêu, tôi sung sướng lắm, sung sướng lắm.
Anh say sưa hôn đôi bàn tay nàng và nói tiếp:
– Tôi vừa sống qua những phút kỳ diệu, rạng rỡ, phi thường. Nhưng tôi không thể kể lại cho cô tất cả, vì nếu vậy nhất định cô sẽ coi tôi là điên hay là không tin tôi. Tôi sẽ chỉ nói tới Tanhia thôi. Tanhia yêu quí, Tanhia mến thương. Tôi yêu cô và tình yêu đã sâu nặng. Có cô luôn bên cạnh, ngày nào cũng được gặp cô hàng chục lần đã trở thành nhu cầu của tâm hồn tôi. Tôi không biết thiếu cô thì tôi sẽ sống ra như thế nào, khi tôi rời khỏi chốn này và trở về nhà mình.
– Anh đừng nói thế? – Tanhia cười nói. – Anh sẽ quên chúng tôi sau hai ngày thôi. Chúng tôi là những người bình thường, nhỏ nhoi, còn anh là một người vĩ đại.
– Không đâu Tanhia ạ, chúng ta đang nói chuyện đứng đắn với nhau cơ mà! – anh nói. – Tanhia ạ, tôi sẽ đưa cô về cùng với tôi. Thế nhé? Cô có đi cùng với tôi không? Cô có ưng thuận làm bạn đời của tôi không?
– Sao lại thế! – Tanhia nói và nàng định cười nhưng không cười được nữa và mặt nàng thì đã ửng đỏ.
Nàng thở gấp hơn và đi rất nhanh, không phải về phía nhà mà xa hơn về phía vườn hoa.
– Tôi chưa nghĩ đến điều ấy…chưa nghĩ đến! – nàng vừa nói, hai tay nắm chặt vào nhau như tuyệt vọng.
Còn Kôrvin thì bước theo sau nàng và tiếp tục nói vẫn với vẻ mặt rạng rỡ tươi rói.
– Tôi muốn có một tình yêu, một tình yêu có thể choán cả tâm hồn tôi và chỉ có cô thôi, Tanhia ạ, mới có thể đem lại cho tôi một tình yêu như thế. Tôi sung sướng lắm, sung sướng lắm.
Nàng sững sốt, cúi mình co người lại, hệt như già đi mười tuổi ngay một lúc, còn anh thì thấy nàng tuyệt đẹp và nói to lên cảm giác say sưa của mình:
– Ôi, nàng đẹp quá.
VI
Sau khi được Kôrvin cho biết rằng, giữa anh và Tanhia không chỉ nẩy nở một mối tình êm thấm mà hơn thế nữa, sẽ làm lễ cưới nhau, cụ Egor Xêmiônứts đi đi lại lại lâu trong phòng cố che giấu đi niềm xúc động của mình. Hai tay cụ run rẩy, cổ bạnh ra và đỏ lự, cụ cho người thắng ngựa vào một cổ xe nhỏ rồi lên xe đi một nơi nào không biết nữa. Nhìn thấy cụ vung mạnh roi quất ngựa và kéo cao cổ áo gần như sát lên tai. Tanhia hiểu tâm trạng ông cụ thân sinh là thế nào, nàng khoá kín cửa buồng mình lại và nằm khóc suốt ngày hôm đó.
Trong các nhà kính, đào và mận đã chín tới; việc đóng hòm và gửi đi Matxcơva thứ hàng mềm mại, khó tính ấy đòi hỏi phải lưu tâm tới rất nhiều, phải mất nhiều công phu khó nhọc. Vì tiết trời mùa hè rất nóng nực và hanh khô nên cần phải tưới nước cho từng cây một, việc đó mất rất nhiều thì giờ và công sức; trên cây cũng xuất hiện nhiều sâu, và Kôrvin cảm thấy ghê rợn khi những người làm công và cả cụ Egor Xêmiônứts, cả Tanhia nữa, cứ lấy tay không mà bóp chết chúng. Bên cạnh những việc ấy lại còn cần phải tiếp nhận những đơn đặt hàng mùa thu về quả và cây, cần phải viết thư đi rất nhiều nơi. Vào đúng lúc bận rộn nhất, khi không có ai rỗi rãi, thư thả lấy được một phút, thì cũng vừa đến thời kỳ công việc đồng áng thu hút đến hơn nửa số người làm công; vẻ mặt rám nắng, cau có, mệt mỏi, cụ Egor Xêmiônứts khi thì cưỡi ngựa vào vườn, khi thì phi ra ngoài đồng quát tháo ầm ĩ rằng, người ta đang xé lẻ người cụ ra từng mảnh, và cụ sẽ tự bắn vào trán mình một viên đạn cho mà xem.
Bên cạnh đấy lại còn đủ thứ rắc rối trong việc sắm của hồi môn mà gia đình cụ Pêxốtxki rất coi trọng; cả nhà cứ bận tíu tít với tiếng kéo cắt, tiếng đạp máy khâu, mùi lo đốt bàn là và tính tình đỏng đảnh, ngúng nguẩy của bà thợ may nóng nẩy, hay giận hờn và chuộng thời trang. Dường như cố ý, ngày nào cũng có khách đến chơi và chủ nhân lại còn phải soạn dọn chăn đệm cho họ ngủ lại nữa. Nhưng tất cả công việc khổ sai mệt nhọc ấy đã nhanh chóng êm thấm trôi đi như một màn sương. Tanhia cảm thấy như tình yêu và hạnh phúc đã bất ngờ choán lấy cuộc đời nàng, mặc dù ngay từ năm mười bốn tuổi, không hiểu sao nàng đã đinh ninh rằng Kôrvin sẽ lấy nàng làm vợ chứ không phải là ai khác…
Có lúc một niềm vui lớn bỗng trào dâng trong lòng nàng và nàng như muốn bay lên trời cao và nguyện cầu thượng đế, có khi nàng lại chợt nghĩ rằng đến tháng tám này nàng sẽ phải rời bỏ căn nhà êm thấm, phải sống xa cách với người cha già yếu, hay có khi chẳng hiểu từ đâu một ý nghĩ chợt đến với nàng rằng nàng thật tầm thường, nhỏ nhoi, không xứng đáng với một con người vĩ đại như Kôrvin – vào những lúc ấy nàng đi về buồng mình, khoá trái cửa và cay đắng khóc hàng mấy giờ liền. Khi có khách đến chơi,, nàng chợt nhận thấy rằng Kôrvin thật là đẹp, tất cả phụ nữ đều phải lòng anh và ghen tị với nàng lúc ấy, lòng nàng rào rạt sung sướng, tự hào, mê say, dường như nàng đã chiến thắng cả thế giới xung quanh; nhưng chỉ cần Kôrvin mỉm cười với một cô gái nào đó là nàng đã run lên vì ghen tuông, nàng bỏ về buồng mình – và lại khóc. Những cảm giác ấy choán hết cả con người kia như một cái máy, không hề để ý gì đến cây đào, cây mận hay sâu bọ, hay người làm công, không hề để ý đến điều rằng thời gian đang trôi qua rất nhanh.
Tâm trạng cụ Egor Xêmiônứts cũng có gì na ná như vậy. Cụ làm việc suốt từ sáng đến đêm, lúc nào cũng vội vàng, tất bật, cáu kỉnh, giận dữ, nhưng tất cả những cái đó diễn ra trong một tâm trạng nửa tỉnh nửa mơ. Hầu như trong con người cụ có đến hai người khác hẳn nhau: một người đích thị là cụ Egor Xêmiônứts vừa nghe Ivan Karlưts bẩm báo lại những chuyện không may vừa nổi giận và tuyệt vọng túm lấy tóc mình, một người khác không phải thực là cụ, dường như đang dở say, bất thình lình cắt ngang câu chuyện làm ăn, nắm lấy hai vai Ivan Karlưts và lầu bầu nói:
– Nói thế nào thì nói chứ dòng máu quả là quan trọng thật. Mẹ của anh ấy là một phụ nữ kỳ diệu, cao thượng vô cùng, thông minh vô cùng. Thật là sảng khoái biết bao khi được nhìn lên gương mặt phúc hậu, rạng rỡ, trong trắng như thiên thần của bà. Bà ấy vẽ rất giỏi, làm thơ hay, nói thạo năm thứ tiếng ngoại quốc, lại còn biết hát nữa… Tội nghiệp, cầu Chúa cho bà được hưởng phúc nơi thiên đường, bà bị chết vì bệnh lao…
Con người không thực trong cụ Egor Xêmiônứts thở dài, im lặng một lát rồi nói tiếp:
– Dạo ấy anh còn nhỏ và tôi còn nuôi dạy anh, gương mặt anh cũng phúc hậu, rạng rỡ như thiên thần như vậy. Cái nhìn của anh, dáng đi, giọng nói dịu dàng êm ái, cũng giống hệt như mẹ anh. Còn trí thông minh thì sao? Bao giờ anh cũng làm cho cả nhà kinh ngạc về sự thông minh của mình. Mà cũng chẳng cần phải nói tới điều đó nữa, chẳng phải ngẫu nhiên mà anh đậu bằng thạc sĩ! Chẳng phải ngẫu nhiên! Này, Ivan Karlứts, anh cứ thử chờ xem, mười năm sau anh ấy sẽ trở thành như thế nào? Không thể nào với tới được đâu.
Nhưng liền ngay đó con người thực của cụ Egor Xêmiônứts bỗng tỉnh lại, nét mặt cụ cáu kỉnh, nhăn nhó, cụ ôm lấy đầu và kêu toáng lên:
– Đồ quỷ sứ! Nó làm hỏng, làm nát, làm hại cả cái vườn này rồi còn gì! Thế là mất toi cả khu vườn! Tiêu tan cả khu vườn mất rồi…
Còn Kôrvin thì vẫn làm việc miệt mài như trước và không nhận thấy mọi người chung quanh đang tất tả bận rộn. Tình yêu đối với anh như lửa đổ thêm dầu. Sau mỗi lần đi chơi với Tanhia, anh khoan khoái, sung sướng, lâng lâng trở về buồng mình và lao vào đọc sách hay đọc bản thảo của mình một cách say mê như lúc nãy anh vừa hôn Tanhia và tỏ tình với nàng. Những lời nhà thu hành vận đồ đen nói về những người siêu phàm, về chân lý vĩnh cửu, tương lai huy hoàng của nhân loại v.v… đã đem cho công việc của anh một ý nghĩa đặc biệt, phi thường và làm anh cảm thấy tràn ngập trong lòng một niềm tự hào về tầm cao của chính mình. Cứ một hoặc hai lần trong tuần anh lại gặp và nói chuyện khá lâu với nhà tu hành vận đồ đen trong vườn hoa hay trong nhà, điều đó không làm anh sợ hãi, mà ngược lại làm anh thêm sung sướng, vì bây giờ anh tin một cách sâu sắc rằng, những ảo ảnh như vậy chỉ đến với nhà siêu phàm, xuất chúng, hiến cả đời mình cho việc phụng sự lý tưởng.
Có lần nhà tu hành xuất hiện ngay trong bữa ăn trưa và ngồi bên cửa sổ phòng ăn. Kôrvin mừng rỡ và anh khéo léo nói với cụ Egor Xêmiônứts và cô Tanhia những lời mà nhà tu hành cũng có thể thích nghe; vị khách vận đồ đen lắng nghe anh nói và gật gù thú vị, còn cụ Egor Xêmiônứts và cô Tanhia thì vui vẻ cười, không hề hay biết rằng Kôrvin đang nói chuyện không phải với họ mà là với ảo ảnh của riêng mình.
Tuần chay lễ Phục sinh đến lúc nào không biết, và tiếp đó không lâu là đến ngày cử hành lễ cưới mà theo ý muốn trước sau như một của cụ Egor Xêmiônứts đã được tổ chức thật “nổi đình đám”, tức là đã ăn uống, vui chơi thoả thích suốt hai ngày liền. Tiền ăn uống bỏ ra mất chừng ba nghìn, nhưng vì dàn nhạc thuê chơi quá tồi, vì những tiếng hò reo chuốc rượu, vì bọn người hầu phải chạy rối lên, vì sự ồn ào chật chội mà chẳng ai thưởng thức được những thứ rượu quý giá đắt tiền, những thức nhắm mới lạ đặt mua từ Matxcơva đem về.
VII
Có lần vào một đêm dài mùa đông, Kôrvin nằm trên giường mà đọc một cuốn tiểu thuyết Pháp. Nàng Tanhia bất hạnh, dạo này cứ tối tối lại đau đầu vì không quen sống ngoài thành phố, đã ngủ từ lâu và thỉnh thoảng lại ú ớ với những câu gì chẳng liên quan với nhau.
Đồng hồ đã điểm ba giờ khuya. Kôrvin tắt nến định đi ngủ, anh mở mắt trằn trọc nằm rất lâu mà không sao ngủ được vì anh cảm thấy rằng chăn nệm nóng hầm hập và bên cạnh là Tanhia đang nói mê. Vào lúc bốn giờ rưỡi sáng, anh lại châm nến lên, và đúng lúc ấy, anh lại trông thấy nhà tu hành vận đồ đen đang ngồi trên ghế bành đặt bên cạnh giường.
– Chào anh, – nhà tu hành nói, im lặng một lát, rồi hỏi.- Bây giờ anh đang nghĩ gì vậy?
– Nghĩ về niềm vinh quang, – Kôrvin đáp. – Trong cuốn tiểu thuyết Pháp mà tôi vừa đọc xong có mô tả nhà học giả trẻ tuổi thắc mắc phải những điều ngu xuẩn và ốm o gầy mòn vì tơ tưởng quá nhiều đến niềm vinh quang. Tâm trạng này thật xa lạ đối với tôi.
– Bởi vì anh là một người thông minh. Đối với niềm vinh quang anh có một thái độ dửng dưng, lạnh nhạt, coi đó là một thứ đồ chơi mà anh không thích.
– Đúng, điều đó đúng.
– Anh chưa kịp được dịp may mắn nổi tiếng. Nhưng mà có gì đáng vui thích, thú vị, đáng nêu gương, nếu tên tuổi anh sẽ được người ta khắc lên bia đá rồi sau đó thời gian sẽ xoá nhoà những dòng chữ đó cùng với lớp vàng mạ? Mà cũng thật may là những người như anh có quá nhiều cho nên trí nhớ kém cỏi của nhân loại cũng khó có thể nhớ hết tên các anh.
– Tôi hiểu rồi, – Kôrvin tán đồng nói. – Mà họ phải nhớ những cái tên ấy để làm gì kia chứ? Nhưng thôi, chúng ta hãy nói sang chuyện khác đi. Như nói về hạnh phúc chẳng hạn, hạnh phúc là cái gì?
Khi đồng hồ điểm năm giờ, Kôrvin ngồi trên giường, bỏ thõng chân xuống thảm trải và nói với nhà tu hành:
– Thời cổ xưa, có một người quá sung sướng cuối cùng đâm sợ hạnh phúc của chính mình – hạnh phúc ấy quá lớn! – và đề làm vừa lòng các vị thần, anh ta sẽ mang tặng các vị chiếc nhẫn có kim cương quí giá của mình. Ông có biết chuyện đó không? Và tôi cũng giống như Pôlikrát, tôi đã bắt đầu lo ngại với hạnh phúc của chính mình. Tôi cảm thấy lạ lùng rằng suốt từ sáng đến đêm, lòng tôi tràn ngập niềm sung sướng, nó choán hết cả tâm trí tôi và lấn át mọi cảm giác khác. Tôi không còn biết thế nào là nỗi buồn khổ, tẻ nhạt. Đấy, bây giờ tôi thức, tôi mất ngủ suốt đêm, nhưng tôi không thấy lo ngại, buồn chán. Tôi nói thật rằng tôi đã bắt đầu cảm thấy khó hiểu.
– Ừ, thì đã sao? – nhà tu hành ngạc nhiên nói.- Lẽ nào niềm vui lại là một cảm giác siêu tự nhiên? Lẽ nào đó không phải là trạng thái bình thường của con người? Con người càng đứng ở bậc thang phát triển cao hơn về lý trí và đạo đức thì nó càng tự do hơn, cuộc đời càng đem lại cho nó nhiều lạc thú hơn. Xôkrát, Điôghen, Mark Avreli thường xuyên cảm thấy niềm vui chứ không phải là nỗi buồn. Còn đồ đệ của Chúa Giuxe thì nói rằng: hãy luôn luôn vui mừng. Hãy mừng vui và làm một người hạnh phúc.
– Nhưng nhỡ ra bất ngờ các vị thần lại nổi giận thì làm sao? – Kôrvin nói đùa và cười thành tiếng. – Nếu các vị đó tước bỏ mọi tiện nghi sống và bắt tôi phải đói khát, rét mướt thì khó có thể nói rằng điều đó hợp với ý thích của tôi.
Giữa lúc ấy Tanhia tỉnh dậy, kinh ngạc và sợ hãi nhìn lên chồng. Anh vừa nói với chiếc ghế bành, vừa làm điệu bộ hai tay và cười hà hà: đôi mắt anh sáng lên, trong tiếng cười của anh nghe có gì là lạ.
– Anh Anđriusa, anh đang nói với ai thế? –Tanhia vừa hỏi vừa cầm lấy hai tay anh đang giơ ra về phía nhà tu hành. – Anh Anđriusa! Anh nói với ai vậy?
– Cái gì? Với ai hả? – Kôrvin bối rối đáp. – Đấy, nói với ông ấy… Ông ấy đang ngồi đây.- Kôrvin vừa nói vừa chỉ vào nhà tu hành vận đồ đen.
– Không có ai ở đây… Không có ai cả! Anh Anđriusa, anh bị ốm rồi.
Tanhia ôm lấy chồng, ghì sát vào người anh như muốn che chở cho anh thoát khỏi những ảo hình, nàng đưa tay che lấy mắt anh.
– Anh bị ốm rồi! – Nàng khóc nức nở, toàn thân run lẩy bẩy. – Anh thân yêu, anh tha lỗi cho em, anh yêu quí, từ lâu rồi em nhận thấy tâm hồn anh đã bị một cái gì làm rối loạn… Anh mắc bệnh tâm thần rồi, anh Anđriusa ạ…
Anh cảm thấy rất rõ cái run rẩy của thân thể nàng đã truyền sang người anh. Một lần nữa, anh nhìn lên chiếc ghế bành bây giờ đã trống rỗng, và bất chợt cảm thấy chân tay rã rời, anh hoảng sợ và vôi vàng mặc áo ngoài vào.
– Tanhia, điều này không sao cả đâu, không sao đâu… – anh lầu bầu run rẩy nói. – Quả thực là anh cũng không được khoẻ lắm… đã đến lúc phải thú nhận như thế rồi.
– Em thì đã thấy điều đó từ lâu rồi… và bố cũng đã thấy,- nàng vừa nói vừa cố kìm lại tiếng nấc.- Anh hay nói chuyện với chính mình, hay cười trông lạ lắm… lại không ngủ nữa. Trời ơi, trời ơi, cứu chúng con với! – nàng sợ hãi kêu lên. – Nhưng mà, anh Anđriusa, anh đừng sợ, đừng sợ, cầu trời cho anh đừng sợ.
Nàng cũng mặc áo xống mới. Chỉ đến lúc này, khi nhìn lên nàng, Kôrvin mới hiểu hết tình trạng nguy hiểm của mình, mới hiểu rằng thế nào là nhà tu sĩ vận đồ đen và thế nào là những lần đàm đạo với nhà tu hành ấy. Bây giờ thì anh hiểu rõ rằng, anh đã mất trí.
Cả hai vợ chồng, không hiểu rõ để làm gì, đều ăn mặc chỉnh tề và đi sang phòng lớn; nàng đi trước, anh theo sau. Trong phòng cụ Egor Xêmiônứts đang ở thăm con vừa thức giấc vì nghe thấy tiếng khóc nức nở, cũng đang đứng đấy, mình vận bộ áo choàng ngủ, tay cầm nến.
– Anh Anđriusa, anh đừng sợ, – Tanhia vừa nói vừa run lẩy bẩy như người đang lên cơn sốt, – anh đừng sợ… Cha ơi, sự thể này rồi sẽ qua thôi… sẽ qua thôi…
Kôrvin xúc động không nói được câu nào. Anh định nói ông nhạc một câu bông đùa: “Cha chúc mừng con đi, hình như con phát rồ rồi đấy”, – nhưng rồi anh chỉ mấp máy môi và mỉm cười cay đắng. Vào lúc chín giờ sáng, hai bố con Tanhia mặc áo ấm và bành tô cho anh, choàng khăn san cho anh, rồi đưa anh lên xe đi gặp thầy thuốc. Anh bắt đầu được chữa chạy.
VIII
Mùa hè lại đến, và bác sĩ lại khuyên Kôrvin về ở thôn quê. Kôrvin đã khỏi bệnh, anh không còn nhìn thấy nhà tu sĩ vận đồ đen nữa, anh chỉ còn phải bồi bổ thêm sức khoẻ của mình. Sống trong nhà bố vợ ở thôn quê, anh uống nhiều sữa, một ngày chỉ làm việc hai giờ, không uống rượu và hút thuốc lá. Vào buổi tối chiều ngày thánh Ilia, nhà cụ Pêxốtxki làm lễ cầu nguyện. Khi viên trợ tế dâng dĩa hương trầm cho vị linh mục, thì cả gian phòng lớn bỗng ngào ngạt toả mùi hương như ở ngoài nghĩa địa, và Kôrvin cảm thấy buồn tẻ. Anh bỏ ra ngoài vườn, không để ý gì đến những đoá hoa rực rỡ, đi dạo trong vườn, ngồi một lúc trên ghế, rồi sau đó đi dọc qua vườn hoa; đến bờ sông, anh bước xuống phía dưới và trầm ngâm đứng hồi lâu nhìn mặt nước. Những hàng thông cao vút, rễ trơ ra trên mặt đất mà năm ngoái anh thấy rất xanh non, reo vui, đầy nhựa sống bây giờ không nhận ra anh nữa. Và sự thật là tóc anh đã cắt ngắn, mái tóc dài hẹp không còn nữa, dáng đi uể oải, so với mùa hè năm ngoái thì gương mặt anh trông nhợt nhạt, bạc bẽo hơn.
Qua chiếc cầu nhỏ, anh sang bên bờ bên kia. Nơi đây, năm ngoái là cánh đồng lúc mạch đen, năm nay là những dãy dài yến mạch vừa mới gặt. Mặt trời đã lặn, phía chân trời, ráng chiều đỏ rực báo trước một ngày lộng gió. Chung quanh vắng lặng. Kôrvin đưa mắt nhìn về phía mà năm ngoái lần đầu tiên nhà tu sĩ vận đồ đen đã xuất hiện, anh đứng lại đây chừng hai mươi phút cho đến khi ánh chiều tắt hẳn.
Khi anh trở về nhà với tâm trạng nặng nề, mệt mỏi, thì buổi lễ đã xong. Cụ Egor Xêmiônứts và cô Tanhia đang ngồi trên bậc thềm và uống trà. Hai người đang nói chuyện gì với nhau, nhưng vừa trông thấy Kôrvin thì liền im lặng; trông vẻ mặt của hai người, anh cũng có thể đoán được rằng, họ đang nói về anh.
– Có lẽ đã đến giờ anh phải uống sữa rồi đấy, – Tanhia nói với chồng.
– Không, không phải lúc uống đâu…- anh vừa đáp, vừa ngồi xuống bậc thềm thấp nhất. – Em uống đi anh không muốn uống.
Tanhia lo lắng đưa mắt nhìn bố, rồi nói với giọng như có lỗi:
– Anh cũng thấy đấy, sữa đối với sức khoẻ của anh rất có lợi.
– Đúng rồi, rất có lợi, – Kôrvin nhếch mép cười.- Tôi chúc mừng các người, sau ngày thứ sáu này, tôi sẽ cân nặng thêm một funt đấy. – Anh ôm chặt lấy đầu và buồn rầu nói: – Các người chữa bệnh cho tôi để làm gì kia chứ? Nó là các loại thuốc brômit, nào là phải nghỉ ngơi, tắm nước nóng, luôn luôn bị theo dõi, lo sợ cho từng miếng ăn, từng bước chân tất cả những cái đó cuối cùng đã biến tớ thành một kẻ ngu độn. Lúc tôi bị mất trí, tôi bị bệnh vĩ cuồng, nhưng lúc ấy tôi cảm thấy vui vẻ, phấn chấn, đầy hạnh phúc, tôi là một con người đặc sắc, đầy hấp dẫn. Bây giờ tôi trở nên bệ vệ hơn, biết đắn đo suy nghĩ hơn, nhưng vì thế mà tôi trở thành kẻ không khác gì mọi người, tôi là một kẻ tầm thường, tôi sống thật buồn tẻ… Ô, các người đã đối xử quá độc ác với tôi! Tôi đã nhìn thấy ảo hình, nhưng điều ấy có làm hại gì đến ai? Tôi xin hỏi: điều ấy có làm hại gì đến ai?
– Có trời mới biết rằng, anh định nói gì? – cụ Egor Xêmiônứts thở dài nói. Chỉ nghe thôi cũng đã chán ngấy rồi.
– Thế thì cụ đừng nghe.
Gặp mặt mọi người, nhất là cụ Egor Xêmiônứts dạo này làm khó chịu; anh trả lời cụ với giọng lạnh lùng, khô khốc, thậm chí còn thô lỗ nữa và mỗi lần nhìn thấy cụ, anh không thấy gì khác ngoài cảm giác căm ghét, giễu cợt, còn cụ Egor Xêmiônứts thì cảm thấy bối rối, lúng túng, cụ húng hắng ho ra vẻ người biết lỗi mặc dù cụ không nhận thấy về phía mình có một tội lỗi nào. Không biết nổi do đâu mà mối quan hệ vốn êm thấm, thân thiết giữa hai người lại đột ngột thay đổi làm vậy, Tanhia thấy thương người cha già và ái ngại nhìn vào mắt cụ; nàng muốn hiểu mà không thể hiểu nổi, đối với nàng chỉ có thể thấy rõ một điều là mối quan hệ đó ngày càng xấu đi, là gần đây cha nàng gầy xọm hẳn, còn nàng thì sinh ra trái tính trái nết, hay cáu gắt và tẻ ngắt. Nàng không thể nào tươi cười, hát hỏng được nữa, bữa trưa thường chẳng ăn chút gì, hàng đêm liền mất ngủ chờ đợi một điều gì kinh khủng sẽ đến, nàng dằn vặt, đau khổ đến mức có lần nằm miên man bất tỉnh suốt từ trưa đến tối. Trong buổi lễ lúc nãy, nàng cảm thấy hình như cha nàng đã khóc, và bây giờ khi cả ba người ngồi ngoài hiên, nàng cố không nghĩ tới điều đó nữa.
– Đức Phật Thích ca, thánh Magômét hay là Sếchxpia thật là hạnh phúc biết bao, khi đám họ hàng cùng các vị thầy thuốc hảo tâm đã không chữa bệnh cho họ thoát khỏi trạng thái phấn hứng phi thường! – Kôrvin nói. – Nếu thánh Magômét uống thuốc brômít kali để trị bệnh thần kinh, một ngày chỉ làm việc hai giờ và uống sữa bò, thì có lẽ sau khi chết đi, con người xuất chúng ấy cũng sẽ không để lại gì nhiều hơn con chó của ông ta. Các vị thầy thuốc và những đám họ hàng hảo tâm cuối cùng sẽ làm cái việc dẫn nhân loại đến chỗ cùn mòn, ngu độn đi, sự tầm thường sẽ được coi là thiên tài và nền văn minh sẽ bị diệt vong theo. Nếu các người nói rằng,- Kôrvin nói với vẻ trách móc, – tôi mang ơn các người đến thế nào!
Anh cảm thấy một nỗi tức giận trào lên, và dể tránh nói những điều gì thái quá, anh vội vã đứng dậy và đi vào nhà. Trong nhà vắng lặng, từ phía vườn, mùi thuốc lá thơm thơm, mùi dạ hương bay vào qua những cửa sổ mở rộng. Ánh trăng xanh ngả dài thành từng vệt trên sân nhà căn phòng lớn, trên cây đàn dương cầm. Kôrvin nhớ lại niềm say sưa vào mùa hè năm ngoái, khi cũng có mùi hoa dạ hương bay ngào ngạt và ánh trăng dọi vào cửa sổ. Để lấy lại cảm xúc năm trước, anh bước vội về buồng làm việc của mình, lấy thuốc lá loại nặng ra hút và gọi người hầu đem rượu mùi tới. Nhưng hút thuốc chỉ làm anh đắng miệng khó chịu, còn rượu thì không đem lại mùi vị như năm ngoái. Anh đã hiểu thế nào là sự kiêng khem kéo dài! Chỉ hút một điếu thuốc và hai hớp rượu mà đầu anh đã quay cuồng, tim đập thình thịch đến mức anh lại phải uống brômít kali.
Trước khi đi nằm ngủ, Tanhia nói với anh:
– Bố rất yêu quý anh. Chẳng hiểu vì lẽ gì mà anh tức giận bố, điều đó làm bố khổ tâm lắm. Anh thử để ý mà xem: bố già đi không phải từng ngày mà là từng giờ. Em van anh, anh Anđriusa, hãy vì Chúa vì người cha quá cố của anh, vì cuộc sống bình yên của em mà đối xử dịu dàng với bố.
– Anh không thể làm thế, và không muốn thế.
– Nhưng mà vì sao vậy?- Tanhia hỏi, toàn thân bắt đầu run lên. – Anh hãy nói rõ cho em biết vì sao vậy?
– Bởi vì rằng anh không ưa ông cụ, có thế thôi,- Kôrvin trả lời chiếu lệ và nhún vai, – nhưng thôi, không nói đến ông cụ nữa, ông cụ là bố của em.
– Em không thể hiểu, không thể hiểu nổi! – Tanhia nói, hai tay ấp lên thái dương mình và nhìn chằm chằm vào một điểm. – Có điều gì đó kinh khủng, không thể hiểu nổi đã xảy ra trong nhà chúng ta. Anh đã thay đổi, không còn như trước nữa… Một người thông minh, có trí tuệ phi thường như anh lại đi tức giận về những chuyện không đâu, và can dự vào những chuyện cãi cọ vặt vãnh… Nhưng chuyện nhỏ nhặt như vậy làm anh phải bận tâm và mọi người phải ngạc nhiên tự hỏi: có phải đấy là anh không? Thôi thôi, anh đừng giận em, đừng giận em, – nàng vừa tiếp tục nói, vừa sợ sệt những lời nói của chính mình và vồ vập hôn vào tay chồng. – Anh là một người thông minh, phúc hậu, cao thượng. Anh sẽ đối xử công bằng với bố. Bố thật là người tốt.
– Ông cụ không phải là người tốt, mà chỉ là người xởi lởi dễ tính. Những ông già đáng nực cười, đại loại như bố em vẻ mặt no nê hồ hởi, tính tình mến khách phi thường và hơi gàn dở trước đây đã từng làm anh thấy buồn cười và mên mến trong truyện, trong hài kịch cũng như trong cuộc đời, còn bây giờ thì những ông già loại đó làm anh chán ngấy. Đó là những người ích kỷ đến tận xương tuỷ. Cái làm tôi thấy khó chịu nhất là vẻ no nê, là chủ nghĩa lạc quan phát ra từ dạ dày, thuần tuý của bò hay của cừu gì đó.
Tanhia ngồi lên giường và gục đầu xuống gối.
– Thật là một đầy ải, – nàng nói, qua giọng nàng khóc nhọc lắm nàng mới nói được. – Từ mùa đông đến giờ không được sống một phút nào yên… Trời ơi, thật là khủng khiếp! Tôi khổ quá rồi…
– Phải rồi, tất nhiên tôi là một kẻ độc ác, còn cô và bố cô là những đứa trẻ vô tội. Tất nhiên là thế.
Tanhia cảm thấy gương mặt Kôrvin vừa xấu xí, vừa khó chịu. Căm ghét và giễu cợt không hợp với vẻ mặt anh. Trước đây nàng cũng đã nhận rằng, gương mặt anh đã thiếu đi một cái gì đó; hình như từ ngày anh cắt lại mái tóc, khuôn mặt cũng thay đổi theo. Nàng muốn nói châm chọc anh một câu, nhưng ngay lúc đó nàng bắt quả tang mình đang căm ghét chồng, nàng sợ hãi và bước ra khỏi buồng ngủ.
IX
Kôrvin chính thức được nhận làm giảng viên. Buổi lên giảng đường đầu tiên được dự định vào ngày hai tháng mười hai, người ta đã treo biển thông báo điều đó trong hành lang trường Đại học tổng hợp. Nhưng vào ngày đã định trước, anh đánh điện báo cho vị đốc học của sinh viên rằng anh không thể lên bục giảng được vì bị bệnh.
Anh bị ho ra máu. Anh vẫn thường nhổ ra máu, nhưng cứ khoảng hai lần một tháng máu lại ra nhiều, những lúc ấy anh yếu lắm và lâm vào tình trạng mê ngủ. Căn bệnh này không làm anh sợ hãi lắm, vì anh biết rằng, người mẹ quá cố của anh cũng sống với bệnh tật như vậy mười năm hay còn hơn thế nữa; các thầy thuốc chỉ đoán chắc rằng bệnh này không nguy hiểm và chỉ khuyên rằng không nên lo lắng gì, cần phải sống cho qui củ và nói ít thôi.
Đầu tháng giêng, anh cũng không thể giảng bài được vẫn vì lý do ấy; đến tháng hai thì đã quá muộn để bắt đầu môn học đó rồi. Đành phải gác lại năm sau.
Anh không sống Tanhia nữa, mà với một người phụ nữ khác nhiều hơn anh hai tuổi và chăm sóc anh như chăm sóc một đứa trẻ. Tâm trạng anh thư thái, hoà dịu: anh ưng thuận chịu phục tùng; và khi Vácvara Nhikôlaiépna – tên người bạn đời của anh – sửa soạn đưa anh đi Krưm, anh bằng lòng ngay, mặc dù anh đã linh cảm thấy trước rằng chuyến đi này sẽ chẳng đem lại điều gì tốt lành.
Hai người đến Xêvátxtôpôn vào buổi tối và dừng lại nghỉ ở một khách sạn để hôm sau đi tiếp đến Ianta. Cả hai đều mệt nhọc vì đi đường xa. Vácvara Nhikôlaiépna uống mấy tách chè rồi đi nằm và một lát sau thì ngủ thiếp. Nhưng Kôrvin thì không đi nằm. Ngay từ khi còn ở nhà, một giờ trước khi ra ga, anh nhận được một bức thư của Tanhia và quyết định không bóc ra vội; và bây giờ bức thư ấy đang nằm trong chiếc túi áo bên; nghĩ đến bức thư, anh cảm thấy không yên lòng chút nào. Giờ đây, thực lòng anh nghĩ việc cưới Tanhia là một sai lầm, anh thấy khoan khoái rằng cuối cùng đã trở nên khô dét như một bộ xương trong đó dường như không còn gì là sống động trừ đôi mắt to nhìn chăm chăm đầy vẻ thông minh, hồi tưởng ấy bây giờ chỉ làm thức dậy trong anh niềm thương hại và giận dỗi với chính mình. Nét chữ trên phong bì, gợi cho anh nhớ lại rằng, cách đây hai năm thật là anh đã độc ác và vô lý khi trút lên những người chẳng có tội tình gì tất cả sự buồn tẻ, trống rỗng của tâm hồn mình, sự cô đơn và bất mãn với cuộc đời. Liền đó anh cũng nhớ lại rằng, có lần anh đã xé vụn luận án và tất cả bài báo anh đã viết trong thời gian bị bệnh, anh đã ném qua cửa sổ và những mảnh giấy vụn ấy lả tả theo gió bay bám vào cây và những bông hoa; trong những dòng chữ một anh nhìn thấy những lời trách móc kỳ quặc, vô căn cứ, nhìn thấy lòng hay say một cách dễ dãi khờ khạo, sự táo tợn vì chứng cuồng vĩ, và điều này gây cho anh một ấn tượng hệt như là anh đang đọc lời mô tả những chứng bệnh của mình; nhưng khi cuốn vở cuối cùng bị xé và ném qua cửa sổ, thì bất ngờ anh bỗng cảm thấy tiếc rẻ, chua xót, anh đến gần bên vợ và nói một thôi một hồi những lời khó chịu. Trời, anh đã đày đoạ nàng bao nhiêu! Có lần, muốn làm nàng đau đớn, anh đã nói với nàng rằng, trong mối tình giữa hai người, ông cụ thân sinh nàng đã đóng một vai trò không hay ho gì lắm, vì đã van xin anh lấy nàng; cụ Egor Xêmiônứts đã vô tình nghe thấy những lời ấy, cụ chạy nhào vào trong phòng, không nói được lời nào vì tuyệt vọng mà chỉ còn biết đứng giậm chân một chỗ, ú ớ kêu lên hệt như ai đã cắt mất lưỡi của cụ, còn Tanhia thì nhìn cụ, kêu thét lên rồi ngã xuống bất tỉnh. Cái cảnh ấy thật chẳng đẹp mắt chút nào.
Tất cả những điều ấy lần lượt lướt nhanh qua tâm trí Kôrvin, khi anh thoáng nhìn lên nét chữ quen thuộc. Anh bước ra ngoài ban công; chung quanh, không khí vắng lặng, ấm áp thoang thoảng mùi biển mặn. Mặt nước nơi bờ vịnh diệu kỳ lung linh phản chiếu ánh trăng và những đốm lửa nhỏ mờ xa, biển nhuốm một màu kỳ ảo khó tìm được tên gọi. Đấy là màu biếc xanh, hoà dịu với màu lá mạ; có chỗ mặt nước ngả màu xanh thẳm, có chỗ ánh trăng như cô lại và ở đấy, không phải là nước nữa mà chính là ánh trăng đã phủ lên mặt vịnh, và bên những sắc màu tuyệt diệu, hài hoà ấy, tâm hồn con người thật êm dịu, bình yên và thanh thoát biết bao.
Ở tầng nhà phía dưới ban công, chắc là cửa sổ đang mở rộng, nghe rõ tiếng cười, giọng nói phụ nữ vọng lên. Hình như ở đấy đông người đang tụ tập vui chơi.
Kôrvin cố thu lấy hết can đảm, bóc thư ra, đi trở vào buồng mình và đọc.
“Bố tôi vừa mới qua đời. Tôi thấy cần phải nói với anh điều này, vì chính anh là kẻ gây nên cái chết của ông cụ. Vườn cây của chúng tôi đang tàn lụi đi, chủ của nó là những người khác rồi, có nghĩa là đang diễn ra cái điều mà bố tôi lo sợ nhất. Cả điều này nữa, tôi cũng phải cảm ơn anh! Tôi căm ghét anh đến tận xương tuỷ và mong sao cho anh chóng chết. Ô, tôi thật khổ sở biết chừng nào! Một nỗi đau không sao chịu nổi đang giằng xé lòng tôi… Anh là kẻ đáng nguyền rủa. Anh đã tưởng rằng anh là một người phi thường, một thiên tài, tôi đã yêu anh, nhưng hoá ra anh chỉ là một kẻ điên rồ…”
Kôrvin không thể đọc tiếp được nữa, anh xé bức thư và ném đi. Anh thấy bồn chồn lo âu, gần như là sợ hãi. Đằng sau tấm riđô, Vácvara Nhikôlaiépna đang ngủ, nghe rõ tiếng thở đều đều; từ phía tầng dưới vọng lên tiếng cười, giọng nói phụ nữ, nhưng anh vẫn có cảm giác rằng trong cả ngôi nhà khách sạn này, ngoài anh ra, không còn một người nào khác.
Anh cảm thấy ghê rợn vì trong bức thư vừa rồi, cô Tanhia bất hạnh, đau khổ đến cùng cực đã nguyền rủa anh, cầu mong cho anh chóng chết, anh vội nhìn ra phía cửa như sợ rằng cái thế lực bí ẩn trước kia tràn vào trong buồng và lại sai khiến anh, cái thế lực chỉ trong hai năm qua đã gây ra bao nhiêu đổ vỡ tan nát trong cuộc đời anh và cuộc đời những người thân.
Kinh nghiệm riêng cho anh hay rằng, khi thần kinh căng thẳng, thì phương thức chữa tốt nhất là làm việc. Cần phải ngồi vào bàn và dù thế nào nữa cũng tự bắt mình phải tập trung suy nghĩ một điều gì đấy. Anh lấy một cuốn vở để trong chiếc cặp màu đỏ, cuốn vở ghi lại đề cương một công trình nhỏ thu nhặt những ý kiến của người khác, không kèm theo xuất xứ rõ ràng anh dự định sẽ viết nếu trong thời gian ngắn ở Krưm anh thấy buồn tẻ vì không có việc gì làm. Anh ngồi xuống bên bàn và để tâm vào đề cương ấy, anh cảm thấy lòng mình trở lại bình yên, lãnh đạm. Cuốn vở nhỏ ghi đề cương thậm chí còn gợi cho anh nghĩ đến cái tất bật của cuộc đời. Anh nghĩ rằng cuộc đời đã lấy đi nhiều biết bao nhiêu trong khi nó chỉ đem lại cho con người những vui hết sức bình thường nhỏ nhí. Tỷ dụ như là để được lên bục giảng đường khi gần bốn mươi tuổi đầu, trở thành một giáo sư bình thường, trình bày bằng một thứ ngôn ngữ nặng nề, uể oải, buồn tẻ những ý nghĩ tầm thường mà lại là của người khác,- nói gọi là để đạt đến địa vị của một học giả làng nhàng bậc trung, Kôrvin đã phải học hành mười lăm năm trời, phải làm việc ngày đêm, mang bệnh tâm thần rủi ro và mắc phải bao nhiêu điều ngu xuẩn, ám muội mà tốt hơn cả là không nên nhớ lại. Bây giờ thì Kôrvin đã thừa nhận rõ ràng anh là một kẻ không có tài năng gì đặc biệt, anh thoải mái chấp nhận điều ấy, vì theo ý anh, mỗi con người là thế nào thì hãy bằng lòng là thế ấy.
Cuốn vở ghi chép gần như đã làm anh yên lòng trở về lại, nhưng những mảnh thư bị xé nằm trắng xoá dưới sàn nhà ngăn cản anh tập trung suy nghĩ. Anh rời bàn đứng dậy, nhặt những mảnh thư lên và ném qua cửa sổ, nhưng một ngọn gió nhẹ từ biển thổi tới, và làm những mảnh thư vương lại trên cửa sổ. Một cảm giác âu lo gần như sợ hãi lại choán lấy anh, và anh lại cảm thấy rằng khắp cả khách sạn này, ngoài anh ra, không còn có một ai nữa… Anh bước ra ngoài ban công. Vịnh biển như một cơ thể sống đang nhìn anh bằng vô vàn những con mắt máu lửa, màu xanh biếc, xanh thẳm, màu kim cương và thu hút anh tới gần nó. Thời tiết nóng nực, bức bối và nếu có tắm kể cũng chẳng sao.
Bất ngờ từ tầng nhà phía dưới ban công bỗng vọng lên một tiếng đàn vĩ cầm và hai giọng hát nữ dịu dàng, mềm mại. Nghe có gì quen quen. Bản tình ca vọng lên từ phía ấy hát về một người con gái giàu trí tưởng tượng đến mức như mang bệnh, có lần ban đêm nghe trong vườn hoa có những âm thanh – Ấy là một sự hài hoà thiêng liêng không thể nào hiểu nổi đối với những người đã chết… Kôrvin bỗng thấy hơi thở mình nghèn nghẹn, trái tim thắt lại vì một nỗi buồn chợt đến, và một niềm vui dịu ngọt mà từ lâu rồi anh đã lãng quên bỗng rung lên trong lồng ngực.
Một cột gì cao cao đen đen, giống như một cơn xoáy lốc, hiện ra bên bờ vịnh bên kia. Cả khối hình đen đen ấy di động rất nhanh qua vịnh, lao về phía khách sạn, mỗi lúc một nhỏ dần đi và đen sẫm hơn, chỉ thiếu chút nữa là Kôrvin đã không kịp tránh sang bên để nhường đường… Một nhà tu hành với mái đầu bạc, đôi lông mày đen, chân để trần, hai tay bắt chéo trước ngực, lao nhanh qua bên anh và đứng lại giữa buồng.
– Tại sao anh lại không tin tôi? Ông ta hỏi Kôrvin với vẻ trách móc, mắt âu yếm nhìn anh. – Nếu lúc ấy anh tin lời tôi nói rằng anh là một thiên tài, thì hai năm vừa rồi anh đã không phải sống một cách buồn rầu và tẻ nhạt như vậy.
Kôrvin lại bắt đầu tin rằng quả thật mình là một siêu nhân, một thiên tài, anh nhớ rõ mồn một những lần đàm đạo trước đây với nhà tu sĩ vận đồ đen và anh không muốn cất tiếng nói, nhưng máu tươi bỗng trào từ trong miệng xuống ngực; không biết phải làm gì, anh đưa tay lên xoa ngực và cả hai cổ tay áo anh ướt đẫm máu. Anh muốn gọi Vácvara Nhikôlaiépna lúc này đang ngủ sau tấm màn riđô; anh thu hết sức lực và kêu lên:
– Tanhia!
Anh ngã xoài xuống sàn nhà, gượng chống tay lên, rồi lại gọi.
– Tanhia!
Anh gọi tên Tanhia, anh gọi tên vườn cây bát ngát với những bông hoa rực rỡ ướt đẫm sương đêm, anh gọi tên những vườn hoa, cánh đồng lúa mạch và khoa học tuyệt diệu và tuổi trẻ của mình, nghị lực can đảm và niềm vui, anh gọi cuộc đời anh xưa kia đã từng đẹp đẽ vô cùng. Anh nhìn thấy trên sàn nhà bên cạnh mặt mình một vũng máu lênh láng, anh lả đi, không nói được lời nào, nhưng một niềm hạnh phúc vô biên, khôn sao tả được đang tràn ngập lòng anh.
Phía dưới ban công, người ta vẫn đang hát bản tình ca, và nhà tu sĩ vận đồ đen thì thầm nói với anh rằng anh là một thiên tài, anh đang hấp hối vì cơ thể yếu ớt của con người anh đã mất cân bằng và không thể tiếp tục làm phần vật chất để chứa đựng thiên tài.
Khi Vácvara Nhikôlaiépna thức dậy và bước ra ngoài tấm riđô thì Kôrvin đã tắt thở, và trên gương mặt anh còn đọng lại một nụ cười chan chứa hạnh phúc.
Phan Hồng Giang dịch
Trần Thanh Lộc đánh máy