HUÂN TƯỚC MOUNTDRAGO. Somerset Maugham

Võ Đình Cường dịch

Bác sĩ Audlin xem giờ trên chiếc đồng hồ để ở bàn giấy. Sáu giờ kém hai mươi! Ông ngạc nhiên vì sự sai hẹn của Huân tước Mountdrago, một bệnh nhân thường đến chữa tại phòng mạch của ông. Mountdrago rất tự hào về sự đúng giờ của mình. Với thói quen phát biểu những nhận xét không có gì là đặc sắc với cái vẻ tự phụ như đó là những phương ngôn tục ngữ, ông thường bảo rằng sự đúng giờ là một cách tán thưởng người thông minh và trừng trị kẻ ngu đần. Thế mà ông đã trễ trên mười phút rồi: bác sĩ Audlin hẹn gặp ông vào lúc 5 giờ rưởi chiều.

Bác sĩ Audlin không gây được sự chú ý với hình dáng của ông. Người ông cao lớn khô khan, hai vai hẹp và lưng hơi gù, tóc màu xám và mảnh. Nhiều đường nhăn khắc sâu trên khuôn mặt dài màu vàng tái. Mặc dù chưa quá năm mươi, ông có vẻ già trước tuổi. Đôi mắt lớn màu xanh thiếc mệt mỏi và chậm chạp khi nhìn vào mặt bạn, không làm bạn cảm thấy khó chịu, vì chúng hoàn toàn không để lộ một phản ứng gì cả. Chúng ít khi bừng sáng, không báo hiệu chiều hướng của tư tưởng, cũng chẳng thay đổi theo với lời lẽ ông nói ra. Nếu bạn là người hay quan sát bạn sẽ không khỏi ngạc nhiên về sự nhấp nháy rất ít của đôi mắt ông so với mắt hầu hết của chúng ta. Hai bàn tay lớn với những ngón thon dài, mềm nhưng không nhão, mát nhưng không rịn mồ hôi. Không bao giờ bạn có thể nói được ông ăn mặc những gì trừ khi bạn chú ý quan sát. Y phục ông thường là màu sậm và cà-vạt màu đen. Áo quần ông làm cho khuôn mặt nhăn nheo càng thêm tái nhạt và đôi mắt thêm trắng đục. Ông gợi cho bạn cái ấn tượng một người ốm nặng.

Bác sĩ Audlin chuyên trị về bịnh thần kinh. Ông đã chọn nghề này một cách tình cờ và hành nghề mà không tin tưởng ở hậu quả của nó. Khi thế chiến bùng nổ, ông mới ra trường được ít lâu và đang đi tập sự ở các bệnh viện, ông tình nguyện gia nhập quân đội và sau một thời gian, được đưa sang Pháp. Chính bắt đầu từ đó, ông khám phá ra thiên năng đặc biệt của mình. Ông có thể làm êm dịu cơn đau bằng cách sờ mó bệnh nhân với hai bàn tay mát mẻ chắc chắn của ông, đưa giấc ngủ vào những bệnh nhân mắc bệnh mất ngủ bằng thôi miên. Ông nói từ tốn và chầm chậm với họ. Tiếng nói của ông đều đều, giọng nói không biến đổi theo những lời ông nói, nhưng nó dịu dàng, du dương, êm ái như ru. Ông nói với bệnh nhân là họ cần được yên nghỉ, đừng lo âu, họ cần phải ngủ. Và giấc ngủ len lỏi vào những đốt xương đau nhức của họ, thanh tịnh lấn dần, đẩy dần những lo âu khắc khoải ra xa, như một người len lỏi giữa những hàng ghế đầy người để tìm chỗ ngồi của mình; rồi giấc ngủ thiu thiu rơi xuống, rơi xuống đè trĩu mí mắt bệnh nhân như mưa xuân thấm vào những luống đất mới trở.

Bác sĩ Audlin nhận thấy, với giọng nói trầm trầm, đều đều, với cái nhìn của đôi mắt tái bạc, trầm lặng, với cái thoa nhẹ nhàng lên vừng trán mệt mỏi của bệnh nhân với đôi tay vững chắc, ông có thể làm vơi dần những băn khoăn, điều hòa những xung đột nội tâm, xua đuổi những lo sợ đang hành hạ, giày vò cuộc sống của họ. Đôi khi ông chữa được nhiều bệnh thực tài tình như một phép lạ. Một người bị chôn vùi dưới đất vì một quả bom và bị câm, đã nhờ ông chữa mà nói được, một người khác hai chân bại vì một tai nạn phi cơ đã nhờ ông mà đi được, ông không thể hiểu nổi năng lực của ông do đâu mà có.

Ông là người có khuynh hướng hoài nghi, và mặc dầu người ta thường bảo rằng trong phương pháp chữa trị về loại này, điều quan trọng là sự tin tưởng ở chính mình, chưa bao giờ ông tin được ở chính ông. Chỉ khi biết kết quả của phương pháp trị bịnh đã hiển nhiên, không còn nghi ngờ gì nữa, ngay cả đối những người khó tin, chỉ khi ấy, ông mới thừa nhận rằng ông có được cái khả năng không biết từ đâu đến, đã giúp ông thực hiện những điều lạ lùng mà chính ông cũng không thể giải thích được. Khi chiến tranh kết thúc ông sang Vienne để nghiên cứu, và sau đó, sang Zurich. Cuối cùng, ông trở về Luân Đôn mở phòng mạch để hành nghề, một nghề hay nói đúng hơn là một nghệ thuật chữa bệnh mà ông đã đạt được rất lạ kỳ. Ông hành nghề đến nay đã 15 năm và tạo cho mình một tiếng tăm đặc biệt trong ngành y học ấy. Do người này đồn sang người khác về những điều kỳ diệu mà ông đã làm, ông muốn có bao nhiêu khách hàng cũng được nếu có thì giờ, mặc dù giá biểu thù lao cao.

Bác sĩ Audlin nhận thấy ông đã đạt được những thành quả thực dị thường; ông đã cứu thoát nhiều người khỏi tự sát, đưa họ ra khỏi nhà thương điên, làm lắng dịu những nỗi đau buồn đã ung độc bao cuộc đời hữu ích, đem hạnh phúc đến cho những cặp vợ chồng thiếu hạnh phức, diệt trừ những bản năng thấp hèn, và do đó, giải thoát nhiều bệnh nhân ra khỏi xiềng xích của chúng, đem sức khỏe lại cho những người mắc bệnh tinh thần. Những điều ấy, ông đã làm được, nhưng trong thâm tâm, ông vẫn không sao xóa bỏ được nỗi ngờ vực rằng mình cũng chỉ là một thứ lang băm. Thực là miễn cưỡng khi ông phải xử dụng một năng lực mà ông không thể hiểu nổi. Lòng ngay thực của ông bị tổn thương vì ông đã lợi dụng lòng tin tưởng của bệnh nhân, trong khi chính ông lại không tin tưởng ở mình. Bây giờ ông đã giàu có, có thể sống một cuộc sống nhàn rỗi; công việc của ông làm ông mất sức khỏe và gầy mòn, nên đã nhiều lần ông định bỏ nghề. Ông đọc tất cả những tác phẩm của Freud, của Jung và những môn đồ của họ. Nhưng ông không hài lòng và cho rằng học thuyết của họ cũng chỉ là những lừa bịp, mặc dầu đã có nhiều thành quả, tuy khó hiểu, nhưng hiển nhiên. Và trong suốt 15 năm hành nghề, ông thấy được những gì về bản chất con người, qua những bịnh nhân đến chữa trị tại phòng mạch tồi tàn của ông ở đường Wimpole. Những phát giác họ nói ra, có khi với vẻ cương quyết, có khi thẹn thùng, có khi dè dặt, có khi bực tức, từ lâu không còn gây cho ông ngạc nhiên nữa. Giờ đây, không có gì có thể làm ông giựt mình kinh hãi.

Ông biết người đời dối trá, ông biết tánh kiêu căng, tự cao tự đại có thể kỳ cục đến mức nào, ông biết ở họ còn có bao nhiêu điều xấu xa bỉ ổi hơn nữa, nhưng ông cũng biết ông không có nhiệm vụ xét xử hay lên án họ. Và hết năm này đến năm khác, những tâm sự thầm kín của họ truyền sang ông, làm cho khuôn mặt ông mỗi ngày mỗi thêm xanh xám, những nét nhăn càng thêm sâu đậm, đôi mắt bạc thiếc càng thêm mệt mỏi. Ông ít khi cười, nhưng thỉnh thoảng để giải trí, ông lấy một cuốn tiểu thuyết ra đọc, và ông mỉm cười. Ông mỉm cười tự hỏi không biết các tác giả thực tình có tin những nhân vật mình viết ra là đúng như thật không, không biết họ có hiểu tâm lý con người còn phức tạp hơn, còn bất ngờ hơn nhiều lắm không? Và có biết bao trạng thái trái ngược cùng chung sống trong một tâm hồn, có biết bao mâu thuẫn, biết bao xung đột đen tối, xấu xa đang dày vò kiếp sống không?

Đã sáu giờ kém mười lăm!

Trong tất cả các trường hợp bất thường mà bác sĩ Audlin đã chữa, ông không nhớ có một trường hợp nào lạ lùng như trường hợp của Huân tước Mountdrago. Và trường hợp lạ lùng ấy là do ở cá tính đặc biệt của bệnh nhân này. Huân tước Mountdrago là người có nhiều khả năng và là nhân vật tên tuổi. Được cử giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao từ lúc chưa đến 40, bây giờ, sau ba năm tại chức, ông đã gây được cho đường lối ngoại giao một tư thế vững vàng, ông được xem là một chính trị gia tài ba lỗi lạc của đảng Bảo thủ. Nhưng vì thuộc giòng quý tộc và chẳng còn bao lâu nữa, khi thân sinh ông qua đời ông sẽ vào thượng viện, nên không thể nhắm cái ghế Thủ tướng được (chắc bạn cũng biết, trong thời buổi dân chủ này, người ta không muốn Thủ tướng Anh là người thuộc quý tộc). Nhưng không có gì ngăn cản ông tiếp tục giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong thời gian đảng Bảo thủ đang nắm chính quyền, và vì vậy chắc chắn ông sẽ còn hướng dẫn chính sách ngoại giao của nước ông trong một thời gian dài nữa.

Huân tước Mountdrago có nhiều đức tính. Ông thông minh và cần mẫn. Ông đi nhiều và nói thông thạo được nhiều ngoại ngữ. Từ lúc còn thiếu thời, ông đã chuyên về các vấn đề ngoại giao và biết rõ nhiều về hoàn cảnh chính trị và kinh tế của các nước. Ông là người can đảm, sáng suốt và cương quyết. Trong nghị trường cũng như trước quần chúng, ông có biệt tài ăn nói rõ ràng, chính xác và nhiều lúc hóm hỉnh tế nhị nữa. Ông là nhà hùng biện xuất sắc, tài đối đáp của ông rất được nhiều người ca tụng. Hình dáng ông cao lớn đẹp đẽ, đầu ông hói và thân hình gần như nặng nề to lớn quá, nhưng điều đó không làm thiệt thòi, mà trái lại giúp cho ông thêm vẻ chắc chắn, vững vàng và chín chắn.

Lúc thiếu thời ông là một lực sĩ, một tay đua thuyền của đội thuyền trường đại học Oxford, và được xem là một trong những tay thiện xạ của Anh quốc. Ông lập gia đình lúc 24 tuổi với một thiếu nữ 18 tuổi mà thân sinh là một Quận công và thân mẫu là người thừa kế của một tỷ phú Mỹ, nghĩa là nàng là người đàn bà vừa có địa vị vừa giàu có. Sau khi ăn ở với nhau được hai con, hai người đã sống ly thân nhưng đối với bên ngoài, vẫn được xem như còn đoàn tụ, và mỗi người vẫn không bị mang tai tiếng về vấn đề tình cảm lang chạ. Huân tước Mountdrago là người có nhiều tham vọng, siêng năng, cần mẫn, và có thể nói rất yêu nước, nên không dễ bị cám dỗ bởi những thú vui vật chất có thể làm liên lụy đến sự nghiệp của ông. Nói tóm lại, ông có rất nhiều khả năng và phương tiện để trở thành một nhân vật trọng yếu, tiếng tăm và lỗi lạc.

Nhưng rất tiếc ông cũng có nhiều khuyết điểm lớn. Ông có tánh coi trọng quá mức chức tước và sự giàu sang. Bạn có thể không lấy làm ngạc nhiên về điều ấy, nếu thân sinh ông là người đầu tiên trong giòng họ ông được ban tước lộc. Vâng, nếu là con của một luật gia, một kỹ nghệ gia hay ông chủ công ty lọc dầu mới được phong tước thì sự xem trọng quá mức địa vị mới của mình còn thể hiểu được. Nhưng trường hợp của Huân tước Mountdrago không phải như vậy. Chức bá tước mà thân sinh ông thừa hưởng đã được đặt ra từ đời vua Charles đệ nhị, và tước Nam phong cho người đầu tiên của giòng họ ông đã có từ thời chiến tranh với người Roses. Trong ba trăm năm trời, giòng họ ông được xem như dính liền với Hoàng tộc Anh quốc. Nhưng Huân tước Mountdrago đã tự hào quá mức về tông môn của ông, như người giàu mới tự hào về sự giàu có của họ. Ông không bỏ lỡ một dịp nào để khoe khoang dòng dõi quý phái của mình, ông có nhiều cách để lòe nó, nhưng chỉ đối với những người ông xem là ngang hàng hay trên ông thôi. Còn đối với người dưới địa vị ông, ông ngạo nghễ một cách kinh khủng, ông khắc nghiệt với tôi tớ và khinh miệt thư ký của ông. Nhân viên chính phủ thuộc dưới quyền đều sợ và ghét ông. Sự ngạo mạn của ông không ai chịu nổi. Ông hiểu rõ mình thông minh tài giỏi hơn những người cộng sự với ông, và điều đó ông không do dự chút nào để tỏ cho họ thấy. Ông không chịu đựng được những sở đoản, những nhược điểm của người khác. Ông có cảm tưởng mình sinh ra để chỉ huy, nên ông nổi giận khi thấy ai hy vọng ông lắng nghe những lý lẽ của họ, hay mong ước ông sửa đổi những quyết định của ông theo ý kiến họ.

Tánh ích kỷ của ông cũng thực quá mức tưởng tượng. Những điều người ta giúp đỡ cho ông, ông xem như mình có quyền được hưởng vì địa vị và tài trí của mình, và do đó, ông thấy không mang ơn ai hết. Không bao giờ trong đầu óc ông nảy ra cái ý nghĩ là ông cần làm một điều gì để giúp người khác. Ông có rất nhiều kẻ thù do sự khinh bỉ của ông đối với họ mà ra. Ông thấy không có ai xứng đáng với sự giúp đỡ, với cảm tình hay lòng thương yêu của ông. Ông không có bạn. Những người lãnh đạo ở trên ông không tin ông vì họ nghi ngờ sự trung thành của ông. Đảng ông không tín nhiệm ông vì sự độc tài và thiếu nhã nhặn, nhưng vì khả năng quá nhiều, lòng ái quốc quá hiển nhiên, sự hiểu biết quá vững chải và tài xếp đặt công việc của ông quá xuất sắc, nên họ buộc lòng phải chịu đựng ông. Vả lại thỉnh thoảng gặp dịp, ông cũng tỏ ra rất bảnh, đó là lúc ông tiếp xúc với những nhân vật ngang hàng với ông, những người mà ông cần chinh phục, những quốc khách hay mệnh phụ. Những lúc ấy ông có thể làm ra vẻ rất vui tươi, tế nhị hiền lành và dễ dãi. Ông gợi cho bạn nhớ dòng máu đang chảy trong huyết quản ông cũng chẳng khác gì dòng máu đã chảy trong huyết quản Huân tước Chesterfield thuở trước. Ông có thể kể chuyện một cách sắc sảo, tỏ ra tự nhiên, đa cảm và sâu sắc nữa. Bạn không khỏi ngạc nhiên về sự hiểu biết sâu rộng và sự bén nhạy trong khiếu thẩm mỹ của ông. Những lúc ấy bạn cho ông ta là người bạn tốt nhứt trên đời mà quên mất hôm qua ông đã nhục mạ bạn và không ngờ rằng ngày mai ông có thể bỏ rơi bạn dễ dàng như không.

Sự việc ông là khách hàng đến chữa tại phòng mạch của bác sĩ Audlin là một điều hi hữu, tưởng không thể thành tựu được ngay từ đầu. Hôm ấy một nhân viên gọi điện thoại đến bác sĩ, báo cho biết rằng Huân tước Mountdrago muốn được bác sĩ khám bệnh và rất lấy làm mãn nguyện nếu bác sĩ vui lòng đến biệt thự ông vào lúc 10 giờ sáng hôm sau. Bác sĩ trả lời ông không thể đến nhà Huân tước được và xin mời ông quá bộ đến phòng mạch của bác sĩ vào lúc 5 giờ chiều ngày hôm sau. Người thư ký ghi lại những lời của bác sĩ, nhưng một lát sau lại điện thoại cho bác sĩ nói rằng Huân tước Mountdrago khẩn khoản muốn được gặp bác sĩ tại nhà mình và để tùy ý bác sĩ định số tiền thù lao. Bác sĩ Audlin trả lời ông chỉ khám bịnh tại phòng mạch của mình và rất tiếc không thể làm gì được cho Huân tước, trừ phi ông này thân hành đến gặp bác sĩ. Trong khoảng 15 phút sau bác sĩ được điện thoại cho biết là Huân tước Mountdrago sẽ đến, không phải là ngày kia, mà ngày mai, vào lúc 5 giờ chiều.

Ngày hôm sau, khi đến phòng mạch của bác sĩ Audlin, mặc dù được mời vào bên trong, Huân tước Mountdrago vẫn đứng dừng tại cửa phòng và ngạo nghễ nhìn bác sĩ từ đầu đến chân. Bác sĩ nhận thấy Huân tước có vẻ giận dữ nhưng vẫn phớt tỉnh nhìn lại ông với đôi mắt bất động của mình. Huân tước Mountdrago người mập mạp béo tốt, đầu tóc hoa râm, hói ở phía trước, làm tăng thêm vẻ uy nghi cho vừng trán rộng; khuôn mặt đầy đặn với những nét rõ ràng trông thật hách dịch, ông có dáng dấp giông giống các vị vua giòng Bourbons của thế kỷ XVIII.

– Bác sĩ Audlin ạ, hình như gặp được bác sĩ cũng khó khăn như gặp Thủ tướng. Ông cũng biết tôi là người ít khi được rảnh rỗi.

– Xin mời ông ngồi. – Bác sĩ nói.

Vẻ mặt bác sĩ không mảy may thay đổi trước lời trách móc của Huân tước Mountdrago. Bác sĩ ngồi sau bàn giấy trong khi Huân tước vẫn đứng nhìn với vẻ mặt giận dữ đầy ám khí. Ông nói giọng chua chát:

– Tôi tưởng tôi cần phải nói với bác sĩ rằng tôi là Bộ trưởng Ngoại giao của Hoàng gia.

– Xin mời ông ngồi chứ ạ! – Bác sĩ lặp lại.

Huân tước Mountdrago làm cử chỉ như muốn quay gót đi ra khỏi phòng, nhưng có lẽ ông nghĩ tốt hơn là nên ở lại, nên ông ngồi xuống ghế. Bác sĩ Audlin giở một cuốn sổ lớn và nắm bút lên, cúi xuống viết:

– Ông bao nhiêu tuổi?

– Bốn mươi hai.

– Ông lập gia đình chưa?

– Rồi.

– Từ bao lâu?

– Mười tám năm.

– Ông được mấy người con?

– Hai.

Bác sĩ ghi vào sổ những câu trả lời nhát gừng của Huân tước Mountdrago, rồi ngồi dựa ngửa vào lưng ghế, nhìn ông. Bác sĩ không nói một lời nào, chỉ chăm chú nhìn với đôi mắt bất động của mình. Một lát sau bác sĩ hỏi:

– Vì sao ông muốn gặp tôi?

– Tôi nghe người ta nói nhiều về bác sĩ. Nếu tôi không lầm thì bà Canute cũng là một bệnh nhân của bác sĩ. Bà ta cho tôi biết bác sĩ đã chữa cho bã khỏi rất nhiều!

Bác sĩ Audlin không trả lời câu nói của ông. Hai mắt bác sĩ vẫn đăm đăm nhìn vào mặt bệnh nhân, hai mắt lờ đờ, hoàn toàn xa vắng làm bạn có cảm tưởng như ông không nhìn thấy ngay cả người đang ngồi trước mặt mình. Hồi lâu với một nụ cười – với hình bóng của một nụ cười phảng phất trong đôi mắt thì đúng hơn. Ông nói:

– Tôi không thể làm được những phép lạ. Viện y học hoàng gia chắc sẽ không tán thành những điều tôi làm.

Huân tước Mountrago phát ra một tiếng cười ngắn. Tiếng cười làm giảm bớt sự hằn học của ông. Ông nói giọng hòa dịu hơn:

– Bác sĩ được tiếng tăm nhiều lắm, hình như mọi người đều tin ở bác sĩ.

– Vì sao ông lại muốn gặp tôi? – Bác sĩ lặp lại câu hỏi của mình.

Bây giờ lại đến lượt Huân tước im lặng. Hình như ông thấy khó khăn khi phải trả lời. Bác sĩ Audlin vẫn ngồi đợi. Cuối cùng với sự cố gắng thấy rõ, Huân tước Mountdrago cất tiếng nói:

– Tôi vẫn có đầy đủ sức khỏe. Thường thường như một thông lệ, tôi được bác sĩ riêng của tôi, bác sĩ Augustus Fitzherbert, chắc ông cũng có nghe tiếng, khám bệnh và săn sóc cho tôi, ông ta bảo tôi có sức khỏe của người mới 30 tuổi. Tôi làm việc nhiều, nhưng không bao giờ biết mệt. Và tôi thích công việc của tôi. Tôi hút thuốc ít và uống rượu rất có chừng mực. Tôi tập thể dục hàng ngày và sống một cuộc sống điều độ. Nói vắn tắt, tôi là người bình thường, tráng kiện, có đầy đủ sức khỏe. Tôi chắc ông sẽ nghĩ rằng tôi ngớ ngẩn và con nít lắm khi đến khám bệnh với ông…

Bác sĩ Audlin thấy cần giúp Huân tước thổ lộ tâm tình, nói:

– Tôi không biết có thể làm được gì giúp cho ông không. Tôi sẽ thử xem. Ông có điều gì lo nghĩ buồn phiền chăng?

Huân tước Mountdrago cau mày nói:

– Tôi đang đảm đương một trọng trách. Những quyết định của tôi có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và cả đến nền hòa bình thế giới. Tôi cần có sự thăng bằng trong xét đoán và minh mẫn trong đầu óc. Vì vậy tôi thấy có bổn phận loại trừ những nguyên nhân của sự lo lắng, có thể có ảnh hưởng không tốt đến khả năng của tôi.

Bác sĩ vẫn không rời đôi mắt khỏi Huân tước. Bác sĩ thấy được rất nhiều, thấy được đàng sau điệu bộ oai vệ và tự cao tự đại của con bệnh, một sự lo lắng, băn khoăn mà bệnh nhân không thể xua đuổi được. Bác sĩ nói:

– Hôm qua tôi yêu cầu ông vui lòng quá bộ đến đây là vì qua bao nhiêu kinh nghiệm, tôi biết rằng bệnh nhân dễ bộc lộ lòng mình ở trong căn phòng đơn sơ trống trải này hơn khung cảnh quen thuộc thường ngày của họ.

– Thực quả là đơn sơ trống trải.

Huân tước Mountdrago nói giọng chua cay, rồi dừng lại. Điều hiển nhiên là mặc dù ông là người có nhiều tự tín, quyết đoán lanh lẹ, không bao giờ bối rối mất bình tĩnh, thế mà lúc này ông đang lúng túng. Ông mỉm cười để tỏ cho bác sĩ thấy ông vẫn tự nhiên, nhưng đôi mắt ông biểu lộ sự băn khoăn lo ngại.

Khi ông tiếp tục nói lại, người ta thấy rõ cái thành thật giả tạo của ông:

– Một sự việc quá tầm thường, không có gì là quan trọng cả, nên tôi do dự không biết có nên làm phiền bác sĩ không. Tôi chỉ sợ bác sĩ cho tôi là ngớ ngẩn và làm mất thì giờ của bác sĩ.

– Những sự việc dù tầm thường bao nhiêu vẫn có tầm quan trọng của chúng. Chúng có thể là triệu chứng của sự thác loạn nằm sâu bên trong chúng ta. Và thì giờ của tôi đều hoàn toàn để phục vụ ông.

Giọng nói của bác sĩ nghiêm trang trầm trầm. Âm diệu đều đều trong lời nói của ông có một mãnh lực kỳ lạ làm khuây nguôi rất nhiều. Huân tước Mountdrago cuối cùng đã bằng lòng thổ lộ tâm sự mình.

– Sự thực, trong mấy lúc sau này, tôi thường có những giấc mộng thực bực dọc. Để ý đến chúng là điên rồ, tôi biết, nhưng thực tình mà nói, tôi sợ chúng sẽ có ảnh hưởng không tốt đến thần kinh.

– Ông có thể kể lại cho tôi một trong những giấc mộng ấy không?

Huân tước Mountdrago mỉm cười, trông thực héo úa thảm thương.

– Những giấc mộng thực quá ngây ngô buồn cười, tôi thấy không biết có nên nói ra hay không?

– Xin ông cứ tự nhiên.

– Vâng, tôi xin kể. Giấc mộng đầu tiên xảy ra cách nay một tháng. Tôi mộng thấy tôi đến dự dạ hội tại biệt thự của ông bà Connemara. Đây là một dạ hội chính thức có sự ngự lãm của Hoàng thượng và Hoàng hậu, vì vậy tôi cũng như những người đến tham dự khác đều phải mặc lễ phục, và mang huy chương. Tôi đến và đi vào phòng gởi áo mũ. Ở đây, tôi gặp một anh chàng tên là Owen Griffiths, một dân biểu Hạ viện. Tôi thú thật, tôi rất ngạc nhiên về sự có mặt của hắn tại đấy. Hắn là một người rất tầm thường, nên tôi tự bảo: “Quả thật mụ Lydia Connemara đi quá xa. Không biết rồi mụ ta sẽ còn mời những ai nữa”. Tôi thấy hắn ta nhìn tôi một cách kỳ cục, nhưng tôi không thèm để ý đến hắn và tiến đến cầu thang. Tôi chắc chưa bao giờ bác sĩ đến đấy?

– Vâng, chưa.

– Phải, đấy không phải là nơi bác sĩ thích đến. Biệt thự không có gì đặc biệt, nhưng có cái cầu thang bằng cẩm thạch rất đẹp. Ông bà Connemara đứng ở phía dưới cầu thang tiếp khách. Bà Connemara nhìn tôi ngạc nhiên khi tôi bắt tay chào bà, rồi cười khúc khích. Tôi không để ý đến bà ta lắm, bà là người đàn bà ngu ngốc, mất dạy và cử chỉ dáng điệu cũng quê kệch chẳng khác gì bà cố của bà lúc vua Charles đệ nhị lần đầu tiên phong tước cho bã. Nhưng tôi phải công nhận là những phòng tiếp khách ở biệt thự Connemara thực trang nghiêm, nghi vệ. Tôi đi qua các phòng, gật đầu chào người này, bắt tay người khác. Bỗng tôi thấy ông đại sứ Đức đang trò chuyện với một Huân tước người Áo. Tôi có câu chuyện riêng muốn nói với ông đại sứ, nên tôi tiến đến phía họ và đưa tay ra bắt. Khi thấy tôi, lão Huân tước phá lên cười như nắc nẻ. Tôi rất khó chịu, tôi nghiêm nghị nhìn lão ta từ đầu đến chân, nhưng hắn càng cười lớn. Tôi định cự hắn một trận nên thân nhưng bỗng mọi người đều im lặng, Hoàng thượng và Hoàng hậu đến. Tôi xây lưng cho lão Huân tước, tiến tới trước và bỗng tôi trật nhìn xuống, thấy mình không mặc quần dài. Tôi chỉ mặc có cái quần đùi lụa và mang dây nịt treo màu đỏ tươi. Hèn gì mụ Connemara đã cười khúc khích, hèn gì lão Huân tước phá lên cười! Tôi không thể nói với bác sĩ thế nào về lúc đó. Xấu hổ chết đi được! Tôi vùng thức dậy mồ hôi mồ kê ra như tắm. Chắc bác sĩ không thể tưởng tượng được nỗi khoan khoái của tôi khi tôi nhận ra đó chỉ là một giấc chiêm bao.

– Loại chiêm bao đó không có gì là đặc biệt lắm. – Bác sĩ Audlin nói.

– Vâng, tôi cũng cho không có gì đặc biệt lắm. Nhưng một sự việc kỳ dị đã xảy ra ngày hôm sau: Tôi đang đi trên hành lang Hạ viện, thì thằng cha dân biểu Griffiths đi chầm chậm qua mặt tôi. Hắn trân tráo nhìn xuống hai chân tôi rồi nhìn vào mặt tôi, và tôi chắc là hắn nheo mắt với tôi nữa. Một ý nghĩ buồn cười đến trong tôi: Đêm hôm qua hắn có mặt trong dạ hội, hắn thấy tôi biểu diễn cái màn kinh khủng ấy, và chắc là thích thú lắm. Dĩ nhiên tôi biết điều ấy không thể xảy ra được vì đó là một giấc chiêm bao. Tôi phóng vào hắn một cái nhìn lạnh lùng và tiếp tục bước đi. Nhưng hắn lại nhe răng cười toét ra tận mang tai.

Huân tước Mountdrago rút khăn tay trong túi ra lau hai lòng bàn tay. Bây giờ ông không tìm cách giấu diếm sự lo lắng nữa. Đôi mắt bác sĩ Audlin vẫn không rời ông ta.

– Ông kể cho tôi nghe một giấc mộng khác.

– Đêm hôm sau giấc mộng lại phi lý hơn cả đêm hôm trước nữa. Tôi mộng thấy tôi ở Hạ Viện, ở đấy đang có cuộc tranh luận về vấn đề ngoại giao mà cả quốc nội lẫn thế giới đang hồi hộp theo dõi. Chính phủ đang dự tính thay đổi đường lối ngoại giao mà hậu quả sẽ ảnh hưởng sâu xa đến tương lai của Đế quốc Anh. Một khúc quanh lịch sử. Dĩ nhiên là Hạ viện đông đặc người đến dự thính. Tất cả đại sứ các nước đều có mặt. Các hàng ghế dành cho quần chúng chật cứng như nêm. Buổi tối hôm ấy tôi phải đọc một bài diễn văn quan trọng. Tất nhiên là tôi đã chuẩn bị chu đáo. Một người như tôi chắc chắn là có nhiều kẻ thù, trong ấy có một số ghét tôi vì tôi đã có được một địa vị ở cái tuổi rất trẻ mà những người thông minh tài trí nhất cũng không thể có được, vả lại tôi đã quyết định rằng bài diễn văn của tôi không phải chỉ có giá trị trong giai đoạn mà còn là một cơ hội để tôi vả vào mồm cái bọn thường hay dèm pha, nói xấu tôi. Tôi được kích thích bởi cái ý nghĩ cả thế giới sẽ chăm chú theo dõi từng câu, từng chữ tôi nói ra. Tôi đứng lên. Nếu bác sĩ có dịp đến Hạ viện, bác sĩ sẽ thấy trong lúc diễn giả đang phát biểu ý kiến trên diễn đàn thì các dân biểu ở dưới vẫn to nhỏ chuyện trò, lật giấy sột soạt và trăn qua trở lại các tập tài liệu. Nhưng khi tôi bắt đầu nói, bốn bề im lặng như tờ. Bỗng tôi sực nhìn thấy thằng cha Griffiths, thằng cha khoác lác khả ố, dân biểu miền Welsh ấy, ngồi hàng ghể trước mặt tôi. Hắn lè lưỡi trêu tôi. Không biết ông đã có nghe bài hát thô bỉ người ta thường hát ở các hộp đêm “A bicycle made for two” [1] chưa? Bài hát ấy đã có một dạo rất được thịnh hành. Để tỏ cho thằng Griffiths thấy tôi khinh bỉ nó đến mức độ nào, tôi cất giọng hát bài hát ấy. Tôi hát đoạn đầu rất đúng điệu. Sự ngạc nhiêu bao trùm tất cả và khi tôi hát xong đoạn đầu, ở những hàng ghế đối lập, những tiếng thét: “Hay, thiệt hay!” vang lên. Tôi đưa tay ra hiệu bảo họ im lặng và hát tiếp đoạn hai. Tất cả nghị trường đều im lặng lắng nghe trong một bầu không khí nặng nề. Tôi cảm thấy bài hát không được hoan nghinh lắm. Lòng tự ái của tôi bị tổn thương, vì thường ngày tôi có giọng “ba ra tông” hay lắm. Tôi định hát cho họ thấy tài của tôi. Nhưng khi tôi bắt đầu hát đoạn ba, thì các dân biểu cất tiếng cười vang, trong giây lát tiếng cười vang dậy cả nghị trường. Các ông Đại sứ, các khách ngoại quốc, các bà mệnh phụ các phóng viên báo chí, tất cả đều cười thét lên, cười sặc sụa, cười lăn cười lóc, trừ các ông Bộ trưởng trong chính phủ ngồi trên hàng ghế đầu, sau lưng tôi. Giữa tiếng cười vang dội như sấm sét, không tiền khoáng hậu ấy, các ông Bộ trưởng ngồi như hóa đá. Tôi liếc nhìn họ và bỗng tôi hãi hùng nhận thấy cái lỗi lầm to lớn mà tôi đã làm đang đổ sụp xuống đầu tôi: tôi vừa làm trò cười cho cả thế giới. Tôi đau khổ thấy là tôi phải xin từ chức. Tôi vùng thức dậy và biết tôi vừa nằm chiêm bao.

Trong lúc Huân tước Mountdrago thuật chuyện, dáng điệu oai vệ của ông mất dần, và bây giờ sau khi chấm dứt câu chuyện, mặt ông tái mét và tay chân run rẩy. Nhưng ông cố gắng trấn tĩnh, đôi môi run run phát ra một tiếng cười gượng.

– Sự việc nó quá kỳ cục cho nên tôi không thể không buồn cười. Tôi không để ý gì đến nó nữa, và chiều hôm sau, khi đi đến Hạ viện tôi cảm thấy trong người rất khỏe khoắn. Cuộc thảo luận thật buồn tẻ, nhưng tôi phải có mặt tại đó. Trong lúc tôi đang cúi xuống đọc những tài liệu đệ trình tôi duyệt xét, không hiểu vì lý do gì dó, tôi nhìn lên và chợt thấy thằng cha Griffiths đang đứng thuyết trình. Hắn có cái giọng nói quê mùa của xứ Welsh và cái dáng dấp thực xấu xí. Tôi biết hắn không thể nói được điều gì ra hồn, xứng đáng cho tôi phải lắng nghe, tôi định cúi xuống tiếp tục đọc, thì bỗng nghe hắn nhắc đến hai câu trong bài hát “A bicycle made for two”. Tôi liếc nhìn hắn và thấy đôi mắt hắn chòng chọc nhìn tôi với một nụ cười chế riễu. Tôi nhún vai, tỏ vẻ khó chịu. Thực buồn cười, một thằng cha dân biểu chó chết ở miền Welsh lại có thể nhìn tôi một cách ngạo mạn như vậy. Thực là một ngẫu nhiên kỳ dị, khi hắn đọc lại hai câu trong bài hát mà tôi đã hát trong giấc mộng hôm trước. Tôi cúi xuống đọc tiếp tài liệu, nhưng tôi thú thật với ông là tôi không thể tập trung được tư tưởng, và hơi bối rối. Thực là lạ lùng! Griffiths hiện ra trong giấc mộng đầu tiên của tôi tại biệt thự Connemara, và ngày hôm sau, tôi có cảm tưởng rõ ràng rằng hắn ta đã thấy tôi làm trò khỉ tối hôm đó. Và có phải ngẫu nhiên không khi hắn đọc lại hai câu trong bài hát tôi đã hát trong giấc mộng? Tôi tự hỏi phải chăng hắn đã nằm mộng thấy những giấc mộng giống tôi? Nhưng dĩ nhiên, đó là một ý nghĩ phi lý và tôi định bụng không thèm nghĩ đến chúng nữa.

Im lặng vây bọc hai người. Bác sĩ Audlin nhìn Huân tước Mountdrago và Huân tước nhìn bác sĩ Audlin.

– Những giấc mộng của người khác kể lại chỉ làm buồn tai. Vợ tôi thường có cái tật bắt tôi nghe những giấc mộng của bà ta kể với đầy đủ chi tiết, tôi thấy có thể phát điên lên được.

Bác sĩ Audlin gượng cười:

– Không, ông không làm phiền tôi gì cả với những giấc mộng của ông.

– Tôi sẽ kể cho bác sĩ nghe một giấc mộng khác nữa, xảy ra sau đó mấy hôm. Tôi mộng thấy tôi đi vào một tửu điếm ở Limehouse. Tôi chưa bao giờ đến Limehouse, và tôi nhớ từ thời còn đi học ở Oxford cho đến nay chưa bao giờ tôi đi vào một tửu điếm, thế mà tôi thấy đường sá và nhà cửa ở đây quen thuộc giống như là nhà của tôi vậy. Tôi đi vào một căn phòng, tôi không biết họ gọi đó là cái “xa lông bar” hay là “bar” riêng. Ở đó có một lò sưởi và mỗi bên có một cái ghế bành bằng da, đối diện với lò sưởi là một chiếc ghế sofa nhỏ, quầy rượu chạy dài theo chiều dài căn phòng, ngồi ở đấy có thể thấy được bên trong cái bar công cộng. Gần cửa đi vào có một chiếc bàn bằng đá cẩm thạch và hai cái ghế bành. Hôm đó là tối thứ bảy, khách đến rất đông. Đèn đuốc sáng trưng, nhưng khói thuốc dày đặc làm cay cả mắt. Tôi ăn mặc như một thằng du đãng, chiếc mũ lưỡi trai trên đầu và cái khăn quàng quanh cổ. Tôi thấy hình như hầu hết những người ở đó đều say, nhưng tôi vẫn vui thích. Trong phòng có tiếng nhạc phát ra từ máy hát hay radio gì đó, tôi không rõ, và trước lò sưởi hai người đàn bà đang biểu diễn một điệu vũ dâm đãng. Một đám người vây quanh họ, cười giỡn, reo hò. Tôi tiến tới trước để nhìn, một người đàn ông nói với tôi: “Uống rượu không, Bill?” Trên bàn có hai ly rượu đầy một thứ nước màu sẫm, tôi đoán là bia đen. Hắn đưa cho tôi một ly, tôi đưa lên miệng uống ngay để khỏi gây chú ý. Một trong hai người đàn bà khiêu vũ rời người bạn mình, đến giành ly rượu tôi đang uống: “Sao kỳ vậy? Sao lấy ly rượu của người ta đang uống?” Tôi trả lời: “Thế sao? Xin lỗi cô! Ông bạn kia mời tôi, nên tôi tưởng là của ông ta” – “Thôi được, không hề gì đâu cưng! Đến đây nhảy với em đi!” Tôi chưa kịp trả lời thì cô ta ôm lấy tôi và chúng tôi cùng nhảy với nhau. Rồi tôi thấy mình ngồi trong một chiếc ghế bành và cô ta ngồi trên đùi tôi. Chúng tôi uống chung một ly bia. Tôi cần nói với bác sĩ rằng vấn đề luyến ái không chiếm một địa vị quan trọng nào cả trong đời tôi. Tôi lập gia đình sớm, một phần vì địa vị bắt buộc, một phần để giải quyết dứt khoát vấn đề tình dục. Tôi có hai đứa con, đúng như dự định của tôi, và từ đó, vấn đề con cái đối với tôi như đã được giải quyết. Tôi luôn luôn bận rộn với quá nhiều công việc nên không để tâm nhiều đến vấn đề tình dục, vả lại đối với một cuộc sống luôn luôn có hàng trăm ngàn con mắt dòm ngó như cuộc sống của tôi, chỉ có điên mới làm những điều bậy bạ để cho dư luận đàm tiếu. Mối lợi lớn nhất mà một chính trị gia có thể thụ hưởng là đời sống không bị tai tiếng về vấn đề đàn bà. Tôi coi thường những hạng người đã đạp đổ sự nghiệp của họ vì đàn bà. Những người như vậy, tôi chỉ dành cho họ sự khinh bỉ. Người đàn bà ngồi trên vế tôi đã say mèm, hắn không đẹp mà cũng chằng còn trẻ, sự thực hắn là một cô gái ăn sương lớn tuổi và sồ sề. Hắn thực tởm, hơi thở nồng nặc mùi bia, hai hàm răng cải mả sâu thối, thế mà lạ thay, khi hắn đặt miệng lên môi tôi hôn, mặc dù tự thấy khinh ghét mình, tôi vẫn ham muốn hắn – ham muốn với tất cả tâm hồn. Bỗng tôi nghe một giọng nói: – “Phải đó, chơi đi cho đã thằng mảnh!” Tôi nhìn lên và thấy đó là thằng cha Griffiths. Tôi cố đứng dậy, nhưng con mẹ đàn bà kia không để tôi đứng dậy và nói: “Đừng để ý đến thằng cha hay thò mũi vào chuyện người khác”. Griffiths nói với tôi: “Vào làm đi! Tao biết con Moll đáng tiền lắm mầy ạ”. Bác sĩ biết không, tôi bực mình vì sợ hắn bắt gặp tôi trong tình trạng bê bối ấy thì ít, mà tức giận vì hắn gọi tôi bằng “thằng mảnh” thì quá sức. Tôi đẩy con mẹ đàn bà ra một bên, đứng dậy đối diện với hắn và nói: “Tao không quen biết mày và không muốn quen biết với mày”. Hắn trả lời “Nhưng tao biết mày rõ lắm”, và nói với cô gái: “Molly, tôi khuyên em điều này, là phải bắt hắn trả tiền cho đàng hoàng, đừng để hắn chơi quỵt đấy”. Tôi nắm chai bia và không nói năng gì hết, choảng vào đầu hắn với tất cả sức mạnh của tôi. Tôi đánh mạnh đến nỗi tôi vùng tỉnh dậy.

Bác sĩ Audlin nói:

– Một giấc chiêm bao như loại đó không phải là điều không thể hiểu được nổi. Đó là sự trả thù của tiềm thức đối với hạng người có đời sống mẫu mực.

– Thực kỳ cục! Tôi kể bác sĩ nghe giấc mộng ấy không phải vì nó, mà vì sự việc đã xảy ra ngày hôm sau. Hôm ấy tôi cần tra cứu gấp một vấn đề quan trọng, nên tôi đi vào thư viện của Hạ viện. Tôi tìm được quyển sách và bắt đầu đọc. Khi ngồi xuống ghế tôi không để ý là thằng cha Griffiths đang ngồi ở bên cạnh. Một dân biểu thuộc Công đảng đi vào, tiến đến phía hắn: “Hê-lô Owen? Sao hôm nay trông anh có vẻ kém tươi thế?” Hắn trả lời: “Tôi bị nhức đầu kinh khủng, có cảm giác như bị đánh một cái chai vào đầu”.

Nét mặt của Huân tước Mountdrago sa sầm vì sợ. Ông nói tiếp:

– Bây giờ tôi thấy là đúng cái ý nghĩ trước kia tôi cho là phi lý, không thể chấp nhận được. Tôi thấy rằng thằng cha Griffiths cũng có những giấc chiêm bao giống như của tôi và cũng nhớ lại rõ ràng như tôi vậy.

– Cũng có thể đó là sự trùng hợp ngẫu nhiên.

– Khi hắn nói, rõ ràng không phải để cho bạn hắn nghe mà để cho tôi nghe. Hắn nhìn tôi với vẻ thù hận tức giận.

– Ông có thể gợi cho tôi một lý do vì sao con người ấy lại cứ hiện ra trong những giấc chiêm bao của ông không?

– Không thể tìm được một lý do nào cả!

Đôi mắt bác sĩ Audlin vẫn đăm đăm nhìn vào mặt của Huân tước Mountdrago và thấy ông ta nói dối. Bác sĩ gạch những đường ngang nét dọc trên tấm giấy thấm với cây bút chì đang nắm trên tay. Thường thường, phải cần một thời gian mới khiến được bệnh nhân nói thật, nghĩa là sau khi bệnh nhân nhận thấy nếu họ không nói thật, thì bác sĩ Audlin không thể làm gì được cho họ.

– Giấc chiêm bao mà ông vừa kể cho tôi sau cùng, cách đây ba tuần lễ. Từ ngày đó, ông còn chiêm bao nữa không?

– Không đêm nào là không có.

– Và mỗi lần, đều có cái gã Griffiths hiện ra?

– Đúng như vậy!

Bác sĩ tiếp tục vẽ những đường ngang nét dọc trên tấm giấy thấm, ông ta muốn sự yên tĩnh, vẻ âm u và ánh sáng nhờ nhờ của căn phòng nhỏ sẽ ảnh hưởng đến cảm giác của Huân tước Mountdrago. Ông này ngồi dựa ngửa vào lưng ghế, xây mặt đi nơi khác để khỏi nhìn thấy hai mắt nghiêm trọng của bác sĩ.

– Bác sĩ Audlin ạ! Bác sĩ hãy làm gì cho tôi với. Tôi đã kiệt lực. Tôi sẽ điên mất nếu tình trạng này kéo dài. Tôi lo sợ mỗi khi đi ngủ. Đã hai ba đêm nay tôi không nhắm mắt. Tôi ngồi đọc sách mãi và mỗi khi tôi sắp sửa thiu thỉu ngủ, tôi choàng áo tơi vào và đi lui đi tới cho đến khi mệt đừ người. Nhưng tôi cần phải ngủ. Với nhiệm vụ của tôi, tôi cần phải có sự thăng bằng, sự điều hòa tột độ, tôi cần kiểm soát được những năng khiếu của tôi. Tôi cần nghỉ ngơi, nhưng giấc ngủ không đem lại nghỉ ngơi. Hễ tôi vừa thiu thỉu ngủ thì chiêm bao lại đến, và thằng cha khốn nạn khả ố, mất dạy ấy lại hiện ra, mỉm cười trêu chọc tôi, nhạo báng tôi, khinh bỉ tôi. Thực là một cực hình khủng khiẽp. Tôi nói thực với bác sĩ, tôi không phải là người của giấc mộng ấy. Nếu bằng vào chúng để xét đoán tôi thì sai bét. Bác sĩ hãy hỏi dò xem bất cứ người nào bác sĩ muốn. Tôi là một người lương thiện, ngay thẳng, đứng đắn. Không ai có thể trách cứ tôi điều gì về phương diện đạo đức trong đời sống gia đình cũng như ngoài xã hội. Tham vọng độc nhất của tôi là phục vụ xứ sở và bảo tồn vinh quang của tổ quốc. Tôi có tiền, tôi có địa vị. Tôi không phải là người dễ bị cám dỗ như những người tầm thường khác. Bởi vậy, tôi không cho là vinh dự khi sống một cuộc sống mẫu mực. Nhưng tôi chỉ yêu cầu mọi người biết cho tôi điều này: không một danh vọng một quyền lợi cá nhân, không một ý nghĩ vị kỷ có thể đưa đẩy tôi ra khỏi nhiệm vụ của tôi, dù chỉ trong đường tơ kẽ tóc. Tôi đã hy sinh tất cả để tạo dựng cho tôi con người như ngày nay. Vinh quang là mục đích của tôi. Vinh quang đang ở trong tầm tay tôi, thế mà tôi lại bị mất hết khí lực, mất hết thăng bằng. Tôi không phải là con người hèn hạ, đáng khinh, hèn nhát, dâm đãng như thằng cha chó chết ấy đã thấy. Tôi đã kể cho bác sĩ ba giấc mộng. Chúng hoàn toàn không có nghĩa lý gì cả. Thế mà qua nhãn quan của thằng cha ấy, thì tôi đã làm những điều thực xấu xa, ghê tởm, nhục nhã, nói ra thực ngượng miệng. Và hắn lại còn nhắc lại nữa chớ! Tôi không thể chịu đựng sự chế diễu và khinh bỉ trong mắt hắn, mỗi khi hắn nhìn tôi, và khổ hơn nữa là tôi lại rụt rè, e ngại, không dám cải chính với hắn, vì tôi biết hắn không tin tôi, sẽ cho là tôi dối trá. Hắn đã mộng thấy tôi làm những việc mà người có chút tự trọng không bao giờ làm, những việc có thể làm cho bạn bè xa lánh, pháp luật trừng trị nghiêm khắc, hắn đã nghe những lời ngu xuẩn trong bài diễn văn của tôi, đã thấy tôi không những buồn cười mà lại còn đáng tởm nữa. Hắn khinh ghét tôi, hắn lại còn dọa sẽ tố cáo tôi nữa. Tôi nói thực với bác sĩ nếu bác sĩ không làm cách gì để cứu tôi, tôi sẽ tự tử hay sẽ giết hắn.

– Tôi sẽ không giết hắn, nếu tôi là ông. – Bác sĩ nói với giọng dịu dàng ấm áp – Ở cái xứ này, những hậu quả của tội giết người nguy hiểm khó lường được.

– Bác sĩ muốn nói tôi sẽ bị treo cổ vì tội ấy chăng? Không đâu! Làm sao người ta có thể biết được là tôi sẽ giết hắn ta? Giấc mộng của tôi lần trước đã gợi ý cho tôi phải làm thế nào. Như tôi đã thuật cho bác sĩ nghe, sau đêm tôi mộng thấy tôi đánh một chai bia vào đầu hắn, hắn đã đau đầu như búa bổ. Chính miệng hắn đã nói ra như thế. Điều đó chứng tỏ thân thể hắn trong khi thức có thể cảm xúc những gì đã xảy ra trong hắn khi ngủ, lần sau tôi sẽ không đánh hắn với một cái chai. Trong mộng tôi sẽ nắm một con dao hay thủ trong túi một khẩu súng lục. Tôi chắc sẽ mộng thấy như vậy, vì tôi mong muốn một cách dữ dội điều ấy. Và tôi sẽ chụp lấy cơ hội. Tôi sẽ đâm hắn như đâm một con heo. Tôi sẽ bắn hắn như bắn một con chó, ngay giữa tim. Và sau đó tôi sẽ được giải thoát khỏi sự hành hạ quỷ quái này.

Chắc có người nghĩ rằng Huân tước Mountdrago điên. Sau bao năm trong nghề chữa trị những tâm hồn điên loạn, bác sĩ Audlin thấy thực là mỏng manh, cái đường ranh giới giữa những người mà chúng ta cho là bình thường với những người chúng ta gọi là điên. Ông đã thấy biết bao người bề ngoài có vẻ rất bình thường và đầy đủ sức khỏe, hoàn toàn không có những ảo tưởng viển vông và làm tròn nhiệm vụ hàng ngày một cách chắc chắn đối với mình và lơi lạc đối với người, nhưng một khi bạn đã gây được sự tín nhiệm của họ, đi vào đời sống riêng tư của họ, một khi bạn cất được cái mặt nạ họ đã mang đối với thế giới bên ngoài, khi ấy bạn sẽ tìm thấy ở họ không phải chỉ có những điều trái thường nghịch lý, mà còn những ý muốn thực ngông cuồng, những mơ ước thật kỳ cục, đến nỗi bạn không còn có thể gọi họ bằng một danh từ gì khác hơn là điên. Nếu đưa họ vào nhà thương điên, thì tất cả nhà thương điên trên giới cũng không đủ chỗ để chứa họ.

Dù sao, bạn cũng không thể liệt vào hạng ấy một người có những giấc chiêm bao kỳ dị và đang bị giao động tinh thần. Trường hợp Huân tước Mountdrago đặc biệt hơn những trường hợp mà bác sĩ Audlin đã chữa trị nhưng không phải là hoàn toàn xa lạ đối với ông. Dù vậy bác sĩ vẫn nghi ngờ những phương pháp chữa trị, đã nhiều lần thành công trong những trường hợp trước, có thể có hiệu quả trong trường hợp này. Bác sĩ hỏi:

– Ông đã có lần nào đi khám với một đồng nghiệp của ông chưa?

– Chỉ với bác sĩ Augustus. Tôi chỉ nói với ông ta tôi hay bị mộng mị. Ông ta bảo là vì tôi làm việc quá sức và khuyên tôi nên đi du lịch. Thực phi lý hết sức. Tôi làm sao rời Bộ Ngoại giao trong lúc này được, lúc mà tình hình thế giới đang cần được đặc biệt theo dõi? Tôi là người rất thiết yếu, tôi biết như vậy. Tương lai của đời tôi tùy thuộc vào thái độ của tôi trong giai đoạn gây cấn hiện tại. Ông Augustus cho tôi thuốc an thần. Không hiệu nghiệm gì hết! Ông ta cho thuốc bổ. Lại càng tệ hơn khi chưa dùng! Thực là một ông già lẩm cẩm.

– Ông có thể cho tôi biết vì lý do gì con người đặc biệt ấy lại cứ luôn luôn xuất hiện trong những giấc mộng của ông không?

– Bác sĩ lại hỏi tôi câu ấy, và tôi cũng đã trả lời rồi.

Đúng như vậy. Nhưng bác sĩ Audlin chưa hài lòng vì câu trả lời.

– Vừa rồi ông có nói đến hai chữ hành hạ. Vì sao ông Owen Griffiths lại muốn hành hạ ông?

– Tôi đâu biết được!

Đôi mắt của Huân tước Mountdrago hơi giao động trong khi trả lời. Bác sĩ biết chắc ông ta nói không thật.

– Ông có làm điều gì thiệt hại cho ông ấy không?

Huân tước Mountdrago ngồi bất động, nhưng bác sĩ Audlin có cảm tưởng kỳ lạ như ông ta đang co rúm người lại. Bác sĩ cảm thấy trước mắt mình một con người to lớn kiêu hãnh đang bực tức vì câu hỏi mà ông cho là xấc láo, nhưng đàng sau cái mặt tiền oai vệ ấy là cả một sự hốt hoảng, làm bạn liên tưởng đến một con thú mắc bẫy. Bác sĩ Audlin chồm tới phía trước và với nhãn lực của mình, buộc Huân tước phải nhìn vào hai mắt mình.

– Ông có chắc như vậy không?

– Chắc như đinh đóng. Bác sĩ có vẻ như không hiểu rằng tôi và thằng cha ấy không cùng đi chung một đường. Điều này, tôi không muốn nói đi nói lại nhiều lần, nhưng tôi cần nhắc để bác sĩ nhớ rằng tôi là Bộ trưởng của Hoàng gia và thằng cha Griffiths chỉ là đảng viên tầm thường của Công đảng. Tất nhiên giữa tôi và hắn không có liên hệ gì, hắn ta xuất thân từ một gia đình rất tối tăm, hắn không phải là hạng người tôi thích gặp bất cứ trong một gia đình nào tôi đến. Còn trên bình diện chính trị thì địa vị tôi và địa vị của hắn cách nhau quá xa, nên không thể gặp nhau ở một điểm chung nào cả.

– Tôi không thể làm gì được cho ông, trừ phi ông nói tất cả sự thật cho tôi nghe.

Huân tước Mountdrago dương cao cặp lông mày, tỏ ra mất bình tĩnh, ông nói giọng bực tức:

– Bác sĩ Audlin ạ, tôi không quen bị nghi ngờ trong lời nói của tôi. Nếu ông làm như vậy thì tôi nghĩ rằng chúng ta chỉ làm mất thì giờ của nhau thôi. Thư ký của tôi sẽ gởi ngân phiếu đến cho bác sĩ sau khi bác sĩ vui lòng cho biết số tiền thù lao.

Nhìn về mặt bác sĩ Audlin lúc này, bạn có thể nghĩ rằng ông ta hoàn toàn không nghe thấy những lời Huân tước Mountdrago vừa nói, ông tiếp tục nhìn thẳng vào trong đôi mắt của bệnh nhân và nói giọng trầm trầm:

– Ông có làm điều gì hắn ta có thể xem như là một sự thiệt thòi, tổn hại cho hắn không?

Huân tước Mountdrago do dự, ông nhìn đi nơi khác, rồi hình như không thể đương cự nổi với cái nhãn lực của bác sĩ Audlin, ông nhìn lui và trả lời một cách hờn dỗi:

– Chỉ có thể có, trong trường hợp hắn là đồ vô lại, thối tha, hèn mạt.

– Thì đúng là nãy giờ ông đã trình bày hắn ta như vậy đó.

Huân tước Mountdrago thở ra. Ông đã chịu thua. Bác sĩ Audlin biết cái thở ra đó có nghĩa là ông sẽ nói ra những gì ông đã che giấu bên trong, bác sĩ thấy không cần phải khẩn khoản thêm nữa. Ông nhìn xuống và bắt đầu vẽ lại những đường ngang dọc trên giấy thấm. Sự im lặng kéo dài trong vài ba phút.

– Tôi cố gắng nói tất cả những điều cần thiết cho ông rõ. Nếu từ nãy giờ tôi không nói ra vì tôi nghĩ nó không quan trọng gì cả, không dính dấp gì đến cái vụ này hết. Thằng cha Griffiths mới được trúng cử trong kỳ bầu cử dân biểu Hạ viện vừa rồi và liền ngay sau đó là hắn làm rộn, khuấy rầy không chịu nổi. Thân sinh hắn là một thợ mỏ, và hắn cũng làm việc trong hầm mỏ, lúc còn là một thằng bé con. Sau đó hắn làm giáo viên các trường tiểu học và viết báo. Hắn là cái hạng tri thức nửa mùa tự phụ, tự mãn, biết một mà không biết mười, tư tưởng thì thiếu chín chắn, kế hoạch thì thiếu thực tế, cái hạng lao động mà nền giáo dục cưỡng bách nâng lên khỏi giai cấp mình ấy mà! Người hắn gầy như cây sậy, da bọc xương, mặt bủng da chì, luôn luôn có vẻ như sắp chết đói, và có cái bề ngoài thực dơ bẩn. Ngày nay các ông Dân biểu thường có cái lối không quan tâm đến sự ăn mặc của họ, chỉ có Trời mới hiểu nổi vì sao, nhưng y phục của thằng cha này thì rõ ràng là cả một sự phỉ báng đối với thể thống của nghị viện. Áo quần hắn vừa tồi tàn vừa cũ kỹ, khăn quàng thì không bao giờ giặt, cà-vạt thì không thắt được cho đàng hoàng. Hắn có vẻ như hàng tháng không tắm, và hai bàn tay thì thật bẩn thỉu dơ dáy. Công đảng thì có vài ba dân biểu ngồi ở hàng ghế đầu có đôi chút khả năng, nhưng cái bọn còn lại chẳng có một ai ra hồn.

Trong xứ người mù, kẻ chột mắt là vua: thằng cha Griffiths nhờ có cái mồm mép ba hoa thiên địa và một mớ hiểu biết nông cạn về một số vấn đề nên đã được đảng hắn đưa ra để thuyết trình khi có cơ hội. Hình như hắn tưởng hắn thông thạo về các vấn đề đối ngoại lắm, nên thường đứng lên chất vấn tôi với những câu hỏi thực ngu ngốc, rắc rối. Tôi không ngại nói thực với bác sĩ tôi đã có ý định trừng trị cho hắn một trận nên thân. Ngay từ lúc đầu tôi đã ghét cay ghét đắng cái lối nói của hắn, cái tiếng the thé như ngựa hí và cái giọng quê mùa của hắn. Hắn có cái kiểu cách cầu kỳ trong lối nói, trong dáng điệu làm tôi phát khùng lên được. Khi nói, hắn làm ra vẻ rụt rè, ngập ngừng khó khăn như nói đối với hắn là một cực hình, nhưng vì lý tưởng sâu xa, vì sự thực mà hắn không thể ngậm miệng được, rồi hắn nói ra toàn những điều rối rắm bực mình như cốt để phá đám người khác. Tôi phải công nhận thỉnh thoảng hắn cũng tỏ ra hùng hồn, cái hùng hồn của những thùng thiếc rỗng. Tuy vậy, hắn cũng gây được ảnh hưởng một phần nào đối với những đầu óc lệch lạc của những đảng viên đảng hắn. Họ bị hắn bịp với cái vẻ quan trọng của hắn, và không cảm thấy buồn nôn như tôi vì cái tình cảm của hắn. Tình cảm thường được xài trong các cuộc tranh luận chính trị như một loại tiền có giá. Mọi quốc gia trên thế giới đều hành động theo tiêu chuẩn bảo vệ quyền lợi vị kỷ của mình, nhưng luôn luôn muốn được tin tưởng rằng mình nhắm những tiêu chuẩn vị tha, vì vậy chính trị gia nào, với những danh từ hoa mỹ, những câu văn tráng lệ, có thể làm cho cử tri tin rằng nhiệm vụ nặng nề mà mình đang gánh vác vừa bảo đảm được quyền lợi cho quốc gia, vừa hướng đến sự lợi ích cho cả nhân loại, chính trị gia ấy sẽ được hoan hô. Cái lầm lẫn mà những người như thằng cha Griffiths thường làm là tưởng rằng những danh từ hoa mỹ, những câu văn tráng lệ ấy có giá trị thực. Hắn là người lập dị, kỳ quái và nguy hiểm nữa. Nhưng hắn lại cho hắn là con người của lý tưởng. Hắn có sẵn ở đầu môi chót lưỡi những danh từ, những khẩu hiệu chán như cơm nếp mà giới trí thức thường làm rườm tai chúng ta trong mấy năm nay: Bất bạo động, bất đề kháng, bác ái, tình nhân loại! Bác sĩ lạ gì với những thứ rác rớm bậy bạ ấy.

Điều tệ hại hơn cả là không những chúng đã gây xúc động trong đảng hắn ta, mà còn làm lung lay một số những đảng viên ngu xuẩn, những đầu óc ghẻ lở trong đảng chúng tôi nữa. Tôi nghe đồn, nếu Công đảng lên nắm chánh quyền thì hắn sẽ được giao phó cho một bộ, có lẽ là Bộ Ngoại giao. Thực là thô bỉ, nhưng không phải là không thể xảy ra. Một hôm, tôi có dịp kết thúc cuộc tranh luận về vấn đề đối ngoại mà thằng cha Griffiths đã nêu lên. Hắn ta nói trong suốt một tiếng đồng hồ. Tôi tự bảo đây là cơ hội tốt để tôi làm thịt hắn, và trời ơi, bác sĩ biết không? Tôi đã thành công như ý muốn. Tôi bằm nát bài diễn văn của hắn. Tôi nêu rõ những lỗi lầm trong lý luận hắn. Tôi nhấn mạnh cho mọi người thấy cái dốt nát của hắn. Trong nghị trường cái khí giới tai hại nhất là sự chế giễu. Tôi đã châm biếm hắn, nhạo báng hắn, giễu cợt hắn. Hôm ấy tôi thực bảnh và làm cho cả nghị trường cười thét lên. Tiếng cười càng kích thích, tôi lại càng thêm hùng hồn hăng say. Phía đối lập ngồi im lặng và buồn xo, nhưng thỉnh thoảng cũng có một số không sao nín cười được. Bác sĩ cũng biết thực là một điều không thể tha thứ được, khi một người bạn đồng viện, một địch thủ thì đúng hơn, làm cho mình trở thành ngu si, đần độn. Nếu có người nào đã thành công trong việc đó, người ấy là tôi đối với thằng cha Griffiths.

Hắn ta ngồi thu hình trong chiếc ghế của hắn, mặt tái mét, và sau cùng úp mặt trong hai tay. Khi nói xong ngồi xuống, tôi đã hoàn toàn chôn sống hắn. Hắn không còn hy vọng được vào trong chính phủ khi đảng hắn lên nắm chính quyền, nếu có thì may ra là một loại nhân viên giống như một cảnh sát gác cửa. Sau đó tôi nghe nói ông thân hắn, lão thợ mỏ già ấy, và bà mẹ hắn đã từ Wales đến cùng một số ủng hộ viên trong cử tri đoàn của hắn để dự kiến sự chiến thắng mà họ hy vọng hắn sẽ thu hoạch được trong cuộc tranh luận. Tất nhiên họ chỉ chứng kiến sự nhục nhã cay chua của hắn mà thôi. Trong cuộc bầu cử vừa qua hắn chỉ thắng phiếu sát nút, một tai họa như loại tôi vừa kể có thể dễ dàng làm cho hắn mất chiếc ghế dân biểu trong kỳ bầu cử tới lắm. Nhưng đó là việc riêng của hắn, tôi không cần biết tới.

– Nếu tôi bảo rằng ông đã phá hủy sự nghiệp của hắn, ông có cho là quá đáng không?

– Tôi thấy không có gì là quá đáng!

– Đó chính là một thiệt hại lớn lao mà ông đã làm đối với hắn.

– Hắn đã mang sẵn cái mầm phá hoại ấy ở trong hắn.

– Có khi nào ông cảm thấy áy náy về việc ấy không?

– Tôi nghĩ nếu tôi biết có cha mẹ hắn đến dự, có lẽ tôi sẽ hạ hắn một cách nhẹ nhàng hơn.

Bác sĩ Audlin không hỏi gì thêm nữa, ông đang tìm cho bệnh nhân một phương pháp chữa trị nào mà ông cho là có thể có hiệu quả. Ông dự tính bằng phương pháp thôi miên sẽ làm cho bệnh nhân quên hết những giấc mộng sau khi thức dậy, ông dự tính sẽ làm cho bệnh nhân ngủ thật say để không nằm mộng được nữa. Nhưng ông nhận thấy với sức đề kháng mạnh mẽ của Huân tước Mountdrago, khó có thể thành công với những phương pháp ấy. Sau một tiếng đồng hồ, ông để cho bệnh nhân ra về.

Từ ngày đó, ông đã chữa cho Huân tước Mountdrago năm, sáu lần nữa, nhưng chưa thành công. Những giấc mộng hãi hùng hằng đêm vẫn đến khuấy rối người bệnh khốn nạn và tình trạng sức khỏe của ông ta sa sút quá mau lẹ. Ông suy nhược thấy rõ. Tánh nóng nảy của ông không thể kiểm soát nổi. Nhưng ông buộc lòng phải tiếp tục đến chữa, vì không những đó là nguồn hy vọng độc nhất của ông mà còn là một niềm an ủi, khi được có người để thổ lộ tâm sự mình. Bác sĩ Audlin, cuối cùng đi đến kết luận là chỉ có một cách chữa trị may ra có thể hiệu quả, nhưng bác sĩ biết rất rõ tánh tình của Huân tước nên chắc chắn Huân tước sẽ không bao giờ chấp nhận cách chữa trị như vây. Nghĩa là, nếu Huân tước Mountdrago muốn được cứu thoát khỏi tình trạng suy nhược đang hăm dọa đời sống ông, ông cần phải gác sang một bên tánh tự hào về giòng họ và tánh tự phụ tự mãn của ông. Bác sĩ thấy không thể trì hoãn được nữa. Hiện ông đang dùng phương pháp gợi ý để thử chữa cho Huân tước, và sau mấy kỳ như vậy ông nhận thấy ông này có thể thích hợp với phương pháp ấy. Cuối cùng ông đã đưa bệnh nhân vào một trạng thái nửa mê nửa tỉnh. Với giọng trầm buồn êm ái, ông làm dịu bớt những dây thần kinh căng thẳng đang hành hạ bệnh nhân, ông lặp đi lặp lại mấy tiếng quen thuộc trong khi Huân tước Mountdrago nằm yên, mắt nhắm, hơi thở đều đặn, và chân tay buông xuôi rất thoải mái. Rồi, với cái giọng trầm trầm đều đều ấy, ông bắt đầu nói câu nói ông đã sắp sẵn từ lâu.

– Ông sẽ đến gặp Owen Griffiths và nói cho ông ấy biết ông rất tiếc đã gây cho ông ta một sự thiệt hại lớn lao. Ông nói rằng ông sẽ cố gắng làm mọi cách trong quyền hạn của mình để đền bù lại sự thiệt hại mà ông đã làm cho ông ta.

Câu nói đó tác động ở Huân tước Mountdrago như một làn roi quất vào mặt ông ta. Ông giựt mình thức dậy và vụt đứng lên như cái lò xo. Đôi mắt đỏ bừng lửa giận, ông phun lên đầu bác sĩ Audlin những lời nguyền rủa thậm tệ chưa bao giờ bác sĩ nghe thấy. Ông mắng, ông nhiếc, ông chửi, ông dùng những tiếng thực thô tục, thực bẩn thỉu, đến nỗi bác sĩ là người đã từng nghe đủ loại tiếng tục tỉu, đôi khi ở ngay những làn môi xinh đẹp của những phụ nữ trong trắng và quý phái, cũng không khỏi ngạc nhiên về sự giàu có tiếng tục tỉu của ông này.

– Xin lỗi thằng côn đồ bẩn thỉu xứ Welsh ấy à? Thà chết còn hơn!

– Tôi tin rằng đó là cách duy nhất để ông lấy tại sự thăng bằng cho tâm trí.

Bác sĩ Audlin ít khi thấy ở một người bình thường, một sự giận dữ hung tợn như thế.

Mặt ông đỏ như gấc, hai mắt trợn trừng như sắp văng ra khỏi tròng, bọt miếng phì ra hai bên mép. Bác sĩ thản nhiên ngồi nhìn ông ta, đợi cho cơn giận giảm xuống. Huân tước Mountdrago, sau mấy tuần suy nhược vì tinh thần căng thẳng bây giờ trông đã kiệt sức.

– Ngồi xuống! – Bác sĩ nói với giọng gãy gọn như truyền lịnh.

Huân tước Mountdrago ngồi sụm xuống ghế.

– Trời, tôi mệt quá sức! Tôi cần nghỉ ngơi một lát rồi về!

Trong khoảng 5 phút, hai người ngồi trong im lặng. Huân tước Mountdrago mặc dù thô tục và nóng như lửa, nhưng là người có phong độ kẻ cả, sau một hồi im lặng, ông lấy lại được tự chủ và nói:

– Tôi thấy tôi đã quá hung hăng với bác sĩ. Tôi lấy làm xấu hổ vì những lời tôi đã nói với bác sĩ, và nếu bác sĩ từ chối tiếp tục chữa cho tôi, tôi thấy thực đáng kiếp cho tôi. Nhưng tôi hy vọng bác sĩ sẽ không làm như vậy. Tôi cảm thấy đỡ nhiều mỗi lần tôi đến đây. Bác sĩ là niềm hy vọng cuối cùng của tôi.

– Ông đừng nghĩ gì đến những lời ông vừa nói nữa. Không có gì quan trọng cả!

Đó là những lời cuối cùng của Huân tước Mountdrago, trước khi rời phòng mạch của bác sĩ Audlin trong kỳ chữa trước.

Bác sĩ Audlin trong khi ngồi đợi Huân tước Mountdrago, đọc lại những điều ghi chú trong sổ tay và tự hỏi không biết mình nên tìm phương pháp gì để chữa cho bệnh nhân sau khi bao nhiêu phương pháp thường dùng đã không đem lại kết quả gì cho ông ta. Ông nhìn vào chiếc đồng hồ. Sáu giờ đúng. Nếu Huân tước không đến thì thực lạ lùng. Người thư ký của ông ta sáng hôm nay đã điện thoại cho biết là ông sẽ đến vào giờ thường lệ. Chắc ông bị giữ lại vì một công việc gì khẩn cấp lắm. Điều dự đoán ấy đã đưa bác sĩ đến một ý nghĩ khác: Huân tước Mountdrago không còn sức khỏe để làm việc nữa, nhất là những công việc hệ trọng của quốc gia. Bác sĩ tự hỏi không biết mình nên làm thế nào để tiếp xúc với một nhân vật trong chính phủ, như Thủ tướng hay ông Thứ trưởng Ngoại giao chẳng hạn, để nói cho họ biết cái ý nghĩ của ông là không nên giao phó việc quốc gia đại sự cho Huân tước Mountdrago trong lúc này vì tinh thần ông đang bị giao động mạnh và mất thăng bằng quá mức. Bác sĩ thấy đây là một điều khó khăn tế nhị: ông sẽ gây lo ngại mà chưa chắc đã có kết quả gì và còn có thể bị mắng cho nữa là khác. Ông nhún vai tự bảo:

– Dù sao thì các ông chính trị gia cũng đã gây ra không biết bao sự hỗn độn trên thế giới trong suốt một phần tư thế kỷ này rồi, bây giờ họ có điên hay không, thiết tưởng cũng chẳng quan hệ cóc khô gì cả.

Ông nhấn chuông:

– Nếu Huân tước Mountdrago có đến, anh thưa với Huân tước tôi có hẹn vào 6 giờ 15 vì vậy tôi sợ không thể tiếp ông được.

– Dạ.

– Báo buổi tối đã đến chưa?

– Dạ để tôi ra xem.

Một lát sau người giúp việc đem báo vào. Một hàng tít lớn chạy dài trên trang đầu:

“Cái chết thảm thương của ông Bộ trưởng Ngoại giao”.

– Trời! – Bác sĩ Audlin kêu lên.

Lần đầu tiên trong đời, bác sĩ đã mất bình tĩnh, ông bị xúc động kinh khủng, mặc dù ông không ngạc nhiên chút nào. Trường hợp Huân tước Mountdrago có thể tự sát. – Vâng, theo bác sĩ thì đây chỉ là một sự tự sát – Trường hợp ấy, không phải bác sĩ đã không nhiều lần nghĩ đến. Theo báo thuật lại thì Huân tước Mountdrago đứng đợi ở sân ga xe điện, mé sát đường và khi xe đến, người ta thấy ông té vào đường rầy. Người ta phỏng đoán là ông Bộ trưởng đã thình lình bị ngất xỉu. Tờ báo viết tiếp: trong mấy tuần nay, ông cảm thấy trong người khó ở vì hậu quả công việc quá nặng nhọc, nhưng ông không thể nghỉ được vì tình hình ngoại giao cực kỳ nghiêm trọng đòi hỏi sự có mặt thường trực của ông. Lại một nạn nhân nữa của sự căng thẳng thần kinh, gây ra bởi đường lối đối ngoại mới mà những nhân vật quan trọng như ông đang phải đảm đương. Bài báo cũng nói đến tài năng và sự cần mẫn, lòng ái quốc và sự trông xa thấy rộng của người quá cố, và cuối cùng là sự phỏng đoán người kế vị ông mà Thủ tướng đang lựa chọn. Bác sĩ Audlin đọc xong bài báo từ đầu đến cuối.

Ông không ưa gì Huân tước Mountdrago, nên cái chết của ông ta không gây được sự thương cảm ở ông, nó chỉ gây cho ông sư bất mãn ở chính mình vì đã bất lực trong việc chữa trị cho bệnh nhân, có lẽ ông có lỗi vì không tìm ra cách tiếp xúc với vị bác sĩ riêng của ông Bộ trưởng. Cũng như bao lần khác mà sự tận tâm tận lực của ông không mang lại kết quả gì cả, bác sĩ Audlin cảm thấy chán nản và chán ghét luôn cả cái mớ lý thuyết và thực hành của nghề nghiệp đã nuôi sống ông. Ông đã vận dụng những năng lực đen tối và bí mật mà lý trí con người không thể hiểu nổi. Ông giống như một người bị bịt mắt đang cố tìm đường. Ông uể oải lật trang báo. Bỗng ông giật mình và bất giác thốt lên một tiếng kêu: “Trời!” nữa. Mắt ông dán vào mục tin nhỏ ở phía cuối cùng trang báo: “Cái chết đột ngột của một dân biểu”. Mục tin cho biết ông Owen Griffiths, dân biểu Hạ viện, đảng viên… vân vân và vân vân, thình lình bị cảm nặng tại Fleet street và đã tắt thở khi chở đến bệnh viện. Cái chết ấy được xem như không có gì bất thường, dù vậy, cuộc điều tra vẫn tiến hành. Bác sĩ Andlin không thể tin ở đôi mắt mình, có thể tin được chăng? Đêm hôm qua trong giấc chiêm bao, Huân tước Mountdrago mộng thấy mình thủ một con dao hay một khẩu súng lục như mình mong muốn và giết chết kẻ đã làm khổ mình? Và cũng như kiểu đánh cái chai vào đầu Griffiths trong giấc mộng đã gây sự nhức đầu cho ông ta ngày hôm sau, vụ mưu sát ma quái này đã có kết quả sau đó mấy giờ đối với nạn nhân trong khi thức chăng? Hay là, bí mật rùng rợn hơn nữa, Huân tước Mountdrago, kẻ thù không đội trời chung của ông Griffiths, sau khi chết vẫn không nguôi được hận thù, nên đã từ cõi chết tìm cách trở về báo thù cho kỳ được? Thực là lạ lùng, không thể hiểu nổi! Thôi thì chỉ nên xem đây là một sự trùng hợp ngẫu nhiên ly kỳ cho khỏe trí.

Bác sĩ nhấn chuông:

– Anh nói với bà Milton rằng tôi lấy làm tiếc là không thể tiếp bà được chiều nay. Người tôi không được khỏe.

Đúng như vậy. Ông ta rùng mình cảm thấy ớn lạnh như đang lên cơn rét. Với một thứ thần thông mặc cảm, ông thấy như mình đang đối diện với một khoảng chân không lạnh lùng ghê rợn. Đêm tối dày đặc của tâm hồn đang nhận chìm ông, và ông cảm thấy một nỗi sợ hãi về một điều gì không thể hiểu được.

Nguồn: http://vnthuquan.net/truyen/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvntnnn2nmn31n343tq83a3q3m3237nvn#phandau