Vùng nguy hiểm: hơn 2 ly rượu mỗi ngày
29.01.2015 (HealthDay News) – Quá nhiều rượu ở tuổi trung niên có thể làm tăng nguy cơ đột quị của bạn giống như là tăng huyết áp hoặc tiểu đường, một nghiên cứu mới cho biết.
Người uống trung bình hơn 2 ly mỗi ngày có nguy cơ đột quị tăng lên 34% so với người uống trung bình ít hơn nửa ly mỗi ngày, theo các phát hiện công bố ngày 29.01.2015 trong tạp chí Stroke.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng người uống rượu nhiều ở tuổi 50 và 60 có xu hướng bị đột quị sớm hơn là người uống ít hoặc không uống.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy rằng uống hơn 2 ly rượu mỗi ngày có thể rút ngắn thời gian xuất hiện đột quị khoảng 5 năm,” tác giả Pavla Kadlecova, một nhà thống kê tại Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng Quốc tế, Bệnh viện Đại học St. Anne tại Cộng hòa Czech nói.
Nguy cơ đột quị tăng lên do uống rượu nhiều vượt qua nguy cơ do tăng huyết áp hoặc tiểu đường, các nhà nghiên cứu kết luận. Tuy nhiên, ở tuổi 75, tăng huyết áp và tiểu đường trở thành các dự báo tốt hơn của đột quị.
Nghiên cứu này liên hệ với 11.644 cặp sinh đôi tuổi trung niên Thụy Điển, những người này được theo dõi để xem xét ảnh hưởng của gen và các yếu tố phong cách sống lên nguy cơ đột quị.
Các nhà nghiên cứu phân tích các kết quả từ lưu trữ của các cặp sinh đôi cùng giới tính đã trả lời bản câu hỏi từ năm 1967 đến 1970. Vào năm 2010, lưu trữ này theo dõi được 43 năm, bao gồm hồ sơ bệnh án và dữ liệu nguyên nhân tử vong.
Gần 30% người tham gia nghiên cứu bị đột quị. Họ được phân loại là người uống rượu nhẹ, trung bình, nặng hoặc không uống dựa trên bản câu hỏi, và các nhà nghiên cứu so sánh nguy cơ từ rượu và các nguy cơ sức khỏe như tăng huyết áp, tiểu đường và hút thuốc lá.
Các nhà nghiên cứu thấy rằng đối với người uống rượu nhiều, rượu gây ra nguy cơ đột quị cao ở cuối tuổi trung niên, bắt đầu từ 50 tuổi. Theo so sánh, người uống rượu ít hoặc không uống có nguy cơ đột quị tăng dần dần theo tuổi tác.
Giữa những cặp sinh đôi giống hệt, người bị đột quị uống nhiều hơn người không bị đột quị, cho thấy uống rượu ở tuổi trung niên làm tăng nguy cơ đột quị, bất kể gen và phong cách sống lúc còn trẻ, các nhà nghiên cứu nói.
Những người uống rượu nhiều tuổi trung niên, ở tuổi 50 và 60, nhiều khả năng bị đột quị sớm hơn, bất kể các yếu tố gen và phong cách sống, nghiên cứu này phát hiện.
Các phát hiện này phù hợp với các hướng dẫn quốc gia, vốn khuyến cáo chỉ uống tối đa 2 ly một ngày đối với nam và 1 ly đối với nữ, BS Irene Katzan, nhà thần kinh học và giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đánh giá Kết quả, Bệnh viện Cleveland, nói. Số ly này qui ra hàng ngày tối đa 8 ounce đối với nam và 4 ounce đối với nữ.
“Đây là một nghiên cứu hay, phù hợp với những gì chúng ta đã biết về rượu và đột quị, và nó phù hợp với khuyến cáo trong các hướng dẫn quốc gia,” Katzan nói.
Hiện không rõ một cách chính xác cách rượu ảnh hưởng đến nguy cơ đột quị, nhưng một số giả thuyết tập trung vào việc rượu làm loãng máu. Điều này có thể làm tăng nguy cơ đột quị chảy máu, tức là một mạch máu vỡ trong não, Katzan nói.
“Bạn uống càng nhiều, bạn càng có nhiều nguy cơ chảy máu trong não,” bà ấy nói.
Đồng thời, người ta cũng biết rõ rằng rượu góp phần làm tăng huyết áp và có thể làm tăng nguy cơ rung tâm nhĩ, hai yếu tố nguy cơ khác đối với đột quị, bà nói thêm.
“Ai biết được các yếu tố kết hợp theo kiểu gì trong việc tác động đến một người cụ thể bất kỳ?” Katzan kết luận.
Người uống rượu nên xem xét cắt giảm số lượng nếu họ uống trung bình 2 ly hoặc hơn mỗi ngày, Katzan và Kadlecova nói.
“Uống rượu chừng mực thì được,” Katzan nói. “Lý tưởng là mỗi ngày uống ít hơn 2 ly đối với nam, và không quá 1 ly đối với phụ nữ không mang thai.”
Nguồn: MedlinePlus
http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/news/fullstory_150677.html
Trần Thanh Xuân dịch