HỘI CHỨNG SAY ĐÊM TRƯỚC

Đối với nhiều người, một đêm nhậu nhẹt có thể đưa đến một buổi sáng đau khổ hôm sau và các tác động hãi hùng của hội chứng say đêm trước (hangover, túc túy).

Khoa học nói gì với chúng ta về hiện tượng này?

Điều gì gây nên các triệu chứng điển hình của hội chứng say đêm trước?

Và câu hỏi có lẽ cũng cũ như chính hội chứng say đêm trước là: thật sự có bất kỳ biện pháp chữa trị nào không?

Hội chứng say đêm trước là gì?

Hội chứng say đêm trước nói về các triệu chứng xuất hiện như là hệ quả của việc uống rượu quá nhiều. Các triệu chứng điển hình gồm có mệt mỏi, yếu người, khát nước, nhức đầu, đau cơ, buồn nôn, đau dạ dày, chóng mặt, khó chịu với ánh sáng và âm thanh, lo âu, cáu gắt, đổ mồ hôi, và huyết áp tăng. Hội chứng say đêm trước khác nhau từ người này sang người khác.

Điều gì gây nên các triệu chứng say đêm trước?

Một số các yếu tố có thể góp phần vào hội chứng say đêm trước:

+ Mất nước nhẹ: Rượu ức chế sự phóng thích vasopressin. Vasopressin là một hormone do não sản xuất, khiến cho thận giữ nước lại. Kết quả là, rượu làm tăng việc đi tiểu và làm mất nước quá mức. Mất nước nhẹ có lẽ góp phần vào các triệu chứng hội chứng say đêm trước như khát nước, mệt mỏi và nhức đầu.

+ Ngủ gián đoạn: Sau khi uống rượu, người ta rơi vào giấc ngủ nhanh hơn, nhưng giấc ngủ bị phân mảnh và họ có xu hướng dậy sớm hơn. Điều này góp phần gây ra mệt mỏi cũng như mất năng suất hoạt động.

+ Kích thích đường ruột: Rượu trực tiếp kích thích niêm mạc dạ dày và làm tăng sự phóng thích acid, có thể gây ra buồn nôn và khó chịu dạ dày.

+ Viêm: Rượu làm tăng hiện tượng viêm trong cơ thể. Viêm góp phần gây ra cảm giác uể oải khi bị bệnh, do đó viêm có thể giữ một vai trò trong các triệu chứng say đêm trước.

+ Phơi nhiễm acetaldehyde: Chuyển hóa rượu, chủ yếu ở gan, tạo nên acetaldehyde, một sản phẩm độc, tồn tại trong một thời gian ngắn, góp phần gây viêm trong gan, tụy tạng, não, đường ruột, và các cơ quan khác.

+ Hội chứng cai nghiện mini: Khi uống rượu, người ta cảm thấy êm dịu hơn, thư giãn hơn, và thậm chí hưng phấn, nhưng não bộ nhanh chóng điều chỉnh các tác dụng tích cực này để giữ quân bình. Kết quả là khi tác dụng của rượu mất đi, người ta có thể thấy không yên và lo âu hơn trước khi uống rượu.

Bởi mỗi người mỗi khác, thật khó mà tiên đoán uống bao nhiêu ly sẽ gây ra hội chứng say đêm trước. Bất kỳ lúc nào uống đến say sưa, họ sẽ có khả năng bị hội chứng say đêm trước vào ngày hôm sau.

Khi nào hội chứng say đêm trước lên cao điểm và kéo dài trong bao lâu?

Các triệu chứng say đêm trước lên cao điểm khi nồng độ rượu trong cơ thể gần bằng không. Các triệu chứng có thể kéo dài đến 24 giờ hoặc hơn.

Hội chứng say đêm trước có nguy hiểm không, hay chỉ đau đớn thôi?

Hội chứng say đêm trước có thể vừa đau đớn vừa nguy hiểm. Trong khi say đêm trước, tất cả sự chú ý, việc quyết định, sự phối hợp cơ có thể bị tổn hại. Ngoài ra, khả năng tiến hành các công việc quan trọng, như lái xe, vận hành máy móc hoặc chăm sóc người khác có thể bị ảnh hưởng tiêu cực.

Có cách nào điều trị hội chứng say đêm trước không?

Mặc dù có nhiều cách làm giảm bớt hội chứng say đêm trước được nói đến trên web và trên truyền thông, không có liệu pháp nào có hiệu quả được chứng minh một cách khoa học. Không có một phương pháp thần diệu nào đánh bại được hội chứng say đêm trước – và chỉ có thời gian chữa được mà thôi. Phải đợi đến khi cơ thể hoàn tất việc làm sạch các tạp chất sinh ra từ chuyển hóa rượu, bù nước, làm lành các mô tổn thương, và hồi phục các hệ miễn dịch, hoạt động não trở về mức bình thường. Không có cách nào tăng tốc sự hồi phục của não, hậu quả của rượu – uống cà phê, tắm hoặc uống một ngụm rượu vào sáng hôm sau không chữa khỏi hội chứng say đêm trước.

Một số người uống các loại thuốc giảm đau không cần toa (thường là acetaminophen) trước khi đi ngủ để làm giảm các triệu chứng say đêm trước. Điều quan trọng phải nhận biết là phối hợp rượu và acetaminophen có thể làm hại gan. Cũng như rượu, một số thuốc giảm đau không cần toa, kể cả aspirin và ibuprofen, có thể làm tăng sự phóng thích acid và kích thích niêm mạc dạ dày. Cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc này trước hoặc sau khi uống rượu.

Để làm giảm các triệu chứng say đêm trước, một số chuyển sang các thức uống thể thao giàu chất điện giải hoặc các sản phẩm khác, hoặc thậm chí truyền tĩnh mạch, trong cố gắng điều trị rối loạn chất điện giải do đi tiểu và mất nước do uống rượu. Nghiên cứu không tìm thấy được mối liên quan giữa mức độ rối loạn chất điện giải và mức độ nặng nhẹ của hội chứng say đêm trước, cũng như mối liên quan giữa các chất điện giải được cho thêm và mức độ nặng nhẹ của hội chứng say đêm trước. Ở hầu hết mọi người, cơ thể sẽ nhanh chóng tái lập sự cân bằng điện giải khi các tác dụng của rượu biến mất.

Nói cho cùng, cách chữa trị chắc chắn duy nhất của hội chứng say đêm trước là tránh mắc phải nó bằng cách không uống nhiều rượu quá.

Các sai lầm thường gặp về hội chứng say đêm trước

Sai: Một số hành động, như uống cà phê hoặc tắm, có thể ngăn chặn hoặc chữa khỏi hội chứng say đêm trước.
Đúng: Cách duy nhất để hoàn toàn tránh khỏi hội chứng say đêm trước là không uống một chút rượu nào hoặc uống ở mức ít nhất. Không có cách nào chữa khỏi hội chứng say đêm trước, ngoài thời gian.

Sai: Thứ tự các thức uống sẽ ảnh hưởng đến hội chứng say đêm trước – như câu “bia trước rượu, không bao giờ ngộ độc”.
Đúng: Nói chung, uống rượu càng nhiều, hội chứng say đêm trước càng nặng. Điều này đúng với bất kể bia, rượu vang, rượu mạnh hoặc kết hợp chúng với nhau.

Sai: Uống rượu vào buổi sáng sau một đêm nhậu nhẹt sẽ giúp tránh được hội chứng say đêm trước – theo cách nói dân gian là “giải nghễ”.
Đúng: Điều này có thể tạm thời làm giảm một số triệu chứng, tuy nhiên nó có thể góp phần kéo dài sự mệt mỏi và các triệu chứng khác của hội chứng say đêm trước.

Nguồn: National Institute of Alcohol Abuse and Alcoholism
https://www.niaaa.nih.gov/sites/default/files/publications/hangover_fact_sheet.pdf