TRẦM CẢM

Bạn có cảm thấy buồn bã, trống rỗng, và tuyệt vọng hầu như cả ngày, hầu như mỗi ngày? Bạn đã mất hứng thú hoặc niềm vui trong sở thích của bạn hoặc khi được ở với bạn bè và gia đình? Bạn có khó ngủ, ăn không ngon, và hoạt động khó khăn? Nếu bạn cảm thấy như vậy trong ít nhất 2 tuần, bạn có thể bị trầm cảm, một rối loạn tâm trạng nghiêm trọng nhưng có thể điều trị được.

Trầm cảm là gì?

Mọi người ai cũng có lúc cảm thấy buồn bã, nhưng những cảm giác này thường nhanh chóng qua đi. Trầm cảm là một rối loạn tâm trạng gây ra các triệu chứng buồn chán, ảnh hưởng đến cách bạn cảm nhận, suy nghĩ, và thu xếp các hoạt động hàng ngày như ngủ, ăn, hoặc làm việc. Để chẩn đoán được trầm cảm, các triệu chứng phải có hầu như cả ngày, hầu như mỗi ngày trong ít nhất 2 tuần.

Các loại trầm cảm là gì?

Hai dạng trầm cảm thường gặp nhất là:

Trầm cảm nặng (major depression) – có các triệu chứng trầm cảm hầu như cả ngày, hầu như mỗi ngày trong ít nhất 2 tuần, ảnh hưởng đến khả năng làm việc, ngủ, ăn uống và thưởng thức cuộc sống. Một người có thể có một giai đoạn trầm cảm trong đời, nhưng thường gặp hơn, một người có một vài giai đoạn trầm cảm.

Trầm cảm dai dẳng (dysthymia) – có các triệu chứng trầm cảm kéo dài trong ít nhất 2 năm. Một người được chẩn đoán trầm cảm dạng này có thể có một số giai đoạn trầm cảm nặng cùng với các khoảng thời gian có triệu chứng nhẹ hơn.

Một số dạng trầm cảm hơi khác một chút, hoặc chúng phát sinh trong những tình huống độc nhất, như là:

+ Trầm cảm chu sinh (perinatal depression): Phụ nữ trầm cảm chu sinh trải nghiệm trầm cảm nặng toàn phát trong khi mang thai hoặc sau khi sinh con (postpartum depression).

+ Trầm cảm theo mùa (seasonal affective disorder – SAD): là loại trầm cảm đến và đi theo mùa, điển hình bắt đầu từ cuối mùa thu và đầu mùa đông, và biến mất trong mùa xuân và mùa hè.

+ Trầm cảm tâm thần (psychotic depression): Loại trầm cảm này xảy ra khi một người bị trầm cảm nặng cùng với một dạng bệnh loạn thần như là có những tin tưởng hằn sâu sai lầm gây phiền toái (hoang tưởng – delusions) hoặc nghe hay thấy những thứ ghê gớm mà người khác không nghe hay thấy được (ảo giác – hallucinations).

Các thí dụ trầm cảm khác gồm có rối loạn mất điều chỉnh trạng thái gây rối (disruptive mood dysregulation disorder) (được chẩn đoán ở trẻ em và thiếu niên) và rối loạn chán nãn trước kinh nguyệt (premenstrual dysphoric disorder). Nhưng một người bị rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) cũng trải nghiệm các trạng thái sảng khoái hay cáu kỉnh cực kỳ cao độ gọi là “mania” hoặc một dạng nhẹ hơn gọi là “hypomania”.

Điều gì gây ra trầm cảm?

Các nhà khoa học tại Viện Sức khỏe Tinh thần Quốc gia (National Institute of Mental Health – NIMH) và trên toàn quốc đang nghiên cứu các nguyên nhân của trầm cảm. Nghiên cứu cho rằng sự kết hợp các yếu tố gen, sinh học, môi trường và tâm lý giữ một vai trò trong trầm cảm.

Trầm cảm có thể xuất hiện trong lúc mắc các bệnh nghiêm trọng khác như tiểu đường, ung thư, bệnh tim và bệnh Parkinson. Trầm cảm có thể khiến cho các bệnh trạng này nặng nề hơn và ngược lại. Đôi khi các loại thuốc sử dụng để trị những bệnh này có thể gây ra tác dụng phụ, góp phần vào các triệu chứng trầm cảm.

Các dấu hiệu và triệu chứng trầm cảm là gì?

Buồn bã chỉ là một phần nhỏ của trầm cảm và một số người bị trầm cảm có thể không cảm thấy buồn bã chút nào. Người khác nhau có các triệu chứng khác nhau. Một số triệu chứng trầm cảm gồm có:

+ Buồn dai dẳng, lo âu, hoặc trạng thái “trống rỗng”

+ Cảm giác tuyệt vọng hoặc bi quan

+ Cảm giác tội lỗi, vô dụng hoặc bất lực

+ Mất hứng thú trong sở thích hoặc trong hoạt động

+ Giảm năng lượng, mệt mỏi hoặc bị “trầm lắng” (slowed down)

+ Khó tập trung, khó ghi nhớ hoặc khó ra quyết định

+ Khó ngủ, tỉnh dậy vào sáng sớm, hoặc ngủ quá nhiều

+ Thay đổi khẩu vị và/hoặc cân nặng

+ Nghĩ đến cái chết hoặc tự tử, hoặc cố gắng tự tử

+ Không yên hoặc kích động

+ Đau nhức, nhức đầu, đau cơ hoặc có vấn đề về tiêu hóa mà không rõ nguyên nhân thực thể và/hoặc không giảm bớt dù được điều trị

Trầm cảm có giống hệt nhau ở mọi người không?

Không. Trầm cảm ảnh hưởng đến những người khác nhau bằng những cách khác nhau. Ví dụ:

Phụ nữ thường bị trầm cảm hơn đàn ông. Các yếu tố sinh học, chu kỳ cuộc sống và hormone, vốn riêng có ở phụ nữ, có thể có liên quan đến tỉ lệ trầm cảm cao hơn của họ. Phụ nữ bị trầm cảm điển hình có các triệu chứng buồn bã, cảm thấy vô dụng và cảm thấy tội lỗi.

Đàn ông bị trầm cảm nhiều khả năng rất mệt mỏi, cáu kỉnh và đôi khi giận dữ. Họ có thể đánh mất hứng thú trong công việc hoặc trong hoạt động mà họ từng ưa thích, có vấn đề về giấc ngủ và có hành vi bất kể hậu quả, kể cả lạm dụng ma túy hoặc rượu. Nhiều đàn ông không nhận ra tình trạng trầm cảm của mình và không nhờ giúp đỡ.

Người lớn tuổi bị trầm cảm có thể có các triệu chứng không rõ ràng bằng, hoặc họ ít khi công nhận các cảm giác buồn bã hoặc đau lòng. Họ cũng nhiều khả năng có các bệnh như bệnh tim, vốn có thể gây ra hoặc góp phần vào trầm cảm.

Trẻ nhỏ bị trầm cảm có thể giả vờ bị bệnh, không chịu đi học, bám vào cha mẹ hoặc lo lắng rằng cha mẹ có thể chết đi.

Trẻ lớn và thiếu niên bị trầm cảm có thể vướng vào các rắc rối tại trường học, phiền muộn và dễ kích động. Thiếu niên bị trầm cảm có thể có triệu chứng của các rối loạn khác như lo âu, rối loạn ăn uống hoặc lạm dụng ma túy, rượu bia.

Trầm cảm được điều trị như thế nào?

Bước đầu tiên để được điều trị đúng là đến gặp bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tinh thần, như là nhà tâm lý trị liệu hoặc bác sĩ tâm thần. Bác sĩ có thể sẽ thăm khám, phỏng vấn và test để loại bỏ các bệnh trạng có thể có triệu chứng giống như trầm cảm. Khi được chẩn đoán, trầm cảm có thể được điều trị bằng các loại thuốc, tâm lý trị liệu hoặc kết hợp cả hai. Nếu các điều trị này không làm giảm các triệu chứng được, liệu pháp kích thích não có thể là một tùy chọn để thăm dò.

THUỐC

Thuốc gọi là thuốc chống trầm cảm có thể rất hữu hiệu để điều trị trầm cảm. Chúng cần 2 đến 4 tuần để có hiệu quả. Thuốc chống trầm cảm có thể có các tác dụng phụ, nhưng các tác dụng phụ sẽ giảm dần theo thời gian. Hãy nói chuyện với bác sĩ về bất cứ tác dụng phụ nào mà bạn có. Không được ngưng thuốc chống trầm cảm mà không nói chuyện với bác sĩ trước tiên.

Lưu ý: Mặc dù thuốc chống trầm cảm hữu hiệu đối với nhiều người, chúng có thể có nguy cơ nghiêm trọng đối với một số người, nhất là trẻ em, thiếu niên, người mới lớn. Thuốc chống trầm cảm có thể khiến cho một số người, nhất là những người bị kích động khi bắt đầu sử dụng thuốc lần đầu tiên và trước khi thuốc bắt đầu có hiệu quả, có ý tưởng tự tử hoặc cố gắng tự tử. Bất cứ ai sử dụng thuốc chống trầm cảm nên được theo dõi sát sao, nhất là khi họ bắt đầu sử dụng lần đầu tiên. Dù vậy, đối với hầu hết mọi người, nguy cơ của trầm cảm không được điều trị vượt xa nguy cơ của các thuốc chống trầm cảm khi được sử dụng dưới sự quản lý cẩn thận của bác sĩ.

TÂM LÝ TRỊ LIỆU

Tâm lý trị liệu giúp ích bằng cách dạy những cách suy nghĩ và hành vi mới, và thay đổi những thói quen có thể góp phần vào trầm cảm. Liệu pháp có thể giúp bạn thấu hiểu và làm việc qua những mối liên hệ hay các tình huống khó khăn, vốn có thể khiến bạn trầm cảm hoặc làm trầm cảm trở nặng.

LIỆU PHÁP KÍCH THÍCH NÃO

Liệu pháp kích điện động kinh (electroconvulsive therapy – ECT) và các liệu pháp kích thích não khác có thể là một tùy chọn đối với những người bị trầm cảm nặng, không đáp ứng với các loại thuốc chống trầm cảm. Liệu pháp kích điện động kinh (ECT) là liệu pháp kích thích não được nghiên cứu tốt nhất và được sử dụng lâu đời nhất. Các liệu pháp kích thích khác được bàn luận ở đây là mới hơn và trong vài trường hợp là các phương pháp vẫn còn được thử nghiệm.

Cách tôi có thể giúp chính mình nếu tôi bị trầm cảm?

Nếu bạn tiếp tục điều trị, bạn có thể bắt đầu cảm thấy khá hơn dần. Hãy nhớ rằng nếu bạn đang sử dụng một thuốc chống trầm cảm, có thể cần 2 đến 4 tuần để bắt đầu có hiệu quả. Hãy cố gắng làm những việc mà bạn vẫn thường ưa thích. Hãy dễ dãi với bạn thân. Các việc khác có thể hữu ích gồm:

+ Sống tích cực và thể dục thể thao

+ Chia các việc lớn thành nhiều việc nhỏ, sắp xếp các ưu tiên và làm những gì bạn có thể làm được theo khả năng

+ Sử dụng thời gian với những người khác và tâm sự với một người bạn hay bà con được tin cậy

+ Hoãn các quyết định quan trọng về cuộc sống cho đến khi bạn cảm thấy khá hơn. Hãy thảo luận các quyết định này với những người khác mà bạn biết rõ

+ Tránh tự điều trị bằng rượu hoặc bằng các ma túy không được kê toa cho bạn

Cách tôi có thể giúp một người thân yêu bị trầm cảm?

Nếu bạn biết một người bị trầm cảm, trước tiên hãy giúp anh/chị ấy gặp bác sĩ hoặc một chuyên gia sức khỏe tinh thần. Bạn cũng có thể:

+ Giúp đỡ, thấu hiểu, kiên nhẫn và động viên

+ Không bao giờ bỏ qua những ý kiến về việc tự tử và báo lại cho bác sĩ hoặc người điều trị

+ Mời anh/chị ấy ra ngoài đi dạo, đi du ngoạn và các hoạt động khác

+ Giúp anh/chị ấy tuân thủ kế hoạch điều trị, như là cài đặt lời nhắc sử dụng thuốc đã được kê toa

+ Giúp anh/chị ấy bằng cách chắc chắn rằng anh/chị ấy có phương tiện chuyên chở đến chỗ hẹn khám bệnh

+ Nhắc anh/chị ấy rằng theo thời gian và được điều trị, trầm cảm sẽ mất đi

Nguồn: National Institute of Mental Health
https://www.nimh.nih.gov/health/publications/depression/19-mh-8079-depressionbasics_140843.pdf