PHÂN BIỆT X QUANG, CT, MRI, SIÊU ÂM

Bạn có bao giờ chụp X quang, MRI hoặc một chụp quét y tế khác? Bạn có biết những test này tác động ra sao? Hoặc chúng làm được gì?

Chụp quét y tế giúp bác sĩ chẩn đoán mọi việc từ chấn thương đầu đến đau bàn chân. Có nhiều loại kỹ thuật hình ảnh. Mỗi loại hoạt động khác nhau.

Một số loại sử dụng phóng xạ (radiation). Số khác sử dụng sóng âm thanh (sound wave), sóng vô tuyến (radio wave) hoặc từ trường (magnet). Hiểu biết về cách hoạt động của chụp quét y tế giúp bạn cảm thấy thoải mái hơn khi bạn hoặc người thân cần đến nó. Nó cũng giúp bạn biết những gì cần hỏi trước khi làm test hình ảnh.

X quang

X quang là cuộc cách mạng đầu tiên của việc nhìn vào bên trong cơ thể. Nó được sử dụng đã hơn 120 năm.

“X quang vẫn được sử dụng hàng ngày bởi vì nó làm được nhiều việc,” BS. Kris Kandarpa, một chuyên gia hình ảnh ở Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (National Institutes of Health – NIH) nói. Nó hữu ích trong việc quan sát các xương và tìm ra vấn đề ở một số loại mô, như viêm phổi ở hai phổi.

Hình ảnh X quang có được nhờ quét một chùm tia năng lượng qua một phần của cơ thể. Xương hoặc các bộ phận cơ thể khác sẽ chặn một số chùm tia X, không cho qua, khiến cho hình ảnh của chúng hiện ra trên phim dùng để bắt tia. Hình X quang trên phim được chuyển thành một hình kỹ thuật số để chuyên gia đọc.

Các chùm tia X sử dụng phóng xạ. Phóng xạ là năng lượng được phóng ra thành các hạt hoặc sóng vô hình. Phơi nhiễm số lượng lớn phóng xạ có thể làm hại tế bào và mô. Nó cũng làm tăng nguy cơ phát sinh ung thư.

Nhưng các test X quang hiện đại sử dụng liều phóng xạ rất thấp. Trong tự nhiên, người ta phơi nhiễm phóng xạ từ nhiều nguồn, như bầu trời, đá và đất.

“Một X quang ngực cho bạn một lượng phóng xạ tương tự như bạn ngồi trên một máy bay xuyên qua Đại Tây Dương,” Kandarpa giải thích.

Chụp cắt lớp CT

Chụp cắt lớp CT cũng sử dụng các chùm tia X. Nhưng các chùm tia này xoay tròn quanh toàn cơ thể để tạo nên một hình 3 chiều (3D). Hình này chứa nhiều thông tin hơn một hình X quang thông thường. Hình CT được thực hiện trong vòng ít hơn một phút. Điều này đặc biệt hữu ích ở những nơi như khoa cấp cứu, nơi bác sĩ cần biết ngay lập tức bệnh nhân có nguy cơ tử vong hay không.

Bởi vì chụp cắt lớp CT sử dụng nhiều chùm tia X hơn X quang bình thường, nó phát ra phóng xạ liều cao hơn. Nhưng các chuyên gia y tế có nhiều cách để tính toán liều phóng xạ thấp nhất cần đến, BS. Cynthia McCollough, một nhà nghiên cứu CT tại Mayo Clinic nói.

“Chúng tôi điều chỉnh liều tùy theo kích thước bệnh nhân, và điều chỉnh liều tùy theo lý do thăm khám,” McCollough nói. Thí dụ chụp CT ngực cần ít phóng xạ hơn chụp CT vùng dạ dày.

Phòng thí nghiệm McCollough, với bốn nhóm do NIH tài trợ, đang làm việc về các phương pháp làm giảm lượng phóng xạ phát ra hơn nữa. Nhóm của bà đã sử dụng hàng trăm chụp CT để tìm ra liều phóng xạ thấp nhất, cần cho một chuyên gia hình ảnh học chẩn đoán chính xác.

“Chúng tôi đã thấy rằng khi liều giảm xuống, hình ảnh sẽ không đẹp bằng, nhưng chúng vẫn thường giúp các bác sĩ trả lời kết quả đúng,” McCollough giải thích.

Trong khi liều phóng xạ thấp hơn có lẽ sẽ giúp làm giảm nguy cơ nhiều hơn, McCollough nói rằng liều tiêu chuẩn đã rất thấp rồi. Đó là điều quan trọng mọi người nên biết, bởi vì “một số bệnh nhân, vốn thật sự cần chụp CT lại sợ chụp,” bà nói.

Sợ hãi đôi khi khiến cho một số người không chịu chụp, mà việc chụp này có thể cải thiện sức khỏe của họ, hoặc thậm chí cứu lấy sinh mạng của họ. “Không thể chứng minh rằng liều CT hiện tại nằm trong khoảng có nguy cơ. Chúng rất thấp,” bà nói.

MRI

MRI hoạt động theo một cách rất khác. Nó không dùng tia X. Thay vì vậy, nó dùng từ trường mạnh và sóng vô tuyến (radio wave) để tác động đến các nguyên tử trong các phân tử nước trong các mô của cơ thể. Khi sóng vô tuyến tắt, các nguyên tử phóng thích năng lượng và được máy MRI phát hiện.

Các nguyên tử trong các loại mô khác nhau trở về bình thường theo các tốc độ khác nhau và phóng thích số lượng năng lượng khác nhau. Phần mềm MRI dùng thông tin này để tạo các hình ảnh 3 chiều của các loại mô khác nhau.

“MRI hữu ích nhất khi bạn muốn xem các bệnh liên quan đến mô mềm, như là cơ, gân, mạch máu,” BS. Shreyas Vasanawala, một nhà nghiên cứu MRI tại Đại học Standford giải thích.

MRI có thể cung cấp thông tin về cách hoạt động của cơ thể trong thời gian thực. “Thí dụ, chúng ta có thể đo số lượng máu đang chảy trong các mạch máu,” Vasanawala nói. Điều này giúp bác sĩ tìm thấy những tắc nghẽn nhỏ hoặc khiếm khuyết trong tim.

Do MRI không sử dụng tia X, các bác sĩ thích dùng nó hơn ở trẻ em. Nhưng máy MRI cần bạn nằm bất động trong một thời gian dài.

“Trẻ em có thể khó mà giữ yên,” Vasanawala nói. Nếu cần, gây mê có thể giúp trẻ thực hiện test này. Gây mê khiến trẻ mất tri giác và không thể cử động. Thông thường nó rất an toàn, nhưng cũng có vài nguy cơ.

Để giúp làm giảm việc gây mê, Vasanawala và đội ngũ của ông đã sáng tạo ra một máy MRI giống như cái mền, thay đổi hình dạng được, để dùng cho trẻ em. Họ dùng kèm nó với các phương pháp mới để quét nhanh hơn. Máy MRI giống như cái mền mềm phủ sát phía trên bệnh nhân, tạo một môi trường thoái mái. “Nó giúp một số trẻ được thăm khám mà không phải gây mê,” ông giải thích.

Chụp quét khác

Một phương pháp hình ảnh học thường dùng khác được gọi là siêu âm. Nó phóng những sóng âm (sound wave) vào cơ thể. Các loại mô khác nhau phản xạ sóng âm khác nhau. Những khác biệt này có thể được máy siêu âm ghi nhận và chuyển thành hình ảnh. Siêu âm hữu ích để quan sát tim và các cơ quan khác hoặc một thai nhi đang phát triển.

Bác sĩ cũng sử dụng các test gọi là hình ảnh học hạt nhân. Các test này sử dụng một số lượng rất nhỏ chất đồng vị phóng xạ (radioactive) gọi là tracer. Chúng được tiêm vào cơ thể, nhưng một số được hít hoặc nuốt vào. Chất đồng vị phóng xạ trong cơ thể phóng xạ và được một máy dò bên ngoài cơ thể đo lường. Loại chất đồng vị phóng xạ khác nhau tùy thuộc vào những gì bác sĩ muốn thấy.

Thí dụ như chụp PET (positron emission tomography), thường sử dụng chất đường đồng vị phóng xạ để chẩn đoán ung thư. Khi các tế bào ung thư bắt lấy chất đường đồng vị phóng xạ, chúng có thể được phát hiện bằng máy quét PET.

Các nhà khoa học đang phát triển các loại chất đồng vị phóng xạ mới để phát hiện các tình trạng khác nhau, như là nhiễm trùng ẩn sâu trong cơ thể. Họ cũng tiếp tục tìm tòi các phương pháp khác để làm cho việc chụp quét trong y tế nhanh hơn và phát ra ít phóng xạ hơn.

Nguồn: National Institutes of Health – News In Health
https://newsinhealth.nih.gov/2019/11/medical-scans-explained