CHĂM SÓC VÀ AN ỦI LÚC CUỐI ĐỜI

Chăm sóc giảm nhẹ là phần thiết yếu của chăm sóc y tế lúc cuối đời, là loại chăm sóc giúp đỡ và an ủi một người sắp chết. Mục đích là ngăn ngừa hoặc làm giảm đau đớn càng nhiều càng tốt và cải thiện chất lượng cuộc sống đồng thời tôn trọng các nguyện vọng của người bệnh.

Bạn có lẽ đọc bài này bởi vì một người thân nào đó của bạn đang sắp chết. Bạn muốn biết điều gì sẽ xảy ra. Bạn muốn biết cách an ủi, điều cần nói, điều cần làm. Bạn có lẽ thích biết cách làm cho việc hấp hối nhẹ nhàng hơn – cách giúp bảo đảm một cái chết an bình, với một điều trị phù hợp với các nguyện vọng của người bệnh.

Cái chết an bình có thể có ý nghĩa khác nhau đối với bạn và đối với một người khác. Bà chị có thể muốn biết khi nào chết để bà ấy có thể nói vài lời cuối với những người thương yêu và những người lo liệu những vấn đề riêng tư. Ông chồng có thể muốn chết nhanh và không dây dưa. Bà mẹ có lẽ đã nói rằng bà muốn ở tại nhà khi chết, trong khi ông cha lại muốn ở trong bệnh viên nơi ông được điều trị cho đến lúc cuối cùng.

Một số người muốn được gia đình và bạn bè vây quanh; người khác lại muốn ở một mình. Dĩ nhiên, thường là không ai chọn được. Nhưng, tránh đau khổ, muốn các nguyện vọng cuối cùng được tuân theo và được kính trọng khi sắp chết là những hy vọng thường gặp.

Nói chung, người sắp chết cần được chăm sóc trong bốn lĩnh vực – thoải mái thể chất, các nhu cầu tinh thần và cảm xúc, các vấn đề tâm linh và các động tác thiết thực. Gia đình họ cũng cần được hỗ trợ. Trong bài này, bạn sẽ thấy một số cách mà bạn có thể giúp một người sắp chết. Luôn luôn nhớ hỏi tổ y tế để biết chắc rằng những đề nghị này là có phù hợp với tình huống của bạn hay không.

Chăm sóc cuối đời là gì?

Vào cuối đời, mỗi một tình huống một khác nhau. Cái chết đến đột ngột, hoặc dây dưa, lụi tàn dần dần. Đối với một số người già, thân thể suy nhược trong khi đầu óc vẫn tỉnh táo. Số người khác thể xác vẫn mạnh mẽ, nhưng khả năng nhận biết lại mất mát nhiều. Mặc dù ai cũng chết, mỗi một mất mát lại được người thân cảm nhận một cách riêng biệt.

Chăm sóc cuối đời là từ được dùng để mô tả sự hỗ trợ và chăm sóc y tế trong lúc sắp chết. Chăm sóc này không chỉ diễn ra trước lúc ngưng thở và ngưng tim. Người lớn tuổi thường sống với một hoặc nhiều bệnh mạn tính và cần nhiều chăm sóc những ngày, những tuần, và thậm chí những tháng trước khi chết.

Khi một bác sĩ nói điều gì như là, “tôi nghĩ tin tức không được tốt. Không còn có điều trị nào chúng tôi có thể thực hiện. Rất tiếc,” cánh cửa cho một khả năng chữa khỏi bệnh đã đóng lại, nhưng điều đó không chấm dứt nhu cầu hỗ trợ y tế. Nó cũng không chấm dứt sự liên hệ của gia đình và bạn bè.

Có nhiều cách chăm sóc người lớn tuổi đang sắp chết. Chăm sóc này thường liên quan đến một nhóm người. Nếu bạn đang đọc bài này, bạn có thể là một thành viên của nhóm.

Người chăm sóc cho một ai lúc cuối đời có thể kiệt sức về thể xác và về cảm xúc. Cuối cùng, hãy chấp nhận rằng không có một cái chết hoàn hảo, chỉ là những gì tốt nhất bạn có thể làm cho người thân yêu. Và nỗi đau đánh mất người thân có thể được xoa dịu một phần nào khi bạn đã làm được điều bạn cần làm khi có thể.

Cuối đời: Chăm sóc thể chất

Có những cách để khiến một người đang sắp chết dễ chịu hơn. Sự dễ chịu có thể đến từ nhiều vấn đề khác nhau. Đối với từng vấn đề, có những chuyện bạn hoặc một nhân viên y tế có thể làm, tùy theo nguyên nhân. Thí dụ, một người bệnh có thể khó chịu vì:
+ Đau
+ Khó thở
+ Kích thích da
+ Trở ngại đường tiêu hóa
+ Cảm nhận nhiệt độ
+ Mệt mỏi

Đau. Nhìn người thân chết đã đủ khổ, nhưng nghĩ rằng người thân lại còn đang đau đớn còn khổ hơn. Không phải mọi người sắp chết đều đau đớn, nhưng có những điều bạn có thể giúp đỡ người đau. Các chuyên gia tin rằng việc chăm sóc cho người sắp chết nên tập trung vào việc giảm đau mà không cần lo lắng gì về việc nghiện thuốc có thể có sau này.

Không phải sợ khi cho nhiều thuốc giảm đau theo toa của bác sĩ. Đau dễ ngăn chận hơn là làm giảm đau, và đau đớn quá thì khó xử trí. Hãy chắc chắn rằng mức độ đau không vượt quá tầm giảm đau của thuốc. Hãy nói với bác sĩ hoặc điều dưỡng khi đau không kiểm soát được. Các loại thuốc có thể tăng hoặc được thay đổi. Nếu không hiệu quả, hãy yêu cầu tư vấn một chuyên gia chăm sóc giảm nhẹ, có kinh nghiệm xử trí đau đối với người bệnh nặng.

Về morphine và các thuốc giảm đau khác Morphine là một thuốc phiện, là một thuốc mạnh để điều trị đau nặng. Đôi khi, morphine cũng được cho để làm giảm cảm giác khó thở. Thuốc giảm đau có thể làm cho người bệnh lơ mơ hoặc buồn ngủ. Bạn có thể từng nghe nói rằng cho morphine có thể khiến chết nhanh hơn. Có đúng vậy không? Hầu hết các chuyên gia nghĩ rằng không phải, nhất là khi tăng liều một cách cẩn thận. Giảm đau thành công và/hoặc giảm quan ngại về hô hấp có thể giúp người sắp chết dễ chịu.

Vật lộn với đau đớn tột cùng có thể làm cho kiệt sức. Nó khiến cho người trong gia đình khó tập họp một cách có ý nghĩa. Đau đớn ảnh hưởng đến tâm trạng – đau đớn có thể khiến người bệnh giận dữ hoặc nóng nảy. Mặc dù có thể thông cảm được, cáu gắt do đau đớn có thể khiến khó nói chuyện, khó chia sẻ suy nghĩ và cảm tưởng.

Vấn đề hô hấp. Khó thở hoặc cảm giác khó thở là một trải nghiệm thường gặp lúc sắp chết. Lo lắng về hơi thở kế tiếp có thể khiến cho các cuộc trò chuyện hoặc giao tiếp quan trọng gặp khó khăn. Hãy thử nâng cao đầu giường, mở cửa sổ, dùng máy tạo ẩm, hoặc dùng quạt máy lưu chuyển không khí trong phòng. Đôi khi morphine hoặc các loại thuốc giảm đau khác có thể làm giảm cảm giác khó thở.

Người sắp chết có thể thở to, đôi khi được gọi là thở dồn dập lúc chết (death rattle), do dịch tụ lại trong họng hoặc do các cơ họng dãn ra. Trở người bệnh nằm nghiêng có thể hữu ích. Cũng có loại thuốc có thể kê toa để tránh điều này. Không phải tất cả các thở to đều là loại thở dồn dập lúc chết. Có thể hữu ích khi biết rằng thở to thường không làm khó người đang hấp hối, dù nó tác động đến người thân và bạn bè.

Kích thích da. Các rắc rối về da có thể rất là khó chịu. Theo tuổi tác da tự nhiên khô hơn và mỏng manh hơn, do đó điều quan trọng là cần tích cực chăm sóc da của người lớn tuổi. Nhẹ nhàng thoa kem không có cồn có thể làm giảm khô da và dễ chịu.

Khô các thành phần của mặt, như môi và mắt, có thể là một nguyên nhân làm khó chịu lúc chết. Kem môi có thể làm cho đỡ khô môi. Vải ướt đặt lên trên đôi mắt nhắm có thể làm giảm khô. Nếu bên trong miệng có vẻ khô, cho ngậm vài viên nước đá nhỏ (nếu người bệnh tỉnh táo) hoặc lau bên trong miệng bằng vải ướt, cuộn bông hoặc chất thấm đã xử lý đặc biệt có thể hữu ích.

Ngồi hoặc nằm yên một vị trí có thể tạo sức ép liên tục lên vùng da nhạy cảm có thể dẫn đến các vết loét giường đau đớn (đôi khi được gọi là loét áp suất). Khi một vết loét giường khởi phát, vùng da bị đổi màu hoặc đậm màu. Xem xét cẩn thận các vết đổi màu này, đặc biệt là ở vùng gót chân, mông, thắt lưng và phía sau đầu.

Xoay trở người bệnh từ ngữa sang nghiêng và sang bên đối diện mỗi vài giờ có thể giúp ngăn ngừa các vết loét giường. Thử đặt một miếng bọt biển dưới một vùng như là gót chân hoặc khuỷu tay để nâng nó khỏi giường và giảm sức ép. Nệm giường hoặc nệm ghế loại đặc biệt có thể hữu ích. Giữ da sạch và ẩm bao giờ cũng quan trọng.

Rối loạn tiêu hóa. Buồn nôn, ói, táo bón và ăn không ngon là các vấn đề thường gặp lúc cuối đời. Nguyên nhân và điều trị các triệu chứng này đa dạng, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc điều dưỡng ngay lập tức. Có những loại thuốc có thể kiểm soát buồn nôn hoặc ói hoặc giảm táo bón, vốn là tác dụng phụ thường gặp của các loại thuốc giảm đau mạnh.

Nếu một người hấp hối muốn ăn nhưng quá suy nhược hoặc quá mệt mỏi, bạn có thể giúp ăn. Để chống việc ăn không ngon, hãy nhẹ nhàng mời các thức ăn được yêu thích với số lượng nhỏ. Hoặc là cho ăn ít hơn, nhiều lần hơn thay vì ba bữa chính.

Bạn không cần phải ép ăn. Không ăn và/hoặc không uống nói chung không gây đau đớn, và ăn có thể góp phần gây ra khó chịu. Ăn không ngon là một phần thường gặp và bình thường ở người sắp chết. Nuốt cũng có thể là một rắc rối, nhất là đối với người mất trí (dementia). Một quyết định bỏ ăn có ý thức có thể là một dấu hiệu chấp nhận sắp chết của người bệnh.

Cảm nhận nhiệt độ. Người đang hấp hối có thể không có khả năng nói với bạn rằng họ đang quá nóng hoặc quá lạnh, do đó hãy tìm các dấu hiệu. Thí dụ như một người quá ấm có thể nhiều lần cố gắng lột bỏ mền. Bạn có thể lấy mền ra và đắp một miếng vải mát trên đầu người ấy.

Nếu người bệnh co rút vai, kéo tấm đắp lên, hoặc thậm chí run rẩy, chúng có thể là dấu hiệu của lạnh. Hãy tăng nhiệt độ lên, và đắp thêm mền. Tránh mền điện bởi vì nó có thể quá nóng.

Mệt mỏi. Thường người sắp chết cảm thấy suy nhược và yếu ớt hoặc vô lực. Hãy làm cho các hoạt động đơn giản hơn. Thí dụ sử dụng ghế tiêu tiểu cạnh giường thay vì phải đi vào phòng tắm. Ghế tắm có thể tiết kiệm năng lượng, bởi có thể chuyển sang lau mình tại giường.

Câu chuyện của Meena
Bà Meena 80 tuổi sống tại nhà dưỡng lão được 2 năm sau khi bị đột quỵ, khi sức khỏe đi xuống và bà không còn có thể truyền đạt nguyện vọng của mình. Bác sĩ của bà Meena, BS. Torres, nói với gia đình rằng bà đang sắp chết. Bác sĩ nói rằng các xét nghiệm y khoa, vật lý trị liệu và điều trị tiêm truyền không còn thật sự cần thiết và nên ngưng bởi vì chúng có thể khiến bà Meena khó chịu. BS. Torres cũng nói rằng kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn (mạch, huyết áp, thân nhiệt và nhịp thở) đang làm gián đoạn sự nghỉ ngơi của bệnh nhân và nên không còn được thực hiện đều đặn.
Sau đó, bà Meena phát sinh viêm phổi. Gia đình yêu cầu đưa bà vào bệnh viện. BS. Torres giải thích rằng bà Meena có thể được chăm sóc giống như vậy tại khung cảnh quen thuộc của nhà dưỡng lão. Ngoài ra, bác sĩ nói, di chuyển có thể làm phiền bà và làm bà bối rối. Gia đình đồng ý để bà Meena ở lại tại nhà dưỡng lão, và bà mất 2 ngày sau, chung quanh là những người thân của bà. Các chuyên gia đề nghị rằng nên tránh di chuyển một người đến một nơi khác như bệnh viện lúc sắp chết nếu có thể được.

Cuối đời: Xử trí các nhu cầu tinh thần và cảm xúc

Chăm sóc cuối đời hoàn chỉnh cũng bao gồm sự giúp đỡ người sắp chết xử trí sự khó chịu về tinh thần và cảm xúc. Người còn tỉnh táo lúc cuối đời có thể cảm thấy trầm cảm hoặc lo lắng một cách hiểu được. Điều quan trọng là phải điều trị sự đau đớn và khổ sở về cảm xúc. Khuyến khích nói chuyện về những cảm tưởng có thể hữu ích. Bạn có thể muốn tiếp xúc với một người tư vấn, có lẽ một người quen thuộc với các vấn đề cuối đời. Nếu trầm cảm hoặc lo lắng nặng, thuốc có thể hữu ích.

Người sắp chết cũng có thể có những lo sợ và quan ngại đặc thù. Người ấy có thể sợ người xa lạ hoặc lo lắng cho những người còn ở lại. Một số người lo sợ phải đơn độc lúc cuối. Cảm tưởng này có thể bị làm nặng nề hơn do các phản ứng có thể hiểu được của gia đình, bạn bè và thậm chí của tổ y tế. Thí dụ, khi gia đình và bạn bè không biết phải làm thế nào để giúp đỡ hoặc nói năng gì, đôi khi họ ngưng thăm viếng. Hoặc là ai đó đã bắt đầu đau buồn có thể tháo lui.

Các bác sĩ có thể cảm thấy bất lực khi họ không thể cứu được bệnh nhân. Một số có vẻ xa lánh một bệnh nhân sắp chết. Điều này làm cho người bệnh cảm thấy bị cô lập hơn. Nếu điều này xảy ra, hãy nói những quan ngại của bạn với gia đình, bạn bè hoặc bác sĩ.

Một động tác tiếp xúc cơ thể đơn giản – nắm tay, tiếp xúc hoặc xoa nhẹ – có thể làm cho người bệnh cảm thấy được kết nối với người yêu thương, có thể rất an ủi. Hãy làm ấm tay của bạn bằng cách chà xát hai bàn tay với nhau hoặc rửa nước ấm.

Hãy cố gắng chọn trạng thái an ủi. Hãy nhớ rằng lắng nghe và có mặt có thể tạo sự khác biệt. Thí dụ, ông Gordon yêu thích tiệc tùng, do đó tự nhiên là ông muốn gia đình và bạn bè quay quần khi ông sắp chết. Bà Ellen luôn luôn thích những phút im lặng với một hoặc hai người một lúc, do đó bà dễ chịu nhất khi chỉ có vài khách đến thăm viếng.

Một vài chuyên gia cho rằng khi cái chết rất gần, nhạc vặn nhỏ và đèn mờ là dễ chịu. Trên thực tế, gần cuối đời, liệu pháp âm nhạc có thể cải thiện trạng thái, giúp thư giãn và giảm đau. Lắng nghe âm nhạc cũng gợi lên những hồi ức mà những người hiện diện có thể chia sẻ. Đối với một số người, giữ các âm thanh làm lãng quên như TV và radio ở mức thấp nhất là quan trọng.

Thường thì chỉ cần có mặt lúc sắp chết là đủ. Không cần thiết phải lắp đầy thời gian bằng cách trò chuyện hoặc làm này làm nọ. Sự hiện diện im lặng của bạn có thể món quà đơn giản và sâu đậm đối với người nhà hoặc bạn bè đang hấp hối.

Các nhu cầu tâm linh lúc cuối đời

Người lúc sắp chết có thể có các nhu cầu tâm linh cũng quan trọng như quan ngại về thể chất của họ. Nhu cầu tâm linh bao gồm tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống và chấm dứt các bất đồng với người khác nếu có thể. Người sắp chết có thể tìm được yên bình khi giải quyết được các vấn đề với bạn bè và gia đình. Các cuộc thăm viếng của người làm công tác xã hội hoặc của người tư vấn cũng có thể hữu ích.

Nhiều người tìm kiếm an ủi trong niềm tin của họ. Người khác có thể trăn trở với niềm tin tâm linh. Cầu nguyện, nói chuyện với người trong cộng đồng tôn giáo (như đức cha, các sư…), đọc sách vở tôn giáo hoặc nghe kinh kệ có thể mang đến sự dễ chịu.

Gia đình và bạn bè có thể nói với người sắp chết về tầm quan trọng của quan hệ của họ. Thí dụ, con cái đã trưởng thành có thể chia sẻ cách cha họ đã ảnh hưởng đến cuộc đời họ. Cháu có thể cho ông biết ông có ý nghĩa thế nào với họ. Bạn bè có thể liên hệ đến cách họ trân trọng những năm đã giúp đỡ, bầu bạn với họ. Người thân và bạn bè nào không thể hiện diện có thể gửi bản ghi âm những gì họ muốn nói hoặc là một lá thư đọc lớn lên cho mọi người nghe.

Chia sẻ những hồi ức về thời gian tốt đẹp là một cách khác để người sắp chết thấy yên bình. Điều này sẽ an ủi tất cả mọi người. Một số bác sĩ nghĩ rằng thậm chí một bệnh nhân đã mất ý thức vẫn có thể nghe được. Có lẽ không bao giờ trể để nói lên cảm nghĩ của bạn hoặc để trò chuyện về những hồi ức đáng tự hào.

Luôn luôn nói với người sắp chết, chứ không phải nói về họ. Khi bạn vào phòng, nên giới thiệu chính mình, nói vài điều như “Chào Juan. Tôi là Mary. Tôi đến thăm anh.” Cũng là một ý hay khi có người ghi lại một số chuyện lúc này – cả do người sắp chết nói hoặc nói về người sắp chết. Một lúc nào đó, những câu chữ này có thể là một nguồn an ủi đối với gia đình và bạn bè. Người đang tìm cách giúp đỡ gia đình có thể vui lòng với cơ hội ghi lại những gì được nói.

Cũng có lúc người sắp chết đã lơ mơ đột nhiên có vẻ suy nghĩ tỉnh táo. Hãy lợi dụng những lúc này, nhưng hãy hiểu rằng chúng chỉ là tạm bợ, không nhất thiết là một dấu hiệu ông bà ấy khỏe lên. Đôi khi, người sắp chết có vẻ thấy hoặc nói với một người nào đó, không có mặt. Hãy kiềm chế ý muốn ngăn cản họ hoặc là nói rằng chúng là ảo tưởng. Hãy để người sắp chết có khoảng trống để họ trải nghiệm thực tế của chính họ.

Cuối đời: Lập kế hoạch trước

Nhiều công việc thực tế cần được thực hiện vào lúc cuối đời – cả để an ủi người sắp chết và cả để hỗ trợ người chăm sóc. Công việc mỗi ngày có thể là nguồn lo lắng của người sắp chết và có thể ngập đầu người chăm sóc. Thực hiện các công việc nhỏ hàng ngày quanh nhà – như nhận thư hoặc báo, ghi lại tin nhắn điện thoại, giặt nhiều đồ đạc, cho thú ăn, đưa trẻ đi chơi đá banh, hoặc nhận thuốc từ nhà thuốc – có thể là gánh nặng cho người chăm sóc.

Người đang sắp chết có thể lo lắng về việc ai sẽ đảm nhận các công việc khi họ mất đi. Hãy đưa ra lời bảo đảm – “Tôi sẽ bảo đảm rằng hoa violet Châu Phi sẽ được tưới,” “Jessica đã hứa sẽ lo cho Bandit,” “Bố, chúng con muốn mẹ sống với chúng con từ giờ trở đi” – có thể mang lại sự yên bình. Nhắc người sắp chết rằng những việc riêng tư của họ sẽ được chăm sóc tốt có thể mang đến sự dễ chịu.

Mọi người có thể sẽ hỏi gia đình, “Tôi có thể làm gì cho anh?” Gợi ý cụ thể có thể hữu ích. Hãy nói với gia đình, “Hãy để tôi giúp…” và đề nghị một số việc như mang thức ăn cho người chăm sóc, trả tiền hóa đơn, dẫn chó đi dạo, hoặc chăm trẻ. Nếu bạn không biết chắc cần gợi ý những gì, hãy nói chuyện với người đã trải qua tình huống tương tự. Hãy tìm ra loại giúp đỡ hữu ích.

Nếu bạn muốn giúp đỡ nhưng không thể ra khỏi nhà của mình, bạn có thể lập kế hoạch cho bạn hoặc người nhà khác để giúp những việc lặt vặt hoặc mang thức ăn đến. Điều này cho phép người nhà thân cận có thể quan tâm đầy đủ đến người đang sắp chết.

Nếu bạn là người chăm sóc chính, hãy yêu cầu giúp đỡ khi cần và nhận giúp đỡ khi được gợi ý. Đừng do dự khi đề nghị một việc cụ thể với một người có ý giúp đỡ. Bạn bè và gia đình có lẽ nôn nóng làm điều gì đó cho bạn và/hoặc cho người bệnh, họ có thể tự nguyện gợi ý nhiều lần khi bạn quá bận rộn.

Thông báo tin tức cho bạn thân và gia đình có thể quá bận rộn. Lập một tin nhắn bằng lời nói, một blog, một danh sách email, một trang facebook riêng tư, hoặc một nhóm số điện thoại có thể làm giảm số lượng điện thoại bạn phải gọi. Một số gia đình tạo blog hoặc trang web để chia sẻ tin tức, suy nghĩ và nguyện vọng. Hoặc là bạn có thể nhờ một người thân trong gia đình hoặc bạn bè để thông báo thay cho bạn. Tất cả họ có thể giúp làm giảm gánh nặng cảm xúc khi liên tục trả lời các câu hỏi.

Câu hỏi về chăm sóc lúc cuối đời
Gia đình và bạn bè có thể giúp an ủi người sắp chết.
Sau đây là một số câu hỏi có thể giúp bạn hiểu biết nhiều hơn.
Hỏi bác sĩ:
+ Do không còn cứu chữa được, việc gì sắp xảy ra?
+ Tại sao lại đề nghị thử nghiệm hoặc điều trị này?
+ Trị liệu này có mang lại dễ chịu thể chất không?
+ Trị liệu này có đẩy nhanh hoặc kéo dài quá trình hấp hối không?
+ Chúng tôi có thể mong chờ điều gì sẽ đến trong những ngày hoặc những tuần sắp đến?
Hỏi người chăm sóc:
+ Ban đang làm gì? Bạn có cần người để nói chuyện không?
+ Bạn có muốn đi ra ngoài một hai giờ không? Tôi có thể ở lại đây khi bạn ra ngoài.
+ Ai là người đã đề nghị giúp đỡ bạn? Bạn có muốn tôi nói chuyện với họ để phối hợp các nỗ lực của chúng ta không?
+ Tôi có thể giúp bạn không? Có thể là… dắt chó đi dạo, trả lời điện thoại, đi ra tiệm thuốc tây hoặc tiệm tạp hóa, hoặc trông chừng các cháu không?

Nguồn: National Institute on Aging
https://www.nia.nih.gov/health/providing-comfort-end-life