BỆNH UỐNG RƯỢU

TÓM TẮT

Bệnh uống rượu (alcohol use disorder) (kể cả mức độ đôi khi được gọi là bệnh nghiện rượu) là một kiểu uống rượu có liên quan đến việc kiểm soát uống rượu, bị rượu ám ảnh, tiếp tục uống dù rượu gây rắc rối, phải uống nhiều hơn để có cùng một hiệu quả, hoặc có các triệu chứng cai nghiện (withdrawal symptoms) khi giảm đột ngột hoặc ngưng uống.

Uống rượu không lành mạnh bao gồm bất cứ việc uống rượu nào gây nguy cơ cho sức khỏe và sự an toàn, hoặc gây ra các rắc rối do rượu. Nó cũng bao gồm việc nhậu say sưa – khi một người đàn ông uống 5 ly hay nhiều hơn trong vòng hai giờ, hoặc một người phụ nữ uống ít nhất 4 ly trong vòng hai giờ. Nhậu say sưa tạo nguy cơ to lớn đối với sức khỏe và sự an toàn.

Nếu kiểu uống rượu của bạn gây ra các lo lắng và rắc rối to lớn lập đi lập lại trong đời sống hàng ngày, bạn có lẽ bị bệnh uống rượu. Nó có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng. Tuy nhiên, ngay cả một rối loạn nhẹ cũng có thể tiến triển và dẫn đến các rắc rối nghiêm trọng, do đó điều trị sớm là quan trọng.

TRIỆU CHỨNG

Bệnh uống rượu có thể nhẹ, trung bình hoặc nghiêm trọng, dựa vào số lượng các triệu chứng mà bạn trải nghiệm. Các triệu chứng và dấu hiệu gồm có:
+ Không thể giới hạn số lượng rượu bạn uống
+ Muốn giảm số lượng rượu bạn uống hoặc cố gắng giảm mà không được
+ Mất nhiều thì giờ để uống rượu, tìm rượu hoặc phục hồi sau khi uống
+ Cảm thấy rất thèm uống rượu
+ Không hoàn thành được các đòi hỏi trong công việc, ở trường học hoặc ở nhà do uống rượu tái đi tái lại
+ Tiếp tục uống rượu mặc dù biết rằng nó gây ra các rắc rối thể chất, xã hội và giao tiếp cá nhân
+ Từ bỏ hoặc giảm bớt các hoạt động và thú vui trong xã hội và trong công việc
+ Uống rượu trong những tình huống không an toàn, như khi lái xe hoặc bơi lội
+ Phát sinh lờn rượu, do đó cần uống nhiều hơn để có cảm giác hoặc hiệu quả giảm khi uống cùng một số lượng rượu
+ Mắc các triệu chứng cai nghiện như là buồn nôn, đổ mồ hôi và run rẩy khi không uống rượu, hoặc uống rượu để tránh những triệu chứng này

Bệnh uống rượu có thể kể cả các giai đoạn ngộ độc rượu và các triệu chứng cai nghiện.

+ Ngộ độc rượu xảy ra do số lượng rượu trong máu tăng cao. Nồng độ rượu trong máu càng cao, tác hại càng lớn. Ngộ độc rượu gây ra các rắc rối về hành vi và các thay đổi tinh thần, gồm có hành vi không phù hợp, trạng thái không ổn định, phán đoán bị tổn hại, nói lắp, sự tập trung hoặc trí nhớ bị tổn hại và phối hợp hoạt động kém. Cũng có thể có các giai đoạn gọi là “hố đen” (blackouts), khi bạn không nhớ được những gì đã xảy ra. Nồng độ rượu trong máu rất cao có thể dẫn đến hôn mê hoặc thậm chí tử vong.

+ Hội chứng cai nghiện rượu (withdrawal syndrome) có thể xảy ra khi đã từng uống rượu nhiều, trong một thời gian dài và sau đó ngưng hẳn hoặc giảm mạnh. Nó có thể xảy ra trong vòng vài giờ hoặc 4-5 ngày sau. Các dấu hiệu và triệu chứng gồm có đổ mồ hôi, tim đập nhanh, bàn tay run rẩy, rắc rối giấc ngủ, buồn nôn và ói, ảo giác, tay chân không yên, kích động, lo âu và đôi khi co giật. Các triệu chứng có thể nặng đến độ làm tổn hại khả năng hoạt động khi làm việc hoặc giao tiếp xã hội.

Thế nào là 1 ly?

Viện Lạm dụng Rượu và Nghiện Rượu Quốc gia định nghĩa một ly tiêu chuẩn là bất kỳ một thứ nào như sau:
+ 12 ounce (355 ml) bia thông thường (khoảng 5% rượu)
+ 8 đến 9 ounce (237 – 266 ml) rượu nhẹ (khoảng 7% rượu)
+ 5 ounce (148 ml) rượu vang (unfortified wine) (khoảng 12% rượu)
+ 1,5 ounce (44 ml) rượu mạnh (80-proof hard liquor) (khoảng 40% rượu)

Khi nào đến gặp bác sĩ

Nếu cảm thấy đôi khi uống quá nhiều rượu, hoặc việc uống rượu gây rắc rối, hoặc gia đình quan ngại về việc uống rượu của bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ. Các cách khác để tìm kiếm sự giúp đỡ là nói chuyện với một chuyên gia tinh thần hoặc tìm sự giúp đỡ của một nhóm hỗ trợ như Alcoholics Anonymous hoặc một loại nhóm tự giúp đỡ tương tự.

Bởi việc chối bỏ là thường gặp, bạn có thể không cảm thấy mình gặp rắc rối do uống rượu. Bạn có thể không nhận biết mình đã uống nhiều đến bao nhiêu hoặc mình có bao nhiêu rắc rối do uống rượu. Hãy lắng nghe họ hàng, bạn bè hoặc đồng nghiệp khi họ yêu cầu bạn xem xét các thói quen uống rượu hoặc tìm kiếm sự trợ giúp. Hãy xem xét việc nói chuyện với người đã từng gặp rắc rối trong việc uống rượu nhưng nay đã ngưng uống.

Nếu người thân cần sự giúp đỡ

Nhiều người mắc bệnh uống rượu do dự khi điều trị bởi vì họ không công nhận mình gặp rắc rối. Sự can thiệp của những người thân có thể giúp họ nhận thấy và công nhận rằng họ cần sự hỗ trợ chuyên môn. Nếu bạn quan ngại về một ai đó uống rượu quá nhiều, hãy yêu cầu một người chuyên môn kinh nghiệm về điều trị nghiện rượu cho lời khuyên về cách tiếp cận người này.

NGUYÊN NHÂN

Các yếu tố di truyền, tâm lý, xã hội và môi trường có thể tác động đến việc uống rượu ảnh hưởng đến thể chất và hành vi của bạn như thế nào. Lý thuyết cho rằng đối với một số người, việc uống rượu có tác động khác và mạnh mẽ hơn, dẫn đến bệnh uống rượu. Dần dà việc uống rượu quá nhiều có thể làm thay đổi chức năng bình thường của các vùng não có liên quan đến sự trải nghiệm thích thú, sự phán đoán, và khả năng kiểm soát hành vi. Điều này có thể gây hậu quả là tìm đến rượu để cố gắng phục hồi những cảm giác tốt đẹp hoặc làm giảm những cảm giác tiêu cực.

YẾU TỐ NGUY CƠ

Việc uống rượu có thể bắt đầu ở tuổi thiếu niên, nhưng bệnh uống rượu xảy ra thường hơn ở tuổi 20 và 30, dù nó có thể bắt đầu bất kỳ lúc nào.
+ Uống rượu đều đặn theo thời gian. Uống nhiều một cách đều đặn trong một thời gian dài hoặc uống say một cách đều đặn có thể dẫn đến các rắc rối do rượu hoặc là bệnh uống rượu.
+ Bắt đầu uống từ tuổi trẻ. Người bắt đầu uống rượu, nhất là uống say, từ tuổi trẻ có nguy cơ mắc bệnh uống rượu cao hơn.
+ Tiền sử gia đình. Nguy cơ mắc bệnh uống rượu cao hơn đối với người có cha mẹ hoặc một người thân có rắc rối với rượu. Điều này có thể do ảnh hưởng của các yếu tố di truyền.
+ Trầm cảm và các rắc rối sức khỏe tinh thần khác. Thường gặp đối với người có rối loạn sức khỏe tinh thần như lo âu, trầm cảm, tâm thần phân liệt (schizophrenia) hoặc rối loạn lưỡng cực (bipolar disorder) gặp rắc rối với rượu hoặc các chất khác.
+ Tiền sử chấn thương. Người có tiền sử chấn thương cảm xúc hoặc các chấn thương khác có nguy cơ mắc bệnh uống rượu cao hơn.
+ Phẫu thuật đường tiêu hóa. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng phẫu thuật đường tiêu hóa có thể làm tăng nguy cơ phát sinh bệnh uống rượu hoặc tái phát sau khi bình phục khỏi bệnh uống rượu.
+ Yếu tố xã hội và văn hóa. Có bạn bè hoặc đồng sự thân thiết uống rượu đều đặn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh uống rượu. Hình ảnh hấp dẫn khi uống rượu đôi khi được truyền thông đưa lên cũng có thể gợi ý rằng uống rượu quá nhiều cũng chấp nhận được. Đối với người trẻ tuổi, ảnh hưởng của cha mẹ, người quí phái và người mẫu có thể tác động đến nguy cơ.

BIẾN CHỨNG

Rượu ức chế hệ thống thần kinh trung ương. Ở một số người, phản ứng ban đầu có thể là kích thích. Nhưng khi tiếp tục uống, bạn bị ức chế.

Uống rượu quá nhiều ảnh hưởng đến lời nói, phối hợp cơ và các trung tâm sinh tồn của não bộ. Say sưa nặng thậm chí có thể gây hôn mê hoặc tử vong. Điều này còn đặc biệt quan ngại khi bạn uống đồng thời một số thuốc gây ức chế chức năng của não.

Tác động lên sự an toàn

Uống rượu quá nhiều có thể làm giảm kỹ năng phán đoán và các ức chế thấp hơn khác, dẫn đến các chọn lựa xấu và các tình huống hoặc hành vi nguy hiểm, gồm có:
– Tai nạn xe cộ và các loại tổn thương bất ngờ như là đuối nước
– Rắc rối trong giao tiếp
– Hiệu quả kém trong công việc hoặc trong học tập
– Tăng khả năng phạm tội bạo hành hoặc là nạn nhân của một tội phạm
– Rắc rối pháp lý hoặc rắc rối trong việc làm, trong tiền bạc
– Rắc rối với các gây nghiện khác
– Vướng vào tình dục hiểm nguy, không được bảo vệ hoặc lạm dụng tình dục hoặc hiếp dâm
– Tăng nguy cơ cố gắng tự sát hoặc tự sát

Tác động đến sức khỏe

Uống quá nhiều rượu tại một thời điểm hoặc theo thời gian có thể gây rắc rối cho sức khỏe, gồm có:
Bệnh gan. Nhậu nhiều có thể làm tăng mỡ trong gan (nhiễm mỡ gan), viêm gan (viêm gan do rượu), và dần dà dẫn đến tiêu hủy gan không hồi phục và mô gan hóa sẹo (xơ gan).
Rắc rối tiêu hóa. Nhậu nhiều có thể gây ra viêm niêm mạc dạ dày (viêm dạ dày), cũng như loét dạ dày và thực quản. Nó cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu vitamin B và các chất dinh dưỡng khác. Nhậu nhiều cũng làm tổn hại tụy tạng hoặc đưa đến viêm tụy tạng.
Rắc rối tim. Uống rượu quá nhiều có thể dẫn đến tăng huyết áp và tăng nguy cơ phì đại tim, suy tim hoặc đột quỵ. Thậm chí một lần nhậu say sưa có thể gây rối loạn nhịp tim nặng, gọi là rung nhĩ.
Biến chứng tiểu đường. Rượu ảnh hưởng đến việc gan phóng thích glucose và có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết, nguy hiểm nếu bạn bị tiểu đường và đã sử dụng insulin để làm giảm nồng độ đường trong máu.
Chức năng tình dục và vấn đề kinh nguyệt. Uống rượu quá nhiều có thể khiến mất chức năng dương cương ở nam giới. Ở phụ nữ, nó có thể làm ngưng kinh nguyệt.
Rắc rối mắt. Theo thời gian, nhậu nhiều có thể gây cử động mắt không tự ý (nystagmus) cũng như suy yếu và liệt các cơ mắt do thiếu vitamin B1 (thiamin). Thiếu thiamin cũng có thể đi kèm với các thay đổi ở não, như là sa sút trí tuệ không hồi phục nếu không được trị liệu ngay lập tức.
Khiếm khuyết khi sinh. Uống rượu khi mang thai có thể gây ra sẩy thai. Nó cũng có thể gây ra hội chứng rượu thai nhi, trẻ sinh ra gặp rắc rối về thể chất và về sự phát triển vốn tồn tại cả đời.
Tổn hại xương. Rượu có thể ảnh hưởng đến việc tạo ra xương mới. Việc mất xương này có thể dẫn đến loãng xương và tăng nguy cơ gãy xương. Rượu cũng làm tổn thương tủy xương, vốn là cơ quan tạo máu, khiến cho số lượng tiểu cầu thấp, gây ra vết bầm và xuất huyết.
Biến chứng thần kinh. Uống quá nhiều rượu có thể ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh, gây tê và đau ở bàn tay, bàn chân, suy nghĩ rối loạn, sa sút trí tuệ và mất trí nhớ ngắn hạn.
Suy yếu hệ miễn dịch. Uống quá nhiều rượu có thể khiến cho cơ thể khó chống chọi bệnh tật hơn, làm tăng nguy cơ mắc các bệnh khác nhau, nhất là viêm phổi.
Tăng nguy cơ ung thư. Uống rượu quá nhiều, trong thời gian dài có liên quan đến nguy cơ cao hơn mắc nhiều loại ung thư, gồm ung thư miệng, họng, gan, thực quản, ruột già và vú. Thậm chí uống rượu trung bình có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Tương tác giữa các loại thuốc và rượu. Một số loại thuốc tương tác với rượu, làm tăng tác dụng độc hại của thuốc. Uống rượu lúc đang sử dụng các loại thuốc này hoặc làm tăng/giảm hiệu quả, hoặc khiến chúng trở nên nguy hiểm.

PHÒNG NGỪA

Can thiệp sớm có thể phòng ngừa các rắc rối do rượu ở thiếu niên. Nếu bạn có con là thiếu niên, hãy cảnh giác với các dấu hiệu và triệu chứng có thể là dấu hiệu của một rắc rối do rượu:
– Mất hứng thú với những hoạt động và thú vui và bề ngoài cá nhân
– Mắt đỏ, nói lắp, rắc rối phối hợp vận động và trí nhớ lẫn lộn
– Khó khăn hoặc thay đổi trong quan hệ với bạn bè, như là gia nhập một đám đông mới
– Xuống hạng và gặp rắc rối trong nhà trường
– Thường xuyên thay đổi trạng thái và có hành vi phòng thủ

Bạn có thể giúp phòng ngừa việc uống rượu ở thiếu niên:
– Làm gương tốt bằng chính việc uống rượu của mình.
– Nói chuyện cởi mở với con, cùng sinh hoạt tốt với con và tích cực tham gia vào đời sống của con.
– Hãy cho con biết hành vi nào được bạn mong đợi và những hậu quả nếu con không theo những luật lệ này.

CHẨN ĐOÁN

Bạn có lẽ bắt đầu gặp bác sĩ. Nếu bác sĩ nghi ngờ bạn gặp rắc rối với rượu, bác sĩ có thể chuyển bạn đến một chuyên gia về sức khỏe tinh thần. Để đánh giá các rắc rối với rượu, bác sĩ có lẽ:
Hỏi một vài câu về những thói quen uống rượu. Bác sĩ có thể xin phép nói chuyện với gia đình hoặc bạn bè của bạn. Tuy nhiên, luật bảo mật ngăn bác sĩ tiết lộ bất kỳ thông tin nào về bạn mà không được sự đồng ý.
Khám thực thể. Bác sĩ có thể khám thực thể và hỏi về sức khỏe. Có nhiều dấu hiệu thực thể chỉ ra biến chứng của việc uống rượu.
Test phòng thử nghiệm và test hình ảnh. Trong khi không có các test đặc hiệu để chẩn đoán bệnh uống rượu, một số kiểu bất bình thường của các test phòng thử nghiệm chỉ rõ nó. Và bạn có thể cần xác định các rắc rối sức khỏe có thể liên quan đến việc uống rượu của bạn. Tổn hại của các cơ quan có thể nhìn thấy trên các test.
Hoàn tất đánh giá tâm lý. Đánh giá này bao gồm các câu hỏi về triệu chứng, suy nghĩ, cảm tưởng và kiểu hành vi. Bạn có thể được yêu cầu hoàn tất một bản câu hỏi giúp trả lời những câu hỏi này.
Sử dụng tiêu chuẩn DSM-5. Sổ tay Chẩn đoán và Thống kê các Rối loạn Tinh thần, Ẩn bản thứ năm (DSM-5), do Hội Tâm lý Hoa Kỳ xuất bản, thường được các chuyên gia sức khỏe tinh thần sử dụng để chẩn đoán các tình trạng sức khỏe tinh thần.

ĐIỀU TRỊ

Điều trị bệnh uống rượu có thể thay đổi tùy theo nhu cầu của bạn. Điều trị có thể liên quan đến can thiệp ngắn, tư vấn cá nhân hoặc nhóm, chương trình bệnh nhân ngoại trú, hoặc điều trị bệnh nhân nội trú. Làm việc để ngưng uống rượu, cải thiện chất lượng cuộc sống là mục đích điều trị chính.

Điều trị bệnh uống rượu có thể gồm:
– Giải độc và cai nghiện. Điều trị có thể bắt đầu bằng một chương trình giải độc – cai nghiện được xử trí y khoa, vốn thông thường mất hai đến bảy ngày. Bạn có thể cần phải sử dụng các loại thuốc an thần để phòng ngừa các triệu chứng cai nghiện (withdrawal symptom). Giải độc thường được tiến hành tại một trung tâm điều trị nội trú hoặc bệnh viện.
– Học các kỹ năng và lập kế hoạch điều trị. Thường liên quan đến các chuyên gia điều trị bệnh uống rượu, bao gồm đặt mục tiêu, kỹ thuật thay đổi hành vi, sử dụng các sổ tay tự hỗ trợ, tư vấn và chăm sóc theo dõi tại một trung tâm điều trị.
– Tư vấn tâm lý. Tư vấn và liệu pháp cho các nhóm và các cá nhân giúp bạn hiểu rõ hơn rắc rối về rượu của mình và hỗ trợ sự bình phục khỏi các khía cạnh tâm lý của việc uống rượu. Bạn có thể hưởng lợi từ các liệu pháp cặp đôi hoặc gia đình, hỗ trợ gia đình là một phần quan trọng của quá trình bình phục.
– Các loại thuốc uống. Một loại thuốc gọi là disulfiram (Antabuse) có thể giúp ngăn bạn uống rượu, mặc dù nó không chữa khỏi bệnh uống rượu hoặc loại bỏ sự thèm rượu. Nếu bạn uống rượu, thuốc này sinh ra phản ứng làm đỏ mặt, buồn nôn, ói và nhức đầu. Naltrexone, một loại thuốc ngăn các cảm giác thích thú do rượu tạo ra, có thể ngăn việc uống nhiều rượu và làm giảm sự thèm rượu. Acamprosate có thể giúp bạn chống lại sự thèm rượu khi bạn ngưng uống rượu. Không giống như disulfiram, naltrexone và acomprosate không làm bạn cảm thấy khó chịu khi uống rượu.
– Thuốc tiêm. Vivitrol, một dạng của naltrexone, được nhân viên y tế tiêm mỗi tháng một lần. Mặc dù loại thuốc tương tự có thể được dùng ở dạng uống, dạng tiêm có thể dễ cho người bình phục khỏi bệnh uống rượu sử dụng lâu dài hơn.
– Hỗ trợ liên tục. Các chương trình sau điều trị và các nhóm hỗ trợ giúp người bình phục khỏi bệnh uống rượu ngưng uống, xử trí các lần tái phát và thích ứng với những thay đổi cần thiết về cách sống, có thể gồm có các chăm sóc y khoa hoặc tâm lý hoặc tham dự một nhóm hỗ trợ.
– Điều trị các rắc rối tâm lý. Bệnh uống rượu thường xảy ra cùng với các rối loạn sức khỏe tinh thần khác. Nếu bạn bị trầm cảm, lo âu hoặc một tình trạng sức khỏe tinh thần khác, bạn có thể cần đến liệu pháp nói chuyện (psychotherapy), các loại thuốc hoặc điều trị khác.
– Điều trị đối với các tình trạng sức khỏe. Nhiều rắc rối sức khỏe do rượu cải thiện đáng kể khi bạn ngưng uống rượu. Nhưng một vài tình trạng sức khỏe cần được tiếp tục điều trị và theo dõi.
– Thực hành tâm linh. Người có liên hệ với một loại thực hành tâm linh nào đó có thể thấy dễ dàng hơn trong việc giữ được sự bình phục khỏi bệnh uống rượu hoặc các nghiện ngập khác. Đối với nhiều người, đạt được hiểu biết to lớn hơn về khía cạnh tâm linh là một yếu tố then chốt trong bình phục.

Chương trình điều trị nội trú

Đối với bệnh uống rượu nặng, bạn có thể cần phải ở lại một cơ sở điều trị nội trú. Hầu hết các chương trình điều trị nội trú gồm có liệu pháp cá nhân và nhóm, các nhóm hỗ trợ, bài giảng, quan hệ gia đình và liệu pháp hoạt động. Các chương trình điều trị nội trú tiêu biểu có các chuyên gia tư vấn về rượu và ma túy lành nghề, các nhân viên xã hội, điều dưỡng, bác sĩ và các người khác với sự thành thạo và kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh uống rượu.

CÁCH SỐNG VÀ LIỆU PHÁP TẠI NHÀ

Là một phần của sự bình phục, bạn sẽ cần tập trung vào thay đổi những thói quen và phải chọn lựa các cách sống khác nhau. Các phương pháp này có thể hữu ích.
– Xem xét tình huống xã hội của bạn. Hãy cho bạn bè và gia đình biết rằng bạn đang không uống rượu. Phát triển một hệ thống hỗ trợ của bạn bè và gia đình có thể hỗ trợ việc bình phục của bạn. Bạn có thể phải cần rời xa những bạn bè và những tình huống xã hội vốn có thể làm hại sự bình phục của bạn.
– Phát triển các thói quen lành mạnh. Thí dụ, ngủ ngon, hoạt động thể chất điều độ, xử trí stress hữu hiệu hơn và ăn uống tốt hơn, tất cả có thể giúp bạn dễ dàng hồi phục khỏi bệnh uống rượu hơn.
– Làm những việc không liên quan đến rượu. Bạn có thể tìm thấy nhiều hoạt động của bạn có liên quan đến việc uống rượu. Thay thế chúng bằng những thú vui hoặc những hoạt động không tập trung chung quanh việc uống rượu.

Y HỌC ĐÔNG PHƯƠNG

Tránh việc thay thế điều trị y tế truyền thống hoặc liệu pháp tâm lý bằng y học Đông phương. Nhưng nếu được, hãy sử dụng thêm vào kế hoạch điều trị khi bình phục khỏi bệnh uống rượu, các kỹ thuật này có thể hữu ích:
– Yoga. Các tư thế và bài tập hô hấp có kiểm soát của Yoga có thể giúp bạn thư giãn và xử trí stress.
– Thiền. Trong lúc ngồi thiền (meditation), bạn tập trung chú ý và loại bỏ dòng suy nghĩ rối rắm có thể tràn ngập đầu óc bạn và gây stress.
– Châm cứu. Với châm cứu, các cây kim mảnh như sợi tóc được châm vào dưới da. Châm cứu có thể giúp làm giảm lo âu và trầm cảm.

THÍCH ỨNG VÀ HỖ TRỢ

Nhiều người gặp rắc rối do uống rượu và thành viên gia đình họ thấy rằng gia nhập các nhóm hỗ trợ là một phần thiết yếu của việc thích ứng với bệnh, phòng ngừa hoặc xử trí các lần tái phát, và giữ được tỉnh rượu. Bác sĩ và chuyên gia tư vấn có thể đề nghị một nhóm hỗ trợ. Các nhóm này cũng thường được liệt kê trên web và đôi khi có trong niên giám điện thoại.

Sau đây là một vài thí dụ:
– Alcoholics Anonymous. Alcoholics Anonymous (AA) là một nhóm tự hỗ trợ dành cho người bình phục khỏi bệnh nghiện rượu. AA giới thiệu một nhóm tỉnh rượu và AA được thành lập dựa vào 12 bước như là một mô hình đạt được việc cai rượu hoàn toàn.
– Women for Sobriety. Women for Sobriety là một tổ chức phi lợi nhuận giới thiệu một chương trình nhóm tự hỗ trợ dành cho phụ nữ muốn vượt qua bệnh nghiện rượu và các nghiện ngập khác. Nó tập trung vào việc phát triển các kỹ năng thích ứng có liên quan đến sự phát triển cảm xúc và tâm linh, tự tin và một cách sống lành mạnh.
– Al-Anon và Alateen. Al-Anon được thiết kế dành cho người bị ảnh hưởng bởi bệnh nghiện rượu của người khác. Các nhóm Alateen dành cho các con cái vị thành niên của người nghiện rượu. Bằng cách chia sẻ các câu chuyện, các thành viên gia đình nhận được sự hiểu biết to lớn hơn về cách bệnh này ảnh hưởng đến toàn thể gia đình.

Chuẩn bị cho lần hẹn gặp bác sĩ

Sau đây là một số thông tin giúp bạn sẵn sàng cho lần hẹn, và những điều bạn mong đợi từ bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tinh thần.

Xem xét các thói quen uống rượu, thành thật nhìn vào số lần uống rượu và số lượng rượu bạn uống. Chuẩn bị thảo luận về bất kỳ rắc rối nào do rượu gây ra. Bạn cũng có thể muốn mang theo một thành viên gia đình hoặc một người bạn, nếu được.

Trước lần hẹn, hãy liệt kê:
Bất kỳ triệu chứng nào bạn có, kể cả bất kỳ triệu chứng có vẻ không liên quan đến việc uống rượu.
– Các thông tin cá nhân chính, kể cả các stress chính hoặc thay đổi cuộc sống gần đây.
– Tất cả các loại thuốc, vitamin, thảo dược hoặc thực phẩm bổ sung mà bạn đang sử dụng và liều lượng của chúng.
– Các câu hỏi để hỏi bác sĩ.

Một số câu hỏi để hỏi:
– Ông có nghĩ rằng tôi uống quá nhiều hoặc có các dấu hiệu của rắc rối do uống rượu?
– Ông có nghĩ rằng tôi cần giảm bớt hoặc ngưng uống rượu?
– Ông có nghĩ rằng rượu có thể gây ra hoặc làm nặng thêm các rắc rối sức khỏe của tôi không?
– Các hành động tốt nhất là gì?
– Các phương pháp nào khác thay thế phương pháp ông đề nghị?
– Tôi có cần test y khoa nào đối với các rắc rối thể chất không?
– Có tài liệu nào hoặc bản in nào tôi có thể có không? Ông khuyến cáo trang web nào?
– Tôi có nên gặp chuyên gia có kinh nghiệm điều trị bệnh uống rượu không?

Đừng ngại hỏi bất kỳ câu hỏi nào.

Những gì bạn mong đợi từ bác sĩ

Hãy sẵn sàng trả lời các câu hỏi của bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tinh thần, có thể gồm:
– Bạn thường xuyên uống rượu ra sao và uống nhiều bao nhiêu?
– Bạn có bất kỳ thành viên nào trong gia đình bị rắc rối do rượu không?
– Bạn có bao giờ được họ hàng, bạn bè hoặc đồng nghiệp đề nghị giảm bớt hoặc ngưng uống rượu không?
– Bạn có cảm thấy bạn cần uống rượu nhiều hơn trước để đạt được cùng một hiệu quả không?
– Bạn có từng cố gắng ngưng uống rượu không? Nếu có, nó có khó khăn không và bạn có bất kỳ dấu hiệu cai nghiện nào không?
– Bạn có gặp rắc rối nào ở trường, ở nơi làm việc hoặc trong giao tiếp có thể có liên quan đến việc uống rượu không?
– Có bao giờ bạn cư xử một cách nguy hiểm, gây hại hoặc bạo lực khi đang uống rượu không?
– Bạn có bất kỳ rắc rối sức khỏe thể chất nào không, như bệnh gan hoặc tiểu đường?
– Bạn có bất kỳ vấn đề sức khỏe tinh thần nào không, như trầm cảm hoặc lo âu?
– Bạn có sử dụng các chất ma túy?

Bác sĩ hoặc chuyên gia sức khỏe tinh thần sẽ hỏi thêm dựa theo các câu trả lời, các triệu chứng và các nhu cầu của bạn. Chuẩn bị và suy nghĩ trước các câu hỏi sẽ giúp bạn có lợi nhất lúc đến hẹn gặp bác sĩ.

Nguồn: Mayo Clinic
https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/alcohol-use-disorder/symptoms-causes/syc-20369243