Hen là một bệnh mạn tính ảnh hưởng đến đường dẫn khí của phổi bạn. Đường dẫn khí của bạn là những đường ống hô hấp mang không khí ra vào phổi. Khi bạn mắc bệnh hen, đường dẫn khí bị sưng lên.
Sưng (viêm) khiến cho đường thở tiết ra chất sánh, dính gọi là chất nhày. Hen cũng làm cho các cơ ở trong và chung quanh đường dẫn khí của bạn thắt chặt lại (co thắt). Sưng, chất nhày và các cơ co thắt khiến cho đường dẫn khí của bạn hẹp hơn bình thường và khiến bạn hít không khí vào, thở không khí ra rất khó khăn.
Tôi làm thế nào biết được mình có bị hen không?
Các triệu chứng thường gặp nhất của hen là khó thở, khò khè, tức ngực và ho. Bạn có thể có những ngày có mọi triệu chứng và những ngày khác không có triệu chứng nào. Khi bạn có các triệu chứng hen, bạn có thể cảm thấy như là đang thở qua một ống hút. Bạn cũng có thể nghe được tiếng thở khò khè (tiếng rít) khi không khí cố gắng di chuyển qua đường dẫn khí hẹp. Bạn cũng có thể ho, thường nhất vào ban đêm hoặc vào sáng sớm. Đau ngực, nặng ngực hoặc cảm giác thắt ngực cũng có thể là các triệu chứng khác của hen.
“Cơn hen” mô tả các triệu chứng rất nặng. Trong cơn hen, chúng ta có thể thở nhanh đến độ khó nói chuyện. Ho, khò khè, tức ngực có thể làm cho bạn cảm thấy lo lắng hoặc sợ hãi. Điều này có thể càng làm cho bạn cảm thấy khó thở hơn. Dù hiếm khi xảy ra, nồng độ oxy trong máu thấp có thể làm cho đầu ngón tay và môi bạn xanh hoặc xám lại. Nếu bạn nghĩ rằng mình đang có cơn hen nặng, bạn nên ngay lập tức tìm đến nơi cấp cứu.
Điều gì gây ra hen?
Hen có thể truyền lại cho bạn từ cha mẹ thông qua các gen, hoặc bạn có thể không có bệnh sử hen trong gia đình. Nếu bạn bị hen, đường dẫn khí của bạn nhạy cảm hơn bình thường. Đường dẫn khí của bạn có thể bị kích thích và co thắt lại rất dễ dàng bởi nhiều thứ gọi là “yếu tố kích phát”, ví dụ như:
Dị nguyên: Nếu bạn bị dị ứng, bạn cũng nhiều khả năng bị hen. Loại hen này thường bắt đầu khi còn thơ ấu, nhưng cũng có thể xảy ra ở người trưởng thành. Các dị nguyên thường gặp là phấn hoa từ cây, cỏ, nấm mốc, phân gián, bụi chó mèo và con mạc nhà. Chúng có thể gây hắt hơi, khò khè, ngứa mắt và chảy mũi. Nếu phổi bị kích thích đủ, các dị nguyên có thể gây ra cơn hen.
Nhiễm trùng hô hấp: Nhiễm trùng phổi hoặc xoang thường xuyên cũng có thể gây ra hen. Nhiễm trùng có thể kích phát các giai đoạn khò khè hoặc khó thở dài ngày hơn so với dị nguyên. Trong thực tế, vi rút hô hấp là nguyên nhân thường gặp nhất của cơn hen, nặng đến mức có thể khiến chúng ta phải ở nhà không thể đi học hoặc đi làm.
Chất kích thích có thể gây ra hen là:
+ Khí thải từ xe hơi, xe buýt, xe tải,…
+ Hóa chất như thuốc trừ sâu
+ Mốc và bụi
+ Mùi nặng như sơn, dầu thơm, xịt tóc, chất khử mùi hoặc chất tẩy
+ Khói thuốc lá từ thuốc điếu, thuốc tẩu hoặc xì gà
+ Nhiệt độ hoặc thay đổi thời tiết
+ Căng thẳng hoặc thể dục thể thao
+ Các loại thuốc, bao gồm aspirin và thuốc chẹn beta (thuốc tim mạch hoặc huyết áp)
+ Sulfites trong thực phẩm như trái cây sấy khô, rượu vang và bia
Làm thế nào để chẩn đoán hen?
Hen không thể chẩn đoán được mà không thăm dò chức năng hô hấp. Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng mình bị hen, hãy nói chuyện với nhân viên y tế về tất cả các triệu chứng của bạn. Nếu nhân viên y tế nghĩ rằng các triệu chứng của bạn có thể do hen, họ sẽ yêu cầu bạn làm một thử nghiệm gọi là thăm dò chức năng hô hấp, hay là đo hô hấp ký. Do có rất nhiều loại hen và nhiều điều khác nhau có thể gây ra hen (hoặc có vẻ là hen), nhân viên y tế có thể cho bạn các thử nghiệm bổ sung. Thử nghiệm máu tìm dị nguyên hoặc phát hiện các vấn đề khác về hệ miễn dịch của bạn cũng có thể được chỉ định.
Nếu hen của bạn không cải thiện sau khi bắt đầu điều trị, bạn có thể đến gặp chuyên gia về hen. Đôi khi các bệnh khác có thể diễn tiến như hen. Chuyên gia hen có thể làm thêm thử nghiệm để tìm ra nguyên nhân cụ thể của hen hoặc những gì làm cho hen nặng thêm. Thử nghiệm cũng có thể được tiến hành để thử xem các triệu chứng của bạn có do một bệnh khác như rối loạn chức năng dây thanh hay không.
Hen được điều trị như thế nào?
Khi được chẩn đoán là hen, điều rất quan trọng là bạn phải cộng tác chặt chẽ với nhân viên y tế để kiểm soát hen của bạn. Bạn và nhân viên y tế sẽ viết ra một kế hoạch hành động mà bạn sẽ tuân theo để điều trị các triệu chứng và cải thiện hô hấp. Kế hoạch hành động của bạn sẽ gồm có khi nào sử dụng các loại thuốc, điều gì bạn có thể thực hiện trong cuộc sống hàng ngày để tránh các chất kích phát và cách theo dõi hô hấp.
Các loại thuốc sẽ được kê để mở đường dẫn khí và giảm sưng, giúp không khí vận chuyển vào và ra khỏi phổi dễ dàng hơn. Bạn sẽ được cho một ống thuốc hít, nhưng cũng có thể được cho thuốc viên. Điều quan trọng nhất trong kiểm soát hen là bạn phải sử dụng thuốc chính xác như nhân viên y tế chỉ dẫn. Khi bạn sử dụng thuốc đúng, bạn sẽ có thể ngăn chặn các triệu chứng hen.
+ Thuốc giãn phế quản tác dụng ngắn (thuốc cấp cứu/thuốc cắt cơn), như là albuterol hoặc levalbuterol, làm giãn các cơ chung quanh đường dẫn khí.
+ Thuốc tác dụng lâu dài (thuốc kiểm soát) gồm corticosteroids (vd: beclomethasome, budesonide, ciclesonide, flunisolide, fluticasone, mometasone) corticosteroid dạng hít phối hợp với các thuốc giãn phế quản tác dụng lâu dài (vd: formoterol hoặc salmeterol). Các loại thuốc này phải được sử dụng đều đặn và được thiết kế để giữ cho đường dẫn khí của bạn dần dà mở ra. Corticosteroids dạng hít làm giảm sưng đường dẫn khí của bạn, nhờ vậy chúng ít khả năng bị kích thích bởi chất kích phát. Thuốc giãn phế quản tác dụng lâu dài không bao giờ được sử dụng một mình như là thuốc kiểm soát trong bệnh hen; thuốc giãn phế quản dạng hít phải được sử dụng đồng thời với corticosteroids, thường được kết hợp cả hai trong một ống hít. Các thuốc viên, gồm có thuốc biến đổi leukotriene (montelukast, zafirlukast, zileuton) và theophylline, cũng có thể được kê toa. Các thuốc này thường không công hiệu bằng corticosteroid và thuốc giãn phế quản tác dụng lâu dài.
Quản lý lối sống bắt đầu với việc tìm hiểu các “chất kích phát” cụ thể có thể gây ra các triệu chứng hen. Ghi nhật ký để theo dõi các hoạt động hàng ngày của bạn cùng với bất kỳ triệu chứng nào bạn có vào ban ngày hoặc về đêm. Khi bạn biết được cái gì gây ra hen của bạn, bạn bắt đầu tránh xa các chất kích phát này.
Theo dõi lưu lượng đỉnh thường được khuyến cáo. Bằng việc thổi vào máy đo lưu lượng đỉnh mỗi ngày, bạn có thể thấy được bạn đang thở tốt xấu thế nào. Đôi khi số đo lưu lượng đỉnh cho bạn biết hen của bạn đang trở nặng trước khi bạn có triệu chứng. Khi số đo lưu lượng đỉnh của bạn cao, thường thì bạn đang thở tốt. Khi bạn nặng ngực, số đo lưu lượng đỉnh sẽ thấp. Vào những lúc này, bạn được yêu cầu tăng các thuốc, theo như Kế hoạch Hành động. Mục đích của theo dõi lưu lượng đỉnh là hướng dẫn bạn ngăn ngừa cơn hen.
Làm thế nào để tôi ngăn ngừa hen mất kiểm soát?
Thuốc. Sử dụng các thuốc hen chính xác như nhân viên y tế đã nói với bạn. Làm việc với nhân viên y tế để tìm ra một kế hoạch điều trị kiểm soát hen. Hãy luôn luôn mang theo ống xịt cấp cứu và tuân theo các hướng dẫn trên bản Kế hoạch Hành động về việc lúc nào sử dụng nó.
Thăm khám đều đặn: Hãy giữ lịch thăm khám đều đặn để hen của bạn được theo dõi và điều trị trước khi nó bị mất kiểm soát. Hãy biết chắc cách liên lạc với nhân viên y tế và biết phải làm gì trong trường hợp cấp cứu. Thông tin này sẽ có trên bản Kế hoạch Hành động.
Giữ gìn sức khỏe: Ăn thực phẩm bổ dưỡng và thể dục thể thao đều đặn. Tránh xa người hút thuốc lá và những người bị nhiễm trùng, nhất là cúm.
Phòng ngừa cúm và viêm phổi: Tiêm ngừa cúm hàng năm và tiêm ngừa viêm phổi, theo khuyến cáo của nhân viên y tế.
Thích nghi với căng thẳng: Học những cách mới để thích nghi với căng thẳng. Thích nghi với căng thẳng giúp bạn ngăn ngừa và kiểm soát hen.
Giữ vai trò tích cực trong việc quản lý hen của bạn bằng cách cộng tác với nhân viên y tế, bạn có thể thở dễ dàng hơn và sống mạnh khỏe hơn.
Nguồn: American Thoracic Society (ATS)
http://patients.thoracic.org
Trần Thanh Xuân – Trần Thanh Lộc dịch