GÕ NGỰC ĐỂ KHÁM BỆNH. Trần Phương Hạnh

Vào những năm đầu thế kỷ XIX, tại các bệnh viện thủ đô nước Pháp, người ta đồn rằng có một thầy thuốc rất giỏi, chỉ cần gõ nhẹ vào ngực bệnh nhân là có thể đoán biết đủ mọi bệnh. Tin đó lan truyền đến tai Hoàng đế Napoléon. Một hôm, sau khi đi dự dạ hội về khuya mới trở về, Hoàng đế lâm bệnh. Ngài chợt nhớ tới lời đồn đại đó và hỏi:

– Người thầy thuốc nổi tiếng đó là ai vậy? Hãy cho mời ông ta đến đây để chữa bệnh.

– Tâu Hoàng đế – viên cận thần đáp – ông thầy thuốc đó là Corvisart.

Jean Nicholas Corvisart ra đời năm 1755, trong một gia đình trí thức, ông bố giữ chức biện lý ở tòa án, vì vậy thường gọi cậu vào giúp việc trong văn phòng với ý định để cậu con trai sau này nối nghiệp ông trong ngành luật học. Nhưng lúc đến tuổi trưởng thành, Corvisart lại xin bố lên Paris để học y khoa, nghề mà cậu vẫn ấp ủ mơ ước. Hàng ngày, cậu chăm chỉ đến Bệnh viện Hotel Dieu, nghe giáo sư Piere Joseph Desault giảng bài.

Một lần, trong khi mổ xác để học, cậu sinh viên Corvisart vô ý cắt phải ngón tay. Thời đó chưa có thuốc kháng sinh nên một việc làm vô ý như thế có thể gây nhiễm trùng máu và làm chết người. Nhưng cậu sinh viên vẫn bình tĩnh, hằng ngày cậu tự theo dõi các triệu chứng, ghi mạch, đo nhiệt độ để tìm hiểu quá trình bệnh của chính mình, ngay cả khi bị sốt cao cậu vẫn cầm đồng hồ để đếm mạch. Và thật may, cậu đã không chết!

Sau những năm tháng miệt mài học tập, Corvisart tốt nghiệp bác sĩ y khoa, lúc đó anh 27 tuổi và đến làm việc tại một bệnh viện dành cho người nghèo ở ngoại ô Paris. Sau đó, anh đến bệnh viện Necker để xin làm việc theo giờ. Sau khi hỏi cặn kẽ đủ điều, người phụ trách nói với anh:

– Có thể đến làm việc, nhưng phải đội tóc giả.

Thời đó, ở những nơi trang nghiêm, thường có qui định phải đội tóc giả để tỏ thái độ trân trọng. Corvisart trở về và gửi thư trả lời: “Nếu chỉ chú ý đến hình thức bên ngoài thì khó có thể làm việc tốt được”.

Ít lâu sau, Corvisart đến làm việc tại bệnh viện Charité, nơi mà sau này ông đảm nhiệm mọi công việc điều hành. Ông thành lập khoa Nội lâm sàng để nghiên cứu các bệnh về tim và phổi. Tình cờ, có lần ông đọc được quyển sách của Auenbrugger, Phương pháp gõ lồng ngực để phát hiện các bệnh tật của lồng ngực, thì ngay lập tức ông nhận rõ ngay giá trị của phương pháp này. Trước đây, Auenbrugger đã từng viết: “… một phương pháp mới để phát hiện các bệnh của lồng ngực: phương pháp gõ. Qua những biến đổi của các âm thanh nghe được, chúng ta có thể nhận biết nhiều thay đổi trong lồng ngực: như tràn dịch ở các màng tim, màng phổi, lao hang ở phổi…” Nhưng điều này hầu như đã bị mọi người quên lãng. Corvisart từ đó đã kiên nhẫn dùng phương pháp mới này để thăm khám bệnh nhân, rồi thận trọng kiểm tra các dấu hiệu thu nhận được qua gõ lồng ngực và so sánh với những tổn thương quan sát được khi mổ xác những bệnh nhân đã qua đời.

Năm 42 tuổi, Corvisart được cử làm giáo sư môn Y học thực hành tại Collège de France. Buổi sáng ông làm việc tại bệnh viện, dẫn các học trò đi thăm khám tỉ mỉ từng bệnh nhân. Ông thường khuyên nhủ sinh viên: “Giáo dục y khoa có một phần quan trọng là dạy cách sử dụng thật tốt các giác quan trong việc thăm khám người bệnh. Phải chú ý quan sát, quan sát nhiều hơn nữa”.

Bản thân Corvisart cũng là một thầy thuốc quan sát tinh tường, không bỏ sót một chi tiết nhỏ ở người bệnh. Có lần đến chơi nhà một người bạn, ông đứng ngắm rất lâu bức tranh treo trên tường, vẽ chân dung một người phụ nữ ngồi trong chiếc ghế bành, nét mặt xanh xao, đôi bàn tay có những đầu ngón to bè nhô cao. Thấy ông mãi mê ngắm, người bạn hỏi:

– Bức tranh có gì lạ mà ông xem lâu thế?

– Nếu họa sĩ vẽ đúng như thật, người đàn bà trong tranh này rồi sẽ chết vì bệnh tim.

Quả nhiên ít lâu sau, lời tiên đoán của Corvisart trở thành sự thật.

Sau 20 năm kiên nhẫn áp dụng và áp dụng hoàn chỉnh phương pháp gõ lồng ngực của Auenbrugger, lại thu được nhiều kinh nghiệm quí báu, Corvisart cảm thấy có trách nhiệm công bố những kết quả nghiên cứu. Nhưng điều làm ông băn khoăn là phải xác định công lao của Auenbrugger sao cho thật đúng. Cuối cùng ông quyết định cho in một bản dịch công trình của Auenbrugger kèm theo những bệnh án lâm sàng, những kết quả nghiên cứu và nhận xét riêng của ông. Trong lời nói đầu ông viết: “Tôi có thể dễ dàng tự cho mình là tác giả khi viết một cuốn sách riêng về phương pháp gõ lồng ngực… Nếu làm như vậy tôi đã loại bỏ tên tuổi của Auenbrugger ra khỏi sự quên lãng của mọi người, tôi muốn nói đến phương pháp tuyệt diệu của ông, đó là một phát hiện hoàn toàn mới”.

Cuốn sách dày 440 trang với mọi chi tiết bệnh đã được nghiên cứu kỹ trong suốt 20 năm quả là một công trình khoa học đồ sộ, xứng đáng với tên tuổi Corvisart. Nhưng đóng góp của ông không chỉ là tập tài liệu quí báu đó mà trên tất cả mọi thứ, công lao của ông đúng như ông đã viết là đã “đưa Auenbrugger thoát khỏi sự quên lãng của người đời”. Cuốn sách ra đời năm 1808, lúc Corvisart năm 53 tuổi, tràn đầy danh vọng và là thầy thuốc của Hoàng gia.

Cho tới năm 1815, suốt 8 năm trời làm thầy thuốc riêng của Hoàng đế Napoléon, Corvisart thật buồn rầu vì phải rời xa những công việc bệnh viện mà ông hằng yêu thích. Nhưng biết làm sao được, vì Napoléon từng tuyên bố: “Tôi không tin nhiều ở y học, nhưng tôi tin ở tài năng của Corvisart”.

Sau khi vương triều Napoléon sụp đổ, Corvisart trở về một trang trại nhỏ và qua đời lúc 66 tuổi. Trước Corvisart, phương pháp gõ lồng ngực của Auenbrugger chỉ giới hạn trong một cuốn sách nhỏ 94 trang, rồi bị quên lãng. Với Corvisart, phương pháp đó đã mang theo sức nặng của 20 năm nghiên cứu, tóm tắt trong bộ sách dày 440 trang và trở thành một việc làm cần thiết của mọi thầy thuốc.

T.P.H
Nguồn: Y Học Cho Mọi Người. Số 18 – tháng 1-1998.