YERSIN, NGƯỜI HIỆU TRƯỞNG ĐẦU TIÊN CỦA TRƯỜNG Y KHOA HÀ NỘI. Trần Phương Hạnh

Hà Nội, năm 1902

Những đường phố nhỏ hẹp, quanh co ôm vòng mặt hồ, mặt nước xanh rờn, phẳng lặng. Những hiệu buôn, mái rêu thấp lè tè, cánh cửa gỗ lùa, nhô ra thụt vào trên hè phố lát gạch cao thấp nhấp nhô.

Tháng 1/1902, Yersin đến Hà Nội. Công việc thành lập trường y khoa đầu tiên của Đông Dương thật không đơn giản dễ dàng vì có nhiều người phản đối.

Một buổi chiều, Yersin đến thăm Lenoix, một người đồng hương đã cư ngụ ở đây nhiều năm. Khi biết được công việc của Yersin, Lenoix nói:

– Nói thật, tôi không tưởng tượng được tại sao lại có một quyết định kỳ lạ đến thế!

Yersin ngạc nhiên:

– Đào tạo ra những thầy thuốc chăm sóc sức khỏe cho người dân ở đây mà anh lại thấy không cần thiết sao?

– Không – Lenoix gằn giọng. Tôi và nhiều người bạn của chúng ta đều nghĩ như vậy: không cần thiết phải mở trường y khoa. Người dân ở đây chỉ cần có đời sống vừa đủ thôi.

– Thế mà tôi lại nghĩ hoàn toàn khác hẳn. Tôi đã đi nhiều nơi trên đất nước này, tôi thấy nhiều bệnh tật như sốt rét, dịch hạch, dịch tả… làm chết biết bao nhiêu người dân vô tội. Mở một trường y khoa để có thêm thầy thuốc chữa bệnh cho dân hẳn phải là một việc cần thiết chứ?

Những quan điểm riêng tư trái ngược nhau khiến buổi nói chuyện của Yersin và Lenoix trở nên gượng gạo, tẻ nhạt.

Tháng 2/1902, Yersin cùng với Gallois, thư ký của trường và một số nhân viên đến thăm nơi chuẩn bị thành lập trường y khoa. Đến cuối tháng, mọi việc chuẩn bị đã hoàn tất. Gallois trình duyệt lại danh sách nhân viên giảng huấn và các thí sinh.

Đầu tháng 3/1902, Trường Y khoa Hà Nội mở cửa tiếp nhận 29 sinh viên đầu tiên.

Thầy Yersin rất tận tụy với các học trò. Ông không chỉ mong muốn đào tạo họ thành thầy thuốc giỏi mà còn hy vọng họ trở thành những nhà y học có hiểu biết toàn diện.

Ngày 5/4/1902, trước Hội đồng nhà trường, Yersin trình bày thẳng thắn những suy nghĩ chân thực của ông: “Chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, không đủ sách vở, phương tiện cần thiết, thiếu phòng thí nghiệm… Chỉ có rất ít dụng cụ cho phòng mổ. Năm tới, hoạt động của nhà trường còn mở rộng, vì vậy, nhất thiết phải có thêm quỹ chi tiêu, phải ổn định công việc hành chính nếu không sẽ gây nhiều tác hại đến việc dạy học…”

Sau ba tháng học các môn cơ sở và tiếng Pháp, tháng 6/1902, 29 sinh viên lại phải trải qua một kỳ thi tuyển lựa chính thức: chỉ có 15 người đạt điểm trung bình, đủ tiêu chuẩn học vấn để theo học y khoa, bắt đầu từ tháng 10/1902 và kéo dài trong ba năm rưởi. Việc ổn định cơ sở trường và lập ra một chương trình dạy học hoàn chỉnh luôn ám ảnh Yersin. Ông hiểu rằng đó là những vấn đề thật quan trọng cho việc tồn tại và phát triển của trường. Việc làm của Yersin càng thêm khó khăn vì luôn bị những lời chê bai, đả kích. Cũng may là còn có vài người chia sẻ những cố gắng và nỗ lực của ông, trong số đó có Gallois, người thư ký giúp việc.

Những buổi chiều, sau giờ làm việc, Yersin thường cùng Gallois trò chuyện.

– Thưa bác sĩ – người thư ký rụt rè hỏi. Tôi nghe nói ngài rất yêu thích miền Trung Đông Dương, nhất là Nha Trang?

– Đúng như anh vừa nói đấy – Yersin khẽ đáp, nét mặt trở nên đăm chiêu, mơ màng. Từ lâu tôi vẫn mơ ước được sống và làm việc ở đấy. Nhưng thật đáng tiếc là vẫn chưa có dịp để thực hiện trọn vẹn niềm mong muốn đó.

Sau giây phút ngần ngại, Gallois mạnh dạn hỏi thêm:

– Thế sao bác sĩ lại chấp nhận những công việc ở đây?

Yersin suy nghĩ giây lát rồi khẽ đáp:

– Vì trách nhiệm, vì lương tâm của người thầy thuốc thấy có nhiều người kế tiếp công việc của mình. Vả lại tôi nghĩ rằng: dù mở trường y khoa ở đây hay thành lập khu điều chế thuốc ở Nha Trang hoặc ở nơi nào khác nữa, mọi việc làm của tôi đều nhằm tạo dựng mầm mống cơ sở y học cho xứ sở Đông Dương này.

Gallois chăm chú lắng nghe, rồi ái ngại nhìn khuôn mặt gầy xương của Yersin, nói:

– Thưa bác sĩ, tôi chia sẻ những ý nghĩ tốt đẹp đó và vì thế tôi hoàn toàn cảm thông những khó khăn của ngài.

Yersin mỉm cười đáp:

– Việc gì tốt đẹp cũng có khó khăn lúc khởi đầu, thậm chí có thể gặp chống đối, phá phách, nhưng vượt qua được thì lại thuận lợi thôi.

Nhận thấy cơ sở trường y khoa ở Thái Hà ấp có địa dư không thuận tiện, nhiều ao tù nước đọng, thiếu nước sạch, lại ở xa bệnh viện thực hành, Yersin dự thảo một chương trình di chuyển trường về phố Bobillot (Nay là phố Lê Thánh Tông) và thành lập thêm một cơ sở phụ ở quanh vùng. Sau nhiều lần thảo luận sôi nổi, gay gắt, cuối cùng đề nghị của Yersin cũng được chấp thuận.

Tháng 4/1903, Trường y khoa được chuyển về phố Bobillot, và bệnh viện thực tập cũng được dời về phố Armand Rousseau (Nay là phố Lò Đúc). Yersin cũng cho xây dựng một cơ sở cho sinh viên thực tập mổ xác (Nay là Viện Giải phẫu học). Sau đó, theo ý kiến của Yersin, một khu điều chế thuốc cũng được thành lập ở vùng kế cận (Nay là Viện Vệ sinh). Những cơ sở đó có vị trí rất gần nhau nên rất thuận tiện cho việc đi lại học tập của sinh viên. Thế là mơ ước của Yersin xây dựng một khu y học hoàn chỉnh để đào tạo những thầy thuốc đầu tiên của Đông Dương đã được thực hiện. Nay ông chỉ quan tâm sao cho trường y khoa hoạt động được đều đặn.

Yersin chú ý huấn luyện cho sinh viên có thái độ đúng đắn với bệnh nhân. Trong các bài giảng, ông thường nhấn mạnh: “Hãy chăm sóc bệnh nhân thật dịu dàng đến mức tối đa. Tính kiên nhẫn và lòng rộng lượng là các phương thức tốt nhất để đối xử với người bệnh”. Ngày 13/5/1903, Yersin viết trong bản tường trình: “Năm học vừa qua đã có kết quả tốt đẹp: 10 trong số 15 sinh viên đạt điểm ưu. Chúng ta có thể tin tưởng vào tương lai của trường y khoa. Việc đào tạo các thầy thuốc địa phương trên đất nước Đông Dương sẽ có một giá trị thực tiễn không ai chối cãi được”.

Mặc dù bận rộn với công việc Hiệu trưởng, lại vừa đảm nhiệm giảng dạy môn Động vật học, Yersin vẫn không quên trách nhiệm chăm sóc người bệnh. Buổi sáng, ông thường đến bệnh viện thực hành, vừa hướng dẫn sinh viên vừa chữa trị người bệnh. Vì thế, danh tiếng bệnh viện càng tăng. Chỉ trong vòng một năm, đã có tới trên 500 người bệnh được nằm viện điều trị, hàng trăm người khác được khám bệnh, phát thuốc.

Khi trường y khoa Hà Nội đã hoạt động đều đặn, Yersin có ý định tìm người thay thế ông trong cương vị hiệu trưởng nhà trường.

Đầu tháng 4/1904, Yersin về Pháp làm việc trong hai tháng, rồi trở lại Đông Dương. Đã có quyết định cử người khác thay thế ông tại trường y khoa Hà Nội, và cũng có chỉ thị bổ nhiệm Yersin phụ trách tất cả các cơ sở nghiên cứu điều chế thuốc tại Đông Dương, trực thuộc Viện Pasteur Paris. Yersin từ giã Hà Nội sau hai năm rưởi làm việc vất vả để hoàn thành việc mở trường y khoa. Ông vui mừng được trở về Nha Trang, giữa khung cảnh thiên nhiên trời biển, làm công việc điều chế thuốc, trồng trọt, chăn nuôi. Chỉ đơn giản thế thôi.

Ông mất năm 1943, và theo nguyện vọng, được yên nghỉ tại Suối Dầu, Nha Trang. Nơi yên nghỉ của Yersin cũng đơn sơ giản dị như chính cuộc đời ông. Tấm bia nhỏ với dòng chữ “Alexandre Yersin, 1863-1943” luôn chìm trong bóng râm mát của những hàng thông reo rì rào trong gió…

T.P.H
Nguồn: Y Học Cho Mọi Người. Số 24 – tháng 7-1998.