DANH HỌA LEONARDO DA VINCI CŨNG LÀ NHÀ Y HỌC. Trần Phương Hạnh

Leonardo da Vinci (1452-1519) không chỉ là một danh họa, một nhà điêu khắc lớn của thời Phục Hưng, mà còn là một nhà giải phẫu học và sinh lý học vĩ đại của thế kỷ XV. Trong những hoạt động đa dạng của ông có sự thống nhất hài hòa giữa tài năng nghệ thuật và lòng đam mê nghiên cứu khoa học và y học. Cộng tác với một thầy thuốc và giảng viên trường y khoa Padua là Marco Antonio de la Torre (1473-1506), ông đã phẫu tích đến 30 xác người tại các bệnh viện lớn ở miền Bắc nước Ý để nghiên cứu kỹ cấu trúc cơ thể người. Ông đã dành nhiều công sức ghi chép tỉ mỉ, có nhiều nhận xét xác đáng về giải phẫu học, đặc biệt ông đã vẽ tới 750 bản phác thảo về cấu trúc cơ, xương, khớp, tim, phổi, các mạch máu lớn nhỏ, não, dây thần kinh và các tạng trong cơ thể con người. Ông còn nghiên cứu trên động vật, làm nhiều thử nghiệm sinh lý học để biết rõ các chức năng hoạt động của những bộ phận trong cơ thể. Ông cũng chú ý đến sự phát triển của phôi thai.

Nhờ lòng say mê nghiên cứu và khả năng quan sát tinh tường, ông đã có nhiều phát hiện độc đáo và có giá trị: Ông nhận xét thấy có nhiều sợi cơ-thần kinh ở vách nhĩ thất của tim (sau này được gọi là bó His) (GC. Một bó sợi cơ-thần kinh dẫn truyền xung động từ nút xoang (ở tâm nhĩ phải) đi xuống kích thích các cơ ở tâm thất co bóp), tìm thấy các van ở những mạch máu lớn xuất phát từ tim (từ đó ông kết luận rằng máu chỉ chảy theo một chiều nhất định, vì các van mạch máu đó ngăn cản không cho dòng máu chảy theo chiều ngược lại). Ông cũng can đảm đưa ra những kết luận khách quan trong nghiên cứu (mặc dù trái ngược với quan điểm đương thời).

Đáng tiếc là Leonardo da Vinci đã không đi xa hơn nữa trong nghiên cứu về cấu trúc và chức năng cơ thể người, cũng tiếc là nhiều bản ghi chép và phác họa của ông đã bị thất lạc và hơn hai thế kỷ sau, người ta mới tìm thấy phần còn lại và cho công bố. Dẫu sao, Leonardo da Vinci đã đi trước cả Vesalius và Harvey trong những nghiên cứu giải phẫu học cơ thể người và hoạt động chức năng của tim và mạch máu.

T.P.H
Nguồn: Y Học Cho Mọi Người. Số 22 – tháng 5-1998.