PHÒNG 6. Anton Pavlovich Chekhov

I

Cuối sân bệnh viện có một căn nhà xép, xung quanh mọc lên cả một rừng ngưu bàng, ké hoang và gai dại. Tấm mái tôn đã han rỉ hết, chiếc ống khói đã sụp lỡ mất một nửa, các bậc cấp trước thềm đều đã mục nát, cỏ mọc xanh rì, lớp vữa trát tường thì chỉ còn để lại một vài vết tích. Mặt trước căn nhà quay về phía bệnh viện, mặt sau nhìn ra cánh đồng qua dãy rào bằng gỗ màu xám tua tủa những đinh bao quanh bệnh viện. Những chiếc đinh đầu nhọn đóng chĩa ra ngoài, dãy hàng rào, cũng như chính căn nhà xép, đều có cái vẻ tiêu điều, ảm đạm; đặc biệt chỉ thấy ở những bệnh xá hay nhà lao.

Nếu bạn không sợ nát chân vì gai ké dại, bạn hãy cùng tôi lần theo cái lối mòn chật hẹp dẫn tới căn nhà xép, và thử nhìn xem phía trong đang diễn ra những gì. Mở cánh cửa đầu tiên, ta bước vào gian phòng lót. Dọc bốn bức tường và cạnh chiếc lò sưởi chất từng đống những thứ đồ đạc hỏng nát của bệnh viện thải ra. Những tấm đệm, những chiếc bơlu cũ đã rách, những chiếc quần rộng ống của bệnh nhân và những chiếc áo sọc xanh, những chiếc giày hỏng nát – tất cả những thứ đó tấp lại nháo nhào thành từng đống lổn nhổn cứ thế thối rửa dần và tỏa ra một mùi hôi nồng nặc.

Trên mớ đồ cũ ấy, mồm lúc nào cũng ngậm tẩu, nằm thõng thượt một gã cựu binh mặc chiếc áo quân phục cũ còn đính mấy chiếc lon màu đã xỉn lại. Đó là Nikita, người gác căn nhà xép. Khuôn mặt hắn khó đăm đăm, xương xẩu gầy guộc, đôi mày mọc tua tủa xuống mắt khiến cho vẻ mặt hắn trong như vẻ mặt một con chó chăn cừu ở thảo nguyên, mũi hắn đỏ rừ, người hắn thấp, trông như gầy gò, xương xẩu, nhưng dáng dấp chúng khá đường bệ và đôi quả đấm sức mạnh có thừa. Hắn thuộc cái loại người chất phác, thiết thực, mẫn cán và đần độn, ưa trật tự hơn hết mọi sự trên đời, cho nên một mực tin chắc rằng cần phải tẩn chúng nó cật lực. Hắn đánh vào mắt, vào ngực, vào lưng người ta, bạ chỗ nào cũng đánh, và đinh ninh rằng nếu không đánh đập như vậy thì ở đây không sao có trật tự được.

Đi nữa, ta bước vào một gian phòng rộng lớn, choán hết cả căn nhà xép, nếu không kể gian phòng lót. Tường ở đây quét một lớp sơn màu xanh bẩn, trần đen kịt mồ hóng như trần nhà gỗ không có ống khói ở thôn quê. Có thể thấy rõ rằng vào mùa đông ở đây lò sưởi chắc phải xông khói mù mịt và không khí ngột ngạt hơi than. Các cửa sổ đều có chấn song sắt ở bên trong, nom rất chướng mắt. Sàn gỗ xám xịt và lởm chởm những chỗ bị xước. Gian phòng sực mùi bắp cải, mùi khói đèn nhựa thông, mùi rệp, mùi am-mô-nhắc, và ngay từ phút đầu mùi hơi ấy đã khiến cho ta có cảm giác như bước vào một chuồng nuôi thú.

Giường kê trong phòng đều được bắt vít vào sàn. Trên giường là những người mặc đồng phục bệnh nhân, đội mũ chụp kiểu cổ, kẻ nằm, người ngồi. Họ là những người điên.

Trong phòng có cả thảy năm người như thế. Chỉ có một người dòng dõi quý tộc, còn thì đều là hạng bình dân. Người có giường đặt gần cửa ra vào nhất là một gã tiểu thị dân cao, gầy, có bộ ria màu hung đỏ bóng nhoáng, đôi mắt đỏ hoe vì khóc nhiều. Hắn ngồi hai tay chống cằm, mắt nhìn trân trân về một phía. Hắn buồn rười rượi suốt ngày, hết lắc đầu thở dài lại mỉm cười chua chát; hắn ít khi góp chuyện, có ai hỏi thì thường không đáp. Mang cơm nước đến thì hắn ăn uống thẫn thờ như cái máy. Cứ nghe tiếng ho đau đớn, nhọc nhằn của hắn, cứ trông cái thân hình gầy xọp và hai gò máu ửng đỏ của hắn, ta có thể đoán rằng hắn đã chớm ho lao.

Người nằm giường bên là một ông già nhỏ bé, nhanh nhẩu và rất linh hoạt, có bộ râu nhọn hoắt và mớ tóc đen xoăn tít như tóc người da đen. Ban ngày, lão đi đi lại lại trong phòng từ cửa sổ này sang cửa sổ kia hay ngồi xếp bằng tròn trên giường và như con chim chìa vôi luôn mồm huýt sáo, hát và cười khe khẽ. Ban đêm cái tính hoạt bát và vui vẻ như trẻ con của lão cũng lộ ra rất rõ những khi lão ngồi dậy cầu nguyện – tức là đấm ngực thùm thụp và lấy ngón tay cào cào lên tấm cửa. Đó là lão Môixeyka người Do Thái, dở người đã hai mươi năm nay: lão phát cuồng từ ngày cái xưởng làm mũ của lão bị cháy.

Trong số các bệnh nhân phòng 6 chỉ có một mình lão được phép ra khỏi căn nhà xép này, lại còn được ra cả phố nữa. Lão có được cái đặc quyền này từ lâu, có lẽ vì lão là bệnh nhân thâm niên và cái chứng dở người của lão cũng hiền lành vô hại. Lão là một thứ hề của thị trấn mà người ta đã quen gặp ở ngoài phố lúc nào cũng có một lũ trẻ con và mấy con chó vây quanh. Mình mặc tấm áo choàng ngủ, chân đi giày vải, đầu đội cái mũ chụp đầy vẻ hài hước, đôi khi còn đi chân không và không mặc quần, lão bước trên các phố, chốc chốc lại dừng chân trước các cổng nhà và các cửa hiệu xin vài đồng côpếch. Nơi này cho lão một ít nước kvas, nơi kia cho lão mẩu bánh mì, nơi nọ cho lão một đồng xu, thành thử khi trở về căn nhà xép lão thường no nê và giàu có. Tất cả những của cải lão mang về đều bị Nikita tịch thu làm của riêng. Tên lính cựu này làm cái việc đó một cách thô bạo, cáu kỉnh, hắn lộn hết các túi áo túi quần của lão ra và thề thốt nặng lời là sẽ không bao giờ để cho cái lão Do Thái này ra phố nữa, vì đối với hắn trên đời này không có gì tệ hơn là mất trật tự.

Môixeyka rất thích giúp người. Lão lấy nước cho các bạn cùng phòng uống, đắp điếm cho họ khi họ đang ngủ, hứa hẹn với họ là ra phố về sẽ cho mỗi người một đồng côpếch, và khâu cho mỗi người một chiếc mũ chụp mới; chính lão dùng thìa bón từng miếng cho người nằm giường bên trái lão, một bệnh nhân bị bại liệt. Lão làm như vậy không phải vì thương xót hay vì một động cơ nhân đạo gì; chẳng qua lão chỉ bắt chước và bất giác phục tòng người nằm giường bên phải lão, Gromov.

Ivan Đmitrich Gromov là một người quý tộc khoảng ba mươi ba tuổi, trước kia vốn làm lục sự ở tòa án và làm thư ký ở dinh tỉnh trưởng. Hắn mắc chứng bách hại cuồng. Hắn thường nằm co quắp trên giường hoặc đi đi lại lại từ góc này sang góc nọ như để vận động thân thể cho đỡ chồn, còn thì rất ít khi ngồi. Lúc nào hắn cũng khích động cảm thấy như đang chờ đợi một điều gì mơ hồ sắp xảy ra. Chỉ cần một tiếng sột soạt khẽ ở ngoài hành lang hay một tiếng quát ngoài sân cũng đủ làm cho hắn ngẩng phắc đầu lên và lắng tai nghe ngóng: họ đến bắt mình chăng? Họ lùng mình chăng? Và mỗi lần như vậy, gương mặt hắn lộ vẻ lo lắng và ghê sợ đến cùng cực.

Tôi rất mến khuôn mặt rộng có đôi gò má cao, lúc nào cũng xanh xao và khổ sở, phản chiếu như trong tấm gương một tâm hồn đang bị những sự dằng co và nỗi lo sợ dày vò đau đớn. Những kiểu nhăn nhó của hắn nom rất kỳ dị và bệnh tật, nhưng những nét nhăn nhó mà một niềm đau khổ sâu sắc và chân thành đã để lại trên gương mặt hắn lại cho thấy một trí óc có lương tri và thông minh, và trong đôi mắt hắn có một ánh sáng ấm áp, lành mạnh. Tôi thấy nếu bản thân hắn, một con người có lễ độ, hay giúp đỡ và tế nhị lạ thường trong cách cư xử với mọi người, ngoài Nikita. Hễ có ai đánh rơi cái khuy hay cái thìa, hắn lặp tức bỏ giường đứng dậy nhặt hộ. Sáng sáng thức dậy hắn lại chào hỏi các bạn cùng phòng, chúc họ khỏe, và trước khi đi ngủ hắn không bao giờ quên chúc họ ngủ yên giấc.

Ngoài cái trạng thái căng thẳng thường xuyên và vẻ mặt lúc nào cũng nhăn nhó, bệnh điên của hắn còn lộ rõ ở một điểm nữa. Thỉnh thoảng vào buổi tối hắn lại quắn chặt hai vạt áo choàng vào người rồi toàn thân run lẩy bẩy, hai hàm răng chạm vào nhau lập cập, hắn bắt đầu đi đi lại lại rất nhanh trong phòng, len cả vào khoảng giữa các giường bệnh nhân. Cứ như thể hắn đang lên cơn sốt dữ dội. Cứ trông dáng điệu của hắn những khi hắn đứng phắt lại và đưa mắt nhìn các bệnh nhân cùng phòng, có thể thấy rõ rằng hắn đang muốn nói một điều gì rất quan trọng nhưng hình như hắn lại nghĩ là họ sẽ không thèm nghe hắn nói hoặc không thể hiểu hắn được, nên đành lắc đầu sốt ruột và lại đi tiếp. Nhưng chẳng mấy chốc hắn thèm nói quá, không cần suy xét gì nữa, cứ tự buông mặc cho ý muốn khẩu thiệt của mình và cất tiếng nói rất hăng hái, nhiệt thành. Lời lẽ của hắn lộn xộn, rối rắm như lời mê sảng, cứ tuôn ra từng đợt ngắn chẳng có gì là mạch lạc, và nhiều chỗ rất khó hiểu, thế nhưng trong những lời lẽ ấy cũng như trong giọng nói của hắn vẫn có một cái gì tốt đẹp vô cùng. Khi hắn nói, ta nhận rõ ở hắn một kẻ điên dại và một con người. Khó lòng ghi lại trên giấy những lời lẽ điên rồ của hắn. Hắn nói về sự hèn hạ của con người, về bạo lực đang chà đạp lên chân lý, về cuộc sống tươi đẹp của nhân loại sau này trên thế gian, về những chấn song trên cửa sổ phút phút lại nhắc cho hắn nhớ đến sự đần độn và tàn ác của những kẻ bạo ngược. Tất cả những chuyện ấy làm thành một mớ hổ lốn đầu ngô mình sở nghe như ghép bằng những lời ca cũ kỹ lâu đời nhưng chưa bao giờ được hát trọn bài.

 

II

Khoảng mười hai, mười ba năm về trước, có một ông viên chức họ Gromov, một con người đứng đắn, sống khá phong lưu trong ngôi nhà riêng ở phố chính thị trấn này. Ông ta có hai người con tên là Ivan và Xergây. Hồi còn là sinh viên năm thứ tư, Xergây mắc bệnh lao cấp tính và chỉ ít lâu sau đã chết. Cái chết này dường như mở mặt cho cả một loạt tai ương bỗng đâu dồn dập đổ lên đầu gia đình Gromov. Chôn cất Xergây được một tuần thì ông bố già Gromov bị đưa ra tòa về tội giả mạo và biển thủ, ít lâu thì chết trong bệnh xá nhà lao về bệnh thương hàn. Ngôi nhà và tất cả các động sản ở bên trong đều bị đem bán đấu giá, thế là hai mẹ con Ivan Gromov không còn lấy được chút tài sản nào để mà sinh nhai.

Hồi trước, khi ông bố còn sống, Ivan Gromov đi học đại học ở Peterbua, mỗi tháng được nhà gửi cho 60 – 70 rúp và không hề biết thế nào là túng thiếu. Nhưng bây giờ, anh đã phải thay đổi hẳn nếp sinh hoạt. Từ sáng đến tối anh phải đi dạy học với tiền công rẻ mạt, chép mướn cho người ta, thế mà vẫn phải ăn đói và kiếm được bao nhiêu phải gửi về nuôi mẹ. Ivan Gromov đã không chịu nổi cuộc sống này; anh suy sụp hẳn về tinh thần và thể xác, đành bỏ học trở về nhà. Ở thị trấn nhà, nhờ có người che chở, anh kiếm được một chân dạy học ở trường huyện, nhưng không ăn ý được với các bạn đồng nghiệp, không giành được thiện cảm của học sinh và chẳng bao lâu đã phải bỏ nghề. Mẹ anh chết. Suốt sáu tháng trời anh lang thang không nghề không nghiệp, chỉ ăn bánh mì uống nước lã qua ngày. Sau đó anh được vào làm lục sự ở tòa án. Anh làm nghề này mãi cho đến khi bị thải hồi vì bệnh tật.

Chưa bao giờ Ivan Gromov có vẻ khỏe mạnh, ngay hồi còn là một sinh viên trẻ măng cũng vậy. Lúc nào anh cũng xanh xao, gầy gò, hay cảm vặt, ăn, ngủ không ngon. Chỉ uống một cốc rượu vang nhỏ anh cũng đã chóng mặt và lên cơn động kinh. Anh vốn thích gần gũi người đời, nhưng vì tính dễ kích động và hay mếch lòng nên anh không thân với ai và không có bạn. Đối với dân phố anh bao giờ cũng có thái độ khinh thường. Anh thường nói rằng anh thấy sự dốt nát thô kệch và cuộc sống đờ đẫn, súc vật của họ sao bỉ ổi và kinh tởm quá chừng. Anh nói giọng nam cao, nói rất to và rất hăng, lúc nào cũng căm giận và phẫn khích nếu không phải là hân hoan hay kinh ngạc, và bao giờ cũng rất chân thành. Dù có ai nói chuyện gì với anh, anh cũng quy dần vào một đề tài: trong thị trấn này cuộc sống ngột ngạt và buồn tẻ, các giới ở đây không có những hoài bão cao cả, họ sống một cuộc đời mờ nhạt, vô nghĩa, chỉ biết bổ cứu cho tình trạng đơn điệu của cuộc sống bằng sự hung bạo, trụy lạc thô kệch và giả nhân giả nghĩa; những kẻ đê hèn đểu cáng thì no cơm ấm áo, còn những người trung thực thì chỉ ăn những mẩu thừa; phải có những trường học, phải có một tờ báo địa phương có phương hướng lành mạnh, phải có nhà hát, phải có những buổi đọc sách báo công cộng, lực lượng trí thức phải được tập hợp lại; phải làm sao cho xã hội giác ngộ về bản thân và lấy làm kinh hoảng về hiện tượng của mình. Những khi phán đoán về người đời, anh dùng những màu sắc đậm đặc, chỉ có trắng và đen, không thừa nhận một sắc thái trung gian nào; đối với anh loài người chia ra làm hai hạng: hạng trung thực và hạng đểu cáng; ở đây không có trung dung. Về phụ nữ và tình yêu bao giờ anh cũng nói một cách nhiệt thành, hân hoan, nhưng anh chưa yêu lần nào.

Mặc dầu anh phê phán người đời một cách gay gắt và tính tình anh hay cáu kỉnh, trong thị trấn này người ta vẫn mến anh, và sau lưng, người ta thường gọi anh một cách âu yếm là Vanya. Cái tính tế nhị bẩm sinh của anh, sự sẵn lòng giúp đỡ mọi người, nếp sống quy củ và trong sạch của anh cũng như chiếc áo ngoài sờn cũ, dáng người ốm yếu và những nỗi khổ về gia đình của anh đều gợi cho người ta một mối cảm tình tốt đẹp, ấm áp và buồn buồn. Hơn nữa anh lại có học thức và đọc nhiều, trong thị trấn người ta cho anh là người hiểu biết về mọi lĩnh vực, và coi anh như một thứ bách khoa từ điển biết đi.

Anh đọc rất nhiều. Có khi anh ngồi suốt buổi trong câu lạc bộ, một tay bứt rứt vân vê bộ râu cằm, một tay lần giở các trang sách hay tạp chí; cứ trông vẻ mặt của anh cũng biết anh không phải là đang đọc, mà chính là đang ngốn lấy ngốn để, hầu như không kịp nhai nữa. Chắc hẳn đọc sách là một trong những thói quen bệnh tật của anh, vì anh háo hức đọc bất cứ thứ gì vớ được, ngay đến những tập niên lịch và báo hàng ngày xuất bản từ năm ngoái anh cũng đọc ngấu nghiến. Ở nhà, khi đọc sách bao giờ anh cũng nằm.

 

III

Vào một buổi sáng mùa thu, Ivan Gremov cổ áo khoác bẻ cao lên, chân dẫm lép bép trên lớp bùn, lần mò qua những ngõ hẹp và những khoảng sân sau đi đến nhà một lão lái buôn để đưa một tờ hóa đơn lĩnh tiền. Sáng hôm ấy tâm trạng anh cũng ủ dột như mọi buổi sáng khác. Đang đi dọc một ngõ hẹp, anh bỗng gặp hai người tù chân đeo xiềng, có bốn người lính cầm súng đi áp giải. Trước đây Ivan Đmitrich vẫn thường gặp những người tù, và cứ mỗi lần như vậy anh lại thấy thương xót và ngượng ngùng. Nhưng lần nào cuộc gặp gỡ đã gieo vào lòng anh một ấn tượng gì rất kỳ lạ, rất đặc biệt. Không hiểu tại sao anh chợt có cảm giác là chính mình cũng có thể bị xiềng xích, và bị áp giải vào nhà lao qua những ngõ hẻm bùn lầy như thế này. Sau khi gặp người lái buôn trở về nhà, đi ngang qua nhà bưu chính, anh gặp một viên thanh tra cảnh sát có quen anh. Viên thanh tra chào hỏi anh và cùng đi với anh một quảng phố; không hiểu tại sao anh thấy việc này có vẻ khả nghi quá. Về đến nhà, suốt ngày hôm ấy hình ảnh mấy người tù và mấy người lính áp giải không lúc nào không lởn vởn trong tâm trí anh, và một mối lo âu không sao hiểu nổi khiến anh không thể nào tập trung tư tưởng mà đọc sách được. Đến tối anh không thắp đèn trong phòng, và suốt đêm hôm ấy anh không ngủ, cứ thao thức nghĩ ngợi về nỗi mình rất có thể bị bắt, bị xiềng xích và giải vào tù. Anh biết mình không có tội gì và có thể quả quyết rằng sau này mình sẽ không bao giờ giết người, đốt nhà hay lấy trộm; nhưng có khó gì đâu một hành động vô tình, ngẫu nhiên gây thành tội ác, hoặc biết đâu người ta chẳng có lúc bị vu khống, bị xử oan? Vì không phải vô cớ mà kinh nghiệm hàng bao thế kỷ của dân gian đã dạy người ta rằng « không ai có thể biết chắc rằng mình sẽ tránh khỏi trại lính hay nhà lao ». Mà với cái chế độ xử án ngày nay thì kết án nhầm là thường, chẳng có gì khó lắm đâu. Những người có một thái độ sự vụ, quan liêu đối với nỗi khổ của kẻ khác, như các quan tòa, các nhân viên cảnh sát, các thầy thuốc chẳng hạn, sẽ dần dần do thói quen mà chai sạn đi đến mức dù có muốn cũng không thể có được một cách xử sự nào khác hơn là cách xử sự theo khuôn phép thủ tục đối với những người đương sự. Về phương diện này họ không có gì khác người mugích đã quen chọc tiết cừu và bê ở sân sau nhà mình, rốt cục không còn để ý thấy máu me nữa. Mà với một thái độ sự vụ, không chút tình nghĩa như vậy đối với con người, thì muốn tước hết mọi quyền làm dân của một người vô tội và kết án đày khổ sai người ta, quan tòa chỉ cần có mỗi một điều kiện: thời gian. Chỉ cần đủ thời gian để tiến hành những thủ tục gì đấy mà ông quan tòa ăn lương để thực hiện – thế là hết. Sau đó thì đừng hòng mà đi tìm công lý và sự che chở trong cái thị trấn nhỏ bé bẩn thỉu, cách đường xe hỏa đến hai trăm verxta này! Vả lại, nói đến chuyện công lý há chẳng buồn cười lắm ru, khi mà mọi sự cưỡng bức đều được xã hội coi như một sự tất yếu phải chăng và hợp lý, và mọi hành động nhân ái, như một bản tuyên án tha bổng chẳng hạn, đều làm bùng lên cả một làn sóng bất mãn, hằn học?

Sáng hôm sau Ivan Gromov nhổm người dậy trên giường, lòng bồn chồn kinh hãi, trán toát mồ hôi lạnh. Bấy giờ anh đã chắc mẩm rằng họ có thể đến bắt anh bất cứ lúc nào. Anh nghĩ bụng: những ý nghĩ đen tối ngày hôm qua mà cứ ám ảnh anh mãi như vậy thì chắc trong đó cũng phải có một phần sự thực. Chẳng lẽ nó lại tự dưng hiện lên trong đầu óc người ta, không hề có nguyên do gì cả?

Một viên cảnh sát thong thải đi qua ngoài cửa sổ; cái này chẳng phải vô cớ đâu. Kia lại có hai người dừng lại ở cạnh nhà và cứ làm thinh. Tại sao họ lại làm thinh?

Thế là Gromov bắt đầu sống qua những ngày đêm đọa đày. Bất cứ ai đi qua cửa sổ hay vào sân nhà đều có dáng dấp mật thám hay chỉ điểm. Thường thường cứ đến giữa trưa lại thấy viên cảnh sát trưởng đi xe song mã qua phố; ấy là ông ta đi từ ngôi biệt thự ngoại ô của ông tới sở cảnh sát, nhưng cứ mỗi lần như vậy Gromov lại có cảm giác là xe ông ta đi quá nhanh, và dáng dấp ông có một cái gì rất đặc biệt: chắc hẳn ông ta đang vội đến sở để thông báo là trong thị trấn vừa xuất hiện một tên tội phạm trọng yếu. Hễ có tiếng chuông rung hay tiếng gõ ngoài cổng là Gromov lại giật mình, hễ trông thấy có người lạ đến gặp bà chủ nhà là anh lại hồi hộp lo lắng; mỗi khi gặp cảnh sát hay hiến binh anh lại cười nụ và huýt sáo mồm để làm ra vẻ thản nhiên. Anh thường thức suốt đêm để cho người ta đến bắt, nhưng lại ngáy và thở rất to như người ngủ say, để cho bà chủ tưởng anh đang yên giấc; vì nếu anh không ngủ thì tức là anh đang bị lương tâm cắn rứt, một tang chứng rành rành còn gì! Sự thật và lương tri mách bảo cho anh biết rằng những nỗi lo sợ của anh đều hão huyền, chẳng qua vì anh có bệnh thần kinh mà ra cả, còn như bị bắt, bị bỏ tù, thì nếu nhìn sự việc một cách rộng rãi hơn, thật ra chẳng có gì là khủng khiếp hết – miễn lương tâm mình trong sạch; nhưng anh càng suy luận một cách minh mẫn và lôgích bao nhiêu, thì nỗi lo âu trong tâm hồn anh càng da diết khổ sở bấy nhiêu. Cũng giống như chuyện vị ẩn sĩ muốn phát quang một góc nhỏ trong rừng trinh để làm chỗ ở: ông ta càng khua rìu hăng hái bao nhiêu thì rừng lại càng mọc lên dày đặc bấy nhiêu. Rốt cuộc Ivan Gromov thấy rõ rằng làm như vậy chẳng được ích gì, đành thôi suy luận và để mặc cho nỗi lo âu và tuyệt vọng tha hồ khống chế mình.

Anh bắt đầu tìm cảnh cô độc và xa lánh mọi người. Công việc ở sở thì ngay từ trước anh cũng đã chán ghét, nhưng bây giờ anh thấy mình không sao chịu nổi thứ công việc ấy nữa. Anh sợ người ta sẽ tìm cách hãm hại mình, ngầm đút tiền hối lộ vào túi mình rồi đi tố giác, hoặc giả chính anh nhầm lẫn trong khi làm sổ sách giấy tờ, rồi vô tình trở thành người biển thủ, hoặc giả sơ ý để mất tiền của người ta. Có điều lạ là trước kia chưa bao giờ trí óc anh lại linh hoạt và giàu sáng kiến như bây giờ, khi anh cứ ngày ngày nghĩ ra hàng nghìn những lý do phong phú để thực sự lo lắng thực sự cho danh dự và tự do của mình. Ngược lại, anh bớt hẳn quan tâm đối với thế giới bên ngoài, đặc biệt là đối với sách vở, và trí nhớ của anh bắt đầu suy sụp nghiêm trọng.

Đến mùa xuân, khi tuyết đã tan hết, trong cái khe ở bên cạnh nghĩa địa người ta tìm thấy hai cái xác đã bắt đầu rữa nát – một bà già và một thằng bé – hãy còn mang những vết tích của một cái chết dữ dội do bàn tay của kẻ sát nhân. Trong thị trấn câu chuyện chỉ xoay quanh hai cái xác chết và những tên hung thủ chưa tìm ra. Để cho người ta khỏi nghĩ mình chính là kẻ giết người, Ivan Gromov cứ đi khắp phố xá, miệng mỉm cười, và mỗi khi gặp người quen, anh hết tái mặt lại đỏ mặt lên. Anh quả quyết với họ là không có một tội ác nào đê hèn hơn là đi giết những con người yếu ớt không có phương tiện tự vệ. Nhưng sự dối trá này chẳng bao lâu đã làm cho anh mệt mỏi, và sau khi suy nghĩ ít nhiều, anh quyết định là ở vào tình cảnh này tốt hơn là trốn ở dưới căn hầm nhà bà chủ. Anh ngồi dưới nhà hầm một ngày, một đêm rồi lại một ngày nữa, rét cóng đi, và đợi đến xẩm tối, lén lút như kẻ trộm, anh lẻn về phòng riêng. Anh đứng suốt đêm ở chính giữa phòng, không động đậy, lắng tai nghe ngóng cho đến sáng.

Sáng hôm sau, khi mặt trời chưa mọc, có mấy người thợ lò đến nhà bà chủ. Ivan Gromov biết rất rõ rằng họ đến để chữa cái lò ở nhà bếp, nhưng tâm trạng kinh hãi lại mách bảo anh rằng đó là những tên mật thám giả làm thợ lò. Anh hoảng hốt lẻn ra khỏi nhà, và không kịp đội mũ, không kịp mặc áo ngoài, cứ thế chạy trên đường phố. Mấy con chó vừa sủa vừa chạy theo anh, đâu sau lưng có tiếng một người mugích nào đấy quát tháo, gió thổi vù vù bên tai anh, và Gromov có cảm giác là bạo lực của cả thế giới này đã đổ dồn hết lên lưng anh và đuổi riết theo anh.

Người ta giữ anh lại, đưa anh về nhà và bảo bà chủ đi gọi bác sĩ. Bác sĩ Raghin – mà sau này ta còn sẽ gặp – sai lấy khăn tẩm nước lạnh chườm lên đầu người bệnh và cho anh uống nước có nhỏ mấy giọt nguyệt quế đào. Ông buồn bã lắc đầu rồi ra về, sau khi nói với bà chủ rằng mình sẽ không trở lại đây nữa, vì không nên cản trở người ta khi người ta điên. Vì ở đây không biết lấy gì mà ăn uống và chữa bệnh, cho nên chỉ ít lâu sau người ta đã đưa Ivan Gromov vào bệnh viện và để anh nằm trong phòng bệnh nhân hoa liễu. Đêm đêm anh không ngủ, hay dở những trò oái oăm làm phiền các bệnh nhân, nên chẳng bao lâu, theo lệnh của bác sĩ Raghin, anh được chuyển sang phòng 6.

Một năm sau, dân phố đã quên hẳn Ivan Gromov, và mấy cuốn sách của anh bị bà chủ đem chất lên một chiếc xe lết nhỏ để ngoài hiên, rồi bị trẻ con tha dần đi đâu hết.

 

IV

Người nằm giường bên trái Ivan Gromov, như tôi đã nói, là lão Do Thái Moixeyka, còn người nằm bên phải anh là gã mugích tròn quay, người núc ních những mỡ, có bộ mặt đần độn, hoàn toàn ngây dại. Đó là một con vật đờ đẫn, tham ăn và bẩn thỉu, đã từ lâu mất hết khả năng tư duy và cảm xúc. Người hắn luôn luôn bốc lên một mùi hôi hăng hắc, ngột ngạt.

Nikita mỗi khi dọn dẹp cho hắn đều đánh hắn rất dữ, ráng hết gân sức như người quai búa tạ, không nương nhẹ hai quả đấm chút nào. Và ở đây cái khủng khiếp không phải ở chỗ hắn bị đánh đập, – cái này thì người ta có thể quen đi được, – cái khủng khiếp nhất ở đây là mỗi khi bị đánh, con súc vật đần độn này không hề phản ứng lại bằng một âm thanh, một động tác hay một sự thay đổi thần sắc nào trong đôi mắt, mà chỉ hơi đung đưa cái thân hình phì nộn như một thùng tonnô nặng trịch.

Người khách trọ thứ năm và cũng là cuối cùng của phòng 6 là một gã tiểu thị dân trước kia làm nghề phân loại thư từ ở nhà bưu chính, một con người thấp bé, tóc vàng, vẻ mặt hiền lành nhưng lại có một cái gì tinh quái. Cứ trông đôi mắt thông minh, điềm đạm của hắn, với cái nhìn trong sáng và vui tươi, người ta cứ có cảm giác là hắn rất ranh và có nắm được một điều bí mật gì rất quan trọng và lý thú. Dưới gối và dưới đệm giường hắn có giấu một cái gì mà hắn không cho ai xem hết, không phải sợ người ta tước mất hay lấy cắp của hắn mà vì xấu hổ. Thỉnh thoảng hắn lại ra đứng ở cửa sổ, quay lưng về phía các bệnh nhân, đeo một cái gì lên ngực rồi cúi xuống nhìn; nếu lúc ấy có ai đến gần hắn, hắn sẽ ngượng ngùng giật phắt cái vật vừa đeo lên ngực đi. Nhưng cái điều bí mật của hắn chẳng có gì khó đoán. Hắn thường nói với Ivan Gromov:

– Ông mừng tôi đi: tôi vừa được đề nghị tặng thưởng huân chương bội tinh Xtanixlav hạng nhì. Huân chương này vốn chỉ dành cho người ngoại quốc, nhưng không hiểu sao tôi lại được họ coi như một trường hợp ngoại lệ. – Hắn nhoẻn miệng cười, so vai ra vẻ băn khoăn. – Ấy, thú thật là tôi không hề ngờ!

– Những chuyện này thì tôi chẳng hiểu gì đâu, – Gromov nói, vẻ lầm lì.

– Nhưng ông có biết tôi sẽ được cái gì không? Chẳng chóng thì chầy, thế nào tôi cũng xoay được, – anh nhân viên bưu chính ranh mãnh nheo nheo đôi mắt nói tiếp. – Nhất định tôi sẽ được thưởng huân chương « Bắc đẩu bội tinh » của Thụy Điển. Huân chương này mà xoay cho được cũng bõ công lắm. Chữ thập trắng, dải đen. Đẹp lắm.

Có lẽ không có nơi nào cuộc sống lại đơn điệu như trong căn nhà xép này. Cứ sáng sáng các bệnh nhân, trừ người bại liệt và gã mugích phì nộn, đều ra phòng ngoài rửa ráy quanh một thùng nước to, rửa xong thì lấy vạt áo choàng lau cho khô; sau đó họ uống nước chè đựng trong mấy cái cốc bằng thiếc do Nikita lên lấy ở tòa nhà chính của bệnh viện đưa xuống. Mỗi người được uống một cốc. Đến trưa họ ăn canh bắp cải chua và cháo bột. Đến bữa tối, họ ăn chỗ cháo của bữa ăn trưa còn thừa lại. Giữa mấy bữa ăn này họ nằm ngủ hay nhìn ra cửa sổ, hoặc đi đi lại lại trong phòng. Ngày nào cũng chỉ có thế. Ngay cái anh nhân viên bưu chính hôm nào cũng chỉ nói đến có hai thứ huân chương ấy mà thôi.

Trong phòng 6 ít khi thấy có những nhân vật mới. Đã từ lâu bác sĩ không nhận thêm bệnh nhân tinh thần nữa, còn như những kẻ thích đến thăm nhà điên thì trên đời này chẳng có được bao lăm. Cứ mỗi tháng vài lần lại thấy ông thợ cao Xêmiôn Lazaryts đến. Ông ta cắt tóc cạo râu cho các bệnh nhân ra sao, Nikita giúp ông làm cái việc ấy như thế nào, và các bệnh nhân hốt hoảng nhường nào mỗi khi thấy ông thợ cạo xuất hiện, miệng cười toe toét, chân nam đá chân chiêu – những chuyện này chúng tôi xin miễn nói đến.

Ngoài ông thợ cạo ra, không có ai bén mảng tới căn nhà xép. Hết ngày này qua ngày khác, các bệnh nhân đành chịu cái số phận hẩm hiu là chỉ nhìn thấy gã Nikita mà thôi.

Thế nhưng gần đây trong bệnh viện bắt đầu lan ra một tin đồn khá kỳ quặc.

Nghe đâu như bác sĩ dạo này bắt đầu lui tới phòng 6.

 

V

Thật là một tin đồn kỳ quặc!

Bác sĩ Anđrây Yefimovich Raghin là một người xuất sắc theo kiểu riêng của mình. Nghe nói hồi còn niên thiếu ông rất mộ đạo và đã có thời chuẩn bị bước vào cuộc đời tu hành: năm 1893, sau khi tốt nghiệp trung học, ông đã định xin vào trường Thần học, nhưng hình như bố ông, vốn là bác sĩ phẫu thuật, đã chế nhạo ông rất cay độc và tuyên bố dứt khoát là sẽ từ hẳn ông nếu ông đi làm cố đạo. Những chuyện này đúng sự thật đến mức nào thì tôi không biết, nhưng bản thân bác sĩ Raghin có mấy lần thú nhận rằng ông chưa bao giờ thấy mình có sở nguyện đối với nghề y và đối với các khoa học chuyên khoa nói chung.

Dù sao chăng nữa, thì sau khi tốt nghiệp đại học y khoa, ông đã không húi tóc thu chức linh mục. Không có dấu hiệu gì tỏ ra ông mộ đạo, và khi ông mới bắt đầu làm nghề thầy thuốc ông cũng chẳng giống người tu hành gì hơn bây giờ.

Dung mạo dáng dấp ông nặng nề, thô lỗ, như người mugích; khuôn mặt, bộ râu, mái tóc phẳng và cái tạng người chắc nịch, dáng dấp vụng về của ông khiến ta nhớ đến một ông chủ quán trọ bên đường thiên lý, đã quen ăn uống no say, tính khí hung bạo và lỗ mãng. Khuôn mặt ông thô, chằng chịt những đường gân xanh, với đôi mắt nhỏ, cái mũi đỏ ối. Vóc người ông cao lớn, đôi vai rộng, bàn tay bàn chân rất to; quả đấm ấy mà giáng vào ai thì e nạn nhân đến về chầu trời mất. Nhưng dáng đi của ông điềm đạm, nhịp bước của ông dè dặt, rón rén; hễ gặp ai trong dãy hành lang hẹp, ông bao giờ cũng dừng lại trước tiên để nhường lối, và cất cái giọng thanh thanh dìu dịu – chứ không phải giọng trầm ồm ồm như dáng vóc vạm vỡ của ông có thể khiến người ta tưởng nhầm – nói: « Xin lỗi ». Ở cổ ông có một cái u nhỏ không cho phép ông mặc áo cổ cồn hồ cứng, cho nên bao giờ ông cũng mặc áo sơ mi vải mềm. Nói chung ông ăn mặc không ra dáng bác sĩ chút nào. Một bộ quần áo ông kéo mãi đến hàng mười năm liền, còn những thứ mới mà ông thường mua của lão lái buôn người Do Thái thì vào tay ông trông cũng sờn mòn và nhàu nát chẳng kém gì những thứ cũ. Tiếp bệnh nhân, ăn cơm hay đi thăm người quen ông cũng chỉ mặc mỗi một chiếc áo ngoài ấy. Như thế không phải vì ông hà tiện, mà chẳng qua cũng vì ông hoàn toàn không chú ý đến bề ngoài của mình.

Hồi bác sĩ Raghin mới đến thị trấn này để nhậm chức, cái « nhà của Chúa » này đang ở vào một tình trạng thật là khủng khiếp. Các phòng bệnh nhân, các hành lang và khoảng sân bệnh viện đều hôi hám đến nỗi không sao thở nổi. Những người lao công, những người hộ lý và con cái họ ăn ngủ trong các phòng bệnh với người ốm. Họ kêu ca là dán, rệp, chuột quá nhiều không để cho ai sống nổi. Khu phẫu thuật không sao chặn đứng được chứng viêm quầng. Cả bệnh viện vỏn vẹn chỉ có hai con dao mổ, không có lấy một cái nhiệt kế nào. Các phòng tắm thì dùng làm nơi để khoai tây. Viên quản lý, mụ thủ kho và viên y tá trưởng chỉ lo ăn bớt của bệnh nhân. Còn về ông bác sĩ già phụ trách bệnh viện này trước khi bác sĩ Raghin về, thì nghe nói là ông đem cồn của bệnh viện lén lút bán ra ngoài, và biến nhà thương thành cả một nhà chứa riêng của ông gồm các nữ hộ lý và các nữ bệnh nhân. Trong thị trấn người ta biết rất rõ những chuyện lộn xộn này và thậm chí còn phóng đại lên nữa, nhưng vẫn thản nhiên; người thì nói rằng những tệ nạn ấy cũng chẳng tai hại gì, vì nằm bệnh viện vẫn toàn là những hạng tiểu thương và nông dân, mà những hạng này thì không thể nào bất mãn được, vì ở nhà họ sống còn khổ hơn ở đây nhiều; chả nhẽ còn đòi dọn cao lương mỹ vị cho họ ăn nữa sao! Người thì lại biện minh rằng chỉ một mình tòa thị chính, không có hội đồng nông phố giúp đỡ, làm sao xây dựng được một bệnh viện cho ra hồn; bệnh viện này tồi thật, nhưng nó có: ấy, thế cũng đã dày phúc lắm rồi! Còn như cái hội đồng nông phố trẻ tuổi của địa phương thì không thèm mở một bệnh xá nào, dù là trong thị trấn hay quanh thị trấn, viện cớ rằng ở huyện lý đã có bệnh viện rồi.

Sau khi kiểm tra lại bệnh viện, bác sĩ kết luận rằng cái cơ quan này vô luân và rất có hại cho sức khỏe của dân phố. Theo ý ông, việc khôn ngoan nhất có thể làm được là phóng thích hết các bệnh nhân và đóng cửa bệnh viện lại. Nhưng ông lại suy xét thấy rằng chỉ một ý muốn của cá nhân ông thôi không thể thực hiện nổi việc này, mà dù có thực hiện được thì cũng chẳng có ích gì. Nếu đuổi sự ô uế về thể chất và tinh thần ra khỏi một nơi nào, nó lại sẽ chuyển đi sang một nơi khác; phải chờ cho tự nó bốc hơi hết đi. Hơn nữa, một khi người ta đã mở bệnh viện và chịu dung túng cho nó tồn tại bên mình, thì như thế tức là nó cần thiết đối với người ta; những định kiến và những chuyện xấu xa nhơ nhớp của cuộc sống hàng ngày ấy đều là cần thiết, vì qua thời gian, nó sẽ dần dần ải ra mà biến thành một cái gì có ích như phân biến thành đất mầu. Trên thế gian không có một cái gì tốt mà thoạt lúc nguyên sơ lại không có một cái gì xấu xa làm cội nguồn.

Sau khi nhậm chức, bác sĩ Raghin có một thái độ hình như khá dửng dưng đối với những chuyện rối ren trong bệnh viện. Ông chỉ yêu cầu phu bệnh viện và hộ lý đừng ngủ đêm trong các phòng bệnh nhân và sai đặt hai cái tủ đựng y cụ. Còn như viên quản lý, bà thủ kho và chứng viêm quầng thì vẫn để nguyên như cũ.

Bác sĩ Raghin vốn rất mực quý chuộng trí thông minh và lòng trung thực, nhưng ông lại không có đủ nghị lực và lòng tin vào chính nghĩa của mình để làm cho cuộc sống ở quanh mình được thông minh và trung thực. Ông thực tình không biết cách ra lệnh, cấm đoán và gây áp lực. Cứ như thể ông đã phát thệ không bao giờ nói to tiếng và không bao giờ dùng đến thứ mệnh lệnh của động từ. Mấy tiếng « Đưa đây! » hay « Dọn lên! » đối với ông nó khó nói quá, mỗi khi muốn ăn, Anđrêy Yefimovich chỉ ho húng hắng, vẻ phân vân, rồi nói với chị nấu bếp: « Giá có tí trà… » hay « Giá có chút gì ăn nhỉ… » Còn như bảo viên quản lý đừng ăn bớt nữa, hay đuổi hắn ta đi, hay bãi bỏ hẳn cái chức vụ ký sinh vô dụng này đi, thì ông hoàn toàn không đủ sức làm. Những khi người ta lừa gạt bác sĩ Raghin hay nịnh hót ông, hay đưa những giấy tờ kế toán gian lận cho ông ký, ông lại đỏ mặt tía tai lên, ông cảm thấy mình có lỗi, nhưng rốt cục vẫn ký; những khi bệnh nhân kêu đói hay phàn nàn về những người hộ lý thô bạo, ông ngượng nghịu nói lúng búng:

– Được, được, để tôi xem… Chắc có sự hiểu lầm gì đây…

Thời gian đầu bác sĩ Raghin làm việc rất chăm. Ông tiếp bệnh nhân từ sáng đến trưa, tự tay mổ xẻ lấy, lại còn thân hành làm công việc hộ sinh nữa. Các bà thường nói là ông rất ân cần và đoán bệnh rất giỏi, nhất là các bệnh trẻ em và phụ nữ. Nhưng dần dần ông đâm chán việc, vì thấy nó đơn điệu và rõ ràng là vô ích. Hôm nay tiếp ba mươi bệnh nhân, đến mai lại thấy ba mươi lăm người nữa ùa đến, ngày kia lại bốn chục, và cứ thế hết ngày này sang ngày khác, hết năm này sang năm khác, nhưng tỷ lệ tử vong trong thị trấn nào có giảm cho, còn người ốm thì cứ nườm nượp kéo nhau đến. Khám xét chữa chạy tử tế cho bốn mươi bệnh nhân từ sáng đến trưa là một việc không tài nào làm nổi. Thành thử dù muốn dù không, rốt cục cũng chỉ lừa dối người ta mà thôi. Tổng kết lại, thấy năm qua đã tiếp được một vạn hai nghìn bệnh nhân đến khám, như thế nghĩa là đánh lừa một vạn hai nghìn con người. Còn như cho những người ốm nặng nằm viện và điều trị họ theo đúng các quy tắc khoa học thì cũng không thể nào làm được, vì quy tắc thì có, nhưng khoa học thì không; còn nếu gạt triết lý sang một bên, thì chăm sóc họ theo đúng các quy tắc một cách câu nệ như các thầy thuốc khác, thì muốn thế trước hết bệnh viện phải sạch sẽ và thoáng khí, chứ không phải bẩn thỉu ngột ngạt như ở đây, phải có thức ăn tốt lành chứ không phải như thứ canh bắp cải thiu, phải có những người giúp việc tốt chứ không phải những hạng kẻ cắp.

Vả lại hơi đâu cứ đi ngăn cản cho người ta đừng chết vội, một khi cái chết là sự kết thúc bình thường và hợp quy luật của mọi người mọi vật? Nếu một gã lái buôn hay một ông viên chức nào đấy sống thêm được năm, mười năm nữa, thì phỏng có ích gì? Còn nếu nói rằng mục đích của y học là dùng thuốc men giảm nhẹ những thống khổ của con người, thì người ta phải bất giác hỏi thử giảm nhẹ như thế để làm gì? Thứ nhất, người ta vẫn nói rằng những nỗi thống khổ làm cho con người hoàn thiện hơn lên, và thứ hai, là nếu loài người có thực sự biết được cách giảm nhẹ những nỗi thống khổ bằng các thứ cao đơn hoàn tán, thì nó sẽ hoàn toàn sao nhãng tôn giáo và triết học, là hai món xưa nay chưa từng phù hộ cho ai tai qua nạn khỏi mà cũng chẳng đem lại cho ai một chút hạnh phúc nào. Puskin trước khi chết đã phải qua những cơn đau khủng khiếp, anh chàng Hainơ tội nghiệp đã mấy năm liền mắc bệnh bại liệt phải nằm yên trên giường; thế thì tại sao lại phải đi thương xót một lão Anđrêy Raghin hay một mụ Mariona Xavisna nào đấy, là những kẻ đang sống một cuộc đời vô vị, rỗng tuếch, rất giống cuộc đời của một con amíp nếu không có những nỗi thống khổ?

Những ý nghĩ ấy đã làm cho bác sĩ Raghin nản lòng, ông buông xuôi mọi việc và bắt đầu đến bệnh viện không thường xuyên như trước nữa.

 

VI

Sinh hoạt của ông hàng ngày như sau. Thường thường ông dậy vào khoảng tám giờ sáng, mặc quần áo và uống trà. Sau đó ông ngồi đọc sách trong phòng giấy riêng hay ra bệnh viện. Ở đây trong dãy hành lang hẹp và tối ngồi la liệt những bệnh nhân ngoại trú đang chờ khám. Trước mặt họ, lao công và hộ lý nện giầy cồm cộp chạy dọc hành lang, mấy bệnh nhân nội trú gầy gò mặc áo choàng vật vờ qua lại, thỉnh thoảng lại thấy người ta khiêng một xác chết hay bưng những khay đựng bông băng bẩn đi qua. Gió ùa thổi hun hút. Bác sĩ Raghin biết rằng đối với những người sốt, những người ho lao và nói chung là đối với những bệnh nhân trong trạng thái dễ bị khích động, đây là một cảnh đọa đày, nhưng biết làm thế nào được? Ở phòng khám bệnh, viên y tá trưởng Xerghêy Xerghêyts ra đón ông. Đó là một người thấp lùn, béo tốt có bộ mặt phúng phính cạo nhẵn và rửa rõ sạch, dáng điệu khoan thai dịu dàng trông giống một thượng nghị sĩ hơn là một y tá trưởng. Trong thị trấn này ông ta rất đắt khách đến khám tư, ông ta thắt một chiếc cà vạt trắng và cho mình là người giỏi giang hơn bác sĩ, vì bác sĩ chẳng có được món khách nào đến khám tư. Trong một góc phòng khám bệnh có đặt một chiếc trau thờ đựng một bức tượng thánh lớn, cái chân nến nặng nề, bên cạnh có một cái hộp đựng tượng thánh bọc vải trắng. Trên tường có treo chân dung các vị tổng giám mục, một bức tranh vẽ cảnh tu viện Xvyatogor và mấy vòng hoa mắt mèo đã khô héo.  Xerghêy Xerghêyts vốn là một người một đạo và thích lễ nghi. Bức tượng thánh do ông cúng góp; cứ đến ngày chủ nhật ông lại sai một bệnh nhân đọc các bài kinh trước trau thờ, xong đâu đấy Xerghêy Xerghêyts thân hành xách lò trầm hương đi xông khắp các phòng bệnh.

Bệnh nhân thì nhiều, mà thì giờ thì ít, cho nên công việc chung quy chỉ là hỏi han qua loa và phát thứ thuốc vô hại như dầu long não hay dầu đu đủ. Bác sĩ Raghin ngồi tay chống má, vẻ trầm ngâm, và hỏi người bệnh như cái máy. Xerghêy Xerghêyts cũng ngồi đấy, hai bàn tay xoa xoa vào nhau, thỉnh thoảng lại nói xen vào một câu.

– Ta ốm đau và túng thiếu cũng vì không biết cầu nguyện đức Chúa từ bi. – Ông ta nói như vậy. – Đúng thế đấy.

Trong buổi khám, bác sĩ Raghin không bao giờ mổ xẻ, ông đã từ lâu mất thói quen làm việc này, và trông thấy máu ông cứ nôn nao khó chịu. Những khi phải bắt một đứa trẻ há mồm ra để xem họng nó, mà đứa trẻ lại kêu khóc inh ỏi và khua tay lia lịa để chống đỡ, ông thấy choáng tai, váng đầu, và nước mắt cứ ứa ra. Ông hối hả kê đơn rồi xua tay, để mẹ nó bế nó đi cho nhanh.

Khám bệnh, chẳng bao lâu bác sĩ Raghin đã phát chán vì cái thái độ sợ sệt và xuẩn ngốc của người bệnh, vì phải ngồi mãi bên cạnh Xerghêy Xerghêyts, con người ưa nghi thức, vì những bức chân dung treo khắp mấy bức tường và vì những câu hỏi của bản thân ông – đã hơn hai mươi năm nay ông cứ phải hỏi đi hỏi lại mãi người bệnh những câu bất di bất dịch ấy. Khám được năm sáu người gì đấy là ông bỏ về, còn lại thì để cho viên y tá trưởng khám.

Khoan khoái nghĩ rằng, nhờ ơn Chúa đã từ lâu ông không còn khách khám tư, cho nên sẽ chẳng có ai đến quấy rầy mình, bác sĩ Raghin về đến nhà là vào ngay phòng làm việc, ngồi vào bàn và bắt đầu đọc sách. Ông đọc rất nhiều và bao giờ cũng rất thích thú. Một nửa số lương của ông tiêu vào việc mua sách, và căn nhà ông ở có sáu phòng thì đã hết ba phòng đầy ấp những sách và báo cũ. Ông thích đọc hơn cả là những sách báo sử học và triết học; còn về y học thì ông chỉ đặt mua báo « Người thầy thuốc », và bao giờ cũng bắt đầu đọc từ trang cuối. Mỗi lần đã ngồi vào bàn giấy là ông đọc liên tiếp không ngừng trong mấy giờ liền, mà không mệt. Ông không đọc nhanh và ngốn ngấu như Ivan Gromov ngày trước, mà đọc chậm rãi, nghiền ngẫm thật kỹ, chốc chốc lại ngừng ở những chỗ hay hoặc khó hiểu. Bên cạnh cuốn sách bao giờ cũng có một chiếc bình pha lê nhỏ đựng vốtca và một quả dưa chuột muối hay một quả táo dầm đặt trên tấm da trải bàn, không có đĩa. Cứ nửa giờ một lần ông lại rót một cốc rượu, mắt vẫn không rời sách, đưa lên uống, và sờ sẩm cầm quả dưa chuột lên cắn một miếng.

Đến ba giờ ông rón rén đi xuống phía nhà bếp, dừng lại ở ngoài cửa, đằng hắng rồi nói:

– Chị Đaryuska, giá có cái gì ăn trưa nhỉ…

Sau bữa ăn trưa khá tồi tàn và không lấy gì làm tinh khiết, bác sĩ Raghin khoanh tay trước ngực đi đi lại lại trong các phòng, đăm chiêu suy nghĩ. Đồng hồ điểm bốn giờ, rồi năm giờ, mà ông vẫn đi đi lại lại, đăm chiêu suy nghĩ. Thỉnh thoảng có tiếng mở cửa bếp đánh két một cái, và khuôn mặt đỏ gay ngái ngủ của chị Đarya lại hiện ra trên khung cửa.

– Ông Anđrây Yefimôvích ạ, đã đến giờ dùng bia chưa? – chị ta hỏi, giọng ân cần.

– Chưa, chưa đến giờ, – ông đáp. – Lát nữa, lát nữa…

Đến tối thường có một ông khách đến thăm bác sĩ Raghin. Đó là ông chủ sự bưu vụ Mikhail Averyanyts, người duy nhất trong thị trấn này mà mỗi khi phải gần gủi chuyện trò, bác sĩ Anđrây Yefimôvich không thấy khó chịu. Ông Mikhail Averyanyts xưa kia là một trang chủ rất giàu có, đã từng làm sĩ quan kỵ binh, nhưng về sau bị phá sản, đến tuổi già túng thiếu quá đành phải đi làm bưu vụ. Ông trông linh lợi, khỏe mạnh, để bộ râu má hoa râm xum xuê, phong độ rất lịch thiệp và giọng nói sang sảng dễ ưa. Ông vốn tốt bụng và nhạy cảm, nhưng lại nóng tính. Ở bưu vụ hễ có người khách nào tỏ ý phản kháng, hay không đồng ý việc gì, hay dù chỉ bắt đầu lý sự một chút thôi, là Mikhail Averyanyts đỏ mặt tía tai lên, toàn thân run lẩy bẩy, thét lên như sấm: « Im ngay! », thành thử sở bưu vụ lâu nay nổi tiếng là một cơ quan rất đáng sợ. Mikhail Averyanyts kính trọng và yêu mến bác sĩ Raghin vì học vấn uyên thâm và tâm hồn cao thượng của ông, còn đối với những người khác trong thị trấn này thì ông lại có thái độ trịch thượng như đối với thuộc hạ của mình. Thường thường, bước vào nhà bác sĩ  Raghin, ông lại nói:

– Tôi lại đến ông đây! Chào ông bạn thân mến! Chắc ông chán tôi lắm rồi nhỉ?

– Không, không, tôi rất mừng, – bác sĩ đáp – Gặp ông bao giờ tôi cũng mừng.

Hai người bạn ngồi trên chiếc đivăng đặt trong phòng giấy và im lặng hút thuốc một lát.

– Chị Đaryuska, giá có tí bia nhỉ! – bác sĩ Raghin nói.

Trong khi uống chai thứ nhất, hai người cũng im lặng: bác sĩ thì trầm ngâm, còn Mikhail Averyanyts thì trông tươi vui và phấn chấn như một người đang có điều gì rất thú vị sắp đem kể. Người mở đầu câu chuyện bao giờ cũng là bác sĩ.

– Thật đáng tiếc, – ông nói nhỏ và chậm rãi, vừa nói vừa khẽ lắc đầu, không nhìn vào mắt người tiếp chuyện (ông không bao giờ nhìn vào mắt ai), – thật hết sức đáng tiếc, ông Mikhail Averyanyts ạ, là trong thị trấn ta không có những người biết và thích trò chuyện một cách thông minh và thú vị. Đó là một sự thiếu thốn rất lớn đối với chúng ta. Ngay giới trí thức cũng không vượt qua được sự tầm thường ; trình độ của họ không hơn gì tầng lớp tiện dân đâu, tôi xin cam đoan như vậy.

– Hoàn toàn đúng. Tôi đồng ý đấy.

– Chắc ông cũng biết, – bác sĩ nói tiếp, giọng vẫn nhỏ nhẹ, sau một lát yên lặng, – là trên đời này mọi thứ đều vô nghĩa và vô vị, ngoài những biểu hiện cao cả của trí tuệ con người. Trí tuệ vạch một đường phân giới dứt khoát giữa con vật và con người, nhắc nhở tính chất thần thánh của con người và hơn nữa còn thay thế được ít nhiều sự bất tử mà con người không có được. Do đó trí tuệ là nguồn vui duy nhất mà ta có thể có được. Ta không được nghe và không được thấy trí tuệ ở quanh ta, như thế tức là ta không được hưởng một niềm vui lớn. Quá trình ta có sách vở, nhưng sách vở cũng không thể thay thế những câu chuyện trò và sự tiếp xúc sinh động giữa những con người. Ông cho phép tôi dùng một tỷ dụ không lấy gì là đắt: sách là bản ghi nốt nhạc, và nói chuyện là tiếng ca.

– Hoàn toàn đúng.

Hai người im lặng một lát. Chị Đaryuska từ dưới nhà bếp đi lên, rồi khoanh tay chống cằm, vẻ mặt buồn và đờ đẫn, chị đứng ở ngoài cửa lắng tai nghe.

– Chà! – Mikhail Averyanyts thở dài. – Thời buổi này mà ông còn đòi người ta phải có trí tuệ ư!

Thế rồi ông kể lể nào cuộc sống xưa kia lành mạnh, vui tươi và thú vị như thế nào, trí thức Nga hồi ấy thông minh ra sao và coi trọng ý thức danh dự và tình bạn đến dường nào. Hồi ấy người ta cho vay tiền không cần đòi biên lai, và ai nấy đều quan niệm rằng không dang tay giúp đỡ một người bạn đang túng thiếu là một điều sĩ nhục. Với lại hồi ấy bao nhiêu là những cuộc hành quân thú vị, những chuyện mạo hiểm ly kỳ, những cuộc xung đột nảy lửa, những người bạn đồng ngũ tận tâm, những người đàn bà tuyệt mỹ! Lại còn vùng núi Kavkaz nữa – thật là một xứ sở lạ lùng. Thế rồi có cô vợ của một ông tiểu đoàn trưởng, một người phụ nữ kỳ dị, khoác bộ áo sĩ quan đêm đêm cưỡi ngựa lên núi một mình, không có người hộ vệ. Nghe đâu cô ta có dan díu với một vương công thổ dân nào đó ở vùng sơn cước.

– Lạy đức Mẹ đồng trinh… – chị Đaryuska xít xoa.

– Hồi ấy chè chén thật ra trò! Mà phái tự do hăng tiết lắm.

Bác sĩ Raghin lắng nghe nhưng chẳng để ý khách nói những gì; ông cứ trầm ngâm suy nghĩ ở đâu đâu, chốc chốc lại nhấp ngụm bia.

– Tôi vẫn hay mơ ước được gặp người có trí tuệ và được nói chuyện với họ. – Ông bỗng ngắt lời Mikhail Averyanyts, nói. – Cha tôi đã cho tôi ăn học hết sức chu đáo, nhưng vì chịu ảnh hưởng những tư tưởng của thời 60, ông cụ đã bắt tôi học nghề thầy thuốc. Tôi nghĩ giá lúc bấy giờ tôi không nghe thì bây giờ tôi đã ở vào trung tâm phong trào trí thức rồi. Chắc tôi sẽ là giáo sư ở một khoa nào đấy. Dĩ nhiên trí tuệ cũng chẳng phải là vĩnh hằng. Nó cũng tồn tại và mất đi như mọi sự ở đời thôi. Nhưng ông cũng biết tại sao tôi cứ thiên về trí tuệ. Cuộc đời là một cái bẫy rất phiền hà. Khi một người biết suy nghĩ đạt đến tuổi trưởng thành và có ý thức chín chắn, người ta bất giác cảm thấy như đang nằm trong một cái bẫy, không có lối thoát. Quả nhiên, người ta đã bị những sự ngẫu nhiên nào đấy lôi từ cõi hư vô vào cuộc sống trái với ý muốn của mình… Để làm gì? Minh muốn biết ý nghĩa và mục đích của sự tồn tại của mình, nhưng người ta chẳng ai nói cho mình nghe, hay nói toàn những chuyện vô lý; mình gõ cửa, người ta chẳng mở cho; rồi cái chết đến – cũng rất trái với ý muốn của mình. Thế rồi, cũng giống như những người bạn đồng hành cùng chung một số phận bất hạnh cảm thấy khuây khỏa khi được quần tụ với nhau, trong cuộc sống người ta cũng quên được cái bẫy kia khi nào những con người có thiên hướng phân tích và khái quát hóa tụ hợp nhau lại và qua thì giờ bằng cách trao đổi những tư tưởng kiêu hãnh, tự do. Về phương diện này, trí tuệ là một niềm vui không có gì sánh kịp.

– Hoàn toàn đúng.

Không nhìn vào mắt người tiếp chuyện, giọng nhỏ nhẹ, hay dừng lại từng quãng, Anđrây Yefimôvich tiếp tục nói về những con người thông minh và những cuộc chuyện trò với họ, còn Mikhail Averyanyts thì chăm chú lắng nghe và tỏ ý đồng tình: “Hoàn toàn đúng”.

– Thế ông không tin là linh hồn bất diệt ư? – ông chủ sự bưu vụ hỏi đột ngột.

– Không, ông Mikhail Averyanyts kính mến ạ, tôi không tin, và không có cơ sở để tin như vậy.

– Thú thật, tôi cũng ngờ lắm. Mặc dầu tôi cứ có cảm giác là mình sẽ không bao giờ chết. Tôi nghĩ bụng: lão khọm già, đến lúc rồi đấy, chết đi là vừa! Thế nhưng trong lòng lại có tiếng ai thầm nhủ: đừng tin, mày không chết đâu!…

Đến chín giờ hơn, Mikhail Averyanyts ra về. Ở phòng ngoài ông vừa mặc áo khoác vừa thở dài nói:

– Kể số phận run rủi chúng mình đến cái xó xỉnh này cũng chán thật! Chán nhất là đến chết cũng phải chết ở đây!

 

VII

Sau khi tiễn khách ra về, Anđrây Yefimôvich ngồi vào bàn và lại bắt đầu đọc sách. Buổi tối im lặng trôi qua, đêm khuya dần, xung quanh không một tiếng động. Thời gian hình như đã ngừng lại và lắng xuống với người bác sĩ ngồi trước cuốn sách, và có thể ngỡ chừng như ngoài cuốn sách này và cây đèn chao xanh này ra, trong vũ trụ không còn một thứ gì tồn tại nữa. Gương mặt thô kệch, quê mùa của người bác sĩ dần dần sáng bừng lên vì một nụ cười cảm kích và hân hoan trước những hoạt động tinh tế của trí tuệ con người. Ôi, tại sao con người lại không bất tử? – ông thầm nghĩ. Con người có bộ não với những trung khu, những nếp hồi ấy mà làm gì, có thị giác, có ngôn ngữ, có tự cảm, có thiên tài mà làm gì, nếu cuối cùng rồi bao nhiêu thứ ấy cũng đến vùi dưới ba tấc đất và cùng nguội lạnh dần với vỏ trái đất, rồi sau đó cũng với hành tinh này quay vòng quanh mặt trời, không chút ý nghĩa, không chút mục đích? Muốn nguội dần và chạy quanh như thế thì cần gì phải lôi con người ra khỏi hư không, với cái trí tuệ gần như thần thánh của nó, rồi sau đó, cứ như để nhạo báng chơi, lại biến nó thành bùn đất?

Lẽ biến hóa của vật chất ư! Tự an ủi bằng cái thứ bất tử gỉa hiệu ấy thì thật là đớn hèn! Những quá trình vô ý thức diễn ra trong thiên nhiên còn thấp hèn hơn cả sự ngu xuẩn, vì trong sự ngu xuẩn dù sao cũng vẫn còn có ý thức và ý chí, còn trong các quá trình ấy thì không hề có một chút gì hết. Chỉ là một kẻ đớn hèn, mà nỗi lo sợ trước cái chết còn lớn hơn cả lòng tự trọng, mới có thể tự an ủi bằng cách tự nhủ rằng hình hài của mình sẽ cùng với thời gian sống trong ngọn cỏ, trong hòn đá, trong con cóc… Tìm thấy sự bất tử của mình trong quá trình tiến hóa của vật chất cũng kỳ quặc như tiên đoán trong một tương lai vinh hiển cho chiếc bao đàn khi cây đàn quý đã vỡ và trở nên vô dụng.

Mỗi khi đồng hồ điểm giờ, bác sĩ Raghin lại ngả người ra lưng ghế bành và nhắm mắt để suy nghĩ một chút. Và chịu ảnh hưởng của những tư tưởng tốt đẹp mà ông vừa đọc được, ông bất giác điểm lại dĩ vãng và hiện tại của đời mình. Dĩ vãng thì chán ngắt, thà đừng nhớ lại còn hơn. Còn hiện tại thì cũng chẳng hơn gì dĩ vãng. Ông biết rằng trong khi những ý nghĩ của ông đang cùng với trái đất nguội lạnh quay xung quanh mặt trời, thì bên cạnh căn nhà dành cho bác sĩ, trong tòa nhà lớn của bệnh viện, có bao nhiêu người đang héo mòn trong bệnh tật và trong tình trạng nhớp nhúa vì thể xác; có lẽ có người không ngủ, đang huyết chiến với bọ chét, chấy rận, có người đang nhiễm chứng viêm quầng hay đang rên rỉ vì bị băng quá chặt; có lẽ có những bệnh nhân đang đánh bài với hộ lý hay đang uống nước. Trong một năm người ta đã lừa bịp một vạn hai nghìn con người; cả cái cơ nghiệp bệnh viện này cũng như hai mươi năm về trước, đều được xây dựng trên những vụ gian lận, trộm cắp, những lời dèm pha, những chuyện ngồi lê đôi mách, những trò tư túi, những thủ đoạn bịp bợm thô bạo, và y như cũ, cái bệnh viện này vẫn là một cơ quan đồi bại và hết sức có hại cho sức khỏe của dân cư. Ông biết rằng trong phòng 6, sau cái chấn song, Nikita đang đánh đập bệnh nhân và Moixeyka ngày ngày vẫn đi xin ngoài phố.

Mặt khác ông cũng biết rõ rằng khoảng hai mươi lăm năm gần đây trong y học đã có một cuộc chuyển biến thần kỳ. Hồi ông còn học ở trường đại học, ông đã có cảm giác là y học chẳng bao lâu nữa sẽ chịu cái số phận của khoa luyện vàng trung cổ và môn siêu hình học. Nhưng bây giờ, đêm đêm ngồi đọc sách, ông thấy cảm động và ngạc nhiên trước những bước tiến của ngành y, thậm chí còn hân hoan khâm phục nữa. Thật vậy, đây quả là một thành tích bất ngờ, quả là một cuộc cách mạng! Nhờ có thuốc sát trùng người ta tiến hành những phẫu thuật mà nhà bác học Pirogov vĩ đại ngày trước vẫn cho là không thể nào thực hiện được, dù là in spe (1 Trong tương lai – tiếng Latinh) cũng vậy. Những người thầy thuốc tỉnh lẻ tầm thường cũng dám mổ khớp xương đầu gối. Một trăm ca mổ bụng chỉ có một ca tử vong, còn như bệnh thanh tâm thì được coi là một chuyện vặt không đâu, đến nỗi người ta không thèm nói tới nữa. Bệnh giang mai đã có thể chữa tuyệt nọc. Rồi lại còn lý thuyết di truyền, khoa thôi miên, những phát minh của Paxtơ và Kôc, hệ phòng bệnh có hệ thống kê, với lại cách tổ chức tinh tế địa phương của nước Nga ta nữa! Khoa thần kinh bệnh học với các phân loại bệnh mới, với những phương pháp chẩn bệnh và điều trị, so với tình trạng trước kia thật như cả một quả núi Elbrux! Bây giờ người ta không còn dội nước lạnh lên đầu người mắc bệnh điên và không bắt học mặc áo gô nữa; người ta chăm sóc họ một cách nhân đạo, và như các báo cáo có viết, lại còn tổ chức diễn kịch và khiêu vũ cho họ nữa. Bác sĩ Raghin biết rằng, với những quan điểm và những sở hiếu như ngày nay, một hiện tượng xấu xa như phòng 6 may ra chỉ có thể có được ở một nơi cách đường hỏa xa hai trăm dặm, ở một tỉnh xép mà thị trưởng và tư vấn thị chính đều là những gã tiểu thương gần như vô học, coi người thầy thuốc như một ông thầy cúng phải tin tưởng hoàn toàn, không phê phán, dù ông ta có rót chì nếu chảy vào mồm cũng vậy; giá phải nơi khác thì công chúng và báo chí đã đạp nát cái ngục Baxti tí hon ra rồi.

“Nhưng thế thì sao nhỉ? – bác sĩ Raghin mở mắt ra nói. – Thế thì sao? Thuốc sát trùng, Kôc, Paxtơ, những thứ ấy đều có cả, nhưng thực chất của tình hình vẫn không thay đổi chút nào. Tỷ lệ bệnh tật và tử vong vẫn thế. Người ta tổ chức cho người điên xem hát và khiêu vũ, nhưng vẫn giam giữ họ. Như thế nghĩa là chỉ toàn chuyện nhảm nhí viển vông, và giữa cái bệnh viện ưu tú nhất của thành Viên với các nhà thương quèn của ta xét về thực chất chẳng có gì khác nhau hết.

Những nỗi buồn và một thứ cảm giác gì giống như ghen tị vẫn không để cho ông dửng dưng. Chắc cũng vì mệt mỏi quá. Mái đầu nặng cứ trĩu xuống cuốn sách. Ông lấy tay lót dưới mặt cho em, và nghĩ.

“Mình phục vụ một công việc có hại và ăn lương của những con người mà mình lường gạt; mình là người bất lương. Nhưng xét bản thân mình thì chẳng là cái gì hết, mình chỉ là một phần tử của cái ác tất yếu trong xã hội… Như thế nghĩa là kẻ chịu trách nhiệm về sự bất lương của mình không phải là mình, mà là thời đại.. Giá mình ra đời muộn đi hai trăm năm, mình sẽ khác”.

Nghe đồng hồ điểm ba tiếng, ông tắt đèn và về buồng ngủ. Ông không thấy buồn ngủ chút nào.

 

VIII

Cách đây hai năm hội đồng nông phố lên cơn hào hứng bèn ra nghị quyết cấp ba trăm rúp hàng năm cho thị xã chi vào việc tăng cường biên chế nhân viên y tế của bệnh viện thị xã cho đến khi nào mở được bệnh viện hương thôn, và để giúp sức cho bác sĩ Raghin người ta mời một thầy thuốc ở huyện là Yevghêni Fiodorovits Khobotov đến bệnh viện này. Ông này hãy còn rất trẻ – chưa đến ba mươi tuổi. Đó là một con người cao lớn, tóc đen, có đôi gò má cao và đôi mắt nhỏ ti hí; có lẽ tổ tiên ông ta là người ngoại chủng. Ông đến thị trấn này, không có lấy một đồng xu dính túi, tay xách một chiếc va ly con, cùng đi với một người thiếu phụ xấu xí mà ông gọi là chị bếp của ông. Người đàn bà này có một đứa con đang ẵm ngửa. Yevghêni Fiodorovits đội mũ lưỡi trai, đi ủng cao, mùa đông thì mặc áo khoác ngắn. Được ít lâu ông đã kết thân với viên y tá trưởng Xerghêy Xerghêyts và viên kế toán, còn những viên chức khác, thì không hiểu sao ông ta gọi họ là đồ quý tộc và lánh xa họ. Cả nhà ông ta chỉ có một cuốn sách – “Những y liệu mới của bệnh viện Viên năm 1884”. Mỗi khi đến thăm một người bệnh, ông bao giờ cũng cầm theo cuốn sách này. Tối tối ở câu lạc bộ ông thường chơi bia còn đánh bài thì ông không thích. Trong khi trò chuyện, ông rất sính dùng những từ ngữ như “bị thịt”, “một mớ hổ lốn”, “thôi lòe nhau thế là đủ rồi”, v.v…

Ông ta đến bệnh viện mỗi tuần hai lần, rảo qua các phòng bệnh và ngồi vào phòng khách tiếp bệnh nhân. Ông rất phẩn uất khi thấy không có thuốc sát trùng và thấy người ta dùng bầu giác để hút máu, nhưng ông không cải cách gì, sợ mếch lòng bác sĩ Raghin. Khobotov cho ông bạn đồng nghiệp này là lão bợm già, nghi là ông có lắm của chìm và ngấm ngầm ganh tị với ông. Giá được cái chức vị của bác sĩ Raghin, ông ta sẽ rất hài lòng.

 

IX

Một tối mùa xuân, vào cuối tháng ba, khi trên mặt đất đã không còn tuyết nữa và chim chiền chiện đã hót trong vườn bệnh viện, bác sĩ ra cổng tiễn ông bạn chủ sự bưu vụ về. Vừa lúc ấy lão Do Thái Moixêyka vừa đi xin về, bước ngay vào sân, đầu không đội mũ, chân đi đôi đế lót ngoài bằng cao su mỏng, bên trong chẳng có giày dép gì cả, tay xách một cái túi nhỏ đựng của bố thí.

– Xin một xu! – lão nói với bác sĩ, người run lên vì rét, miệng mỉm cười.

Bác sĩ Raghin xưa nay không bao giờ biết từ chối. Ông cho lão một đồng mười côpếch, bụng nghĩ thầm, trong khi nhìn đôi chân không giầy với đôi mắt cá dầy và đỏ của lão: “Thật hỏng quá. Ẩm ướt thế này!”

Và với một cảm giác vừa như thương hại lại vừa như kinh tởm, ông theo lão Do Thái đi vào căn nhà xép, hết nhìn cái đầu hói của lão lại nhìn đôi mắt cá đỏ. Thấy bác sĩ vào, Nikita đang nằm trên đống đồ cũ vụt choàng dậy và đứng nghiêm chào.

– Chào anh Nikita, – bác sĩ Raghin nói dịu dàng. – Giá có đôi ủng đôi giày gì cho cái ông già Do Thái này, không ông ta cảm lạnh mất.

– Bẩm quan lớn vâng ạ. Tôi sẽ thưa lại với ông quản lý.

– Nhớ thế nhé. Anh cứ bảo là tôi dặn.

Cánh cửa ăn từ phòng trong ra phòng lót mở toang ra. Ivan Gromov lúc bấy giờ đang nằm chống khuỷu tay trên giường, lo sợ lắng nghe tiếng nói là lạ ở bên ngoài và chợt nhận ra giọng nói của bác sĩ. Hắn giận run cả người lên, vùng dậy, mặt đỏ bừng và lộ vẻ hết sức hằn học, mắt trợn trừng lên như chực bật ra ngoài, hắn chạy ra giữa phòng.

– Bác sĩ đã đến! – hắn quát to và cười phá lên.

– Thật may mắn! Thưa các ngài, tôi xin có lời mừng, hôm nay bác sĩ đã rủ lòng quá bộ đến thăm chúng ta! Quân khốn kiếp đáng nguyền rủa! – Hắn rít lên với một vẻ điên dại xưa nay chưa từng thấy trong phòng này, chân dẫm xuống sàn đánh sầm một tiếng. – Giết chết các thằng khốn kiếp ấy đi! Không, giết cũng chưa bõ! Hãy dìm nó vào hố xí!

Bác sĩ Raghin nghe thấy thế, liền từ phòng lót nhìn vào và hỏi dịu dàng.

– Vì sao?

– Vì sao à? – Gromov vừa quát lên vừa tiến về phía bác sĩ, vẻ hăm dọa, hai tay lập cập cuộn vạt áo vào người. – Vì sao à? Quân ăn cắp! – hắn nói, gương mặt lọ vẻ kinh tởm, và chúm môi lại như thể để nhổ nước bọt. – Đồ lang băm! Đồ đao phủ!

– Xin anh bình tâm lại, – bác sĩ Raghin nói, miệng mỉm cười ngượng nghịu như người có lỗi. – Tôi xin ông tin cho rằng tôi chưa bao giờ ăn cắp của ai, còn về những tội kia thì có lẽ anh nói hơi quá. Tôi thấy rõ là anh đang giận tôi. Tôi xin anh bình tâm lại, nếu có thể, và xin anh cứ thật bình tĩnh mà nói: anh giận tôi vì lẽ gì?

– Thế ông giữ tôi ở đây vì lẽ gì?

– Vì anh đang ốm.

– Phải, thì tôi ốm. Nhưng hàng chục, hàng trăm người điên đang đi lại tự do kia thôi, vì ông quá dốt nát không phân biệt nổi những người ấy với những người lành mạnh. Tại sao tôi và những con người khốn khổ này lại phải nằm đây thay cho mọi người, tại sao bao nhiêu tội vạ lại phải đổ cả lên đầu chúng tôi như vậy? Ông, ông y tá trưởng, ông quản lý và cả cái lũ đầu trâu, mặt ngựa trong bệnh viện của ông xét về phương diện tinh thần đạo đức còn thấp hơn bất cứ ai trong chúng tôi, thế thì tại sao chúng tôi lại bị giữ, còn các ông thì không? Lôgích ở chỗ nào?

– Phương diện tinh thần và lôgích chẳng có liên quan gì đến việc này đâu. Mọi sự đều do ngẫu nhiên hết. Ai bị giữ thì phải ở đây, còn ai không bị giữ thì cứ tự do đi lại, chỉ có thế thôi. Nếu tôi là bác sĩ, còn anh là bệnh nhân tinh thần, thì điều đó không có dính dáng đến đạo đức hay lôgích gì hết, đó chỉ là một sự tình cờ vô nghĩa lý.

– Ông nói lảm nhảm những gì tôi chẳng hiểu ra sao cả, – Gromov nói, giọng trầm hẳn đi, và ngồi xuống giường.

Moixêyka, mà Nikita không dám lục soát trước mặt bác sĩ, đã bày ra khắp giường mình nào những mẩu bánh mì, những mảnh giấy và những mẩu xương, người hãy còn run cầm cập vì lạnh, miệng nói liếng thoắng những gì gì bằng tiếng Do Thái nghe như hát. Có lẽ lão tưởng tượng mình đang mở cửa hàng.

– Ông thả tôi ra, – Gromov nói, và giọng hắn run lên.

– Tôi không thả được.

– Tại sao lại thế? Tại sao?

– Tại vì việc đó không thuộc quyền của tôi. Anh thử nghĩ mà xem, tôi thả anh ra thì anh được lợi gì? Anh ra thì dân phố hay cảnh sát sẽ giữ anh lại và trả anh về chỗ cũ.

– Phải, phải, đúng thế thật… – Gromov nói nhanh, đoạn quệt tay lên trán. – Thế thì khủng khiếp quá! Nhưng tôi biết làm gì bây giờ? Làm gì?

Bác sĩ Raghin thấy mện giọng nói của Gromov và gương mặt trẻ trung, thông minh của hắn đang mếu máo. Ông muốn vỗ về người thanh niên và an ủi cho hắn ta bình tâm lại. Ông ngồi xuống giường bên cạnh hắn, nghĩ một lát rồi nói:

– Anh hỏi bây giờ cần phải làm gì ư? Trong tình cảnh của anh chỉ có trốn khỏi nơi này là hơn cả. Nhưng đáng tiếc là làm như vậy cũng vô ích. Người ta sẽ giữ anh lại. Khi xã hội đã cách ly những kẻ phạm tội, những người mắc bệnh tinh thần và nói chung là những con người gây phiền phức cho nó, thì không có gì có thể cưỡng lại được. Anh chỉ còn có một cách: bình tâm lại bằng cách nghĩ rằng anh ở lại đây là cần thiết.

– Cái đó chẳng cần thiết cho ai cả.

– Một khi đã có nhà tù và nhà điên thì phải có người ở đấy. Không anh thì tôi, không tôi thì một người thứ ba nào đó. Anh hãy nán đợi, rồi trong một tương lai xa xôi các nhà tù và nhà điên sẽ hết thời tồn tại, lúc bấy giờ sẽ không còn chấn song ở cửa sổ, sẽ không còn phòng bệnh. Dĩ nhiên cái thời ấy không chóng thì chày tất nhiên sẽ đến.

Ivan Gromov mỉm cười ngạo nghễ.

– Ông nói đùa đấy chứ, – hắn nheo nheo đôi mắt nói. – Những tiên sinh như ông và người giúp việc của ông là ông Nikita ở đây thì có liên quan gì đến tương lai! Nhưng ông có thể tin chắc rằng, thưa ông, những thời đại tốt đẹp hơn sẽ đến! Tôi nói có nhàm tai thì ông cứ việc cười, nhưng buổi bình minh của cuộc sống mới sẽ rạng lên, chân lý sẽ toàn thắng, và trên phố sẽ mở hội tưng bừng! Tôi sẽ không đợi được đến ngày ấy, tôi sẽ chết trước, nhưng cháu chắt của ai kia sẽ sống đến đấy. Tôi thành tâm chào họ và rất mừng, rất mừng cho họ! Tiến lên. Cầu Chúa phù trợ chúng ta, các bạn ạ!

Ivan Gromov, mắt sáng long lanh, đứng dậy dang hai tay ra phía cửa sổ và nói tiếp, giọng xúc động:

– Từ sau những dãy chấn song này tôi cầu phúc cho các bạn! Chân lý muôn năm! Tôi vui sướng quá.

– Tôi chẳng thấy có lý do gì đặc biệt xác đáng để vui mừng như vậy cả, – bác sĩ Raghin nói ; ông thấy cái cử chỉ của Gromov hơi tuồng nhưng đồng thời cũng rất thích cái cử chỉ ấy. – Nhà tù và nhà điên sẽ không còn nữa, và chân lý, đúng như anh nói, sẽ toàn thắng, nhưng thực chất của sự thể vẫn không thay đổi, những quy luật của tự nhiên vẫn đúng như bây giờ. Dù có một buổi bình minh huy hoàng đến đâu chiếu rọi đời anh chăng nữa, thì rốt cục người ta cũng dang anh vào cái quan tài và ném anh xuống huyệt.

– Thế còn sự bất tử?

– Chà thôi, xin đủ!

– Ông không tin à, thế thì tôi tin. Có một nhân vật của Đoxtoyevxki hay của Vonter gì đấy nói là ví thử không có thượng đế thì loài người sẽ bịa ra một thượng đế. Còn tôi, tôi tin tưởng sâu sắc rằng nếu không có sự bất tử thì trí tuệ vĩ đại của con người sớm hay muộn rồi cũng sẽ phát minh ra nó.

– Nói khá lắm, – bác sĩ Raghin mỉm cười thích thú nói. – Anh tin như vậy là rất tốt. Với một niềm tin như thế thì dù có bị xây kín vào giữa một bức tường cũng có thể sống vui như hội được. Chắc anh có được đào tạo ở một học viên nào ra?

– Vâng, tôi có học Đại học, nhưng chưa tốt nghiệp.

– Anh là người biết suy nghĩ và phản tỉnh. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào anh cũng có thể tìm thấy các bình tâm lại trong bản thân anh. Được tư duy một cách tự do và sâu xa để thấu hiểu lẽ sống, và hoàn toàn coi khinh cảnh bon chen ngu xuẩn của thế gian – đó là hai nguồn hạnh phúc cao cả nhất mà con người từng biết. Và anh cũng có thể có được hai nguồn hạnh phúc đó, tuy anh sống sau ba dãy chấn song xưa kia Điôgien ở trong cái thùng tonnô, ấy thế nhưng ông ta vẫn sung sướng hơn bất cứ bậc đế vương nào trên trái đất.

– Cái lão Điôgien của ông là một thằng ngốc, – Ivan Gromov nói, vẻ lầm lì. – Việc gì ông lại đi nói chuyện Điôgien với lại tìm hiểu cuộc sống gì đấy với tôi? – Hắn bỗng nổi giận, chồm lên. – Tôi yêu cuộc sống, yêu tha thiết! Tôi mắc chứng bách hại cuồng, tôi luôn luôn lo sợ khổ sở, nhưng có những phút lòng tôi tràn ngập niềm khát khao đối với cuộc sống, và những lúc như thế tôi sợ mình phát điên. Tôi muốn sống lắm, muốn sống ghê gớm!

Hắn xúc động đi đi lại lại trong phòng, cất cao giọng nói:

– Những khi tôi ước mơ, có những bóng ma lởn vởn quanh tôi. Có những người nào đó đến cạnh tôi, tôi nghe những tiếng nói, tiếng nhạc, và tôi có cảm giác mình đang dạo trong một khóm rừng nào bên bờ bể, và tôi chợt thấy muốn chạy vạy bon chen, muốn lo lắng… Ông thử nói với tôi nghe, nào, ở ngoài kia có chuyện gì mới? – Ivan Gromov hỏi. – Có chuyện gì nào?

– Anh muốn biết về thị trấn này hay nói chung?

– Thôi ông cứ nói chuyện thị trấn này trước đi, rồi sau đó là nói chung.

– Nói thế nào nhỉ? Trong thị trấn buồn tẻ đến phát ngấy lên… Không có ai để nói lấy một lời, nghe lấy một câu cho ra hồn. Không có lấy một nhân vật nào mới. Duy gần đây có một bác sĩ trẻ là Khobotov mới về.

– Ông ta về từ hồi tôi còn ở ngoài kia. Sao, quê kệch lắm à?

– Đúng, một con người không có văn hóa. Kể cũng lạ, anh ạ… Xem ra thì ở các thành phố lớn của ta không có tình trạng trì trệ về trí óc, ở đấy có chuyển động, – như thế nghĩa là ở đấy phải có những con người thực, nhưng không hiểu sao cứ mỗi lần họ gửi người ở đấy về là y như rằng toàn những người không thể nào ngửi nổi. Thật là một thị trấn bất hạnh.

– Phải, một thị trấn bất hạnh! – Gromov thở dài, đoạn lại cười phá lên. – Thế còn nói chung thì sao? Họ viết những gì trên các báo chí?

Trong phòng đã tối hẳn, bác sĩ đứng dậy và bắt đầu kể cho Gromov biết người ta viết những gì trên báo chí ở nước ngoài và ở Nga và phương hướng tư tưởng hiện nay ra sao. Gromov chăm chú lắng nghe, thỉnh thoảng lại hỏi một câu, nhưng đột nhiên, như sực nhớ ra một chuyện gì khủng khiếp, hắn bỗng ôm đầu nằm lăn ra giường, quay lưng về phía bác sĩ.

– Anh làm sao thế? – bác sĩ Raghin hỏi.

– Ông đừng hòng nghe tôi nói thêm một tiếng nào nữa! – Gromov nói, giọng thổ lỗ. – Ông đi đi!

– Sao thế?

– Tôi đã bảo là ông đi đi! Ông đến đây làm quái gì?

Bác sĩ Raghin so vai, thở dài rồi đi ra. Đi ngang phòng lót, ông nói:

– Giá dọn chỗ này đi một chút, Nikita nhỉ… Nặng mùi quá sức!

– Bẩm quan lớn vâng ạ.

« Thật là một thanh niên đáng mến! – bác sĩ Raghin nghĩ thầm trong khi về nhà. – Trong suốt thời gian mình ở đây, hình như đây là người đầu tiên có thể nói chuyện được. Anh ta biết suy luận và quan tâm đến những vấn đề cần quan tâm ».

Tối hôm ấy, khi đang đọc sách và về sau, khi đi nằm, ông luôn luông nghĩ đến Gromov, rồi sáng hôm sau khi thức dậy, ông lại sực nhớ rằng hôm qua mình vừa làm quen với một con người thông minh và thú vị. Ông quyết định hễ có dịp sẽ đến gặp người ấy một lần nữa.

 

X

Ivan Gromov vẫn nằm nguyên ở cái tư thế hôm qua, hai tay ôm đầu, chân co lại. Ở các tư thế này mặt hắn bị che khuất hẳn.

– Chào anh bạn, – bác sĩ Raghin nói. – Anh không ngủ à?

– Trước hết, tôi chẳng bạn bè gì với ông hết, – Gromov nói trong chiếc gối, – thứ đến là ông đừng phí sức vô ích: ông đừng hòng moi được của tôi một câu nào.

– Lạ thật… – bác sĩ Raghin lẩm bẩm, vẻ bối rối. – Hôm qua chúng ta đang nói chuyện điềm đạm thế mà bỗng dưng chẳng hiểu sao anh phật ý rồi cắt đứt hẳn… Có lẽ tôi diễn đạt vụng về thế nào đấy hay tôi có phát biểu ra một ý gì không phù hợp với những quan niệm của anh…

– Phải, ông tưởng nói thế thì tôi sẽ tin ông đấy! – Ivan Đmitrits vừa nói vừa nhổm người lên nhìn bác sĩ một cách ngạo nghễ và lo lắng ; mặt hắn đỏ ngầu. – Ông nên đi chỗ khác mà do thám và tra khảo, chứ ở đây ông chẳng có việc gì mà làm đâu. Ngay từ hôm qua tôi đã hiểu ông đến đây làm gì rồi.

– Thế là một ý nghĩ kỳ quặc! – bác sĩ cười nhạt. – Thế ra anh cho tôi là mật thám?

– Phải, tôi cho… Mật thám hay là bác sĩ có nhiệm vụ tra khảo tôi thì cũng thế cả.

– Chao ôi, nói vô phép chứ anh thật… gàn dở quá chừng!

Bác sĩ ngồi xuống chiếc ghế đẩu và lắc đầu có ý trách móc.

– Nhưng cứ cho là anh nói đúng đi, – ông nói. – Cứ cho là tôi rình mò, dò xét từng lời từng chữ của anh để báo cáo với cảnh sát. Họ sẽ bắt anh và sẽ đem ra xử. Nhưng dù có ra tòa hay vào tù thì anh có khổ hơn ở đây không? Còn nếu họ đưa anh đi đày biệt xứ hay đi làm khổ sai chăng nữa, thì cũng có gì ghê gớm hơn nằm trong căn nhà này? Tôi cho là không có gì ghê gớm hơn… Thế thì anh sợ cái gì?

Hình như mấy câu vừa rồi đã có tác dụng đối với Gromov. Hắn bình tĩnh ngồi dậy.

Bây giờ là vào khoảng gần năm giờ chiều – cái thời gian mà thường ngày bác sĩ Raghin vẫn đi đi lại lại qua các phòng và chị Đaryuska thỉnh thoảng lại hỏi xem đã đến lúc dọn bia lên cho ông uống chưa. Ngoài trời êm ả và quang đãng.

– Ăn chiều xong tôi ra ngoài đi dạo một lát, nhân thể ghé vào đây, như anh cũng thấy đấy, – bác sĩ nói. – Đã sang xuân hẳn hỏi rồi.

– Bấy giờ là tháng mấy? Tháng ba à? – Ivan Gromov hỏi.

– Phải, cuối tháng ba.

– Bên ngoài có lầy lội lắm không?

– Không, không lầy lội lắm. Trong vườn đã có lối đi khô ráo.

– Bây giờ giá được ngồi xe song mã đi đâu ra ngoài thành nhĩ, – Ivan Gromov vừa nói vừa dụi đôi mắt đỏ ngầy, như thể còn ngái ngủ, – rồi trở về nhà, ngồi vào một căn phòng giấy ấm áp, thoải mái và… đi nhờ một bác sĩ tử tế chữa bệnh đau đầu… Đã từ lâu tôi không được sống cho ra con người. Ở đây tệ quá! Tệ không chịu được!

Sau cơn kích động hôm qua, Ivan Gromov mệt mỏi, rã rời, nói năng miễn cưỡng. Mấy ngón tay hắn run run, và trông vẻ mặt cũng có thể thấy hắn đang nhức đầu dữ dội.

– Giữa một căn phòng giấy ấm áp, thoải mái và các phòng bệnh này chẳng có gì khác nhau hết, – bác sĩ Raghin nói. – Sự thư thái và thỏa mãn của con người không ở bên ngoài, mà ở trong bản thân con người.

– Nghĩa là thế nào?

– Con người tầm thường chờ đợi điều lành hay điều dữ từ bên ngoài, nghĩa là từ một cổ xe song mã hay từ một căn buồng giấy, còn con người biết suy nghĩ thì chờ đợi ở bản thân mình.

– Ông đi sang Hy Lạp mà truyền bá cái triết lý này: ở bên ấy khí hậu ấm áp, không khí thơm ngát mùi hoa dương hải đường chứ ở đây nó không hợp thủy thổ đâu. Trước đây tôi có nói chuyện về Điôgien với ai ấy nhỉ? Với ông à?

– Phải, hôm qua anh có nói chuyện ấy với tôi.

– Điôgien không cần buồng giấy và nhà ấm ; ở bên ấy đã nóng sẵn rồi. Cứ việc nằm trong cái thùng tonnô mà ăn cam và ăn ôliu. Chứ ví thử ông ta phải ở Nga thì đừng nói gì tháng chạp, ngay tháng ba ông ta cũng phải đến xin vào phòng. Hẳn là ông ta phải rét cóng đi.

– Không. Người ta có thể không cảm thấy lạnh, nói chung là không có cảm giác đau đớn gì. Mareus Aurelius có nói: « Cái đau chẳng qua là một biểu tượng mạnh về cái đau: hãy dùng nghị lực cố thay đổi cái biểu tượng ấy đi, hãy gạt nó ra, đừng kêu than nữa, rồi cái đau sẽ mất ». Đúng thế. Người hiền minh, hay chỉ là người biết suy nghĩ, biết tư duy thôi cũng vậy, khác người tầm thường chính ở chỗ họ coi khinh nỗi đau khổ: họ bao giờ cũng thanh thản và không có gì làm cho họ ngạc nhiên.

– Thế ra tôi chính là một thằng ngu, vì tôi đau khổ, tôi bất mãn và ngạc nhiên trước sự hèn hạ của con người.

– Anh nói thế thật không phải. Giá anh hay suy nghĩ hơn, anh sẽ hiểu rằng tất cả những cái gì ở bên ngoài đang làm cho anh lo lắng, xúc động đều hết sức vô nghĩa lý. Phải vươn tới chỗ thấu hiểu lẽ sống. Hạnh phúc chân chính là ở đấy.

– Thấu hiểu… – Gromov nhăn mặt. – Bên ngoài, bên trong… Xin lỗi ông, tôi không hiểu được đâu. Tôi chỉ biết có một điều, – hắn đứng dậy giận dữ nhìn vào mặt bác sĩ – tôi biết rằng Thượng đế đã lấy máu nóng và gân cốt sáng tạo ra tôi, vâng, thế đấy! Mà một cơ thể sống, nếu nó có sức sống thật, ắt phải phải phản ứng trước mọi sự kích thích. Thế thì tôi cũng phản ứng! Đau ư? tôi phản ứng bằng tiếng kêu và nước mắt ; đối với sự đê hèn, tôi phải ghê tởm. Theo tôi, chính cứ thế mới gọi là sống. Một sinh vật càng thấp kém, thì càng ít nhạy cảm và phản ứng càng yếu ớt trước sự kích thích, một sinh vật càng cao cấp thì lại càng nhạy cảm và phản ứng càng nhanh đối với hiện thực. Làm sao lại không biết được điều đó? Làm bác sĩ mà không biết những chuyện vặt như thế! Muốn coi khinh đau khổ, lúc nào cũng thỏe thuê và không ngạc nhiên trước cái gì hết, cần phải tiến tới cái trạng thái như thế kia kìa, – Gromov chỉ gã mugich phì nộn nung núc những mỡ, – hoặc giả phải tôi luyện mình bằng đau khổ cho kỳ mất hết khả năng cảm thấy đau khổ, nghĩa là, nói một cách khác, đừng sống nữa. Xin ông bỏ quá cho, tôi không phải là thánh hiền, tôi chẳng phải là triết gia, – Gromov bực bội nói tiếp, – cho nên ông nói tôi chẳng hiểu gì hết. Tôi không đủ sức lý luận.

– Trái lại, anh suy luận rất hay.

– Vừa rồi ông có nói những điều hao hao như thuyết khắc kỷ. Nhưng thật ra ông chỉ nhai lại phái khắc kỷ một cách lố bịch, các triết gia khắc kỷ là những con người rất đáng phục, nhưng học thuyết của họ đã chết cứng từ hai nghìn năm về trước, nó không tiến lên được một ly nào, và không thể tiến lên được, vì nó không thiết thực và không có sức sống. Xưa kia nó chỉ được hoan nghênh trong một thiểu số người suốt đời chỉ lo nghiền ngẫm nhấm nháp đủ các thứ lý thuyết, còn phần đông thì không hiểu được nó. Một học thuyết dạy người ta phải dửng dưng đối với sự giàu sang, đối với những tiện nghi của cuộc sống, phải coi khinh đau khổ, coi khinh cái chết, một học thuyết như vậy thì đại công chúng không sao hiểu được, vì cái quảng đại công chúng này chưa bao giờ biết thế nào là giàu sang, thế nào là tiện nghi sinh hoạt ; còn như coi khinh đau khổ thì đối với họ có nghĩa là coi khinh bản thân cuộc sống, vì tất cả cái bản chất của con người chung quy là những cảm giác đói rét, tủi nhục, mất mát và nỗi sợ kinh hoàng trước cái chết, theo kiểu Hămlét. Cả cuộc sống gói tròn trong những cảm giác này: có thể chán nó, ghét nó, nhưng không thể coi khinh nó được. Phải, đúng như thế, tôi xin nhắc lại học thuyết khắc kỷ không bao giờ có thể có tương lai, cái đang tiến lên, như ông cũng thấy đấy, kể từ đầu thế kỷ cho đến nay, chính là cuộc đấu tranh, là sự nhạy cảm đối với đau đớn, là khả năng phản ứng trước sự kích thích…

Gromov đột nhiên lạc mất dòng suy tưởng, ngừng bặt và bực bội đưa tay lên xoa trán.

– Tôi đang định nói một cái gì quan trọng thì tự dưng quên mất, – hắn nói. – Tôi đang nói gì nhỉ? A phải! Đây, tôi định nói là có một người trong phái khắc kỷ đã bán mình làm nô lệ để chuộc lại một đồng loại. Ông thấy chưa, như thế tức là một nhà khắc kỷ cũng phản ứng trước sự kích thích, vì muốn có được một hành động đại lượng như việc tự hủy mình vì đồng loại, cần có một tâm hồn biết phẫn kích, biết thương xót. Trong cái ngục này tôi đã quên hết những điều học đực, chứ không thì tôi còn nhớ thêm được một chuyện gì nữa. Thế thử lấy Chúa Cơ đốc chẳng hạn. Cơ đốc phản ứng lại thực tại bằng tiếng khóc, bằng nụ cười, bằng nỗi buồn, bằng cơn giận, thậm chí còn biết nhớ nhung nữa ; người không hề tươi cười khi chờ đón những nỗi đau khổ, và không coi kinh cái chết: trong vườn Gethsemani người đã van xin cha đừng bắt phải cầm lấy « chén đau thương này ».

Gromov cười lớn và ngồi xuống.

– Cứ cho là sự thư thái và thỏa mãn của con người không phải ở bên ngoài, mà chính ở bên trong con người, – hắn nói. – Cứ cho là cần phải coi khinh đau khổ và không ngạc nhiên trước bất cứ điều gì. Nhưng ông dựa trên cơ sở nào mà truyền giảng như vậy? Ông là bậc đại hiền? Là nhà triết học?

– Không, tôi không phải là nhà hiền triết, nhưng mọi người đều phải truyền bá điều đó, vì như thế là hợp lẽ.

– Không, tôi muốn biết tại sao trong cái việc thấu hiểu lẽ sống, coi khinh đau khổ vân vân, ông lại cho mình là người có thẩm quyền? Ông chưa bao giờ đau khổ hay sao? Ông có khái niệm gì về đau khổ? Xin phép hỏi: hồi bé ông có bị đánh roi không?

– Không, bố mẹ tôi vốn ghê tởm nhục hình.

– Còn tôi thì bị bố đánh rất tàn nhẫn. Bố tôi là một con người bẳn tính, một ông công chức mắc bệnh trĩ, mũi to, cổ vàng ệch. Nhưng ta hãy bàn về ông đã. Suốt đời ông không bị ai chạm đến lỗ chân lông, không bị ai đe dọa, đánh đập: ông khỏe như con bò tót. Ông lớn lên dưới mái nhà ấm cúng của bố, được nuôi cho ăn học, học xong là kiếm ngay được một chỗ làm nhàn hạ. Hơn hai mươi năm ông được ở một căn nhà  không mất tiền thuê, có lò sưởi ấm, có đèn sáng trưng, có người hầu hạ, lại có quyền muốn làm việc ra sao cũng được, thích thì làm, không thì thôi, không làm gì cũng chẳng sao. Tự bản chất, ông là người lười biếng, ưa nhàn, cho nên đã cố gắng thu xếp sinh hoạt sao cho đừng bị phiền nhiễu, đừng phải xê dịch. Công việc thì ông giao cho thằng y tá trưởng và những tên nô lệ khác, còn bản thân ông thì ngồi lì ở chỗ ấm áp và yên tĩnh, tích lũy cho nhiều tiền, đọc sách này báo nọ, mua vui bằng những suy tưởng về đủ các thứ chuyện nghe rất cao siêu nhưng thật ra rất nhảm, và (Gromov nhìn cái mũi đỏ của bác sĩ) bằng chất cồn. Nói tóm lại, ông chưa nhìn thấy cuộc sống, ông không biết chút gì về đời hết, còn thực tại thì ông chỉ biết trên lý thuyết. Còn như sở dĩ ông khinh miệt đau khổ và không ngạc nhiên vì việc gì hết là vì một nguyên nhân rất đơn giản: tất cả những thứ lý thuyết về nỗi phù phiếm của vinh hoa, về nội tâm và ngoại giới, về thái độ coi khinh cuộc sống, coi khinh đau khổ và coi khinh cái chết, về sự thấu hiểu lẽ sống, vì hạnh phúc với một anh ăn không ngồi rồi ở cái xứ Ngalatư này. Nếu ông trông thấy một anh mugích đánh vợ chẳng hạn. Can làm gì? Cứ để cho hắn đánh, vì cả hai không trước thì sau rồi cũng phải chết ; vả lại không phải kẻ đánh người làm nhục kẻ bị đánh, chính hắn làm nhục bản thân hắn kia mà. Rượu chè bê tha là ngu xuẩn, là mất nhân cách, nhưng có rượu chè thì rồi cũng chết mà không rượu chè thì cũng cũng chết nốt. Một mụ đàn bà đến bệnh viện kêu đau răng… ấy, có sao đâu? Đau là biểu tượng về cảm giác đau, vả lại phàm đã sống ở đời ắt phải có bệnh tật, ai rồi cũng vùi ba tấc đất, cho nên mụ kia về đi, để ta còn tư duy và uống rượu. Một anh thanh niên đến hỏi ý kiến xem nên làm gì, nên sống ra sao? Giá là người khác, thì trước khi khuyên nhủ tất phải suy nghĩ đôi chút, nhưng đằng này thì câu trả lời đã sẵn: hãy cố gắng thấu hiểu lẽ sống, hãy đi tìm nguồn hạnh phúc chân chính. Thế cái « hạnh phúc chân chính » huyền hoặc ấy là cái gì? Dĩ nhiên là không có câu trả lời. Người ta giam giữ chúng tôi ở đây, sau dãy chấn song, để mặc cho chúng tôi mục rữa ra, hành hạ chúng tôi, nhưng làm như thế là tốt lành và hợp lý lắm, bởi vì giữa gian phòng này và một căn buồng giấy ấm cúng, tiện nghi không có gì khác nhau hết. Thật là một triết lý rất Tiện: vừa chẳng phải làm gì, lương tâm lại vẫn trong sạch, lại vừa cảm thấy mình là nhà hiền triết… Không, thưa ông, đây không phải là triết lý, không phải là tư duy, không phải là quan niệm rộng rãi, mà là thói lười biếng, là chủ nghĩa Fakir (Tu sĩ Hồi giáo phát nguyên chỉ sống bằng của bố thí), là tình trạng mụ mẫm đờ đẫn… Phải! – Gromov lại nổi giận. – Ông coi khinh đau khổ, nhưng chắc hẳn nếu cánh cửa chẹt phải ngón tay ông, ông sẽ gào tướng lên cho mà xem!

– Có thể tôi sẽ không gào đâu, – bác sĩ Raghin nói, miệng mỉm một nụ cười hiền dịu.

– Lại còn không! Thế còn nếu ông mắc chứng bại liệt, hay nói giả dụ có một thằng ngu hay một kẻ xấc xược nào lợi dụng địa vì và chức vụ để lăng nhục ông công khai, và ông biết rằng chả ai làm gì được hắn, – ấy, lúc bấy giờ ông sẽ hiểu thế nào là xui người ta đi tìm lẽ sống và hạnh phúc chân chính.

– Rất độc đáo, – bác sĩ Raghin vừa nói vừa xoa tay cười, thích thú, – cái khuynh hướng khái quát hóa của anh đã làm cho tôi ngạc nhiên một cách thú vị, còn bức chân dung mà anh vừa có nhã ý xây dựng cho tôi thì chỉ có thể phê là tuyệt tác. Xin thú thật là nói chuyện với anh tôi thấy thú vô cùng. Ấy đấy, tôi đã lắng nghe anh, bây giờ xin anh cũng vui lòng nghe tôi nói…

 

XI

Cuộc luận đàm này kéo dài khoảng một giờ nữa, và hình như đã để lại trong tâm hồn bác sĩ Raghin một ấn tượng sâu sắc. Ông bắt đầu lui tới căn nhà xép hàng ngày. Ông đến vào buổi sáng, và sau bữa ăn trưa, và nhiều khi bóng hoàng hôn đã xuống mà ông vẫn còn ngồi đàm đạo với Ivan Gromov. Thời gian đầu Gromov còn e ngại ông ta, nghi ngờ ông ta có ẩn ý gì xấu và công khai tỏ ý khó chịu, nhưng rồi về sau hắn cũng quen dần và thay lối phản ứng gay gắt bằng một thái độ châm biếm có phần hạ cố.

Chẳng bao lâu khắp bệnh viện người ta bắt đầu kháo nhau là bác sĩ Raghin bắt đầu lui tới phòng 6. Viên y tá trưởng Nikita hay các chị hộ lý đều không sao hiểu được bác sĩ đến đấy làm gì, tại sao ông lại ngồi suốt hàng giờ ở đấy, ông chuyện trò những gì và tại sao lại chẳng thấy ông kê đơn gì cả. Những hành động của ông xem ra thật kỳ dị. Mikhail Averyanyts đã nhiều lần không gặp ông ở nhà, một điều trước kia không bao giờ xảy ra cả, và chị Đaryuska rối bối rối vì bác sĩ không uống bia có giờ giấc nhất định nữa và thậm chí đôi khi lại còn về muộn bữa ăn trưa.

Có một hôm, vào cuối tháng sáu, bác sĩ Khobotov đến nhà tìm bác sĩ Raghin có việc gì không rõ, không thấy ông ở nhà, Khobotov xuống sân tìm ông, ở đấy có người cho anh ta biết rằng ông bác sĩ già đến chỗ các bệnh nhân tinh thần. Bước vào căn nhà xép và dừng lại ở phòng lót, Khobotov nghe được đoạn đối thoại sau đây:

– Ông với tôi không bao giờ nhất trí được đâu, và ông sẽ không thuyết phục được cho tôi chấp nhận quan niệm của ông được đâu, – Ivan Gromov nói, giọng gắt gỏng. – Ông không biết gì về thực tế và chưa bao giờ chịu khổ, mà chỉ ăn bám vào những nỗi đau khổ của kẻ khác, như con đỉa, còn tôi thì lại đau khổ liên miên từ khi ra đời cho đến ngày nay. Cho nên tôi xin nói thẳng ra rằng tôi tự thấy mình cao hơn ông và có thẩm quyền hơn ông về mọi phương diện. Hạng ông không dạy được tôi đâu.

– Tôi tuyệt nhiên không có tham vọng thuyết phục được cho anh chấp nhận quan niệm của tôi, – bác sĩ Raghin nói khẽ, có ý tiếc rằng người ta không chịu hiểu mình. – Mà vấn đề không phải ở chỗ ấy, anh bạn ạ. Vấn đề không phải ở chỗ anh đã từng đau khổ, còn tôi thì chưa. Đau khổ và vui sướng là chuyện nhất thời, ta hãy gạt nói sang một bên. Vấn đề là ở chỗ anh với tôi là người biết suy nghĩ ; chúng ta tìm thấy ở nhau những con người có đủ khả năng tư duy và biện luận, và điều đó là cho chúng ta gắn bó với nhau, dù quan niệm của chúng ta có khác nhau đến đâu chăng nữa. Anh bạn ạ, giá anh biết tôi đã phát ngấy lên đến nhường nào trước cái tình trạng điên rồ, bất tài và đần độn đang ngự trị trên toàn xã hội, và mỗi lần được nói chuyện với anh tôi có được một niềm vui lớn lao như thế nào? Anh là người thông minh, và tôi đã tìm thấy ở anh một nguồn lạc thú.

Khobotov mở hé cánh cửa ra và nhìn vào phòng ; Ivan Gromov đầu đội mũ chụp bông và bác sĩ Raghin đang ngồi kề vai nhau trên giường. Người điên nhăn nhó, rùng mình và lật bật kéo hai vạt áo quấn chặt lấy người, còn ông bác sĩ thì ngồi yên không nhúc nhích, đầu cúi gầm, gương mặt đỏ bừng lộ vẻ hoang mang, rầu rĩ. Khobotov nhún vai, cười nhạt và đưa mắt cho Nikita. Nikita cũng nhún vai.

Hôm sau Khobotov cùng vào căn nhà xép với viên y tá trưởng. Hai người đứng ở phòng ngoài nghe lỏm.

– Ông già của chúng ta hình như quỵ đến nơi rồi đấy! – Khobotov nói trong khi ra khỏi căn nhà xép.

– Lạy Chúa tha tội! – Ông Xerghêy Xerghêyts mộ đạo thở dài trong khi cẩn thận đi vòng qua các vũng nước để lắm đôi ủng đánh bóng lộn. – Ông Yevghini Fiođoryts kính mến ạ, xin thú thật là từ lâu tôi đã biết và sự thể rồi sẽ đến nông nổi này.

 

XII

Từ đấy bác sĩ Raghin bắt đầu nhận thấy xung quanh có một không khí gì hơi bí ẩn. Phu bệnh viện, hộ lý và bệnh nhân mỗi lần trông thấy ông lại chăm chú nhìn ông có ý dò hỏi, rồi quay ra thầm thì to nhỏ với nhau. Con bé Masa, con ông quản lý, mà ông vẫn thích gặp trong khu vường của bệnh viện, bây giờ mỗi khi ông mỉm cười đến để xoa đầu nó, không hiểu sao cứ bỏ chạy. Ông chủ sự bưu vụ khi nghe nói chuyện không còn nói: « Hoàn toàn đúng » nữa, mà lại lắp bắp một tràng « vâng vâng vâng… », vẻ lúng túng rất khó hiểu, và nhìn ông một cách tư lự và rầu rĩ ; không hiểu sao ông ta bắt đầu khuyên nhủ bạn đừng uống rượu, uống bia nữa, nhưng vì ông ta vốn là người tế nhị, cho nên ông không nói thẳng ra, mà chỉ dùng những lời ám dụ, khi thì kể chuyện một viên tiểu đoàn trưởng nào đấy, một người rất đáng quý, khi thì lại một ông linh mục của trung đoàn, cũng là một người rất tốt, – cả hai đều uống rượu rồi phát ốm ra, nhưng đến khi bỏ rượu rồi thì lại khỏi hẳn. Ông bạn đồng nghiệp Khobotov có đến thăm bác sĩ Raghin vài ba lần ; ông ta cũng khuyên nên bỏ các thức uống có chất cồn, và tự dưng bảo ông nên uống brômuya kali.

Đến tháng tám bác sĩ Raghin nhận được của viên thị trưởng một bức thư mời ông đến gặp có việc rất quan trọng. Đến tòa thị chính đúng giờ ấn định, bác sĩ Raghin thấy ở đấy đã có viên lãnh binh, viên đốc học, một ủy viên hội đồng thị xã, Khobotov và một ông béo tốt phương phi, có bộ tóc vàng, mà người ta giới thiệu với ông là một bác sĩ. Ông bác sĩ này có một cái tên Ba-lan rất khó đọc, ở tại một trại nuôi ngựa cách thị xã ba mươi verxta, chỉ nhân thể ghé qua đây. Sau khi mọi người đã chào hỏi xong xuôi và ngồi vào bàn, ông hội đồng nói với bác sĩ Raghin:

– Ở đây chúng tôi có nhận được một tờ trình về một việc thuộc phạm vi quyền hạn của ông. Ông Yevgheni Fiodoryts đây có nói là phòng thuốc để ở tòa nhà chính của bệnh viện hơi chật, cần phải chuyển sang một trong các dãy nhà phụ. Dĩ nhiên việc đó chẳng thành vấn đề, chuyển cũng được thôi, nhưng cái chính là dãy nhà phụ cần được tu sửa lại.

– Đúng, không sửa không được, – bác sĩ Raghin nói sau một lát suy nghĩ. – Nếu sửa dãy nhà phụ ở góc sau chẳng hạn để dọn phòng thuốc, thì theo tôi tối thiểu cũng phải năm trăm rúp. Đây là một khoản chi phí phi sản xuất.

Mọi người im lặng một lát.

– Cách đây mười năm tôi đã có hân hạnh báo cáo, – bác sĩ Raghin nói tiếp, giọng dịu dàng – rằng bệnh viện này, ở cái quy mô hiện nay của nó, là một món xa xỉ đối với thị trấn, không hợp với ngân sách của nó chút nào. Bệnh viện được xây dựng vào những năm bốn mươi, nhưng hồi ấy ngân sách không phải như bây giờ. Thị xã tiêu phí quá nhiều vào những công trình xây dựng không cần thiết và vào những chức vụ vô ích. Tôi nghĩ rằng nếu theo những lề lối khác, số tiền ấy đủ để tổ chức hai bệnh viện mẫu mực.

– Thế thì ông cứ áp dụng những lề lối khác ấy đi! – Ông ủy viên hội đồng nhanh nhảu nói.

– Tôi đã có hân hạnh trình bày là nên chuyển giao công việc y tế cho hội đồng nông phố quản lý.

– Phải, cứ giao tiền cho nông hội, nông hội sẽ đút túi hết, – ông bác sĩ tóc vàng cười lớn.

– Xưa này vẫn có cái lệ ấy đấy, – ông ủy viên hội đồng thị xã tán đồng và cũng cất tiếng cười lớn.

Bác sĩ Raghin uể oải và lờ đờ nhìn ông bác sĩ tóc vàng nói:

– Cũng nên công bằng.

Mọi người lại im lặng một lát. Người hầu dọn trà lên. Viên lãnh binh không hiểu tại sao có vẻ rất lúng túng, chỉa tay qua bàn chạm vào tay bác sĩ Raghin và nói:

– Bác quên hẳn chúng tôi đi rồi, bác sĩ ạ. Vả chăng, bác sống như ông thầy tu: bài bạc cũng không chơi, đàn bà cũng chẳng thích. Bác mà ngồi với bọn chúng tôi thì bác chán lắm.

Ai nấy đều quay ra nói về nỗi buồn chán của một người có văn hóa phải sống ở cái thị trấn này. Nhà hát không có, âm nhạc cũng không còn, trong buổi dạ hội khiêu vũ vừa qua ở câu lạc bộ có khoảng hai mươi bà và chỉ có hai người đàn ông nhảy với họ. Thanh niên không khiêu vũ, suốt buổi chị tụ tập xung quanh quầy giải khát hoặc ngồi đánh bài. Giọng nhỏ nhẹ và chậm rãi, mắt không nhìn vào ai cả, bác sĩ Raghin bắt đầu nói về cái tình trạng đáng tiếc, đáng tiếc vô cùng, là những người dân thị trấn này đem phung phí hết sinh lực của mình, tâm hồn và trị tuệ của mình vào những trò giải trí vô bổ và những chuyện ngôi lê đôi mách, chứ không biết và không muốn dùng thì giờ vào những cuộc mạn đàm thú vị hoặc những cuốn sách hay, không thích hưởng những lạc thú do trí tuệ đem lại. Chỉ có trí tuệ là lý thú và ưu việt, còn tất cả những thứ khác đều nhỏ nhen và đê tiện. Khobotov chăm chú lắng nghe người bạn đồng nghiệp, rồi đột nhiên hỏi ông:

– Anđrêy Yefimovits ạ, hôm nay là ngày mấy nhỉ?

Nghe xong câu trả lời, ông ta và ông bác sĩ tóc vàng, với cái giọng của những viên giám khảo biết mình non kém, bắt đầu hỏi bác sĩ Raghin như hôm nay là ngày thứ mấy, trong một năm có bao nhiêu ngày, và có đúng là ở phòng 6 có một bậc tiên tri lỗi lạc không.

Nghe câu nói sau, bác sĩ Roghin đỏ mặt và nói:

– Phải, anh ta ốm, nhưng đó là một thanh niên rất thú vị.

Họ không hỏi thêm ông ta câu nào nữa.

Trong khi ông mặc áo khoác ở phòng ngoài, viên lãnh binh đặt tay lên vai ông, nói trong một tiếng thở dài:

– Cánh già chúng tôi đã đến lúc lui về nghỉ ngơi rồi đấy.

Ra khỏi tòa thị chính, bác sĩ Raghin đã vỡ nhẽ ra rằng vừa rồi là một ủy ban được thành lập riêng để thẩm tra lại những khả năng tâm lực của ông. Nhớ lại những câu hỏi mà người ta đã đặt ra cho ông, Anđrây Yefimovits đỏ mặt, và không hiểu tại sao lần đầu tiên trong đời ông thấy thương hại y học quá chừng.

« Trời ơi – ông nghĩ thầm trong khi nhớ lại cái cách thức mà hai ông thầy thuốc kia đã dùng để khảo sát ông, – dù sao cách đây không lâu họ cũng đã học qua giáo trình thần kinh bệnh học, họ đã thi qua kỳ sát hạch tốt nghiệp, thế thì tại sao họ lại có thể dốt đặc như vậy? Họ không có một chút khái niệm gì về bệnh tinh thần hết! ».

Và lần đầu tiên trong đời ông cảm thấy mình tủi nhục và căm phẩn.

Tối hôm ấy Mikhail Averyanyts lại đến ông. Không chào hỏi gì, viên chủ sự bưu vụ bước lại, cầm lấy cả hai tay ông và nói, giọng xúc động:

– Anh ơi, người bạn thân thiết của tôi, anh hãy chứng minh cho tôi thấy rõ anh tin vào thiện ý chân thành của tôi và coi tôi là bạn anh… anh ạ! – Và không để cho bác sĩ Raghin nói, ông tiếp luôn, rất kích động: – Tôi mến anh vì học thức uyên thâm và tâm hồn cao thượng của anh. Anh hãy nghe tôi, anh ạ. Những qui tắc của khoa học buộc các bác sĩ giấu giếm không cho anh biết sự thật, nhưng tôi là con nhà binh, tôi xin nói toạc ra rằng anh có bệnh! Anh bỏ quá cho tôi, anh bạn rất quí của tôi ạ, nhưng đó là sự thật, mọi người ở xung quanh đều đã nhận thấy thế từ lâu. Vừa rồi bác sĩ Yevgheni Fiodoryts có nói với tôi rằng với tình trạng sức khỏe của anh hiện nay anh nhất thiết phải nghỉ ngơi và giải trí cho khuây khỏa. Hoàn toàn đúng! Hay tuyệt! Nay mai tôi sắp xin nghỉ phép và lên đường đi đổi gió. Vậy anh hãy chứng minh rằng anh đối với tôi là một người bạn, ta hãy cùng đi! Ta hãy cùng sống lại thời hoa niên!

– Tôi thấy tôi hoàn toàn khỏe mạnh – bác sĩ Raghin suy nghĩ một lát rồi nói. – Còn đi thì tôi không đi được. Ông cho phép tôi được làm một cái gì khác để chứng minh tình bạn của tôi đối với ông.

Tự dưng bỏ đi tận đâu đâu, chẳng biết để làm gì, không có sách, không có Đaryuska, không có bia, phá vỡ cái trật tự sinh hoạt đã thành nếp từ hai mươi năm nay, – phút đầu nghĩ đến những chuyện này ông thấy nó kỳ quặc và hoang đường quá. Nhưng ông lại nhớ đến cuộc nói chuyện ở tòa thị chính và cái tâm trạng nặng nề mà ông đã thể nghiệm từ đấy về nhà, và bắt đầu thấy vui vui khi nghĩ rằng mình sẽ rời bỏ ít lâu cái thị trấn có những con người ngu xuẩn đang cho mình là điên rồ.

– Thế cụ thể ông định đi đâu? – bác sĩ Raghin hỏi.

Đi Moxkva, đi Peterburg, đi Varsava… Ở Varsava tôi đã từng sống qua năm năm hạnh phúc nhất của tôi. Thật là một thành phố lạ lùng! Ta đi đi, anh bạn thân mến của tôi ạ.

 

XIII

Một tuần sau người ta đề nghị bác sĩ Raghin nghỉ việc, nghĩa là về hưu trí. Ông nghe đề nghị này một cách dửng dưng, và một tuần sau nữa ông và Mikhail Averyanyts đã ngồi trên chiếc xe bưu vụ đi đến nhà ga xe lửa gần nhất. Mấy hôm ấy mát mẻ, quang đãng, trời xanh biếc, không gian ở phía xa trong vắt. Họ đi cái quãng đường chừng hai trăm dặm để ra ga mất hai ngày hai đêm và dọc đường nghỉ lại hai lần. Ở các trạm bưu vụ, mỗi khi người ta dọn những bộ chén trà rửa không sạch hoặc thắng ngựa quá lâu, Mikhail Averyanyts lại đỏ mặt tía tai lên, run bắn cả người và quát: « Im ngay! Không được lý sự! ». Ngồi trên xa trạm thì ông kể lể huyên thuyên không ngừng lấy một phút về các chuyến đi của mình ở vùng Kavkaz và ở Vương quốc BaLan. Biết bao nhiêu những biến cố ly kỳ, bao nhiêu những cuộc gặp gỡ huyền diệu! Ông ta nói rất to và khi nói mắt lại tỏ vẻ kinh ngạc đến nỗi có thể tưởng ông toàn nói khoác.

Để tiết kiệm, họ đi xe lửa vé hạng ba, ngồi ở toa những người không hút thuốc. Một nửa số hành khách trong toa nom cũng sạch sẽ. Mikhail Averyanyts chẳng mấy chốc đã làm quen được với mọi người ; ông ta cứ chuyển hết ghế này sang ghế nọ, nói oang oang lên rằng không nên đi trên những tuyến đừng khả ố này. Chỉ là một sự gian lận thuần túy! Đi ngựa hơn nhiều chứ: một ngày ngốn luôn một trăm dặm, sau đó lại thấy trong người khỏe mạnh, sảng khoái. Còn sở dĩ tỉnh ta mất mùa là vì họ tháo nước khô kiệt mất cái đầm Pinski. Nói chung là rối ren kinh khủng. Ông ta hăng tiết lên, nói rất to, không cho ai nói hết. Những lời ba hoa vô tận này, xen với tiếng cười ông ổng và những kiểu hoa chân múa tay hùng hồn, đã làm cho bác sĩ Raghin mỏi mệt.

« Giữa lão ấy với ta, ai là kẻ điên rồ? – Ông bực mình nghĩ bụng. – Phải chăng chính là ta, người luôn cố gắng đừng làm phiền gì các hành khách, hay là cái lão ích kỷ ấy, con người luôn nghĩ rằng ở đây mình là kẻ thông minh và thú vị hơn ai hết, cho nên không thể cho ai yên lấy một phút? ».

Ở Moxkva, Mikhail Averyanyts mặc một chiếc áo quân phục không có lon và một cái quần không có sọc đỏ hai bên. Ra phố, ông ta đội mũ lưỡi tra nhà binh và mặc áo capốt, thành thử binh sĩ đều chào ông ta. Bây giờ bác sĩ Raghin có cảm giác đây là một con người trước kia vốn có đủ các đặc tính của ông trang chủ, nhưng đã tiêu phí hế những cái tốt và chỉ giữ lại toàn những cái xấu. Ông ta thích người ta phục dịch mình, ngay cả những khi hoàn toàn không cần thiết chút nào. Diêm để trên bàn ngay trước mặt ông ta, và ông ta trông thấy rõ ràng, nhưng vẫn quát người ta đưa cho ; trước mặt chị hầu phòng mà ông cũng cứ mặc mỗi đồ lót, không hề thấy ngượng ; đối với các gia nhân, không chút phân biệt, ngay đối với những người già rồi cũng thế, ông đều gọi bằng « mày » tất, và mỗi khi nổi giận ông chửi họ là đồ bị thịt và đồ ngu. Bác sĩ Raghin thấy như thế là đúng kiểu ông lớn, nhưng cũng là khả ố hết sức.

Trước hết Mikhail Averyanyts đưa bạn đến nhà thờ Đức Mẹ Iberia. Ông ta cầu nguyện rất thành tâm, luôn luôn cúi lạy sát đất và ứa nước mắt ra, rồi cầu nguyện xong xuôi, ông lại thở ra một tiếng rõ dài rồi nói:

– Anh không chịu tin chứ khi cầu nguyện sẽ thấy mình thư thái hơn ít nhiều. Anh hôn bức tượng thánh này đi, anh bạn.

Bác sĩ Raghin ngượng ngùng chạm môi vào ảnh thánh, trong khi Mikhail Averyanyts chẫu môi ra, vừa lắc lắc cái đầu vừa thầm thì khấn khía, và mắt ông ta lại rớm lệ. Sau đó hai người vào thành Kremlin xem Vua súng và Vua chuông, lại còn lấy ngón tay sờ nữa, ngắm cảnh bên kia sông Moxkva, thăm thánh đường Chúa Cứu thế và Viện bảo tàng Ruminantxev.

Họ ăn ở hiệu Textov, Mikhail Averyanyts nghiên cứu bản thực đơn rất lâu, tay vuốt vuốt lên bộ râu má, và lấy giọng một gã sành ăn đã quen ngồi ở hiệu ăn mà vẫn cảm thấy như ở nhà mình, ông ta nói:

– Để xem hôm nay ông chủ đáng quí cho chúng tôi ăn những gì nào!

 

XIV

Bác sĩ có đi lại nhìn ngắm, ăn uống gì, thì vẫn chỉ có được một cảm giác duy nhất: chán ngấy cái lão Mikhail Averyanyts. Ông muốn được thoát khỏi ông bạn một chút cho đỡ mệt, bỏ đi đâu cho khuất, trốn đi đâu cho kín, nhưng ông lại tự thấy có bổn phận không rời ông ta một bước và cung cấp cho ông thật nhiều trò giải trí. Khi nào không có gì để xem, mà ngắm, thì ông giải khuây bác sĩ Raghin bằng những câu chuyện trò.

Bác sĩ Raghin chịu đượng được hai ngày. Nhưng đến ngày thứ ba ông đành tuyên bố với ông bạn là mình ốm và muốn ở nhà suốt ngày. Ông bạn nói rằng đã thế thì mình cũng ở nhà nốt. Quả tình cũng cần nghỉ ngơi, chứ cái đà này thì chân đến quỵ mất. Bác sĩ Raghin nằm trên đivăng, quay mặt vào lưng tựa, nghiến chặt răng lại để nghe ông bạn hăm hở chứng minh rằng nước Pháp không chống thì chầy nhất định đánh tan nước Đức, rằng ở Maxkva có rất nhiều kẻ cắp, và không thể căn cứ vào bề ngoài mà phán đoán giá trị của ngựa được. Bác sĩ bắt đầu thấy đầu váng tai ù, tim đập loạn xạ, nhưng ông nể quá không dám xin ông bạn đi ra ngoài hay im lặng một lát. Cũng may là Mikhail Averyanyts ngồi mãi trong phòng trọ cũng chán, cho nên ăn trưa xong ông bèn bỏ ra ngoài đi dạo một lát.

Nằm lại một mình, bác sĩ Raghin buông hẳn cho mình tận hưởng cái cảm giác được nghỉ ngơi. Dễ chịu làm sao được nằm trên đivăng và có ý thức rằng chỉ có mình mình trong phòng! Không thể nào có hạnh phúc chân chính được nếu không được cô đơn. Vị thiên sứ xa đọa (Tức Xa-tăng. Theo thánh sứ, Xa-tăng vốn là một tổng lãnh thiên sứ vì kiêu ngạo mà sa đọa, chống lại Thượng đế, nên bị Thượng đế đày xuống làm Quỷ trông coi hỏa ngục. Chữ angel (ange) thường dịch nhằm là « thiên thần ». Kỳ thực đây là những giả đưa tin() của Thượng đế.) đã phản lại Thượng đế có lẽ chính vì muốn được hưởng cái cảnh cô đơn mà các thiên sứ vốn không hề biết đến. Bác sĩ Raghin muốn nghĩ đến những gì đã được xem và được nghe trong mấy ngày gần đây, nhưng Mikhail Averyanyts cứ lởn vởn mãi trong óc ông.

« Ấy thế mà ông xin nghỉ phép và ra đi với mình chính là vì tình bạn, vì đại lượng, – bác sĩ bực bội nghĩ một mình. – Không có gì tệ hại hơn cái lối bảo trợ bằng hữu này. Mà xem ra ông ta cũng tốt bụng, rộng lượng, vui tính, nhưng phải cái nhạt nhẽo quá. Nhạt nhẽo không sao chịu được. Thế đấy, có những người bao giờ cũng chỉ nói những lời lẽ thông minh và tốt lành, nhưng người ta vẫn cảm thấy đó là những kẻ đần độn ».

Những ngày kế theo, bác sĩ Raghin cáo ốm, không ra khỏi phòng khách sạn. Ông cứ nằm quay mặt vào lưng đivăng và ê ẩm cả người chịu đựng những câu chuyện trò của ông bạn, hoặc giả nghỉ ngơi thư thái khi nào ông bạn đi vắng. Ông tự giận mình sao lại ra đi như thế này, và giận bạn ông cứ mỗi ngày lại thêm ba hoa và tự tiện ; ông muốn đưa tư tưởng mình lên một cung bậc trang nghiêm, cao cả mà không sao đưa được.

« Ấy là cái thực tế mà Ivan Đmitrits vẫn nói tới nó đang thấm vào mình đây, – ông tự nhũ, lòng căm tức sự ti tiện của mình. – Nhưng cũng chẳng sao… Mình sẽ trở về – và mọi việc đều sẽ như cũ… ».

Đến Peterburg cũng vẫn cứ thế: suốt ngày ông không ra khỏi phòng khách sạn, nằm lì trên đivăng và chỉ dậy uống bia mà thôi.

Mikhail Averyanyts luôn luôn giục ông đi Varsava.

– Ông bạn quí ạ, tôi sang đấy để làm gì? – bác sĩ Raghin nói, giọng van lơn. – Ông cứ đi một mình đi, còn tôi thì ông cho phép tôi được về nhà! Tôi van ông.

– Không đời nào! – Mikhail Averyanyts phản kháng. – Đó là một thành phố kỳ diệu. Ở đấy tôi đã sống qua năm năm hạnh phúc nhất của đời tôi!

Bác sĩ Raghin không có đủ nghị lực để giữ vững ý mình, thế là ông đành dằn lòng lên đường đi Varsava. Ở đây ông không ra khỏi phòng trọ, suốt ngày nằm trên đivăng giận mình, giận bạn và giận lũ người hầu cứ nhất quyết không chịu hiểu tiếng Nga, còn Mikhail Averyanyts thì vẫn như thường lệ, khỏe mạnh, linh lợi và vui tươi, từ sáng đến tối rong chơi khắp thành phố, đi tìm những người quen cũ. Có mấy lần ông ta không về ngủ ở nhà.

Sau một đêm chẳng biết đi những đâu, ông trở về nhà vào lúc sáng sớm trong một trạng thái khích động mạnh, mặt đỏ gay, tóc tai bơ phờ. Ông đi đi lại từ góc phòng này sang góc phòng kia một hồi lâu, mồm lẩm bẩm cái gì một mình, rồi dừng lại và nói:

– Danh dự trên hết!

Đi thêm một lát nữa, ông ôm đầu, dùng một giọng bi ai nói:

– Phải danh dự trên hết! Đáng nguyền rủa thay giây phút tôi đã này ra cái ý đến cái thành Baben hỗn loạn này! Anh bạn quý ơi, – ông ta quay sang nói với bác sĩ – anh khinh tôi đi, tôi đã thua bạc! Anh hãy cho tôi năm trăm rúp!

Bác sĩ Raghin đếm năm trăm rúp và lặng lẽ đưa cho ông bạn: ông này vẫn còn đỏ mặt tía tai lên vì xấu hổ và căm giận, ấp úng đọc lên một lời thề thốt vô ích, đội chiếc mũ lưỡi trai lên đầu và bỏ đi. Khoảng hai giờ sau ông ta trở về, buông người rơi bịch xuống ghế bàng, thở dài một tiếng rõ to rồi nói:

– Danh dự đã được cứu vãn! Ta đi thôi, anh bạn ạ! Tôi không muốn ở lại cái thành phố bị nguyền rủa này một phút nào nữa. Quân kẻ cắp! Quân gián điệp! Áo-đại-lợi!

Đôi bạn về đến thị trấn nhà thì đã sang tháng một và trên các đường phố tuyết đã phủ đầy. Bác sĩ Khobotov đã lĩnh chức vụ của bác sĩ Raghin. Ông ta vẫn ở nhà cũ đợi đến khi bác sĩ Raghin trở về và dọn khỏi căn nhà trong bệnh viện. Người đàn bà xấu xí mà ông ta gọi là chị nấu bếp đã đến ở trong một dãy nhà phụ.

Trong thị trấn có những tin đồn đại mới về bệnh viện. Nghe nói người đàn bà xấu xí đã có chuyện gì xích mích với viên quản lý, và đâu như gã này đã phải lê gối trước mặt mụ ta để xin lỗi.

Bác sĩ Raghin hôm mới về đã phải loay hoay đi tìm chỗ ở.

– Anh bạn à, – ông chủ sự bưu vụ rụt rè nói với ông, – anh bỏ quá cho tôi một câu hỏi bất lịch sự: anh hiện có bao nhiêu tiền?

Bác sĩ Raghin lặng lẽ rút tiền ra đếm rồi nói:

– Tám mươi sáu rúp.

– Tôi không hỏi chỗ ấy, – Mikhail Averyanyts nói lúng túng, ông ta không hiểu bác sĩ muốn nói gì. – Tôi hỏi anh còn bao nhiêu cả thảy kia.

– Thì tôi đã nói rồi đấy: tám mươi sáu rúp… Ngoài ra tôi chẳng còn gì nữa.

Mikhail Averyanyts xưa nay vẫn cho bác sĩ là người trung trực và cao thượng, nhưng ông ta vẫn ngờ rằng bác sĩ có một số vốn ít nhất là vài vạn rúp. Đến bây giờ, khi được biết rằng bác sĩ Raghin là một kẻ bần cùng, không còn biết lấy gì mà sống, ông bỗng dưng khóc òa lên và ôm chầm lấy bạn.

 

XV

Bác sĩ Raghin ở nhờ ngôi nhà nhỏ có ba cửa số của bà Belova, một người làm nghề buôn bán trong phố. Nhà này chỉ có ba phòng, nếu không kể gian bếp. Hai gian có cửa sổ trông ra phố được dành cho bác sĩ, còn gian thứ ba và gian nhà bếp thì chị Đaryuska ở chung với bốn mẹ con bà chủ nhà. Thỉnh thoảng nhân tình của bà Belova lại đến ngủ lại. Đó là một gã mugích say rượu, đêm đêm cứ làm ầm ĩ lên, khiến cho lũ trẻ và Đaryuska hết sức kinh hãi. Mỗi khi hắn đến ngồi lù lù trong bếp đòi rượu, mọi người đều thấy vướng víu chật chội, và bác sĩ thương tình phải đưa mấy đứa trẻ đang khóc thút thít về phòng mình, xếp chỗ cho chúng ngủ giữa sàn nhà. Công việc này làm cho ông rất thích thú.

Sáng sáng ông vẫn thức lúc tám giờ như trước kia và sau mấy chén trà ông lại ngồi vào bàn đọc những sách báo cũ. Mua sách và báo mới thì bây giờ ông không có tiền. Không biết vì sách đã cũ, hay vì hoàn cảnh đã thay đổi, nhưng việc đọc sách không còn thu hút ông một cách trọn vẹn và chỉ làm cho ông mệt mỏi. Để khỏi vô công rồi nghề, ông soạn một bản thư mục chi tiết cho tủ sách của ông và dán những cái nhãn con con vào gáy sách ; ông thấy cái công việc máy móc tẩn mẩn này thú vị hơn việc đọc sách. Cái công việc tẩn mẩn đơn điệu ấy ru ngủ tư duy của ông một cách bí ẩn: trong khi làm, ông không nghĩ gì hết, cho nên thời gian trôi qua rất nhanh. Ngay như ngồi dưới bếp gọt khoai tây với chị Đaryuska hay nhặt những hạt dọn trong mớ đỗ nấu canh ông cũng thấy thích thú. Đến thứ bảy và chủ nhật ông lại đi nhà thờ. Đứng cạnh tường và lim dim đôi mắt lại, ông lắng nghe tiếng hát và nghĩ đến cha mẹ ông, đến trường đại học, đến cái tôn giáo ; ông thấy tâm hồn thư thái và rầu rĩ, rồi đến khi rời nhà thờ, ông lấy làm tiếc rằng buổi lễ kết thúc quá nhanh.

Ông đã hai lần đến bệnh viện gặp Ivan Gromov để nói chuyện với hắn ta. Nhưng cả hai lần ấy Gromov đều khích động và hung hãn lạ thường ; hắn yêu cầu ông để cho hắn yên vì từ lâu hắn đã chán ngấy lối nói chuyện phiếm, và để đền bù lại tất cả những nỗi đau khổ của hắn, hắn chỉ xin những con người đê hèn, đáng nguyền rủa kia có một điều: cho hắn được giam một mình, đừng bị ai quấy rầy nữa. Chả lẽ chỉ có thế mà cũng không được? Hai lần ấy, khi bác sĩ Raghin từ biệt hắn và chúc hắn ngủ yên, hắn đã hầm hầm vặc lại:

– Cút đi cho rảnh.

Và bây giờ bác sĩ Raghin không biết có nên đến thăm hắn lần thứ ba hay không. Kể ra ông cũng không muốn đến lắm.

Trước kia ăn trưa xong bác sĩ Raghin thường đi đi lại lại trong nhà và suy nghĩ, nhưng bây giờ thì từ bữa ăn trưa đến bữa trà chiều ông chỉ nằm quay mặt vào lưng đivăng nghĩ toàn những chuyện nhỏ nhen mà ông không sao xua ra khỏi tâm trí được. Ông thấy phiền lòng vì ông đã làm việc cho Nhà nước hơn hai mươi năm mà người ta chẳng cho ông chút hưu bổng nào, một món tự cấp nhất thời cũng chẳng có. Quả tình ông làm việc cũng chẳng có công tâm gì, nhưng hưu bổng thì viên chức nào cũng được ăn, bất kỳ có công tâm hay không. Sự công bằng thời này chính là ở chỗ người ta dùng những chức vụ huân chương và hưu bổng không phải để thưởng đức hạnh và năng lực, mà để cho người làm việc Nhà nước nói chung, bất kỳ làm việc như thế nào. Tại sao mỗi một mình ông phải thành một lệ ngoại? Ông chẳng còn chút tiền nào. Mỗi khi đi ngang cái cửa hiệu ở cạnh nhà và mỗi khi nhìn bà chủ nhà ông xấu hổ quá. Tiền bia đã phải nợ đến ba mươi rúp, nợ bà Belova cũng khá nhiều. Đaryuska thầm lén đem bán những thứ áo quần, sách báo cũ và nói với bà chủ nhà là bác sĩ sắp lĩnh rất nhiều tiền.

Ông giận mình đã đem tiêu phí hết vào chuyến du lịch số tiền một nghìn rúp mà ông đã dành dụm được. Bây giờ mà còn số tiền ấy thì hay biết mấy! Ông bực mình vì người ta không để cho ông yên. Khobotov tự thấy có nhiệm vụ thỉnh thoảng đến thăm hỏi bạn đồng nghiệp. Trong nhân vật này, cái gì bác sĩ Raghin cũng thấy đáng ghét: cái mặt no đủ, cái giọng nói thô tục và trịch thượng, cái danh từ « bạn đồng nghiệp » mà hắn vẫn hay dùng, cũng như đôi ủng ống rất cao của hắn ; nhưng khả ố nhất là hắn tự do cho mình là có bổn phận chữa bệnh cho bác sĩ Raghin và tưởng mình đang chữa bệnh cho ông thật. Mỗi lần đến thăm hắn lại mang đến một lọ brômuya kali và những viên thuốc.

Cả cái ông Mikhail Averyanyts cũng tự thấy có bổn phận đến thăm bạn và giải khuây cho bạn. Lần nào đến ông ta cũng có một vẻ suồng sã cố ý, cười ha hả một cách gượng gạo và bắt đầu quả quyết nói rằng bác sĩ Raghin hôm này trông rất khá và công việc nhờ trời cũng đang ổn dần, – như thế có nghĩa là ông cho rằng tình cảm của ông bạn đã đến lúc vô phương cứu chữa. Ông ta chưa trả được món nợ Varsava cho nên cứ bị một cảm giác hổ thẹn nặng nề ám ảnh, khiến cho ông luôn luôn ở trong tình trạng căng thẳng. Vì thế ông lại cố cười cho thật to và kể chuyện cho thật buồn cười. Những giai thoại và những câu chuyện của ông đem kể bây giờ tưởng như dài vô tận và đã trở thành một cực hình đối với bác sĩ Raghin cũng như đối với bản thân ông ta.

Những khi có mặt ông ta, bác sĩ Raghin thường nằm trên đivăng quay mặt vào lưng tựa, nghiến răng nghe ; trong tâm hồn ông cảm thấy như bọt rác cứ đọng lại thành từng lớp, lớp này chồng lên lớp kia, và sau mỗi chuyến ông bạn đến thăm, lớp bọt ấy lại càng dày hơn và dần dần dâng lên đến cổ họng.

Để trấn áp những cảm xúc nhỏ nhen, ông vội vàng nghĩ rằng bản thân ông, Khobotov và Mikhail Averyanyts sớm muộn rồi cũng phải chết, không để lại một vết tích nào trong cuộc sống. Nếu tưởng tượng rằng một triệu năm sau có một thần linh nào bay trong không gian ngang qua quả đất, thì sẽ chỉ trông thấy đất bùn và những tảng đá trơ trụi. Tất cả – văn hóa cũng như các luật lệ luân lý – đều sẽ tiêu vong, và ngay cả một cây gai dại cũng không còn mọc nữa. Vậy thì có nghĩa gì đâu nỗi hổ thẹn trước mặt một anh chủ cửa hiệu, có nghĩa gì đâu một thằng Khobotov mạt hạng hay cái tình bạn khốn khổ của Mikhail Averyanyts? Tất cả những thứ đó đều là chuyện nhảm nhí không đâu.

Nhưng những suy luận này không còn có tác dụng nữa. Hễ ông tưởng tượng ra quả địa cầu một triệu năm sau, thì y như rằng từ sau một tảng đá trơ trụi lại thấy hiện ra cái bóng dáng của Khobotov đi ủng cao ống, hay Mikhail Averyanyts đang cười gượng gạo, thậm chí còn nghe cả tiếng thì thầm e thẹn: « Còn món nợ Varsava thì, anh bạn quý ạ, chỉ nay mai tôi sẽ trả… Thế nào tôi cũng sẽ trả cho anh ».

 

XVI

Một hôm Mikhail Averyanyts đến vào buổi chiều, khi bác sĩ Raghin đang nằm trên đi-văng. Tình cờ vừa lúc ấy Khobotov đem brômuya kali đến. Bác sĩ Raghin nặng nề ngồi dậy, chống cả hai tay lên đi-văng.

– Anh bạn quý ạ, – Mikhail Averyanyts mở đầu, – hôm nay, sắc mặt của anh khá hơn hôm qua nhiều. Anh khá lắm! Thật đấy, khá lắm!

– Có mà khỏi đi thì vừa đấy, ông bạn đồng nghiệp ạ, – Khobotov ngáp dài nói. – Chắc chính ông cũng phải chán ngấy cái tình trạng này rồi.

– Mà phải khỏi chứ! – Mikhail Averyanyts vui vẻ reo lên. – Và chú mình sẽ sống thêm một trăm năm nữa cho mà xem! Thế đấy!

– Một trăm năm thì không đến, nhưng hai mươi năm nữa thừa sức, – Khobotov an ủi. – Không sao đâu, không sao đâu, ông bạn đồng nghiệp ạ, xin ông đừng nản lòng… Ông giận đời như thế là đủ rồi.

– Chú mình còn sẽ cho thiên hạn biết tay! – Mikhail Averyanyts cười ha hả và vỗ đen đét lên đùi bạn. – Còn biết tay nhau nhiều! Mùa hè tối nhờ trời chú mình sẽ tếch lên Kavkaz và sẽ rong ngựa đi khắp vùng núi này – nhong nhong, nhong nhong! Từ Kavkaz về một cái là ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy chú mình đánh chén ở tiệc cưới rồi. – Mikhail Averyanyts mất một cách ranh mãnh. – Chúng tôi sẽ cưới vợ cho anh, anh bạn quý ạ…, sẽ cưới vợ…

Bác sĩ Raghin đột nhiên cảm thấy lớp bọt dâng lên ngang cổ, tim ông đập dồn dập.

– Thật là nhảm nhí! – ông vừa nói vừa đứng phắt dậy và đi ra cửa sổ. – Chẳng nhẽ ông không thấy là ông đang nói những chuyện rất nhảm hay sao?

Ông muốn nói tiếp một cách dịu dàng và lễ độ, nhưng bỗng bất giác nắm tay lại và vung hai quả đấm lên quá đầu.

– Các ông đi đi! – ông quát, giọng lạc hẳn đi, mặt đỏ bầm lên, toàn thân run bần bật. – Xéo ngay! Cả hai. Xéo ngay, cả hai!

Mikhail Averyanyts và Khobotov đứng dậy và giương mắt ra nhìn ông, lúc đầu còn ngỡ ngành, rồi sau phát hoảng thực sự.

– Cả hai xéo ngay! – Bác sĩ Raghin vẫn quát – Người đâu mà ngu xuẩn, người đâu mà đần độ đến thế! Tôi không cần tình bạn, tôi cũng không cần các thứ thuốc men của anh, đồ đần! Toàn là nhảm nhí! Bỉ ổi!

Khobotov và Mikhail Averyanyts ngơ ngác đưa mắt nhìn, lùi dần ra cửa rồi lách ra phòng ngoài. Bác sĩ Raghin với lấy lọ bromuya kali ném theo họ ; chiếc lọ va vào ngưỡng cửa đánh xoảng một tiếng.

– Xéo hết đi cho rảnh! – ông vừa thét lên, giọng như khóc vừa chạy ra phòng ngoài. – Xéo ngay!

Khách đi rồi, bác sĩ Raghin, người run cầm cập như lên cơn sốt, nằm xuống đi văng và hồi lâu vẫn còn lẩm bẩm nhắc đi nhắc lại:

– Người đâu mà đần độn! Người đâu mà ngu xuẩn thế!

Đến khi ông đã bình tâm lại, ý nghĩ nảy ra trước tiên trong trí ông là cái ông Mikhail Averyanyts đáng thương kia chắc bây giờ đang xấu hổ và khổ tâm đến điếng người đi được, và tất cả những chuyện này thật là khủng khiếp. Xưa nay chưa bao giờ xảy ra một chuyện như thế này. Trí thông minh và ý tế nhị mình quẳng đi đâu hết! Đâu là sự thấu hiểu sự vật và tính thản nhiên của nhà triết học?

Suốt đêm ấy bác sĩ không sao ngủ đực, vì hổ thẹn và bực bội với bản thân, và sáng hôm sau khoảng mười giờ ông đến sở bưu vụ xin lỗi ông chủ sự.

– Thôi chúng mình đứng nhớ cái sự việc vừa xảy ra nữa, – Mikhail Averyanyts cảm động thở dài nói, và xiết chặt tay bạn. – Kẻ nào còn nhắc lại dĩ vãng thì trời bắt kẻ ấy mù mắt đi. Lubavkin! – ông ta bỗng quát to lên đến nỗi các nhân viên bưu vụ và bao nhiêu khách đều giật bắn người lên. – Đem ghế ra đây. Còn mụ kia hẵng đợi đấy đã! – ông quát người đàn bà đang thò tay qua cửa ghi-sê đưa cho ông ta một bức thư bảo đảm. – Không thấy là người ta đang bận à? Thôi ta đừng nhớ lại những gì đã qua nữa – ông chuyển sang giọng dịu dàng nói với bác sĩ Raghin. – Anh ngồi xuống đây, tôi tha thiết xin anh, anh bạn quý ạ.

Ông lặng lẽ ngồi xoa xoa hai đầu gối một phút rồi nói:

– Tôi không hề nảy ra cái ý giận anh. Bệnh tật thì chẳng vui vẻ gì, tôi hiểu lắm. Cơn bệnh của anh hôm qua đã làm cho tôi và bác sĩ sợ quá. Sau đó chúng tôi đã nói chuyện rất lâu về anh. Anh bạn quý ạ, tại sao anh cứ không chịu quan tâm thực sự đến bệnh tình của anh? Làm sao có thể như thế được? Anh bỏ quá cho, nếu tôi có vì tình bạn mà quá thẳng thắn, – Mikhail Averyanyts hạ giọng nói thì thầm – anh đang sống trong một hoàn cảnh hết sức bất lợi: chật chội, bẩn thỉu, chẳng có ai chăm sóc cho anh, chẳng biết lấy gì mà chạy chữ… Anh bạn quý của tôi ạ, tôi với bác sĩ chân thành van xin anh, anh hãy nghe lời khuyên nhủ của chúng tôi: anh hãy vào nằm bệnh viện đi! Ở đây vừa có thức ăn lành, vừa có người chăm sóc, chữa chạy cho. Yevghini Fiodoryts tuy là người thô kệch, cái này ta nói riêng với nhau, nhưng cũng là một thầy thuốc lành nghề hoàn toàn, có thể tin cậy ông ta. Ông ta hứa chắc với tôi là sẽ chăm lo anh.

Bác sĩ Raghin cảm động vì lòng thương xót chân thành và những giọt lệ bỗng long lanh trên hai má ông chủ sự bưu vụ.

– Ông bạn kính mến ạ, ông đừng tin! – Bác sĩ Raghin thì thầm, tay đặt lên tim. – Ông đừng tin hắn! Đây là một vụ lừa bịp! Bệnh của tôi chẳng qua là ở chỗ suốt hai mươi năm nay trong khắp cả thị trấn này tôi chỉ tìm được một người thông minh, thế mà người ấy lại là một người điên. Chẳng có bệnh tật gì đâu, chẳng qua tôi lâm vào một vòng luẩn quẩn, không có lối thoạt. Tôi thì thế nào cũng được, tôi sẵn sàng chờ đợi bất cứ chuyện gì.

– Anh vào nằm bệnh viện đi, anh bạn quý ạ.

– Đối với tôi cũng thế cả thôi, vào hố mà nằm cũng xong.

– Anh hãy hứa với tôi là anh sẽ nhất nhất  nghe lời Yevgheni Fiodoryts đi, anh bạn quý ạ!

– Thôi được, tôi xin hứa. Nhưng ông ạ tôi xin nhắc lại tôi đã rơi vào một vòng luẩn quẩn. Bây giờ thì tất cả, ngay đến lòng thương xót chân thành của bạn bè tôi cũng vậy, tất cả đều hướng về một phía: đẩy tôi vào chỗ tiêu vong. Tôi sẽ tiêu vong, và tôi có đủ can đảm để nhận rõ điều đó.

– Anh sẽ khỏi, anh bạn quý ạ.

– Anh nói thế mà làm gì? – bác sĩ Raghin bực tức nói. – Ít có người nào đến cuối đời lại không thể nghiệm những gì tôi đang thể nghiệm lúc này. Khi người ta đã nói với anh rằng anh mắc một chứng gì kiểu viêm thận hay giãn tim và cho anh điều trị, hay nói rằng anh điên hay anh là kẻ phạm tội ác, nói tóm lại tức là khi người ta bỗng dưng chú ý đến anh, thì anh phải biết rằng mình đã rơi vào vòng luẩn quẩn và không còn bao giờ thoát ra được nữa. Anh càng cố thoát bao nhiêu càng lạc lối bấy nhiêu. Anh hãy buông xuôi đi thôi, vì không còn một cố gắng nào của con người có thể cứu anh được nữa. Tôi thấy nó thế đấy.

Trong khi đó, ngoài ghi-sê khách đã dồn lại thành một đám đông. Để khỏi cản trở công việc, bác sĩ Raghin đứng dậy cáo từ. Mikhail Averyanyts một lần nữa nài ông lấy danh dự mà hứa sẽ làm theo lời khuyên của mình và tiễn ông ra đến cửa ngoài.

Ngay chiều hôm ấy, Khobotov đột nhiên xuất hiện ở nhà bác sĩ Roghin, mình mặc áo khoác ngắn, chân đi ủng cao ống. Ông ta nói với cái giọng như thể hôm qua chẳng có việc gì xảy ra cả.

– Tôi đến ông có chút việc, ông bạn đồng nghiệp ạ. Tôi đến mời ông đến hội chẩn với tôi một ca này, có được không ạ?

Nghĩ rằng Khobotov muốn rủ mình đi cho khuây khỏa hay thực sự muốn giúp mình có việc kiếm ít tiền, bác sĩ Raghin mặc áo ngoài và cùng ông ta ra phố. Ông lấy làm mừng vì có dịp xóa bớt lỗi lầm hôm qua và giảng hòa với Khobotov, và ông thầm cảm ơn Khobotov đã không nhắc qua chuyện cũ lấy một lời và hình như đã biết nương nhẹ ông. Ở con người không có văn hóa này thật khó lòng mong đợi một cách xử sự tế nhị như vậy.

– Thế bệnh nhân của ông ở đâu? – bác sĩ Raghin hỏi.

– Trong bệnh viện của tôi ấy. Tôi đã muốn cho ông xem từ lâu… Một ca hết sức lý thú.

Hai người bước vào sân bệnh viện, vòng qua tòa nhà chính rồi đi về phía căn nhà xép, nơi có căn phòng dành cho người mất trí. Trong khi đi như vậy không hiểu sao hai bên không ai nói với ai một lời. Khi họ bước vào căn nhà xép, Nikita vẫn theo thói quen bật dậy đứng nghiêm chào.

– Ở đâ có một ca biến chứng về phổi, – Khobotov nói rất khẽ trong khi bước vào phòng bệnh với bác sĩ Raghin. – Ông đứng đợi một lát, tôi trở lại ngay. Tôi chỉ đi lấy cái ống nghe là về ngay.

Đoạn Khobotov bỏ ra ngoài.

 

XVII

Trời đã nhá nhem tối, Ivan Gromov nằm trên giường, mặt úp vào gối, người bại liệt ngồi im lìm, khóc lặng lẽ và lắp bắp đôi môi. Gã mugích phì nộn và anh cựu nhân viên bưu vụ thì đang ngủ. Trong phòng rất im lặng.

Bác sĩ Raghin ngồi ở cạnh giường Ivan Gromov và chờ đợi. Nhưng nửa giờ đã trôi qua mà vẫn không thấy Khobotov quay lại. Chỉ thấy Nikita bước vào, tay ôm chiếc áo choàng, một mớ đồ lót và một đôi giày vải.

– Bẩm quan lớn, xin quan lớn mặc cho, – hắn nói khe khẽ. – Đây là giường của quan lớn, xin quan lớn đi lại đây, – hắn vừa nói thêm vừa chỉ một chiếc giường không, hẳn là mới được đưa đến. – Không sao đâu ạ, nhờ trời, quan lớn sẽ khỏi bệnh.

Bác sĩ Raghin đã hiểu hết. Ông không nói một lời, đi sang cái giường Nikita chỉ cho; và ngồi xuống; thấy Nikita vẫn đứng đợi, ông cởi hết quần áo đang mặc ra, và chợt thấy xấu hổ. Đoạn ông mặc quần áo bệnh viện vào; chiếc quần lót thì quá ngắn, chiếc sơ-mi thì lại dài, còn chiếc áo choàng thì có mùi cá hong khói.

– Nhờ trời ông sẽ khỏi, – Nikita nói.

Hắn vơ quần áo cũ của bác sĩ Raghin lại thành một ôm rồi đưa ra ngoài, đóng trái cửa lại.

“Thôi cũng được… – bác sĩ Raghin nghĩ thầm trong khi thẹn thùng kéo hai vạt áo choàng lại cho kín, và cảm thấy rằng trong cách trang phục mới này mình giống như một người tù. – Cũng thế cả thôi… Lễ phục, quân phục, áo choàng bệnh viện… Cũng thế cả thôi…”.

Nhưng đồng hồ thì sao nhỉ? Cuốn sổ tay ở túi áo nữa? Lại còn bao thuốc lá! Nikita đưa mới quần áo đi đầu rồi? Bây giờ thì có lẽ cho đến chết cũng chẳng còn bao giờ có dịp mặc quần tây, gilê và đi ủng nữa. Sự thể này có một cái gì kỳ dị và lúc đầu thậm chí còn không thể nào hiểu nổi nữa. Cho đến bây giờ bác sĩ Raghin vẫn tin rằng giữa ngôi nhà của bà Belova và phòng 6 này không có gì khác nhau hết, rằng mọi sự trên đời đều vô nghĩa và phù phiếm, thế nhưng hai tay ông lại run lên, hai chân lạnh toát; và ông thấy rờn rợn khi nghĩ rằng chi lát nữa thôi Ivan Đmitrits sẽ dậy và trông thấy ông mặc áo choàng bệnh viện. Ông đứng dậy đi bách bộ một lát rồi lại ngồi xuống.

Ông ngồi như vậy đã được nửa tiếng, và ông thấy chán đến buồn nôn lên được? chẳng lẽ có thể sống ở đây suốt một ngày, một tuần hay thậm chí hàng năm như mấy người kia? Ấy, bây giờ ông đang ngồi, ông đi bách bộ, rồi lại ngồi; có thể ra cửa sổ nhìn, rồi lại đi từ góc nay sang góc nọ. Rồi sao nữa? Cứ ngồi như thế suốt ngày như pho tượng mà suy nghĩ sao?

Không, khó lòng có thể như thế được.

Bác sĩ Raghin nằm xuống, nhưng lại bật dậy ngay, dơ ống tay áo lên quệt mồ hôi lạnh trên trán và chợt cảm thấy khắp mặt mình thoảng mùi cá hong khói. Ông lại đi đi lại lại một lát.

– Có một sự lầm lẫn gì đấy… – ông nói, hai tay băn khoăn giang rộng ra. – Cần phải phân trần mới được, đây có sự hiểu lầm…

Trong khi đó Ivan Gromov đã tỉnh dậy. Hắn ngồi chống tay lên má. Hắn nhổ nước bọt. Đoạn hắn uể oải nhìn lên bác sĩ, và hình như phút đầu hắn chẳng hiểu gì hết; nhưng chỉ lát sau gương mặt ngái ngủ của hắn đã trở nên hằn học và ngạo nghễ.

– A ha, ông cũng bị nhốt vào đây à, ông bạn quý? – hắn nói, giọng khản đi vì mới ngủ dậy, một bên mắt nheo lại. – Rất hân hạnh. Trước kia ông hút máu người ta, bây giờ kẻ khác lại hút máu ông. Tuyệt!

– Đây có một sự lầm lẫn gì đây… – bác sĩ Raghin nói hấp tấp, trong lòng sợ hãi trước những lời lẽ của Gromvo; ông so vai và nhắc lại: – Có sự lầm lẫn gì đây…

Gromov lại nhổ nước bọt và nằm xuống.

– Cái kiếp cho chết này! – hắn làu bàu. – Cay đắng và tủi nhục nhất là cái kiếp này không kết thúc bằng một cuộc ban thưởng đền bù lại những nỗi đau khô, bằng một cuộc khải hoàn như trong ca kịch ôpêra, mà lại kết thúc bằng cái chết. Mấy thằng phu sẽ đến nắm lấy chân tay cái xác chết kéo vào hầm. Eo ôi! Thôi cũng chẳng sao… Sang thế giới bên kia sẽ mở hội… Từ thế giới bên kia tao sẽ thành một bóng ma hiện về đây nát cho cái quân chó má kia khiếp vía một mẻ. Tôi sẽ làm cho chúng sợ đến bạc cả đầu ra.

Moixeyka đã về. Trong thấy bác sĩ, lão chìa tay ra nói:

– Cho xin một xu!

 

XVIII

Bác sĩ Raghin đến cạnh cửa sổ nhìn ra cánh đồng. Trời đã tối hẳn, và ở chân trời phía bên phải ló lên một vầng trăng lạnh lẽo tím bầm. Cách dãy rào của bệnh viện không xa, chỉ chừng một trăm xa-gien là cùng, sừng sững một tòa nhà cao, xung quanh có tường đá bao bọc. Đó là nhà tù.

“Thực tế nó ở kia rồi!” – bác sĩ Raghin nghĩ, rồi bỗng thấy sợ.

Cái gì cũng đáng sợ quá: vầng trăng, nhà tù, những cái đinh tua tủa trên hàng rào, ngọn lửa xa xa trên xương đốt xương súc vật. Sau lưng có tiếng thở dài. Bác sĩ Raghin ngoảnh lại thì thấy một người đeo những ngôi sao và những tấm huân chương lấp lánh trên ngực, đang mỉm cười và ranh mãnh nháy mắt. Cả cái này nữa ông cũng thấy sợ.

Bác sĩ Raghin cố tự nhủ rằng mặt trăng hay nhà tù đều chẳng có gì đặc biệt, rằng ngay cả những người không mắc bệnh tinh thần cũng thích đeo huân chương, rằng với thời gian mọi vất đều tan rữa và thành đất bùn, những nỗi tuyệt vọng bỗng tràn ngập tâm hồn ông, ông giơ cả hai tay nắm lấy chấn song và lấy hết sức bình sinh lay thật dữ. Dãy chấn song kiên cố không nhúc nhích.

Rồi để đỡ sợ, ông đến bên cạnh giường Ivan Gromov và ngồi xuống.

– Tôi nản lòng rồi anh bạn ạ, – ông run run nói lẩm bẩm, tay quệt mồ hôi lạnh. – Tôi suy sạp rồi.

– Thế thì ông triết lý đi, – Gromov nói, giọng nhạo báng.

– Trời ơi, trời ơi… Vâng, đúng… Anh đã có lần nói rằng ở Nga không có triết học, nhưng mọi người đều triết lý, ngay cả hạng tép riu cũng triết lý. Nhưng hạng tép riu nó triết lý thì có hại gì cho ai đâu, – bác sĩ Raghin nói, giọng như thể muốn khóc òa lên cho người ta thương hại mình. – Vậy thì sao lại cười một cách hả hê đanh ác như vậy. Và tại sao hạng tép riu lại không triết lý, nếu nó bất mãn? Một con người thông minh, có học thức, biết tự hào, biết quý tự do, một con người xứng đáng là hình ảnh của Thượng đế, mà lại không có lối thoát nào ngoài cách về làm thầy thuốc ở một cái tỉnh xép bẩn thỉu; ngu dốt và suốt đời quanh quẩn với những bầu giác, những con đỉa, những miếng thuốc cao! Toàn là bịp bợm, thiển cận, ti tiện! Trời ơi!

– Ông toàn nói nhảm. Nếu làm thầy thuốc thấy tởm thì đi làm bộ trưởng vậy!

– Không đi đâu được hết, không đi đâu được. Chúng ta hèn yếu lắm, anh bạn ạ… Trước kia tôi vốn thản nhiên, tôi suy luận một cách tỉnh táo và sáng suốt, thế mà cuộc sống chỉ cần chạm vào tôi một cách hơi thô bạo một chút là tôi đã nản lòng, tôi đã suy sụp… Chúng ta hèn yếu, anh bạn quý ạ. Anh thông minh, cao thượng, anh đã hấp thụ cùng với sữa mẹ những thiên hướng đẹp đẽ, nhưng mới bước vào cuộc sống một cái chưa chi anh đã mỏi mệt và sinh bệnh… Hèn yếu lắm, chúng ta hèn yếu lắm!

Ngoài cảm giác sợ hãi và tủi cực ra, còn có một cái gì da diết nữa cứ dai dẳng ám ảnh bác sĩ Raghin suốt từ chập tối. Cuối cùng ông mới suy ra được là minh thèm bia và thèm thuốc lá.

– Tôi sẽ ra khỏi nơi này, anh bạn ạ, – ông nói. – Tôi sẽ bảo họ đem đèn vào đây… Tôi không thể thế này được… tôi không đủ sức.

Bác sĩ Raghin đi ra mở cửa, nhưng lập tức Nikata nhảy chồm dậy và chắn ngang lối ra.

– Ông đi đâu? Không được, không được! – hắn nói. – Đã đến giờ đi ngủ!

– Nhưng tôi chỉ đi một phút thôi, ra sân một tí! – bác sĩ Raghin rụt rè đáp.

– Không được, không được, có lệnh cấm. Chính ông cũng biết đấy.

Nikita đóng sập cửa lại và dựa lưng vào cánh cửa.

– Nhưng tôi ra ngoài thì có hại gì cho ai? – bác sĩ Raghin so vai hỏi – Tôi không hiểu được! Nikita, tôi phải ra! – giọng ông run run. – Tôi cần mà!

– Ông đừng làm mất trật tự như thế không tốt đâu! – Nikita nói, giọng răn dạy.

– Có ma nó biết như thế là cái nghĩa lý gì! – Gromov bỗng quát tao rồi bật dậy. – Hắn có quyền gì mà không cho người ta ra? Làm sao chúng nó lại dám giữ chúng ta ở đây? Trong luật pháp hình như có nói rõ ràng là không ai có thể bị tước mất quyền tự do nếu chưa xét xử kia mà! Thế này là bạo ngược! Thế này là lộng hành!

– Dĩ nhiên là lộng hành! – bác sĩ Raghin nói; tiếng quát của Gromov đã khích lệ ông. – Tôi cần ra, tôi phải ra. Hắn không có quyền! Đã bảo là mở ra!

– Mày nghe ra chưa, thằng súc sinh đần độn kia? – Gromov quát và nện quả đấm lên cánh cửa. – Mở ra, không tao phá cửa ra bây giờ! Quân đồ tể!

– Mở ra! – bác sĩ Raghin quát, cả người run bắn lên. – Ta ra lệnh mày như vậy!

– Cứ nói nữa đi! Nikita trả lời qua cánh cửa. – Cứ nói tha hồ!

– Ít nhất mày cũng phải đi gọi Yevgheni Fiodoryts đến đây cho ta! Mày bảo là ta mời ông đến gặp… một phút thôi.

–  Mai ông ấy khắc đến.

– Chúng không bao giờ để cho chúng ta ra nữa đâu! – Gromov nói tiếp. – Nó bắt chúng ta phải chết thối ra ở đây! Ôi, lạy Chúa, lẽ nào bên kia thế giới lại không có địa ngục thật, và bọn đầu trâu mặt ngựa kia sẽ được tha bổng? Thế thì công bằng ở chỗ nào? Mở ra, đồ vô lại, tao chết ngạt mất! – hắn kêu lên, giọng khản đặc, và lao cả người vào cửa. – Tao sẽ đập vở cả đầu tao ra bây giờ! Quân giết người!

Nikita vụt mở cánh cửa, dùng hai tay và đầu gối ấy mạnh bác sĩ Raghin ra, rồi giang tay lấy đà và tống quả đấm vào mặt ông. Bác sĩ Raghin có cảm giác là một đợt sóng mặn rất lớn ụp lên đầu ông và cuốn ông về phía giường; thật ra cái vị mặn ấy ở ngay trong miệng ông: chắc hẳn đó là máu từ răng ông chảy ra. Như muốn ngoi lên, ông chới với hay tay và bám vào một cái giường nào đấy, và cảm thấy Nikita nện vào lưng ông hai phát nữa.

Có tiếng Gromov kêu rống lên. Chắc hẳn cả hắn cũng bị đánh.

Sau đó mọi vật lại yên lặng. Ánh trăng loãng chiếu qua các chấn song, in xuống sàn nhà một cái bóng giống như tấm lưới. Một không khí hãi hùng bao trùm gian phòng. Bác sĩ Raghin nằm yên nín thở; ông sợ hãi chờ một quả đấm nữa giáng vào mình. Ông có cảm giác như có ai lấy một cái liềm xóc vào người ông và ngoáy đi ngoáy lại mấy lần trong ngực và trong ruột ông. Đau quá, ông cắn lấy một chiếc gối, nghiến răng thật chặt, và đột nhiên đầu ông, giữa cảnh hỗn loạn của tâm thần, vụt hiện lên rõ nét một ý nghĩ khủng khiếp không sao chịu nổi: cái cảm giác đau đớn gớm ghiếc này chính là cái cảm giác của những con người kia, mà giờ đây dưới ánh trăng trông giống như những cái bóng đen sì. Họ đã phải chịu đựng đúng cái đau đớn này hết năm này qua năm khác, từng ngày, từng ngày một. Làm sao suốt hơn hai mươi năm liền ông lại có thể không biết và không muốn biết đến điều đó? Ông không biết, ông không có khái niệm gì về đau đớn, thế thì ông không có lỗi, nhưng lương tâm, vốn cũng ít lời và thô bạo như Nikita, vẫn làm cho ông lạnh toát người đi từ đỉnh đầu đến gót chân. Ông bật dậy, muốn lấy hết sức gào lên thật to và chạy đi giết ngay Nikita, rồi đến Khobotov; viên quản lý và viên y tá trưởng, rồi đến bản thân ông nữa, nhưng từ lồng ngực ông không phát ra một âm thanh nào, và chân ông không chịu bước; ông thở hổn hển, đưa tay lên ngực giật tung chiếc áo choàng và chiếc sơ-mi ra, xé nát đi, rồi ngã phịch xuống giường, mê man bất tỉnh.

 

XIX

Sáng hôm sau đầu ông nhức nhối, tai cứ váng ù lên mình đau như dần, toàn thân bải hoải. Nhớ lại sự yếu đuối của mình hôm qua, ông không thấy hổ thẹn. Hôm qua ông đã hén nhát, sợ cả ánh trăng đã thành thực nói ra những cảm xúc và ý nghĩ mà trước kia ông cũng chẳng hề ngờ là mình có được. Như cái ý cho rằng hạng tép riu bất mãn mà sinh ra triết lý chẳng hạn. Nhưng bây giờ thì ông chẳng còn thiết gì nữa.

Ông không ăn, không uống, nằm im và lặng thinh.

“Mình còn thiết gì, – ông nghĩ mỗi lần có ai hỏi han gì ông. – Mình không thèm trả lời… Mình còn thiết gì nữa”.

Quá trưa Mikhail Averyanyts đến, đem vào cho ông một ca chè và mấy lạng mứt dẻo. Chị Đaryuska cũng đến và suốt một tiếng đồng hồ chị đứng cạnh giường, gương mặt phản ánh một nỗi buồn đần độn. Bác sĩ Khobotov cũng vào thăm ông. Khobotov đem theo một lọ bromuya kali và sai Nikita đem đốt một chất gì đấy để xông khói trong phòng.

Đến chiều bác sĩ Raghin từ trần sau một cơn đột quỵ. Thoạt tiên ông thấy ớn lạnh dữ dội và buồn nôn; hình như có một cái gì rất đáng ghê tởm thấm vào khắp thân thể ông, đến tận mười ngón tay, từ dạ dày dâng lên đến đầu, ngập cả hai mắt và hai tai. Một màu xanh lét choán hết mắt ông. Bác sĩ Raghin hiểu rằng mình đã hết kiếp. Ông nhớ lại rằng Ivan Gromov, Mikhail Averyanyts và hàng triệu người nữa tin vào sự bất tử. Nhỡ nó có thật thì sao nhỉ? Nhưng ông không thấy thèm sự bất tử, và chỉ nghĩ đến nó trong một khoảng khắc. Một đàn hươu sao, xinh đẹp và duyên dáng phi thường, chạy qua trước mặt ông – đó là một đàn hươu trong đoạn sách ông vừa đọc hôm qua; rồi một mụ đàn bà chìa tay ra, đưa cho ông một bức thư bảo đảm… Ông Mikhail Averyanyts nói một câu gì không rõ. Rồi mọi vật đều tan biến đi, và bác sĩ Raghin vĩnh viễn chìm vào cõi vô tri.

Phu bệnh viện đến. Họ cầm lấy chân tay ông lôi ra nhà nguyện. Ở đấy ông nằm trên một cái bàn, hai mắt mở trừng trừng và đêm đến, ánh trăng dọi lên xác ông. Sáng hôm sau Xerghei Xergheits đến, thành tâm cầu nguyện trước cây thánh giá và vuốt mắt cho người thủ trưởng cũ.

Sau đấy một hôm, người ta đem chôn bác sĩ Raghin. Đi theo linh cữu chỉ cố ông Mikhail Averyanyts và chị Đaryuska.

 

1890

Cao Xuân Hạo dịch

(xem thêm bản dịch của Nguyễn Văn Sỹ in trên báo Văn, 1957.)