BỆNH TIỂU ĐƯỜNG LOẠI 2

Tổng quát

Tiểu đường loại 2, từng được biết đến là tiểu đường khởi bệnh lúc trưởng thành hoặc tiểu đường không lệ thuộc insulin, là một tình trạng mạn tính, tác động đến cách cơ thể bạn chuyển hóa đường (glucose), nguồn năng lượng quan trọng của cơ thể.

Với tiểu đường loại 2, cơ thể bạn hoặc là đề kháng các tác dụng của insulin, là một hormone điều hòa sự di chuyển đường vào bên trong các tế bào của bạn, hoặc là không sản suất đủ insulin để duy trì mức glucose bình thường.

Vốn thường gặp hơn ở người trưởng thành, tiểu đường loại 2 ngày càng ảnh hưởng đến trẻ em, bởi vì béo phì trẻ em tăng cao. Không có cách chữa khỏi bệnh tiểu đường loại 2, nhưng bạn có khả năng xử trí tình trạng này bằng cách ăn uống tốt, thể dục và giữ mức cân nặng lành mạnh. Nếu ăn kiêng và thể dục không đủ để xử trí đường huyết tốt, bạn cũng cần đến các thuốc tiểu đường hoặc liệu pháp insulin.

Triệu chứng và nguyên nhân

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của tiểu đường loại 2 thường phát triển chậm chạp. Trên thực tế, bạn có thể bị tiểu đường loại 2 trong nhiều năm và không biết đến nó. Hãy tìm:

+ Khát nước tăng và đi tiểu thường xuyên. Đường dư thừa tích tụ trong máu của bạn khiến cho dịch bị kéo ra từ trong các mô. Điều này khiến bạn khát nước. Do đó, bạn có thể uống – và đi tiểu – nhiều hơn bình thường.

+ Đói tăng. Không có đủ insulin để di chuyển đường vào trong các tế bào của bạn, các cơ và các cơ quan của bạn bị cạn năng lượng. Điều này khiến bạn đói ghê gớm.

+ Giảm cân. Mặc dù ăn nhiều hơn bình thường để giảm đói, bạn có thể mất cân. Không có khả năng chuyển hóa glucose, cơ thể sử dụng các nhiên liệu khác dự trữ trong cơ và mỡ. Calorie bị mất vì glucose bị thải quá mức qua nước tiểu.

+ Mệt mỏi. Nếu các tế bào của bạn thiếu đường, bạn trở nên mệt mỏi và kích động.

+ Mờ mắt. Nếu đường huyết của bạn quá cao, dịch bị kéo khỏi thủy tinh thể của mắt bạn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng điều tiết của bạn.

+ Vết thương chậm lành hoặc nhiễm trùng thường xuyên. Tiểu đường loại 2 ảnh hưởng đến khả năng lành vết thương và đề kháng nhiễm trùng.

+ Các vùng da đậm màu. Một số người tiểu đường loại 2 có các mảng da đậm màu, trơn láng ở các nếp gấp và nếp hằn của cơ thể – thường ở nách và cổ. Tình trạng này, gọi là dầy đen lớp gai (acanthosis nigricans), có thể là một dấu hiệu của đề kháng insulin.

Khi nào đến gặp bác sĩ

Hãy gặp bác sĩ nếu bạn thấy có bất kỳ triệu chứng nào của tiểu đường loại 2.

Nguyên nhân

Tiểu đường loại 2 phát sinh khi cơ thể đề kháng với insulin hoặc khi tụy tạng sản xuất không đủ insulin. Tại sao điều này xảy ra không được biết một cách chính xác, mặc dù các yếu tố di truyền và môi trường, như dư cân và thiếu hoạt động, có vẻ là các yếu tố góp phần.

Insulin hoạt động như thế nào

Insulin là một hormone từ tụy tạng, nằm phía sau và phía dưới dạ dày.

+ Tụy tạng bài tiết insulin vào máu.

+ Insulin lưu thông, giúp đường đi vào bên trong các tế bào.

+ Insulin làm hạ lượng đường trong dòng máu của bạn.

+ Khi nồng độ đường trong máu bạn hạ, sự bài tiết insulin của tụy tạng giảm.

Vai trò của glucose

Glucose, một loại đường, là nguồn năng lượng chính cho các tế bào cơ và các mô khác.

+ Glucose từ hai nguồn chính: thức ăn và gan của bạn.

+ Đường được hấp thu vào máu, nơi nó đi vào bên trong các tế bào với sự giúp đỡ của insulin.

+ Gan của bạn lưu trữ và tạo nên glucose.

+ Khi nồng độ glucose của bạn thấp, như khi không ăn trong một thời gian, gan phá vỡ glycogen dự trữ thành glucose để giữ nồng độ glucose của bạn trong giới hạn bình thường.

Trong bệnh tiểu đường loại 2, quá trình này hoạt động không tốt. Thay vì di chuyển vào bên trong các tế bào của bạn, đường tích tụ trong máu. Khi nồng độ đường trong máu tăng lên, các tế bào beta sản xuất insulin trong gan phóng thích insulin nhiều hơn, nhưng cuối cùng các tế bào này bị hư hại và không thể tạo đủ insulin để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Trong tiểu đường tuýp 1 ít gặp hơn, hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào beta, khiến cơ thể có chút ít hoặc không có insulin.

Các yếu tố nguy cơ

Các nhà nghiên cứu không hiểu hoàn toàn tại sao một số người phát sinh tiểu đường loại 2 và người khác lại không. Tuy nhiên, rõ ràng là có một số yếu tố làm tăng nguy cơ, bao gồm:

+ Cân nặng. Quá cân là yếu tố nguy cơ chính của tiểu đường loại 2. Bạn có càng nhiều mô mỡ, các tế bào của bạn càng đề kháng hơn với insulin. Tuy nhiên, bạn không nhất thiết phải quá cân mới phát sinh tiểu đường loại 2.

+ Phân bố mỡ. Nếu cơ thể bạn tích trữ mỡ chủ yếu ở bụng, nguy cơ tiểu đường loại 2 cao hơn so với tích trữ mỡ ở nơi khác, như ở hông và đùi.

+ Thiếu vận động. Bạn càng ít vận động, nguy cơ tiểu đường loại 2 của bạn càng cao. Hoạt động thể chất giúp bạn kiểm soát cân nặng, sử dụng glucose làm năng lượng và khiến cho các tế bào của bạn nhạy cảm hơn với insulin.

+ Tiền sử gia đình. Nguy cơ tiểu đường loại 2 tăng lên nếu cha mẹ hoặc anh em của bạn bị tiểu đường loại 2.

+ Chủng tộc. Mặc dù không rõ tại sao, người thuộc một số chủng tộc – gồm người da đen, người gốc Tây Ban Nha, người Mỹ da đỏ và người Mỹ gốc Châu Á – nhiều khả năng phát sinh tiểu đường loại 2 hơn người da trắng.

+ Tuổi tác. Nguy cơ tiểu đường loại 2 tăng lên khi bạn càng lớn tuổi, nhất là sau tuổi 45. Có lẽ do người ta có khuynh hướng ít thể dục hơn, làm mất khối lượng cơ bắp và tăng cân khi người ta lớn tuổi. Nhưng tiểu đường loại 2 cũng tăng lên rõ ràng ở trẻ em, thiếu niên và người trẻ tuổi hơn.

+ Tiền tiểu đường. Tiền tiểu đường là tình trạng nồng độ đường trong máu của bạn cao hơn bình thường, nhưng không cao đủ để được phân loại là tiểu đường. Nếu không điều trị, tiền tiểu đường thường tiến đến tiểu đường loại 2.

+ Tiểu đường thai kỳ. Nếu bạn phát sinh tiểu đường khi mang thai, nguy cơ phát sinh tiểu đường loại 2 tăng lên. Nếu bạn sinh con quá 4 kg, bạn cũng có nguy cơ tiểu đường loại 2.

+ Hội chứng buồng trứng đa nang. Đối với phụ nữ, bị hội chứng buồng trứng đa nang, là tình trạng có đặc điểm là chu kỳ kinh không đều đặn, phát triển lông quá mức và béo phì, làm tăng nguy cơ tiểu đường.

Biến chứng

Tiểu đường loại 2 có thể dễ dàng bị bỏ quên, nhất là trong các giai đoạn đầu, khi bạn cảm thấy khỏe. Nhưng tiểu đường tác động đến nhiều cơ quan chủ yếu, bao gồm tim, các mạch máu, thần kinh, mắt và thận. Kiểm soát đường huyết có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng này.

Mặc dù các biến chứng lâu dài của tiểu đường phát triển từ từ, chúng cuối cùng gây ra tàn phế và thậm chí đe dọa tính mạng. Một số biến chứng có thể có của tiểu đường bao gồm:

+ Bệnh tim và mạch máu. Tiểu đường làm tăng một cách nhanh chóng nguy cơ các bệnh tim mạch khác nhau, bao gồm bệnh mạch vành tim với đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột quị, hẹp các động mạch (xơ vữa động mạch) và tăng huyết áp.

+ Tổn thương thần kinh. Đường dư thừa có thể làm tổn thương thành các mao mạch nuôi dưỡng các dây thần kinh của bạn, nhất là ở chân. Điều này gây ra nhói, tê, nóng rát hoặc đau, thường bắt đầu ở đầu ngón chân hoặc đầu ngón tay và dần dần lan lên trên. Đường huyết kiểm soát kém có thể cuối cùng khiến bạn mất toàn bộ cảm giác ở chi bị ảnh hưởng. Tổn thương các dây thần kinh kiểm soát tiêu hóa có thể gây ra nôn, ói, tiêu chảy hoặc bón. Đối với nam giới, rối loạn dương cương có thể là một vấn đề.

+ Tổn thương thận. Hai thận chứa hàng triệu cụm mạch máu li ti lọc chất thải khỏi máu của bạn. Tiểu đường có thể làm tổn thương hệ thống vi lọc này. Tổn thương trầm trọng có thể dẫn đến suy thận, tức là bệnh thận giai đoạn cuối không thể hồi phục, cuối cùng thường phải lọc thận hoặc ghép thận.

+ Tổn thương mắt. Tiểu đường có thể làm tổn thương các mạch máu ở võng mạc, có tiềm năng dẫn đến mù mắt. Tiểu đường cũng làm tăng nguy cơ của các bệnh thị lực nghiêm trọng khác, như đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

+ Tổn thương bàn chân. Tổn thương thần kinh ở bàn chân hoặc lưu lượng máu đến bàn chân kém làm tăng nguy cơ các biến chứng bàn chân khác nhau. Nếu không điều trị, các vết cắt và nhọt có thể bị nhiễm trùng nghiêm trọng, khó lành. Tổn thương nghiêm trọng có thể phải cắt đoạn ngón chân, bàn chân và chân.

+ Giảm thính lực. Các vấn đề về thính lực thường gặp hơn ở người bị tiểu đường.

+ Tổn thương da. Tiểu đường có thể khiến bạn dễ mắc các bệnh về da, bao gồm nhiễm khuẩn và nhiễm vi nấm.

+ Bệnh Alzheimer. Tiểu đường loại 2 có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Alzheimer. Kiểm soát đường huyết của bạn càng kém, nguy cơ có vẻ càng cao. Mối liên hệ chính xác giữa hai tình trạng này vẫn còn không rõ.

Chẩn đoán

Để chẩn đoán tiểu đường loại 2, bạn sẽ được cho:

+ Thử nghiệm glycated hemoglobin (A1C). Thử nghiệm máu này cho biết mức đường huyết trung bình của bạn trong hai đến ba tháng vừa qua. Nó đo lường phần trăm đường huyết gắn vào hemoglobin, là protein vận chuyển oxy trong các hồng cầu. Mức đường huyết của bạn càng cao, hemoglobin gắn đường càng cao. Mức A1C 6,5 phần trăm hoặc cao hơn trong hai lần thử riêng biệt cho biết bạn bị tiểu đường. Kết quả từ 5,7 đến 6,4 phần trăm được xem là tiền tiểu đường, có nguy cơ cao phát sinh bệnh tiểu đường. Mức bình thường là dưới 5,7 phần trăm.

Nếu không có thử nghiệm A1C, hoặc nếu bạn có tình trạng nào đó – như là bạn mang thai hoặc bạn có một dạng hemoglobin ít gặp (gọi là hemoglobin biến dị) – có thể khiến cho thử nghiệm A1C không chính xác, bác sĩ có thể sử dụng các thử nghiệm sau để chẩn đoán tiểu đường:

+ Thử nghiệm đường huyết ngẫu nhiên. Mẫu máu sẽ được lấy vào một thời điểm ngẫu nhiên. Số đường huyết được biểu hiện theo milligram mỗi decilit (mg/dL) hoặc millimol mỗi lít (mmol/L). Bất kể bạn ăn lần gần nhất bao giờ, mức đường huyết ngẫu nhiên 200 mg/dL (11,1 mmol/L) hoặc cao hơn khuyến cáo bệnh tiểu đường, nhất là khi đi kèm với bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng nào của tiểu đường, như là thường xuyên đi tiểu và khát nước ghê gớm.

+ Thử nghiệm đường huyết khi đói. Mẫu máu được lấy qua một đêm nhịn đói. Mức đường huyết khi đói thấp hơn 100 mg/dL (5,6 mmol/L) là bình thường. Mức đường huyết khi đói từ 100 đến 125 mg/dL (5,6 đến 6,9 mmol/L) được xem là tiền tiểu đường. Nếu ở mức 126 mg/dL (7 mmol/L) hoặc cao hơn qua hai thử nghiệm riêng biệt, bạn bị tiểu đường.

+ Thử nghiệm dung nạp đường khi uống. Đối với thử nghiệm này, bạn nhịn đói qua đêm, đường huyết khi đói được đo. Sau đó bạn uống nước đường, và mức đường huyết được đo cách khoảng trong hai giờ tiếp theo.

Mức đường huyết thấp hơn 140 mg/dL (7,8 mmol/L) là bình thường. Mức giữa 140 và 199 mg/dL (7,8 mmol/L và 11,0 mmol/L) cho biết tiền tiểu đường. Mức 200 mg/dL (11,1 mmol/L) hoặc cao hơn sau hai giờ có thể là tiểu đường.

Hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo tầm soát thường kỳ tiểu đường loại 2 bắt đầu từ tuổi 45, nhất là nếu bạn quá cân. Nếu kết quả bình thường, lập lại thử nghiệm mỗi ba năm. Nếu kết quả mấp mé, hãy hỏi bác sĩ khi nào trở lại thử nghiệm.

Tầm soát cũng được khuyến cáo đối với người dưới 45 tuổi và quá cân nếu có bệnh tim hoặc các yếu tố nguy cơ tiểu đường, như lối sống ít vận động, tiền sử gia đình tiểu đường loại 2, tiền sử cá nhân có tiểu đường thai kỳ hoặc huyết áp cao hơn 140/90 mm Hg.

Nếu bạn được chẩn đoán tiểu đường, bác sĩ có thể làm các thử nghiệm khác để phân biệt tiểu đường loại 1 và loại 2, bởi vì hai bệnh thường cần phải được điều trị khác nhau.

Sau khi chẩn đoán

Mức A1C cần được kiểm tra từ hai đến bốn lần mỗi năm. Mức A1C cần đạt được của bạn có thể thay đổi tùy theo tuổi tác và các yếu tố khác. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi người, Hội Tiểu đường Hoa Kỳ khuyến cáo mức A1C dưới 7 phần trăm. Hãy hỏi bác sĩ mức A1C cần đạt được của bạn là bao nhiêu.

So với các thử nghiệm đường huyết lập đi lập lại hàng ngày, thử nghiệm A1C là chỉ số tốt hơn cho biết kế hoạch điều trị tiểu đường của bạn hiệu quả đến đâu. Mức A1C tăng cao có thể báo cho biết cần phải thay đổi thuốc, kế hoạch ăn hoặc mức độ vận động.

Ngoài thử nghiệm A1C, bác sĩ sẽ lấy các mẫu máu và nước tiểu định kỳ để kiểm tra nồng độ cholesterol, chức năng tuyến giáp, chức năng gan và chức năng thận. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá huyết áp của bạn. Khám mắt và khám bàn chân đều đặn cũng quan trọng.

Điều trị

Điều trị tiểu đường loại 2 bao gồm:

+ Ăn uống lành mạnh

+ Thể dục đều đặn

+ Có thể cần thuốc tiểu đường hoặc liệu pháp insulin

+ Theo dõi đường huyết

Các bước này sẽ giúp bạn giữ đường huyết gần mức bình thường hơn, vốn có thể trì hoãn hoặc ngăn chặn các biến chứng.

Ăn uống lành mạnh

Ngược với suy nghĩ thường gặp, không có một chế độ ăn kiêng nào dành riêng cho tiểu đường. Tuy nhiên, điều quan trọng là tập trung vào ăn các thức ăn nhiều chất sợi, ít chất mỡ:

+ Trái cây

+ Rau

+ Hạt nguyên

Bạn cũng cần ăn sản phẩm từ động vật ít hơn, chọn lọc các chất bột và chất ngọt.

Thức ăn có chỉ số đường thấp cũng có ích. Chỉ số đường là số đo độ nhanh của một thức ăn có thể khiến đường huyết của bạn tăng lên. Các thức ăn có chỉ số đường cao làm tăng đường huyết của bạn một cách nhanh chóng. Các thức ăn có chỉ số đường thấp giúp bạn đạt được đường huyết ổn định hơn. Các thức ăn có chỉ số đường thấp điển hình là các thức ăn nhiều chất sợi hơn.

Một nhà dinh dưỡng lành nghề có thể giúp bạn lập kế hoạch ăn phù hợp với các mục tiêu sức khỏe, khẩu vị và cách sống của bạn. Người ấy cũng có thể dạy bạn cách theo dõi mức tiêu thụ chất bột và cho bạn biết bạn cần ăn bao nhiêu chất bột trong các bữa ăn chính và phụ để giữ mức đường huyết của bạn ổn định hơn.

Hoạt động thể chất

Mọi người ai cũng cần thể dục theo nhịp một cách đều đặn và người bị tiểu đường loại 2 không ngoại lệ. Cần được bác sĩ đồng ý trước khi bạn bắt đầu chương trình tập thể dục. Sau đó chọn các hoạt động mà bạn ưa thích, như là đi bộ, bơi lội và đạp xe. Điều quan trọng nhất là biến hoạt động thể chất thành một phần của thói quen hàng ngày của bạn.

Đặt mục tiêu ít nhất 30 phút thể dục theo nhịp năm ngày mỗi tuần. Thể dục rèn luyện kéo căng và tăng lực cũng quan trọng. Nếu bạn đã không tích cực vận động đã một thời gian, hãy bắt đầu chậm và tăng lên dần.

Kết hợp các loại thể dục – thể dục theo nhịp, như đi bộ hoặc khiêu vũ trong hầu hết các ngày, kết hợp với rèn luyện kháng lực, như cử tạ hoặc yoga hai lần một tuần, thường giúp kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn là chỉ tập riêng từng loại.

Hãy nhớ rằng hoạt động thể chất làm giảm đường huyết. Hãy kiểm tra mức đường huyết trước bất kỳ vận động nào. Bạn có thể cần phải ăn chút ít trước khi tập thể dục để giúp ngăn giảm đường huyết nếu bạn sử dụng thuốc tiểu đường làm hạ đường huyết của bạn.

Theo dõi đường huyết của bạn

Tùy theo kế hoạch điều trị, bạn có thể cần kiểm tra và ghi lại mức đường huyết của bạn thỉnh thoảng hoặc, nếu bạn sử dụng insulin, nhiều lần trong một ngày. Hãy hỏi xem bác sĩ cần bạn thử mức đường huyết của bạn thường xuyên đến mức nào. Theo dõi cẩn thận là cách duy nhất để bảo đảm mức đường huyết của bạn vẫn giữ trong giới hạn mong muốn.

Đôi khi, mức đường huyết có thể không dự đoán được. Với sự giúp đỡ của nhóm điều trị, bạn sẽ học được cách đường huyết của bạn thay đổi theo thức ăn, thể dục, rượu bia, sức khỏe và thuốc.

Thuốc tiểu đường và liệu pháp insulin

Một số người bệnh tiểu đường loại 2 có thể đạt mức đường huyết mong muốn bằng chỉ ăn uống và thể dục, nhưng nhiều người cũng cần đến thuốc tiểu đường hoặc liệu pháp insulin. Quyết định loại thuốc nào là tốt nhất tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm mức đường huyết của bạn và bất kỳ vấn đề sức khỏe nào mà bạn có. Bác sĩ có thể thậm chí kết hợp các thuốc từ nhiều loại khác nhau để giúp bạn kiểm soát đường huyết của bạn theo một vài cách khác nhau.

Thí dụ về điều trị tiểu đường loại 2 có thể bao gồm:

+ Metformin (Glucophage, Glumetza,…). Một cách tổng quát, metformin là loại thuốc đầu tiên được kê toa cho tiểu đường loại 2. Nó cải thiện mức nhạy cảm với insulin của các mô cơ thể bạn, do đó cơ thể bạn sử dụng insulin hiệu quả hơn.

Metformin cũng hạ thấp mức sản xuất đường trong gan. Metformin tự nó không hạ thấp đường huyết đủ. Bác sĩ cũng sẽ khuyến cáo bạn thay đổi lối sống, như giảm cân và tích cực vận động hơn.

Buồn nôn và tiêu chảy là các tác dụng phụ có thể có của metformin. Các tác dụng phụ này thường biến mất khi cơ thể của bạn quen với thuốc này. Nếu metformin và các thay đổi cách sống không đủ để kiểm soát mức đường huyết của bạn, các loại thuốc uống hoặc thuốc chích khác có thể được cho thêm.

+ Sulfonylureas. Các loại thuốc này giúp cơ thể bạn bài tiết nhiều insulin hơn. Thí dụ như glyburide (DiaBeta, Glynase), glipizide (Glucotrol) và glimepiride (Amaryl). Các tác dụng phụ có thể có bao gồm đường huyết thấp và tăng cân.

+ Meglinides. Các loại thuốc này tác dụng như sulfonylureas bằng cách kích thích tụy tạng bài tiết nhiều insulin hơn, nhưng chúng tác dụng nhanh hơn và thời gian tác dụng trong cơ thể ngắn hơn. Chúng cũng có nguy cơ gây đường huyết thấp, nhưng nguy cơ này thấp hơn so với sulfonylureas.

Tăng cân là một khả năng của loại thuốc này. Loại thuốc này gồm có repaglinide (Prandin) và nateglinide (Starlix).

+ Thiazolidinediones. Cũng như metformin, các loại thuốc này khiến các mô của cơ thể nhạy cảm hơn với insulin. Loại thuốc này liên quan đến tăng cân và các tác dụng phụ nghiêm trọng khác như là tăng nguy cơ suy tim và gãy xương. Do các nguy cơ này, các thuốc loại này thường không phải là lựa chọn điều trị đầu tiên.

Thiazolidinediones gồm có rosiglitazone (Avandia) và pioglitazone (Actos).

+ Thuốc ức chế DPP-4. Các thuốc này giúp làm giảm mức đường huyết, nhưng có xu hướng tác dụng phụ khiêm tốn. Chúng không làm tăng cân. Thí dụ như sitagliptin (Januvia), saxagliptin (Onglyza) và linagliptin (Tradjenta).

+ Đồng vận thụ thể GLP-1. Các thuốc này làm chậm sự tiêu hóa và giúp hạ mức đường huyết, dù không nhiều như sulfonylureas. Sử dụng chúng thường đi kèm với mất cân chút ít. Loại thuốc này không được khuyến cáo sử dụng một mình.

Các thí dụ đồng vận thụ thể GLP-1 là exanatide (Byetta) và liraglutide (Victoza). Các tác dụng phụ có thể có gồm buồn nôn và tăng nguy cơ viêm tụy tạng.

+ Thuốc ức chế SGLT2. Chúng là các thuốc tiểu đường mới nhất trên thị trường. Chúng ngăn thận tái hấp thu đường vào trong máu. Thay vì vậy, đường bị bài tiết vào nước tiểu.

Thí dụ của thuốc ức chế SGLT2 là canagliflozin (Invokana) và dapagliflozin (Farxiga). Các tác dụng phụ có thể gồm có nhiễm vi nấm và nhiễm trùng đường tiểu, đi tiểu nhiều và hạ huyết áp.

+ Liệu pháp insulin. Một số người bị tiểu đường loại 2 cũng cần đến liệu pháp insulin. Trong quá khứ, liệu pháp insulin được sử dụng như là cách cuối cùng, nhưng ngày nay nó thường được kê toa sớm hơn vì những lợi ích của nó.

Bởi sự tiêu hóa bình thường tác động đến insulin uống, insulin phải được tiêm. Tùy theo nhu cầu của bạn, bác sĩ có thể kê một hỗn hợp các loại insulin để sử dụng trong một ngày đêm. Thường người bệnh tiểu đường loại 2 bắt đầu sử dụng insulin bằng một liều tác dụng dài vào ban đêm.

Các liều tiêm insulin sử dụng một kim tiêm nhỏ và ống tiêm hoặc một bút tiêm insulin, một thiết bị giống như một bút mực, ống mực chứa insulin.

Có nhiều loại insulin, và mỗi một loại hoạt động theo một cách khác nhau. Các tùy chọn gồm có:

– Insulin glulisine (Apidra)

– Insulin lispro (Humalog)

– Insulin aspart (Novolog)

– Insulin glargine (Lantus)

– Insulin detemir (Levemir)

– Insulin isophane (Humulin N, Novolin N)

Hãy thảo luận về ưu khuyết điểm của các loại thuốc khác nhau với bác sĩ của bạn. Cùng với bác sĩ, bạn có thể quyết định loại thuốc nào là tốt nhất cho bạn, sau khi xem xét nhiều yếu tố, bao gồm giá cả và các khía cạnh sức khỏe khác của bạn.

Ngoài các thuốc tiểu đường, bác sĩ có thể kê aspirin liều thấp, cũng như các thuốc hạ huyết áp và hạ cholesterol để giúp ngăn chặn bệnh tim mạch.

Phẫu thuật giảm cân

Nếu bạn bị tiểu đường loại 2 và chỉ số khối lượng cơ thể (BMI) của bạn lớn hơn 35, bạn có thể là một ứng viên của phẫu thuật giảm cân. Mức đường huyết trở về bình thường ở 55 đến 95 phần trăm người bệnh tiểu đường, tùy theo loại thủ thuật được tiến hành. Phẫu thuật bỏ qua một phần ruột non có nhiều ảnh hưởng lên mức đường huyết hơn các phẫu thuật giảm cân khác.

Khuyết điểm của phẫu thuật bao gồm chi phí cao và có các nguy cơ đi kèm, kể cả nguy cơ tử vong. Ngoài ra, cần phải thay đổi lối sống một cách rõ rệt và các biến chứng dài hạn có thể có là suy dinh dưỡng và loãng xương.

Thai kỳ

Người nữ bệnh tiểu đường loại 2 có thể cần phải thay đổi điều trị trong thai kỳ. Nhiều người nữ sẽ cần đến liệu pháp insulin trong thai kỳ. Các thuốc hạ cholesterol và một số thuốc huyết áp không thể được sử dụng trong thai kỳ.

Nếu bạn có dấu hiệu bệnh võng mạc tiểu đường, nó có thể trở nặng trong thai kỳ. Hãy đến bác sĩ mắt trong ba tháng đầu của thai kỳ và một năm sau khi sinh.

Các dấu hiệu rắc rối

Do quá nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng đến đường huyết của bạn, các vấn đề đôi khi nảy sinh cần phải chăm sóc ngay, như là:

+ Tăng đường huyết. Mức đường huyết của bạn có thể tăng lên vì nhiều lý do, bao gồm ăn quá nhiều, bệnh hoặc sử dụng không đủ thuốc hạ đường huyết. Hãy kiểm tra mức đường huyết của bạn thường xuyên, và để ý tìm các dấu hiệu và triệu chứng tăng đường huyết như đi tiểu nhiều lần, tăng khát nước, khô miệng, mắt mờ, mỏi mệt và buồn nôn. Nếu bạn bị tăng đường huyết, bạn cần điều chỉnh thực đơn, các loại thuốc hoặc cả hai.

+ Hội chứng tăng đường huyết tăng thẩm thấu không keton (hyperglycemic hyperosmolar nonketotic syndrome – HHNS). Các dấu hiệu và triệu chứng của tình trạng đe dọa chết người này gồm có đường huyết cao hơn 600 mg/dL (33,3 mmol/L), khô miệng, khát nước ghê gớm, sốt cao hơn 38º C (101º F), lừ đừ, lẫn lộn, mất thị lực, ảo giác và nước tiểu đậm. Việc theo dõi đường huyết không thể cho bạn con số chính xác ở mức cao này và chỉ cho biết “cao”.

HHNS do đường huyết quá cao khiến cho máu sánh lại và hóa ngọt. Nó có xu hướng thường gặp hơn ở người lớn tuổi bị tiểu đường loại 2 và nó thường xảy ra sau khi bị bệnh hoặc nhiễm trùng. HHNS thường phát triển qua nhiều ngày hoặc nhiều tuần. Hãy gọi bác sĩ hoặc đến ngay cơ sở y tế nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của tình trạng này.

+ Tăng ketone trong nước tiểu của bạn (nhiễm toan keton tiểu đường). Nếu các tế bào của bạn đói năng lượng, cơ thể có thể bắt đầu phân hóa mỡ. Điều này sản sinh các acid độc gọi là ketone.

Hãy trông chừng các dấu hiệu khát nước hoặc rất khô miệng, đi tiểu thường xuyên, ói, khó thở, mệt mỏi và hơi thở có mùi trái cây. Bạn có thể kiểm tra nước tiểu xem có ketone dư thừa không bằng một bộ thử ketone mua ở nhà thuốc không cần toa. Nếu bạn có ketone dư thừa trong nước tiểu, đến bác sĩ khám ngay hoặc đến cấp cứu ngay. Tình trạng này thường gặp hơn ở người tiểu đường tuýp 1, nhưng đôi khi xảy ra ở người tiểu đường loại 2.

+ Đường huyết thấp (hạ đường huyết). Nếu mức đường huyết của bạn xuống dưới mức mong muốn, tình trạng này được gọi là hạ đường huyết. Mức đường huyết của bạn có thể rơi xuống thấp vì nhiều lý do, bao gồm bỏ bữa ăn, vô tình sử dụng nhiều thuốc hơn bình thường hoặc hoạt động thể chất nhiều hơn bình thường. Hạ đường huyết hầu hết do bạn sử dụng các thuốc kích thích bài tiết insulin hoặc do bạn sử dụng insulin.

Hãy kiểm tra mức đường huyết của bạn đều đặn và trông chừng các dấu hiệu và triệu chứng của hạ đường huyết – đổ mồ hôi, run rẩy, yếu tay chân, đói, chóng mặt, nhức đầu, mờ mắt, tim đập mạnh, nói khó, lừ đừ, lẫn lộn và co giật.

Nếu bạn bị hạ đường huyết trong đêm, bạn có thể giật mình thức giấc áo ướt đẩm mồ hôi hoặc nhức đầu. Do tác dụng bù trừ tự nhiên, hạ đường huyết trong đêm có thể gây ra tăng mức đường huyết bất thường lần đầu tiên vào sáng hôm sau.

Nếu bạn có các dấu hiệu hoặc triệu chứng của hạ đường huyết, hãy uống hoặc ăn gì đó vốn sẽ nhanh chóng làm tăng mức đường huyết của bạn – nước trái cây, viên glucose, kẹo cứng, nước ngọt bình thường (không phải thứ ăn kiêng) hoặc một nguồn đường khác. Thử nghiệm trở lại sau 15 phút để biết chắc đường huyết của bạn đã trở về mức bình thường.

Nếu đường huyết không trở về bình thường, hãy điều trị trở lại và thử nghiệm trở lại sau 15 phút. Nếu bạn mất tri giác, người nhà hoặc người thân cận có thể phải tiêm cấp cứu glucagon, là một hormone kích thích sự phóng thích đường vào trong máu.

Thuốc dân gian (alternative)

Nhiều thuốc dân gian đã được chứng minh cải thiện độ nhạy cảm với insulin trong một số nghiên cứu, trong khi các nghiên cứu khác không tìm thấy bất cứ lợi ích nào trong việc kiểm soát đường huyết hoặc trong việc hạ mức A1C. Do các phát hiện còn tranh cãi, không một liệu pháp dân gian nào được khuyến cáo giúp xử trí đường huyết.

Nếu bạn quyết định thử một liệu pháp dân gian, không được ngưng sử dụng các loại thuốc mà bác sĩ đã kê toa. Phải thảo luận với bác sĩ về việc sử dụng bất kỳ liệu pháp nào như vậy, để bảo đảm chúng không gây tác dụng phụ hoặc tương tác với các thuốc của bạn.

Không có điều trị nào – dân gian hoặc truyền thống – có thể chữa khỏi bệnh tiểu đường. Do đó điều thiết yếu là người bệnh đang sử dụng liệu pháp insulin để trị tiểu đường không được ngưng sử dụng insulin trừ khi được bác sĩ chỉ định như vậy.

Tự xử trí

Cách sống và các liệu pháp tại nhà

Xử trí cẩn thận tiểu đường loại 2 có thể làm giảm nguy cơ các biến chứng nặng – thậm chí đe dọa mạng sống. Hãy xem xét:

+ Quyết tâm xử trí tiểu đường của bạn. Hãy học hỏi tất cả về tiểu đường loại 2. Biến ăn uống lành mạnh và vận động thể chất thành một phần của cuộc sống hàng ngày của bạn. Lập quan hệ với một nhà giáo dục tiểu đường, và nhờ nhóm điều trị giúp đỡ khi bạn cần.

+ Lập kế hoạch khám thực thể hàng năm và khám mắt định kỳ. Các lần thăm khám tiểu đường định kỳ không thay thế được kiểm tra thực thể định kỳ hoặc thăm khám mắt thường xuyên. Khi khám thực thể, bác sĩ sẽ tìm kiếm bất kỳ biến chứng nào có liên quan đến tiểu đường, cũng như tầm soát các bệnh khác. Chuyên gia chăm sóc mắt sẽ kiểm tra tìm các dấu hiệu tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp.

+ Định danh chính bạn. Hãy đeo một vòng cổ hoặc vòng tay ghi rõ bạn mắc bệnh tiểu đường.

+ Cập nhật tiêm ngừa. Đường huyết cao có thể làm suy yếu hệ miễn dịch của bạn. Hãy tiêm ngừa cúm mỗi năm, và bác sĩ cũng có thể khuyên tiêm ngừa viêm phổi. Trung tâm Phòng Chống bệnh Hoa Kỳ (CDC) cũng khuyến cáo tiêm ngừa viêm gan B nếu bạn chưa từng tiêm ngừa và bạn trong độ tuổi từ 19 đến 59 mắc bệnh tiểu đường loại 1 hoặc loại 2. Trung tâm Phòng Chống bệnh Hoa Kỳ khuyên tiêm ngừa sau khi chẩn đoán tiểu đường loại 1 hoặc loại 2 càng sớm càng tốt. Nếu bạn tuổi 60 hoặc lớn hơn, mắc bệnh tiểu đường và chưa từng tiêm ngừa, hãy hỏi bác sĩ xem thế nào là tốt cho bạn.

+ Chăm sóc răng. Tiểu đường có thể khiến bạn dễ nhiễm trùng nướu răng nghiêm trọng hơn. Chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày, xe chỉ răng một lần mỗi ngày và lên lịch khám răng đều đặn. Hãy đến nha sĩ khám ngay nếu nướu răng bạn chảy máu hoặc thấy đỏ sưng.

+ Để ý bàn chân của bạn. Rửa bàn chân hàng ngày bằng nước ấm. Lau khô nhẹ nhàng, nhất là giữa các ngón chân và xoa kem chống khô. Kiểm tra bàn chân mỗi ngày xem có bị nổi mụn nước, đứt da, đau, đỏ và sưng không. Hãy đến bác sĩ khám nếu bạn có vết đau hoặc gì khác ở bàn chân mà không lành.

+ Giữ huyết áp và cholesterol trong mức kiểm soát. Ăn thức ăn lành mạnh và thể dục đều đặn có thể kiểm soát được tăng huyết áp và cholesterol. Cũng có thể cần đến các loại thuốc.

+ Nếu bạn hút thuốc hoặc sử dụng các loại thuốc lá khác, hãy nhờ bác sĩ giúp bạn cai thuốc. Hút thuốc làm tăng nguy cơ các biến chứng tiểu đường khác nhau. Hãy hỏi bác sĩ các phương pháp cai thuốc lá hoặc ngưng sử dụng các loại thuốc khác.

+ Nếu bạn uống rượu, hãy uống một cách chừng mực. Rượu, cũng như các loại rượu pha, có thể gây ra đường huyết cao hoặc thấp, tùy theo số lượng bạn uống và tùy bạn có ăn đồng thời hay không. Nếu bạn chọn uống rượu, hãy uống vừa phải và luôn luôn kèm theo ăn.

Khuyến cáo là không hơn một ly mỗi ngày đối với nữ, không hơn hai ly mỗi ngày đối với nam dưới 65 tuổi và một ly mỗi ngày đối với nam trên 65 tuổi. Nếu bạn sử dụng insulin hoặc các thuốc khác vốn làm hạ đường huyết, hãy kiểm tra đường huyết trước khi đi ngủ để bảo đảm bạn ở mức an toàn.

Thích ứng và hỗ trợ

Tiểu đường loại 2 là một bệnh nghiêm trọng và tuân thủ kế hoạch điều trị đòi hỏi sự quyết tâm thường xuyên. Nhưng các nỗ lực của bạn là đáng giá bởi vì tuân thủ kế hoạch điều trị có thể làm giảm nguy cơ các biến chứng của bạn.

Nói chuyện với một nhà tư vấn hoặc một bác sĩ có thể giúp bạn thích nghi với các thay đổi cách sống sau khi chẩn đoán tiểu đường loại 2. Bạn có thể nhận được sự khuyến khích và thông cảm trong các nhóm hỗ trợ tiểu đường loại 2. Mặc dù các nhóm hỗ trợ không phải dành cho mọi người, chúng là nguồn thông tin tốt. Các thành viên của nhóm thường biết các điều trị mới nhất và có khuynh hướng chia sẻ kinh nghiệm riêng của họ hoặc các thông tin hữu ích, như là nơi tìm ra số lượng chất bột đối với nhà hàng ăn đem về ưa thích của bạn. Nếu bạn thích, bác sĩ của bạn có thể gợi ý một nhóm trong địa phương của bạn.

Hoặc là bạn đến Hội Tiểu đường Hoa Kỳ để tìm các hoạt động và các nhóm hỗ trợ tại địa phương dành cho người tiểu đường loại 2. …

Phòng ngừa

Các cách sống lành mạnh có thể giúp bạn ngừa được tiểu đường loại 2. Dù bạn có người bị tiểu đường trong gia đình, ăn uống và thể dục có thể giúp bạn phòng ngừa bệnh này. Nếu bạn đã được chẩn đoán tiểu đường, bạn có sử dụng các cách sống lành mạnh để giúp phòng ngừa biến chứng. Nếu bạn bị tiền tiểu đường, thay đổi lối sống có thể làm chậm hoặc ngưng sự tiến triển từ tiền tiểu đường sang tiểu đường.

+ Ăn thực phẩm lành mạnh. Chọn thức ăn ít mỡ ít calori và nhiều chất xơ. Tập trung vào trái cây, rau và ngũ cốc nguyên vẹn.

+ Tập luyện. Đặt mục tiêu ít nhất 30 phút vận động thể lực mức trung bình mỗi ngày. Hãy đi bộ nhanh mỗi ngày. Đạp xe. Bơi lội. Nếu bạn không thích hợp với vận động lâu, hãy chia ra thành nhiều cử 10 phút hoặc dài hơn trong ngày.

+ Giảm cân thừa. Nếu bạn quá cân, giảm 7 phần trăm cân nặng có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường. Hãy giữ cân nặng trong giới hạn lành mạnh, tập trung vào các thay đổi vĩnh viễn trong thói quen ăn uống và tập thể dục. Tự động viên mình bằng cách nhớ lại những lợi ích của giảm cân, như tim mạnh khỏe hơn, mạnh mẽ hơn và tự tin tốt hơn.

Đôi khi cũng cần đến thuốc. Metformin (Glucophage, Glumetza,…), một thuốc tiểu đường uống, có thể làm giảm nguy cơ tiểu đường loại 2 – nhưng các thay đổi lối sống lành mạnh vẫn là cốt lõi.

Nguồn: Mayo Clinic
http://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/type-2-diabetes/home/ovc-20169860
Trần Thanh Xuân dịch