WHO KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG KHẨN CẤP ĐỂ HẠN CHẾ VIÊM GAN

hepatitis-graph-orange-large

Ngày 23.7.2015 – Geneva. Nhân Ngày Viêm gan Thế giới (28.7) Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhấn mạnh nhu cầu khẩn cấp ở các quốc gia nhằm tăng cường hành động ngăn ngừa nhiễm trùng viêm gan vi rút và bảo đảm rằng người đã nhiễm được chẩn đoán và điều trị. Năm nay, WHO tập trung đặc biệt đến viêm gan B và C, hai loại gây ra khoảng 80% tất cả các tử vong do ung thư gan và giết chết gần 1,4 triệu người mỗi năm.

Hãy biết các nguy cơ

WHO báo động nguy cơ mắc phải viêm gan từ máu không an toàn, tiêm chích không an toàn và dùng chung các dụng cụ tiêm thuốc. Khoảng 11 triệu người tiêm thuốc bị viêm gan B hoặc C. Trẻ em từ mẹ bệnh viêm gan B hoặc C và bạn tình của người viêm gan cũng có nguy cơ nhiễm bệnh.

WHO nhấn mạnh nhu cầu đối với tất cả các dịch vụ y tế làm giảm nguy cơ bằng cách chỉ sử dụng dụng cụ tiệt trùng để tiêm chích và thực hiện các thủ thuật y khoa khác, xét nghiệm tất cả các máu được hiến và các thành phần máu tìm viêm gan B và C (cũng như HIV và giang mai) và thúc đẩy việc sử dụng vắc xin viêm gan B. Thực hành tình dục an toàn hơn, bao gồm giảm đến mức tối thiểu bạn tình và sử dụng các biện pháp phòng ngừa (bao cao su), cũng tránh được lây truyền.

Đòi hỏi tiêm chích an toàn

Khoảng 2 triệu người mỗi năm mắc bệnh viêm gan từ tiêm chích không an toàn. Các nhiễm trùng này có thể tránh được bằng cách sử dụng bơm tiêm tiệt trùng, được thiết kế đặc biệt để tránh sử dụng lại.

Loại bỏ các tiêm chích không cần thiết cũng là một chiến lược hữu hiệu để tránh lây truyền viêm gan. Có 16 tỷ lần tiêm chích mỗi năm. Khoảng 5% các tiêm chích này là để chủng ngừa, 5% nữa là các thủ thuật như là truyền máu và chích thuốc ngừa thai, và số 90% còn lại để tiêm thuốc. Đối với nhiều bệnh, tiêm thuốc không phải là khuyến cáo điều trị đầu tiên và nên sử dụng các thuốc uống.

Hãy tiêm ngừa

WHO khuyến cáo tiêm ngừa viêm gan B tất cả các trẻ em, khoảng 780.000 người chết vì bệnh này mỗi năm. Vắc xin an toàn và hữu hiệu có thể bảo vệ khỏi viêm gan B suốt đời. Lý tưởng là vắc xin nên được cho ngay sau khi sinh càng sớm càng tốt, trong vòng 24 giờ là tốt hơn. Liều sau sinh nên được tiếp theo bằng 2  hoặc 3 liều để hoàn tất chuỗi vắc xin.

WHO cũng khuyến cáo tiêm ngừa người lớn, vốn có nguy cơ mắc viêm gan B tăng cao. Những người này bao gồm người thường xuyên cần máu hoặc các sản phẩm của máu (thí dụ bệnh nhân lọc thận), nhân viên y tế, vốn là người tiêm thuốc, người chăm sóc và quan hệ tình dục với người mắc bệnh viêm gan B mạn tính, và người có nhiều bạn tình.

Từ năm 1982, hơn 1 tỷ liều vắc xin viêm gan B đã được sử dụng trên toàn cầu và hàng triệu tử vong trong tương lai vì ung thư gan và xơ gan đã được ngăn chận. Ở một số quốc gia, nơi khoảng 1 trong 10 trẻ em trước đây bị nhiễm vi rút viêm gan B mạn tính, vắc xin đã làm giảm tỷ lệ nhiễm trùng mạn tính đến ít hơn 1 trong 100 trong số các trẻ em đã được tiêm ngừa. Cho đến nay, hiện không có vắc xin ngừa viêm gan C.

Hãy xét nghiệm, tìm cách điều trị

Hiện có các thuốc có thể chữa khỏi hầu hết số người bị viêm gan C và kiểm soát được nhiễm viêm gan B. Người nhận các thuốc này giảm nhiều khả năng tử vong do ung thư gan và xơ gan; và giảm nhiều khả năng lây truyền vi rút đến người khác. WHO do đó thúc bách người nghĩ rằng họ có thể đã phơi nhiễm viêm gan hãy xét nghiệm để có thể biết được có cần điều trị hay không, để cải thiện sức khỏe của chính họ và làm giảm nguy cơ lây truyền.

Năm nay WHO đã phát hành các hướng dẫn mới điều trị nhiễm viêm gan B. Các hướng dẫn này sử dụng các xét nghiệm không xâm hại để đánh giá giai đoạn bệnh gan để giúp xác định ai cần điều trị. WHO cũng kêu gọi ưu tiên điều trị người bị xơ gan – giai đoạn cuối cùng của bệnh gan và kêu gọi sử dụng hai loại thuốc an toàn và hữu hiệu cao, tenofovir hoặc entecavir. Tiếp tục sử dụng các xét nghiệm đơn giản để theo dõi là quan trọng nhằm đánh giá điều trị có hữu hiệu hay không, và có thể ngưng điều trị hay không.

Năm 2014, WHO phát hành hướng dẫn xét nghiệm và điều trị nhiễm viêm gan C. WHO khuyến cáo xét nghiệm người được xem là có nguy cơ nhiễm bệnh cao và bảo đảm điều trị cho người đã có vi rút bằng một vài thuốc hữu hiệu, bao gồm các liệu pháp mới chỉ sử dụng thuốc uống. WHO sẽ định kỳ cập nhật các khuyến cáo về điều trị thuốc khi có các thuốc kháng vi rút mới và khi xuất hiện các chứng cứ mới.

Ngày Viêm gan Thế giới 2015

Năm nay, WHO tổ chức phát động ở Ai Cập, một trong các quốc gia có gánh nặng lớn nhất trên thế giới. Ước tính 10% dân số tuổi từ 15 đến 59 đã nhiễm viêm gan C mạn tính. Giữa 2007 và 2014, hơn 350.000 người mắc viêm gan C đã được điều trị. Từ lúc giới thiệu các thuốc mới hơn, hữu hiệu hơn vào năm 2014, số lượng người được điều trị tiếp tục gia tăng. Ngày nay, 32 trung tâm điều trị tận tụy đã cung cấp điều trị bằng chi tiêu của chính phủ.

Ai Cập cũng làm rõ việc phòng ngừa viêm gan. WHO đang giúp quốc gia này phát triển các tiêu chuẩn an toàn máu quốc gia và đã chọn nước này làm một trong 3 quốc gia thí điểm cho Chiến lược An toàn Tiêm chích Toàn cầu mới. WHO sẽ cung cấp hỗ trợ trong 3 năm sắp tới để làm giảm các tiêm chích không cần thiết và giúp chuyển sang việc chỉ sử dụng bơm tiêm sử dụng một lần.

Tiến trình toàn cầu để ngăn chận viêm gan

Vào tháng chín năm nay, các quốc gia sẽ có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm tốt nhất tại Hội nghị Viêm gan Thế giới lần đầu tiên tổ chức tại Glasgow, Scotland. Hội nghị được đồng tài trợ bởi WHO, chính phủ Scotland, và Liên minh Viêm gan Thế giới, nhằm tăng cường sự quan tâm toàn cầu đối với viêm gan vi rút, nhằm tạo nền tảng cho sự trao đổi giữa các quốc gia và nhằm tập trung vào việc hợp tác với các quốc gia để soạn thảo các kế hoạch hành động quốc gia.

Ngoài viêm gan B và C, vi rút viêm gan A và E cũng gây nên viêm gan vi rút. Hai vi rút này chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc với thực phẩm và nước nhiễm trùng, và chịu trách nhiệm ít hơn 1% của toàn bộ tử vong có liên quan đến viêm gan.

Nguồn: WHO
http://who.int/mediacentre/news/releases/2015/world-hepatitis-day/en/#
Trần Thanh Xuân dịch