NGÁY NẶNG, NGƯNG THỞ LÚC NGỦ GẮN LIỀN VỚI CÁC TRỤC TRẶC NÃO BỘ SỚM HƠN

Điều trị các vấn đề của giấc ngủ có thể làm chậm việc sa sút trí tuệ ở người lớn tuổi

ngu ngay nang

15.4.2015 (HealthDay News) – Người ngủ ngáy nặng và người ngưng thở lúc ngủ nhiều khả năng phát sinh các vấn đề về trí nhớ và suy nghĩ ở độ tuổi trẻ hơn so với người ngủ ngon, một nghiên cứu mới cho biết.

Tin tốt từ nghiên cứu này là điều trị ngưng thở lúc ngủ với máy áp suất đường thở dương liên tục (continuous positive airway pressure – CPAP) có thể làm chậm việc sa sút trí tuệ.

“Điều trị có thể không chữa khỏi, nhưng có thể làm chậm việc bắt đầu có vấn đề về trí nhớ,” BS. Ricardo Osorio, nhà nghiên cứu chính, phó giáo sư nghiên cứu về tâm thần học tại Trung tâm Thần kinh học Nhận biết, Đại học New York nói.

Osorio lưu ý rằng nghiên cứu này chỉ cho thấy sự đồng hành giữa gián đoạn giấc ngủ và phát sinh tổn hại trí tuệ nhẹ (bệnh Alzheimer) sớm. Nó không chứng minh rằng ngưng thở lúc ngủ hoặc ngáy gây ra việc sa sút trí tuệ. Và rõ ràng là không phải mọi người mắc các vấn đề về hô hấp lúc ngủ đều phát sinh rối loạn não bộ. “Có một câu hỏi là gián đoạn giấc ngủ có phải là một triệu chứng sớm hay là một yếu tố nguy cơ,” ông nói.

Tuy nhiên ông nói thêm rằng khởi phát sa sút trí tuệ nhẹ ở người được điều trị bằng CPAP xuất hiện muộn hơn khoảng 10 năm so với người không được điều trị.

“Đó là khoảng cách biệt lớn,” Osorio nói. “Giả định của chúng tôi là một vấn đề về hô hấp lúc ngủ tác động theo cả hai cách – nó là một triệu chứng sớm và có thể là một yếu tố nguy cơ,” ông nói.

Ngưng thở lúc ngủ và ngủ ngáy nặng thường gặp ở người lớn tuổi, 53% nam và 26% nữ, theo dữ liệu của nghiên cứu này.

“Ngưng thở lúc ngủ bị chẩn đoán sót ở người lớn tuổi và không được nhận ra là một yếu tố nguy cơ tiềm năng của bệnh Alzheimer,” Osorio nói.

Để nghiên cứu, nhóm Osorio tổng quan hồ sơ bệnh án của gần 2.500 người. Họ tuổi từ 55 đến 90. Các nhà nghiên cứu phân loại họ theo 3 nhóm: không có vấn đề về trí nhớ và suy nghĩ, ở các giai đoạn sớm của tổn hại trí tuệ nhẹ, hoặc bệnh Alzheimer.

Các nhà nghiên cứu so sánh người không được điều trị các vấn đề về hô hấp lúc ngủ với người không có vấn đề về hô hấp lúc ngủ. Họ cũng so sánh người có vấn đề về hô hấp lúc ngủ không được điều trị với người được điều trị với CPAP trong lúc ngủ.

Osoria và cộng sự thấy rằng người bị gián đoạn giấc ngủ được chẩn đoán bị tổn hại trí tuệ nhẹ sớm hơn khoảng 10 năm hoặc sớm hơn nữa so với người không có các vấn đề về giấc ngủ.

Thí dụ, người ngủ ngáy nặng và người ngưng thở lúc ngủ bị tổn hại trí tuệ nhẹ bắt đầu phát sinh bệnh vào lúc họ khoảng 83 tuổi, so với lúc tuổi 88 đối với người không có các vấn đề hô hấp lúc ngủ, ông nói.

Tuy nhiên, người ngưng thở lúc ngủ được điều trị với CPAP bị tổn hại trí tuệ nhẹ bắt đầu phát sinh bệnh khoảng 10 năm muộn hơn so với người có các vấn đề về hô hấp lúc ngủ không được điều trị – 82 tuổi so với 72 tuổi.

Báo cáo này được công bố trực tuyến trong tạp chí Neurology ngày 15.4.2015.

BS. Sam Gandy, giám đốc Trung tâm Sức khỏe Nhận biết tại bệnh viện Sinai, New York, gọi nghiên cứu này là “cực kỳ quan trọng bởi vì đây là một can thiệp – CPAP – có thể sẵn sàng được kê toa và có thể làm chậm việc bắt đầu sa sút trí tuệ.”

Gandy nghĩ rằng có lẽ cần đến một cách chẩn đoán ngưng thở lúc ngủ đơn giản hơn. “Qui trình tầm soát hiện nay tương đối rắc rối và không tiện lợi, nhưng điều đó không đáng so với lợi ích được hưởng khả năng trí tuệ toàn vẹn nhiều năm hơn,” ông nói.

 

Nguồn: MedlinePlus
http://www.nlm.nih.gov/medlineplus/news/fullstory_152027.html
Trần Thanh Xuân dịch