NGƯỜI MỞ ĐƯỜNG CHO NGÀNH PHẪU THUẬT. Trần Phương Hạnh

Có ai ngờ những thầy thuốc hành nghề mổ xẻ xưa kia ở Châu Âu chỉ được quyền rạch da, trích mụn; có người phục vụ như những kẻ hầu ở những nhà tắm công cộng, để cắt những cục chai ở tay chân hoặc dùng dao kéo để làm theo một số yêu cầu của khách tắm! Trong hoàn cảnh đó đã xuất hiện Ambroise Paré (1509-1590), người đã có tác động “mở đường” cho ngành phẫu thuật trong y khoa.

Ambroise Paré ra đời ngày 7-12-1509, tại thị trấn Laval, thuộc Mayenne, miền Tây Bắc nước Pháp, trong gia đình một người thợ mộc. Thuở nhỏ ông là cậu bé gầy gò, nhưng khỏe mạnh và rất nghịch ngợm. Nhà nghèo nên không đủ tiền cho cậu đi học. Công việc làm đồ gỗ không đủ nuôi sống gia đình, nên ông bố và người anh trai phải đổi sang làm nghề cạo râu, cắt tóc, và Paré phải phụ giúp thêm cho hai người. Phải chăng điều đó đã giúp cho năng khiếu khéo tay của cậu bé phát triển? Trong những lúc nô đùa, hễ có bạn nào bị ngã sứt chân, chảy máu đầu, bao giờ Paré cũng là đứa trẻ bình tĩnh nhất để chăm sóc bạn.

Năm 13 tuổi, cậu đến giúp việc cho Đức Cha Dorsay, ở đây cậu được nuôi nấng, dạy dỗ, học hành. Năm sau, cậu đến học nghề tại một cửa hiệu cắt tóc đông nhất giữa thị trấn Laval. Do khéo tay, Paré được nhận ngay vào làm thợ chính: được cạo râu, cắt tóc cho khách, có khi còn cắt sửa những mụn da nhỏ theo yêu cầu của khách. Trong thời này, Paré không chỉ thành thạo việc cắt mụn, cạo râu, mà cậu còn tìm đọc thêm nhiều sách y học.

Năm 22 tuổi, chàng thanh niên Ambroise đến Paris xin làm việc giúp người anh cả, lúc này đang mở cửa hiệu cắt tóc, cạo râu giữa thủ đô nước Pháp. Ít lâu sau, nhờ sự giới thiệu của một giáo sư, anh được nhận vào làm việc tại Bệnh viện Hôtel Dieu. Thời đó, “bệnh viện” chỉ là một nơi tạm trú ngụ cho những người nghèo bị ốm đau, chỉ với những căn buồng rộng, những dãy giường kê liền sát nhau, bẩn thỉu, mùi uế khí xông lên nồng nặc. Không có y tá, chỉ thấy những nữ tu ít hiểu biết về y học, nhưng giàu lòng thương người đến chăm sóc cho bệnh nhân. Paré làm nhiệm vụ phụ việc trong phòng mổ xẻ. Theo lời căn dặn của thầy thuốc, Paré được làm những việc như băng vết thương, nắn khớp, bó xương, vì vậy anh có điều kiện để học và thực hành ngay trên bệnh nhân. Do không biết tiếng Latin và quá nghèo không đóng tiền học được nên anh không thể ghi tên học chính thức tại Trường Y khoa Paris. Đó là một điều thiệt thòi cho chàng thanh niên ham học, nhưng lại tạo may mắn cho Paré có nhiều thì giờ miệt mài trong những công việc thực tế tại bệnh viện, đầu óc khỏi bị nhồi nhét đầy những mớ lý luận kinh điển sai lệch thời bấy giờ.

Năm 1533, mùa đông khắc nghiệt và bệnh dịch khiến có nhiều người chết trong bệnh viện, Paré tranh thủ dịp này để mổ nhiều xác người để học hỏi thêm. Ông có dự định dự kỳ thi cuối khóa để được công nhận tốt nghiệp trường Y khoa Paris, nhưng cũng không đủ tiền nộp lệ phí nên đành từ bỏ ý định đó.

Những cuộc chiến tranh liên tiếp giữa Pháp và các nước Anh, Ý, Đức thu hút nhiều thầy thuốc vào quân đội, trong đó có Ambroise Paré. Ông được làm phụ tá mổ xẻ trong binh đoàn của Thống chế Montjean. Với kinh nghiệm ít ỏi của một thầy thuốc 27 tuổi, Paré chưa hề biết cách xử trí những vết thương do hỏa khí. Thời đó, người ta cho rằng các tổn thương do hơi thuốc súng đều bị nhiễm độc nên cần phải được sát trùng bằng… dầu cây cơm cháy đun sôi. Paré đã chứng kiến nhiều thầy thuốc làm như thế và bản thân ông cũng đã từng làm như vậy. Ông cảm thấy tim mình nhói đau mỗi khi nghe những người lính kêu khóc lúc ông đỗ dầu đun nóng lên vết thương của họ. Một lần, thấy loại dầu thường dùng đã hết nhẵn, Paré, theo kinh nghiệm dân gian, đã lấy lòng đỏ trứng hòa với dầu hoa hồng, dầu nhựa thông và bôi phủ lên các vết thương. Sáng ra thăm bệnh, ông rất ngạc nhiên khi nhìn thấy các vết thương ấy không hề bị sưng phù, không hề viêm đỏ. Những người lính này lại rất tỉnh táo vì đã ngủ được một giấc thật ngon. Còn những người lính khác được đỗ dầu sôi thì vẫn sốt cao, đau nhức rên la. Ông quyết định thử lại nhiều lần và từ đó không bao giờ đổ dầu sôi vào vết thương như trước nữa.

Những năm tháng trong quân ngũ đã tạo điều kiện cho Paré học hỏi và chữa trị nhiều loại bệnh ngoại khoa. Năm 29 tuổi, Paré rời quân ngũ, trở về Paris lập gia đình và mở phòng khám bệnh với rất đông bệnh nhân đến khám. Nhưng chẳng bao lâu, quân đội lại mời ông vào làm thầy thuốc trong các quân đoàn ra chiến trận.

Năm 1542, trong cuộc vây hãm thành Perpignan, tướng Brissac bị một viên đạn bắn trúng vào bả vai. Không ai biết cách giải quyết ra sao và Paré được mời đến. Ông yêu cầu viên tướng đứng đúng ở vị thế lúc bị thương để ông xác định đường đi của viên đạn. Sau đó, Paré rạch mổ và lấy được viên đạn ra khỏi cơ bắp của vị tướng. Lúc đó ông 35 tuổi.

Jacques Dubois, thầy dạy của Vesalius, thấy tài năng tuyệt vời của ông, đã khuyên ông nên viết lại những cách chữa trị vết thương do súng đạn. Và năm sau, cuốn sách của Paré ra đời, thu hút rất nhiều sự chú ý của giới thầy thuốc.

Năm 1552, chiến tranh lại bùng nổ, Paré trở lại quân đội. Những người lính bị thương nằm la liệt trong các trạm xá: gãy xương, cụt chi; phải cấp cứu cầm máu rồi cắt đoạn chi cho họ. Trong suốt nhiều thế kỷ, các thầy thuốc chỉ biết làm theo những lời khuyên cổ xưa: “Bệnh gì không chữa được bằng thuốc sẽ được điều trị bằng sắt, nếu không khỏi sẽ được điều trị bằng lửa…” (!) Cả Hippocrate cũng làm như vậy. Và thế là các thầy thuốc cầm dao rạch vết thương, trích mủ, rồi dùng sắt nung đỏ làm cháy da thịt để cầm máu. Người ta cắt cụt chi cũng theo cách như vậy.

Những cảnh tượng ấy, Paré không sao chịu được. Thay vì dùng sắt nung đỏ, Paré nghĩ cách chế tạo những chiếc kim nhỏ, luồn lách dưới các lớp cơ, rồi buộc thắt các mạch máu để máu khỏi bị chảy nhiều. Thật ra, kỹ thuật này đã được người Hy Lạp xưa áp dụng, nhưng chính Paré đã suy nghĩ và làm sống lại kỹ thuật này. Ông còn chế tạo nhiều dụng cụ ngoại khoa như kim buộc, kẹp nhỏ, dao kép phẫu tích. Chính ông đặt ra phương pháp buộc thắt mạch máu trực tiếp mà nhiều thầy thuốc ngày nay vẫn áp dụng.

Năm 1559, ông rời khỏi quân đội trở về Paris với danh tiếng vang xa. Paré được cử làm thầy thuốc của Hoàng cung. Các phương pháp điều trị mới mẻ của Paré được nhiều thầy thuốc làm theo, nhưng cũng có những kẻ ghen ghét ông, trong đó có cả các giáo sư trường Y khoa Paris. Một giáo sư kêu to: “Một người không bằng cấp, ít hiểu biết lại dám loại bỏ việc đốt nóng các mạch để cầm máu, rồi lại thay thế bằng cách buộc thắt động mạch ư? Thắt buộc mạch máu còn nguy hiểm hơn việc đốt nóng, đó là một phương pháp tàn bạo vì nó gây đau đớn cho người bệnh” (!)

Thời đó, người ta chưa hiểu rõ cấu trúc cơ thể con người, nên không biết rằng trong bó mạch máu thường có kèm theo những dây thần kinh, mãi đến thế kỷ XVIII, các thầy thuốc mới xác nhận những cơn đau này là do thắt buộc cả vào sợi thần kinh và khuyên nên tách rời mạch máu để buộc riêng rẽ. Lúc đó, phương pháp thắt buộc mạch máu theo ý kiến của Paré mới được áp dụng rộng rãi.

Paré không chỉ chú trọng phẫu thuật, ông còn nghiên cứu và phát hiện nhiều loại bệnh tật như túi phình động mạch chủ do giang mai, ngộ độc oxyd carbon (CO), mô tả bệnh bướu lành tiền lập tuyến, v.v…

Những đóng góp của ông đã giành được phần thưởng xứng đáng: Ambroise Paré, người phụ việc thợ cạo năm xưa ở Laval, đã được bầu vào Hội các nhà phẫu thuật tại trường Y khoa Saint Côme. Ông qua đời ngày 20-12-1590 và được an táng tại Nhà thờ Saint Andrés des Arts.

Paré xứng đáng là người mở đường cho ngành phẫu thuật, làm cho những phẫu thuật viên có một vị trí tốt đẹp trong việc chăm sóc điều trị bệnh nhân.

T.P.H
Nguồn: Y Học Cho Mọi Người. Số 15 – Tháng 10-1997