ĐỪNG UỐNG RƯỢU! Peter J. Steincrohn (Nguyễn Hiến Lê dịch)

Trong nhiều trường hợp, rượu là vị thuốc tốt
Cụ A. 84 tuổi, mỗi lần giới thiệu tôi với một người quen của cụ, đều nói thêm câu hóm hỉnh này: “Hồi tôi mới sáu mươi cái tuổi xuân, ông đây, bác sĩ của tôi, đã tập cho tôi cái tật nhậu nhẹt. Tôi nhớ hồi đó tôi bị chứng mất ngủ, cơ hồ không có thuốc nào trị được. Uống thuốc nào thì sáng hôm sau cũng thấy miệng khô, đắng nghét. Bác sĩ của tôi bảo tôi uống một viên aspirine chung với một ngụm rượu Cherry hay Porto. Phương thuốc đó thật thần hiệu và tôi theo luôn đến giờ, đêm nào cũng ngủ say như một em bé.
Nói xong, ngừng một chút, cụ lại ngó tôi mà bảo nửa đùa nửa thật: “Tôi vẫn tự hỏi hậu quả của phương thuốc đó sau này ra sao, không biết tôi có thành một tên nghiện không?”

Mười hai tuổi uống rượu bia?
Nhắc tới cụ già đó tôi lại nhớ bà G. lo lắng về đứa con trai 12 tuổi: “Bác sĩ nghĩ sao về những đứa bé mà người lớn cho uống rượu? Nhà tôi cho cháu Jimmy uống một chai bia bữa tối, bác sĩ có cho rằng một đứa bé nặng 40 ký lô uống rượu như vậy có nhiều quá không? Tôi không can nhà tôi được. Nhà tôi bảo cho trẻ em quen uống rượu trong bữa ăn tại nhà thì sau nó không thích bê tha ở ngoài. Bác sĩ nghĩ sao?”
Tôi trả lời rằng nhìn vào các cuộc hội họp thời buổi này tôi thực tình đâm hoảng. Thấy vô số bọn choai choai cầm một chai bia mà cha mẹ cứ thản nhiên, như không hiểu rằng tụi nhỏ đó sau này sẽ hóa nghiện.
Về đứa nhỏ 12 tuổi trên kia, tôi phải khuyên người cha cấm ngặt nó uống rượu đi, may thay ông ta tin tôi, hiểu tôi, nghe lời tôi.
Vài tuần sau, gặp đứa nhỏ, nó tâm sự với tôi:
“Cháu thật mừng rằng bác sĩ đã khuyên ba cháu như vậy. Mới đầu uống bia thấy đắng, nhưng hồi đó cháu đã bắt đầu thích nó. Bây giờ cháu biết là hại rồi, cháu hứa sẽ không uống nữa, cho tới khi thành người lớn”.

Rượu? Thuốc bổ hay thuốc độc?
Trong 25 năm làm nghề bác sĩ, luôn luôn tôi coi rượu là một vị thuốc rất thận trọng khi dùng nó. Nó có thể là một lợi ích mà cũng có thể là một thứ thuốc độc. Hồi trẻ mà đã tập uống rượu thì sau rất có thể hóa nghiện. Trái lại những người đã đứng tuổi mà trước kia không uống rượu thì bây giờ có thể dùng nó như một vị thuốc.
Tôi đã cho nhiều bệnh nhân quá 40 tuổi mỗi ngày một chút rượu và không một ai hóa nghiện cả. Một ông bạn tôi, chuyên trị bệnh thần kinh, cũng bảo tôi 45 tuổi mà không uống rượu thì không còn sợ hóa nghiện nữa. Ông nói thêm: “Tôi mới coi lại thẻ của năm trăm người nghiện rượu. Người nào cũng uống từ trước hồi 40 tuổi: Có hai người nói là không, nhưng xét ra họ nói dối, cả hai đều uống dữ từ hồi 20 tuổi”.

Rượu không hợp với mọi người.
Phải, tôi đã cho nhiều bệnh nhân quá 45 tuổi uống rượu. Dĩ nhiên có những hạng người tôi không cho uống: hạng huyết áp cao, loét bao tử, đau ở trái mật, bị bệnh thống phong, hạng tài xế hoặc thường hay lái xe, hạng đau gan, đau thận, cảm xúc bất thường. Còn những người khác thì tôi nghĩ nên uống rượu một chút vì rượu đối với họ là vị thuốc làm dịu thần kinh mà không hại. Hễ thần kinh dịu xuống thì ít bị những cơn hiệp tâm (angine de poitrine – đau thắt ngực), máu đông trong động mạch, huyết áp cao, đái đường…
Nhiều bệnh nhân tôi trị lâu năm, sau khi hết những bệnh nặng như sưng phổi, đau tim, hỏi tôi rằng: “Bác sĩ có biết tôi thích nhất lời khuyên nào của bác sĩ không? Lời khuyên trước bữa tôi uống một ly nhỏ rượu”.
Đọc tiếp đoạn sau, bạn sẽ thấy về vấn đề uống rượu, tôi cũng biết xét cả hai khía cạnh của nó.

Rượu có thể có hại.
Các bác sĩ đều có biết rõ hơn ai hết những tai hại của rượu: Say sưa, mất việc, vợ con nheo nhóc, rồi sinh bệnh này bệnh khác, chết. Ở Huê Kỳ có khoảng 50 triệu người uống rượu, trong số đó có khoảng 750.000 người nghiện nặng.
Đó là mặt trái của vấn đề. Còn mặt phải nữa. Chúng tôi cũng biết rằng rượu có ích, dùng để trị bệnh được, miễn là khi dùng phải thận trọng, nhớ rằng nó có thể nguy hiểm. Nó như con dao hai lưỡi.
Trước hết bạn nên nhớ những điều dưới đây. Uống ít, nó làm cho ta ăn ngon, kích thích bao tử của ta, làm cho các người già thấy khoan khoái, vui vẻ, ít nói thì hóa nói nhiều, vốn cau có thì hóa ra tươi cười, có cảm tưởng như trẻ lại. Rượu cũng làm cho hết những cơn hiệp tâm đau kinh khủng ở ngực.
Nhưng theo tôi, công dụng lớn nhất của rượu là làm cho thần kinh dịu xuống, bớt kích thích, ta hết ưu tư, hết mệt, ăn ngon hơn, vui đời hơn.
Bác sĩ William Took ở Nữu Ước cũng đồng ý với tôi, ông bảo: “Tôi thấy rằng cần cho những bệnh nhân hoặc những người già cả ở trong dưỡng đường hoặc các nhà dưỡng lão uống mỗi ngày một chút rượu”.
Tôi nhớ hồi ở dưỡng đường McCook and Mount Sinai Memorial[18], có nhiều người già sưng phổi. Thời đó chưa kiếm được các thuốc Sulfamide và trụ sinh. Tôi cho các bệnh nhân đó cứ ba bốn giờ lại uống một muỗng súp rượu, nhờ vậy mà họ đủ can đảm chống với bệnh.
Bác sĩ Leon A. Greenberg cũng bảo: “Không có thuốc an thần nào công hiệu và lành hơn là rượu”. Chính tôi cũng đã kinh nghiệm như vậy. 

Rượu là một thứ “an thần”.
Tôi xin kể một trường hợp một kỹ nghệ gia có thói quen mỗi ngày vào mười sáu giờ, uống một viên thuốc an thần. Ông ấy bảo tôi: “Giờ đó là giờ mà thần kinh tôi bị kích thích nhiều. Chẳng những công việc trong sở ngập đầu, về nhà còn phải lo giải quyết nhiều vấn đề nữa. Tới khi đi ngủ, uống hai viên nữa. Cho nên khoảng 16 giờ tôi phải uống một viên an thần cho thần kinh dịu xuống trước khi về tới nhà lúc 18 giờ, nhờ vậy việc nhà giải quyết được dễ dàng hơn. Tới khi đi ngủ, uống hai viên nữa, mặc dầu tôi ngán lắm vì uống vào thì giữa buổi sáng hôm sau vẫn chưa hết khó chịu.
Nghe ông ta nói, tôi có cảm tưởng rằng chẳng bao lâu ông ta sẽ tăng gấp đôi liều thuốc an thần, buổi chiều cũng như buổi tối.
Vì ông ta đã 48 tuổi mà từ trước chưa hề nghiện rượu, nên tôi khuyên thử thay thuốc an thần bằng cách này xem sao: Về tới nhà, ông bảo bà cho ông một ly nhỏ rượu Scotch hay Bourbon, hoãn bữa ăn tối lại nửa giờ để ông có thì giờ vừa uống rượu vừa đọc tin tức buổi chiều. Trước khi đi ngủ cũng uống một ly Xenes.
Ông ấy làm theo lời tôi và tới nay đã được mấy năm rồi, khỏi phải dùng thuốc an thần nữa mà cũng không phải tăng tửu lượng lên. Hết quạu quọ buổi tối, đêm ngủ say như em bé.

Tật uống rượu đã có từ thời thượng cổ.
Ngay từ đầu thời Trung cổ ở Châu Âu, người ta đã biết dùng rượu để trị bệnh. Khi chưa có thuốc tê, người ta cho những bệnh nhân phải mổ xẻ, uống rượu mà đỡ thấy đau.
Người ta bảo loài người đã chế ra được rượu từ hai triệu năm trước, lúc mà trên trái đất đã có đủ các chất để chế rượu: Nước, những cây có chất đường, và men. Cho men vào lúa, gạo, mật, trái cây vân vân, để ít lâu sẽ thành rượu. Giáo sư Edgar Anderson ở đại học đường Washington cũng bảo loài người có thể biết làm rượu trước khi biết làm bánh.
Sử gia Hy Lạp thời cổ, Hérodote, chép phong tục Ai Cập vào hồi 500 năm trước Tây lịch viết rằng: “Sau bữa tối, một người khiêng một bức tượng dài non một thước tạc một thây ma nằm trong quan tài, giống hệt một thấy ma thực, đi vòng quanh bàn ăn, chia cho mỗi người khách coi và bảo: Ông uống rượu đi, vui vẻ đi, và ngó đây này: Khi chết thì ông sẽ như vậy đấy”.
Một triết gia Trung Hoa thời xưa cũng viết về rượu: “Không có rượu thì loài người không làm gì cả. Ngay các bậc hiền triết cũng không thể cấm hẳn rượu được, chúng ta chỉ cần tránh đừng uống quá độ thôi”. 

Tùy ý mỗi người.
Từ thời nào tới giờ loài người vẫn chia làm hai phe, người khen rượu là có ích, người chê là có hại. Nhưng trước kia người ta không xét vấn đề về phương diện khoa học hoặc luân lý, mà chỉ dựa vào những thành kiến mà gân cổ ra kịch liệt đả nhau, bên bênh bên bác, chằng bên nào chịu nghe bên nào.
Chẳng hạn huân tước Abernon viết trong cuốn “Rượu tác động tới cơ thể con người ra sao?”: “Rượu là một vấn đề bạc bẽo”. Đa số những người quan tâm tới vấn đề đó, đều đã có sẵn thành kiến rồi, hoặc bênh, hoặc bác, không ai đủ vô tư để làm một cuộc điều tra khoa học. Đa số những người đọc một công trình nghiên cứu độc đáo về rượu, cũng không có ý tìm hiểu thêm về cái gì mới mẻ về vấn đề, mà chi cốt tìm kiếm những lý lẽ, chứng cứ để bênh vực thành kiến của họ thôi.
Vì vậy mà những ý kiến về rượu được truyền bá trong dân chúng thường là chủ quan. Và có nhiều người dân quen cho rượu là thứ quỉ, khó làm họ hiểu rằng rượu có thể là một vị thuốc. 

Rượu và bệnh hiệp tâm (Angine de poitrine – đau thắt ngực).
Tôi nhớ một bệnh nhân, hồi mới 40 tuổi mỗi ngày uống 24 viên trinitrine để chống với bệnh “hiệp tâm”. Tôi biết rằng rượu có lợi trong trường hợp đó, nên khuyên uống rượu mỗi ngày ba lần, mỗi lần 25 tới 30 gram. Ông ta không chịu, sợ sẽ hóa nghiện như cụ thân. Tôi bảo rằng đã 40 tuổi chưa nghiện, thì không chắc gì sẽ nghiện đâu, với lại lo bảo vệ tương lai sao bằng lo về sức khoẻ lúc này đi.
Ông ta vẫn bướng bỉnh không nghe, tôi đưa cho ông ta đọc một bài của bác sĩ Paul D. White rất nổi danh thời đó vì là bác sĩ riêng của tống thống Eisenhower. Bác sĩ White viết: 25 hoặc 30 gam rượu Whisky, rượu brandy hoặc rượu rhum làm cho cơn “hiệp tâm” giảm liền trong vài phút”.
Bấy giờ ông ta mới chịu nghe, vẫn uống Trinitrine nhưng mỗi ngày 6 viên thôi.
Nếu bạn có thể tự hạn chế, uống mỗi ngày từ 25 tới 50 gam rượu, đừng quá, thì bạn sẽ thấy đời sống tươi đẹp. Nhiều người ngại rằng uống rượu dù ít cũng sinh ra bệnh “gan cứng” (xơ gan) nhưng khoa học chưa chứng thực điều đó. Bác sĩ Raymond Pearl ở dưỡng đường John Hopkins, xác nhận rằng những người uống rượu vừa phải, điều độ, sống lâu hơn những người khác. Các thống kê về y học hiện nay cho ta thấy rằng rượu nhiều khi tránh cho ta được những bệnh động mạch vành và huyết áp cao vì do mệt mỏi, gắng sức quá sinh ra. 

Rượu và các người già.
Tôi thấy rượu có ích lợi cho người già. Nhiều cụ già sống chán nản, kém ăn kém ngủ, chỉ nhờ mỗi ngày uống hai ha lần, mỗi lần một muỗng súp rượu mà thấy vui sống hẳn lại.
Hai nhà chuyên môn ở Yale, ông H.W. Haggard và ông B.M. Jellinck bảo: “Người già mà uống rượu nhẹ, vừa phải thôi, thì ăn ngon hơn, thấy vui vẻ, bớt lo, không lạnh nữa, bớt đau ốm, rầu rĩ”.
Tôi nhớ một ông lão 65 tuổi bị bệnh máu đông trong động mạch, rất chán nản, không ham sống nữa, lo lắng, quạu quọ, lầm lì. Uống thuốc chi cho an thần đều vô hiệu. Y như một cây khô rồi.
Lại coi mạch cho ông, tôi mới thấy thân nhân của ông nói đúng: “Ông chỉ còn chờ chết.”
Tôi hỏi thân nhân ông, từ trước đã cho ông uống rượu lần nào chưa. Họ đáp rằng suốt đời ông uống nước lạnh, nên không dám cho ông uống rượu.
Tôi bảo ông uống 25 gam porto trước bữa tối. Chỉ trong mấy ngày ông ăn ngon hơn. Tôi cho ông uống tăng lên: Mỗi ngày 4 lần một muỗng súp rượu. Thật là có phép mầu, chỉ trong 48 giờ ông ta hóa ra vui vẻ, hăng hái, nói luôn miệng.
Bạn nên nhớ chuyện đó nếu trong nhà có một trường hợp tương tự. Rượu không trị được bách bệnh đâu, nhưng cứ dùng thử nó còn hơn là dùng các thứ thuốc an thần, những thuốc nầy nhiều khi làm cho ta khó chịu chứ chằng ích lợi gì mấy. 

Bạn thuộc hạng uống rượu ra sao?
Nếu bạn thường uống rượu thì nên thành thực hỏi mình thuộc hạng nào trong ba hạng dưới đây:
1. Hạng bình thường, uống cũng được, không uống cũng được.
2. Hạng tửu lượng cao, nhưng tự cho rằng lúc nào muốn bỏ rượu cũng được.
3. Hạng ghiền kinh niên rồi.
Như trên kia tôi đã nói, có cả ngàn người chỉ uống nước thôi mà ngoài 40 tuổi, uống rượu một cách điều độ thì thấy khoẻ mạnh hơn nhiều, đặc biệt là những người nóng nảy, thần kinh hay căng thẳng. Nếu bạn thuộc hạng người đó thì nên hỏi bác sĩ xem có thể uống chút rượu được không, bác sĩ bảo được, thì cứ uống đừng ngại.
Nếu bạn thuộc hạng uống bình thường thì có thể cả tuần hoặc cả tháng không uống cũng không sao. Có ai mời một ly thì bạn cũng uống nhưng không bao giờ uống tới say và hôm sau không bao giờ nghĩ đến rượu. Trong trường hợp đó uống rượu không thành vấn đề, không có gì hại cho bạn cả.

Cà phê không bao giờ làm dã rượu đâu.
Nhiều người tin rằng cà phê làm dã rượu, và thấy bạn uống quá chén thì khi bạn sắp ra về, mời bạn: Tôi pha cho anh một tách cà phê thật nóng nhé, như vậy cầm tay lái tỉnh táo hơn.
Đừng nên nghe lời khuyên đó. Khi say rượu mà uống cà phê thì không chắc vững tay lái hơn đâu.
Các giáo sư F.W. Hughes và R.P. Forney ở trung tâm y khoa trường đại học Indiana đã thí nghiệm vào loài chuột, thấy trái lại, cà phê kéo dài thêm tác động của rượu.
Bạn bảo chuột với người khác nhiều. Nhưng tôi thấy nhiều người khi say rượu, uống một hai tách cà phê để tỉnh rượu, và chính người đó đã gây những tai nạn nghiêm trọng nhất. Tôi khuyên bạn hễ say rượu thì tốt hơn hết, kêu tắc xi mà về nhà.
Vì không còn gì nghi ngờ gì nữa, uống nhiều rượu rồi lái xe thì chẳng những nguy cho mình còn nguy cho người khác. Xã hội cấm ngặt bọn nghiện rượu làm nghề lái xe, nếu họ muốn tiếp tục hành nghề thì phải tẩy độc trong một dưỡng đường đã. Và dù không nghiện mà mới uống rượu xong đã lái xe, thì cũng bị phạt. Chính chúng ta phải nhớ điều đó: Đừng lái xe, đừng cho người nào lái xe nếu họ vừa mới uống rượu. 

Nếu tửu lượng của bạn cao.
Nếu bạn uống hai ba ly khai vị trước bữa trưa, rồi trong bữa ăn lại vừa ăn vừa uống nửa lít rượu chát hoặc một lít bia, buổi chiều trên đường về nhà, ngừng lại quán rượu chơi một vài ly, tới nhà trước bữa ăn, lại lai rai ba sợi trong khi ngồi nghe chương trình phát thanh hoặc nhìn vô tuyến truyền hình, hoặc nếu trong một bữa tiệc bạn nốc sáu bảy ly rượu mà huênh hoang khoe rằng chưa thấm vào đâu, nếu như vậy, bạn là tay bợm rượu đấy!
Phải coi chừng, đừng quá tự tin, cho rằng muốn bỏ rượu lúc nào cũng được, chỉ một vài chuyện buồn trong nhà hoặc trong công việc làm ăn là bạn sẽ thành một người nghiện rượu kinh niên đấy.
Tôi khuyên bạn nên tự hạn chế ngay đi: Trước uống hai nay giảm xuống một, để lần lần thành “hạng bình thường”. 

Nếu bạn nghiện rượu kinh niên.
Hạng này ai cũng biết liền, mà chính họ, họ cũng tự biết nữa. Họ bê tha, có lúc say bí tỉ, nói bậy nói bạ, bao nhiêu tiền đổ vào rượu hết, ở sở chẳng làm gì nên thân, về nhà đánh đập vợ con, riết rồi mất việc, có khi đau ốm, nghèo đói phải tự tử. Trong số người tự tử có 50% là hạng nghiện rượu.
Muốn chữa tật đó thì chính bạn phải tự giúp cho bạn, phải cương quyết vào dưỡng đường cho bác sĩ tẩy độc.

Như vậy là tôi đã xét đủ cả hai mặt của vấn đề rồi: Cái lợi và cái hại của rượu.
Theo tôi hạng thanh niên và hạng người từ 25 đến 35 tuổi, có chuyện gì buồn trong đời, nhất là buồn về chuyện gia đình, rầu rĩ quá, thần kinh bị kích thích quá, phải uống cho tiêu sầu, chính hạng đó phải coi chừng, rất dễ thành nghiện rượu. Bốn mươi tuổi trở lên, mà chưa thích uống rượu thì khó mà thành nghiện được.

TÓM TẮT
1- Đừng tập cho trẻ uống rượu.
2- Rượu có lợi mà cũng có hại.
3- Ngoài 40 tuổi, ít người hóa ra nghiện rượu.
4- Nên cấm rượu những người huyết áp cao quá, loét bao tử, có bệnh ở trái mật, bị chứng thống phong, đau gan, đau thận và những người cảm xúc bất thường.
5- Rượu làm cho thần kinh dịu xuống.
6- Người già uống rượu thì tốt hơn uống thuốc an thần.
7- Loài người chế được rượu từ cả triệu năm rồi.
8- Thời nào cũng có phe kết án rượu và có phe bênh vực rượu.
9- Bị chứng “hiệp tâm”, uống sẽ thấy bớt đau ngay.
10- Bạn thuộc hạng nào trong bốn hạng này: Không uống rượu? Uống bình thường? Uống nhiều? Nghiện? Phải thành thực với mình khi trả lời câu đó.
11- Cà phê không làm dã rượu đâu.
12- Đừng để cho bọn nghiện rượu lái xe,
13- Rượu có ích cho loài người ngoài tứ tuần.
14- Không khi nào loài người bỏ hẳn các thứ rượu đâu. 

Điều cấm thứ tư:
ĐỪNG UỐNG RƯỢU!

Quên lời cấm đó đi, nếu:
1- Bạn đã trên 40 tuổi mà không nghiện rượu.
2- Bị bệnh hiệp tâm hoặc động mạch viêm.
3- Thần kinh kích thích quá, cứ phải uống mỗi ngày mỗi nhiều thuốc an thần.
4- Bạn không chịu uống rượu chỉ vì cho như vậy không đàng hoàng.
Nhớ thêm:
Nhiều người trên 40 tuổi mà chưa uống rượu, nếu uống vừa phải sẽ mạnh khoẻ hơn.

Nhớ lời cấm đó, nếu:
1- Bạn còn là một thanh niên.
2- Bạn dưới 40 tuổi: có uống thì uống ít thôi.
3- Bạn vui buồn bất thường.
4- Huyết áp cao quá.
5- Loét bao tử hoặc bị chứng thống phong.
6- Gan hoặc thận đau.
7- Sắp lái xe.
Nhớ thêm:
Nếu bác sĩ cấm uống rượu mà bạn vẫn uống thì tức là bạn tự tử một cách từ từ đấy.

Trích: Sống theo sở thích sẽ sống lâu. Peter J. Steincrohn (Nguyễn Hiến Lê dịch)
https://sachvui.com/doc-online/bib/i/?book=2014/Sachvui.Com-song-theo-so-thich-se-song-lau-peter-j-steincrohn.epub