Khi người nhà hoặc người bạn thân đang hồi phục sau cơn bệnh nặng, chúng ta thường cố gắng chăm sóc thật tận tình. Chúng ta hết sức chìu chuộng như chìu chuộng một đứa bé đang bệnh, cho ăn ngon cho đồ chơi để bé mau lành.
Bệnh nghiện rượu cần phải có một thời gian để hồi phục, bất cứ ai trải qua giai đoạn này cũng xứng đáng nhận được sự tận tình và chìu chuộng.
Trước đây, người ta thường nghĩ rằng người đang khỏi bệnh đáng phải chịu đau khổ, bởi vì người ta nghĩ rằng chính họ gây ra bệnh của mình một cách tự nguyện, ích kỷ.
Bởi vì thành kiến đối với bệnh nghiện rượu vẫn còn đè nặng bởi những người không biết bản chất của bệnh (kể cả chúng tôi trước khi hiểu biết hơn); nhiều người chúng tôi không tử tế lắm đối với chính mình trong lúc chịu đựng sự vật vã sau cơn say. Chúng tôi cứ chịu đựng và nghĩ mình như là “gánh hậu quả”, cần phải tự chịu phạt vì hành vi sai trái của mình.
Bây giờ chúng tôi biết nghiện rượu không phải là hành vi phi đạo đức, chúng tôi thấy rằng nhất thiết phải điều chỉnh thái độ của chúng tôi. Chúng tôi biết rằng một trong những người ít khả năng đối xử với người nghiện rượu như là một bệnh nhân nhất, đáng ngạc nhiên, lại chính là người nghiện rượu. Một lần nữa, nếp nghĩ cũ lại bất ngờ tái hiện.
Người ta thường nói người nghiện rượu là người cầu toàn, nôn nóng về bất cứ khuyết điểm nào, nhất là của bản thân. Đặt những mục tiêu không thể thực hiện được cho chính mình, chúng tôi lại phấn đấu cật lực để đạt được những lý tưởng không thể với tới.
Rồi vì không có con người nào có thể duy trì những tiêu chuẩn cực cao như chúng tôi thường đòi hỏi, chúng tôi thấy mình thất vọng, cũng như tất cả những ai có những mục tiêu không thực tế. Và sinh ra chán nản, buồn rầu. Chúng tôi nóng giận tự trừng phạt vì mình kém hơn mức hoàn hảo.
Đó chính xác là nơi chúng tôi có thể bắt đầu đối xử tốt – ít nhất là công bình – đối với chính mình. Chúng ta không nên đòi hỏi quá sức đối với một đứa bé hoặc một người khuyết tật. Cũng vậy, có lẽ chúng tôi không có quyền mong chờ những điều kỳ diệu của chính mình khi cai rượu.
Nôn nóng khỏi bệnh hoàn toàn vào ngày thứ ba, chúng tôi lại thấy mình vừa tỉnh cơn say vào ngày thứ tư và bắt đầu oán trách chính mình. Đó là lúc thích hợp để đầu óc lui lại và nhìn về mình một cách càng khách quan càng tốt. Chúng tôi nên làm gì khi một người thân yêu hoặc một người bạn chán nản vì bệnh lâu lành và bắt đầu từ chối điều trị?
Nên nhớ rằng uống nhiều rượu tàn phá cơ thể nặng nề, gây ra những tình trạng có thể mất nhiều tháng nhiều năm để bình phục. Không ai trở thành một người nghiện rượu chỉ trong một vài tuần (hầu như không một ai). Cũng vậy, ta không thể mong bình phục thần kỳ trong phút chốc được.
Khi cảm giác chán nản xuất hiện, ta cần động viên chính mình. Nhiều chúng tôi xem đó là phương thuốc tốt để vỗ về mình, chào mừng những tiến bộ đã đạt – dĩ nhiên không tự mãn hoặc tự cao một cách nguy hiểm về nó.
Hãy kiểm điểm lại. Ta có hạn chế không uống rượu 24 giờ vừa qua không? Nó đáng để thật lòng tự khen ngợi. Ta có để mình ăn đầy đủ ngày hôm nay không? Ta có cố gắng hoàn tất nghĩa vụ ngày hôm nay không? Nói ngắn gọn, hôm nay ta có làm tốt và làm đủ hết sức mình không? Nếu có, tất cả thật là đáng để mong đợi.
Có thể ta không thể trả lời có với tất cả các câu hỏi này. Có thể ta thiếu sót một cách nào đó, sai phạm một ít về suy nghĩ hoặc hành động, dù biết vậy. Rồi sao? Ta không là một tạo vật hoàn chỉnh. Ta nên thu xếp để cải thiện từng bước hơn là than thở vì bất cứ thiếu sót nào.
Ta có thể làm gì vui ngay bây giờ? Ta có thể làm cái gì đó khác hơn là cầm ly rượu. Mỗi chương trong sách đều đưa ra những đề nghị loại này.
Nhưng có lẽ còn có nhiều hơn nữa. Vừa rồi ta đã thưởng thức cuộc sống chưa? Hoặc ta đã quá quan tâm đến chuyện cải thiện, quá sốt sắng chúi mũi vào việc mài dũa tự cải thiện bản thân mà không thưởng thức được buổi hoàng hôn? Một vầng trăng mới? Một bữa ăn ngon? Một chăm sóc vào ngày nghỉ đang cần? Một chuyện đùa? Một tình cảm nào đó?
Vì chính cơ thể đang cần bình thường hóa, có thể chúng vui mừng chào đón những cơ hội được nghỉ ngơi cần thiết. Hãy thưởng thức những lúc chợp mắt lơ mơ hoặc là những đêm dài ngon giấc bình yên. Hoặc có lẽ bạn còn một ít năng lượng thừa, bạn có thể dùng để chỉ vui đùa giải trí. Cũng như các lĩnh vực khác của cuộc sống, những thứ này cần để thỏa mãn toàn bộ tiềm năng con người chúng ta.
Bây giờ là lúc duy nhất ta có được. Và nếu ta không tử tế với bản thân ngay bây giờ, ta chắc chắn không lý do gì mong mỏi được người khác tôn trọng hoặc quan tâm đến mình.
Khi cai rượu rồi, chúng tôi đã thấy mình có thể thưởng thức mọi thứ hay ho mà ta đã từng thưởng thức khi còn nhậu nhẹt – và nhiều, nhiều hơn nữa. Cần một ít tập luyện, nhưng phần thưởng còn nhiều hơn là phần đền bù công sức. Để được như vậy không phải là ích kỷ, mà là tự bảo vệ. Trừ khi ta chăm sóc sự lành bệnh của chính mình, ta không thể vượt qua để trở nên vị tha, có đạo đức và có trách nhiệm với mọi người.
Nguồn: Living sober. Alcoholics Anonymous