BỆNH GÚT

Gút là một dạng viêm khớp đau đớn và có thể gây tàn phế, đã xuất hiện từ thời cổ. Gút đôi khi được gọi “bệnh của các ông vua”, bởi vì người ta từ lâu liên kết nó một cách không đúng với ăn quá nhiều và uống quá nhiều rượu vang mà chỉ những người giàu có và quyền thế mới mua nổi. Thực ra, bệnh gút có thể tác động đến bất kỳ người nào và các yếu tố nguy cơ mắc bệnh thay đổi khác nhau.

Triệu chứng đầu tiên thường là các giai đoạn sưng đau cực độ ở các khớp riêng lẻ, thường nhất ở bàn chân, đặc biệt là ngón chân cái. Nơi sưng có thể đỏ và ấm. Năm mươi phần trăm của các giai đoạn đầu tiên xảy ra ở ngón chân cái, nhưng bất kỳ khớp nào cũng có thể bị. May mắn là có thể điều trị gút và làm giảm những đợt kịch phát rất đau đớn bằng cách tránh các thức ăn và thuốc kích phát, và bằng cách sử dụng thuốc. Tuy nhiên, chẩn đoán gút có thể khó khăn và kế hoạch điều trị thường phải được điều chỉnh cho từng người.

Cái gì gây ra bệnh gút?

Bệnh gút xảy ra khi acid uric dư thừa (là một chất thải bình thường) tích tụ trong cơ thể, và các tinh thể urate giống như mũi kim ứ đọng trong các khớp. Điều này xảy ra hoặc bởi vì sự sản xuất acid uric tăng cao, hoặc thường xảy ra hơn bởi vì thận không thể thải acid uric ra khỏi cơ thể đủ tốt. Một số thức ăn và thuốc có thể làm tăng nồng độ acid uric và dẫn đến các cơn kịch phát gút, gồm có:

+ Thủy sản có vỏ cứng và các loại thịt đỏ

+ Rượu quá nhiều

+ Thức uống và thức ăn ngọt có fructose cao

+ Một vài loại thuốc như:

Aspirin liều thấp (nhưng do aspirin có thể giúp tránh các cơn nhồi máu cơ tim và đột quị nên chúng tôi không khuyến cáo những bệnh nhân bị gút ngưng aspirine liều thấp)

Một vài loại thuốc lợi tiểu như là hydrochlorothiazide (Esidrix, Hydro-D) và Lasix

Các thuốc ức chế miễn dịch được dùng trong ghép tạng như cyclosporine (Neoral, Sandimmune) và tacrolimus (Prograf)

Dần dà, nồng độ acid uric tăng cao trong máu có thể dẫn đến tích tụ tinh thể urate trong khớp và chung quanh các khớp. Các tinh thể này có thể thu hút các bạch huyết cầu, dẫn đến các cơn kịch phát gút nghiêm trọng, đau đớn và viêm khớp mạn tính. Acid uric cũng có thể tích tụ trong đường tiết niệu, gây ra sỏi thận.

Ai mắc bệnh gút?

Có ba triệu người Mỹ mắc bệnh gút. Bệnh này và các biến chứng của nó thường xảy ra hơn ở người nam, người nữ sau mãn kinh và người mắc bệnh thận. Bệnh gút liên kết mạnh mẽ với béo phì, tăng huyết áp, tăng lipid máu (cholesterol và triglyceride cao) và tiểu đường. Do các yếu tố gen, bệnh gút có khuynh hướng lưu hành trong một số gia đình. Trẻ em hiếm khi mắc bệnh gút.

Bệnh gút được chẩn đoán như thế nào?

Một số loại viêm khớp khác có thể giống như bệnh gút, do đó chẩn đoán đúng (phát hiện) là then chốt. Nhân viên y tế nghĩ đến bệnh gút khi bệnh nhân ban đầu bị sưng khớp và rất đau đớn ở một hoặc hai khớp, sau đó là thời gian không hề đau đớn giữa các đợt kịch phát. Các đợt kịch phát đầu tiên thường bắt đầu vào ban đêm.

Chẩn đoán dựa vào tìm thấy các tinh thể đặc thù. Bác sĩ có thể sử dụng kim tiêm để trích dịch từ khớp bị tổn thương và sẽ xem xét dịch dưới kính hiển vi để tìm xem có các tinh thể urate hay không. Các tinh thể cũng có thể được tìm thấy tích tụ bên dưới da, gọi là sạn urat (tophi). Các sạn urat này xuất hiện ở bệnh gút đã tiến triển.

Nồng độ acid uric trong máu là quan trọng nhưng đôi lúc có thể dẫn đến lầm lẫn, nhất là khi được đo lúc xảy ra cơn kịch phát. Nồng độ có thể bình thường trong một thời gian ngắn hoặc thậm chí thấp lúc xảy ra các cơn kịch phát. Thậm chí người không bị bệnh gút có thể có nồng độ acid uric cao.

X quang có thể cho thấy tổn thương khớp ở bệnh gút kéo dài. Siêu âm và CT năng lượng kép (dual energy CT) có thể cho thấy các dấu hiệu sớm của tổn thương khớp do gút. Các kỹ thuật hình ảnh này cũng có thể gợi ý đến chẩn đoán gút.

Bệnh gút được điều trị như thế nào?

Điều trị cơn kịch phát

Một điều trị cơn kịch phát gút là colchichine. Thuốc này có thể hữu hiệu nếu được cho lúc mới kịch phát. Tuy nhiên, colchicine có thể gây buồn nôn, ói, tiêu chảy và các tác dụng phụ khác. Liều thấp ít gây tác dụng phụ hơn. Bệnh nhân bị bệnh thận hoặc gan, hoặc sử dụng các thuốc tương tác với colchicine phải sử dụng liều colchicine thấp hơn hoặc sử dụng các thuốc khác. Colchicine cũng có vai trò quan trọng trong việc ngừa các cơn kịch phát gút.

Thuốc kháng viêm không steroid, thường gọi là NSAID, như các thuốc giống aspirin, có thể làm giảm viêm và đau ở các khớp và các mô khác. NSAID như indomethacin (Indocin) và naproxen (Naprosyn), đã trở thành điều trị được chọn lựa đối với hầu hết các cơn kịch phát gút. Không có bằng chứng là một thuốc NSAID nào tốt hơn thuốc NSAID khác. Các NSAID tác dụng nhanh liều cao làm giảm triệu chứng nhanh nhất. Các thuốc này có thể gây kích thích dạ dày, loét hoặc tiêu chảy, nhưng chúng được hầu hết mọi người chịu đựng tốt khi sử dụng ngắn hạn. Một số người không thể sử dụng NSAID do bệnh tình, như loét dạ dày hoặc chức năng thận suy hoặc sử dụng thuốc làm loãng máu. Hướng dẫn sử dụng NSAID có liệt kê các loại bệnh nhân không thể sử dụng NSAID.

Ở bệnh nhân gút điều trị không đúng mức, các tinh thể có được tìm thấy trong sạn urat (tophi), có thể làm tổn thương các khớp và có thể xuất hiện dưới da. Corticosteroid như prednisone và triamcinolone là các chọn lựa hữu ích đối với bệnh nhân không thể sử dụng NSAID. Các thuốc này, uống hoặc chích vào cơ bắp có thể rất hữu hiệu trong việc điều trị cơn kịch phát gút. Nếu chỉ tổn thương một hoặc hai khớp, bác sĩ có thể chích corticosteroid trực tiếp vào trong khớp.

Bác sĩ có thể kê toa anakinra (Kineret), một “kháng beta interleukin 1” cho các cơn kịch phát gút rất trầm trọng. Mặc dù thuốc viêm khớp dạng thấp này không được Cơ quan quản lý thực phẩm và thuốc Hoa Kỳ (FDA) chấp thuận để điều trị gút, nó có thể nhanh chóng làm giảm các triệu chứng gút đối với một số bệnh nhân. Một số liệu pháp tại nhà có thể làm dịu cơn đau gút. Hãy để khớp bị đau được nghỉ ngơi và đắp bịch nước đá hoặc gạc lạnh (gạc tẩm nước lạnh và vắt khô) vào điểm đau.

Điều trị loại bỏ acid uric dư thừa

Những bệnh nhân bị cơn kịch phát gút tái đi tái lại, nồng độ acid uric trong máu cao bất thường, có sạn urat (tophi) hoặc sỏi thận nên dứt khoát xét đến việc làm hạ nồng độ ucid uric trong máu. Các thuốc này không làm giảm đau cơn gút kịch phát, do đó hầu hết bệnh nhân nên bắt đầu sử dụng sau khi các cơn kịch phát cấp tính lui bệnh. Thuốc thường được sử dụng nhất để đưa nồng độ acid uric trong máu trở về bình thường là allopurinol (Lopurin, Zyloprim). Nó ngăn chận việc sản xuất acid uric. Một chọn lựa khác là febuxostat (Uloric) cũng ngăn chận việc sản xuất acid uric.

Probenecid (Benemid) giúp thận loại bỏ acid uric. Chỉ những bệnh nhân có chức năng thận tốt, không sản xuất acid uric quá nhiều, mới nên sử dụng probenecid.

Pegloticase (Krystexxa) được tiêm và phá vỡ acid uric. Thuốc này dành cho những bệnh nhân không đáp ứng với các điều trị khác hoặc không thể chịu được các điều trị này. Các thuốc mới để làm hạ nồng độ acid uric và điều trị viêm gút đang được nghiên cứu.

Các cơn kịch phát gút có thể thường xảy ra khi bạn lần đầu tiên bắt đầu sử dụng thuốc làm hạ nồng độ acid uric trong máu. Bệnh nhân có thể giúp ngăn chận các cơn kịch phát khi bắt đầu sử dụng các thuốc này bằng cách đồng thời sử dụng colchicine liều thấp hoặc NSAID. Thường thì bác sĩ khuyên bệnh nhân sử dụng colchicine liều thấp, dùng để ngăn chận cùng với thuốc làm hạ acid uric trong ít nhất sáu tháng.

Nếu bạn đang sử dụng thuốc hạ acid uric, bác sĩ nên tăng dần liều và tiếp tục theo dõi nồng độ acid uric trong máu. Khi nồng độ acid uric của bạn giảm xuống dưới 6 mg/dL (mức bình thường), các tinh thể có khuynh hướng hòa tan và việc tích tụ tinh thể mới có thể được ngăn chận. Bạn có lẽ phải tiếp tục sử dụng thuốc này dài hạn để ngăn chận các cơn kịch phát gút.

Điều tác dụng tốt cho một bệnh nhân này có thể không hiệu quả với bệnh nhân khác. Do đó, quyết định khi nào bắt đầu điều trị và sử dụng các thuốc nào nên được điều chỉnh theo từng bệnh nhân. Chọn lựa điều trị tùy thuộc vào chức năng thận, các tình trạng sức khỏe khác, tùy thích của bệnh nhân và các yếu tố khác.

Những gì bạn ăn uống có thể làm tăng nồng độ acid uric. Hạn chế số lượng thức uống có nhiều fructose như soda dành cho người không ăn kiêng. Ngoài ra, không được uống rượu, nhất là bia. Hạn chế ăn thức ăn nhiều purine, là các phức hợp khi phân hủy tạo ra acid uric. Các phức hợp này có nhiều trong thịt và một số loại hải sản. Các nghiên cứu mới cho thấy purine trong rau quả có vẻ an toàn. Các sản phẩm sữa ít mỡ có thể làm giảm nồng độ acid uric.

Trong hầu hết các trường hợp, có thể điều trị thành công bệnh gút và dần dần chấm dứt các cơn kịch phát. Điều trị cũng làm giảm số lượng và kích thước các sạn urat (tophi).

Tác động của bệnh gút lên sức khỏe chung

Gút thường đi kèm với tăng huyết áp, bệnh tim và bệnh thận, hoặc với việc sử dụng các thuốc làm tăng nồng độ acid uric. Do đó, bác sĩ nên tìm các bệnh tình có liên quan này. Các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu xem làm hạ nồng độ acid uric có thể giúp cho bệnh tim và bệnh thận không.

Sống chung với bệnh gút

Bệnh gút ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bởi cả các cơn kịch phát từng lúc và tiềm năng viêm khớp mạn tính. Tuân thủ kế hoạch điều trị của bạn là rất quan trọng. Các thay đổi nếp sống có thể giúp xử trí căn bệnh cả đời này dễ dàng hơn. Đề nghị giảm cân, tránh uống rượu và giảm các thức uống có chứa fructose và thức ăn nhiều purine.

Vai trò của các bác sĩ thấp khớp trong điều trị bệnh gút

Điều trị bệnh gút có thể khó khăn vì các bệnh đồng mắc và các loại thuốc khác. Các bác sĩ thấp khớp, chuyên gia về điều trị viêm khớp, thăm khám bệnh nhân để tìm hiểu xem gút có phải là nguyên nhân của viêm khớp không và để chỉ dẫn họ về vai trò và cách sử dụng đúng của các thuốc và các điều trị khác đối với bệnh gút. Họ cũng giữ vai trò tư vấn cho các bác sĩ chăm sóc ban đầu.

Nguồn: American College of Rheumatology
http://www.rheumatology.org/I-Am-A/Patient-Caregiver/Diseases-Conditions/Gout
Trần Thanh Xuân dịch