KHÓ THỞ

Khó thở do nhiều cơ chế gây ra, có liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau trong cơ thể. Trong suốt cuộc đời, một người có thể từng bị những lúc khó thở hiếm hoi, do vận động quá sức hoặc do môi trường như ở vùng cao, quá nóng, quá lạnh. Ngoài các tình trạng cực điểm này, khó thở thường là một dấu hiệu bệnh.

Khi nào khó thở là một dấu hiệu bệnh?

Khi khó thở kéo dài và dai dẵng, có lẽ nó có liên quan đến một tình trạng bệnh. Tuy nhiên, nếu khó thở đột ngột và mức độ nghiêm trọng dù một thời gian ngắn, nó cần được thăm khám. Các đầu mối của một tình trạng bệnh được đưa ra trong Bảng 1.

Bảng 1. Nguyên nhân khó thở

Khó thở lúc nghỉ ngơi

Khó thở lúc hoạt động hoặc thể dục

Khó thở khi nằm xuống

Khó thở khi phơi nhiễm chất dị ứng hoặc tác nhân kích thích

Khó thở đi kèm theo với
– Đau ngực hoặc tức ngực
– Đau nhức một hoặc cả hai tay, lan đến cằm hoặc cổ
– Sưng mắt cá và bàn chân
– Tăng cân do ứ dịch hoặc mất cân ngoài ý muốn cùng với chán ăn
– Mệt mỏi bất thường
– Đàm vàng, xanh hoặc dính, có máu
– Sốt
– Khò khè, tức là tiếng rít khi hít thở
– Ho dai dẵng, mạn tính
– Môi và đầu ngón tay ngón chân tím tái
– Ngất xỉu, chóng mặt
– Đầu ngón dùi trống

Điều gì gây ra khó thở?

Triệu chứng khó thở có thể do nhiều bất thường khác nhau trong các hệ cơ quan khác khau trong cơ thể (Hình).

kho tho

Hình. Các cơ quan có thể có liên quan trong việc phát sinh khó thở, bao gồm hệ thần kinh trung ương, đường thở, phổi, ngực và tim.

Phổi

+ Các nhiễm trùng gần đây như viêm phế quản hoặc viêm phổi, hay là nhiễm trùng mạn tính như lao hoặc viêm phế quản mạn tính. Khó thở có thể đi kèm với đàm đổi màu hoặc sốt.

+ Hen, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và khí phế thủng: Đường thở bị hẹp, tăng sức cản đối với không khí thở ra khỏi phổi, khiến không khí bị ứ trong phổi. Khó thở có thể đi kèm với khò khè. Ở bệnh nhân hen, thường có tiền sử dị ứng, trong khi ở bệnh nhân bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính hoặc khí phế thủng, thường có tiền sử hút thuốc.

+ Ung thư phổi và các khối u khác: Khó thở thường đi kèm với chán ăn và mất cân ngoài ý muốn. Thường có tiền sử hút thuốc nặng và lâu dài.

+ Mô phổi tổn thương và hóa xơ do độc tố (như bệnh bụi phổi – asbestosis) hoặc do bệnh toàn thân (như viêm khớp dạng thấp). Thường có tiền sử bệnh toàn thân hoặc phơi nhiễm nghề nghiệp.

+ Cục máu đông trong tuần hoàn phổi (ngạnh tắc phổi): Khó thở thường đột ngột, đi kèm với thở nhanh và có thể kèm thêm đau ngực. Người bị cục máu đông ở chân hoặc ở vùng chậu (ngạnh tắc tĩnh mạch sâu), bệnh tình suy kiệt, bất động hoặc có xu hướng di truyền tạo cục máu đông dễ rơi vào tình trạng này.

+ Bệnh màng phổi: Nếu màng phổi dày lên, hóa sẹo, hoặc chứa dịch hay máu do nhiễm trùng (tràn dịch màng phổi), ung thư hoặc chất độc (bệnh bụi phổi), hoặc chứa khí (tràn khí màng phổi), màng phổi cản trở sự dãn nở của phổi, gây ra khó thở.

+ Bệnh cơ hoành hay thành ngực: Cơ hoành là cơ làm nở rộng phổi. Cơ hoành có thể bị liệt sau khi phẫu thuật ngực. Béo phì và biến dạng cột sống, biến dạng ngực cũng gây khó thở.

+ Rối loạn giấc ngủ: Ngưng thở lúc ngủ, thường biểu hiện bởi buồn ngủ vào ban ngày, ngáy to và có những lúc ngưng thở trong khi ngủ được người khác thấy được, có thể đi kèm với khó thở, thường xuất hiện sau khi tỉnh dậy đột ngột do ngưng thở.

Bệnh tim

+ Suy tim: Khó thở trong suy tim do khả năng tim nhận máu và đẩy máu bị suy giảm, khiến huyết áp trong các mạch máu chung quanh phổi tăng lên. Các triệu chứng thường gặp của suy tim gồm có khó thở khi nằm xuống (đây là một triệu chứng đặc hiệu của suy tim); phải kê nhiều gối trên đầu giường; thức giấc và khó thở trong đêm; ho về đêm hoặc khi nằm xuống; bị khó thở khi hoạt động; sưng mắt cá chân hoặc sưng chân; bị mệt mỏi bất thường khi hoạt động; và bị tăng cân do ứ dịch. Tổn thương cơ tim thường gây ra suy tim. Trong đa số các trường hợp, tổn thương cơ tim là do nhồi máu cơ tim (bệnh mạch vành tim) hoặc giảm lưu lượng máu đến cơ tim (thiếu máu). Trong một số trường hợp, tổn thương cơ tim là do hở hoặc hẹp các van tim (trong bệnh này, bác sĩ sẽ nghe tiếng thổi) hoặc suy yếu cơ tim do bệnh miễn dịch (thai kỳ hoặc bệnh tự miễn toàn thân như luput đỏ hệ thống), độc tố (như hóa trị, rượu, cocaine), nhiễm vi rút, các yếu tố di truyền. Trong một số trường hợp, cơ tim không phải suy yếu mà là cứng đờ, khiến việc nhận máu về tim bị tổn hại. Điều này thường do tăng huyết áp hoặc do cao tuổi.

Béo phì

Hầu hết bệnh nhân béo phì bị khó thở khi hoạt động. Các nguyên nhân bao gồm: ngực không thể dãn rộng hoàn toàn do trọng lượng quá dư đè lên thành ngực và các thay đổi trong việc kiểm soát hô hấp của não, khiến người ta khó hít sâu, thường gây ra ứ đọng khí carbonic và không đủ khí oxy trong máu (hội chứng kém thông khí béo phì). Hầu hết những bệnh nhân kém thông khí béo phì cũng bị ngưng thở lúc ngủ.

Mất thể hình

Nếu bạn không tích cực hoạt động hoặc không thể dục đều đặn, do xổ người và bị yếu cơ, bạn có thể phát sinh khó thở khi vận động thể chất vượt mức quen thuộc, như leo cầu thang.

Dị ứng

Dị ứng nặng (sốc phản vệ) có thể xảy ra ở những người dị ứng hoặc hen suyễn, thường gây ngứa, nổi mề đay, sưng mặt và môi, ban đỏ và khó thở. Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng có thể gây chết người, khởi phát nhanh và cần phải chăm sóc, điều trị ngay lập tức. Dị ứng mạn tính, mặt khác, có thể gây ra khó thở hoặc khò khè từng lúc (hen suyễn), mỗi khi người bệnh phơi nhiễm với dị nguyên.

Bệnh toàn thân

+ Thiếu máu, số lượng hồng cầu thấp: Do hồng cầu mang theo khí oxy, khi số lượng hồng cầu cực thấp, nhu cầu oxy của cơ thể không được đáp ứng, gây khó thở.

+ Tăng chuyển hóa, như cường giáp, sốc (huyết áp cực thấp), nhiễm trùng toàn thân nặng (nhiễm trùng huyết), hoặc sốt: Cơ thể cố gắng đáp ứng nhu cầu oxy cao bằng cách thở mạnh và nhanh.

+ Bệnh thận hoặc bệnh gan mạn tính: Do tăng dịch trong phổi, trong cơ thể và sự trao đổi oxy tại phổi bị tổn hại, bệnh nhân bị khó thở ở các giai đoạn cuối của cả hai tình trạng này.

Bệnh hệ thống thần kinh

+ Tăng áp suất trong não do chấn thương, bướu, đột quị hoặc chảy máu. Khi phần não điều hòa hô hấp bị ảnh hưởng, các tình trạng hiếm hoi này có thể gây khó thở. Các triệu chứng thần kinh khác thường xuất hiện trước khi khó thở.

+ Các rối loạn thần kinh và cơ, ảnh hưởng đến khả năng phối hợp và dãn rộng lồng ngực, ảnh hưởng đến vận động của cơ hoành có thể gây khó thở.

+ Lo âu: Lo âu đôi khi đi kèm với thở mạnh và nhanh (tăng thông khí). Khó thở thường biến mất khi giai đoạn lo âu chấm dứt.

Khó thở được đánh giá như thế nào?

Bác sĩ sẽ tiến hành khám thực thể toàn diện và có thể cần các xét nghiệm như đo nồng độ natriuretic peptide (thường tăng cao trong suy tim), công thức máu (để tìm thiếu máu), đo oxy hoặc nồng độ oxy trong máu hoặc khí carbonic trong máu. Bác sĩ cũng có thể cần X quang ngực. Nếu nghi ngờ bệnh tim, bạn có thể làm điện tâm đồ, siêu âm tim (hoặc MRI tim) để đánh giá chức năng co bóp của tim và các van, hoặc một thử nghiệm gắng sức để đánh giá sự tắc nghẽn của các mạch máu nuôi tim (động mạch vành). Nếu nghi ngờ bệnh phổi, bạn có thể làm thăm dò chức năng hô hấp (hô hấp ký). Thỉnh thoảng, thử nghiệm vận động (thử nghiệm vận động tim phổi) có thể được tiến hành trên một xe đạp để đo lường sự trao đổi khí ở phổi, thể hình và chức năng tim. Thử nghiệm bổ sung như CT và PET CT có thể cần trong một số trường hợp.

Khó thở được điều trị như thế nào?

Điều trị như thế nào tùy thuộc vào nguyên nhân (Bảng 2). Nếu bạn được chẩn đoán suy tim, bạn có thể được điều trị bằng các loại thuốc như lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, digoxin và thuốc chẹn beta. Nếu nguyên nhân là hen hoặc bệnh phổi mạn tính, bạn có thể được điều trị với oxy. Nếu nhiễm trùng, bạn có thể được kê toa một thuốc kháng sinh.

Bảng 2. Tôi có thể làm gì để tự chăm sóc

Bỏ thuốc lá. Ngưng hút thuốc sẽ giúp làm giảm một số các triệu chứng của bạn và làm giảm nguy cơ ung thư phổi.

Tránh phơi nhiễm với các dị nguyên, bụi, chất độc. Nếu bạn bị hen, tránh phơi nhiễm các dị nguyên gây ra khó thở.

Tránh quá cân và thể dục đều đặn. Luôn luôn tham vấn bác sĩ trước khi bắt đầu một chương trình giảm cân hoặc thể dục.

Nếu bạn bị suy tim, hãy sử dụng thuốc đều đặn, tránh ăn muối, và cân nặng mỗi ngày để theo dõi tình trạng ứ dịch.

Hãy học hỏi về bệnh tình của bạn. Nói chuyện với nhân viên y tế để học các phương pháp làm giảm nhẹ hoặc chấm dứt khó thở. Soạn một kế hoạch hành động dành cho lúc triệu chứng trở nặng.

Nguồn: American Heart Association
http://circ.ahajournals.org/content/129/15/e447.full.pdf
Trần Thanh Xuân dịch