ĐIỀU TRỊ NGƯNG THỞ LÚC NGỦ CÓ THỂ ĐẢO NGƯỢC CÁC THAY ĐỔI KHÔNG LÀNH MẠNH TRONG NÃO

Trong một nghiên cứu nhỏ, áp suất đường thở dương liên tục (continuous positive airway pressure – CPAP) làm giảm hoạt động thần kinh vốn gây bệnh tim

apnea642

14.9.2015 (HealthDay News) – Điều trị ngưng thở lúc ngủ có thể đảo ngược hoạt động ở cuống não, vốn đã đi kèm với nguy cơ bệnh tim tăng lên, một nghiên cứu mới đây cho biết.

Các phát hiện này “nhấn mạnh sự hữu hiệu của điều trị bằng CPAP trong việc làm giảm một trong những vấn đề y tế đáng kể nhất (bệnh tim) đi kèm với ngưng thở lúc ngủ,” các nhà nghiên cứu kết luận.

Nghiên cứu trước đây cho rằng người bị ngưng thở lúc ngủ có hoạt động tăng cao ở các dây thần kinh đi kèm với phản ứng stress, vốn có thể dẫn đến cao huyết áp và các vấn đề ở tim. Hoạt động thần kinh tăng cao này là do chức năng cuống não bị thay đổi vì ngưng thở lúc ngủ, các nghiên cứu trước đây đã cho thấy.

Trong nghiên cứu nhỏ này, được công bố mới đây trong tạp chí Journal of Neurophysiology, các nhà nghiên cứu Úc đã thấy rằng điều trị CPAP làm giảm hoạt động thần kinh bằng cách phục hồi chức năng bình thường của cuống não.

Nghiên cứu gồm 13 bệnh nhân ngưng thở lúc ngủ, được đánh giá trước và sau khi điều trị CPAP sáu tháng.

“Các dữ liệu này khẳng định mạnh mẽ rằng các thay đổi chức năng và giải phẫu học bên trong cuống não, vốn được tin là nền tảng của hoạt động thần kinh giao cảm tăng lên ở người bị ngưng thở lúc ngủ không điều trị, có thể được phục hồi về mức lành mạnh bằng CPAP,” các nhà nghiên cứu Đại học Sydney viết.

Trong ngưng thở lúc ngủ, các cơ trong đường thở xẹp lúc ngủ và ngăn việc hít thở. Thiết bị CPAP giữ các đường thở nở ra bằng cách cung cấp một luồng không khí không thay đổi khi bệnh nhân ngủ.

Nguồn: MedlinePlus
https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/news/fullstory_154616.html
Trần Thanh Xuân dịch