(Image ©Mediscan)
Tổng quát
Bệnh tay, chân, miệng là một bệnh vi rút thường gặp, thường tác động đến nhũ nhi và trẻ em dưới 5 tuổi. Tuy nhiên, đôi khi bệnh xảy ra ở người trưởng thành. Triệu chứng bệnh gồm có sốt, loét giống bọng nước trong họng (herpangina) và nổi ban trên da.
Bệnh tay, chân, miệng do vi rút nhóm Enterovirus gây ra. Nhóm vi rút này gồm có polioviruses, coxsackieviruses, echoviruses, và enteroviruses.
+ Coxsackievirus A16 là nguyên nhân thường gặp nhất của bệnh tay, chân, miệng ở Mỹ, nhưng các coxsackievirus khác cũng đã đi cùng với bệnh.
+ Enterovirus 71 cũng đã đi cùng với bệnh tay, chân, miệng và các đợt bùng phát của bệnh này.
Bệnh tay, chân, miệng thường lẫn lộn với bệnh lỡ mồm long móng, là một bệnh của trâu bò, cừu, heo. Tuy nhiên, hai bệnh này do các vi rút khác nhau gây ra và không có liên hệ gì với nhau. Người không mắc bệnh của thú và thú không mắc bệnh của người.
Dấu hiệu và triệu chứng
Bệnh tay, chân, miệng thường khởi đầu bằng sốt, chán ăn, cảm giác uể oải, và đau họng. Một hoặc hai ngày sau khi bắt đầu sốt, các vết loét đau thường phát triển trong họng (herpangina). Chúng khởi đầu bằng các đốm đỏ nhỏ, bọng nước và thường trở thành vết loét. Loét thường ở thành sau họng. Ban đỏ trên da phát triển trong vòng 1 hoặc 2 ngày. Ban là các đốm đỏ nền phẳng hoặc nền lồi, đôi khi bọng nước. Ban thường ở trong lòng bàn tay và lòng bàn chân; nó cũng có thể xuất hiện ở đầu gối, khuỷu tay, mông hoặc vùng bẹn.
Một số bệnh nhân, nhất là trẻ nhỏ, có thể bị mất nước nếu không thể uống đủ do các vết loét đau trong họng.
Người nhiễm vi rút gây ra bệnh tay, chân, miệng có thể không biểu hiện tất cả các triệu chứng của bệnh. Họ có thể chỉ bị loét họng hoặc ban đỏ da.
Biến chứng
Biến chứng của bệnh tay, chân, miệng ít gặp.
Một số biến chứng gồm có:
+ Viêm màng não vi rút có thể xảy ra ở bệnh tay, chân, miệng, nhưng hiếm có. Nó gây ra sốt, nhức đầu, cứng cổ hoặc đau lưng.
+ Viêm não có thể xảy ra, nhưng càng hiếm hơn.
+ Mất móng tay và móng chân đã được báo cáo, xảy ra hầu hết ở trẻ em trong vòng 4 tuần bị bệnh tay, chân, miệng. Hiện không rõ mất móng có phải là hậu quả của bệnh hay không. Tuy nhiên, trong các báo cáo, mất móng là tạm thời và móng mọc trở lại mà không cần điều trị.
Truyền bệnh
Vi rút gây bệnh tay, chân, miệng có thể tìm thấy ở bệnh nhân trong:
+ Chất tiết mũi và họng (như nước bọt, đàm và nước mũi),
+ Dịch bọng nước và
+ Phân.
Người bệnh có thể truyền vi rút gây bệnh tay, chân, miệng qua:
+ Tiếp xúc cá nhân gần gủi,
+ Không khí (qua ho hoặc hắt hơi),
+ Tiếp xúc với phân,
+ Vật và bề mặt nhiễm khuẩn.
Thí dụ, bạn có thể nhiễm khuẩn khi hôn người bệnh tay, chân, miệng hoặc khi chạm vào tay nắm cửa có vi rút sau đó chạm vào mắt, miệng hoặc mũi bạn.
Có thể nhiễm vi rút gây bệnh nếu bạn nuốt nước trong hồ bơi. Tuy nhiên, điều này không thường gặp lắm; nhiều khả năng xảy ra hơn khi nước nhiễm phân từ người bệnh tay, chân, miệng và không được xử lý đúng mức với chlorine.
Thường thường người bệnh tay, chân, miệng lây bệnh mạnh nhất trong tuần lễ bệnh đầu tiên. Người bệnh đôi khi có thể lây bệnh trong vài ngày hoặc vài tuần sau khi đã hết triệu chứng. Một số người bệnh, nhất là người lớn, đã nhiễm vi rút gây bệnh tay, chân, miệng có thể không phát sinh triệu chứng nào. Tuy nhiên, họ vẫn lây bệnh. Do đó nên luôn luôn giữ vệ sinh tốt (thí dụ rửa tay) để giảm đến mức thấp nhất cơ hội lây bệnh hoặc nhiễm bệnh.
Bạn nên ở nhà khi bạn bị bệnh tay, chân, miệng. Hãy nói chuyện với bác sĩ nếu bạn không chắc bạn có nên đi làm hoặc đi học trở lại không. Điều này cũng áp dụng với trẻ em trở lại nhà trẻ.
Bệnh tay, chân, miệng không lây truyền đến hoặc từ thú nuôi, động vật khác.
Chẩn đoán
Bệnh tay, chân, miệng là một trong nhiều bệnh nhiễm khuẩn gây ra các vết loét họng. Bác sĩ thường có thể cho biết sự khác nhau giữa các vết loét họng gây ra bởi bệnh tay, chân, miệng với các nguyên nhân khác bằng cách xem xét:
+ bệnh nhân bao nhiêu tuổi,
+ bệnh nhân có các triệu chứng gì,
+ ban đỏ da và loét miệng trông ra sao.
Tùy theo mức độ nặng nhẹ của các triệu chứng, có thể lấy mẫu bệnh từ trong họng hoặc từ phân và gửi đến phòng thí nghiệm để tìm vi rút.
Phòng ngừa
Không có vắc xin ngừa bệnh tay, chân, miệng.
Có thể giảm nguy cơ nhiễm bệnh bằng cách:
+ Rửa tay với xà phòng và nước, nhất là sau khi thay tã và sử dụng nhà vệ sinh.
+ Làm sạch và sát trùng thường xuyên các bề mặt tiếp xúc và vật dụng dính đất, kể cả đồ chơi.
+ Tránh tiếp xúc gần gủi, như là hôn, ôm hoặc sử dụng chung các dụng cụ hoặc ly tách với người bệnh tay, chân, miệng.
Người bệnh bị các vết loét họng có thể đau khi nuốt. Tuy nhiên, uống nước là cần thiết để giữ đủ nước. Nếu người bệnh không uống đủ nước, cần phải truyền dịch qua tĩnh mạch.
Điều trị
Không có điều trị đặc hiệu cho bệnh tay, chân, miệng. Tuy nhiên, có thể giảm nhẹ các triệu chứng bằng cách:
+ Sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt không cần kê toa (Lưu ý: Không cho trẻ em aspirin.)
+ Sử dụng nước rửa miệng hoặc thuốc xịt làm giảm đau họng
Người bệnh quan ngại về các triệu chứng nên gặp bác sĩ.
Đợt bùng phát
Các trường hợp riêng lẻ và các đợt bùng phát bệnh tay, chân, miệng có thể xảy ra khắp thế giới. Ở các nước khí hậu ôn đới, các trường hợp thường xuất hiện vào mùa xuân, mùa thu.
Từ năm 1997, các đợt bùng phát rộng bệnh tay, chân, miệng do enterovirus 71 được báo cáo chủ yếu ở trẻ em Đông Á và Đông Nam Á. Trong các đợt bùng phát này, hầu hết trẻ em có các triệu chứng bệnh điển hình và hồi phục không có biến chứng. Tuy nhiên, một số nhỏ bệnh nhân phát sinh các biến chứng nghiêm trọng cần phải nhập viện hoặc thậm chí tử vong.
Nghiên cứu đã được thực hiện để hiểu tại sao các đợt bùng phát này xảy ra và tại sao một số người lại bị bệnh nặng. Nghiên cứu cũng được tiến hành để phát triển các điều trị và vác xin giúp phòng ngừa bệnh tay, chân, miệng trong tương lai.
Nguồn: Trung tâm Phòng Chống Bệnh Hoa Kỳ
http://www.cdc.gov/hand-foot-mouth/outbreaks.html
Trần Thanh Xuân dịch