NGƯỜI ĐỐI MẶT VỚI BỆNH LAO. Trần Phương Hạnh

Vi trùng gây bệnh lao từng được đặt tên là vi trùng KOCH, và ngày 24 tháng 3 ngày nay trở thành Ngày quốc tế chống bệnh lao. Bài viết dưới đây sẽ cho ta biết thêm về nhà khoa học nổi tiếng ROBERT KOCH.

Robert Koch (1843-1910)

ROBERT KOCH ra đời ngày 11 tháng 12 năm 1843 tại thị trấn Klausthal, miền Trung nước Đức. Rời quê nhà sau khi học xong trung học, Robert đến Gottingen, một thành phố cổ cách Klausthal cả trăm cây số về phía Nam và tốt nghiệp y khoa tại đây năm 23 tuổi. Nhờ sự hướng dẫn của giáo sư Jacob Henle, một nhà nghiên cứu mô học nổi tiếng, Robert trở nên chú ý nhiều đến những bệnh truyền nhiễm.

TỪ MÓN QUÀ SINH NHẬT CỦA VỢ

Sau khi lập gia đình với người vợ trẻ Emmi, Robert đến làm việc tại Wollstein, ở vùng Posen (nay thuộc Ba Lan). Cuộc sống nơi thôn dã hiu quạnh đôi lúc làm Robert cảm thấy buồn chán. Nhân dịp ngày sinh thứ 28 của Robert, Emmi tặng cho chồng một món quà thật đặc biệt: một chiếc kính hiển vi. Từ đó, Robert đã có được một niềm say mê mới: nghiên cứu y học.

Thế là sau những giờ thăm khám, chữa trị cho bệnh nhân, người thầy thuốc trẻ lại miệt mài bệnh những chuồng sắt nhỏ nuôi đầy chuột lang, thỏ trắng, rồi lại cặm cụi nhìn qua kính hiển vi. Lúc này ông đang chú tâm tìm hiểu một loại bệnh dịch đặc biệt làm chết hàng loạt trâu bò quanh vùng, máu của các gia súc bị chết thường có màu đen sẫm. Đó là bệnh than. Ông phát hiện được nguyên nhân gây bệnh là trực khuẩn than, với dạng biến đổi của nó là nha bào. Lúc đó là năm 1876, Koch vừa 33 tuổi. Ông vội gửi bản tường trình nhan đề “Nhận xét về nguyên nhân bệnh than” đến giáo sư Ferdinand Colin, giám đốc Viện Sinh lý học thực vật tại Breslau.

Tháng 11 năm 1877, Robert Koch thông báo nhiều phương pháp mới để nghiên cứu vi khuẩn có kết quả tốt hơn: cố định, làm khô, nhuộm màu và chụp ảnh để dễ dàng xác định, so sánh và phân loại. Năm sau, ông cho xuất bản công trình khảo cứu về bệnh căn các bệnh nhiễm trùng qua vết thương, trong đó ông phân chia ra sáu loại vi khuẩn gây nhiễm trùng ngoại khoa và cách nuôi cấy chúng trong ống nghiệm hoặc gây bệnh thực nghiệm trên súc vật.

Tháng 7 năm 1880, ông được cử làm cố vấn y học cho Hội đồng Hoàng gia ở Berlin. Tại phòng thí nghiệm ở Berlin, nay Robert Koch có đủ phương tiện để nghiên cứu với sự giúp đỡ hiệu quả của hai người cộng sự là Loeffler và George Gaffky. Năm 1881, ông sáng tạo phương pháp nuôi cấy vi trùng bằng cách dùng thạch loãng hòa với nước thịt hoặc nước máu bò rồi để vào những ống nghiệm đặt nghiêng hoặc các đĩa mỏng dẹt. Thạch vừa đông lại là có một môi trường đặc để nuôi cấy thuận tiện. Pasteur đã đánh giá “đó là một tiến bộ lớn” khi nghe Koch trình bày tại Hội nghị Y học quốc tế London.

ĐỐI DIỆN VỚI BỆNH LAO

Cùng thời gian này, Koch chú tâm nghiên cứu các phương pháp tiệt khuẩn, ông xác nhận các chất như acid sulphuric, chlorur kẽm chỉ có tác dụng yếu, còn những chất như thymol, brom, chlorur thủy ngân thì lại cho hiệu quả cao. Đồng thời ông tập trung suy nghĩ về căn bệnh quái ác xưa nay vốn là nỗi khiếp sợ của bao người: bệnh lao.

Gần tám mươi năm về trước, Laennec đã xác định và mô tả tổn thương đặc biệt của bệnh lao là củ lao. Năm 1846 Hermann Klencke thông báo rằng sữa bò có thể là nguồn lây bệnh lao. Cho đến năm 1881, chưa ai hiểu rõ được nguyên nhân của căn bệnh này.

Trong lúc y giới đang tranh cãi về nguyên nhân bệnh lao thì ngày 24 tháng 3 năm 1882, trong buổi họp tại Viện Sinh lý học Berlin, trước mặt đông đủ nhiều nhà khoa học danh tiếng, bằng giọng nói chậm rãi quen thuộc, Robert Koch thông báo kết quả nghiên cứu của ông: nguyên nhân gây bệnh lao là một loại vi khuẩn hình que, có thể tiêm vào súc vật để gây bệnh thực nghiệm, do đó bệnh lao là một bệnh truyền nhiễm.

 

Một bệnh nhân lao tại phòng khám

ĐẤU TRANH CHỐNG DỊCH BỆNH

Tháng 8 năm 1883, cùng với Gaffky, người cộng sự quen thuộc, và nhiều trợ lý khác, Robert Koch đến Ai Cập, nơi đang có dịch tả hoành hành dữ dội quanh cảng Alexandrie. Tại đây, một đoàn nghiên cứu của Viện Pasteur Paris dưới sự hướng dẫn của Emile Roux cũng đang làm việc. Sau nhiều tháng tìm tòi, Koch phát hiện được nguyên nhân gây bệnh tả là một loại vi khuẩn hình dấu phẩy, đồng thời ông cũng xác định đường lây truyền bệnh qua nước uống, thức ăn, quần áo bị ô nhiễm. Vụ dịch tả ở Ai Cập vừa được dập tắt, Koch cùng đoàn khoa học Đức lại đến Calcutta, miền Đông Ấn Độ, nơi dịch tả luôn âm ỉ giết chết nhiều người. Với những phương pháp phòng bệnh hữu hiệu, ông đã ngăn chận dịch tiến triển và làm giảm số người mắc bệnh.

Sau tám tháng làm việc miệt mài, tháng 4 năm 1884, Koch trở về nước và được giới khoa học Đức đón tiếp long trọng như một người anh hùng.

Năm 1891, Viện Bệnh truyền nhiễm được thành lập tại Berlin dưới sự chỉ đạo của Robert Koch, một năm sau, ông chỉ đạo thành công việc chống dịch tả tại Hambourg.

Năm 1896, ở Nam Phi, một vụ dịch hạch gia súc làm chết nhiều trâu bò. Koch cùng một đoàn khoa học đã đến tận nơi để nghiên cứu. Ông đã phát hiện được nguồn bệnh, đề ra những biện pháp phòng bệnh tích cực và dập tắt vụ dịch. Rồi lại đến Bombay, miền Tây Ấn Độ, nơi mà dịch hạch đang lan tràn rộng khắp. Ông nhận thấy vùng dịch thường có nhiều chuột chết, từ đó tiến hành phong trào diệt chuột trong dân chúng, nhờ đó hạn chế được bệnh lan rộng.

NHỮNG NĂM THÁNG CUỐI ĐỜI

Thời gian trôi qua, những chuyến đi dài ngày đã ảnh hưởng đến sức khỏe của Robert Koch. Những cơn đau tim đột ngột nhiều lần buộc ông phải tạm ngừng công việc.

Những năm tháng cuối đời, Robert Koch sống trong vinh quang khoa học, nhưng cuộc đời riêng tư có nhiều phiền muộn. Ly dị với Emmi, ông lập gia đình lần hai với một nữ diễn viên kịch, nhưng cũng không được hạnh phúc.

Ngày 27 tháng 5 năm 1910, một cơn đau tim đột ngột đã vĩnh viễn kéo ông rời xa khi phòng thí nghiệm, nơi mà suốt đời ông cảm thấy thực sự say mê, sung sướng. Hài cốt ông được đặt trong làng tại Viện Nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm ở Berlin.

T.P.H