CẢ ĐỜI HIẾN DÂNG CHO KHOA HỌC. Trần Phương Hạnh

John Hunter ra đời năm 1728 ở Scotland, trong một gia đình nghèo. Hoàn cảnh khó khăn nên thuở nhỏ John không được chăm sóc, suốt ngày cậu chạy chơi ngoài đồng cỏ, trong rừng rậm, trèo phá tổ chim lấy trứng. Đặc biệt cậu rất  ham học hỏi. Sau này chính Hunter cũng tự nhận xét: “Khi nhỏ tuổi, tôi muốn hiểu biết đủ mọi điều: mây gió, cỏ cây, ưa quan sát thiên nhiên; ngắm nhìn chim, ong, kiến, cá”. Lớn lên, cậu phải đến làm việc cho một xưởng gỗ. John khéo tay, làm đồ mộc rất đẹp, nhưng ít lâu sau, xưởng mộc đóng cửa, cậu phải nghỉ việc.

Lúc đó, chàng niên 20 tuổi quyết định rời quê hương, lên đường đến London lập nghiệp. Tại đây, cậu gặp William, người anh ruột lớn hơn mình 10 tuổi, khi đó đã là một thầy thuốc sản khoa danh tiếng ở thủ đô. John được giới thiệu đến học thêm tại bệnh viện Chelsea: sáng có mặt tại phòng phẫu thuật để phụ mổ, chiều lại giúp William tại phòng khám, tối khuya lại đến phòng phẫu tích để mổ xác. Giờ rảnh, anh hay mãi mê ngắm nhìn bộ sưu tập bệnh phẩm của William, thú vui đó sau này trở thành nỗi đam mê suốt đời của Hunter.

John không chỉ được sự chăm sóc của William mà còn được học tập dưới sự chỉ dẫn của Perciva Pott, nhà phẫu thuật Anh nổi tiếng thời ấy, người đã mô tả đầy đủ về bệnh lao cột sống (mà sau này mang tên ông). Trong cuộc chiến giữa Anh và Tây Ban Nha, John tham gia quân đội phục vụ tại Belle Isle và thu được nhiều kinh nghiệm điều trị các vết thương và nhiều loại viêm.

Năm 35 tuổi, Hunter trở về London, lúc này ông đã là một nhà phẫu thuật danh tiếng. Phòng khám bệnh của ông lúc nào cũng đông người, nhưng ông không chữa bệnh để làm giàu. Vì vậy, với số tiền kiếm được khá nhiều, ông cho xây dựng một trang trại đặc biệt ở Earls Count, ngoại ô London. Ở đó có khu chăn nuôi với những chuồng nhốt hổ, báo, chó rừng; có vùng thả tự do ngựa vằn, voi, trâu. Rồi ông nghiên cứu và so sánh giữa các động vật đó về sinh lý học và giải phẫu học. Ông thành lập riêng một khu bảo tàng chứa đầy các bộ xương đủ loại thú vật, những mẫu bệnh phẩm thu nhặt từ khắp nơi đem về. Khu bảo tàng ngày càng nổi tiếng đến mức bạn bè ông gửi về thêm nhiều mẫu vật hoặc những mẫu xương cá voi, hoặc một con trăn rừng hiếm thấy.

Một lần, ông bắt một con hươu đanh, rồi thắt buộc đoạn động mạch cảnh ngoài và nhận thấy vùng mô kế cận bỗng tím ngắt. Khoảng 2 tuần sau, xem lại, ông ngạc nhiên nhìn thấy những vùng mô trước tím lạnh, nay trở nên hồng hào, ấm áp. Ông kiểm tra thấy động mạch vẫn bị thắt buộc, nhưng phía trên và dưới nơi thắt đã hình thành rất nhiều nhánh mạch phụ nuôi dưỡng vùng mô thiếu máu. Sau đó, có một người bệnh phồng mạch khoeo chân, thầy dạy cũ là Percival Pott khuyên nên cắt đoạn chi, nhưng Hunter lại nghĩ khác. Ông nhớ tới trường hợp con hươu đanh và quyết định mổ thắt buộc đoạn mạch vùng mô (sau này gọi tên là ống Hunter). Sáu tuần sau, người bệnh ra viện, bước đi chậm chạp trên đôi chân nguyên vẹn nhờ Hunter cố công giữ gìn.

Giữa thế kỷ XVIII, các nhà y học vẫn còn tranh cãi về quá trình hình thành và phát triển của các bệnh giang mai và lậu. Không ai hiểu rõ các bệnh này bắt đầu ra sao, vì trong giai đoạn đầu, các triệu chứng của bệnh thường rất kín đáo, khó nhận biết. Mọi thầy thuốc đều đưa ra giả thuyết riêng. Hunter thì không nhận xét gì cả, ông quyết định thử nghiệm và thử ngay trên bản thân mình. Một buổi sáng tháng 5/1765, ông lấy chất mủ từ một bệnh nhân giang mai rồi tự chích vào bao qui đầu của mình. Sau đó, ông tự theo dõi và mô tả chi tiết diễn tiến của những mụn nhiễm. Không may cho Hunter, người bệnh mà ông lấy mủ lại mắc kèm cả bệnh lậu (mà ông không biết), nên một số triệu chứng lâm sàng đã không hoàn toàn đúng thật. Tuy nhiên, chỉ riêng việc này đủ chứng tỏ Hunter rất dũng cảm và say mê nghiên cứu khoa học quên mình.

Năm 45 tuổi, Hunter được mời giảng giải phẫu học, sinh lý học, bệnh học và danh tiếng trở nên lẫy lừng, phòng khám của ông lúc nào cũng đông bệnh. Bao nhiêu tiền kiếm được ông chi tiêu hết vào công việc khoa học: khu bảo tàng của ông có đến 45 người giúp việc. Lúc nào ông cũng thấy bộ sưu tập của mình là không đầy đủ (dù đã có đến hàng nghìn mẫu). Nhà bảo tàng Hunter nổi tiếng vì có trưng bày bộ xương người chỉ cao 50cm của một cô gái lùn nhất đảo Sicile, và bộ xương khổng lồ của cụ O’Brien cao đến 266cm!

Năm 50 tuổi, Hunter được cử làm phẫu thuật viên trưởng của Bệnh viện Saint George. Những năm sau đó, tuy những cơn đau ngực thường làm ông mệt mỏi, Hunter vẫn không ngừng làm việc. Vừa khám bệnh, vừa thử nghiệm, phẫu tích xác động vật. Những người giúp việc trong trang trại kể lại rằng Hunter đã phẫu tích trên 500 loài động vật, từ những con ong nhỏ xíu đến con cá voi khổng lồ, và chính Hunter cũng cho biết trong vòng 30 năm, ông đã mổ khoảng vài nghìn xác người và động vật!

Chính trong thời gian này, những cơn đau ngực vẫn dày vò ông. Trong một bức thư gửi bạn bè, ông thành thật viết: “Cuộc sống của tôi luôn bị đe dọa, nhất là khi tôi phiền lòng, giận dữ”. Thật vậy, sau một buổi tranh cãi sôi nổi ở Hội đồng quản trị bệnh viện Saint George, một cơn đau tim đột ngột đã làm Hunter ngã gục. Ông chết vì bệnh mạch vành vào năm 65 tuổi.

Những tác phẩm nghiên cứu của Hunter không nhiều (chỉ có bốn quyển) nhưng lại đóng góp rất nhiều hiểu biết mới. Từ xa xưa, viêm vẫn được coi là một bệnh có hại cho cơ thể, chính Hunter lần đầu tiên khẳng định viêm là những phản ứng có lợi cho cơ thể vì giúp bảo vệ người bệnh chống lại các yếu tố tác hại. Sau khi Hunter qua đời, phần lớn các tài liệu ghi chép của ông đã bị người anh rể là Everard Home sử dụng để viết thành sách riêng rồi đốt hết để không còn lại dấu vết!

Sáu năm sau, chính phủ Anh quyết định mua lại nhà bảo tàng của Hunter với giá chỉ bằng một phần năm số tiền mà Hunter đã dùng để xây dựng và mua các mẫu vật. Đáng tiếc là về sau một phần khu trưng bày đã bị hủy hoại và nhiều mẫu vật đã bị thất lạc trong chiến tranh thế giới.

John Hunter đã đóng góp nhiều công lao cho y học. Nhiều bức tượng tạc hình Hunter đã được dựng lên tại quê hương ông, và ở Oxford, London… Hơn nửa thế kỷ sau khi Hunter qua đời, chính phủ Anh đưa hài cốt ông về an táng tại Tu viên Westminter, nơi yên nghỉ của những người con ưu tú của nước Anh.

T.P.H
Nguồn: Y Học Cho Mọi Người. Số 19 – tháng 2-1998