ĐUỔI HẾT THẦY THUỐC VÀ BÀ ĐỠ CÓ ĐÔI TAY BẨN. Trần Phương Hạnh

 

Mặc dù có nhiều thầy thuốc đã lên tiếng về nguy cơ gây nhiễm trùng cho các sản phụ, tới giữa thế kỷ 19 việc phòng chống bệnh sốt hậu sản vẫn chưa được thực hiện. Cho tới khi một thầy thuốc người Hungari, với một lòng dũng cảm hiếm thấy, đã mãnh liệt đả phá những quan niệm và tập quán sai lầm về bệnh sốt hậu sản. Chính ông là người mở đường cho công việc sát trùng tại các bệnh viện sản khoa và nhờ đó đã xua tan bóng ma thần chết từ xưa vẫn ám ảnh các bà mẹ sau lúc sinh con. Người thầy thuốc đó là Ignaz Philippe Semmelweis (1818-1865).

Semmelweis ra đời tại Oten, một thị trấn nhỏ bên bờ sông Danube, trong một gia đình tiểu thương. Năm 26 tuổi, ông đặt chân tới Vienna, được cử làm bác sĩ phụ trách khoa sản của bệnh viện số 1 trong thành phố. Chịu ảnh hưởng của các thầy dạy cũ là Rokitanski và Skoda nên ông rất chăm chỉ làm việc: thăm khám, đỡ đẻ cho các sản phụ, dạy học các y tá, nữ hộ sinh, rồi phẫu tích xác để tìm nguyên nhân bệnh tật và giảng giải phẫu học cho sinh viên. Lúc bây giờ tại khoa Sản tỷ lệ tử vong chiếm tới 10-30% các sản phụ. Suốt ngày trong bệnh viện ngân vang những tiếng chuông ảm đạm rầu rĩ: đó là lúc các vị linh mục đến rửa tội cho các sản phụ đang hấp hối hoặc làm lễ cầu nguyện cho linh hồn các bà mẹ vừa sinh con đã qua đời. Suốt nhiều năm tháng, Semmelweis để tâm theo dõi hiện tượng sốt sau đẻ. Có điều làm ông thêm băn khoăn suy nghĩ là vào những dịp nghỉ hè, nghỉ lễ, khi các thầy thuốc, nữ hộ sinh và sinh viên thường vắng mặt trong khoa thì tỷ lệ người bệnh sốt hậu sản và tử vong lại giảm rõ rệt. Hơn nữa, tại bệnh viện số 2 của thành phố Vienna, nơi không có sinh viên đến học, không có mổ xác để dạy giải phẫu học thì rất hiếm trường hợp sản phụ chết hoặc mắc bệnh sốt sau đẻ. Vì sao thế nhĩ? Phải chăng nguồn lây bệnh tại chính là những người vẫn thường đến thăm khám các sản phụ? Ông suy nghĩ rồi trao đổi ý kiến đó với các đồng nghiệp và cả vị giám đốc bệnh viện. “Ý nghĩ bậy bạ điên rồ – tất cả đều phản đối và chế riễu Semmelweis – sốt hậu sản lại do thầy thuốc và các bà đỡ ư? Đó là do thời tiết thay đổi gây dịch bệnh, do nhà cửa phòng ốc cũ nát, cũng có thể do sản phụ bị suy nhược vì quá e thẹn xúc động”. Tóm lại, bệnh sốt hậu sản có thể do nhiều điều gây ra chỉ trừ điều mà Semmelweis nghĩ tới: nhiễm trùng do việc chăm sóc thăm khám đem đến.

Semmelweis buồn rầu vì không thuyết phục được các bạn đồng nghiệp nhưng ông không chịu bỏ cuộc, ông tiếp tục suy nghĩ. Đột nhiên, người bạn của ông, bác sĩ Kolletschka, giáo sư y pháp học và phụ tá của Rokistanski, bị nhiễm trùng nặng chỉ vì vô ý làm đứt tay trong khi phẫu tích xác để nghiên cứu. Những cơn sốt cao kèm tình trạng nhiễm trùng máu trong vài giờ đã cướp đi cuộc sống của người giáo sư trẻ. Semmelweis bàng hoàng trước cái chết của bạn. Thật bất ngờ đến kỳ lạ: những dấu hiệu bệnh của bạn giống hệt các triệu chứng của sốt hậu sản. Vết thương ở tay gây nhiễm trùng toàn thân! Một ý nghĩ bùng lóe trong đầu óc Semmelweis: những bàn tay nhiễm trùng đã gây ra bệnh sốt hậu sản.

Ngay lập tức ông bắt tay vào việc: từ tháng 5 năm 1847, trước khi thăm khám chăm sóc các sản phụ, tất cả các thầy thuốc, bà đỡ, sinh viên đều phải thay quần áo sạch, cọ rửa tay thật kỷ rồi ngâm đôi bàn tay vào một dung dịch clorur vôi đặt sẵn trong phòng. Tất cả mọi người đều phải làm đúng như vậy, không trừ một ai, kể cả ông giám đốc bệnh viện. Đó là lệnh của bác sĩ Semmelweis, Trưởng khoa Sản. Thật lạ lùng: trong vài tháng, tỷ lệ các sản phụ bị sốt hậu sản giảm sút nhanh chóng, từ 25% trước kia nay chỉ còn khoảng 1%. Nhưng khắp bệnh viện vẫn có nhiều người phản đối, họ cảm thấy bị gò bó phiền phức quá, nhiều giáo sư cũng không đồng tình với những quy định mới. Semmelweis gửi một bức thư tới Scanzoni, giáo sư Sản phụ khoa đồng thời là ủy viên Hội đồng thành phố. “… Nếu Ngài và các vị đồng nghiệp của Ngài tiếp tục giảng cho học sinh rằng sốt hậu sản là dịch bệnh, do thời tiết khí hậu v.v… mà không đưa ra được bằng chứng khoa học nào để phá bỏ quan điểm của tôi, lúc ấy tôi buộc phải công bố trước Thượng đế và mọi người rằng các ngài là những kẻ sát nhân. Rồi lịch sử sẽ lên án nếu các ngài tiếp tục phản đối ngăn cản việc làm cứu nhân độ thế của tôi hiện nay…”

Cuộc đấu tranh xây dựng những biện pháp mới để chống nhiễm trùng và phá bỏ những tập quán cứ kéo dài suốt nhiều năm tháng làm Semmelweis mệt mỏi buồn phiền. Giới thầy thuốc tại Vienna và cả nhà cầm quyền lúc ấy chưa hiểu hết ý nghĩa công việc làm của ông. Sau 7 năm làm việc cần mẫn tại bệnh viện số 1, hết lòng chăm sóc các sản phụ, năm 33 tuổi, Semmelweis buộc phải rời bỏ Vienna trở về quê hương. Ông chấp nhận làm việc không lương bổng tại một bệnh viện nhỏ chỉ với mục đích duy nhất là phổ biến rộng rãi phương pháp chống nhiễm trùng của ông. Bốn năm sau, nhờ sự giúp đỡ của Skoda, ông được cử làm giáo sư khoa sản tại bệnh viện Saint Roch thuộc thủ đô Hungari. Tại đây ông cố gắng áp dụng những biện pháp chống nhiễm trùng ở sản phụ nhưng vẫn gặp phải sự chống đối của nhiều thầy thuốc.

Ông buồn rầu mệt mỏi, tính đa cảm và dễ xúc động làm ông bực tức. Ông viết một bài đăng báo: “Thư ngõ gửi các giáo sư sản khoa” trong đó có đoạn: “… Với những ai ngăn cản các biện pháp để chống nhiễm trùng và đề phòng căn bệnh sốt hậu sản, tôi sẽ gọi họ là kẻ giết người. Tôi coi họ là kẻ thù, kẻ phạm tội ác. Nếu muốn giảm bớt nỗi bất hạnh của các sản phụ thì không cần phải đóng cửa các nhà hộ sinh, chỉ cần đuổi hết những thầy thuốc, những bà đỡ có những đôi bàn tay bẩn thỉu đã mang bệnh vào phòng sinh… Tôi sẽ là người lính để chống lại họ… Những vụ giết hại sản phụ như vậy phải được dừng ngay!…” Sau đó ông thu thập các số liệu, kinh nghiệm bản thân để trình bày bảo vệ quan điểm của mình. Năm 1861, cuốn sách của Semmelweis ra đời với nhan đề “Bệnh căn, quan niệm và cách phòng bệnh sốt hậu sản” trong đó ông nêu rõ những tập quán sai lầm trong việc thăm khám chăm sóc sản phụ đồng thời đề ra những biện pháp chống nhiễm trùng hậu sản.

Những cuộc tranh cải liên miên, những lời đả kích từ phía đồng nghiệp, các nỗ lực quá sức làm Semmelweis suy sụp: nhiều lần ông phải vào điều trị tại bệnh viện tâm thần.

Sau một lần phẫu thuật để cứu một trẻ sơ sinh, do vô ý bị đứt tay và nhiễm trùng, Sammelweis qua đời ngày 13 tháng 8 năm 1865, lúc đó ông vừa tròn 46 tuổi.

T.P.H