ĐIỀU GÌ GÂY RA HO?

Ho xảy ra khi các tận cùng dây thần kinh trong đường thở bị kích thích. Một số chất kích thích và dị nguyên, các tình trạng bệnh, và các thuốc có thể kích thích các tận cùng dây thần kinh này.

Chất kích thích và dị nguyên

Chất kích thích là chất mà bạn nhạy cảm. Thí dụ, hút thuốc lá hoặc hít khói thuốc lá thứ cấp có thể kích thích phổi. Hút thuốc lá cũng có thể đưa đến các tình trạng bệnh có thể làm bạn ho. Các chất kích thích khác gồm có ô nhiễm không khí, hơi sơn hoặc các sản phẩm có mùi như dầu thơm hoặc hơi xịt phòng.

Dị nguyên là chất bạn dị ứng, như là bụi, bụi lông thú, mốc hoặc phấn từ cây, cỏ và hoa.

Ho giúp làm sạch chất kích thích và dị nguyên khỏi đường hô hấp, ngăn ngừa nhiễm trùng.

Tình trạng bệnh

Nhiều tình trạng bệnh có thể gây ra ho cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính.

Nguyên nhân thường gặp của ho cấp tính là cảm cúm hoặc nhiễm trùng đường hô hấp trên, thí dụ cúm, viêm phổi và ho gà. Ho cấp tính kéo dài dưới 3 tuần.

Ho dai dẳng, kéo dài sau khi đã hết cảm cúm hoặc nhiễm trùng khác, thường được gọi là ho bán cấp. Ho bán cấp kéo dài từ 3 đến 8 tuần.

Nguyên nhân thường gặp của ho mạn tính là hội chứng ho đường hô hấp trên (upper airway cough syndrome – UACS), hen suyễn và trào ngược dạ dày – thực quản (gastroesophageal reflux disease – GERD). Ho mạn tính kéo dài hơn 8 tuần.

“UACS” là một từ được dùng để mô tả các tình trạng làm viêm đường hô hấp trên và gây ra ho, thí dụ như nhiễm trùng xoang và dị ứng. Các tình trạng này có thể khiến chất nhầy từ phía sau mũi chảy xuống họng, gọi là chảy mũi sau.

Hen suyễn là một bệnh phổi kéo dài, gây viêm và hẹp đường thở. GERD là một tình trạng acid từ trong dạ dày trào ngược lên họng.

Các tình trạng có thể gây ra ho mạn tính gồm có:

+ Nhiễm trùng hô hấp. Ho từ nhiễm trùng hô hấp trên có thể tiến triển thành ho mạn tính.

+ Viêm phế quản mạn tính. Tình trạng này xảy ra khi bề mặt đường dẫn khí bị kích thích liên tục và viêm. Hút thuốc lá là nguyên nhân chính của viêm phế quản mạn tính.

+ Dãn phế quản (bronchiectasis). Đây là một tình trạng tổn thương đường dẫn khí khiến chúng nở rộng và trở nên yếu ớt và hóa sẹo. Điều này khiến đường dẫn khí không đẩy được chất nhầy ra khỏi phổi. Nhiễm trùng hoặc tình trạng khác làm tổn thương thành đường dẫn khí thường gây ra dãn phế quản.

+ Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (chronic obstructive pulmonary disease – COPD). COPD là một bệnh ngăn không cho không khí vào trong phổi và ra khỏi phổi đầy đủ.

+ Ung thư phổi. Trong các trường hợp hiếm hoi, ho mạn tính là do ung thư phổi. Hầu hết người mắc bệnh ung thư phổi hút thuốc hoặc đã từng hút thuốc.

+ Suy tim. Suy tim là tình trạng tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể. Dịch có thể ứ lại trong cơ thể và đưa đến nhiều triệu chứng. Nếu dịch ứ lại trong phổi, nó có thể gây ra ho mạn tính.

Các loại thuốc

Một số loại thuốc có thể gây ra ho mạn tính. Thí dụ như thuốc ức chế men chuyển (ACE inhibitors) và thuốc chẹn beta (beta blockers). Thuốc ức chế men chuyển được dùng để trị tăng huyết áp. Thuốc chẹn beta được dùng để trị tăng huyết áp, đau nửa đầu và tăng nhãn áp.

 

Nguồn: National Heart, Lung, and Blood Institute
http://www.nhlbi.nih.gov/health/health-topics/topics/cough
Trần Thanh Xuân dịch