Bệnh hen suyễn được biết đến tại Ai Cập cổ đại và được điều trị bằng cách cho uống một hỗn hợp bột nhang gọi là kyphi. Nó được Hippocrates chính thức đặt tên là một bệnh hô hấp riêng biệt khoảng năm 450 trước Công nguyên, với một từ Hy Lạp dành cho “thở hổn hển”, làm nền cho tên hiện đại của chúng ta. Vào năm 200 trước Công nguyên, nó được tin rằng ít nhất có liên quan một phần đến các cảm xúc. Vào thế kỷ 12, Maimonides, một thầy thuốc – triết gia Do Thái, viết một luận văn về bệnh hen suyễn ở Ả Rập, dựa một phần vào các nguồn Á Rập, trong đó ông bàn luận về các triệu chứng, đề nghị các thức ăn khác nhau và các phương tiện điều trị khác, và nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khí hậu và không khí sạch.
Vào năm 1873, một trong các bài báo đầu tiên trong y học hiện đại về chủ đề này cố gắng giải thích sinh lý bệnh học của bệnh, trong khi vào năm 1872 kết luận rằng bệnh hen suyễn có thể được chữa khỏi bằng cách xoa ngực với dầu nóng chloroform. Điều trị vào năm 1880 bao gồm việc sử dụng một thuốc tên là pilocarpin tiêm tĩnh mạch. Vào năm 1886, F.H. Bosworth đưa ra lý thuyết về sự liên quan giữa hen suyễn và sốt cỏ (hay fever). Epinephrine được nhắc đến lần đầu tiên trong việc điều trị hen suyễn vào năm 1905. Các corticosteroid bắt đầu được sử dụng cho bệnh này vào những năm 1950, trong khi corticosteroid dạng hít và đồng vận beta tác dụng ngắn hạn có chọn lọc bắt đầu được sử dụng rộng rãi vào những năm 1960.
Một trường hợp đáng lưu ý và có đầy đủ hồ sơ vào thế kỷ 19 là của Theodore Roosevelt (1858-1919). Vào lúc ấy không có một điều trị hữu hiệu nào. Tuổi trẻ của Roosevelt được định hình phần lớn bởi sức khỏe kém, một phần do bệnh hen suyễn của ông. Ông chịu những cơn kịch phát hen suyễn vào ban đêm tái đi tái lại, trải nghiệm bị nghẹt thở đến chết, gây kinh hoàng cho ông và cha mẹ.
Từ những năm 1930 đến những năm 1950, hen suyễn được biết đến là một trong ‘bảy thánh’ bệnh tâm-thể (psychosomatic). Nguyên nhân của bệnh này được xem là tâm lý, với điều trị thường dựa vào phân tích tâm lý và các cuộc trò chuyện. Do các nhà phân tích tâm lý này giải thích cơn khò khè (wheeze) do hen suyễn là tiếng khóc bị ức chế của trẻ đối với mẹ chúng, họ xem việc điều trị ức chế là đặc biệt quan trọng đối với các cá nhân bị hen suyễn.
Nguồn: Wikipedia
https://en.wikipedia.org/wiki/Asthma (12.10.2017)
Trần Thanh Xuân dịch