RƯỢU VÀ GIẤC NGỦ

Người trưởng thành độ tuổi trung bình ngủ mỗi đêm từ 7,5 đến 8 tiếng. Mặc dù chức năng của giấc ngủ không được biết rõ, nhiều chứng cứ cho thấy rằng thiếu ngủ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, bao gồm tăng nguy cơ các rối loạn trầm cảm, tổn hại hô hấp và bệnh tim. Ngoài ra, buồn ngủ quá mức vào ban ngày do rối loạn giấc ngủ đi kèm với các khiếm khuyết trí nhớ, chức năng xã hội và nghề nghiệp bị tổn hại, và tai nạn xe cộ. Uống rượu có thể làm rối loạn giấc ngủ bằng cách phá vỡ thứ tự và thời gian của các trạng thái ngủ, và bằng cách thay đổi tổng thời gian ngủ cũng như thời gian cần để đi vào giấc ngủ (sleep latency). Bài cảnh báo rượu (Alcohol Alert) này khảo sát các ảnh hưởng của uống rượu lên các kiểu ngủ, hậu quả sức khỏe có thể có của uống rượu kết hợp với giấc ngủ bị rối loạn, nguy cơ tái nghiện ở những người nghiện rượu không thể tái lập kiểu ngủ bình thường.

Cấu trúc giấc ngủ, Khởi sự ngủ và Thức dậy

Trước khi bàn thảo về ảnh hưởng của rượu lên giấc ngủ, hãy tóm tắt một số đặc điểm cơ bản của giấc ngủ bình thường. Con người trải qua hai tình trạng ngủ thay thế nhau, được xác định một phần bởi các loại hoạt động điện não khác nhau (sóng não). Các tình trạng này được gọi là giấc ngủ sóng chậm (slow wave sleep – SWS), bởi vì trong loại giấc ngủ này các sóng não rất chậm; và giấc ngủ cử động mắt nhanh (rapid eye movement – REM), hai mắt lay động nhanh dù người ấy vẫn ngủ.

Hầu hết giấc ngủ là giấc ngủ sóng chậm sâu, nghỉ ngơi. Giấc ngủ cử động mắt nhanh xuất hiện từng lúc, chiếm khoảng 25 phần trăm thời gian ngủ của một người trẻ. Các giai đoạn cử động mắt nhanh bình thường xảy ra lặp đi lặp lại mỗi 90 phút và kéo dài từ 5 đến 30 phút. Giấc ngủ cử động mắt nhanh không có tính chất nghỉ ngơi bằng giấc ngủ sóng chậm và thường đi kèm với giấc mơ. Mặc dù chức năng của nó không rõ, giấc ngủ cử động mắt nhanh có vẻ thiết yếu cho sức khỏe. Ở chuột, loại bỏ giấc ngủ cử động mắt nhanh có thể dẫn đến tử vong trong vòng vài tuần. Ngoài ra, có một giai đoạn ngủ nông chuyển tiếp xảy ra từng lúc trong suốt thời gian ngủ.

Giấc ngủ trước đây được cho là hoạt động giảm xuống của hệ thống não vốn duy trì sự tỉnh thức. Nhiều dữ liệu gần đây chỉ ra rằng giấc ngủ, giống như ý thức, là một quá trình chủ động. Giấc ngủ được kiểm soát hầu hết bởi các trung tâm thần kinh ở cuống não phía thấp hơn, nơi đáy não kết nối với tủy sống. Một số tế bào thần kinh vùng này sản xuất serotonin, là một hóa chất truyền tin đi cùng với việc khởi đầu giấc ngủ và với sự điều hòa giấc ngủ sóng chậm. Một số tế bào thần kinh khác sản xuất norepinephrine, là chất điều hòa giấc ngủ cử động mắt nhanh và tạo thuận lợi cho việc thức dậy. Vai trò chính xác và sự tương tác của chúng và các hóa chất truyền tin khác trong việc điều khiển các kiểu giấc ngủ không được biết. Tuy nhiên, uống rượu ảnh hưởng đáng kể lên chức năng của chúng và các hóa chất truyền tin khác, vốn có vẻ ảnh hưởng đến giấc ngủ.

Rượu và Giấc ngủ ở người không nghiện rượu

Rượu uống trước khi đi ngủ, sau tác dụng kích thích lúc ban đầu, có thể làm giảm thời gian cần để ngủ được. Do tác dụng an thần của rượu, nhiều người bị bệnh mất ngủ uống rượu để dễ ngủ. Tuy nhiên, rượu uống trong vòng một giờ trước khi ngủ có vẻ làm rối loạn phân nửa sau của thời gian ngủ. Người uống có thể ngủ từng lúc trong suốt phân nửa sau của giấc ngủ, thức giấc vì những giấc mơ và khó lòng ngủ trở lại. Nếu tiếp tục uống rượu trước khi đi ngủ, tác dụng làm dễ ngủ của rượu có thể giảm xuống, trong khi tác dụng làm gián đoạn giấc ngủ của nó tiếp tục hoặc tăng lên. Sự gián đoạn giấc ngủ có thể dẫn đến mệt mỏi và buồn ngủ lúc ban ngày. Người lớn tuổi đặc biệt có nguy cơ, bởi vì họ đạt nồng độ rượu trong máu và trong não cao hơn người trẻ tuổi sau khi uống cùng một liều tương đương. Uống rượu trước khi đi ngủ ở người lớn tuổi có thể dẫn đến đi không vững nếu cố gắng đi lại trong đêm, nguy cơ té ngã và bị thương tăng lên.

Rượu bia thường được uống vào cuối buổi chiều (như lúc ‘vui vẻ’ hoặc khi ăn tối) mà không uống thêm trước khi đi ngủ. Các nghiên cứu cho thấy rằng một lượng rượu trung bình được uống khoảng 6 giờ trước khi ngủ có thể làm tăng sự tỉnh táo trong phân nửa sau của giấc ngủ. Lúc tác dụng này xuất hiện, số rượu uống trước đó đã được loại ra khỏi cơ thể. Điều này khiến chúng ta nghĩ đến một thay đổi tương đối lâu dài trong cơ chế điều hòa giấc ngủ của cơ thể.

Các tác hại của mất ngủ tăng lên khi uống rượu. Những đối tượng sau một đêm mất ngủ, uống một ít rượu, hành xử kém trên một máy lái xe giả lập, thậm chí khi không còn rượu trong cơ thể. Sự cảnh giác giảm xuống có thể có tiềm năng làm tăng tác dụng an thần của rượu trong những tình huống như thay đổi lịch ngủ – thức (như làm ca) và du hành nhanh qua nhiều múi giờ (jet lag). Một người có thể không nhận biết mức độ rối loạn giấc ngủ trong những tình huống này, làm tăng sự nguy hiểm mà buồn ngủ và uống rượu cùng xảy ra.

Rượu và Rối loạn Hô hấp

Khoảng 2 đến 4 phần trăm người Mỹ bị ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ (Obstructive Sleep Apnea – OSA), là một rối loạn trong đó đường hô hấp trên (nghĩa là vùng hầu, nằm phía sau họng) bị hẹp lại hoặc bị đóng kín trong lúc ngủ. Giai đoạn hô hấp ngắt quảng (nghĩa là ngưng thở) làm bệnh nhân ngưng ngủ (ND. mà không thức, không nhận biết bị ngưng ngủ), sau đó hô hấp trở lại và ngủ trở lại. Các giai đoạn ngưng thở, bị ngưng ngủ lập đi lập lại có thể xảy ra hàng trăm lần mỗi đêm, làm giảm đáng kể thời gian ngủ và gây nên buồn ngủ lúc ban ngày. Người nghiện rượu có vẻ có nguy cơ ngưng thở tăng cao, nhất là nếu họ ngáy. Ngoài ra, lượng rượu từ trung bình đến cao uống vào buổi chiều tối có thể dẫn đến hẹp đường thở, gây ra các giai đoạn ngưng thở thậm chí ở những người thường ngày không có biểu hiện ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ. Tác dụng an thần tổng quát của rượu có thể tăng lên trong lúc ngưng thở, làm nặng thêm bất cứ ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ nào.

Ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ đi cùng với thao tác kém trên một máy lái xe giả lập, cũng như tăng tỉ lệ tai nạn xe cộ trong lúc không uống rượu. Trong số những bệnh nhân bị ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ nặng, uống rượu với mức hai ly hoặc nhiều hơn đi cùng với nguy cơ tai nạn giao thông do mệt mỏi tăng lên gấp năm lần so với những bệnh nhân ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ vốn uống ít hoặc không uống rượu. Ngoài ra, sự kết hợp giữa rượu, ngưng thở nghẽn tắc lúc ngủ, và ngủ ngáy làm tăng nguy cơ bị nhồi máu cơ tim, loạn nhịp tim, đột quị và đột tử.

Các ảnh hưởng có liên quan đến tuổi tác và tác dụng của uống rượu

Có ít nghiên cứu được tiến hành về các tác dụng cụ thể của rượu trên tình trạng giấc ngủ giữa các nhóm tuổi khác nhau. Scher khảo sát tác dụng của phơi nhiễm rượu trước khi sinh trên các kiểu giấc ngủ ở trẻ nhũ nhi. Số đo hoạt động điện não cho thấy rằng trẻ nhũ nhi của những bà mẹ vốn uống ít nhất một ly rượu mỗi ngày trong ba tháng đầu tiên của thai kỳ có biểu hiện gián đoạn giấc ngủ và thức giấc tăng lên so với trẻ nhũ nhi của những bà mẹ không uống rượu. Các nghiên cứu bổ sung phát hiện rằng trẻ nhũ nhi phơi nhiễm rượu trong sữa mẹ đi vào giấc ngủ nhanh hơn nhưng nói chung ngủ ít hơn trẻ không phơi nhiễm rượu. Tầm mức chính xác của những phát hiện này không được biết rõ.

Sự lão hóa bình thường đi cùng với sự suy giảm dần dần giấc ngủ sóng chậm và tăng thời gian tỉnh thức vào ban đêm. Người trên 65 tuổi thường ngưng ngủ 20 lần hoặc hơn trong đêm, khiến cho giấc ngủ trở nên ít tính chất nghỉ ngơi và hồi phục sức khỏe hơn. Thiếu ngủ do lớn tuổi có thể thúc đẩy việc sử dụng rượu để dễ ngủ, trong khi đó làm tăng khả năng người lớn tuổi mắc những rối loạn giấc ngủ do rượu. Nguồn gốc sự không nhất quán có thể có giữa các kết quả nghiên cứu gồm có việc uống rượu với liều lượng khác nhau và không tầm soát được các đối tượng đã sẵn bị rối loạn giấc ngủ.

Tác dụng của rượu lên giấc ngủ ở người nghiện rượu

Đang uống rượu và đã cai rượu.

Các rối loạn giấc ngủ kèm theo nghiện rượu gồm có tăng thời gian cần thiết để ngủ được, ngưng ngủ thường xuyên và giảm chất lượng giấc ngủ thật sự, đi cùng với mệt mỏi vào ban ngày. Người nghiện rượu nặng mà giảm đột ngột có thể kích phát hội chứng sau cai rượu (withrawal), đi cùng với chứng mất ngủ, giấc ngủ bị phân mảnh đáng kể. Giảm giấc ngủ sóng chậm sau cai rượu có thể làm giảm số lượng giấc ngủ có tính chất nghỉ ngơi. Người ta cho rằng giấc ngủ cử động mắt nhanh REM có thể liên quan đến những ảo giác đôi khi xảy ra sau khi cai rượu. Ở những bệnh nhân bị hội chứng sau cai rượu nặng, giấc ngủ có thể bao gồm gần như toàn bộ là các giai đoạn mắt cử động nhanh ngắn bị gián đoạn bởi nhiều lần ngưng ngủ.

Hồi phục và Tái nghiện.

Dù có cải thiện sau khi hội chứng sau cai rượu dịu đi, kiểu giấc ngủ có thể không bao giờ trở về bình thường ở người nghiện rượu, ngay cả sau nhiều năm nhịn uống rượu. Người đã từng nghiện rượu có khuynh hướng ngủ không ngon, số lượng giấc ngủ sóng chậm giảm xuống và sự ngưng ngủ về đêm tăng lên, vốn làm cho giấc ngủ kém hồi phục sức khỏe và góp phần vào sự mệt mỏi vào ban ngày. Tái nghiện nặng dẫn đến giấc ngủ sóng chậm gia tăng và giảm sự ngưng ngủ. Sự cải thiện bề ngoài này trong sự liên tục của giấc ngủ có thể thúc đẩy việc tái nghiện bằng cách góp phần vào ấn tượng lầm lẫn rằng uống rượu cải thiện giấc ngủ. Tuy nhiên, khi uống rượu tiếp tục, kiểu giấc ngủ lại bị rối loạn.

Các nhà nghiên cứu đã cố gắng dự đoán khả năng tái nghiện bằng cách sử dụng số đo sự gián đoạn giấc ngủ. Gillin và cộng sự đo lường giấc ngủ cử động mắt nhanh ở những bệnh nhân tham gia chương trình một tháng điều trị bệnh nghiện rượu. Mức độ cử động mắt nhanh cao hơn dự đoán người sẽ tái nghiện sau khi xuất viện 3 tháng trong 80 phần trăm những bệnh nhân. Một tổng quan nghiên cứu bổ sung kết luận rằng người vốn cuối cùng sẽ tái nghiện biểu hiện một tỉ lệ giấc ngủ mắt cử động nhanh cao hơn và một tỉ lệ giấc ngủ sóng chậm thấp hơn tại lúc bắt đầu nghiên cứu, so với người tiếp tục nhịn được rượu. Mặc dù cần được nghiên cứu thêm, các phát hiện này có thể tạo thuận lợi cho việc xác định sớm những bệnh nhân có nguy cơ tái nghiện và cho phép thầy thuốc điều chỉnh chương trình điều trị một cách phù hợp.

Bình luận của BS. Enoch Gordis, Giám đốc NIAAA

Theo các bản tin gần đây, người Mỹ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến giấc ngủ khác nhau. Uống rượu ảnh hưởng đến giấc ngủ theo một số cách và có thể làm nặng thêm các bệnh tình này. Do uống rượu là phổ biến, điều quan trọng là phải hiểu được việc uống rượu ảnh hưởng đến giấc ngủ như thế nào mà làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Thí dụ, người ta thường tin tưởng rằng một ly rượu trước khi đi ngủ có thể giúp dễ ngủ hơn. Tuy nhiên, nó cũng có thể làm rối loạn kiểu giấc ngủ bình thường, gây mệt mỏi và căng thẳng thể chất nhiều hơn. Uống rượu có thể làm trở nặng các rối loạn giấc ngủ, như là ngưng thở lúc ngủ; người mắc chứng bệnh này phải cảnh giác về việc uống rượu. Nhiều người mẹ đang cho con bú vẫn thường được các bác sĩ khuyên uống rượu để lợi sữa (gọi là phản xạ xuống sữa). Người ta biết rằng trẻ nhận được rượu trong sữa có kiểu ngủ rối loạn. Do hiện nay các nhà nghiên cứu chưa biết được sự rối loạn này ảnh hưởng thế nào lên trẻ, các bác sĩ nên xem xét lại lời khuyên này.

Điều trị bệnh nghiện rượu cũng có thể phức tạp vì những vấn đề về giấc ngủ trong thời kỳ sau cai nghiện và trong lúc điều trị hành vi tiếp theo sau, khi mà các vấn đề về giấc ngủ mà người nghiện rượu đang cai gặp phải có thể làm tăng nguy cơ tái nghiện của họ. Bởi có thể rượu tác động lên cùng những chất dẫn truyền thần kinh liên quan đến giấc ngủ, sự hiểu biết tăng lên về ảnh hưởng của rượu lên não sẽ giúp thúc đẩy các kỹ thuật điều trị rối loạn giấc ngủ do rượu và có lẽ, cải thiện được cơ hội tỉnh rượu lâu dài.

Nguồn: National Institute on Alcohol Abuse and Alcoholism (NIAAA)
https://pubs.niaaa.nih.gov/publications/aa41.htm
Trần Thanh Xuân dịch