KHÓ THỞ

ATS kho tho

Khó thở để chỉ sự khó chịu hoặc khó khăn khi hít thở. Người bệnh mô tả cảm giác khó thở theo nhiều cách khác nhau. Họ có thể dùng chữ ‘thở hụt hơi’, ‘thắt ngực’, ‘không lấy đủ hơi’,… Khó thở có thể gây khó chịu và đôi khi làm bệnh nhân kinh hãi, nhưng khó thở không làm tổn hại phổi. Hãy nói chuyện với thầy thuốc để họ có thể giúp chẩn đoán và giúp tìm cách điều trị hiệu quả cho bạn.

Điều gì gây ra khó thở?

Khó thở có thể do nhiều bệnh gây ra:
+ bệnh phổi
+ bệnh tim
+ thiếu máu (số lượng hồng cầu ít)
+ ‘thể trạng kém’

Khó thở có thể xảy ra thình lình, không rõ nguyên nhân hoặc xảy ra khi dọn giường hoặc nâng vật nặng. Một số người mắc bệnh hô hấp có thể cảm thấy khó thở dù chỉ thực hiện các hoạt động bình thường như lấy ghế ra hoặc đi qua một phòng khác.

Khó thở có điều trị được không?

Khó thở thường kiểm soát được bằng thuốc, bằng kỹ thuật thở, bằng thể dục và đôi khi bằng oxy. Bước đầu tiên trong việc kiểm soát khó thở là tìm ra nguyên nhân. Khi thầy thuốc đã đánh giá được khó thở của bạn, xác định nguyên nhân có thể có và đề nghị cách điều trị tốt nhất, bạn có thể trở thành tự chăm sóc mình bằng cách theo một số bước đơn giản như sau:

+ Bước 1. Sử dụng thuốc đã kê toa. Nhiều bệnh phổi không thể kiểm soát được nếu không dùng thuốc. Nghĩa là bạn cần phải sử dụng thuốc hô hấp đúng như thầy thuốc đã kê toa. Một số loại thuốc cần phải được sử dụng hàng ngày dù bạn có cảm thấy cần hay không. Bạn cần phải học cách sử dụng ống hít đúng cách để nhận được thuốc nhiều nhất mỗi lần xịt. Thở oxy cũng là một thứ thuốc và có thể hữu ích cho bạn nếu nồng độ oxy của bạn thấp (nhưng không giúp ích gì nếu nồng độ oxy của bạn bình thường).

+ Bước 2. Học kỹ thuật hít thở. Có những kỹ thuật hít thở mà bạn có thể sử dụng tùy theo nguyên nhân khó thở. Thí dụ nếu bạn bị COPD, bạn có thể được dạy cách hít thở mím môi khi khó thở. Nó sẽ giúp bạn làm chậm nhịp hô hấp đến mức dễ chịu hơn và giúp bạn thở sâu hơn, hiệu quả hơn. Nếu bạn mắc một tình trạng hô hấp khác, kỹ thuật này cũng giúp ích bạn.

+ Bước 3. Tăng cường thể lực. Bạn có thể đã từ bỏ hoặc tránh né nhiều hoạt động do khó thở. Tuy nhiên, nếu không thể dục, các cơ bắp của bạn sẽ yếu đi và kém hữu hiệu trong việc sử dụng oxy. Việc ‘thể trạng kém’ này có thể dẫn đến khó thở nặng hơn, do đó điều quan trọng là phải thể dục trong chừng mức an toàn.

+ Bước 4. Thư thả. Do khó thở, có khi bạn vội vã hoàn tất các hoạt động thường ngày. Vội vã hoàn tất các hoạt động có thể khiến khó thở nặng hơn. Hãy thư thả bằng cách tiến hành các hoạt động theo nhiều giai đoạn. Nếu bạn cảm thấy ‘khỏe’ nhất vào buổi sáng, hãy thực hiện các hoạt động nặng nề nhất như là tắm hoặc ra khỏi nhà (thí dụ mua sắm, thăm viếng,…) vào buổi sáng. Nếu khó thở khi ăn, hãy chuẩn bị các thức ăn đã nghiền hoặc dễ nhai. Nín thở khi nhai sẽ khiến khó thở của bạn nặng hơn.

+ Bước 5. Cố gắng đừng nín thở. Nín thở có thể trở thành thói quen mà bạn không nghĩ đến, nhất là khi thực hiện những hoạt động như là nâng vật gì hoặc thậm chí khi đi bộ. Thay vì nín thở, hãy cố gắng thở ra khi thực hiện phần việc nặng nhất, như nâng lên. Ngoài ra, hãy cố gắng thở ra lâu gấp hai đến ba lần so với hít vào, nhưng không bao giờ ép hơi ra. Hãy để hơi ‘cuộn’ ra khỏi hai phổi. Khi đi, hãy cố gắng hít vào khi bước một bước và thở ra khi bước hai đến ba bước. Bạn có thể sẽ đi chậm hơn, nhưng bạn có thể đi xa hơn vì bạn ít khó thở hơn.

+ Bước 6. Ngồi trước một cái quạt. Bạn có thể cảm thấy ngồi hoặc đứng trước một cái quạt khiến khó thở dễ chịu hơn. Cho quạt thổi ngang mặt bạn. Hãy sử dụng quạt sau khi gắng sức hoặc khi khó thở không giảm nhanh như mong muốn.

+ Bước 7. Hỏi về các loại thuốc khác. Hãy hỏi thầy thuốc xem có cần thêm các thứ thuốc khác để làm giảm khó thở của bạn không. Đôi khi một loại thuốc được sử dụng để điều trị lo âu hoặc giảm đau có thể giúp làm giảm khó thở. Người mắc bệnh phổi hoặc tim nặng vốn vẫn khó thở trầm trọng dù đã được điều trị tối ưu bằng những thuốc đúng chuẩn có thể được đề nghị sử dụng morphine liều thấp. Thuốc này có thể hữu hiệu với một số người vốn khó khăn trong việc kiểm soát khó thở bằng các bước từ 1 đến 5.

Tôi nên thể dục cách nào?

Thể dục có vẻ là việc cuối cùng bạn nghĩ đến có thể giúp bạn dễ thở! Thực ra bạn có thể làm cho khó thở nặng hơn nếu bạn không giữ được hoạt động tích cực. Bạn có thể học được cách thể dục an toàn trong một chương trình phục hồi chức năng hô hấp hoặc theo một chương trình đi bộ tự điều chỉnh. Nếu bạn tham gia một chương trình đi bộ tự điều chỉnh, bạn nên theo các bước sau đây khi thầy thuốc cho phép bạn bắt đầu:

+ Đi bộ trong tổng cộng 10 phút (ngưng nghỉ bao nhiêu lần tùy ý), 5 ngày một tuần.

+ Trong vòng 2 tuần, bạn nên lưu ý bạn đã giảm được bao nhiêu lần ngưng nghỉ trong 10 phút này.

+ Sau đó, hãy tăng thời gian đi bộ lên tổng cộng 15 phút, hướng đến mục tiêu thể dục 30 phút 5 ngày một tuần. Có lẽ phải mất vài tháng để đạt được.

Thầy thuốc có thể giới thiệu bạn đến một chương trình phục hồi chức năng phổi ở địa phương của bạn. Những chương trình này bao gồm sự kết hợp thể dục có hướng dẫn với các buổi huấn luyện, thiết kế riêng cho người mắc bệnh phổi. Chúng được điều hành bởi các thầy thuốc rành nghề, hiểu được bạn khó thở như thế nào, khó khăn thế nào để sinh hoạt xã hội. Nhân viên sẽ giúp bạn dần dần tăng cường sức mạnh các cơ trong vài tuần. Họ chẳng những làm việc với bạn để tăng cường sức mạnh của tứ chi bạn mà còn giúp bạn đạt được mục tiêu trong việc đi bộ, leo cầu thang và thực hiện các hoạt động thường ngày. Họ cũng bàn bạc với bạn cách sử dụng ống hít tốt nhất, dạy bạn các kỹ thuật giữ gìn năng lượng và cách thư giãn. Họ sẽ làm việc với bạn để bạn học cách thích ứng với stress khi mắc bệnh phổi, kể cả những việc phải làm khi khó thở tăng lên.

Kế hoạch hành động là gì?

Đôi khi người mắc bệnh hô hấp có thể khởi phát một giai đoạn khó thở đột ngột. Thầy thuốc sẽ làm việc với bạn để soạn thảo một chuỗi các bước bạn có thể tiến hành, gọi là Kế hoạch Hành động, để hướng dẫn bạn vượt qua giai đoạn khó thở. Kế hoạch Hành động sẽ chỉ dẫn bạn khi nào áp dụng thở mím môi hoặc sử dụng ống hít cấp cứu (albuterol) và cho biết câu hỏi nào bạn cần hỏi chính mình về tình trạng bệnh, thí dụ như bạn có khạc nhiều đàm không, màu có khác thường không, bạn có ngưng khạc đàm đột ngột không, hoặc bạn đang có bị sốt không. Kế hoạch Hành động cũng sẽ hướng dẫn khi nào bạn gọi thầy thuốc và khi nào đến phòng cấp cứu.

Tôi nên nói gì với thầy thuốc về khó thở của tôi?

Cho thầy thuốc biết chi tiết về khó thở của bạn là quan trọng để họ hiểu được chuyện gì đang xảy ra với bạn và nó tác động đến đời sống của bạn như thế nào. Hãy nói với thầy thuốc: khi nào bắt đầu khó thở (thí dụ đột ngột 2 ngày trước); điều gì (nếu có) làm bạn bớt khó thở (thí dụ sử dụng albuterol) hoặc khó thở hơn (thí dụ đi tắm hoặc đi băng ngang qua phòng); và đối với người thường khạc đàm, số lượng đàm thay đổi thế nào (khạc nhiều hơn hay ít hơn bình thường, màu đàm hoặc độ nhày đàm có thay đổi không) từ lúc khó thở tăng lên.

Tôi nên làm gì nếu khó thở của tôi thay đổi?

Liên lạc với thầy thuốc nếu bạn:
+ đột ngột khó thở nặng mà không khỏi,
+ đau ngực cùng với khó thở,
+ không cảm thấy bớt sau khi sử dụng thuốc hít,
+ có sốt hoặc thay đổi số lượng, màu sắc, độ nhày của đàm,
+ thấy rằng cảm giác khó thở không mất đi sau khi nghỉ ngơi 30 phút.

 

Nguồn: American Thoracic Society
http://patients.thoracic.org/information-series/index.php
Trần Thanh Xuân dịch