NGUYỄN QUANG QUYỀN

TỪ ĐIỂN GIẢI PHẪU HỌC

LATINH – ANH – PHÁP – VIỆT
(NOMINA ANATOMICA POLYGLOTTA)
NHÀ XUẤT BẢN Y HỌC - 1983
VNI Telex Tắt

NGUYỄN QUANG QUYỀN (1934-1997)

Nguyễn Quang Quyền (1934 – 1997) là một bác sĩ y khoa, một nhà giáo, một nhà khoa học mà cả cuộc đời dạy học và nghiên cứu khoa học đã gắn liền với Trường Đại học Y khoa Hà Nội, với Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh và với Hội Hình thái học Việt Nam.

Đã 12 năm trôi qua kể từ ngày một tai nạn giao thông oan nghiệt đã cướp đi sinh mạng của Nguyễn Quang Quyền nhưng bạn bè, đồng nghiệp và học trò của ông vẫn còn ghi nhớ sâu đậm một nhà sư phạm tài năng, một nhà khoa học nhiệt tâm, một người bạn được yêu mến và ngưỡng mộ. Sự ra đi của ông cho đến nay vẫn còn để lại một khoảng trống khó lấp đầy trong giải phẫu học, nhân chủng học Việt Nam.

Theo nguyện vọng của nhiều đồng nghiệp và bạn bè của GS. Nguyễn Quang Quyền, nhân dịp đại hội lần thứ X Hội Hình thái học Việt Nam, nhân bảy mươi lăm năm ngày sinh của GS. Nguyễn Quang Quyền, Ban Chấp hành Hội Hình thái học, Ban Giám hiệu ĐH Y Dược TP.HCM quyết định cho sưu tầm, biên soạn và xuất bản tập sách “Nguyễn Quang Quyền cuộc đời và sự nghiệp”.

Cuộc đời của Nguyễn Quang Quyền trải dài những năm tháng đổi thay to lớn của đất nước, từ cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám giành độc lập, rồi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ giải phóng miền Nam đến cuộc Đổi mới xây dựng và phát triển một Việt Nam hòa nhập cùng thế giới.

Nguyễn Quang Quyền sinh ra trong một gia đình tư sản dân tộc đi theo cách mạng, ủng hộ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngay từ những ngày mới thành lập. Bố ông đã từng là Trưởng ban Cứu tế xã hội của Ủy ban hành chính Hải Phòng, Trưởng ban Kinh tế liên tỉnh Hồng Quảng, từng bị phòng Nhì của Pháp bắt giam với lý do “đã tham gia Việt Minh”. Mẹ ông là ứng cử viên Quốc hội khóa đầu tiên, ủy viên Ban Chấp hành Hội liên hiệp phụ nữ Hải Phòng. Người anh ruột (GS. Nguyễn Quang Riệu) và em ruột (GS. Nguyễn Quý Đạo) của ông là những nhà khoa học nổi tiếng ở Pháp và trên thế giới, là những Việt kiều yêu nước, luôn gắn bó với quê hương và có nhiều giúp đỡ to lớn đối với các nhà khoa học Việt Nam.

Nguyễn Quang Quyền tham gia hoạt động cách mạng khá sớm. Năm 1953, lúc 19 tuổi, ông là một trong số rất ít sinh viên y khoa tham gia hoạt động cách mạng trong nội thành Hà Nội, làm Trưởng ban liên lạc Hội sinh viên Việt Nam. Năm 20 tuổi ông được bầu làm Phó chủ tịch Hội liên hiệp sinh viên Việt Nam nhiệm kỳ 1954 – 1958. Năm 20 tuổi (cuối năm 1954) lúc là sinh viên năm thứ tư của Đại học Y Khoa Hà Nội ông được cử làm Trưởng đoàn sinh viên Việt Nam tham dự Đại hội sinh viên toàn thế giới lần thứ 4 tại Praha, Tiệp Khắc. Sau khi tốt nghiệp (năm 1959) Nguyễn Quang Quyền được nhận ở lại làm việc tại Trường Đại học Y Khoa Hà Nội. Ông tiếp tục hăng hái tham gia công tác đoàn thể, là Bí thư chi đoàn phi lâm sàng, Phó thư ký công đoàn bộ phận phi lâm sàng. Ông nhanh chóng thích nghi và hăng hái với sự nghiệp đào tạo và nghiên cứu khoa học, với những bài giảng về giải phẫu học hút hồn sinh viên y khoa bao thế hệ, với nhiều công trình khoa học độc đáo và có giá trị về giải phẫu học, nhân trắc học, nhân chủng học.

Có thể chia cuộc đời và sự nghiệp khoa học của Nguyễn Quang Quyền thành hai giai đoạn. Giai đoạn ở Trường Đại học Y Khoa Hà Nội (1959 – 1978) các đồng nghiệp và bạn bè chứng kiến một Nguyễn Quang Quyền vượt qua khó khăn, thử thách, tự khẳng định mình, tự nghiên cứu và xây dựng êkip nghiên cứu. Chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh (1979 – 1997) Nguyễn Quang Quyền tiếp tục mê hoặc nhiều thế hệ sinh viên từ bục giảng, đào tạo và tổ chức nghiên cứu, tham gia công tác quản lý với những đề xuất chiến lược mới, để lại những dấu ấn khó phai mờ ở Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh.

Suốt 38 năm sống và làm việc, Nguyễn Quang Quyền đã tự đóng mình trên cây thánh giá giải phẫu học. Ông làm giải phẫu học để dạy các bác sĩ tương lai và để ứng dụng lâm sàng. Ông làm nhân trắc để nghiên cứu tầm vóc và thể lực người Việt Nam, để đưa tiếng nói khoa học vào các cuộc thi hoa hậu.

Nguyễn Quang Quyền cho rằng “tôi chỉ là một thầy thuốc bình thường, một nhà giáo bình thường… Có rất nhiều thầy thuốc, rất nhiều nhà giáo tài năng đã đóng góp rất lớn cho ngành y mà tôi không sao bì kịp”. Nhưng thực tế Nguyễn Quang Quyền đã kịp để lại một gia tài khoa học với hơn 100 công trình khoa học, trong đó có 20 bài được đăng trên các tạp chí tiếng Anh, Pháp, Nga, được giới khoa học trong nước và trên thế giới biết đến, đánh giá cao. Ông được Viện phân tích nhân chủng học Schvidesky của Cộng hòa Liên bang Đức đưa vào danh sách các nhà nhân chủng học hàng đầu thế giới. Tại Hội thảo quốc tế về giáo dục y học (New Zealand, 1984) Nguyễn Quang Quyền được bình chọn là người giảng lý thuyết giải phẫu học xuất sắc, chuyên nghiệp nhất. Nguyễn Quang Quyền nổi tiếng với sự đề xuất phong trào “hiến thân xác cho khoa học”, là người khôi phục “Lễ tri ân những người đã hiến thân xác cho khoa học” (Lễ Macchabeés), là chủ nhân của bộ sưu tập sọ người Việt Nam đang được lưu giữ tại Bộ môn Giải phẫu học Đại học Y Dược TP. HCM, là người đề xuất và chỉ đạo xây dựng bảo tàng sọ người Campuchia bị sát hại, như một chứng cứ về tội diệt chủng của Pon Pot.

Nguyễn Quang Quyền rất đáng được nhắc đến, cuộc đời và sự nghiệp của ông đáng được trân trọng và lưu giữ như một kỷ niệm để suy ngẫm.

(Trích Lời giới thiệu của GS.TS. Đặng Vạn Phước, Nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Dược TP.HCM. và GS.TS. Trương Đình Kiệt, Nguyên Chủ tịch Hội Hình thái học, trong quyển “Nguyễn Quang Quyền – Cuộc đời và Sự nghiệp”, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội – 2009.)