NGƯỜI CHIẾN THẮNG BỆNH ĐẬU MÙA. Trần Phương Hạnh

 

Edward Jenner (1749-1823)

Edward Jenner ra đời ngày 17/5/1749, tại miễn quê Berkeley, thuộc vùng Gloucester, ở Tây Nam nước Anh, trong gia đình một giám mục địa phận nông thôn. Jenner được gia đình cho theo học các môn Hy Lạp, Latin, văn học cổ điển, với hy vọng sau này cậu sẽ thành giám mục.

Năm 13 tuổi, cậu được gửi đến Sodbury, gần Bristol, để học và phụ việc cho một thầy thuốc tên là Ludlow. Chính tại đây, cậu được nghe một bệnh nhân làm nghề vắt sữa bò kể rằng người mắc bệnh đậu bò (cow-pox) thường không bị bệnh đậu mùa (small pox), nhưng việc này chưa gây được chút ấn tượng nào trong đầu óc chàng trai.

Năm 19 tuổi, Jenner đến London theo học tại Bệnh viện Thánh Georges. Anh được nhận làm học trò và phụ việc cho John Hunter, người thầy thuốc ngoại khoa nổi tiếng ở thủ đô. Suốt 30 năm sau đó, giữa hai người không chỉ có tình nghĩa thầy trò mà còn là quan hệ giữa hai người cùng đam mê nghiên cứu khoa học.

Năm 23 tuổi, từ biệt thầy, Jenner rời London hoa lệ để trở về quê hương Berkeley làm một người thầy thuốc giản dị ở nông thôn. Ngoài công việc khám chữa bệnh, Jenner còn dành thời gian để viết những tài liệu khoa học. Tại đây, bệnh tật thì đủ dạng, Jenner được nghe những người nông dân chất phác kể lại nhiều chuyện lạ chưa hề được ghi lại trong sách vở. Một bà cụ già chìa đôi tay đầy vết sẹo nhỏ nói: “Trước kia tôi làm nghề vắt sữa bò nên đã mắc bệnh đậu bò đấy. Ấy thế mà cũng hay, chẳng bao giờ tôi mắc bệnh đậu mùa nữa…” Jenner băn khoăn suy nghĩ: trước kia, khi còn phụ việc tại Bristol, chẳng phải đã có lần anh nghe nói về việc này sao? Mắc đậu bò thì không sợ bị đậu mùa nữa ư? Có thể dùng đậu bò để phòng bệnh đậu mùa được không? Bao nhiêu câu hỏi cứ vương vấn trong đầu Jenner. Ông viết thư hỏi thầy cũ. “Đừng nghĩ ngợi nhiều. Hãy bắt tay vào việc, kiên nhẫn và chính xác. Hãy thử nghiệm”. Câu trả lời của Hunter rõ ràng và dứt khoát đã thúc đẩy Jenner lao vào công việc.

Ông tìm đến những trang trại nuôi bò, thăm hỏi nhiều người chăn nuôi có kinh nghiệm. Nhưng làm sao có được mụn mủ đậu bò ở một giai đoạn phát triển như mong muốn? Các nhà chăn nuôi không muốn để người thầy thuốc trẻ chích truyền đậu bò từ con này sang con khác, vì như vậy sẽ làm ảnh hưởng đến việc sản xuất sữa. Phải làm gì bây giờ?

Năm 39 tuổi, Jenner lập gia đình với cô Catherine Kinscote. Họ về sống tại thành phố Cheltenham và có được hai con. Cuộc sống phong lưu sung túc hơn, nhưng nỗi ám ảnh về căn bệnh đậu bò và việc phòng bệnh cho người vẫn day dứt tâm trí ông. Sau nhiều lần quan sát, thử nghiệm, cuối cùng, Jenner nhận thấy mủ đậu bò trên người mắc bệnh vẫn giữ được những đặc tính phòng bệnh như mủ đậu ở bò, như vậy có thể sử dụng mà không cần chờ đợi tìm kiếm ở bò.

Jenner quyết định thử nghiệm trên người. Dịp may đã đến, Jenner nhận thấy ở một người phụ nữ vắt sữa bò, cô Sarah Nelmes, trên bàn tay có nhiều mụn mủ đậu bò. Sáng ngày 14/5/1796, ông đến nhà cô Sarah, thận trọng lấy một giọt mủ ở bàn tay cô, rồi nhẹ nhàng tiêm chúng vào hai nơi trên cánh tay của một cậu bé 8 tuổi mà tên tuổi, James Phipps, đã đi vào lịch sử y học. Hàng ngày, Jenner cẩn thận theo dõi tình trạng sức khỏe của đứa bé, kết quả rồi sẽ ra sao: thành công hay thất bại?

Ta có thể đọc trong sổ tay làm việc của Jenner: “… Vào ngày thứ bảy, James Phipps kêu đau nhẹ ở hạch nách, ngày thứ chín có rét run, kém ăn, mệt mỏi, nhức đầu, đêm khó ngủ, nhưng ngày hôm sau tình trạng trở lại bình thường. Ở nơi da tiêm chủng, thấy giống như khi chích mủ đậu mùa (theo cách cổ xưa), chỉ có dịch mụn đậm màu sẫm hơn, vành viêm quanh mụn cũng đỏ hơn, rồi tất cả tan biến nhanh chóng, chỉ để lại chút vẩy nâu đen nhạt. Lúc này, cháu bé và cả tôi đều cảm thấy trong người thật nhẹ nhõm…”. Khả năng phòng bệnh liệu có lâu không? Hơn một năm sau, ngày 1/7/1797, Jenner kiểm nghiệm bằng cách chích mụn đậu mùa vào chú bé Phipps. Không có chuyện gì xảy ra. Kết quả đã rõ. Nhưng Jenner vẫn chưa yên tâm, cần phải làm nhiều cách thử nghiệm khác nhau nữa: tiêm chủng đậu bò cho trẻ em rồi lại tiêm chủng từ trẻ này cho trẻ khác, cho cả người lớn chưa hề mắc bệnh, cứ như thế ông làm đi thử lại tất cả 23 lần. Đến lúc đó, ông đã hiểu rằng có một phương pháp mới hơn, tốt hơn để phòng bệnh đậu mùa và ông đặt tên cho phương pháp mới này là vaccination (tiêm chủng), vì tiếng Latin vacca nghĩa là bò cái và vaccinae nghĩa là đậu bò.

Jenner đã gửi một bản thông báo tới Hội Hoàng gia Anh nhưng không được chấp nhận. Tháng 4/1789, Jenner đến London mang theo bản thảo cuốn sách trình bày những kết quả nghiên cứu và một chiếc bút tiêm chủng mà ông dự định phổ biến. Ít lâu sau cuốn sách ra đời có tên là Nghiên cứu về nguyên nhân và hiệu quả của tiêm chúng đậu mùa, chỉ dày 60 trang, nhưng đã gây ra một cuộc tranh cãi sôi nổi. Nhà triết học Đức, Immanuel Kant cũng lên tiếng phản đối mạnh mẽ: “Với y học của Jenner, y học đang hạ thấp mình xuống gần loài vật vì người ta đã tiêm chủng cho con người một tạp chất của loài vật…” Có lẽ nhà triết học đã quá tin vào lời đồn đại kể rằng: một số trẻ em, sau khi được tiêm chủng đã bò bốn chân dưới đất, kêu gào như bò rống, mọc lông dài trên người, v.vv… Lúc đó, tại nơi miền quê yên tĩnh, Jenner vẫn lặng lẽ tiếp tục công việc. Ông tin rằng sớm muộn mọi người sẽ hiểu rõ phương pháp phòng bệnh mới này.

Năm 1800, đã có 6.000 người được tiêm chủng theo phương pháp của Jenner và danh từ “tiêm chủng” đã trở nên quen thuộc với người dân. Cũng thời gian này, quân đội Hoàng gia đã chính thức mời Jenner đến London để tiêm chủng cho trung đoàn số 85. Nhà vua cũng quyết định phải tiêm chủng cho tất cả binh sĩ hải quân.

Ngày 2/6/1802, Hạ nghị viện Anh họp để tặng Jenner 10 nghìn bảng Anh và tỏ lòng biết ơn người con ưu tú của đất nước. Năm 1803, Ủy ban Thế giới về chủng đậu được thành lập tại London đã bầu Jenner làm Chủ tịch danh dự.

Những ngày đầu năm 1823, người dân Berkeley vẫn nhìn thấy người đồng hương vĩ đại mà giản dị của họ, đầu đội mũ rộng vành, tay cầm gậy, chậm rãi đến thăm các gia đình quanh vùng, đôi khi còn giúp người nghèo than củi để sưởi ấm mùa đông. Sáng ngày 16/1/1823, Jenner qua đời sau một cơn chảy máu não đột ngột. Theo nguyện vọng riêng, hài cốt của Jenner được đặt trong ngôi nhà thờ nhỏ ở Berkeley, nơi mà xưa kia cha ông đã ban phước lành cho mọi người.

Những ai đi ngang qua quãng trường Trafalga ở London đều nhìn thấy tượng đài Jenner đứng cạnh bên một con bò nhỏ, nét mặt bình thản với nụ cười thoảng qua. Hình như ông cảm thấy hài lòng khi biết từ bỏ vinh hoa phú quý để làm một người thầy thuốc nông thôn.

T.P.H
Nguồn: Y Học Cho Mọi Người. Số 16 – Tháng 11-1997