Sống tỉnh rượu – Cảnh giác với nóng giận và bực tức

Cảnh giác với nóng giận và bực tức

Nóng giận đã được đề cập trong quyển này, nhưng một số kinh nghiệm ban đầu đã cho thấy nó rất quan trọng, đến độ đáng để bất cứ ai muốn cai rượu cần đặc biệt quan tâm.

Thù hằn, bực tức, và nóng giận – bất cứ từ nào bạn dùng để mô tả cảm giác này – có vẻ có mối quan hệ gần gủi với say xỉn và có lẽ còn quan hệ sâu sắc hơn với bệnh nghiện rượu.

Thí dụ, một số nhà khoa học có lần hỏi một số đông người nghiện rượu tại sao họ say sưa và tìm thấy câu trả lời quan trọng là “Như vậy tôi có thể nói ra với ai đó.” Nói một cách khác, họ cảm thấy khi say, họ có sức lực và có tự do để biểu lộ sự nóng giận mà khi tỉnh rượu họ khó lòng thoải mái trình bày.

Có người cho rằng có một mối quan hệ sinh hóa tinh vi, không xác định được giữa rượu và loại thay đổi cơ thể khi nóng giận. Một nghiên cứu thực nghiệm đối với người nghiện rượu cho rằng bực tức có thể tạo ra trong máu người nghiện một tình trạng khó chịu mà nhậu nhẹt có thể xóa đi. Một nhà tâm lý học hàng đầu mới đây đã cho rằng người uống rượu có lẽ thưởng thức những cảm giác quyền lực đối với người khác mà tác động của rượu có thể mang lại.

Người ta đã báo cáo những sự kiện về mối liên hệ gần gủi giữa uống rượu với đánh nhau và giết người. Ở một vài quốc gia, hình như phần lớn những chuyện này xảy ra hoặc khi nạn nhân hoặc khi thủ phạm (hoặc cả hai) chịu tác động của rượu. Hiếp dâm, cải cọ trong gia đình đưa đến ly dị, bạo hành trẻ em và cướp có hung khí cũng thường xảy ra lúc uống rượu quá nhiều.

Ngay những người chúng tôi chưa từng trải qua những hành vi này cũng dễ dàng hiểu loại thịnh nộ hung tợn này, vốn có thể khiến ta nghĩ đến bạo hành này khi say đến độ. Do đó chúng tôi công nhận mối hiểm nguy tiềm tàng trong nóng giận.

Có vẻ ít ai nghi ngờ rằng đó là một trạng thái tự nhiên xảy ra ở con người từ thời này sang thời khác. Cũng như sợ hãi, nó có lẽ có giá trị sinh tồn đối với tất cả mọi thành viên giống Homo sapiens. Không nghi ngờ gì, nóng giận đối với cái xấu như nghèo, đói, bệnh tật và bất công đã tạo nên những thay đổi tốt đẹp hơn trong nhiều nền văn hóa khác nhau.

Nhưng cũng không thể chối cãi được rằng gây thương tật và thậm chí chửi bới lúc quá nóng giận là không thể chấp nhận được và gây tổn hại cho xã hội nói chung, cũng như cho cá nhân nói riêng. Do vậy, nhiều tôn giáo và triết lý khuyên chúng ta nên loại bỏ nóng giận để tìm thấy cuộc sống hạnh phúc hơn.

Dù vậy một số lớn người chắc chắn rằng nhốt kín nóng giận rất không tốt cho sức khỏe tinh thần, rằng ta nên xả nỗi căm hờn ra theo một cách nào đó, nếu không nó sẽ “nhiễm độc” ta bên trong bằng cách quay ngược về ta, dẫn đến trầm cảm sâu sắc.

Nóng giận trên tất cả các phương diện là một vấn đề phổ biến của con người. Nhưng nó đặt ra hiểm họa đặc biệt đối với người nghiện rượu: Sự nóng giận của chính ta có thể giết chết ta. Người nghiện rượu đã hồi phục gần như đồng ý hoàn toàn rằng căm thù, uất hận, bực tức thường khiến ta muốn uống rượu, do vậy ta cần cảnh giác với những suy nghĩ này. Chúng tôi đã tìm thấy nhiều cách thỏa đáng hơn nhiều so với uống rượu để xử lý chúng.

Nhưng ta sẽ nói đến những cách này sau. Trước hết, sau đây là một số hình dáng và sắc thái mà nóng giận có thể đôi lúc biểu hiện:

hẹp hòi

khinh miệt

đố kị

căm ghét

trịch thượng

cứng nhắc

hoài nghi

bất mãn

căng thẳng

mỉa mai

than thân

hiểm độc

ngờ vực

lo âu

nghi ngờ

ghen tị

Nhiều hội viên AA (Alcoholics Anonymous) khác nhau khi đã cai rượu có thể lần ra tất cả các dạng nóng giận này. Trong những ngày nhậu nhẹt, nhiều chúng tôi ít khi dành thời gian suy nghĩ đến những chuyện này. Nhiều khả năng là chúng tôi bi quan về chúng hoặc là phản ứng quá mức, nhất là sau khi chúng tôi khuếch đại những cảm nghĩ này bằng cách uống thêm một ly rượu nữa.

Hơn nữa, có lẽ sợ hãi nên được đưa vào danh sách, bởi vì nhiều chúng tôi tin rằng nóng giận là một biểu hiện của sợ hãi. Chúng tôi không phải lúc nào cũng biết chắc là mình sợ cái gì, đôi lúc chỉ là nỗi sợ hãi mơ hồ, chung chung, không tên. Và nó có thể gây ra một sự nóng giận chung chung giống như vậy, có thể đột ngột tập trung vào một người, một vật nào đó.

Cảm giác chán nản cũng có thể gây ra nóng giận. Nói chung, người nghiện rượu không nổi tiếng về mức độ chịu đựng cao khi đối mặt với sự chán nản, dù nó có thật hay tưởng tượng. Một ly rượu trước đây quen là cách giải quyết ưa thích của chúng tôi đối với cảm xúc khó chịu này.

Có lẽ bực tức “hợp lý” là tinh quái nhất để giải quyết. Nó là sản phẩm cuối của nóng giận “đúng đắn”, sau khi được ấp ủ lâu dài và nếu được phép tiếp tục, nó sẽ lần lần hạ thấp sự kháng cự của ta đối với việc uống rượu.

Ngay cả nếu ta thật sự bị đối xử tệ hại hoặc bất công, bực tức là một xa xỉ mà người nghiện rượu chúng tôi không thể theo nổi. Đối với chúng tôi, tất cả các loại nóng giận đều hủy hoại chính mình, bởi vì nó có thể đưa chúng tôi đến nhậu nhẹt trở lại.

(Học cách đối xử với bực tức được bàn đến chi tiết hơn trong “Những người nghiện rượu ẩn danh”“Mười hai Bước và Mười hai Truyền thống.”)

Chúng tôi không giả định mình là chuyên gia về việc hiểu biết tâm lý sâu sắc, nên đầu tiên chúng tôi không phải tập trung vào việc tìm kiếm những nguyên nhân của cảm giác nóng giận khó chịu, mà là vào việc thích ứng với chính những cảm giác này, dù chúng tôi có nghĩ rằng nó chính đáng hay không. Chúng tôi bắt đầu trở lại từ chỗ làm cách nào để giữ những cảm giác này khỏi lừa chúng tôi đến chỗ nhậu nhẹt.

Thật lý thú, vài phương pháp đã bàn luận để tránh uống rượu cũng có hiệu quả rực rỡ đối với việc vượt qua tâm trạng khó chịu chúng tôi phải chịu đựng khi nóng giận. Thí dụ khi bắt đầu nổi giận trong lòng, đôi khi rất hiệu quả khi ăn vài miếng ngon hoặc uống một ly nước ngọt không có rượu.

Cũng hiệu quả đáng kể khi bắt đầu bực mình chuyện gì, chúng tôi cầm lấy điện thoại và nói chuyện với người đỡ đầu, hoặc với một người nghiện rượu đã khỏi bệnh khác về nó. Và đáng để ngừng lại và xem có phải mình quá mệt mỏi hay không. Nếu có, chúng tôi đã thấy rằng nghỉ ngơi chút ít thường làm tan cơn nóng giận.

Nhiều lần, chỉ cần suy nghĩ “Sống và để mặc người khác sống” làm dịu lòng chúng tôi. Hoặc chúng tôi nhanh chóng chuyển sang một hoạt động khác không dính gì đến nguồn gốc nóng giận – dập tắt nó bằng môn thể thao sống động nào đó – dẹp nó đi bằng cách lắng nghe bản nhạc mình ưa thích.

Với nhiều chúng tôi, suy gẫm ý tưởng trong “Lời cầu nguyện Bình an” thổi tan hận thù. Thông thường, cái làm ta nổi giận rồi ra là việc chúng ta không thể kiểm soát được hoặc thay đổi được (thí dụ như kẹt xe, thời tiết, xếp hàng dài trong siêu thị). Do đó việc có ý nghĩa, chín chắn để làm là cứ chấp nhận nó, thay vì sôi sục vô ích trong lòng hoặc trở qua uống rượu.

Dĩ nhiên, thỉnh thoảng chúng tôi bực bội vì một tình huống trong cuộc sống mình, vốn có thể và nên thay đổi. Có lẽ chúng tôi nên từ bỏ công việc này đi và tìm một công việc khác tốt hơn hoặc ly dị, hoặc di chuyển gia đình đến một hàng xóm khác. Nếu như vậy, một quyết định như vậy cần phải được suy nghĩ kỹ, không quyết định trong lúc vội vã hoặc nóng giận. Chúng tôi trước hết vẫn nên nguội lại. Rồi có lẽ chúng tôi suy nghĩ một cách bình tĩnh, xây dựng để hình dung nổi bực tức của mình có phải do một việc nào đó mà chúng tôi có thể thay đổi được hay không. Để kiểm tra lần nữa, hãy đọc chương Lời nguyện Bình an.

Đôi khi, nó không phải là một bực tức lâu dài mà chúng tôi phải đối phó, nhưng chỉ là một cơn giận đột ngột, bùng phát. “Kế hoạch 24 giờ” và “Đầu tiên những việc đầu tiên” giúp nhiều người chúng tôi thích ứng với một cơn giận như vậy, dù chúng tôi không biết chúng sẽ như thế nào cho đến khi thật sự áp dụng chúng – và đạt được kết quả tốt đến kinh ngạc.

Một liệu pháp hữu hiệu khác là ý tưởng “như là”. Chúng tôi suy nghĩ xem một người chững chạc, bình tĩnh sẽ xử sự tốt nhất ra sao đối với một bực tức như của mình, rồi hành động như là người ấy. Hãy thử vài lần. Nó cũng hiệu quả.

Và đối với nhiều người chúng tôi, hướng dẫn chuyên môn của một nhà tư vấn giỏi, một bác sĩ tâm lý hoặc một thầy thuốc khác, hoặc một giáo sĩ cũng hiệu quả như vậy.

Chúng tôi cũng tìm thấy kết quả tốt của các hoạt động thể chất vô hại. Môn thể thao đã nói, hít thở sâu, tắm nóng và (riêng tư) ngã lưng lên ghế lên nệm la hét giúp nhiều người dịu cơn giận.

Chỉ kềm hãm, bỏ qua hoặc ngăn chận cơn giận hiếm khi là điều đáng khuyên. Thay vì vậy, chúng tôi cố gắng học cách không tác động lên nó, nhưng làm một việc gì đó về nó. Nếu không làm gì, chúng tôi làm tăng khả năng uống rượu lên rất nhiều.

Là người bình thường, chỉ biết thông qua kinh nghiệm của chính mình, chúng tôi người nghiện rượu đã khỏi bệnh không có kiến thức phòng thí nghiệm hoặc lý thuyết khoa học về những vấn đề này. Nhưng ít có người đã từng bị vật vã sau cơn say có thể quên được cảm giác cáu kỉnh vô lý nó gây ra. Đôi khi, chúng tôi cáu kỉnh với người nhà, đồng nghiệp, bạn bè hoặc người lạ, chắc chắn họ không hề gây ra sự bực tức của chúng tôi. Khuynh hướng này tiếp diễn một thời gian sau khi chúng tôi cai rượu, theo cách vương vấn của khói thuốc trong quán rượu đóng kín cửa, gợi ta nhớ đến những ngày nhậu nhẹt – cho đến khi chúng tôi làm vệ sinh tốt ngôi nhà tâm hồn.

Nguồn: Living sober. Alcoholics Anonymous