VIÊM DẠ DÀY

Gastritis_helicobacter

Viêm dạ dày là viêm biểu mô dạ dày. Nó có thể ngắn hạn hoặc kéo dài. Có thể không có triệu chứng, nhưng nếu có, thường gặp nhất là đau thượng vị. Các triệu chứng khác có thể có là buồn nôn và ói, đầy hơi, ăn không ngon và ợ chua. Các biến chứng có thể có là xuất huyết, loét dạ dày và bướu dạ dày. Khi bệnh do tự miễn, số lượng hồng cầu thấp do thiếu vitamin B12 có thể xảy ra (pernicious anemia).

Các nguyên nhân thường gặp gồm có nhiễm Helicobacter pylori và sử dụng các thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Các nguyên nhân ít gặp hơn gồm có rượu, hút thuốc lá, cocaine, bệnh nặng, tự miễn, xạ trị và bệnh Crohn,… Nội soi, X quang (upper gastrointestinal series), xét nghiệm máu và xét nghiệm phân có thể giúp chẩn đoán bệnh. Các triệu chứng viêm dạ dày có thể là biểu hiện của ngạnh tắc cơ tim. Các bệnh khác có triệu chứng tương tự bao gồm viêm tụy tạng, bệnh đường mật và loét dạ dày.

Phòng ngừa bằng cách tránh những gì gây ra bệnh này. Điều trị bao gồm các loại thuốc như kháng acid, chẹn H2 hoặc ức chế bơm proton. Trong cơn cấp, uống lidocaine dạng nhờn có thể giảm. Nếu viêm dạ dày do uống thuốc kháng viêm không steroid, có thể ngưng uống. Nếu có H. pylori, có thể điều trị bằng cách phối hợp amoxicillin và clarithromycin. Đối với người bệnh thiếu máu thiếu vitamine B12, có thể khuyến cáo bổ sung vitamin B12 uống hoặc tiêm. Người bệnh thường được khuyên tránh các loại thức ăn gây khó chịu.

Viêm dạ dày được tin rằng tác động đến phân nửa dân số toàn cầu. Năm 2013 có khoảng 90 triệu ca bệnh mới. Khi người ta càng lớn tuổi, bệnh càng thường gặp hơn. Viêm dạ dày, cùng với viêm tá tràng gây ra 50.000 tử vong trong năm 2015. H. pylori được Barry Marshall và Robin Warren phát hiện năm 1981.

Dấu hiện và triệu chứng

Nhiều người bị viêm dạ dày mà không hề có triệu chứng gì. Tuy nhiên, đau bụng vùng thượng vị là triệu chứng thường gặp nhất; đau có thể ngấm ngầm, mơ hồ, nóng bỏng, đau nhức, đau lâm râm, đau nhói. Đau thường ngay phần trên giữa bụng, nhưng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào từ phần trên trái của bụng vòng ra phía sau.

Các triệu chứng và dấu hiệu khác có thể gồm:

+ Buồn nôn
+ Ói mửa (nếu có, có thể trong, xanh lá cây hoặc vàng, có sợi máu, hoặc máu hoàn toàn, tùy theo mức độ nặng nhẹ của viêm dạ dày)
+ Ợ hơi (nếu có, thường không làm giảm đau nhiều)
+ Đầy hơi
+ Mau no
+ Ăn mất ngon
+ Giảm cân không rõ nguyên nhân

Nguyên nhân

Các nguyên nhân thường gặp là Helicobacter pylori và thuốc kháng viêm không steroid. Các nguyên nhân ít gặp là rượu, cocaine, bệnh nặng và bệnh Crohn,…

Helicobacter pylori

Helicobacter pylori sinh sôi trong dạ dày của hơn một nửa dân số toàn cầu và nhiễm khuẩn này tiếp tục giữ vai trò then chốt trong sinh bệnh học của một số bệnh dạ dày – ruột non. Đốm sinh sôi Helicobacter pylori trên niêm mạc dạ dày khiến cho viêm dạ dày mạn tính phát triển ở những cá nhân nhiễm khuẩn, và trong một số bệnh nhân, viêm dạ dày mạn tính tiến triển thành các biến chứng (như loét dạ dày, ung thư dạ dày, một số rối loạn ngoài dạ dày nổi bật). Tuy nhiên, hơn 80 phần trăm người nhiễm vi khuẩn này không có triệu chứng và người ta đoán rằng nó có thể giữ một vai trò quan trọng trong sinh thái tự nhiên của dạ dày.

Bệnh nặng

Viêm dạ dày cũng phát sinh sau khi phẫu thuật lớn hoặc chấn thương (loét Cushing), phỏng (loét Curling), hoặc nhiễm trùng nặng. Viêm dạ dày cũng xảy ra ở người phẫu thuật giảm cân, thắt hẹp hoặc tái tạo đường tiêu hóa.

Ăn kiêng

Không có bằng chứng về vai trò của các thức ăn cụ thể, kể cả thức ăn cay và cà phê trong việc phát sinh loét dạ dày. Mọi người thường được khuyên tránh thức ăn làm họ khó chịu.

Sinh lý bệnh học

Cấp tính

Viêm dạ dày ăn mòn cấp tính điển hình gây ra các cụm rời rạc, bề mặt hoại tử do tổn thương lớp niêm mạc. NSAID ức chế cylooxygenase-1 (COX-1), một enzyme chịu trách nhiệm sinh tổng hợp eicosanoids trong dạ dày, làm tăng khả năng hình thành loét dạ dày. Ngoài ra, các NSAID như aspirin làm giảm một chất bảo vệ dạ dày tên là prostaglandin. Các thuốc này sử dụng trong một thời gian ngắn điển hình là không nguy hiểm. Tuy nhiên, sử dụng thường xuyên có thể dẫn đến viêm dạ dày. Thêm nữa, stress sinh lý nghiêm trọng (“loét do stress”) do nhiễm khuẩn, thiếu oxy huyết, chấn thương hoặc phẫu thuật cũng là một nguyên nhân thường gặp của viêm loét dạ dày. Dạng viêm dạ dày này xảy ra ở hơn 5% các bệnh nhân nội trú.

Cũng ghi nhận rằng uống rượu không gây ra viêm dạ dày mạn tính. Tuy nhiên nó làm mòn thành niêm mạc dạ dày; rượu liều thấp kích thích sự bài tiết acid hydrochloric. Rượu liều cao không kích thích sự bài tiết acid.

Mạn tính

Viêm dạ dày mạn tính bao gồm nhiều vấn đề của mô dạ dày. Hệ thống miễn dịch tạo nên các protein và kháng thể giúp chống nhiễm trùng trong cơ thể để duy trì tình trạng hằng định nội môi (homeostatic). Trong một vài bệnh, cơ thể xem dạ dày như là một protein lạ hoặc là một yếu tố sinh bệnh; cơ thể tạo ra kháng thể chống lại, gây tổn hại nghiêm trọng và thậm chí có thể tiêu hủy dạ dày hoặc thành của nó. Trong một số trường hợp, mật, vốn được sử dụng để giúp việc tiêu hóa trong ruột non, sẽ đi vào dạ dày qua van môn vị (pyloric), nếu van đã bị cắt bỏ trong phẫu thuật hoặc không hoạt động đúng mức, cũng dẫn đến viêm dạ dày. Viêm dạ dày cũng do các bệnh khác gây ra, bao gồm HIV/AIDS, bệnh Crohn, một số bệnh mô liên kết, suy gan hoặc suy thận. Từ năm 1992, các vết thương viêm dạ dày được phân loại theo hệ thống Sydney.

Dị sản

Dị sản tuyến nhày, sự thay thế có thể đảo ngược của các tế bào đã biệt hóa, xảy ra trong quá trình tổn hại nghiêm trọng của các tuyến dạ dày, vốn sau đó tiêu hủy (viêm dạ dày thoái hóa) và dần dần bị các tuyến nhày thay thế. Loét dạ dày có thể phát triển, người ta không rõ loét dạ dày là nguyên nhân hay là kết quả. Dị sản ruột non bắt đầu một cách điển hình trong đáp ứng với tổn thương niêm mạc mạn tính ở vùng hang vị (antrum), và có thể lan ra vùng thân vị. Các tế bào niêm mạc dạ dày thay đổi để giống như niêm mạc ruột non và thậm chí có được tính chất hấp thu. Dị sản ruột non được phân loại theo mô học là hoàn toàn hoặc không hoàn toàn. Với dị sản hoàn toàn, niêm mạc dạ dày chuyển dạng hoàn toàn thành niêm mạc ruột non, cả về mô học và chức năng, với khả năng hấp thu chất dinh dưỡng và bài tiết ra peptides. Trong dị sản không hoàn toàn, niêm mạc có hình dạng mô học gần giống niêm mạc ruột già và thường biểu hiện loạn sản (dysplasia).

Chẩn đoán

Thường có thể chẩn đoán dựa trên sự mô tả các triệu chứng của bệnh nhân, nhưng các phương pháp khác có thể được dùng để xác định viêm dạ dày bao gồm:

+ Xét nghiệm máu:
– Đếm hồng cầu
– Sự hiện diện của H. pylori
– Chức năng gan, thận, bọng đái hoặc tụy tạng

+ Phân tích nước tiểu

+ Xét nghiệm phân, để tìm máu trong phân

+ X quang

+ Điện tâm đồ

+ Nội soi, để tìm viêm thành dạ dày và vết loét  niêm mạc

+ Sinh thiết dạ dày, để thử nghiệm tìm viêm dạ dày và các bệnh trạng khác

Điều trị

Kháng acid là điều trị thường gặp dành cho viêm dạ dày nhẹ đến trung bình. Khi kháng acid không đủ làm thuyên giảm, các thuốc như là chẹn H2 và ức chế bơm proton, vốn làm giảm số lượng acid thường được kê toa.

Các chất bảo vệ tế bào được thiết kế để giúp bảo vệ các mô lót thành dạ dày và ruột non. Chúng gồm có các thuốc sucralfate và misoprostol. Nếu thuốc giảm đau không steroid (NSAID) được uống đều đặn, có thể sử dụng một trong hai loại sucralfate và misoprostol này để bảo vệ dạ dày. Một chất bảo vệ tế bào khác là bismuth subsalicylate.

Một vài loại toa thuốc được sử dụng để điều trị nhiễm trùng H. pylori. Đa số dùng kết hợp hai loại kháng sinh và một ức thế bơm proton. Đôi khi bismuth cũng được cho thêm.

Nguồn: Wikipedia
https://en.wikipedia.org/wiki/Gastritis
Trần Thanh Xuân dịch