KHÔNG CẦN KHÁNG SINH CHO CÁC NHIỄM TRÙNG HÔ HẤP THƯỜNG GẶP

khang sinh

Y sĩ đoàn và Trung tâm Phòng Chống bệnh Hoa Kỳ cùng khuyến cáo không nên kê toa kháng sinh cho cúm, viêm phế quản ở người lớn

18.01.2016 (HealthDay News) – Không cần kháng sinh cho người trưởng thành bị cảm cúm, viêm phế quản, đau họng hoặc nhiễm trùng xoang.

Đó là lời khuyên của Y sĩ đoàn và Trung tâm Phòng Chống bệnh Hoa Kỳ, vốn vừa công bố các hướng dẫn kê toa kháng sinh cho các nhiễm trùng đường hô hấp cấp ở người lớn.

Các loại nhiễm trùng này là nguyên nhân thường gặp nhất để đi khám bác sĩ và để kê toa kháng sinh ngoại trú cho người lớn, các nhà nghiên cứu nói.

Lời khuyên này, công bố ngày 18.01.2016 trên tạp chí Annals of Internal Medicine, được soạn thảo để chống lại tình trạng mà hai tổ chức này xem là lạm dụng kháng sinh.

Theo bản tin của Y sĩ đoàn Hoa Kỳ, dữ liệu không công bố của Trung tâm Phòng Chống bệnh ước tính “50 phần trăm các kê toa kháng sinh tại phòng khám ngoại trú là không cần thiết hoặc không phù hợp, tương đương với hơn 3 tỷ đô la Mỹ bị tiêu phí.”

“Sử dụng kháng sinh không phù hợp cho các nhiễm trùng đường hô hấp cấp là một yếu tố quan trọng góp phần vào sự lan rộng các nhiễm trùng kháng kháng sinh, đe dọa sức khỏe công cộng,” BS Wayne Riley, Chủ tịch Y sĩ đoàn nói trong bản tin.

“Giảm lạm dụng kháng sinh cho các nhiễm trùng đường hô hấp cấp ở người lớn là một ưu tiên lâm sàng và là một cách chăm sóc có giá trị cao để cải thiện chất lượng chăm sóc, giảm chi phí y tế và làm chậm và/hoặc ngăn chặn việc kháng kháng sinh tiếp tục tăng cao,” ông nói thêm.

Theo các hướng dẫn:

Các bác sĩ nên khuyên bệnh nhân bị cảm cúm rằng các triệu chứng có thể kéo dài đến hai tuần và các bác sĩ chỉ nên theo dõi khi các triệu chứng trở nặng hoặc vượt quá thời gian hồi phục dự kiến.

Kháng sinh cũng không nên được kê toa cho viêm phế quản không biến chứng trừ khi nghi ngờ viêm phổi: “Bệnh nhân nên được làm giảm các triệu chứng bằng các thuốc ức chế ho, long đàm, kháng histamine, chống nghẹt mũi và các thuốc đồng vận beta.”

Trong hầu hết các trường hợp, kháng sinh chỉ nên được kê toa cho một đau họng khi thử nghiệm khẳng định bị viêm họng do streptococcus. “Bác sĩ nên khuyến cáo điều trị giảm đau như aspirin, acetaminophen, thuốc kháng viêm không steroid và thuốc xúc miệng.”

Các nhiễm trùng xoang không biến chứng khỏi bệnh một cách điển hình mà không cần kháng sinh. Kháng sinh nên được kê toa chỉ khi các triệu chứng kéo dài quá 10 ngày, hoặc nếu bệnh nhân phát sinh các triệu chứng nặng hoặc sốt cao, bị chảy mũi hoặc đau mặt trong ít nhất 3 ngày liên tục, hoặc “các triệu chứng trở nặng sau 5 ngày nhiễm một vi rút điển hình, lúc ban đầu có cải thiện.”

Nguồn: MedlinePlus
https://www.nlm.nih.gov/medlineplus/news/fullstory_156749.html
Trần Thanh Xuân dịch