HỘI CHỨNG HÔ HẤP CORONAVIRUS TRUNG ĐÔNG – MERS-CoV

(Middle East respiratory syndrome coronavirus – MERS-CoV)

logo WHO

Điểm chính

+ Hội chứng Hô hấp Trung Đông (MERS) là một bệnh hô hấp vi rút do vi rút coronavirus mới (MERS-CoV) lần đầu được xác định tại Saudi Arabia năm 2012.

+ Coronavirus là một dòng vi rút rộng lớn, có thể gây các bệnh từ cúm thông thường đến Hội chứng Hô hấp Cấp tính Nặng (Severe Acute Respiratory Syndrome – SARS).

+ Các triệu chứng MERS điển hình gồm có sốt, ho và khó thở. Viêm phổi thường gặp nhưng không phải lúc nào cũng có. Các triệu chứng tiêu hóa, kể cả tiêu chảy, cũng đã được báo cáo.

+ Khoảng 36% các bệnh nhân MERS được báo cáo đã chết.

+ Dù đa số các trường hợp MERS ở người do nhiễm trùng từ người sang người, lạc đà có thể là một nguồn bệnh chính của MERS-CoV và một nguồn động vật gây nhiễm MERS ở người. Tuy nhiên, vai trò chính xác của lạc đà trong việc lây truyền vi rút và (các) đường truyền chính xác hiện không rõ.

+ Vi rút có vẻ không dễ dàng đi từ người sang người trừ khi có tiếp xúc gần gủi, như không phòng vệ lúc chăm sóc bệnh nhân.

Triệu chứng

Biểu hiện lâm sàng của nhiễm trùng MERS-CoV thay đổi từ không có triệu chứng hoặc triệu chứng hô hấp nhẹ đến bệnh hô hấp cấp tính nặng và tử vong. Biểu hiện điển hình của bệnh MERS-CoV là sốt, ho và khó thở. Viêm phổi là một phát hiện thường gặp, nhưng không phải lúc nào cũng có. Các triệu chứng tiêu hóa, kể cả tiêu chảy, cũng đã được báo cáo. Bệnh nặng có thể gây suy hô hấp cần phải thở máy và săn sóc đặc biệt. Khoảng 36% các bệnh nhân MERS được báo cáo đã chết. Vi rút có vẻ gây bệnh nặng hơn ở người lớn tuổi, người có hệ thống miễn dịch suy yếu, và người mắc các bệnh mạn tính như ung thư, bệnh phổi mạn tính và tiểu đường.

Nguồn vi rút

MERS-CoV là một vi rút lây truyền từ động vật sang người. Nguồn gốc vi rút không được hiểu biết đầy đủ, nhưng theo phân tích các genome vi rút khác nhau, người ta tin rằng nó bắt nguồn từ dơi và lây sang lạc đà từ xa xưa.

Lây truyền

Lây truyền từ không phải người sang người: Đường lây truyền từ động vật sang người không được hiểu biết hoàn toàn, nhưng lạc đà có thể là một nguồn bệnh chính của MERS-CoV và một nguồn động vật gây nhiễm MERS ở người. Các dòng MERS-CoV giống hệt các dòng ở người đã được biệt lập từ lạc đà ở một số quốc gia, bao gồm Ai Cập, Oman, và Ả Rập Xê Út.

Lây truyền từ người sang người: Vi rút có vẻ không dễ dàng đi từ người sang người trừ khi có tiếp xúc gần gủi, như không phòng vệ lúc chăm sóc bệnh nhân. Đã có một số nhóm các trường hợp trong các cơ sở y tế, nơi lây truyền từ người sang người có vẻ nhiều khả năng, nhất là khi việc phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng không đúng mức. Cho tới nay, không có sự lây truyền kéo dài trong cộng đồng được ghi nhận.

Vi rút có vẻ lưu hành khắp bán đảo Ả Rập, chủ yếu ở Ả Rập Xê Út, nơi đa số các trường hợp (>85%) đã được báo cáo. Một số trường hợp đã được báo cáo bên ngoài Trung Đông. Hầu hết các nhiễm trùng này được tin rằng đã mắc phải ở Trung Đông, và sau đó xuất ra bên ngoài khu vực này. Không một lây nhiễm thứ cấp hoặc chỉ thứ cấp hạn chế nào được báo cáo ở các quốc gia có các ca xuất ra.

Phòng ngừa và điều trị

Hiện không có vắc xin hoặc điều trị đặc hiệu. Điều trị hỗ trợ và dựa trên tình trạng lâm sàng của bệnh nhân.

Cảnh báo chung là bất cứ ai thăm viếng trại, chợ, chuồng hoặc các nơi có lạc đà và các động vật khác nên thực hiện các biện pháp vệ sinh tổng quát, bao gồm rửa tay đều đặn trước và sau khi chạm vào động vật và tránh tiếp xúc với động vật bệnh.

Việc tiêu thụ các sản phẩm tươi sống, chưa nấu nướng, bao gồm sữa và thịt, mang đến nguy cơ nhiễm trùng cao từ nhiều loại sinh vật có thể gây bệnh cho người. Sản phẩm động vật được chế biến phù hợp qua nấu nướng hoặc tiệt trùng có thể được tiêu thụ an toàn, nhưng cũng cần được xử lý cẩn thận để tránh nhiễm chéo với thực phẩm chưa nấu nướng. Thịt lạc đà và sữa lạc đà là những sản phẩm bổ dưỡng có thể được tiếp tục tiêu thụ sau khi tiệt khuẩn, nấu nướng hoặc được xử lý bằng nhiệt khác.

Cơ sở y tế

Lây truyền vi rút đã xảy ra ở các cơ sở y tế ở một số quốc gia, bao gồm lây từ bệnh nhân sang nhân viên y tế và giữa các bệnh nhân trong một cơ sở y tế trước khi MERS-CoV được chẩn đoán. Không phải lúc nào cũng xác định được bệnh nhân MERS-CoV sớm hoặc không qua xét nghiệm bởi vì các triệu chứng và các đặc điểm lâm sàng khác là không đặc hiệu.

Phòng ngừa nhiễm trùng và các biện pháp kiểm soát là thiết yếu để ngăn chận sự lây lan có thể có của MERS-CoV trong các cơ sở y tế. Các cơ sở y tế chăm sóc các bệnh nhân nghi ngờ hoặc xác định đã nhiễm MERS-CoV nên tiến hành các biện pháp phù hợp để làm giảm nguy cơ lây truyền vi rút từ bệnh nhân đã nhiễm sang các bệnh nhân khác, sang nhân viên y tế hoặc sang các khách đến thăm. Nhân viên y tế nên được giáo dục và huấn luyện về phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng, và nên được cập nhật những kỹ năng này đều đặn.

Du hành

WHO không khuyến cáo áp dụng các hạn chế du hành hoặc mậu dịch, hay tầm soát nhập cảnh liên quan đến MERS-CoV.

Đáp ứng WHO

WHO đang làm việc với các thầy thuốc và các nhà khoa học ở các nước bị ảnh hưởng và quốc tế để tập hợp và chia sẻ bằng chứng khoa học nhằm hiểu rõ hơn vi rút này và bệnh do nó gây ra, và nhằm quyết định các ưu tiên đáp ứng đợt bùng phát, chiến lược điều trị và các phương pháp xử trí lâm sàng. WHO cũng làm việc với các quốc gia để soạn thảo các chiến lược phòng ngừa y tế công cộng chống vi rút.

Cùng với các quốc gia bị ảnh hưởng và các thành viên kỹ thuật và mạng lưới quốc tế, WHO đang phối hợp các đáp ứng y tế toàn cầu đối với MERS, bao gồm: cung cấp thông tin cập nhật về tình hình này; tiến hành đánh giá nguy cơ và các điều tra kết hợp với các giới chức cấp quốc gia; tổ chức hội nghị khoa học; và biên soạn hướng dẫn và huấn luyện dành cho các giới chức y tế và các cơ quan kỹ thuật y tế về các khuyến cáo khảo sát tạm thời, xét nghiệm các trường hợp, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng, và xử trí lâm sàng.

Tổng giám đốc đã họp Ủy ban Khẩn cấp theo Luật Y tế Quốc tế (2005) để tư vấn Ủy ban về việc điều này đủ để cấu thành một Tình trạng Khẩn cấp Y tế Công cộng Quốc tế (Public Health Emergency of International Concern – PHEIC) hay không và về các biện pháp y tế công cộng nên được tiến hành. Ủy ban đã họp một số lần từ lúc bệnh này lần đầu được xác định. WHO khuyến khích tất cả các thành viên tăng cường khảo sát các nhiễm trùng hô hấp cấp tính nặng (SARI) và tổng quan cẩn thận bất cứ kiểu hình SARI hoặc các trường hợp viêm phổi bất thường nào.

Các nước, dù có hay không có trường hợp MERS được báo cáo, nên duy trì cảnh giác cao, nhất là các nước có số lượng du khách lớn hoặc người lao động di cư trở về từ Trung Đông. Khảo sát nên tiếp tục được tăng cường ở các quốc gia này theo hướng dẫn của WHO, cùng với các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm trùng trong các cơ sở y tế. WHO tiếp tục yêu cầu các thành viên báo cáo về WHO tất cả các trường hợp nhiễm trùng đã xác định hoặc nghi ngờ MERS-CoV cùng với thông tin về phơi nhiễm, thử nghiệm và diễn biến lâm sàng để thông báo sự chuẩn bị và đáp ứng quốc tế hiệu quả nhất.

Nguồn: World Health Organization
http://who.int/mediacentre/factsheets/mers-cov/en/
Trần Thanh Xuân dịch