SÁCH TRẮNG VỀ DỊ ỨNG CỦA WAO 2013 – TÓM TẮT THỰC HÀNH

Sách trắng về Dị ứng của WAO bản cập nhật 2013 Tóm tắt thực hành

Giới thiệu Tóm tắt thực hành

Bệnh dị ứng – Vấn đề sức khỏe công cộng toàn cầu

  1. Pawankar, GW Canonica, ST.Holgate, RF Lockey

GIỚI THIỆU

Tỉ lệ mắc các bệnh dị ứng trên thế giới đang gia tăng đáng kể ở các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển. Các bệnh này gồm có: hen; viêm mũi; sốc phản vệ; dị ứng thuốc, thức ăn và côn trùng; chàm; mày đay và phù mạch. Sự gia tăng này đặc biệt đáng lưu ý ở trẻ em, những đối tượng đang chịu gánh nặng lớn nhất của xu hướng gia tăng diễn ra trong hai thập niên vừa qua. Tuy có sự gia tăng như vậy, nhưng ngay cả ở các nước phát triển, sự chăm sóc dành cho những bệnh nhân mắc bệnh dị ứng vẫn còn rời rạc và còn xa với mô hình lý tưởng.

Một khía cạnh quan trọng khác mà chúng tôi nhấn mạnh là sự cần thiết phải tuân thủ điều trị tốt hơn. Qua quan sát thấy việc tuân thủ điều trị trong bệnh mạn tính là ít hơn 50% và chi phí của việc không tuân thủ ảnh hưởng lớn lên gánh nặng của các bệnh mạn tính trên toàn thế giới, việc tuân thủ là một việc liên quan tới bệnh nhân cần phải được ưu tiên nhất và là một bước quan trọng trong việc giáo dục bệnh nhân.

Dị ứng không chỉ gây ra rối loạn chức năng miễn dịch lâu dài, mà gây viêm nền tảng (underlying), là yếu tố nền tảng cho các bệnh không lây khác. Một yếu tố quan trọng khác có vai trò là sự tương tác gen và môi trường. Do tỷ lệ mắc bệnh dị ứng rất lớn, dị ứng nên được coi là một vấn đề y tế công cộng chính và nằm trong khuôn khổ của các bệnh không lây.
Cuối cùng, bản tuyên ngôn của Tổ chức Dị ứng Thế giới (World Allergy Organization – WAO) đề nghị tiến hành nhiều nghiên cứu dịch tễ học hơn để xác định gánh nặng thực sự của các bệnh dị ứng và hen, đưa ra nhiều hơn các biện pháp kiểm soát dị nguyên và môi trường, tăng cường mức độ nghiên cứu và thực hành lâm sàng có sẵn ở các quốc gia khác nhau, giáo dục đại học và sau đại học và công nhận chuyên ngành dị ứng, và nâng cao nhận thức của công chúng về các bệnh dị ứng và cách phòng ngừa để giảm gánh nặng của các bệnh dị ứng trên toàn cầu trong những năm tới. Một nỗ lực phối hợp của nhiều bên liên quan là điều cần thiết để giải quyết vấn đề này. Tổ chức Dị ứng Thế giới rất quan ngại về gánh nặng toàn cầu ngày càng tăng do các bệnh dị ứng và cam kết tăng cường hợp tác và liên lạc ở mức độ toàn cầu, lôi kéo chính phủ và các nhà hoạch định chính sách nhằm tập trung nguồn lực và nỗ lực để nhận ra bệnh dị ứng là một vấn đề y tế công cộng. Theo quan điểm này, Tổ chức Dị ứng Thế giới biên soạn bản gốc Sách trắng WAO về dị ứng xuất bản năm 2011. Vì có dữ liệu mới, bằng chứng mới và phương pháp điều trị mới, WAO xem nay là thời điểm để cập nhật một số chương.

Sách trắng WAO về dị ứng: Cập nhật 2013 không chỉ cung cấp cho thành viên của WAO mà còn cung cấp cho các bộ y tế, các chính phủ, các nhóm bệnh nhân, xã hội và hội y học khác trên thế giới với một nguồn thông tin tin cậy về các khía cạnh khác nhau của bệnh hen và các bệnh dị ứng, đặc biệt có liên quan đến khu vực của họ. Các dữ liệu từ các hội thành viên quốc gia củng cố mục đích chính của cuốn sách là một công cụ hỗ trợ để cho thấy tỉ lệ mắc bệnh ngày càng gia tăng của hen và các bệnh dị ứng trên toàn thế giới, đặc biệt là ở trẻ em, và theo sau là gánh nặng ngày càng gia tăng mà mọi người phải chịu đựng, và sự nhất thiết phải tăng cung cấp dịch vụ. Do đó, tài liệu này bắt buộc phải được cập nhật để làm nguồn thông tin có thẩm quyền toàn cầu.

Sách trắng WAO về dị ứng: Cập nhật 2013 đã được thực hiện như vậy! Chúng tôi vẫn giữ các văn bản chính của Sách trắng WAO về dị ứng bản gốc và cập nhật thêm để có những thông tin mới và cung cấp cho bạn các dữ liệu mới nhất và các bằng chứng về dị ứng như là một vấn đề y tế công cộng toàn cầu.

  1. GÁNH NẶNG BỆNH DỊ ỨNG

Viêm mũi dị ứng

  • Viêm mũi dị ứng (allergic rhinitis) là hệ quả của viêm niêm mạc mũi qua trung gian IgE.
  • Tỉ lệ bệnh trong dân số hiện nay vào khoảng từ 10% đến 30%.
  • Nghiên cứu chỉ ra rằng tỉ lệ này đang gia tăng trên thế giới.
  • Phân loại được đề xuất trong tài liệu hướng dẫn Viêm mũi dị ứng và Tác động trên bệnh hen (ARIA) có ích cho việc tiến hành điều trị.
  • Viêm mũi dị ứng là một yếu tố nguy cơ của hen.
  • Các bệnh đồng hành khác của viêm mũi dị ứng gồm có: viêm xoang, pô-lýp mũi, viêm kết mạc, viêm tai giữa có tràn dịch, nhiễm trùng đường hô hấp trên, thở miệng, và rối loạn giấc ngủ.
  • Viêm mũi dị ứng ảnh hưởng đáng kể đến bệnh nhân theo mức độ nặng của các triệu chứng. Bệnh gây ảnh hưởng tâm lý, cản trở các tương tác xã hội, và tạo ra một gánh nặng kinh tế không những đối với người bệnh mà đối với cả gia đình và xã hội nói chung.
  • Việc xử trí dựa trên sự giáo dục bệnh nhân, các biện pháp kiểm soát môi trường, điều trị thuốc và liệu pháp miễn dịch đặc hiệu.

Viêm kết mạc dị ứng

  • Viêm kết mạc dị ứng là một bệnh dị ứng ngày càng phổ biến, với cùng một tầm quan trọng lâm sàng như hen dị ứng và viêm mũi dị ứng.
  • Thuật ngữ bao quát “viêm kết mạc dị ứng” bao gồm nhiều thực thể lâm sàng khác nhau, từ các thể nhẹ nhưng gây xáo trộn do sự mẫn cảm IgE với các dị nguyên trong không khí; đến các thể viêm kết – giác mạc, trong đó viêm dị ứng nặng ảnh hưởng đến giác mạc, khó chẩn đoán và điều trị hơn, và có thể dẫn đến tổn hại nhãn cầu vĩnh viễn và thậm chí mất thị lực.

Viêm mũi-xoang

  • Viêm mũi – xoang (rhinosinusitis – RS) là một trong những bệnh trạng thường gặp nhất và gây tốn kém nhất.
  • Viêm mũi – xoang xảy ra dưới nhiều dạng, thường gặp nhất có thể là dạng cấp tính hoặc dạng mạn tính.
  • Việc điều trị ban đầu của viêm mũi – xoang thường do một thầy thuốc chăm sóc ban đầu thực hiện và nếu không thành công, thầy thuốc này cần giới thiệu bệnh nhân cho một phẫu thuật viên hoặc một nhà dị ứng để điều trị chuyên khoa.
  • Trong đại đa số trường hợp, viêm mũi – xoang được kiểm soát nhờ điều trị nội khoa đúng cách mà không cần phẫu thuật.
  • Chỉ nên xem xét phẫu thuật trên những bệnh nhân đã được xử trí đúng nhưng vẫn thất bại với một số chương trình điều trị nội khoa.
  • Nhà dị ứng, người được đào tạo về dị ứng, miễn dịch học, vi sinh học, nội khoa và/hoặc nhi khoa kết hợp với một kiến thức chuyên sâu về giải phẫu học mũi xoang và dược lý học thích hợp, là người thích hợp nhất để xử trí viêm mũi – xoang.

Hen

  • Hen là một rối loạn viêm mạn tính trọn đời xảy ra ở đường hô hấp, kết hợp với những thay đổi cấu trúc khác nhau, ảnh hưởng cả trẻ em lẫn người lớn ở mọi độ tuổi. Bệnh đi cùng với tăng tính đáp ứng của đường hô hấp và tắc nghẽn thông khí, thường có thể hồi phục tự nhiên hoặc nhờ điều trị.
  • Nếu không được kiểm soát, hen có thể gây tử vong và cản trở đáng kể các hoạt động bình thường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
  • Vì chẩn đoán chưa đúng mức và điều trị không thỏa đáng, hen là một vấn đề sức khỏe công cộng nghiêm trọng trên khắp thế giới, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình.
  • Cơ địa dị ứng – tức cơ địa gen để phát triển sự mẫn cảm qua trung gian IgE đối với các dị nguyên thường gặp trong không khí, là yếu tố cơ địa mạnh nhất có thể phát hiện được đối với sự phát triển hen, đặc biệt là ở trẻ em.
  • Có một sự tăng vọt tỉ lệ mắc bệnh, tổn hại và tử vong của hen bắt đầu trong những năm 1960 và 1970 ở các nước được gọi là “phương tây hóa” trên thế giới.
  • Tỉ lệ mắc bệnh hen ở các nước khác nhau thay đổi lớn, nhưng mức chênh lệch đang hẹp dần do tỉ lệ mắc bệnh gia tăng ở các nước có thu nhập thấp và trung bình khi họ chấp nhận lối sống phương tây nhiều hơn. Tỉ lệ này đang ở mức bình nguyên tại các nước có thu nhập cao.
  • Corticosteroid dạng hít hiện là thuốc kháng viêm có hiệu quả nhất để điều trị hen dai dẳng.
  • Chi phí của hen là khá lớn và bao gồm chi phí y khoa trực tiếp lẫn chi phí gián tiếp, loại chi phí thứ hai này liên quan đến mất ngày công lao động và chết sớm.
  • Các nỗ lực quốc gia nhằm xử lý hen như một vấn đề sức khỏe công cộng, như chương trình được thực hiện tại Phần Lan và Ailen, đem lại những lợi ích đáng kể, được phản ánh trong mức giảm ấn tượng của số trường hợp tử vong và nhập viện.
  • Có nhiều rào cản đối với việc giảm gánh nặng của hen trên thế giới.
  • Các nhu cầu chẩn đoán, điều trị, giáo dục và tài chính để đạt được sự kiểm soát hen tốt hơn trên thế giới chưa đáp ứng được.
  • Cần nỗ lực hơn nữa tập trung vào những phương thức để cải thiện xử trí hen bằng cách tập trung kiểm soát bệnh cả ở cơ sở ban đầu và tuyến sau hơn là điều trị các cơn hen cấp tính. Phải gắn quan niệm này vào trong các chương trình chăm sóc sức khỏe.

Hen suyễn nặng

Hen nặng được định nghĩa là hen đòi hỏi điều trị với liều cao corticosteroid hít kết hợp với một thuốc kiểm soát thứ hai và / hoặc corticosteroid toàn thân, để ngăn hen trở thành “không kiểm soát được” hoặc vẫn “không kiểm soát được” mặc dù  đã dùng liệu pháp này
• Bệnh nhân có các triệu chứng dai dẳng mặc dù dùng liều cao thuốc điều trị bệnh hen cần được đánh giá một cách hệ thống để xác định chẩn đoán hen, tuân thủ điều trị và xác định bất kỳ bệnh lý đi kèm hoặc yếu tố tăng nặng
• Hen nặng không đáp ứng (severe refractory) chỉ chiếm một phần nhỏ trong tất cả các bệnh nhân bị bệnh hen không kiểm soát được và có kiểu hình đa dạng ở các cấp độ lâm sàng và phân tử.
• Gánh nặng của bệnh hen nặng là đáng kể với chi phí cao hàng năm cho mỗi người chủ yếu là do thuốc, nhập viện và mất công việc.
• Lựa chọn điều trị hiện tại được giới hạn trong bệnh hen nặng nhưng phương pháp điều trị sinh học mới nhắm vào hiện tượng viêm Th2 sẽ sớm có và sẽ đòi hỏi một phương pháp kiểu hình cụ thể để điều trị.
• Công việc sắp tới sẽ tập trung vào sự hiểu biết và phát triển các mục tiêu điều trị mới cho cơ chế ‘không’ Th2 trong bệnh hen nặng.

Chàm cơ địa

  • Sự gia tăng tỉ lệ mắc bệnh chàm cơ địa trên thế giới đã được quan sát thấy.
  • Chàm cơ địa là bệnh viêm da mạn tính thường gặp nhất với nhiều dạng lâm sàng.
  • Chàm cơ địa thường là biểu hiện đầu tiên của bệnh nhân cơ địa dị ứng và can thiệp sớm có thể đem lại cơ hội ngăn cản hoặc chặn đứng tiến trình cơ địa dị ứng.
  • Chàm cơ địa là một vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng do tác động của nó trên chất lượng cuộc sống và gánh nặng kinh tế – xã hội của nó.

Sốc phản vệ

  • Epinephrine (adrenaline), ở liều thích hợp, tiêm bắp vào giữa mặt trước ngoài đùi là thuốc được chọn để điều trị sốc phản vệ.
  • Không có sự đồng thuận về định nghĩa và đặc điểm chẩn đoán sốc phản vệ và sự thiếu đồng thuận này trong định nghĩa góp phần vào sự thiếu nhất quán trong việc nhận diện, điều trị và sử dụng epinephrine.
  • Sự đa dạng và độ nặng của sốc phản vệ phần nào phụ thuộc vào đường xâm nhập của dị nguyên hoặc tác nhân châm ngòi, tức là đường tiêm hay là đường uống; đường tiêm thường đi kèm với các phản ứng nặng hơn.
  • Có nhiều thuật ngữ khác được dùng để mô tả sốc phản vệ có thể gây lẫn lộn, đặc biệt là định nghĩa và điều trị của nó. Những thuật ngữ này bao gồm phản ứng toàn thân; phản ứng dị ứng toàn thân; phản ứng bản thể; và phản ứng quá mẫn nghiêm trọng.
  • Những minh họa trong Hướng dẫn WAO về Đánh giá và Xử trí Sốc phản vệ xuất bản năm 2011 và cập nhật năm 2012 là lý tưởng cho mọi thầy thuốc và nhân viên y tế khác.
  • Sốc phản vệ bao gồm cả các nguyên nhân dị ứng lẫn không dị ứng.
  • Thuật ngữ “giống phản vệ” đã lỗi thời.

Dị ứng thức ăn

  • Trên toàn cầu, có 220 – 520 triệu người bị dị ứng thức ăn.
  • Dị ứng thức ăn ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh (chủ yếu là trẻ em).
  • Các giới chức có trách nhiệm phải chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu của bệnh nhân bằng cách nâng cao qui trình chẩn đoán, khả năng truy nguyên các thức ăn có liên quan, cung cấp thức ăn thay thế, trợ giúp bệnh nhân nằm viện, và đề phòng tử vong.
  • Có những vùng rộng lớn trên thế giới thiếu các qui định pháp luật về ghi nhãn thức ăn.
  • Vì các chiến lược quyết định chẩn đoán và điều trị không được rõ ràng, cần có các hướng dẫn dựa vào bằng chứng cho thầy thuốc lâm sàng, bệnh nhân, cơ quan chính phủ và ngành công nghiệp để đối phó với sự thách thức của dị ứng thức ăn. Hiện có các hướng dẫn như vậy và sẵn sàng để triển khai, ví dụ khuyến nghị của WAO về Chẩn đoán và Cơ sở lý luận chống Dị ứng sữa bò (DRACMA).
  • Cần có các nghiên cứu dịch tễ, đặc biệt là ở những khu vực kém phát triển hơn của thế giới.
  • Giải mẫn cảm qua đường miệng là một phương pháp hứa hẹn để giảm gánh nặng bệnh do dị ứng thức ăn gây ra.

Mày đay và Phù mạch

  • Mày đay là một nhóm bệnh đa dạng gồm nhiều thể bệnh có đặc điểm là nổi dát và/hoặc phù mạch.
  • Có ba loại chính: a) nổi dát tự phát, đi kèm với mày đay cấp và mạn tính; b) nổi dát và phù mạch do một tác nhân kích thích cụ thể gây ra, và đặc biệt là trên bệnh nhân có mày đay thực thể; và c) các rối loạn nổi mày đay khác như mày đay do gắng sức gây ra.
  • Mày đay thường xuyên xảy ra với tỉ lệ xuất hiện trong cuộc đời hơn 20%.
  • Ngoại trừ mày đay cấp tính, các qui trình chẩn đoán và điều trị có thể phức tạp và thường cần chuyển bệnh nhân cho một chuyên gia.
  • Mày đay mạn tính, không được điều trị có ảnh hưởng nặng trên chất lượng sống và làm giảm năng suất sản xuất lên đến 30%.
  • Mày đay có tác động lớn về mặt kinh tế – xã hội, vì đây là bệnh chủ yếu xảy ra trên người ở độ tuổi lao động.
  • Mày đay từ trung bình đến nặng cần điều trị chuyên khoa. Trong nhiều hệ thống y tế trên thế giới, sự tiếp cận điều trị chuyên khoa chưa được đầy đủ.

Dị ứng với thuốc và các tác nhân sinh học 

  • Phản ứng có hại của thuốc (adverse drug reactions – ADR) có thể ảnh hưởng đến 1/10 dân số thế giới và 20% tổng số bệnh nhân nằm viện.
  • Hơn 10% các trường hợp phản ứng có hại của thuốc là các phản ứng quá mẫn với thuốc (drug hypersensitivity – DHR).
  • Thường gặp những trường hợp chẩn đoán không đúng mức lẫn chẩn đoán quá mức.
  • Phản ứng quá mẫn với thuốc thường gặp nhất liên quan đến các kháng sinh như penicillin, cephalosporin, và sulfonamide, và aspirin và các thuốc kháng viêm không- steroid khác.
  • Hình ảnh lâm sàng của phản ứng quá mẫn với thuốc liên quan đến nhiều cơ quan, thời điểm và độ nặng khác nhau.
  • Phản ứng quá mẫn với thuốc có thể nặng, thậm chí đe dọa tính mạng, và đi cùng với một tỉ lệ tử vong cao. Thuốc có thể chịu trách nhiệm đến 20% số trường hợp tử vong do sốc phản vệ.
  • Phản ứng quá mẫn với thuốc có tác động kinh tế – xã hội quan trọng trên cả chi phí trực tiếp (xử trí các phản ứng và nằm viện) lẫn chi phí gián tiếp (mất ngày công lao động/nghỉ học; dùng thuốc thay thế).
  • Các qui trình chẩn đoán phản ứng quá mẫn với thuốc cũng cần cố gắng nhận diện các cơ chế nền tảng gây ra.
  • Chẩn đoán là khâu hệ trọng để xử trí và đề phòng phản ứng quá mẫn với thuốc. Việc chọn thuốc thay thế và giải mẫn cảm là cần thiết trong một số trường hợp.

Dị ứng côn trùng

  • Dị ứng nọc côn trùng cánh màng (hymenoptera venom allergy – HVA) là một vấn đề y khoa thường gặp trên thế giới và nói đến các đối tượng có phản ứng dị ứng rộng tại chỗ hoặc toàn thân (sốc phản vệ). Phản ứng rộng tại chỗ được định nghĩa là một phản ứng có đường kính lớn hơn 10 cm kéo dài hơn 24 giờ, trong đó các dấu hiệu và triệu chứng chỉ khu trú ở các mô tiếp giáp với vị trí bị côn trùng đốt. Các phản ứng toàn thân gây ra các dấu hiệu, triệu chứng toàn thân và bao gồm các biểu hiện từ nhẹ đến đe dọa tính mạng. Phản ứng toàn thân nhẹ có thể chỉ giới hạn ở da và gồm có đỏ phừng, nổi mày đay, và phù mạch. Các phản ứng toàn thân nặng hơn có thể bao gồm co thắt phế quản, phù thanh quản, và tụt huyết áp. Dị ứng nọc côn trùng cánh màng có thể gây sốc phản vệ chết người.
  • Tỉ lệ tổn hại được ước lượng không đúng mức; các phản ứng gây tử vong có thể không được ghi nhận một cách thích hợp, giải thích cho sự ước lượng không đúng mức này.
  • Trong dân số chung có tỉ lệ dương tính cao với kháng thể IgE chống nọc đặc hiệu, nhưng chỉ một phần trong số những đối tượng này có phản ứng toàn thân.
  • Các phản ứng gây tử vong xảy ra với tỉ lệ lên đến 50% ở những người không có bằng chứng về tiền sử phản ứng toàn thân.
  • Dị ứng nọc côn trùng cánh màng làm giảm chất lượng cuộc sống dài hạn (quality of life – QOL) và đây là nguyên nhân của những vấn đề kinh tế – xã hội to lớn.
  • Chất lượng cuộc sống của bệnh nhân bị ảnh hưởng tiêu cực khi không có được sự chẩn đoán, giáo dục thích hợp và khi không sử dụng liệu pháp miễn dịch chống nọc (venom immunotherapy – VIT) (một loạt các mũi tiêm nọc độc cho người bị dị ứng và cơ bản chữa khỏi bệnh cho họ).
  • Dị ứng nọc côn trùng cánh màng có thể được điều trị một cách hữu hiệu với liệu pháp miễn dịch chống nọc và các liệu pháp nọc độc thích hợp.
  • Dị ứng nọc côn trùng cánh màng đặt ra một vấn đề trong các cơ sở nghề nghiệp, đặc biệt là người nuôi ong và nhân công nhà kính.
  • Dị ứng nọc côn trùng cánh màng có hậu quả bất lợi nghiêm trọng về mặt sử dụng lao động, khả năng kiếm sống và các hoạt động tiêu khiển và thể thao.
  • Dị ứng nọc côn trùng cánh màng có ảnh hưởng tài chính bất lợi to lớn trên chi phí chăm sóc sức khỏe.

Dị ứng nghề nghiệp

  • Các bệnh dị ứng nghề nghiệp là một vấn đề sức khỏe công cộng quan trọng do tỉ lệ mắc bệnh cao và gánh nặng kinh tế – xã hội của chúng.
  • Hen nghề nghiệp (occupational asthma – OA) góp phần đáng kể vào gánh nặng hen toàn cầu, vì bệnh chiếm khoảng 15% trường hợp hen trên người lớn.
  • Viêm da tiếp xúc dị ứng (allergic contact dermatitis – ACD) là một trong những bệnh nghề nghiệp thường gặp nhất.
  • Các bệnh dị ứng nghề nghiệp phần lớn vẫn không được thầy thuốc, bệnh nhân và người làm chính sách sức khỏe nghề nghiệp nhận biết đầy đủ.
  • Các bệnh dị ứng nghề nghiệp có thể gây suy giảm sức khỏe lâu dài, đặc biệt khi chậm chẩn đoán và chậm có biện pháp tránh.
  • Các bệnh dị ứng nghề nghiệp dẫn đến những hậu quả bất lợi quan trọng về mặt nguồn lực y tế, sử dụng lao động, khả năng kiếm sống và chất lượng cuộc sống.
  • Các bệnh dị ứng nghề nghiệp cùng với ảnh hưởng tài chính to lớn đối với công nhân mắc bệnh, các chính sách bảo hiểm hoặc đền bù, dịch vụ y tế, và người sử dụng lao động.
  • Các bệnh dị ứng nghề nghiệp, theo định nghĩa, là những bệnh có thể phòng ngừa được và cần giảm thiểu tác động của chúng bằng các chiến lược dự phòng thích hợp.

Thể thao và Dị ứng

  • Tập luyện vừa phải và có kiểm soát hữu ích cho người bị dị ứng và phải là một phần trong xử trí bệnh.
  • Tập luyện cường độ cao có thể châm ngòi hoặc gây kịch phát một số hội chứng dị ứng như co thắt phế quản, viêm mũi, mày đay – phù mạch và sốc phản vệ.
  • Chẩn đoán dị ứng phải là một phần trong thăm khám y khoa thường qui trên tất cả các vận động viên chuyên nghiệp và nghiệp dư, nhằm đề ra những biện pháp dự phòng và điều trị thỏa đáng để kiểm soát bệnh, tránh các triệu chứng có thể xảy ra trong khi tập luyện.
  1. CÁC YẾU TỐ NGUY CƠ CỦA BỆNH DỊ ỨNG

Tiềm năng của di truyền học trong bệnh dị ứng

  • Các rối loạn dị ứng rất đa dạng và liên quan đến các tương tác gen – môi trường quan trọng.
  • Di truyền học người giữ một vai trò trong việc hiểu được sự khởi phát bệnh, các kiểu hình và kiểu hình phụ, độ nặng, đáp ứng với điều trị và diễn biến tự nhiên.
  • Mặc dù các nghiên cứu về sự đồng hành các gen ứng viên cho biết phần nào vai trò của các gen trong việc mắc bệnh, phần lớn các thông tin mới là từ các phương pháp không dựa trên giả thuyết nào chẳng hạn như các nghiên cứu về sự đồng hành trong bộ gen.
  • Các yếu tố gen ảnh hưởng các biểu hiện cơ địa dị ứng khác với các yếu tố gen ảnh hưởng các biểu hiện hoặc độ nặng của bệnh trên các cơ quan cụ thể.
  • Tính đa hình của một gen đơn độc thường chỉ giải thích cho một tỉ lệ nhỏ kiểu hình của bệnh và điểm số nguy cơ sử dụng các khóm đa gen vẫn khó dự đoán việc mắc bệnh.
  • Các ảnh hưởng ngoại gen liên quan đến nhiều cơ chế, bao gồm sự methyl-hóa đảo CpG trong vùng gen khởi động (promoter), sự thay đổi histones sau chuyển ngang (post-translational) giải thích một phần các tương tác gen – môi trường và các ảnh hưởng xuyên thế hệ.
  • Các quan sát dịch tễ gen đối với các gen ứng viên cụ thể trong cơ địa dị ứng và bệnh dị ứng đòi hỏi một sự sao chép cẩn thận, được tăng cường bởi sự hợp tác quốc tế và sự sẵn có của nhiều quần thể nghiên cứu bệnh – chứng lớn, được mô tả rõ, để xác định kiểu gen. Cách duy nhất để làm được việc này là thúc đẩy sự hợp tác rộng rãi hơn giữa các nhà nghiên cứu và hình thành các nhóm nghiên cứu đa ngành bao gồm các nhà nghiên cứu từ các học viện, ngành công nghiệp và thực hành lâm sàng.

Dị nguyên, yếu tố nguy cơ của các bệnh dị ứng

  • Có đến 40% dân số có sự mẫn cảm (kháng thể IgE) với các protein lạ trong môi trường.
  • Sự mẫn cảm này liên quan chặt chẽ với sự phơi nhiễm các protein có nguồn gốc từ phấn hoa, nấm mốc, mạt bụi nhà và con gián.
  • Đối với hen, viêm mũi và chàm cơ địa, có một sự kết hợp mạnh và nhất quán giữa bệnh và sự mẫn cảm.
  • Sự đồng hành giữa mẫn cảm với phấn hoa cỏ và các triệu chứng viêm mũi dị ứng theo mùa xảy ra trong mùa phấn hoa cỏ là bằng chứng vững chắc cho vai trò căn nguyên của phấn hoa cỏ trong bệnh này.

Các yếu tố nguy cơ môi trường: Sự ô nhiễm trong nhà và ngoài nhà

  • Các nghiên cứu dịch tễ cho thấy sự ô nhiễm trong nhà và ngoài nhà ảnh hưởng đến sức khỏe hô hấp, bao gồm tăng tỉ lệ bệnh hen và các bệnh dị ứng.
  • Ô nhiễm không khí ngoài nhà đi cùng với một tỉ lệ tử vong cao; ô nhiễm do bụi và ozone gây ra khoảng 3,4 triệu tử vong toàn cầu năm 2010.
  • Các ước lượng dè dặt nhất cho thấy phơi nhiễm với sự ô nhiễm không khí trong nhà có thể gây ra gần 2 triệu cái chết mỗi năm ở các nước đang phát triển.
  • Sự ấm lên toàn cầu sẽ tăng các tác động của ô nhiễm không khí ngoài trời lên sức khỏe.
  • Sự phơi nhiễm với các chất gây ô nhiễm trong/ngoài nhà đi cùng với hen mới khởi phát, cơn kịch phát hen, viêm mũi, viêm mũi – kết mạc, nhiễm trùng hô hấp cấp, tăng sử dụng thuốc chống hen, và nhập viện vì các triệu chứng hô hấp.
  • Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế đã phân loại khí đốt than đá trong nhà vào Nhóm 1, là chất gây ung thư cho người đã biết.
  • Giải quyết các yếu tố nguy cơ chính đối với các bệnh hô hấp, và đặc biệt là khói thuốc lá trong môi trường, chất đốt than củi trong nhà, và ô nhiễm không khí ngoài nhà sẽ đem lại lợi ích sức khỏe to lớn.

Các yếu tố kinh tế – xã hội và sự công bằng môi trường

  • Tỉ lệ mắc bệnh, tổn hại, tử vong và gánh nặng kinh tế toàn cầu của bệnh hen đã gia tăng trong suốt 40 năm qua.
  • Tuy vậy, sự tăng trưởng và gánh nặng bệnh lại không đồng nhất. Những chênh lệch trong tỉ lệ tổn hại và tử vong của bệnh hen, có mối quan hệ đối nghịch với tình hình kinh tế và xã hội, đang được ghi nhật ngày càng nhiều trên khắp thế giới.
  • Hen và các rối loạn cơ địa dị ứng khác có vẻ tập trung nhiều hơn ở những người thuộc tầng lớp kinh tế – xã hội thấp hơn, vì họ còn chịu đựng một gánh nặng phơi nhiễm không cân xứng với các điều kiện môi trường dưới mức tối ưu, không lành mạnh (ví dụ các điều kiện thể chất, xã hội và tâm lý).
  • Các nghiên cứu trong tương lai cần chú ý hơn đến các lực lượng xã hội, chính trị, và kinh tế vốn khiến cho một số nhóm dân ở những khu vực thiệt thòi trên thế giới bị đẩy ra khỏi nhịp phát triển của xã hội, vốn làm tăng sự phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ môi trường góp phần vào sự gia tăng gánh nặng của bệnh hen.

Thay đổi khí hậu, di cư và dị ứng

  • Nhiệt độ trái đất đang tăng lên, được minh họa bởi sự gia tăng mực nước biển, tan băng, các đại dương ấm lên và giảm diện tích phủ tuyết ở Bắc bán cầu.
  • Sự thay đổi khí hậu đi đôi với sự phơi nhiễm các chất gây ô nhiễm không khí có tiềm năng gây ra những hậu quả bất lợi nghiêm trọng, đặc biệt đối với sức khỏe của người sống ở vùng đô thị và bị ô nhiễm.
  • Nhiệt độ cao vào mùa hè ảnh hưởng đến tỉ lệ cơn kịch phát cấp và nhập viện của bệnh nhân cao tuổi mắc bệnh hô hấp và có thể gây tử vong bất ngờ.
  • Dị ứng phấn hoa thường được dùng để nghiên cứu mối quan hệ qua lại giữa ô nhiễm không khí và dị ứng hô hấp. Các yếu tố khí hậu (nhiệt độ, tốc độ gió, độ ẩm, mưa bão sấm sét, v.v…) có thể ảnh hưởng các thành tố sinh học lẫn hóa học của sự tương tác này.
  • Những thay đổi thời tiết như mưa bão sấm sét trong mùa phấn hoa có thể làm cho hạt phấn hoa giữ nước và phân mảnh, tạo ra những hạt khí dung sinh học trong khí quyển mang theo dị nguyên. Do vậy, có thể quan sát thấy sự bùng phát hen trên bệnh nhân nhiễm phấn hoa.
  • Sự di cư từ nước này sang nước khác liên quan đến sự phơi nhiễm với một loạt các chất gây ô nhiễm và dị nguyên mới, cũng như những thay đổi trong điều kiện ăn ở và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế vốn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của di dân.
  • Cơ địa dị ứng và hen phổ biến hơn ở các nước công nghiệp phát triển so với các nước chưa phát triển và kém thịnh vượng.
  • Các nghiên cứu di dân cung cấp thông tin về vai trò của các yếu tố môi trường đối với sự phát triển của cơ địa dị ứng và hen.
  • Thầy thuốc nên biết rằng sự thay đổi môi trường và khí hậu có thể làm gia tăng sự phát triển các bệnh dị ứng và hen.
  • Thầy thuốc nên biết rằng những người di cư, đặc biệt là từ nước đang phát triển đến nước phát triển hơn, có nguy cơ cao mắc bệnh dị ứng và hen, và ảnh hưởng này phụ thuộc vào tuổi tác và thời gian. Tuổi nhỏ hơn và thời gian dài hơn làm tăng khả năng phát triển cơ địa dị ứng và hen.

 

  1. CÁC PHƯƠNG PHÁP CHẨN ĐOÁN VÀ XỬ TRÍ DỰA VÀO CHỨNG CỨ

Chẩn đoán và nhận diện dị nguyên gây bệnh

  • Khẳng định dị ứng và nhận diện các dị nguyên gây bệnh có vai trò quan trọng để xử trí các bệnh dị ứng một cách đúng đắn.
  • Chẩn đoán chính xác cho phép thực hiện các liệu pháp nhắm đến các yếu tố căn nguyên của bệnh dị ứng như các biện pháp môi trường và liệu pháp miễn dịch.
  • Chẩn đoán bắt đầu với một bệnh sử chi tiết và khám thực thể tỉ mỉ.
  • Việc nhận diện một sự đồng hành về mặt thời gian giữa triệu chứng và sự phơi nhiễm dị nguyên là cơ sở cho các xét nghiệm tiếp theo.
  • Khẳng định sự nghi ngờ lâm sàng bằng cách xét nghiệm các kháng thể IgE in vivo (test da) hoặc in vitro.
  • Test da cần bao gồm các dị nguyên có liên quan và sử dụng các tinh chất dị nguyên chuẩn hóa.
  • Xét nghiệm in vitro đặc biệt hữu ích khi kết quả test da không tương quan với bệnh sử hoặc không thể thực hiện được.
  • Có thể áp dụng các test vitro để tiên đoán “xác suất bệnh” trong dị ứng thức ăn.
  • Cần tăng khả năng tiếp cận với chẩn đoán và các liệu pháp dị ứng và cải thiện các phương pháp chẩn đoán có thể thay thế cho các test kích ứng in vivo đối với dị ứng thuốc và thức ăn.
  • Sử dụng các test chưa được chứng minh làm tăng chi phí không cần thiết để chẩn đoán dị ứng

Điều trị thuốc trong các bệnh dị ứng

  • Dị ứng xảy ra trên các đối tượng ở mọi nước, chủng tộc, tầng lớp kinh tế – xã hội, và độ tuổi.
  • Hen và viêm mũi dị ứng là những vấn đề sức khỏe thường gặp gây bệnh tật và mất sức quan trọng trên thế giới.
  • Chiến lược điều trị các bệnh dị ứng dựa trên: (i) giáo dục bệnh nhân, (ii) kiểm soát môi trường và tránh dị nguyên, (iii) điều trị thuốc, và (iv) liệu pháp miễn dịch.
  • Điều trị thuốc là cốt lõi của điều trị bệnh dị ứng vì nó không những kiểm soát triệu chứng mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống.
  • Thầy thuốc chăm sóc ban đầu giữ vai trò quan trọng trong xử trí dị ứng ở tuyến đầu. Họ phải đưa ra chẩn đoán lâm sàng ban đầu, bắt đầu điều trị, và theo dõi bệnh nhân.
  • Chuyên gia dị ứng được đào tạo để có thể chẩn đoán cụ thể và điều trị bệnh nhân dị ứng, đặc biệt là bệnh nhân mắc bệnh trung bình/nặng.
  • Tính chất mạn tính của dị ứng đòi hỏi phải đề xuất và giải thích các chiến lược xử trí dài hạn cho bệnh nhân, người hoạch định chính sách y tế, và các cơ quan chính phủ.
  • Trong những thập niên gần đây, đã có một sự cải thiện đáng kể trong hiệu quả và độ an toàn của điều trị dị ứng bằng thuốc.
  • Điều trị bệnh bằng cách sử dụng các hướng dẫn thực hành dựa vào bằng chứng cho thấy đem lại kết quả tốt hơn cho bệnh nhân.

Liệu pháp miễn dịch dị nguyên đặc hiệu

  • Liệu pháp miễn dịch dị nguyên đặc hiệu (allergen specific immunotherapy) được thừa nhận là một điều trị có hiệu quả đối với dị ứng hô hấp và dị ứng nọc côn trùng cánh màng.
  • Liệu pháp miễn dịch dưới da (subcutaneous immunotherapy) vẫn là phương thức điều trị tiêu chuẩn. Liệu pháp miễn dịch dưới lưỡi (sublingual immunotherapy) hiện nay được chấp nhận là phương thức tốt thay thế cho liệu pháp miễn dịch tiêm.
  • Liệu pháp miễn dịch dưới lưỡi được xem là an toàn hơn dưới da, việc sử dụng nó đặc biệt hữu ích ở trẻ em.
  • Liệu pháp miễn dịch dị nguyên đặc hiệu, ở những bệnh nhân được lựa chọn thích hợp, làm giảm đáng kể các triệu chứng dị ứng và sử dụng thuốc.
  • Khác với liệu pháp dùng thuốc, liệu pháp miễn dịch dị nguyên đặc hiệu kích phát những thay đổi sâu và kéo dài trong đáp ứng miễn dịch đối với dị nguyên. Điều này đưa đến hiệu quả lâm sàng lâu dài sau khi ngưng điều trị và trong tác động thay đổi diễn tiến bệnh (ngăn ngừa sự khởi phát hen của mẫn cảm mới).
  • Cơ chế tác động của liệu pháp miễn dịch đặc hiệu đa dạng và phức tạp, và làm thay đổi đáp ứng miễn dịch đối với dị nguyên, dẫn đến giảm phản ứng viêm dị ứng.
  • Cơ chế tác động của liệu pháp miễn dịch dưới da và dưới lưỡi tương tự nhau.
  • Liệu pháp miễn dịch dưới da và dưới lưỡi duy trì các tác dụng có lợi trong nhiều năm sau khi ngừng điều trị.
  • Các chỉ định, chống chỉ định, hạn chế và các khía cạnh thực hành của liệu pháp miễn dịch dị nguyên đặc hiệu được qui định trong nhiều bản hướng dẫn.
  • Các hình thức mới của liệu pháp miễn dịch, sản phẩm dị nguyên và các chỉ định mới (td. dị ứng thức ăn và chàm cơ địa) đang được nghiên cứu.

Các tác nhân sinh học

  • Các phát triển mới đây trong lĩnh vực dị ứng và miễn dịch đã dẫn đến nhiều phương pháp điều trị mới; một số tác nhân đã được áp dụng vào lâm sàng, và hơn nữa còn nhiều tác nhân đang ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
  • Các phương pháp điều trị mới bao gồm đồng vận thụ thể giống toll, thuốc chẹn cytokine, kháng thụ thể cytokine đặc hiệu và các chất điều biến yếu tố phiên mã tác động đến syk kinase, thụ thể gamma được chất tăng sinh peroxisome hoạt hóa và yếu tố nhân kappa B.
  • Kháng thể đơn dòng kháng IgE omalizumab có hiệu quả điều trị hen dị ứng được ghi nhận, nhưng tiêu chuẩn chọn bệnh nhân sẽ hưởng lợi từ điều trị này chưa được xác định rõ.

Giáo dục dị ứng cho bệnh nhân và gia đình

  • Việc đào tạo và giáo dục thích hợp cho bệnh nhân và gia đình là nền tảng để xử trí bệnh dị ứng.
  • Cơ sở bằng chứng của sự hiệu quả trong việc giáo dục và đào tạo tương đối yếu kém nhưng nó có hiệu quả trong bệnh hen và ở một chừng mực ít hơn, trong bệnh chàm và sốc phản vệ.
  • Cần có những phương pháp giáo dục khác nhau cho các nhóm dân có độ tuổi và chủng tộc khác nhau.
  • Công nghệ thông tin hiện đại rất quý giá, đặc biệt là để giáo dục các đối tượng trẻ tuổi hơn.
  • Các chương trình giáo dục và đào tạo cần bao gồm một bản viết kế hoạch hành động tự xử trí bệnh.

Tránh dị nguyên

  • Tránh dị nguyên một cách hữu hiệu dẫn đến sự cải thiện các triệu chứng trên bệnh nhân dị ứng.
  • Lợi ích trên trẻ em bị hen đã được báo cáo trong một số nghiên cứu về các can thiệp môi trường toàn diện.
  • Có ít bằng chứng ủng hộ việc sử dụng các can thiệp đơn giản, đơn độc (td. chỉ bao phủ đồ ngủ) để kiểm soát mức độ dị nguyên mạt bụi nhà.
  • Tương tự, trên bệnh nhân viêm mũi dị ứng với con mạt, biện pháp tránh mạt đơn độc không đem lại lợi ích.
  • Dưới đây hướng dẫn về một phương pháp thiết thực để tránh dị nguyên:

– Sử dụng một biện pháp can thiệp môi trường toàn diện để giảm phơi nhiễm dị nguyên đến mức thấp nhất.

– Điều chỉnh sự can thiệp đối với mẫn cảm dị nguyên của bệnh nhân và tình trạng phơi nhiễm.

– Nếu không thể đánh giá mức độ phơi nhiễm dị nguyên, hãy sử dụng mức kháng thể IgE đặc hiệu với dị nguyên hoặc kích thước mẫn đỏ của test da như một dấu hiệu chỉ báo.

– Bắt đầu can thiệp càng sớm càng tốt trong diễn tiến tự nhiên của bệnh.

– Cần phát triển và đánh giá các chiến lược dự phòng ban đầu nhằm loại trừ hoặc làm giảm sự phơi nhiễm với các tác nhân có tiềm năng gây mẫn cảm.

 

  1. DỰ PHÒNG CÁC BỆNH DỊ ỨNG
  • Tỉ lệ mắc các bệnh dị ứng đã tiếp tục gia tăng ở các nước công nghiệp trong hơn 50 năm.
  • Tỉ lệ mẫn cảm với một hoặc nhiều dị nguyên thường gặp trên học sinh hiện nay đang tiến tới mức 40% – 50%.
  • Các chiến lược được sử dụng để giải quyết những vấn đề này cho tới nay không hiệu quả.
  • Khó dự phòng ban đầu vì không biết những lý do của sự gia tăng tỉ lệ mẫn cảm. Ngoài ra, các cơ chế can dự vào sự tiến triển của mẫn cảm trên số lượng người ngày càng nhiều dẫn đến các bệnh dị ứng cũng được hiểu không hoàn toàn. Hen và dị ứng có thể bắt nguồn từ rất sớm, thậm chí từ trong bụng mẹ.
  • Hiện không có các chỉ dấu sớm đáng tin cậy của các bệnh qua trung gian IgE.
  • Các nghiên cứu mới cho thấy sự dung nạp (tolerance) là chìa khóa để dự phòng. Nên khuyến khích có nhiều nghiên cứu hơn nữa về các cơ chế liên quan đến sự phát triển dung nạp. Không có dung nạp hoặc dung nạp không thỏa đáng trên người dị ứng có vẻ liên kết với các khiếm khuyết mạng lưới điều hòa miễn dịch.
  • Các kế hoạch hen và dị ứng quốc gia (ví dụ Chương trình Hen Phần Lan 1994 – 2004) đã kết luận rằng có thể giảm bớt gánh nặng của những vấn đề sức khỏe cộng đồng này. Sự thay đổi cho tốt hơn có thể đạt được khi chính phủ, cộng đồng, thầy thuốc và các nhân viên y tế khác, và các tổ chức bệnh nhân cùng cam kết tham gia một kế hoạch giáo dục nhằm ứng dụng những thực hành tốt nhất đề phòng và điều trị các bệnh dị ứng.
  1. KINH TẾ Y TẾ, GIÁO DỤC Y KHOA VÀ CHĂM SÓC SỨC KHỎE TIẾT KIỆM – HIỆU QUẢ TRONG DỊ ỨNG

Cung cấp Chăm sóc Sức khỏe và Kinh tế Y tế trong Dị ứng

  • Hen và các bệnh dị ứng là các nguyên nhân đáng kể của tổn hại trên qui mô toàn cầu.
  • Hen ảnh hưởng một cách mất cân đối trên các nhóm dân thiểu số và người thuộc tầng lớp kinh tế – xã hội thấp.
  • Tổng chi phí toàn cầu chăm sóc cho người bệnh hen và các rối loạn dị ứng cao một cách thiếu cân đối, tuy rằng chi phí cho mỗi người tương đối thấp, chủ yếu do tỉ lệ mắc bệnh cao của những rối loạn này.
  • Kiểm soát tối ưuđược trình bàyrõ ràng trong các hướng dẫn dựa trên chứng cứ quốc giavà quốc tế,nhưng lời khuyênnhư vậyđược ứng dụngchắp vá.
  • Đưa ​​ra quyết địnhchunggiữanhân viêny tếvà bệnh nhân giúpcải thiện kết quảvà thầy thuốccần nhận thức đượctầm quan trọng của việc hỗ trợ khi bệnh nhântự xử trí tình trạngcủa mình.

Giáo dục Y khoa trong Dị ứng

Các kết quả được mong đợi đối với việc đào tạo thầy thuốc và nhân viên y tế trong dị ứng là:

  • Cung cấp người tốt nghiệp được trang bị để tiếp tục sự nghiệp của họ trong chăm sóc sức khỏe và đặc biệt là gia tăng số lượng người được đào tạo về các cơ chế và cách xử trí các bệnh dị ứng.
  • Phát triển sự hiểu biết về các tiến trình liên quan đến việc cải thiện cách xử trí bệnh nhân mắc bệnh dị ứng.
  • Phát triển các lĩnh vực giảng dạy mới nhằm đáp ứng sự tiến bộ của kiến thức và các nhu cầu đào tạo nghề nghiệp.
  • Đào tạo kỹ năng nghiên cứu.
  • Phát triển các kỹ năng và sự hiểu biết về các cấu phần phức tạp hơn của bệnh dị ứng gặp trong trong các lĩnh vực thực hành cụ thể.

Hiệu quả – tiết kiệm của việc tư vấn với một chuyên gia dị ứng

  • Các bệnh dị ứng là bệnh mạn tính liên quan đến toàn thân, ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và hệ thống trong cả đời người của người cơ địa dị ứng.
  • Trong việc đánh giá gánh nặng kinh tế của các bệnh dị ứng, cần gộp chung chi phí của một số bệnh ở riêng mỗi cơ quan, bao gồm mũi (viêm mũi dị ứng), xoang (viêm mũi xoang); phổi (hen); da (chàm cơ địa); và các cơ quan khác.
  • Các phân tích hiệu quả – tiết kiệm (cost-effective analyses) đánh giá hiệu quả của một can thiệp y tế so sánh với một can thiệp khác, với tiền đề là có một nhu cầu tăng tối đa hiệu quả so với chi phí của nó.
  • Một can thiệp hiệu quả – tiết kiệm, nếu được sử dụng không đúng, có thể làm phát sinh những chi phí không cần thiết, không đem lại lợi ích nào và thậm chí còn gây hại.
  • Nhà dị ứng là một chuyên gia trong việc hướng dẫn liệu pháp cho thích hợp với từng bệnh nhân và điều chỉnh liều điều trị trong các trường hợp nặng hoặc phức tạp hơn. Các đặc trưng chính của nhà dị ứng là họ hiểu rõ tầm quan trọng của các tác nhân kích phát bên ngoài trong việc gây ra nhiều bệnh khác nhau; họ thành thạo trong cả chẩn đoán lẫn điều trị các rối loạn đa hệ thống, bao gồm việc sử dụng biện pháp tránh dị nguyên và chọn thuốc và/hoặc liệu pháp miễn dịch thích hợp; và họ có kiến thức về thực hành liệu pháp miễn dịch dị nguyên đặc hiệu.
  • Việc thầy thuốc không chuyên khoa diễn dịch sai các kết quả xét nghiệm chẩn đoán có thể dẫn đến chẩn đoán quá mức và xử trí không thích hợp, có thể gây nguy hiểm cho bệnh nhân. Nó có thể dẫn đến kê toa điều trị quá mức và tốn kém, và các biện pháp tránh dị nguyên không cần thiết, bao gồm các thực đơn ăn kiêng có thể dẫn đến thiếu dinh dưỡng và tổn hại thứ phát. Ngược lại, đánh giá không đúng mức về độ nặng của hen có thể dẫn đến điều trị không đúng mức gây nguy hiểm đến tính mạng hoặc không dùng liệu pháp miễn dịch có tiềm năng thay đổi cuộc sống.
  • Hiệu quả – tiết kiệm của việc tư vấn với nhà dị ứng sẽ được chứng minh qua sự cải thiện kết quả và kinh nghiệm của bệnh nhân cùng với việc giảm những khoản chi phí không cần thiết của cơ quan chi trả, xã hội hoặc bệnh nhân/gia đình.

 

Tuyên ngôn của
Tổ chức Dị ứng Thế giới

TUYÊN NGÔN

Trong vai trò là tổ chức bảo trợ cho các hội dị ứng, hen và miễn dịch lâm sàng quốc gia và khu vực trên thế giới, Tổ chức Dị ứng Thế giới đã mời tất cả 84 hội thành viên để đóng góp xây dựng Sách trắng bằng cách tham gia một cuộc điều tra trực tuyến về hiện trạng và nhu cầu chuyên khoa ở quốc gia hoặc khu vực tương ứng. Sự phản hồi từ các hội thành viên cùng với những bài tổng quan khoa học được đưa vào Sách trắng hình thành nên cơ sở của Tuyên ngôn của Tổ chức Dị ứng Thế giới.

  1. Các nghiên cứu dịch tễ về bệnh dị ứng

Nhu cầu được nhận diện:

Ở một số nơi trên thế giới, có rất ít thông tin dịch tễ được công bố về tỉ lệ tổng thể của các bệnh dị ứng, và đặc biệt là về từng bệnh cụ thể. Ví dụ, có ít hoặc không có thông tin nào về hen nặng; sốc phản vệ; dị ứng thức ăn; dị ứng côn trùng; dị ứng thuốc; và các trường hợp phức tạp bệnh dị ứng đa cơ quan. Một vài nước hiện có dữ liệu về một số trong những rối loạn này, nhưng chỉ ở một vài nhóm tuổi.

Khuyến nghị:

Mỗi nước nên thực hiện các nghiên cứu dịch tễ để xác định được gánh nặng thât sự của các bệnh dị ứng; hen; và các bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát và thứ phát. Đây là bước thiết yếu đầu tiên trong việc bảo đảm cung cấp đầy đủ thầy thuốc và dịch vụ chăm sóc sức khỏe chuyên nghiệp để đáp ứng các nhu cầu hiện tại và tương lai.

  1. Các dị nguyên và chất gây ô nhiễm môi trường

Nhu cầu được nhận diện:

Thông tin dựa vào chứng cứ về các dị nguyên và chất gây ô nghiễm trong nhà và ngoài nhà quan trọng chịu trách nhiệm gây ra hoặc làm nặng thêm các bệnh dị ứng và hen hiện nay còn thiếu, hoặc nếu có thì không phải lúc nào cũng có thể truy cập toàn cầu.

Khuyến nghị:

Các dị nguyên và chất gây ô nhiễm trong nhà và ngoài nhà ở địa phương, vốn gây ra hoặc làm nặng thêm các bệnh dị ứng cần được nhận diện, và nếu được, nên lập bản đồ và định số lượng. Cần thực hiện các biện pháp dự phòng về môi trường và nghề nghiệp thích hợp ở những nơi chưa có biện pháp nào hoặc khi cần thiết. Các chiến lược đã được chứng minh có hiệu quả trong việc phòng bệnh cũng cần được thực hiện.

III. Sự sẵn có của các dịch vụ dị ứng, hen và miễn dịch lâm sàng (nhà dị ứng) và của các thuốc thích hợp

Nhu cầu được nhận diện:

Nhu cầu ngày càng tăng về chuyên gia dị ứng nhiều hơn và về sự hiện hữu của các trung tâm chẩn đoán và điều trị dị ứng quốc gia và khu vực nhằm tạo thuận lợi cho việc kịp thời chuyển bệnh nhân mắc các bệnh dị ứng phức tạp. Việc tiếp cận với điều trị chi trả nổi và hiệu quả – tiết kiệm và với các liệu pháp mới là cấn thiết. Ví dụ, ở một số nơi trên thế giới hiện nay chưa có bơm adrenaline tự tiêm dành cho bệnh nhân có nguy cơ sốc phản vệ; các thuốc mới hơn và hiệu quả hơn để điều trị hen nặng; và việc tiếp cận liệu pháp miễn dịch dị nguyên.

Khuyến nghị:

Các cơ quan y tế công cộng nên cung cấp các dịch vụ dị ứng/miễn dịch lâm sàng đầy đủ, bao gồm việc tiếp cận các chuyên gia và các trung tâm chẩn đoán và điều trị. Nhà dị ứng phải có khả năng kê toa các thuốc hiệu quả – tiết kiệm nhất để xử trí bệnh của bệnh nhân. Các ví dụ gồm có bơm adrenaline tự tiêm để điều trị sốc phản vệ; kháng-IgE đối với hen nặng; các thuốc rất hữu hiệu để điều trị mày đay mạn tính và phù mạch, phù mạch di truyền, viêm mũi, viêm kết mạc và hen. Liệu pháp miễn dịch dị nguyên đặc hiệu có hiệu quả trong việc ngăn ngừa khởi phát hen và là điều trị sẵn có duy nhất để phòng ngừa sốc phản vệ và tử vong sốc phản vệ do ong mật, ong vò vẽ, ong vàng, ong bắp cày và kiến gây ra. Hỏi ý kiến các nhà dị ứng, chẩn đoán và điều trị kịp thời là cần thiết để cải thiện kết quả dài hạn và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, và để làm giảm các chi phí trực tiếp và gián tiếp không cần thiết cho bệnh nhân, cơ quan thanh toán và xã hội.

  1. Giáo dục đại học và sau đại học cho thầy thuốc và thầy thuốc nhi khoa chăm sóc ban đầu

Nhu cầu được nhận diện:

Cần đào tạo đại học và sau đại học về dị ứng, hen và miễn dịch lâm sàng cho thầy thuốc đa khoa và thầy thuốc nhi khoa để các thầy thuốc và thầy thuốc nhi khoa chăm sóc ban đầu có thể giúp bệnh nhân mắc bệnh dị ứng một cách thích hợp.

Khuyến nghị:

Các bệnh dị ứng là nguyên nhân chính của tổn hại và tử vong. Đào tạo đại học và sau đại học thích hợp cho sinh viên y khoa, thầy thuốc đa khoa, thầy thuốc nhi khoa, và các nhân viên y tế khác sẽ chuẩn bị cho họ nhận biết dị ứng là nguyên nhân nền tảng của nhiều bệnh thường gặp. Nó cũng giúp họ có khả năng xử trí các rối loạn dị ứng nhẹ, không biến chứng bằng cách nhắm đến các cơ chế viêm nền tảng đi cùng với những bệnh này. Họ sẽ biết nên chuyển các trường hợp phức tạp hơn đi khám chuyên khoa vào lúc nào và bằng cách nào. Sự giáo dục như thế ở trình độ thực hành tổng quát có tầm quan trọng đặc biệt vì đại đa số bệnh nhân mắc bệnh dị ứng được điều trị bởi thầy thuốc và thầy thuốc nhi khoa chăm sóc ban đầu. Những thầy thuốc này cũng sẽ được yêu cầu cùng xử trí những bệnh nhân ấy với một chuyên gia dị ứng và cần ý thức được vai trò của nhà dị ứng hoặc chuyên gia miễn dịch lâm sàng trong việc khảo sát, xử trí và chăm sóc các bệnh nhân có những vấn đề dị ứng phức tạp.

  1. Công nhận chuyên khoa và chương trình đào tạo

Nhu cầu được nhận diện:

Trên toàn cầu, các cơ sở giáo dục y khoa cần công nhận dị ứng / miễn dịch lâm sàng là một chuyên khoa hoặc nhánh chuyên khoa, để có các chương trình đào tạo đầy đủ về chăm sóc tối ưu cho bệnh nhân.

Khuyến nghị:

Sự thành thạo trong dị ứng và miễn dịch lâm sàng phải là một bộ phận không thể tách rời trong công tác chăm sóc của các tất cả các phòng khám chuyên khoa. Nơi nào hiện nay chưa đào tạo dị ứng / miễn dịch lâm sàng hoặc chưa được công nhận là một chuyên khoa, cần xây dựng chương trình đào tạo quốc gia và chính thức công nhận để giúp cho các thầy thuốc được tuyển chọn nhận được sự đào tạo chính thức và có bằng cấp cần thiết để trở thành nhà dị ứng / nhà miễn dịch lâm sàng có chứng nhận. Những chương trình như vậy cũng sẽ giúp cho các thầy thuốc thực hành tổng quát, kể cả thầy thuốc nhi khoa, nâng cao khả năng chăm sóc thường qui đối với những bệnh nhân mắc bệnh dị ứng.

  1. Nhận thức của công chúng về dị ứng, hen và miễn dịch lâm sàng

Nhu cầu được nhận diện:

Ở hầu hết các nhóm dân số trên thế giới, chưa có sự giáo dục và nhận thức đầy đủ về tổn hại và tử vong đi cùng với các bệnh dị ứng; bản chất thường là mạn tính của những bệnh này; tầm quan trọng của việc tư vấn với một thầy thuốc được đào tạo về dị ứng, hen và miễn dịch lâm sàng; và các thuốc và các điều trị sẵn có để điều trị và phòng bệnh thích hợp.

Khuyến nghị:

Các cơ quan quản lý y tế cần xem các bệnh dị ứng là một nguyên nhân chính của tổn hại và tử vong. Họ cần hợp tác với các hội dị ứng, hen và miễn dịch lâm sàng quốc gia và các nhóm hỗ trợ bệnh nhân để quảng bá rộng rãi sự cần thiết về nhận thức chung và chăm sóc thích hợp đối với những bệnh này.

 

Kết luận

Tổ chức Dị ứng Thế giới (WAO) là một tổ chức toàn cầu gồm 92 hội dị ứng và miễn dịch lâm sàng quốc gia và khu vực. Những hội quốc gia và khu vực này là một nguồn kiến thức và trình độ chuyên sâu xuất sắc. Điều được khuyến cáo mạnh mẽ là các quan chức y tế công cộng và chính phủ, lãnh đạo các trường y khoa và các nhóm bệnh nhân cần hợp tác với những hội này để thúc đẩy chất lượng tốt nhất trong chăm sóc bệnh nhân mắc các bệnh dị ứng.

Là thành viên của Tổ chức Dị ứng Thế giới, các hội dị ứng, hen và miễn dịch lâm sàng khu vực và quốc gia góp phần vào công việc của các Hội đồng WAO và sẵn sàng trợ giúp khi có yêu cầu về cách tốt nhất để thực hiện những khuyến nghị này.

Thông tin hiện có trên website của WAO www.worldallergy.org và mọi yêu cầu có thể gửi trực tiếp đến info@worldallergy.org.